Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Người không chân dung- Chương 2

Chương 2. Thoát khỏi ác bóng Hitler

Cha tôi, Friedrich Wolf, sinh tại Rhineland năm 1888, xuất thân từ một gia đình Do thái ngoan đạo. Buổi thiếu thời, bố mẹ muốn ông trở thành thầy cả Rabbi, nhưng ông kháng cự và đòi học y khoa. Lòng tôn thờ chủ nghĩa Mác-xít đạt đến cao độ năm 1928, vào lúc ông 40 tuổi, và ông thấm nhập chủ thuyết này qua những nẻo đường ngoằn ngoèo. Ông không thuộc diện trí thức phải bắn bỏ lúc khởi sự Cách mạng Tháng Mười năm 1917 tại Nga. Xuất thân từ một gia đình tiểu tư sản Do thái - cha của ông là một thương gia - cha tôi trôi nổi trong phong trào hiếu hoà và mộng tưởng, góp nhặt tư tưởng của Tolstoy, Strindberg, Upton Sinclair, Nietzsche và Kropotkin, trước thời kỳ hãi hùng Thế Chiến Thứ Nhất. Ông ta phục vụ trong quân đội của Kaiser (tước hiệu Đế Vương của nước Đức từ 1871-1918) và bị trọng thương nhưng đồng thời ông cũng bị cấp sĩ quan Đức hất hủi khinh thường, khiến ông trở nên cực đoan và bài bác tinh thần quốc gia. Thất vọng vì sự thất bại của các nhà cách mạng Đức trong nỗ lực xây dựng một quốc gia công bằng và bình đẳng vào năm 1918 và sau đó vào những năm đầu của Đệ Nhất Cộng hoà Đức, ông chuyển hướng sang ôm ấp những lời hứa hẹn đem hài hoà xã hội và kinh tế do Mác và Lê-nin đề xướng.

Nhưng gia đình chúng tôi luôn có khuynh hướng cực đoan. Cha tôi thường nói với tôi giáo dục chính trị của ông bắt đầu lúc ông 5 tuổi, khi bà ông bế ông đi xem Kaiser kéo màn khai trương pho tượng của Friedrich Wilhelm, một nhà lãnh đạo Đức vào thế kỷ thứ 19. Trong lúc quần chúng tung hô vị lãnh tụ và ngóng cổ để nhìn cho rõ pho tượng, bà nâng cao thằng bé lên và nói thẳng thừng, “Fritzsche, đây không phải là tay anh hùng, đây là một quan vua ham chuộng súng đạn đã ra lệnh bắn các công nhân”. Bà ám chỉ cuộc tàn sát đẫm máu của Friedrich Wilhelm dẹp cuộc nổi loạn đòi tự do năm 1848 tại Đức. Else, mẹ của tôi, cũng có đầu óc trái khoáy. Trẻ hơn cha tôi 10 tuổi, có bộ tóc vàng của miền Rhineland, mẹ tôi đã đoạn tuyệt với gia đình khi quyết định lấy một anh Do thái.
Cả đến khi chết cha tôi vẫn còn để lại một hình ảnh nhiều mâu thuẫn. Tại trung tâm bùng binh gọn ghẽ của thành phố nhỏ Neuwied, trên bờ sông Rhine về phía nam của Bonn, có treo một tấm bảng tưởng nhớ ghi sinh nhật của ông ngày 23 tháng 12 năm 1888. Gần đó cũng có một con đường mang tên ông, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật của ông. Việc treo dựng tấm bảng này suýt nữa tạo nên một cuộc nội chiến nhỏ chưa từng thấy tại thành phố Neuwied, vì cha tôi, ngoài danh tiếng quanh vùng là một y sĩ nhiều kinh nghiêm và là một nhà biên soạn kịch, ông cũng là một người Cộng sản năng nổ, một loại anh hùng địa phương ít được tưởng niệm tại những thành phố ấm cúng của nước Đức.
Sau ngày sụp đổ của Đông Berlin, tôi may mắn được thăm viếng trở lại Neuwied. Tôi có cảm giác ngỡ ngàng khi rảo bước trên những con đường thuộc nửa phần đất nước của tôi, những con đường tôi quen thuộc rất nhiều mà tôi chỉ nhìn thấy rất ít. Suốt thời gian Chiến tranh Lạnh, tôi không hề liều bước trên đường phố Tây Đức. Những chuyến đi ra ngoài khối Đông Âu trong chục năm tôi làm giám đốc điệp báo Đông Đức chỉ nằm trong dịch vụ những công tác cần thiết, thường để gặp gỡ các điệp viên vì vấn đề an ninh ngăn cản họ di chuyển đến chúng tôi.
Tôi sinh đẻ tại Hechingen, một thị trấn nhỏ theo đạo Công giáo vùng nông thôn nằm phía nam nước Đức. Đó là ngày 19-1-1923, vào những năm lạm phát hoành hành đến độ cha mẹ tôi cảm thấy an tâm mỗi khi cha tôi thu được y phí của các bệnh nhân vùng nông thôn dưới dạng bơ và trứng. Chúng tôi là một gia đình năng động, khác thường so với lối sống của phần đông dân cư trong vùng. Cuộc sống không thay đổi bao nhiêu khi chúng tôi dọn đến ở Höllsteig, phía nam nước Đức gần biên giới Thuỵ Sĩ.
Cha tôi là một tín đồ điên cuồng của thể dục thể lực, ông ưa chuộng nhào nặn thân hình lực sĩ của ông đến mức toàn hảo. Ông cũng là người tiên phong chủ trương sống khoả thân. Vì vậy trong gia đình có nhiều bức hình để lộ cha tôi, tôi và Konrad em trai nhỏ hơn tôi gần ba tuổi trần truồng chồng chất lên nhau trong một tư thế thể thao uốn éo. Koni và tôi nghĩ chuyện này bình thường, mặc dù các bạn học cùng lớp khúc khích cười mỗi khi chúng tôi đưa hình cho họ xem. Nhiều tấm hình như vậy được dùng làm mẫu cách trí và in trên sách của cha tôi, một quyển sách bán rất chạy tựa Die Naturols Arzt und Helfer (Dùng thiên nhiên làm thầy thuốc và thầy trợ giúp), một tiểu luận về đồng liệu tương pháp ông viết khi chúng tôi ở Höllsteig, ông nói về mối tương quan giữa sức khỏe và điều kiện sống và làm việc của mỗi cá nhân. Những phát kiến như vậy sau này trở thành những hiểu biết thường thức ngày nay chúng ta gọi là y học phòng bệnh. Tuy nhiên, vào thời đó, những điều này không được công nhận là chính thống, và cộng đoàn y sĩ tỏ ra khó chịu với cha tôi, vì họ thấy công trình nghiên cứu của cha tôi về những nguyên nhân bệnh tật sẽ dẫn đến một cuộc thảo luận rộng lớn hơn về xã hội và tình cảnh của người nghèo, điều mà họ muốn tránh.
Nhưng quyển sách đạt thành công lớn trong quần chúng, bán được hàng ngàn bản, và trở thành một loại thánh kinh về sức khỏe mọi người bình thường phải có. Sách này đã trở thành một bài khoa học thường thức, và mấy năm về sau, nó thoát cao trào Đức Quốc Xã cấm đoán sách của tác giả Do thái. Thành tựu tài chính của quyển sách đã cho phép gia đình chúng tôi dọn đến một căn nhà khang trang tại Stuttgart, một thành phố có truyền thống yêu chuộng nghệ thuật từ thời các vị vương công cấp tiến cùng với quần thần với tư tưởng phóng khoáng.
Mẹ tôi là người điềm đạm và hiền hậu nhưng không thiếu can đảm, cho dù phải chịu đựng những lục soát thô bạo của Quốc Xã trong nhà hoặc của công an mật vụ Stalin. Dưới triều đại khủng bố của Stalin, đã có lần bà cho trú ẩn gia đình của một người bị tù, một hành động có thể khiến bà vào tù hoặc tệ hơn nữa. Cũng vào thời kỳ gia đình chúng tôi lưu ngụ tại Nga, khi nghe mẹ của Lena, em gái cùng cha khác mẹ của tôi, bị bắt tại vùng Volga, mẹ tôi từ thủ đô tìm đường đến cứu giúp và đem Lena về ở với chúng tôi.
Chính mẹ chúng tôi nuôi dưỡng chúng tôi khi cha chúng tôi vắng mặt lâu ngày vì đi tình tự hoặc vì hoạt động chính trị. Nhưng mặc dù vắng mặt cha chúng tôi vẫn đóng vai trò quan trọng khi ông gửi thơ nhắn nhủ và dậy dỗ cách ăn ở để trở nên con người xã hội chủ nghĩa đứng đắn và tự trọng. Lẽ tất nhiên ông là người có ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ nhất vào thời niên thiếu của tôi. Mẹ chúng tôi phiền muộn rất nhiều vì những mối tình của ông với những người đàn bà khác. Do sự kiện này, ông có đầy con cái, anh em và chị em dị bào với tôi và Koni và chính con cháu của họ cũng rải rác hai bên bờ giới tuyến của Cuộc Chiến tranh Lạnh. Đến nay, tôi có họ hàng tại Đức, tại Nga, và tại Hoa Kỳ do kết quả những mối duyên tình của ông.
Người ngoại cuộc nhăn mày vì những mối tình lãng du này, nhưng tôi và Koni chẳng thèm để ý. Nó đã trở thành một phần thiếu thời của chúng tôi mỗi khi cha tôi tuyên bố chúng tôi sẽ gặp gỡ một anh em hay chị em dị bào mới. Những đứa con khác mẹ này được mẹ tôi đối xử như người trong gia đình với lòng rộng mở. Cuộc hôn nhân của họ vẫn tồn tại vượt qua những mối tình kia và cha mẹ chúng tôi vẫn sống chung với nhau cho đến khi ông qua đời tại Đông Đức năm 1953.
Tinh thần năng động của Friedrich thật đáng nể. Ông từ bỏ Đảng Dân chủ Xã hội Độc Lập năm 1928, gia nhập Đảng cộng sản Đức, và ra ứng cử hội đồng xã Stuttgart với tư cách đảng viên cộng sản; ông nhận được 20 phần trăm số phiếu. Vở kịch “Cyanide” ủng hộ việc truỵ thai năm 1929 đã đưa ông vào tù một thời gian ngắn ngủi và biến ông thành phát ngôn nhân chính thức của cánh chính trị cực đoan. Năm 1931 ông vào tù lần nữa, lần này ông bị tố cáo phá thai để tìm lợi nhuận. Sau khi ông và người biện hộ cho ông, cả hai được tha bổng, hai người rời Đức để đi Liên Xô, và sau đó trở lại Đức cùng năm.
Koni và tôi theo học trường của các nhà cải cách giáo dục có tinh thần cấp tiến mạnh mẽ của Đức vào thời đó và chúng tôi được khuyến khích tìm hiểu vùng nông thôn và phát biểu một cách tự do. Cha mẹ chúng tôi bấy giờ cả hai đều là Cộng sản; em trai Koni và tôi gia nhập tổ chức thanh niên Cộng sản, Thiếu Niên Tiền Phong, ngay khi chúng tôi còn ở Đức. Chúng tôi thắt khăn quàng đỏ với niềm hãnh diện lớn và chăm chú nghe những câu chuyện về Cách mạng tại “Liên Xô vĩ đại”. Không khí trong gia đình đã có ảnh hưởng quyết định trên suốt cuộc đời chúng tôi, trừ việc kiêng chay vì cha mẹ tôi chỉ ăn thực vật. Chúng tôi thèm chảy dãi nhìn những miếng thịt nguội và nước tương Đức trong hộp đựng thức ăn trưa của các bạn cùng trường, và thằng em trai tuyên bố “khi nào em lớn, em sẽ ăn cả một con bò”. Nhưng ấn tượng sâu xa và lâu bền nhất họ để lại cho chúng tôi là lòng yêu quí thiên nhiên và thể dục thể lực, và con đường chính trị cực tả lồng trong những vở kịch của cha tôi phô bày cuộc đấu tranh của nông dân và công nhân được Đoàn Kịch Công Nhân Tây Nam lưu diễn. Tôi bắt đầu cảm thấy tôi là chiến sĩ chính trị, quyên góp ủng hộ cho những công nhân thép đình công, tham dự các chiến dịch, và lắng nghe những biện luận mạnh mẽ của người lớn trong những ngày cuối trước khi Hitler lên nắm chính quyền.
Với đầu óc non nớt của một cậu bé trong một gia đình bố mẹ Cộng sản tại Đức, tôi cảm nhận Stalin như một mẫu người khôn ngoan và xa cách, giống như một ông ảo thuật gia giàu lòng nhân từ trong những câu chuyện thần tiên. Tôi thường mộng tưởng và tự hỏi đời sống tại “Liên Xô vĩ đại” ra sao - trong hàng nhiều năm tôi vẫn nghĩ đó là tên chính thức của một quốc gia - và kết luận đó là một nước trắng xoá, tuyết bao phủ và đầy những người tốt lành dưới sự hướng dẫn của vị phù thuỷ tốt lành. Koni, em trai tôi, có năng khiếu hơn tôi, đặt bút chuyển đổi ý tưởng ra hình, đã bỏ ra hàng giờ phóng vẽ những bức hoạ của vị lãnh tụ vĩ đại dưới hình dạng vị anh hùng trong chuyện thần tiên. Nhưng vào thơì điểm đó, tôi không trông mong gì tiếp cận được thực cảnh của Xô viết.
Sau khi Quốc Xã lên nắm chính quyền năm 1933, đời sống của chúng tôi tại Đức trở nên bất kham. Việc đốt cháy Quốc hội Đức tại Berlin và lời cáo buộc gian trá đổ tội bọn Cộng sản có trách nhiệm trong vụ này đã gây nên một cuộc săn lùng các thành phần phái Tả. Cha tôi, cảm thấy lâm nguy vì vừa là Do Thái vừa là Cộng sản, bỏ trốn sang Áo. Trong một trong những cuộc lục soát nhà cửa tiếp theo đó, tôi trả lời một cách trơ tráo với một trong những tên áo nâu SS. Y đẩy ép tôi vào tường và hăm doạ đưa tôi “vào trại Heuberg” nếu tôi không khai báo hành tung của cha tôi. Heuberg là trại tập trung đầu tiên ở trong vùng, nơi các người đối lập chính trị bị giam giữ. Người lớn khi đề cập đến nơi này họ chỉ thì thầm, và tôi bối rối không hiểu rõ những gì xảy ra trong đó; vào lúc thiếu thời, tôi nhìn xung đột giữa hai bên Quốc Xã và Phe Tả như một loại đụng độ giữa hai băng đảng. Tôi biết những người mặc áo nâu, biểu lộ tính chất bộ lạc, khác rất xa với gia đình chúng tôi; và tôi cảm thấy mình là một chiến sĩ trẻ sẵn sàng chiến đấu.
Vào thời điểm này, lần đầu tiên tôi ý thức được căn cước Do Thái của tôi. Tôi còn nhớ sau một cuộc lục soát đặc biệt thô bạo, anh em chúng tôi rất đỗi phẫn nộ vì bọn côn đồ nhảy xổ vào phòng chơi của anh em chúng tôi, hất vung vãi đồ chơi và sách vở quý báu của chúng tôi, và mẹ tôi, lấy tất cả bình tĩnh để che giấu nỗi kinh hoàng trong lòng, đưa chúng tôi đi xe đạp dạo qua cánh đồng tươi tốt vùng nông thôn Swabian để thăm Moritz Meyer, cậu của cha tôi mà chúng tôi thân mật gọi là “Öhmchen”.
Dân thành phố nhỏ Hechingen coi Öhmchen là một người hơi kỳ dị. Sau thời gian làm việc chăm chỉ, ông về hưu để sống với ngỗng trong rừng và có một chút ít danh tiếng nhờ tài chữa bệnh thấn kỳ. Điều hầu như chắc chắn là ông đã ảnh hưởng đến cha tôi, khiến cha tôi chuyển từ ngành y khoa thông thường sang ngành điều trị đồng vi phân kháng tính và điều khoa dùng dược liệu thiên nhiên, và cha tôi hiến tặng quyển sách về cách điều trị theo thiên nhiên của ông cho ông cậu. Cuộc thăm viếng bằng xe đạp của chúng tôi nhằm ngày lễ Vượt Qua (lời của dịch giả: lễ Vượt Qua là ngày lễ người Do Thái kỷ niệm ngày Thượng Đế trừng phạt dân Ai-cập, giết những đứa bé đầu lòng của người Ai-cập và “vượt qua” những nhà có con cái Do-thái. Để nhận biết nhà Do thái, Thượng Đế nhắn dân Do Thái bôi máu cừu lên cửa nhà của họ. Dưới thời vua Ramsès Đệ Nhị, dân Do Thái làm nô lệ cho Ai- Cập, và Môi-sen đã làm phép lạ rẽ đôi Biển Đỏ để đưa dân Do Thái ra khỏi đất Ai-cập và tiến về miền đất hứa đi tìm tự do), vì vậy ông cậu chỉ cho chúng tôi ăn bánh mì không men, không tạo hứng thú cho khẩu vị trẻ con của chúng tôi, vì vậy để bù trừ thiệt thòi này, ông cậu kể cho chúng tôi nghe câu truyện trang nghiêm và khích động lấy từ quyển Thánh Kinh Torah và giải thích ý nghĩa những ngày lễ Do-thái.
Một vài tháng sau, mẹ tôi, em trai tôi và tôi được đem đi trốn sang Thuỵ Sĩ với sự trợ giúp của các đảng viên cộng sản tại đây, Đảng cộng sản lúc bấy giờ trở thành bất hợp pháp. Từ đó chúng tôi chạy sang Pháp, tại đây chúng tôi chính thức được xem là “những người ngoại quốc bất hảo” và được đem đi trốn trên hòn đảo nhỏ Bréhat ở Brittany; nơi đây cha tôi gặp gỡ lại gia đình. Tại đây cha tôi biên soạn xong vở kịch Professor Mamlock, một áng văn chương đầu tiên làm chứng cho cảnh bách hại dân Do Thái tại Đức. Trước khi đem trình diễn lần đầu bằng tiếng Đức tại Zurich, vở kịch đã được diễn xuất tại các nhà hát Do Thái tại Warsawa và Tel Aviv, và đã gạt hái những thành công rực rỡ khắp nơi trên thế giới. Một phim dựa trên vở kịch đã được quay tại Liên Xô và mãi sau này Koni em trai tôi quay lại lần thứ hai. Nhờ phim được trình chiếu tại New York vào năm 1939, tên tuổi cha tôi được biết đến tại Hoa Kỳ.
Không bao lâu sau bọn Quốc Xã phản ứng vì sức thành công của vở kịch này, - lẽ đương nhiên chưa bao giờ được trình diễn tại Đức đương lúc họ cầm quyền. Tất cả của cải của chúng tôi bị tịch biên và tên của cha tôi được liệt kê trong danh sách những tác giả “có bài viết tác hại và bất hảo”. Sau đó tất cả gia đình bị tước quyền công dân Đức và vào khoảng năm 1937, không những tên tuổi của ông, mà tên tuổi mẹ tôi, tôi và em trai tôi đều xuất hiện trong danh sách truy nã của Nhà nước. Điều này khiến mấy đứa thiếu niên chúng tôi cảm thấy mình đã thành người lớn. Nếu chỉ có một biến cố định hướng cuộc đời chính trị của một người, đối với tôi đây chính là biến cố: bị liệt kê là kẻ tội phạm bởi chính đất nước của mình.
Nếu chúng tôi không lẩn trốn sang Thuỵ Sĩ, có lẽ chúng tôi đã chia sẻ số phận của các thân bằng quyến thuộc Do Thái mà sau này tên tuổi được luôn mãi ghi tạc trên Bia Tưởng Niệm Yad Vashem tại Jerusalem. Tỉ dụ như ông cậu Öhmchen, ông đã không thoát khỏi hoạ diệt chủng. Một tù binh Đức tại Moscow kể lại cho tôi ông cậu đã bị bắt đi và đã chết trong trại tập trung Mauthausen tại Áo. Ông được tám mươi tuổi khi ông chết.
Sáu mươi năm sau, dạo trên đường phố sạch bóng Hechingen, tôi tưởng nhớ đến ông cậu và không khỏi rùng mình lạnh xương sống, một cảm giác chỉ có người Đức nhận biết khi đương sự nhìn tận mặt những người đàn ông đối diện cùng lứa tuôi và trộm nghĩ họ hành xử ra sao dưới thời Quốc Xã: Họ đã chứng kiến bao nhiêu việc và họ đã xoá bỏ bao nhiêu ký ức tội lỗi? Có lẽ thành phố lớn dễ xoá nhoà dấu vết dĩ vãng mau hơn các thị trấn nhỏ tại Đức vì đầu óc tôi bất an khi suy nghĩ đến các đồng hương tôi khi tôi đến các thị trấn nhỏ.
Đến đây Quốc Xã thu hồi trương mục của chúng tôi trong ngân hàng và tịch thu tài sản của chúng tôi. Việc Liên Xô đón nhận chúng tôi là một cái phao cứu mạng cha mẹ chúng tôi, Koni và tôi. Nhờ sự trợ giúp của Vsevolod Vishnevsky, bạn của cha tôi và cũng là soạn giả bi kịch, cha tôi kiếm được một căn nhà nhỏ hai phòng tại phố Nizhny Kizlovsky, một trong những con đường quanh co của thế kỷ 19 nằm trong trung tâm cổ của Moscow, nấp đằng sau đại lộ chính, khu Arbat, nơi các nhà văn và trí thức yêu chuộng. Vào tháng 3-1934, mẹ tôi, em trai tôi và tôi theo ông đến đây.
Chúng tôi hội nhập từ từ với ngôn ngữ và văn hoá lạ lùng, e ngại lối hành xử mạnh bạo của những đứa trẻ chơi cùng sân. “Nemets-perets, kolbassa, kislaya kapusta”, bọn chúng hò hét: Bọn Đức - muối tiêu, tương, cải chua”. Bọn chúng cũng chế diễu áo khoác ngắn của chúng tôi và chúng tôi nài nỉ mẹ tôi cho chúng tôi cái dài hơn. Cuối cùng bà xiêu lòng và thở dài: “Chúng bay trở thành người lớn sạch sẽ rồi đấy”.
Chẳng bao lâu chúng tôi bị lôi cuốn bởi môi trường bao quanh. Trải qua thời niên thiếu trong một làng xã Đức quốc, chúng tôi choáng ngộp vì cảnh sinh động của thành thị với phong cách mạnh bạo và sắp sẵn. Thời kỳ này thiên hạ vẫn còn khạc nhổ vỏ hạt hướng dương xuống đất và cỗ xe ngựa kéo vẫn còn cọc cạch trên đường phố, Moscow vẫn là một “ngôi làng lớn”, một thành phố với lối sống của nông dân. Đầu tiên chúng tôi theo học trường Đức Karl Liebknecht (một trường học cho con cái của những bố mẹ nói tiếng Đức, lấy tên của một nhà lãnh tụ Xã hội theo phong trào nổi dậy Spartacist tháng 1-1919, bị ám sát sau đó không bao lâu), sau đó, chúng tôi vào trường Trung học Nga. Ở tuổi niên thiếu khó mà phân biệt chúng tôi với các bạn gốc bản xứ học cùng trường, vì chúng tôi dùng ngôn ngữ đàm thoại Nga với giọng Nga. Chúng tôi có hai người bạn đặc biệt, đó là George và Victor Fischer, hai người con trai của ký giả Hoa Kỳ Louis Fischer. Chính họ đã gắn cho tôi biệt hiệu “Mischa”, và từ đó gắn chặt vào tên tôi. Em tôi, Koni, e ngại bị ngồi chầu rìa lấy tên Nga thu ngắn là “Kolia”.
Thành phố Moscow vào thập niên 30 trong ký ức của tôi luôn là thời tranh tối tranh sáng. Thành phố thay đổi trước mắt chúng tôi. Bấy giờ tôi trở thành một thanh niên khá chững chặc và không còn xem Stalin là ông ảo thuật gia nữa. Các cao ốc mới với nhiều tầng bắt đầu xuất hiện quanh điện Kreml và số lượng xe cộ di chuyển bất thình lình gia tăng, các xe sedan đen láy thay thế cho những xe ngựa kéo, làm như thể có ai vẫy một chiếc đũa thần biến Moscow của qua khứ trở thành một phong cảnh vị lai. Các hầm xe điện khang trang, với những bóng đèn kiểu Art Déco và cầu thang máy thẳng dốc làm choáng váng mặt mày, ồn ào sinh động, và chúng tôi bỏ cả một buổi trưa sau khi tan trường đi xem những vòm trần, vang dội như ngôi nhà thờ lớn dưới hầm. Thảm cảnh thiếu ăn thập niên 20 chợt đến, nhưng mặc dù cảnh cao ốc mới mẻ, các bạn bè của gia đình chúng tôi, phần đông là trí thức Nga, phải sống chật chội trong những căn phòng nhỏ bé. Diễu hành ngày 1 tháng Năm (Ngày Quốc tế Lao Động) thật là ngoạn mục. Những tin tức khích lệ trong ngày đem lại cảnh rực rỡ của thời đại, chẳng hạn như cảnh cứu thoát can trường của đội thám hiểm Chelyushkin khỏi băng đá trong vùng Biển Arctic sau khi họ chiếm đóng Bắc Cực. Chúng tôi theo dõi những biến cố này với hứng thú của những đứa trẻ Tây Âu say mê đội bóng đá hoặc đội bóng chày của mình.
Với cùng một đam mê Koni và tôi, cả hai đều gia nhập Thanh niên Tiền phong Xô viết - một tố chức thiếu niên Cộng sản tương đương với Hướng Đạo - và chúng tôi học những bài hát chiến trận ca tụng đấu tranh giai cấp và Tổ quốc. Là Thanh niên Tiền phong, chúng tôi diễu hành trong ngày trọng đại Cách mạng tháng 11 tại Quảng trường Đỏ kỷ niệm Cách mạng Xô viết, hô to những khẩu hiệu vinh danh trước hình tượng nhỏ bé mặc áo choàng đứng ở lan can phía trên mộ của Lê-nin. Chúng tôi nghỉ cuối tuần ở ngoại ô nông thôn Moscow, đi lượm nhặt dâu và nấm bởi vì cha chúng tôi mặc dù sinh sống tại thành phố nhất quyết bảo tồn lòng yêu mến thiên nhiên theo quan niệm sống của ông. Tôi vẫn thèm những món ăn của Đức và thấy chương trình ăn uống Nga với món ăn chính lúa mạch đen và thịt ba rọi cùng với sữa chua, thật là tẻ nhạt. Nhưng từ khi tôi bắt đầu ưa thích các thức ăn đa dạng của Nga, và nếu buộc lòng nói, tôi giỏi nhất về món hoành thánh ở vùng Sibir. Nhưng tôi chẳng bao giờ ưa thích món thịt ba rọi với lúa mạch đen, có lẽ vì tôi tiêu thụ hàng tấn món này hồi thiếu thời.
Mùa hè tôi được phái vào trại Thanh niên Tiền phong và được phong chúc trưởng ban lãnh đạo. Tôi viết thơ than phiền với cha tôi về kỷ luật quân đội dữ tợn và hèn hạ tại đây. Tôi nhận trở lại một lá thơ đặc biệt lạc quan, khuyến khích tôi kháng cự lại chế độ kỷ luật này bằng cách thành lập một uỷ ban bao gồm những bạn đồng đội thiếu niên. “Hay nói với họ đồng chí Stalin và Đảng không thể chấp nhận lãng phí này. Phẩm chất là quan trọng. Bất cứ ở hoàn cảnh nào, với cương vị một Thanh niên Tiền phong và đặc biệt là cấp lãnh đạo, con không nên cãi vã! Con và các trưởng nhóm khác phải đồng thanh lên tiếng với ban quản trị trại… Con không có quyền nản chí”.
Liên Xô bây giờ là gia đình duy nhất của chúng tôi, và vào ngày sinh nhật tôi tròn 16 tuổi, năm 1939, tôi nhận căn cước Xô viết đầu tiên của tôi. Cha tôi viết cho tôi từ Paris: ”Bây giờ con đã trở thành công dân thực thụ của Nhân dân Xô viết”, điều làm cho tôi cảm thấy hãnh diện. Nhưng càng lớn lên, tôi ý thức được tinh thần mộng tưởng lây lan của cha tôi không phải là sở trường của tôi. Bản tính tôi thực tiễn hơn cha tôi. Lẽ cố nhiên, đây là một thời gian say đắm nhưng đồng thời cũng là thời kỳ thanh trừng; những người đã từng được ca tụng là anh hùng Cách mạng nay bị tố cáo một cách dã man là đã phạm tội và thường bị kết án tử hình hoặc bị giam tại các trại tù ở miền Bắc Cực. Mạng lưới do NKVD - cơ quan công an mật vụ tiền thân của Sở Mật vụ KGB - bủa ra xiết chặt vòng vây các bạn di cư và những người thân thuộc. Tình trạng này khiến các thanh niên chúng tôi bối rối, mù tịt và khó hiểu, vì chúng tôi được dậy dỗ trong truyền thống tin tưởng Liên Xô là hải đăng của tiến bộ và tinh thần nhân bản.
Nhưng trẻ con rất bén nhạy trước những im lặng và tránh né, và chúng tôi thầm hiểu chúng tôi không thể nào biết toàn bộ sự thật về môi trường quanh chúng tôi. Rất nhiều giáo viên giảng dạy cho chúng tôi mất tích trong khoảng thời kỳ thanh trừng 1936-38. Trường học đặc biệt dậy tiếng Đức cũng đóng cửa. Trẻ con chúng tôi để ý người lớn không bao giờ nói đến những người “mất tích” trước mặt mọi người trong gia đình, và chúng tôi tự động kiêng dè thói tục xã giao kỳ lạ này. Cho đến khi chúng tôi chạm trán tính cách quy mô và kinh hoàng của những tội ác của Stalin và trách nhiệm của ông trong những vụ này. Nhớ lại thuở trước, ông là lãnh tụ, là hình ảnh của một người cha, với khuôn mặt chữ điền, với bộ râu ria, ánh mắt nhìn thẳng của một người có viễn kiến qua những bức hình treo trong các lớp học của chúng tôi. Con người và công trình của ông đứng trên mọi phê bình, đứng trên mọi nghi vấn. Năm 1937, khi guồng máy tàn sát bắt đầu chạy với mức độ hữu hiệu khủng khiếp, một trong những người quen biết của gia đình chúng tôi, Whilhelm Wloch, người đã liều lĩnh làm việc cho Comintern (Quốc tế Cộng sản) trong bóng tối tại Đức và hải ngoại, bị bắt. Những lời cuối cùng ông nói với vợ như sau: “Đồng chí Stalin không hề biết việc này”.
Lẽ cố nhiên, cha mẹ chúng tôi che giấu chúng tôi những nỗi lo sợ về cảnh đổ máu này. Trong tâm trí của họ, mặc dù họ có những mối nghi ngờ và thất vọng, Liên Xô luôn là “nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên” mà họ đã hãnh diện báo cho chúng tôi biết sau khi họ thăm viếng năm 1931.
Cha tôi, bây giờ tôi biết, lo sợ cho tính mạng của ông mặc dù vợ và các con ông có quốc tịch Xô viết vì chúng tôi sống nơi này, ông sống phần lớn thời gian ở ngoại quốc và vì vậy ông không có quốc tịch này. Tuy nhiên, ông vẫn có thể di chuyển với thông hành Đức, dù là quốc tịch này của ông đã bị thu hồi. Ông cũng đã nộp đơn xin phép chính quyền Xô viết rời Moscow để đi Tây Ban Nha, tại đây ông muốn đem tài bác sĩ để phục vụ cho Lữ Đoàn Quốc tế đánh lại chế độ phát-xít của tướng Franco thời kỳ nội chiến tại đây. Tây Ban Nha là một đấu trường quân đội Quốc Xã dùng để thử nghiệm tiềm năng tiêu diệt của họ, họ thực tập để chuẩn bị tấn công sau này các thế lực yếu kém khác. Khắp châu Âu, các chí nguyện quân thiên tả đổ xô vào để giúp cánh Cộng hoà chống lại nhóm quân đội nổi dậy của Tây Ban Nha. Đối với nhiều người tại Liên Xô, tham dự chiến trận tại đây có nghĩa là rời khỏi Liên Xô và tránh xa không khí đàn áp của những cuộc thanh trừng. Một chục năm sau, một người bạn tin cậy trong gia đình kể cho tôi nghe cha tôi tìm cách để đi Tây Ban Nha: “Mình không lẽ ngồi đây mãi để chúng đến bắt”. Tiết lộ này khiến tôi đau lòng, mặc dù tôi đã trưởng thành, vì sự kiện này cho tôi thấy cha mẹ chúng tôi che giấu rất nhiều phiền muộn và chuyện thầm kín không cho trẻ con chúng tôi biết vào thập niên 1930, và không biết bao nhiêu sầu muộn đã được cất giấu quanh chúng tôi trong đám bạn bè của chúng tôi tại Moscow.
Cha tôi chẳng bao giờ đi được Tây Ban Nha. Đơn xin chiếu khán cả năm không được trả lời. Càng ngày càng nhiều bạn bè và người quen biết trong cộng đồng Đức bị mất tích và cha mẹ chúng tôi không còn che giấu được mối lo âu. Có một hôm giữa đêm thình lình chuông cửa reo, cha tôi thói thường bình tĩnh đã nhảy nhổm và phát cáu. Khi được biết người khách lạ chỉ là ông láng giềng đến mượn một món vật gì đó, cha tôi bình tĩnh trở lại, nhưng tay ông run bần bật đến nửa tiếng đồng hồ mới hết.
Có lẽ ông có người đỡ đầu che chở trong cấp lãnh đạo của Đảng cộng sản Đức lưu vong. Tôi biết ông liên lạc với Whilhelm Pieck, một trong những khuôn mặt lớn vào thời đó và Pieck kính trọng cha tôi. Hay có lẽ ông gặp may. Dù sao đi nữa, ông được phép rời Moscow năm 1938 và đi sang Pháp; tại đây vào lúc khởi sự Chiến tranh thế giới II ông bị bắt giữ một cách oái oăm vì là kẻ thù ngoại lai mang thông hành Đức. Tệ hại hơn nữa, sau khi Quốc Xã chiếm nước Pháp năm 1940, ông và các bạn cùng tù trong trại Le Vernet phải được trao trả cho chính quyền Đức, có nghĩa là chắc chắn ông sẽ bị giết. Nhưng cũng có thể nhờ vậy ông có cơ hội di cư sang Hoa Kỳ, nhưng trên đơn xin ông phải tuyên bố ông không bao giờ là đảng viên cộng sản, điều ông từ chối vì tính ông trung thành. Mẹ tôi ba năm trước đó đã hạch sách các cơ quan chính phủ tại Moscow, nơi ông tìm cách bỏ đi, để cha tôi có được quốc tịch Xô viết và hồi hương. Cuối cùng ông trở thành công dân Xô viết vào tháng 8-1940.
Nhưng đến đây Hiệp ước Hitler - Stalin ký kết tháng 8-1939 khiến cho đời sống các di dân Đức tại Moscow khó khăn hơn bao giờ hết. Các cơ quan đã từng tiếp đón chúng tôi như những nạn nhân của nhà nước ác độc Đức nay nhận lệnh không được khơi động những cảm nghĩ xấu về Hitler. Đặc biệt đối với những gia đình như chúng tôi, đã phải trốn chạy khỏi nước Đức để tránh hoạ Quốc Xã, thật là khó hiểu khi cấp lãnh đạo Xô viết lại có thể thoả hiệp với họ. Vì chúng tôi là những thành phần năng động trong Komsomol (Đoàn Thanh niên Cộng sản), chúng tôi được thông báo đó là cách duy nhất của Stalin để tránh cho Liên Xô khỏi bị tấn công, và các cường quốc Tây Âu mong muốn nước Cộng sản của chúng ta phải “xuất huyết cho tới chết” vì ngọn gươm của Quốc Xã. Lối giải thích này có phần thuyết phục vào lúc đó, mặc dù chúng tôi cảm nhận đối với cha mẹ chúng tôi đó là một xúc phạm khi Cộng sản thoả hiệp với tên độc tài mà họ trốn chạy.
Để hoà nhập vào môi trường mới của chúng tôi, Koni và tôi, chúng tôi tự Nga hoá chúng tôi một cách mau chóng. Chúng tôi nói tiếng Nga suốt ngày tại trường học cùng với các bạn học, chỉ nghe tiếng Đức khi tối về trong phòng chúng tôi. Tôi cảm thấy thích thú khi các đứa trẻ khác kêu tôi Mischa, có nghĩa là người ta có thể nhận lầm tôi là người Nga. Chúng tôi lên giường ngủ, tai nghe đài phát thanh giọng thét của Hitler tung hô vinh quang của Đế quốc Đức.
Khi tôi kết thúc chương trình trung học, tôi bắt đầu học ngành kỹ sư hàng không. Nhưng thình lình tình hình biến đổi khi Quân đội Hitler tấn công Liên Xô với một mãnh lực hung bạo trong chiến dịch Barbarossa. Khi quân đội Đức tiến đến gần Moscow năm 1941, gia đình các thành viên của Hội Đoàn kết Văn sĩ, trong đó có gia đình chúng tôi, được di tản đến Alma-Ata, thủ đô của Kazakhstan, cách Moscow 4 ngàn dặm (khoảng 6.400 cây số). Nỗi hãi hùng trong chuyến đi ba tuần lễ vượt qua vùng Ural vẫn còn sống động trong ký ức của tôi. Chuyến xe hoả của chúng tôi bò trên tuyến đường sắt, và cứ một tiếng đồng hồ xe chúng tôi phải rẽ tránh sang một bên để chuyến xe hoả đi ngược chiều tiến về phía trận tuyến. Cha tôi chăm sóc bà Anna Akhmatova, thi sĩ nổi tiếng của Nga, tiều tuỵ và đau yếu. Hai người chồng của bà đều mất tích trong cuộc thanh lọc và một đứa con trai nằm trong trại tập trung. Tôi được phép lấy cho bà phần thức ăn cấp dưỡng gồm bốn trăm gram bánh mì đen và một ít nước ấm. Linh hồn của văn học Nga nằm hôn mê và mệt mỏi, nay chính quyền chính thức coi bà như “vô danh”, nhưng vẫn được giới trí thức thờ phụng như một thần tượng đúng lúc họ đi cùng một chuyến xe hoả của Hội Đoàn kết Văn sĩ.
Alma-Ata là một nơi hẻo lánh và lạnh lẽo, chúng tôi cách biệt thông tin với Moscow, đừng nói chi đến thế giới. Phong cảnh đẹp, dân số chỉ gồm bốn ngàn người, Alma-Ata bỗng nhiên tràn ngập với một triệu dân tị nạn, và cuộc sống trở nên chen chúc và khổ cực. Năm 1942, Koni gia nhập Hồng quân, nhưng vào lúc đó tôi được miễn vì ngành kỹ sư hàng không là một công tác quan trọng. Tôi vẫn đang ở tuổi lạc quan và nghĩ không một tai hoạ nào có thể đổ lên đầu tôi, mặc dù xôn xao có tin quân đội Nga tổn thất nặng nề. Mặc dù được miễn, tôi vẫn được huấn luyện quân sự, và vì tôi lớn nhất trong nhóm, tôi luôn phải vác trên cái chân chạng ba đại liên nặng nề, nóng hơn một trăm độ Fahrenheit. Phần lương thực của chúng tôi bớt đi chỉ còn năm trăm gram, và tôi có thể nói thật đó là lần duy nhất trong đời tôi biết thế nào là đói. Nhưng có một vài trợ giúp và thay đổi nhờ giới trí thức lưu đày Nga, đặc biệt là văn phòng quay phim Moscow. Buổi tối chúng tôi tìm kiếm đến nhà đạo diễn đại tài Sergei Eisenstein, và ông đọc cho chúng tôi nghe những vở đoạn của phim Ivan The Terrible (Ivan bạo chúa). Khi họ khởi sự quay phim, chúng tôi đóng những vai phụ, nhận làm hiệp sĩ Đức xâm chiếm nhưng rồi bị đẩy lui. Nhờ có tập luyện nhảy dù, tôi giữ những vai trò mạo hiểm, nhờ đó tiền lương của tôi tăng gấp ba và điều này giúp tôi trút bớt được gánh nặng buồn nản và thiếu thốn.
Đang học hành nửa chừng, tôi nhận được một điện tín bí mật, ký tên “EKKI Vilkov”. Bốn chữ EKKI thay cho Executive Committee Communist International (Uỷ ban điều hành Quốc tế Cộng sản) của tổ chức Comintern, và do cấp lãnh đạo ngành nhân sự và cán bộ ký tên. Tôi được lệnh di chuyển đến Ufa trước tiên, thủ đô cộng hoà tự trị Bashkiria, nơi Quốc tế Cộng sản (Comintern) và cấp lãnh đạo lưu vong của Đảng cộng sản Đức được thuyên chuyển ra khỏi vòng vây Moscow.
Đảng quyết định gửi tôi đến trường Quốc tế Cộng sản, tại một ngôi làng nhỏ Kushnarenkovo, cách Ufa 60 cây số, nơi các đảng viên cộng sản của các nước châu Âu bị chiếm đóng và nước Đại Hàn chuẩn bị giải phóng tổ quốc của họ và được huấn luyện để đảm nhận trách nhiệm tương lai của họ. Tôi được dậy dỗ trong khuôn phép Thanh niên Cộng sản nên tôi không thắc mắc về các quyết định, mặc dù tôi nuối tiếc giấc mơ phác thảo hoạ đồ phi cơ Xô viết bây giờ khó lòng thực hiện được. Ngoài những nuối tiếc này, tôi đoán quyết cuộc đấu tranh chống Hitler quan trọng và vinh dự hơn việc học hành của tôi.
Đời sống tại trường Quốc tế Cộng sản, một tổ chức có nhiệm vụ đẩy mạnh cách mạng vô sản quốc tế, được tổ chức trong không khí bí mật, điều làm tôi tự cảm thấy rất trưởng thành. Dấu ấn của Đảng ăn sâu vào tâm khảm của tôi nên khi Đảng đòi hỏi nơi chúng tôi một việc gì, chúng tôi ngoan ngoan tuân thủ. Họ nói “Nhảy”, chúng tôi trả lời “Cao đến đâu?”. Tính bí mật ngự trị tuyệt đối trong trường học. Người ta đặt cho chúng tôi những bí danh - của tôi là Kurt Förster, theo tôi tên này nghe rất là hăng hái. Mặc dù tất cả những thanh niên Đức biết nhau từ Moscow, chúng tôi dùng những tên này để gọi nhau - một cách huấn luyện sơ khới trong phương pháp nguỵ trang. Chúng tôi được huấn luyện cách sử dụng tiểu liên, súng trường, và súng lục, chất nổ và lựu đạn, cách sử dụng “kỹ thuật hoạch định mưu kế” trong các buổi họp và việc chuyển thông tin, căn bản trong ngành điệp báo. Việc huấn luyện chính trị của chúng tôi đều nhắm vào thời gian thắng lợi sau khi lật đổ Hitler. Chúng tôi quyết tâm thành lập một mặt trận chung bao gồm tất cả các lực lượng chống phát-xít và dân chủ.
Chúng tôi cũng được huấn luyện kỹ lưỡng về kỹ thuật tuyên truyền. Trong một lớp huấn luyện, một người được chỉ định để trình bày những lý luận của kẻ thù Quốc Xã đạt đến mức thuyết phục tối đa, trong khi đó những người khác phản bác lại với những luận cứ chống phát-xít. Tôi thích thú nhận thách đố đi sâu vào tư tưởng của kẻ thù và trình bày rất rành mạch và với nhiều nhiệt huyết những lý luận ủng hộ Quốc Xã. Trong khi đó các học viên chậm chạp hơn, có lẽ vì e ngại điểm xấu trong học bạ bị ghi nhận là thanh niên Cộng sản không kiên định, chỉ nhắc lại như con vẹt bài bản đã ghi giải thích sẵn không lấy gì làm phấn khởi. Có một lần, các bạn học của tôi bị quở trách vì trả lời không đủ sâu sắc và gẫy gọn chống lại những luận điệu của phát-xít, tôi nghĩ thế. Ông thầy chúng tôi la hét: “Chúng bay làm nên trò trống gì nếu chúng bay phải lý luận với một tên Quốc Xã thực sự?”. Tôi tranh đua thực sự trong những đấu trường ý thức hệ kỳ lạ này với Wolfgang Leonhard; ông này vài năm sau, năm 1949, trốn chạy Đông Đức để đi Nam Tư và trở nên một nhà nghiên cứu lỗi lạc về Liên Xô tại Đức và sau này tại các đại học Harvard và Yale. Một trong những oan trái của đời tôi là khi Giáo sư Leonhard dùng tài biện luận ông đã mài dũa trong trường Quốc tế Cộng sản (Comintern) để chống lại hệ thống Xô viết, còn tôi, tôi vẫn tiếp tục dùng khả năng của mình để bào chữa cho nó.
Tại trường Quốc tế Cộng sản, tôi gặp Emmi Stenzer, người vợ tương lai của tôi. Tôi chưa bao giờ gặp một người đàn bà nào đem hết tâm can vào công tác chính trị như vậy, một công tác mà cô ta cống hiến cho người cha, ông Franz Stenzer, một dân biểu Quốc hội bị Quốc Xã giết tại Dachau năm 1933. Cô có một người bạn trai người Tây Ban Nha khi chúng tôi gặp nhau lần đầu, và chỉ sau khi chúng tôi rời trường Quốc tế Cộng sản và gặp nhau lại tại Moscow, chúng tôi yêu nhau. Tôi thán phục tinh thần độc lập và ý chí của cô sau bao nhiêu khó khăn thời niên thiếu. Cô đã trải cuộc đời trong cô nhi viện của một thành phố kỹ nghệ thê lương của Ivanovo sau khi mẹ cô bị bắt tại Moscow vào những thập niên 30 trong một cuộc bố ráp toàn diện các người ngoại quốc thường trú vì tình nghi có hoạt động chống Xô viết (mẹ cô sau này được thả ra).
Bertolt Brecht viết cho vợ Helene Weigel và nói đến tầm quan trọng của “sự vật thứ ba” luôn luôn nằm giữa hai người - chia sẻ cùng một hoài bão - và trở nên một thành phần sinh động của mối tình của họ. Thời buổi bây giờ, thiên hạ có thể chế giễu, nhưng vào thời buổi tư tưởng chính trị có thể đưa đến cái chết hoặc tù tội, chúng trở thành cơ cấu tình cảm và trí thức của đời người. Mặc dù tôi đã ly dị với Emmi sau gần ba mươi năm ăn ở và đã tái giá hai lần, cô ta vẫn tiếp tục là bạn tri kỷ và giữ mối dây liên kết trước đây với tất cả gia đình tôi qua việc quản thủ Thư viện Friedrich Wolf tại Berlin.
Ngày 16 tháng Năm, cuộc đời của tôi thay đổi bất chợt qua một khúc quanh khác. Chúng tôi đến lớp học và thấy trên bảng ghi một thông báo giải thích vì “những sự khác biệt về điều kiện giữa các nước nâng đỡ chế độ độc đoán Quốc Xã và các dân tộc yêu chuộng hoà bình”, Đảng cộng sản Quốc tế và trường học cần phải giải tán. Lẽ cố nhiên có những lý do chính trị nấp đằng sau. Giải tán Quốc tế Cộng sản là một thoả hiệp giữa Stalin và các nước Đồng minh Tây Âu, vì các nước này xem Quốc tế Cộng sản là một cơ quan xách động cách mạng trong nước của họ. Tôi cực kỳ may mắn vào thời điểm tôi được tuyển dụng. Lớp tốt nghiệp trước tôi đã được thả dù vào nước Đức nhưng họ rơi vào bẫy của phản gián Đệ Tam Quốc Xã, vì Quốc xã truyền đi những tần sóng phát thanh đánh lừa các cơ quan trách nhiệm Xô viết. Họ bị cơ quan Gestapo (Mật vụ của Đức Quốc Xã) và cơ quan phản gián quân đội của Hitler bắt và đem tử hình. Hy sinh của họ giúp cho đội xâm nhập của chúng tôi tránh chia sẻ cùng một số phận với họ. Chúng tôi chuẩn bị một đội bảo trì máy móc ở trong một nhà nông trại và chúng tôi chuyển những kiện vật liệu lên trên bờ sông Belaya.
Tuy nhiên chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ vì quyết định này. Phải chăng các vị giáo sư của chúng tôi nói rằng Quốc tế Cộng sản là muôn năm, là thành tố cao đẹp nhất của Đảng? Nhưng toàn bộ quá trình huấn luyện nhằm mục đích dậy cho chúng tôi tuân lệnh không đặt vấn đề. Chúng tôi được học tập để chấp nhận tất cả những gì Đảng ra lệnh là đúng, và chờ đợi những mệnh lệnh mới.
Có lẽ vì tôi là con của một tác giả có tiếng, cấp lãnh đạo Đảng nhận xét tôi thích hợp với nhiệm vụ thông báo và bình luận trên Đài phát thanh của Nhân dân Đức (Deutsche Volksender), tiếng nói của Đảng cộng sản Đức trên đài Moscow, vì vậy tôi trở về Moscow. Tôi trở thành đảng viên chính thức lúc tôi hai mươi tuổi và tham dự các cuộc hội họp trong khách sạn Hotel Lux cũ tại căn phòng của Wilhelm Piecke, sau này trở thành Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hoà Dân chủ Đức. Chính tại đây, trong khách sạn sau này trở thành trung tâm thanh lọc các đảng viên cộng sản ngoại quốc, tôi gặp lần đầu các vị, như Walter Ulbricht và những người khác nữa, sau này sẽ quản lý đất nước sau chiến tranh.
Emmi trong khi đó được gửi ra ngoài mặt trận để tuyên truyền tiêu cực qua máy vi âm phát thanh bằng tiếng Đức trong chiến dịch chiến tranh tâm lý. Cô ta đi qua đi lại sát chiến tuyến địch, la vang trong máy phóng thanh tuyên truyền chiến tranh đã chấm dứt và kêu gọi binh lính Đức đầu hàng. Cô ta bị trọng thương tại Gomel, và vào ngày 24 tháng 9 năm 1944, lo ngại rằng chúng tôi sẽ chẳng còn bao giờ gặp mặt nhau nữa, chúng tôi làm đám cưới. Tuy nhiên chúng tôi vẫn xa cách nhau trong những ngày tháng cuối của cuộc chiến.

Ngày mừng chiến thắng Đức Quốc Xã cuối cùng được cử hành vào tháng 5 và chúng tôi không bao giờ quên nỗi vui mừng của cha mẹ chúng tôi và tôi hoà nhịp với đám đông Moscow hoan hỉ. Koni đã có mặt trên đất nước Đức và đã tham dự vào cuộc tiến công sau cùng vào Berlin và được sáu huy chương khen thưởng vì lòng anh dũng. Em tôi gửi thơ nói rằng nó đang chờ chúng tôi, và tôi bắt đầu đóng thùng tất cả tài sản của thời niên thiếu Nga. Tại trường Quốc tế Cộng sản, chúng tôi biết chúng tôi đang chuẩn bị để trở về Đức sau khi Đồng minh chiến thắng. Thời cơ này đã đến.

Tổng số lượt xem trang