Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Một mình chống lại tư pháp tham nhũng ở Việt Nam

-Allein gegen Vietnams korrupte Justiz (Một mình chống lại tư pháp tham nhũng ở Việt Nam)
Frederic Spohr Fri, 11/27/2015

Đó là tựa đề bài báo của ký giả Frederic Spohr, được đăng ngày 25.11.2015 trên tờ Handelsblatt, một tờ báo chuyên ngành kinh tế hàng đầu tại Đức, nhân dịp Trương Tấn Sang được bà thù tướng Angela Merkel tiếp kiến, trình bày về vụ nhiều nhà doanh nghiệp Đức bị lửa tại Việt Nam. Trong số đó có ông Heiko Grimm, một doanh nhân ngành du lịch đã mất sạch 30.000 $ tiền ông ta đầu tư tại Việt Nam.

Bài báo được Tiến sĩ Dương Hồng Ân (Forum VN 21) tóm dịch ra Việt ngữ:


Cùng lúc Trương Tấn Sang đang công du Đức quốc, một doanh nhân từ tiểu bang Sachsen, ông Heiko Grimm, yêu cầu chính phủ CHLB Đức giúp bồi thường cho ông số tiền ông bị lừa tại Việt Nam.

Ông Heiko Grimm, giám đốc công ty du lịch ITI-Holiday, ngỏ ý với báo Handelsblatt chính phủ CHLB Đức, thay vì mơn trớn, nên nói thẳng với Truong Tấn Sang rằng nạn tham nhũng rất trầm trọng tại Việt Nam.

Chính phủ CHLB Đức chỉ hỗ trợ các công ty, tập đoàn lớn mà không giúp cho các doanh nghiệp cấp trung và các doanh nghiệp nhỏ khi họ bị lừa. Những lời phát biểu của ông Grimm là do chính ông rút từ kinh nghiệm bản thân. Ông đã quá tin tưởng vào một bạn hàng đối tác Việt Nam và đầu tư số tiền 30.000 $ (ba mươi ngàn US $) vào một công ty du lịch tại Việt Nam năm 2012. Từ ba năm nay, ông tìm đủ mọi cách lấy lại số tiền đầu tư này.

Vài tháng sau khi đầu tư, Heiko Grimm trở lại Việt Nam thì được biết khi đăng ký thay vì tên ông Grimm thì lại là tên bà vợ người đối tác kinh doanh được đăng ký. Người ta còn giả mạo chữ ký của ông cần cho việc đăng ký. Khiếu nại của ông Grimm tại các cơ quan nhà nứớc hoàn toàn vô hiệu quả. Số tiền 30.000 $ không cánh má bay.

Trả lời câu hỏi của báo Handelsblatt bộ kinh tế và năng lượng Đức (KTNLĐ) cho hay bộ đã biết đến trường hợp công ty ITI-Holiday bị lừa. Vụ này là một trong nhiều vụ nhiều doanh nhân Đức đã than phiền và kêu gọi chính phủ CHLB Đức can thiệp. Tuy nhiên bộ KTNLĐ không trả lời chi tiết. Trên nguyên tắc, bộ KTNLĐ rất chú tâm quan sát tình hình của các công ty Đức ở nước ngoài và hỗ trợ họ khi gặp khó khăn pháp lý hay chính trị với các cơ quan chính quyền sở tại. Một phát ngôn viên cho biết từ năm 2008 chính phủ liên bang Đức thường xuyên trao đồi với chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ cuộc đối thoại được gọi là „Đối thoại về nhà nước pháp quyền“.



Heiko Grimm đã mất thêm khoảng 15.000 $ trả cho luật sư cho vụ lừa đảo này tại Việt Nam. Hiệp hội Đức „Thương mại và Đầu tư" cảnh báo về tệ trang tham nhũng tại Việt Nam, về pháp luật không rõ ràng và tính cách quan liêu của các quan chức Việt.

Heiko Grimm đã không bỏ cuộc và kiện tiếp. Một tòa án Việt Nam đã lên bản án quyết định tên ông Grimm phải được ghi đồng sở hữu công ty ông đầu tư. Tuy nhiên, bản án này không được thi hành vì các quan chức trách nhiệm không lưu tâm thi hành án của tòa.

Ông Heiko Grimm còn thưa trường hợp này lên đến cấp bộ trưởng và được bộ kinh tế Đức cho biết, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Bùi Quang Vinh hứa với bộ trưởng kinh tế Đức Sigmar Gabriel sẽ xem xét vấn đê. Nhưng mọi chuyện vẫn không đi đến đâu và không được giải quyết.
Nhân chuyến thăm của Trương Tấn Sang, ông Grimm lần này còn viết cho bà thù tướng Merkel, yêu cầu bà đặt vần đề với ông Sang về đề tài an ninh pháp lý cho các doanh nghiệp Đức tại Vietnam.

Ông Grimm còn đề nghị chính phủ Đức dùng một phần tiển viện trợ cho Việt Nam để giúp cho cac doanh nhân Đức bị lừa tiền tại Việt Nam. Báo Handelsblatt hỏi chính phủ Đức thực sự có đặt vần đề này trong cuộc đàm phán với phái đoàn Việt Nam nhưng đến nay chưa được trả lời./.



Nguyên bản tiếng Đức:
http://www.handelsblatt.com/unternehmen/mittelstand/reise-unternehmer-al...




*********************

-Đài truyền hình Đức: “Việt Nam khó lòng cạnh tranh với Myanmar, Campuchia”
TÂM AN

15:55 24/10/2015
BizLIVE - Trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Đức Stelnmaler, đài truyền hình đối ngoại Đức Deutsche Welle có bài phát biểu về kinh tế Việt Nam trong đó đề cập đến những cơ hội, thách thức khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do.

Thương vụ Việt Nam tại Đức cho biết, đài truyền hình đối ngoại Đức mới đây có bài phát biểu về kinh tế Việt Nam: "Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế".
Đánh giá về Việt Nam, Deutsche Welle nhận định, Ngoại trưởng Đức đến thăm một đất nước mà cuối những năm 80 đã có những bước phát triển kinh tế ngoạn mục. Kể từ "Đổi mới" kinh tế Việt Nam phát triển bình quân 7 đến 8% /năm, chỉ từ 2014 là 5,98% dưới mức bình quân trước đây. Năm 2009 thu nhập bình quân đầu người đạt mức 1000 USD/người và được Ngân hàng thế giới liệt vào nước có thu nhập trung bình và do vậy không còn là nước đang phát triển nữa.
"Ít nhất là sau khi đạt mức phát triển này thì nhu cầu tất yếu là cần phải cải cách hơn nữa nền kinh tế nếu muốn giữ mức phát triển như hiện nay. Do mức lương ở Việt Nam ngày càng tăng nên Việt Nam khó lòng cạnh tranh với những nước đang phát triển khác trong khu vực như Myanmar hay Campuchia", Deutsche Welle bình luận.
Ngoài ra, cũng theo Deutsche Welle, Việt Nam chưa có đủ thời gian để phát triển một nền công nghiệp hiện đại hay một lực lượng doanh nghiệp loại vừa làm nòng cốt phát triển kinh tế ở các nước công nghiệp. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ rơi vào bế tắc về đường lối phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, Việt Nam đã có những chính sách để ngăn chặn nguy cơ kể trên mà một trong những trụ cột là các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đài truyền hình Đức chỉ ra, các FTA này giúp Việt Nam có thể trở thành tâm điểm quốc tế cho thương mại thế giới, giúp cải thiện môi trường đầu tư trong nước.
Song, các FTA cũng có thể đẩy Việt Nam vào chỗ bế tắc nhất là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, của nền nông nghiệp.
"Việc hình thành một nền công nghiệp phát triển hay của một lớp doanh nghiệp vừa rất có thể bị những cạnh tranh khốc liệt từ bên kia đại dương bóp chết từ trứng nước", đài này bình luận.
Theo đó, điều Việt Nam cần tiếp tục cải thiện là đào tạo lực lượng lao động và quản lý lành nghề, đẩy mạnh hạ tầng phát triển công nghiệp phụ trợ cũng như chống tham nhũng. Một nghiên cứu cho biết tham nhũng đang là một vấn đề vì ngày càng nhiều các vụ hối lộ với mức tiền ngày càng tăng mặc dù Luật chống tham nhũng mới được Quốc hội sửa đổi và Chính phủ hướng dẫn thi hành.

-Nghịch lý tăng trưởng-22/10/2015, 08:36 (GMT+7)
Tư Giang


(TBKTSG) - Lẽ ra, kinh tế tăng trưởng, thu ngân sách cao hơn thì nhiều chỉ số, lĩnh vực khác trong nền kinh tế - xã hội cũng phải tốt hơn, song tiếc thay, có hàng loạt vấn đề mâu thuẫn, tương phản lại xuất hiện.


Bước vào kỳ họp thứ 10 của Quốc hội lần này, Chính phủ có hai thành tích nổi trội để báo cáo: tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong năm năm qua, và thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng 7% so với cùng kỳ.

Tốc độ tăng GDP chín tháng đầu năm đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ bốn năm trước. Chính phủ nhìn nhận, nền kinh tế phục hồi khá rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây. Đó là một tín hiệu tốt sau một thời gian dài kinh tế trầm lắng.

Kinh tế tăng trưởng được thể hiện phần nào trong thu NSNN, bất chấp giá dầu thô sụt giảm. Báo cáo của Chính phủ cho biết, tổng thu NSNN thực hiện chín tháng ước đạt 683.000 tỉ đồng, bằng 75% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ. Đây là điều đáng mừng khi giá dầu thô hiện dao động trong khoảng 46 đô la Mỹ/thùng từ đầu quí 3 đến nay, giảm hơn một nửa so với ước tính.

Lẽ ra, kinh tế tăng trưởng, thu ngân sách cao hơn thì nhiều chỉ số, lĩnh vực khác trong nền kinh tế - xã hội cũng phải tốt hơn, song tiếc thay, có hàng loạt vấn đề mâu thuẫn, tương phản lại xuất hiện.

Đầu tiên là bội chi ngân sách. Thực hiện Nghị quyết số 78/2014/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch vay nợ với tổng khối lượng là 436.000 tỉ đồng, trong đó 226.000 tỉ để bù đắp bội chi; 85.000 tỉ cho đầu tư và 125.000 tỉ đồng để đảo nợ.
Bội chi cao thì lẽ ra phải tăng chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng chi cho ít nhất là hai loại dịch vụ công cơ bản là y tế và giáo dục. Nhưng thực tế không như vậy.


Trong chín tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) là 127.473 tỉ đồng, bằng 51% kế hoạch năm. Trong khi đó, khối lượng thanh toán gốc và lãi TPCP trong chín tháng đầu năm 2015 là 160.684 tỉ đồng. Như vậy, trong chín tháng đầu năm 2015, khối lượng vốn huy động mới từ phát hành TPCP thiếu hụt 33.211 tỉ đồng để thanh toán trả nợ khối lượng gốc và lãi TPCP đến hạn. Theo ước tính, nếu không được phát hành TPCP kỳ hạn ngắn (theo nhu cầu của thị trường) thì dự kiến cả năm 2015 chỉ huy động được khoảng 160.000 tỉ đồng, hụt 90.000 tỉ đồng so với kế hoạch.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt này, Chính phủ đang đề nghị Quốc hội cho phát hành TPCP kỳ hạn dưới năm năm.

Tình trạng bội chi NSNN là rất đáng quan ngại, nó không chỉ xuất hiện trong năm nay mà tích tụ từ nhiều năm qua, khi bội chi luôn bằng ít nhất 5% GDP. Mục tiêu bội chi giảm xuống còn 4,5% GDP, như Quốc hội đã yêu cầu, đã không thể đạt được, làm nợ công ngày càng tăng cao.

Quan trọng hơn, như nhiều nhà kinh tế nhận xét, tình trạng gia tăng bội chi, và nợ công ngày càng dày lên và không có điểm dừng. Ngay trong số liệu trên xuất hiện tình trạng sử dụng một phần bội chi cho chi thường xuyên và trả nợ, vi phạm ngay Luật NSNN vừa được thông qua chưa ráo mực. Quốc hội là cơ quan giám sát cao nhất phải có trách nhiệm trong việc này.

Bội chi cao thì lẽ ra phải tăng chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng chi cho ít nhất là hai loại dịch vụ công cơ bản là y tế và giáo dục. Đây là điều bất kỳ nhà nước nào - nhất là Nhà nước của dân, do dân và vì dân - đều phải làm vì lợi ích của người dân, những người đóng thuế. Đáng tiếc thay, không thấy Nhà nước tăng chi cho những lĩnh vực công cơ bản này, mà ngược lại, đang đưa ra nhiều loại phí, lệ phí để tận thu từ người dân.

Số liệu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tổng chi đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2011-2015 bằng khoảng 18,1% so với tổng chi NSNN, giảm mạnh so với 25% trong tổng chi NSNN giai đoạn 2006-2010. Điều này cho thấy phần rất lớn còn lại dùng để chi thường xuyên, chi trả nợ để nuôi bộ máy nhà nước ngày càng phình to.

Trong khi chi đầu tư phát triển bị co lại, thì các dự án giao thông theo hình thức BOT, BT... ngày càng nở rộ. Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải của Bộ Giao thông Vận tải, vốn huy động ngoài ngân sách tăng mạnh trong giai đoạn từ 2011 đến nay, từ mức 8.787 tỉ đồng năm 2011 tăng lên 41.300 tỉ đồng năm 2014 và 41.980 tỉ đồng năm 2015. Tốc độ tăng trưởng của vốn huy động ngoài ngân sách tăng tới gần 48% mỗi năm trong giai đoạn này, và “tăng cao nhất” so với các nguồn vốn khác.

Đây là một điều tốt, nhưng ngược lại, cũng có những tác dụng ngược. Điều này thể hiện ở chỗ, hàng chục trạm soát vé BOT “băm nát” quốc lộ 1A, hay đang “bao vây” khắp Hà Nội, TPHCM là các trung tâm kinh tế lớn. Các nhà đầu tư tư nhân đã bỏ ra 35.000 tỉ đồng để lập tới 17 trạm thu phí dọc quốc lộ 1A - con đường huyết mạch của nền kinh tế.

Số tiền 35.000 tỉ đồng không đáng là bao nếu so với tổng chi ngân sách. Vì sao tăng bội chi, tăng thu ngân sách mà Nhà nước lại thiếu hụt khoản tiền này để nay gánh nặng phí, lệ phí giao thông đang dồn sang người dân, doanh nghiệp? Vì sao Quốc hội, các vị đại biểu không làm tốt chức năng giám sát của mình trong bối cảnh này?

Thêm vào đó là tình trạng học phí, viện phí đang trong quá trình tăng rất nhanh ở mọi nơi, mọi cấp. Người ta có thể đặt câu hỏi, vì sao thu ngân sách tăng cao mà không tăng chi cho hai dịch vụ công là y tế, giáo dục vốn thuộc trách nhiệm của Nhà nước?

Một dấu hiệu không đồng điệu với tăng trưởng kinh tế là trào lưu doanh nghiệp tư nhân phá sản. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, chỉ trong chín tháng năm 2015 số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lên tới 54.566, tương đương cả năm 2011 và 2012. Mà xu hướng này vẫn chỉ là tiếp nối khi năm 2013 có khoảng 60.000, năm 2014 khoảng 67.800 doanh nghiệp đã phá sản, giải thể. Điều này cho thấy, kinh tế ngày càng phải dựa vào vốn FDI. Vì sao kinh tế tăng trưởng mà doanh nghiệp nội ngày càng ra rìa, teo tóp đi?


-“Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước… không chịu phát triển!”
Đó là lời “nói đùa” mà rất đau của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới được chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan thuật lại với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước về Đà Nẵng dự hội nghị.
Không cạnh tranh được trong ASEAN thì nói gì đến cạnh tranh với Mỹ, EU
Tiếp tục bài nói chuyện “Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong hội nhập quốc tế” tại hội nghị kết nối các DN nhỏ và vừa toàn quốc do Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức chiều 8/8 ở Đà Nẵng ( Infonet đã đưa tin ), chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nêu rõ, nhìn vào các FTA mà Việt Nam đã ký kết cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta với các đối tác chiếm tỉ lệ rất lớn và sắp tới sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn nữa.
Hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước tham dự hội nghị kết nối do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng ngày 8/8 (Ảnh: HC)
Tuy nhiên, nếu nhìn vào bước đường hội nhập thì có thể thấy điều rất đáng lo là năng lực cạnh tranh của Việt Nam cho đến nay vẫn còn thua xa các nước ASEAN 6. Đã 20 năm tham gia ASEAN nhưng Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm 4 nước lạc hậu hơn của ASEAN (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar).
“Do vậy, năm 2014, Thủ tướng đã đưa ra những cố gắng để cải thiện môi trường kinh doanh một cách cơ bản cho DN, và sau đó quyết định lấy năm 2015 là “Năm Doanh nghiệp”. Trên tinh thần đó, nhiều nơi cũng quyết định lấy năm nay là năm của DN. Quốc hội, Ban Kinh tế TƯ cũng coi năm nay là năm tập trung để cải thiện cho DN. Cải thiện môi trường kinh doanh chính là để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam!” – Bà Phạm Chi Lan nói.
Theo bà, Thủ tướng quyết định lấy chuẩn của các nước ASEAN làm chuẩn cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Năm 2014, Thủ tướng chủ trương Việt Nam phải cải thiện các chỉ số của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh sao cho ngang bằng với ASEAN 6. Năm nay thì Thủ tướng đưa ra tiêu chuẩn ở mức cao hơn là đến năm 2015, Việt Nam phải cạnh tranh được với ASEAN 4 (4 nước tiên tiến nhất trong ASEAN).
“Tham gia hội nhập với rất nhiều nước lớn nhưng ASEAN phải là nơi đầu tiên mà Việt Nam có thể cạnh tranh được. Không cạnh tranh được trong ASEAN thì phải nói thẳng là với các đối tác lớn hơn như Hoa Kỳ, EU có khả năng cạnh tranh cao hơn rất nhiều thì Việt Nam sẽ vô cùng khó khăn!” – Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Để có 1 đồng lợi nhuận phải mất… 1,02 đồng “bôi trơn”!
Bà Phạm Chi Lan còn nêu rõ, không chỉ xếp hạng về môi trường kinh doanh mà xếp hạng về thể chế của Việt Nam hiện nay cũng khá thấp. Đặc biệt, trong xếp hạng về thể chế thì Việt Nam xếp ở mức rất kém trong các chỉ số về chi phí ngoài pháp luật, chi phí “bôi trơn” so với nhiều nước khác.
“Một điều tra cho thấy, ở Việt Nam, trung bình cứ 1 đồng lợi nhuận thì DN phải mất 1,02 đồng cho “bôi trơn”. Có nghĩa, nếu tham nhũng ở nước ta giảm đi 50% thì đã làm tăng được 50% lợi nhuận của DN rồi. Đây là một trong những điều giải thích tại sao DN Việt Nam cứ nhỏ mãi. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhận xét DN Việt Nam hiện nay có xu hướng… li ti hóa, tức là nhỏ đi so với trước!” – chuyên gia Phạm Chi Lan cho hay.
Dẫn số liệu điều tra của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam cho thấy, so với 10 năm trước đây thì quy mô của DN Việt Nam hiện chỉ còn bằng một nửa, chuyên gia Phạm Chi Lan bức xúc đặt câu hỏi. “Đáng lẽ sau 10 năm, quy mô của DN Việt Nam phải lớn lên chứ tại sao lại nhỏ đi?”.
Rồi bà trả lời: “Một trong những nguyên nhân chính là tham nhũng đã lấy mất lớn hơn so với lợi nhuận của DN. Bị lấy mất lợi nhuận rồi thì DN còn gì để tái đầu tư, để mở rộng được? Và DN sẽ co lại vì họ làm được 1 nhưng có những ông khác không làm gì cả mà tước đoạt của họ hơn 1 thì tội gì họ làm nữa”.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan phát biểu tại hội nghị (Ảnh: HC)
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, trong các nước tham gia TPP thì Việt Nam xếp ở hàng thấp nhất về trình độ công nghệ dù đây là yếu tố mà ai cũng biết là vô cùng quan trọng đối với năng lực cạnh tranh. Đây là vấn đề thuộc về tầm quốc gia và phải được Nhà nước ưu tiên quan tâm chứ không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của DN.
“Hệ thống chính sách của chúng ta nói rất nhiều, rất hay về đổi mới công nghệ nhưng trên thực tế, rất nhiều DN cho biết họ không thể tiếp cận được với những chính sách khuyến khích của Nhà nước. Chỉ ai tự có năng lực thì mới tự đổi mới công nghệ được thôi chứ còn họ “quên” đi tất cả những cái của Nhà nước, bởi vì chi phí để nhận được ưu đãi có khi lại còn lớn hơn cả mức được ưu đãi. Đó là điều rất đau gây cản trở cho sự phát triển công nghệ của chúng ta!” – chuyên gia Phạm Chi Lan bức xúc nói.
Mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước... không chịu phát triển?!
Bà Phạm Chi Lan nêu rõ, Nhà nước phải cố gắng rất nhiều để đàm phán và ký kết các FTA, trong đó phải có những nhượng bộ để các đối tác mở cửa thị trường cho mình. Nhưng trên thực tế, đến thời điểm này tận dụng được tốt nhất FTA đã ký chỉ là với Hàn Quốc. Theo đó, hơn 73% chứng nhận xuất khẩu sang Hàn Quốc là được hưởng ưu đãi. Nhưng đi sâu vào 73% này thì lại thấy đa phần DN được hưởng ưu đãi lại là DN Hàn Quốc chứ không phải Việt Nam.
“Điều đó cho thấy DN Việt Nam chưa tận dụng được những ưu thế từ FTA. Chúng tôi đang đề xuất Bộ Công thương xem lại chính cách thức của Bộ trong việc cung cấp các ưu đãi hoặc phổ biến như thế nào mà để DN Việt Nam tiếp cận được ưu đãi thấp như thế? Nếu DN không biết hoặc quá khó để tiếp cận được thì là thành phí hoài công sức của các vị ấy đi đàm phán. Đây cũng là sự lãng phí rất lớn!” – Bà Phạm Chi Lan nói.
Theo chuyên gia này, khó khăn đối với DN Việt Nam gần như là chuyện muôn thuở. 5 – 7 năm nay, Diễn đàn Kinh tế thế giới tiến hành điều tra thì đều cho ra sơ đồ tương tự nhau về khó khăn của DN Việt Nam chứ không thay đổi bao nhiêu. Bà nói thẳng là cảm thấy rất đau khi các chuyên gia Diễn đàn Kinh tế thế giới hỏi: Tại sao Việt Nam kỳ lạ thế, những điều này nói hoài mà không sửa được, không thay đổi được?
“Một số chuyên gia WB còn nói đùa Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển! Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỉ USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!” – chuyên gia Phạm Chi Lan nói một cách khá chua chát.
Theo bà, khi tham gia các FTA thì không phải chỉ cạnh tranh ở tầm DN mà cạnh tranh ở tầm nhà nước cũng vô cùng quan trọng. Nhà nước Việt Nam cũng phải cạnh tranh với Nhà nước của các nước khác về thể chế, môi trường kinh doanh, năng lực điều hành nền kinh tế vĩ mô… Mặc dù khi tham gia các FTA thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đòi hỏi cao hơn, khắc nghiệt hơn nhưng chính điều này sẽ giúp Việt Nam nâng tầm mình lên.
“Nói thật, chơi mà cứ cạnh tranh loanh quanh trong cái ao của ASEAN thì không đủ. Chúng ta phải cố gắng để vươn ra biển lớn, chấp nhận sóng gió lớn hơn thì mới có thể vượt lên được. Trong điều kiện môi trường kinh doanh của chúng ta chưa thuận lợi, khi có các hiệp định mới này, chắc chắn Nhà nước sẽ phải thay đổi nhiều về hệ thống luật pháp, chính sách trong nước cho phù hợp với các cam kết. Và từ đó đổi mới kinh tế sang hệ thống kinh tế thị trường đầy đủ sẽ giúp cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam tốt hơn, bình đẳng hơn!” – Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
HẢI CHÂU

Tổng số lượt xem trang