Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Việt Nam 40 năm sau chiến tranh: Chiến thắng kiểu cộng sản đã nhường chỗ cho tham nhũng kiểu tư bản như thế nào?

-Việt Nam 40 năm sau chiến tranh: Chiến thắng kiểu cộng sản đã nhường chỗ cho tham nhũng kiểu tư bản như thế nào?
Sau chiến thắng về mặt quân sự, mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam bắt đầu sụp đổ. Bị cô lập bởi cấm vận thương mại do Hoa Kỳ dẫn đầu, và bị từ chối hỗ trợ tái thiết, Việt Nam đã đắm chìm trong nghèo đói. Bây giờ nền kinh tế Việt Nam đang bùng nổ - nhưng bất bình đẳng và tham nhũng cũng tăng theo.

Người lính Nam Việt Nam đang nằm ngủ trên chiếc tàu chở quân của Hải Quân Hoa Kỳ năm 1962. Ảnh: AP/Horst Faas

Vào một buổi sáng sớm của tháng Hai năm 1968, khi giao tranh ở miền Trung Việt Nam đặt tới đỉnh cao mới về sự điên cuồng, một toán lính Hàn Quốc tràn vào ngôi làng Hà My, một ngôi làng chỉ có vài khóm tre và cánh đồng nằm rải rác cách thành phố Đà Nẵng khoảng một tiếng đồng hồ đi xe. Những người lính này thuộc lữ đoàn Thanh Long, chiến đấu bên cạnh người Mỹ, cố gắng dập tắt một cuộc nổi dậy của phe cộng sản.

Đã nhiều tuần lễ liên tiếp, họ dồn những người nông dân và gia đình của họ vào một khu vực tập trung mà người Mỹ gọi là “ấp chiến lược”. Bằng việc đưa những người nông dân này rời khỏi làng, họ hy vọng rằng quân du kích cộng sản sẽ bị bỏ đói và không có chỗ trú ẩn. Và đã nhiều tuần liên tiếp, những người nông dân và gia đình của họ trốn khỏi ấp chiến lược, quay lại làng Hà My, bởi họ căm ghét bị giam lỏng, bởi họ cần cày cấy. Giờ đây, sức chịu đựng của lữ đoàn Thanh Long đã vượt quá giới hạn.

Trong vài giờ sau khi đặt chân đến làng Hà My, lính Hàn Quốc đã tập hợp người dân thành các nhóm nhỏ và phóng hỏa đốt nhà một cách có hệ thống. Một giờ sau, chúng giết 135 người dân làng. Sau đó, họ đốt xác và nhà của họ, san phẳng mọi thứ thành nấm mồ khổng lồ. Nhiều năm sau đó, sự thật cũng bị chôn vùi theo những nấm mồ này.

30 năm sau cuộc thảm sát, một đài tưởng niệm đã được xây lên bằng tiền của những người lính thuộc lữ đoàn Thanh Long khi những người này quay lại đây và bày tỏ sự ăn năn hối lỗi. Nhưng dường như vẫn có điều gì đó không đúng. Đài tưởng niệm này vươn lên kiêu hãnh, vững chãi như một ngôi nhà, với phần mái được trang trí cầu kỳ để che cho hai ngôi mộ tập thể và một tấm bia lớn có khắc tên của những người lớn và trẻ em đã chết trong vụ thảm sát. Nhưng trên đó không hề ghi một dòng nào giải thích cho cái chết của những người này.

Những người dân làng giải thích rằng khi đài tưởng niệm mới được xây dựng, mặt sau của tấm bia có ghi chi tiết những gì đã xảy ra ngày hôm đó. Một người thận chí còn giữ một bản copy những từ ngữ đó, rồi chuyển thành một bài thơ hùng tráng gợi nhớ về lửa thiêu, máu, thi thể cháy đen và chất đống trên cát: “Đau đớn thay khi nhìn cảnh những ông bố bà mẹ ngã quỵ dưới ngọn lửa... Khủng khiếp thay những đứa trẻ kêu gào khóc lóc, vẫn còn bú sữa trên bầu ngực của người mẹ đã chết...” Nhưng, những người dân làng kể tiếp, một số quan chức ngoại giao Hàn Quốc đã đến thăm nơi đây trước khi đài tưởng niệm chính thức mở cửa và phàn nàn về bài thơ này; thay vì đứng lên bảo vệ bài thơ thì quan chức Việt Nam lại đồng ý che nó đi bằng cách vẽ thêm mấy bông hoa sen. Heonik Kwon, một nhà nhân chủng học người Hàn Quốc, từng nghiên cứu về làng Hà My tại thời điểm đó đã ghi lại lời của người dân làng nói rằng từ chối lịch sử kiểu này giống như thảm sát lần hai vậy, “giết chết ký ức về vụ thảm sát”.

Tại sao người dân Việt Nam lại chấp nhận thỏa hiệp như vậy? Tại sao những người chiến thắng lại để cho bên thua cuộc viết lại lịch sử cuôc chiến tranh?

Người dân làng cho biết câu trả lời thực ra rất đơn giản: Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào nền kinh tế Việt Nam, và đã chấp nhận chi trả khoản tiền xây dựng bệnh viện địa phương nếu bài thơ về cuộc thảm sát kia được che giấu đi. Vì vậy quan chức Việt Nam đã đồng ý, vì họ không thể kháng cự lại được. Và đó chính là điểm mấu chốt của những gì đã xảy ra với Việt Nam kể từ khi cuộc chiến kết thúc 40 năm về trước, vào ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Một tháng trời đi khắp nơi, nói chuyện với những người nông dân, học giả, các chuyên gia và cựu chiến binh từ cả hai phía đã hé lộ những sai lầm và cả sự thỏa hiệp đã khiến người Việt Nam buộc nghe theo những kẻ có quyền lực lao vào con đường chạy theo lợi nhuận. Người Mỹ đã thành công trong việc tuyên truyền những điều sai trái về nguyên nhân và cách họ tiến hành cuộc chiến. Mặc dù thua trên mặt trận quân sự, Mỹ và các đồng minh quay trở lại với thứ vũ khí còn mạnh mẽ hơn: đó là tài chính, khiến Việt Nam phải đi con đường mà họ không hề chọn. Giờ thì đến lượt các nhà lãnh đạo Việt Nam nói dối những điều còn kinh khủng hơn.

Cụ bà Nguyen Hao Thu, 90 tuổi, hiện đang sống trong một căn hộ khang trang tại Hà Nội. Giọng cụ như tiếng chim hót với thứ tiếng Pháp trôi chảy và tiếng Anh lõm bõm, kể lại rằng thời niên thiếu cụ đã chứng kiến đất nước mình bị nghiền nát bởi hai kẻ thù mạnh hơn như thế nào. Đầu tiên, thực dân Pháp từ chối rút khỏi thuộc địa vào cuối Thế chiến thứ hai. Vào năm 1946, ở tuổi 21, cụ Thu trốn trong rừng và tham gia đội du kích, chuyên về trộn lẫn axít, natri nitrat và rượu để tạo ra thuốc súng: “Tôi rất hạnh phúc trong rừng. Với thuốc súng trong quả bom, anh có thể - bùm một phát - biến giấc mơ của chúng tôi thành hiện thực.”

Máy bay Mỹ đang hỗ trợ quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong một trận đánh gần biên giới Campuchia. Ảnh: AP/Horst Faas.

Và giấc mơ đó không đơn giản là lòng yêu nước, đánh đuổi quân xâm lược. Nó thực sự là một cuộc cách mạng và chủ nghĩa cộng sản. Cụ Thu vẫn còn nhớ lúc còn nhỏ, khi thực dân Pháp bắt cha của cụ đi - lúc đó là giáo viên dạy lớp vỡ lòng; cụ thường xuyên đem cơm vào tù cho cha. “Tôi căm ghét tấn cả những kẻ có ý định đánh chiếm Việt Nam. Trong tâm trí của tôi, tôi đã trở thành một người cộng sản,” cụ bày tỏ. Gia đình của cụ thuộc tầng lớn trung lưu, nhưng trong những năm 1930, cụ kể, nhà của cụ được dùng là nơi họp bàn ngầm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cụ vẫn còn nhớ đã đọc sách của Marx và Lenin và vào năm cụ 16 tuổi, một người bạn của cụ đã bị thực dân Pháp hành quyết ra sao. “Thực sự, tôi là một người cộng sản.”

Cụ Le Nam Phong cũng gần bằng tuổi cụ Thu. Khi cụ Nam 17 tuổi, cụ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự để đi đánh Pháp vào năm 1945. Cụ đã dành 30 năm tiếp theo của cuộc đời mình cho cuộc chiến, trở thành thiếu tướng trong quân đội miền Bắc Việt Nam và là nhân vật chủ chốt trong việc tiêu diệt quân đội Mỹ. Ngồi bên ngoài căn nhà tiện nghi của mình trong một buổi tối ấm áp, cụ Nam nhớ lại động cơ tham gia cách mạng của mình: “Chủ nghĩa xã hội ư? Tất nhiên rồi. Mục đích của mọi cuộc chiến là để xây dựng xã hội chủ nghĩa, giành tự do, độc lập và hạnh phúc. Trong suốt những ngày đầu tiên của cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, chúng tôi luôn tâm niệm trong đầu rằng chúng tôi muốn tạo ra một xã hội nơi không có cảnh người bóc lột người, một xã hội công bằng và độc lập.”

Đây chính là cách người Mỹ lý giải nguyên nhân thất bại của mình. Người Mỹ kể lại rằng khi Pháp bị đánh bại vào năm 1954, quân đội Mỹ bắt đầu tham chiến nhằm mục đích bảo vệ quốc gia miền Nam Việt Nam khỏi sự đe dọa của chủ nghĩa cộng sản từ phương Bắc. Thực tế là người Pháp đã lừa gạt toàn bộ người dân Việt Nam, đẩy họ vào tay Đảng Cộng sản của Hồ Chí Minh. Và, quan trọng hơn là, chẳng có quốc gia bị chia cắt nào ở đây cả. Vào năm 1954, mặc dù quân đội Việt Nam giành chiến thắng, nhưng Pháp và các đồng minh phương Tây cố giữ lấy quyền lực ở căn cứ địa phía Nam. Tại hội nghị quốc tế họp tại Geneva, các bên đều đồng ý rằng Việt Nam sẽ tạm thời bị chia cắt thành miền Nam Việt Nam và miền Bắc Việt Nam, cho đến tháng Bảy năm 1956, sẽ tổ chức một cuộc bầu cử để lập ra chính phủ mới thống nhất đất nước.

Tổng thống Mỹ kế nhiệm, Dwight Eisenhower, về sau đã thừa nhận rằng nếu cuộc bầu cử đó được tiến hành, thì phải đến 80% dân Việt Nam sẽ bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh và mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng chính phủ Mỹ đã không để điều đó xảy ra. Thay vào đó, họ tìm đến một nhân viên CIA kỳ cựu, Edward Lansdale, người đã tiến hành sử dụng cách kết hợp giữa bạo lực và hối lộ để thiết lập một chính phủ mới ở Sài Gòn, đứng đầu là chính trị gia Công giáo Ngô Đình Diệm. Mặc dù ông Diệm là người chuyên quyền nhưng lại chống Cộng và ủng hộ Mỹ. Vào tháng Mười năm 1955, Lansdale đã gian lận trong cuộc bầu cử ở miền Nam để ông Diệm trở thành tổng thống. Mọi cuộc bầu cử quốc gia đều bị hủy bỏ. Sự chia cắt “tạm thời” giờ trở thành một cái cớ để kéo dài thời hạn khiến Việt Nam trở thành hai quốc gia khác nhau, mà miền Nam là nạn nhân thụ động của cuộc xâm lược từ miền Bắc.

Ban đầu, chính phủ Mỹ, vốn đang tài trợ cho cuộc chiến của Pháp, đã hạn chế chỉ đổ tiền vào quân đội miền Nam, và gửi quân đội của mình đến với vai trò “tham vấn” - khoảng 16.300 binh sĩ. Vào tháng Ba năm 1965, Mỹ đã gửi quân tham chiến trực tiếp. Vào giai đoạn đỉnh điểm của cuộc chiến, năm 1969, Mỹ sử dụng 550.000 binh sĩ, cộng thêm 897.000 quân từ miền Nam Việt Nam và hàng ngàn binh lính từ Hàn Quốc và đồng minh. Khi chiến tranh kết thúc, số người chết nhiều không đếm được, có thể lên đến 3.8 triệu người, theo một nghiên cứu của trường Đại học Y khoa Harvard và Đại học Washington.

Phóng viên người Anh James Cameron miêu tả hành động của Mỹ là “vi phạm đến luật quốc tế, vừa ghê tởm vừa vô lý”. Khi viết bài vào năm 1965, ông đã nhìn lại cuộc chiến: “Nó là một quyết định vội vàng, độc ác và thiếu suy nghĩ. Từng bước một, phương Tây đã phạm sai lầm để rồi đâm sầm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan mà họ không bao giờ hiểu được: ngay từ đầu, mọi lập luận của họ hoàn toàn sáo rỗng.”

Bạo lực của những năm tháng chiến tranh vẫn sống cùng với những người dân từng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong một căn nhà nhỏ ở Sài Gòn, cách mà nhiều người Việt Nam vẫn gọi thành phố Hồ Chí Minh, một cựu dân quân du kích nhớ lại máy bay Mỹ ném bom từng gầm rú trong các khu rừng mà ông đóng quân ra sao và việc ông và đồng chí của mình phải trốn ở hầm trú ẩn nông choẹt như thế nào. “Chúng tôi có loại rượu gạo cực mạng luôn. Nếu bạn uống nó, nó sẽ khiến bạn phải chảy nước mắt. Chúng tôi thường gọi đấy nó là 'giọt nước mắt của quê hương'. Nó khiến chúng tôi không còn sợ hãi nữa.”

Quân đội Mỹ rải bom lên khắp Việt Nam còn nhiều hơn cả các đồng minh từng làm với Đức và Nhật trong chiến tranh Thế giới lần hai. Có cả bom napalm, là loại bom bám riết lấy nạn nhân và đốt cháy da của họ; photpho trắng thì thiêu cháy đến tận xương tủy; bom bi thì văng hết các mảnh thép đi làm nhiều hương; và 73 triệu lít chất độc hóa học, bao gồm 43 triệu lít chất độc màu da cam, tiêu diệt thảm thực vật và gây bệnh cho những người nhiễm phải nó.

Tai tiếng hơn, Mỹ còn ném bom cả Hà Nội - một thành phố đông dân cư không được bảo vệ bởi bất cứ lực lượng không quân nào. Một người phụ nữ nhớ lại rằng lúc 8 tuổi, cô phải vác theo một cành lá để ngụy trang nhằm tránh máy báy ném bom F-111 bay với vận tốc gấp hai lần vận tốc âm thanh. Còn một người đàn ông làm trong đơn vị pháo phòng không kể rằng ông về nhà sau một đêm phòng thủ thất bại và thấy khu phố của ông ở đã bị san phẳng: dấu hiệu duy nhất của con trai ông chính là cẳng chân bị đứt rời, mà ông chỉ nhận ra nhờ vết sẹo trên đó.

Đấy là trên không. Ở mặt đất, lực lượng đột kích của Mỹ còn mạnh hơn. Trong một ngôi làng ở Đồng bằng sông Cửu Long, một người nông dân xấp xỉ 70 tuổi ngồi an nhiên trong ngôi nhà với nền đất. Bà nhớ lại cái ngày mẹ chồng bà, lúc đó đang làm việc trên cánh đồng ở gần đó, đã phạm sai lầm vì chạy trốn chiếc máy bay trực thăng đang tiến về phía bà: một chiếc tên lửa đuổi kịp bà và khiến bà nổ tan thành từng mảnh ngay trước cây dừa gần đó. “Gia đình chúng tôi đã phải đi thu nhặt từng mảnh thi thể và răng của bà.” Chiếc máy bay trực thăng đó cũng đã giết chết ba người anh trai của bà. Trong nhiều năm sau đó, bàn vẫn thường bị mất ngủ và luôn sợ hãi nếu nghe thấy bất kỳ âm thanh nào giống như âm thanh của máy bay trực thăng.

Một lính dù Mỹ đang hướng dẫn máy bay trực thăng cứu thương hạ xuống để đón những binh sĩ bị thương trong buổi tuần tra kéo dài năm ngày ở Việt Nam vào tháng Tư 1968. Ảnh: AP/Art Greenspon

Rất nhiều người dân Mỹ đến giờ vẫn tin rằng cuộc thảm sát khốc liệt ở Mỹ Lai chỉ là một hành động cực hiếm khi xảy ra, nhưng nhà báo Nick Turse đã tìm thấy bức tranh hoàn toàn khác tại Kho Lưu trữ Quốc gia Mỹ vào tháng Sáu năm 2001. Ông khám phá những tài liệu ghi lại những kết quả của một lực lượng bí mật của Mỹ, nhóm Nghiên cứu Tội ác Chiến tranh Việt Nam. Họ chỉ ra rằng quân đội Mỹ đã chứng minh có hơn 300 cuộc thảm sát, giết người, hãm hiếp và tra tấn bởi lính Mỹ.

Sau đó Nick Turse đến thăm Việt Nam. Trong cuốn sách Kill Anything That Moves của mình, Nick miêu tả sự cố gắng tìm kiếm địa điểm của một vụ ném bom được ghi trong tài liệu trên mà trong đó có 20 phụ nữ và trẻ em đã bị giết chết tại một ấp ở Tây Nguyên. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, ông tình cờ đến được khu tưởng niệm năm vụ thảm sát khác trong cùng một khu làng nhỏ: “Tôi tưởng rằng mình đang đi tìm một cây kim trong đống cỏ khô; những gì tôi tìm thấy thực sự là một đống cỏ khô của những cây kim.” Ông kết luận rằng sự kết hợp của bất chấp tính mạng lính "việt cộng", áp lực từ cấp trên về con số "bắn hạ" và coi khu vực nông thôn là "khu vực bắn thoải mái" dẫn tới "giết hại thường dân trở nên rộng khắp, thường xuyên và trực tiếp liên quan tới chính sách của chỉ huy Mỹ”.

Những người còn sống thỉnh thoảng lại bị tống vào tù và bị lạm dụng khắc nghiệt. Vào năm 1970, một nhóm đại biểu quốc hội Mỹ đã đến thăm nhà tù Côn Đảo khắc nghiệt. Họ thấy những người đàn ông và phụ nữ bị xích trong “chuồng cọp”, bị bỏ đói, bị đánh đập, bị tran tấn và bị bắt phải ăn côn trùng. Mặc những phản đối khi chuyện này được báo cáo lên cấp trên, nhà tù này vẫn tiếp tục giam giữ tù nhân.

* * *

Cho đến vài năm trước, các nhà báo làm cho một trong những tờ báo lớn ở Sài Gòn vẫn thường dừng lại để mua cafe từ một người phụ nữ thân thiện bán hàng cả ngày trên vỉa trước cửa văn phòng của họ. Rất ít người biết tên người phụ nữ này. Họ thường gọi bà ấy là Bà Bán Cafe. Bà có một câu chuyện nhỏ về cuộc chiến, nhưng phần lớn là câu chuyện về những điều xảy ra từ sau khi hòa bình lập lại. Đó là những điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam trước giờ toàn nói dối.

Bà vẫn còn nhớ như in về Ngày Giải Phóng: niềm hân hoan vì chiến tranh đã qua; niềm tự hào vì phe cộng sản đã đánh bại lực lượng mà mọi người vẫn hay gọi là quân đội mạnh nhất trong lịch sử thế giới; niềm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tất nhiên cũng có cả nỗi sợ. Có tin đồn rằng sẽ có sự trả thù và cướp bóc. Bà Bán Café cũng lo lắng vì sợ những người điên sẽ nhặt được những khẩu súng mà bà nhìn thấy trên đường. Và bà buồn, vì một lý do rất cá nhân.

Vài năm trước đó, bà làm phục vụ tại một căn cứ quân sự của Mỹ tại Vũng Tàu, bên bờ biển gần Sài Gòn, và tại đó bà đã gặp một người lính Mỹ tên Ronald. Người lính trẻ tuổi ấy đến từ New York, đặt chân đến Việt Nam và Lào để thực hiện nhiệm vụ. Và hai người họ đã nảy sinh tình cảm. Một thời gian ngắn sau, Ronald phải quay lại Mỹ, nhưng trong các lá thư gửi cho bà, người lính ấy vẫn nói rằng ông sẽ bảo lãnh cho bà sang Mỹ để hai người đoàn tụ. Rồi khi không nhận được tin tức nào nữa thì bà hiểu rằng Ronald sẽ không quay lại với bà. Vì lo sợ chính quyền mới sẽ tức giận nên bà đã đốt hết thư do Ronald gửi và từ đó đến giờ không còn nghe tin gì về người lính ấy nữa. Nhiều năm sau, ở tuổi 64, mái tóc đã ngả màu muối tiêu, bà ngồi lặng lẽ bên ngoài một ngôi chùa, trên khuôn mặt vẫn mang nét buồn phảng phất.

Bà Bán Café đã thuộc về cả hai bên bờ của cuộc xung đột. Bà chỉ đơn giản là một người phụ nữ Việt Nam, yêu một người đàn ông Mỹ và hy vọng tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngày Giải Phóng đã không hề mang lại điều đó. Đầu tiên, bà làm việc trong một nhà máy hợp tác xã. Tại đó, bà ngồi bên máy khâu 11 tiếng một ngày, gần như không kiếm được gì nhiều hơn ngoài cái tem phiếu đổi được một ít gạo phế phẩm và một lượng thịt còn ít hơn. Trong suốt nhiều năm, bà phải sống chung nhà với anh trai, người cũng làm việc trong một phân xưởng may khác suốt cả ngày. Nền kinh tế rơi vào suy thoái. “Cuộc sống rất khó khăn với những người dân thường,” bà nói.

Mỹ rút quân để lại một nước Việt Nam hoang tàn đổ nát. Đường bộ, đường sắt, cầu cống đều bị phá hủy bởi bom đạn. Đạn và mìn chưa nổ nằm rải rác khắp đất nước, thường là chìm dưới nước ngoài đồng ruộng nơi người nông dân cày cấy. Năm triệu hecta rừng bị phá hủy bởi chất nổ hạng nặng và chất độc màu da cam. Chính phủ mới cho rằng có đến 2/3 tổng số làng mạc bị tàn phá ở miền Nam. Tại Sài Gòn, di sản mà người Mỹ để lại là những đứa trẻ mồ côi lang thang trên đường phố và tệ nạn heroin. Trên toàn quốc, có khoảng 10 triệu dân di tản; 1 triệu góa phụ trong chiến tranh; 880.000 trẻ em mồ côi; 362.000 thương binh; và 3 triệu người thất nghiệp.

Nền kinh tế rơi vào tình trạng hỗn loạn. Vào đúng thời điểm Ngày Giải Phóng diễn ra, lạm phát đã lên đến mức 900%, và Việt Nam – một nước nông nghiệp – đã phải nhập khẩu gạo. Trong một buổi đàm phán hòa bình tại Paris, Mỹ đã chấp thuận chi trả 3.5 tỉ USD tiền viện trợ tái thiết để sửa chữa lại cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy. Nhưng thực tế là chính phủ Mỹ chưa bao giờ trả một xu nào. Và để xát thêm muối vào vết thương, chính phủ Mỹ đã yêu cầu chính quyền cộng sản phải trả lại hàng triệu USD mà chế độ Sài Gòn cũ đã vay của Mỹ. Lúc đó Việt Nam đang rất cần giao dịch thương mại với thế giới và xin viện trợ để phục hồi nền kinh tế. Và tất nhiên chính phủ Mỹ đã cố gắng để Việt Nam chẳng đạt được gì trong số hai nguyện vọng trên.

Ngay khi thất bại trong cuộc chiến, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận thương mại, ngưng giao dịch với Việt Nam đang chìm trong chiến tranh và cấm các nước khác giao dịch với Việt Nam vì những áp lực từ Mỹ. Tương tự, Mỹ tiếp tục dựa vào các cơ quan như IMF, Ngân hàng Thế giới và USNESCO để từ chối viện trợ cho Việt Nam. Mỹ thừa nhận rằng chất độc màu da cam đã gây ra các bệnh nghiêm trọng và dị tật bẩm sinh và đã trả 2 tỉ USD tiền bồi thường – nhưng chỉ với cựu chiến binh của Mỹ. Những nạn nhân Việt Nam – khoảng hơn 2 triệu người – chẳng nhận được xu nào.

Không rõ bằng cách nào mà mô hình kinh tế này có thể sống sót giữa vòng vây thù địch như vậy. Chắc chắn, kế hoạch tiến lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam đã sụp đổ. Mới đầu Việt Nam đã thông qua một chính sách thô bạo kiểu Soviet là bắt ép người nông dân phải giao nộp hoa màu để đổi lấy tem phiếu. Không khuyến khích sản xuất, sản lượng thấp, lạm phát tăng trở lại như trong thời chiến khiến Việt Nam một lần nữa phải nhập khẩu gạo. Vào đầu những năm 80, hàng ngũ lãnh đạo bắt buộc phải chấp nhận cho nông dân bán sản phẩm dư thừa, và thế là mô hình chủ nghĩa tư bản bắt đầu quay lại. Đến cuối những năm 80, Đảng Cộng sản đã chính thức thông qua cái gọi là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Cũng nhờ sự thay đổi này mà vào năm 1988, Bà Bán Café đã bỏ xí nghiệp may để đi buôn bán. Mỗi sáng, bà dậy từ 4h để chuẩn bị café cho đúng giờ gánh hàng đi bán. Đúng 5h, bà có mặt trước cổng tòa soạn báo và ngồi trên cái ghế nhỏ. Sự thay đổi có ở khắp mọi nơi xung quanh bà vào những năm 90. Các nhà đầu tư nước ngoài được phép đến và doanh nghiệp và nước được khuyến khích – thương mại tự do, thị trường tự do, lợi nhuận cho một vài người, tiền lương cho những người khác. Đằng sau sự thay đổi này, chính phủ Việt Nam đã gửi tín hiệu thỏa hiệp đến Washington. Quan chức Việt Nam thôi không đòi hỏi khoản tiền 3.5 tỉ USD viện trợ tái thiết hay bồi thường cho nạn nhân chất độc màu da cam và tội ác chiến tranh nữa. Thậm chí phía Việt Nam còn chấp thuận trả lại 146 triệu USD khoản nợ chiến tranh của chế độ Sài Gòn cũ. Vào năm 1994, Mỹ đã nguôi giận và dỡ bỏ lệnh cấm vận trong suốt 20 năm với Việt Nam. Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế và các nhà tài trợ khác bắt đầu giúp đỡ Việt Nam. Nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng ở mức 8.4%/năm, và Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

Quan trọng hơn, vào những năm 90, vẫn còn một số phe phái trong nội bộ Đảng Cộng sản bảo vệ chủ nghĩa xã hội và chống lại làn sóng mới của chủ nghĩa tư bản. Dù nền kinh tế đang trong tình trạng hỗn loạn, họ vẫn thành công trong việc xóa đói giảm nghèo. Khi chiến tranh mới kết thúc, 70% dân số Việt Nam có mức sống dưới chuẩn nghèo. Năm 1992, tỉ lệ này còn 58%. Đến năm 2000, nó giảm xuống còn 32%. Cùng lúc đó, chính phủ đã xây dựng lại mạng lưới các trường tiểu học và gần như toàn bộ các trường trung học cơ sở tại địa phương; xây dựng thêm cả các cơ sở chăm sóc sức khỏe miễn phí. Trong suốt thời gian đó, các phe phái trong nội bộ Đảng vẫn có tiềm lực chính trị để điều khiển phương tiện tư bản này. Vào cuối những năm 90, có đến 3 lần Ngân hàng Thế giới sẽ cung cấp thêm các khoảng vay trị giá hàng trăm triệu USD nếu Việt Nam chấp thuận bán các công ty nhà nước và cắt giảm thuế quan thương mại của mình. Nhưng Việt Nam đã từ chối cả hai thỏa thuận trên.

Nhưng từ năm 2000 trở đi, tốc độ phát triển và cán cân quyền lực chính trị đã thay đổi. Dưới áp lực liên tục từ phía các nhà tài trợ và đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã chấp nhận bán các công ty nhà nước của mình. Việt Nam cũng đồng ý một thỏa thuận thương mại với Mỹ, và đỉnh điểm là vào năm 2006 khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, điều đó có nghĩa là Việt Nam có thể thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài và viện trợ hơn. Ba thập kỷ sau khi phe cộng sản giành thắng lợi trong cuộc chiến, Việt Nam giờ đã là một thành viên có đầy đủ đặc tính của nền kinh tế tư bản toàn cầu. Sau cùng thì phương Tây vẫn thắng.

Trên hè phố Sài Gòn, Bà Bán Café đã dõi theo tất cả những biến cố đó, và tất nhiên bà thấy cuộc đời bà chẳng thay đổi gì cả. “Tôi vẫn kiếm được tiền như thế, vẫn sống trong một căn phòng như thế,” bà trải lòng. “Có nhiều hàng hóa trong các cửa hàng hơn, nhưng giá thì cứ tăng vùn vụt. Đất nước thay da đổi thịt, nhưng không phải dành cho những người như tôi. Chỉ những người có các mối quan hệ mới trở nên giàu có.” Sau nhiều năm, bà vẫn bán một loại café duy nhất do người Việt Nam sản xuất là café Trung Nguyên. Trong khi bà vẫn nghèo khổ, thì người đàn ông sở hữu công ty này đã lèo lái làn sóng mới của doanh nghiệp tự do và hiện tại công ty đó có giá trị lên tới 100 triệu USD.

* * *

Ngồi trong văn phòng ở phía bên kia của thành phố là cựu tổng biên tập viên Nguyen Công Khế. Ông đã làm cho báo Thanh Niên suốt nhiều năm, một tờ báo có văn phòng ngay tại tòa nhà mà Bà Bán Cafe ngồi bán. Trong thời gian đương chức, ông Khế đã làm phật ý một số người có quyền lực, tiết lộ mối quan hệ giữa các băng đảng xã hội đen và quan chức cấp cao, sau đó cho đăng bài viết về vụ bê bối biển thủ công qũy có liên quan đến một số gia đình có quan hệ rộng. Hành động của ông Khế quả thực rất liều lĩnh. Việt Nam là một nước có cách kiểm duyệt báo chí khá vụng về. Mỗi tuần, vào thứ Ba ở Hà Nội và thứ Năm ở Sài Gòn, các tổng biên tập đều bị triệu tập để nhắc nhở tuần này được đăng và không được đăng bài gì. Đáp lại sự cố gắng của ông Khế, vào năm 2008, ông bị sa thải.

Vào tháng Mười Một năm ngoài, ông Khế lại liều lĩnh một lần nữa khi kêu gọi chính phủ cho phép tự do báo chí trên tờ New York Times. Ngồi trong văn phòng nơi ông điều hành một trang tin tức, ông đã chia sẻ sâu hơn về chuyện này. Phải nhấn mạng rằng tên của ông Khế bị gắn với lời kêu gọi này, ông nói rằng lãnh đạo Việt Nam đã phản bội lại chính bản thân họ.

“Lúc ban đầu, những người tham gia cách mạng giành chính quyền đều có lý tưởng rất tốt là phát triển đất nước và xây dựng một quốc gia thịnh vượng, nhưng rồi mọi chuyện đã đi chệch hướng. Những người đã tham gia cách mạng, những người đã phải thề sẽ sống trong sạch - cuối cùng, họ đã phản bội lại chính ý thức hệ và cam kết của họ”

Bản thân ông Khế cũng từng tham gia cách mạng. Vào đầu những năm 1970, khi còn là sinh viên, ông Khế đã kích động chống Mỹ và bị bỏ tù 3 năm. Trong suốt nhiều năm, ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông hiểu vì sao hàng ngũ lãnh đạo lại sử dụng chủ nghĩa tư bản như một thứ công cụ để kích cầu nền kinh tế, nhưng rồi ông cũng thấy được mặt trái của chủ nghĩa tư bản - đó là nạn tham nhũng và vấn đề bất bình đẳng.

Bạn có thể nhìn thấy những điều này trên mọi con phố. Mặc dù từng có thời kỳ quá khứ đen tối, Sài Gòn đã bùng nổ để trở thành nơi có hoạt động thương mại sầm uất nhất. Nhưng nó vẫn chỉ là một thành phố của một đất nước đang phát triển, vẫn còn những mặt nghèo nàn trên mọi phương diện. Trên đường phố Đồng Khởi là nơi mà tầng lớp giàu có mới nổi có thể mua chiếc áo của hãng Hermes với giá 500USD, đồng hồ hiệu Versace có giá 15.000USD, hoặc một bàn ăn tối dành cho 4 người với ghế ngồi được mạ vàng và nhồi lông ngỗng có giá lên đến 65.000 USD. Và ở góc phố là khách sạn Continental, phục vụ những bữa ăn có giá trị bằng một tuần tiền lương của công nhân trong một nhà hàng có tên là Le Bourgeois.

Ông Khế cho rằng cứ mỗi 10USD chi cho một dự án công, thì có đến 7USD chui vào túi một người nào đó. Có tin được không? Vậy là có đến 70% ngân sách Việt Nam bị đánh cắp? Đây hẳn phải là tỉ lệ ăn cắp đáng báo động. Tôi và ông Khế nói chuyện qua một người phiên dịch. Ông Khế gật đầu, khuơ tay trong không khí áng chừng: “Khoảng 50 – 70%”.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế vào năm ngoái đã thống kê rằng Việt Nam bị coi là một trong những quốc gia tham nhũng nhiều nhất thế giới, xếp sau 118 quốc gia và chỉ đạt 31 điểm trên thang điểm 100.

Ai cũng thừa nhận là nạn tham nhũng chẳng có gì xa lạ. Ở Việt Nam quan chức có truyền thống lâu đời trong việc lừa bịp về tầm ảnh hưởng của họ và thường ưu tiên những người trong gia đình. Nhưng cáo buộc ở đây là mức độ tham nhũng đã chạm đến một người mới dưới sự lãnh đạo của hàng ngũ hiện tại. Người dân nói rằng vấn đề này đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng hơn khi nhà nước tiến hành tư nhân hóa các tập công ty quốc doanh và một số chính trị gia và quan chức có thêm nhiều cơ hội để tự ứng cử và chỉ định người thân vào các vị trí điều hành. Martin Gainsborough, một học giả người Anh, đã dành nhiều năm tại Việt Nam để nghiên cứu về sự phát triển của khu vực Đông Nam Á, viết rằng: “Thay vì được truyền cảm hứng bởi những ý tưởng cải cách, động cơ của các quan chức nơi đây là để nhận hối lộ... Những gì chúng ta thường nhắc đến như “cải cách”, lại chính là nỗ lực giành quyền kiểm soát lợi ích chính trị kinh tế, tài chính và các nguồn khác..”

Ba tháng gần đây, một trang web kỳ lạ đã đăng những cáo buộc chi tiết về hành vi của một lãnh đạo trong hàng ngũ cấp cao của Việt Nam. Trang web đó có tên là Chân Dung Quyền Lực (“Portrait of Power”) và sao chép các cáo buộc này dưới dạng văn bản, ghi âm và băng video. Trang web này chưa bao giờ được xác nhận, nhưng giới quan san sát cho rằng toàn bộ việc này đều do một chính trị gia quyền lực cung cấp thông tin nội bộ nhằm triệt hạ đối thủ.

Trang web này đã nhằm vào một quan chức cấp cao, khẳng định rằng một quan chức địa phương đã chuyển vali có chứa 1 triệu USD đến nhà ông này vì ông này đã đồng ý không thu khoản tiền 150 triệu USD của một công ty bất động sản nằm trong top “phát triển hàng đầu”. Công ty này sau đó đã tặng vị quan chức cấp cao và quan chức địa phương các ngôi biệt thự. Ngoài ra, trang web này còn chỉ điểm hai lãnh đạo khác, cáo buộc rằng một trong hai người đã ngăn việc truy tố một nhân viên ngân hàng tham nhũng; còn người thứ hai đã chuyển khoản tiền 1 tỉ USD từ công ty nhà nước và tài khoản ngân hàng của em gái mình, người đang điều hành 20 doanh nghiệp khác nhau. Trang web này cũng buộc tội một quan chức cấp cao trong quân đội vì đã sử dụng công ty của con trai để buôn bán vũ khí quân đội nhằm thu lợi cho bản thân. Trong trường hợp này, Chân Dung Quyền Lực còn trưng một bức thư từ các nhân viên ngân hàng khẳng định rằng vị quan chức này là một thành viên của một “mạng lưới tham nhũng quy mô lớn”, có tài khoản ngân hàng lên đến hàng triệu USD.

Dần dần, nhà nước đã chấp nhận tham nhũng và các vụ đàn áp. Trong phiên xét xử sơ thẩm hồi cuối năm ngoái, 4 giám đốc điều hành từ các công ty nhà nước trước đây đã bị kết án tử hình vì tội hối lộ và gian lận; 2 người bị kết án chung thân. Ông Khế không tin nổi rằng những bản án như thế này sẽ giải quyết được vấn đề. Ông nhún vai: “Chúng tôi đã đánh đổi hàng triệu mạng sống cho nền độc lập và công bằng. Hồi còn ở trong tù, tôi đã tưởng tượng ra cảnh đất nước xóa bỏ hoàn toàn được nạn tham nhũng sau chiến tranh, nhưng điều đó đã không xảy ra. Việc phát triển đất nước là điều nên làm, vì vậy chúng tôi không chống lại những ai làm giàu hợp pháp. Nhưng chúng tôi không cho phép những người làm giàu bất hợp pháp và khiến những người nghèo phải nghèo khổ hơn.”

Mặc dù từng được ghi nhận là nước thành công trong việc phát triển kinh tế khá đồng đều, nhưng Việt Nam không còn đứng về phía người dân nghèo như trước đây nữa. Một báo cáo năm 2012 của Ngân hàng Thế giới đã lưu ý rằng “sự bất bình đẳng đang quay trở lại trên bàn nghị sự”. Từ giữa năm 2004 đến 2010, thu nhập của 10% số người nghèo nhất đã giảm 1/5, trong khi 5% số người giàu nhất Việt Nam chiếm gần một phần tư tổng thu nhập.

Đỉnh điểm tồi tệ của sự bất bình đẳng này diễn ra ở các vùng nông thôn. Hàng triệu người nông dân bị thu hồi đất canh tác để lấy chỗ xây dựng nhà máy và làm đường. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước 91.8% hộ gia đình nông thôn sở hữu đất. Đến năm 2010, gần một phần tư trong số này không có đất. Và thế là những người ông dân nghèo đổ xô đến các thành phố, nhập cuộc với hàng trăm nghìn người khác bị cắt giảm biên chế vì các chủ tư nhân mới của các công ty nhà nước trước đây đã tiến hành cắt giảm chi phí. Làn sóng những người này đã hòa vào nhau tạo nên “thành phần kinh tế phi chính thức” – được ẩn giấu dưới các xưởng sản xuất tại nhà riêng hoặc ngồi buôn bán trên vỉa hè – và tham gia lao động tại các khu công nghiệp mới hoặc khu chế xuất.

Trong phần kinh tế phi chính thức, thì không có sự bảo hộ nào cả. Trong lĩnh vực công nghiệp, sự bảo hộ này còn yếu hơn. Giáo sư Angie Ngoc Tran là một chuyên giao về nghiên cứu lao động tại Việt Nam. Trong cuốn sách Ties That Bind của mình, bà giải thích cô giải thích luật lao động của nước này đã bị coi nhẹ ra sao, một phần là kết quả của cuộc vận động hành lang bởi các nhóm như Phòng Thương Mại Hoa Kỳ. Các công đoàn quốc doanh thì hoạt động kém hiệu quả và chưa bao giờ tổ chức một cuộc đình công nào cả. Bà Ngoc Tran kết luận: “Với sự gia tăng nguồn vốn vào Việt Nam qua kênh đầu tư nước ngoài và tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, chính phủ đang ngày càng ít đứng về phía người dân hơn. Đôi khi, một số cơ quan và tổ chức của nhà nước còn liên minh với các ông chủ tư bản.”

Mọi công nhân đều được đảm bảo một mức lương tối thiểu. Đầu tiên, vào năm 1990, mức lương này tương đương với việc “mức lương đủ sống” - có nghĩa là nó đủ để chi trả những thứ tối cần thiết trong cuộc sống. Nhưng qua từng năm, vì lo sợ mất vốn nước ngoài, chính phủ đã để mức lương này bị cắt giảm, đóng băng và chi phối bởi lạm phát, kết quả là vào tháng Tư năm 2013, công đoàn của nhà nước đã phản đối rằng mức lương đó chỉ đủ để chi trả cho 50% những thứ thiết yếu. Rất nhiều công nhân ở các thành phố “nghèo khó và có thể lực ốm yếu... Họ thuê những căn phòng rẻ mạt, tồi tàn và cắt giảm chi phí đến mức tối thiểu... bị suy dinh dưỡng và gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.”

Trong khi đó, chăm sóc y tế và giáo dục không còn miễn phí nữa. Bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết “thu nhập đang bắt đầu trở nên quan trọng hơn trong việc xác định cơ hội sử dụng các dịch vụ cơ bản”, và rằng chính phủ đang chi tiền xây dựng bệnh viên cho người giàu nhiều hơn cho các trung tâm y tế xã cho người nghèo.

Việt Nam không thể nào lại trở nên vô vọng như thế được. Nó hồi sinh sau cuộc chiến một cách thần kỳ, đặc biệt là trong việc xóa đói giảm nghèo mà vẫn phát triển được đất nước như thể nước Anh đang phát triển. Nhưng thực tế hiện tại là Việt Nam đang phải hứng chịu những điều tồi tệ nhất từ hai hệ thống: nhà nước độc tài xã hội chủ nghĩa và ý thức hệ tư bản hoang dã; hai hệ thống này kết hợp với nhau đang đánh cắp tiền bạc và quyền lợi của người dân Việt Nam trong khi một nhóm nhỏ đang tìm cách vơ vét cho đầy túi và nấp sau những khẩu hiệu cách mạng rỗng tuếch. Đó mới là điều dối trá kinh khủng nhất. Thắng lợi trong chiến tranh nhưng lại thua trong hòa bình, những hứa hẹn về một nhà nước xã hội chủ nghĩa của các lãnh đạo giống như những lời tuyên truyền rỗng tuếch. Theo như lời một cựu quân du kích đã mạo hiểm cả cuộc đời của mình cho lý tưởng này, thì: “Đó là những tên tư bản đỏ.”

Nick Davies|The Guardian
Athena chuyển ngữ
Theo Dân Luận

Tổng số lượt xem trang