Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Người không chân dung- Chương 6


-

Chương 6. Khrushchev mở mắt cho chúng tôi

Như mọi người sống trong thế giới Cộng sản, tôi không có khả năng từ bỏ lòng kính phục đối với Stalin và chủ nghĩa Stalin trong hàng nhiều năm. Động cơ xúc tác khiến cho tôi tỉnh ngộ là Báo cáo mật nhưng lại công khai nhất thế giới của Nikita Khrushchev tại Đại hội XX Đảng cộng sản Liên Xô tại Moscow tháng 2-1956. Nguồn gốc đích xác của trình tự lâu dài và đau đớn của việc tôi cắt đứt với chủ nghĩa Stalin rất khó xác định; những nhen nhúm nghi ngờ thấm nhập hàng rào phòng thủ ý thức hệ của tôi trong không khí ái ngại của Đông Đức trong những thập niên đầu 1950 có lẽ là khởi đầu. Nhưng biến cố làm lay động thế giới quan mà tôi đã dầy công nuôi dưỡng cùng với rất đông các đảng viên cộng sản vào thế hệ của tôi chính là diễn văn của Khrushchev, trong đó ông tiết lộ những tội ác của Stalin. Sau sự cố đó, mặc dù chúng tôi vẫn còn tự xưng là những đảng viên trung kiên nhưng chúng tôi không thể nào tuyên bố chúng tôi vô tội được.

Cho đến mãi tháng 2-1956, chân dung của Stalin vẫn treo phía trên bàn làm việc của tôi, tay đang mồi ống điếu, gợi nên hình ảnh của một cha già dân tộc đầy lòng ưu ái. Một ngày trong tháng đó, báo chí phương Tây đến từng xấp dày như thường lệ. Tôi luôn luôn đọc The New York Times và ấn bản Paris của tờ International Herald Tribune để ước định khuynh hướng của người Mỹ. Tôi cũng đọc một số tờ báo và tuần báo Tây Đức, kể cả tờ lá cải Bild-Zeitung, mặc dù nó có tính cách thoả mãn thị hiếu quần chúng, đôi khi nó có những tin tức cục bộ và tình báo chính xác hơn những đối thủ sáng giá hơn nó. Tôi cũng đọc The Times của London và tờ Le Monde. Việc đọc toàn bộ báo chí này là một đặc quyền trong công tác của tôi. Báo chí phương Tây bị cấm bên Đông Âu, lấy cớ không xác thực là chúng hàm chứa những luận điệu gây loạn chống thế giới Cộng sản, nhưng lý do thực sự là Bộ Chính trị biết trong tận đáy lòng thầm kín của họ những bài tường thuật về cuộc sống đằng sau Bức Màn Sắt trong rất nhiều chi tiết quá sát với sự thực khiến cho họ không thể an tâm.
Tại Đại hội Đảng, Khrushchev cuối cùng đã thắng trong cuộc tranh giành quyền lực phức tạp và đẫm máu sau cái chết của Stalin, tố giác kẻ độc tài, tiết lộ rằng trong số 139 thành viên và ứng cử viên đắc cử vào Trung ương Đảng năm 1934 tại Đại hội lần thứ VII của Đảng cộng sản Liên Xô, 98 người đã bị bắt giam và xử bắn. Trong số 1936 đại biểu tại Đại hội mà bậc cha mẹ chúng tôi long trọng báo cho thiếu niên chúng tôi lễ tiến cử, quá nửa đã bị kết tội phản cách mạng và rất ít người sống sót. Khrushchev kết luận cuộc đàn áp tàn bạo của Stalin đã vi phạm tất cả những quy chế chính thống cách mạng.
Đây là một ngôn ngữ mà người cộng sản chúng tôi, vì quen với lối tẩy rửa tinh thần chao đảo dù nhỏ nhặt đến đâu trong tổ chức, chưa bao giờ gặp. Bây giờ cái thây xác của hệ thống này đã được phơi bày công khai qua một cuộc mổ xẻ tận tình, chúng tôi cảm nhận ngôn ngữ tố cáo Stalin của Khrushchev có vẻ mơ hồ và thiên kiến. Nhưng vào lúc đó, chẳng khác gì chúng tôi bị một nhát búa trên đầu. Khi tôi đọc xong bản diễn văn trên báo chí phương Tây, phản ứng đầu tiên của tôi là đem bức chân dung của Stalin treo trên tường xuống và đá nó vào một góc. Tôi không thể nói rằng những gì tôi vừa đọc gây chấn động cực kỳ nơi bản thân - vì tôi biết quá nhiều qua những kinh nghiệm cá nhân của tôi trong cuộc sống ở Liên Xô - nhưng từ đó xuất phát nỗi đau khi tôi nhìn xuống vực thẳm hiển hiện những tội ác của ông. Cảm giác giống như chỉ một thoáng những sợ hãi kinh hoàng nhất về chế độ mà chúng tôi gắn liền cuộc sống đã trở thành sự thật.
Thấm nhập qua Đông Âu qua ngã truyền thông của phương Tây và qua rỉ tai, diễn văn nảy lửa của Khrushchev đã làm leo thang những mối bất bình tại Ba Lan và Hungary. Cuộc nổi dậy của Hungary vào tháng 10 và 11-1956 là kết quả trực tiếp của những lời tố cáo của Khrushchev. Lãnh tụ cải cách của Hungary là Imre Nagy, người tôi quen biết tại Moscow từ năm 1943 đến năm 1945 khi ông lãnh đạo đài phát thanh Hungary lưu vong trong khi tôi là đặc phái viên của Đài phát thanh nhân dân Đức. Chúng tôi cùng đi một chuyến xe buýt để về nhà khi phiên làm chấm dứt. Nagy, với bộ râu mép đặc thù của người Hung và khuôn mặt tròn, luôn luôn tỏ ra điềm đạm và vui tính và dễ kết bạn trong nhóm lưu vong quá khích. Bấy giờ tôi tin chắc ông với sự thoả thuận của cấp lãnh đạo Moscow sẽ tìm ra phương cách để tái lập lại ổn định tại Budapest. Xe tăng rút ra khởi Budapest sau những ngày đầu nổi dậy và Nagy hứa sẽ có cởi mở tự do.
Nhưng những lời lẽ đó không đủ thuyết phục và cũng đã quá trễ. Các cuộc phản đối và đổ máu vẫn tiếp diễn và xe tăng của Liên Xô trở lại ngày 4-11-1956. Xô viết luôn gọi trên đường dây khẩn cấp của tôi và câu hỏi luôn đặt ra: NATO sẽ phản ứng ra sao? Tôi cũng chẳng lấy gì làm tự tin lắm. Một mặt có rất nhiều chỉ dấu cho thấy NATO đang chuẩn bị những công tác bí mật chống Liên Xô. Mặt khác, có những tín hiệu từ các nguồn tin của chúng tôi cho chúng tôi biết phương Tây tự kềm chế vì sợ leo thang. Tôi đánh liều và điện báo cho Moscow: “NATO sẽ không can thiệp”.
Nếu tôi ước định sai - và tôi không lấy gì làm chắc chắn - sự nghiệp của tôi có lẽ đã chấm dứt, cho dù đây là điều cùng cực. Nhưng tôi đã có lý, và Nagy trở thành con vật tế của Liên Xô. Họ hứa không truy tố Nagy và những người Hung khác tại Toà đại sứ Nam Tư, nhưng họ nuốt lời hứa. Họ bắt cóc ông đưa ông ra khỏi Toà đại sứ Nam Tư, đưa ông sang Roumany, và hạ sát ông sau một màn toà án bí mật lố bịch; đây là một hành động lập lại phương pháp tồi tệ nhất của đường lối Stalin. Sau này, lãnh đạo của tình báo hải ngoại Hungary, Sandor Rajnai, tâm sự với tôi là ông bị dày vò tội lỗi vì vai trò cá nhân của ông ta trong việc thẩm vấn Nagy. Ông nói “Mischa, việc như thế này không bao giờ nên tái diễn nữa”.
Hungary với hình ảnh tàn sát và huỷ hoại là một bài học đắng cay cho tất cả anh em chúng tôi. Việc này có thể nhất thời cho phép nhóm giáo điều của Moscow gắn nhãn hiệu phản cách mạng cho thành phần cải cách, nhưng đối với những người Cộng sản biết suy nghĩ, tính cách phức tạp của cuộc nổi dậy khó nắm bắt vì những thông điệp trộn lẫn trong đó. Những câu hỏi khuôn mẫu cũ kiểu Lê-nin trở lại trong tâm não của tôi: Chúng ta có nên hy sinh quyền lực mà chúng ta đã khổ nhọc chiếm được? Tự do cho ai và chống lại ai?
Chúng tôi có một cuộc họp tại Bộ An ninh quốc gia vào tháng 3-1956 để bàn thảo về ý nghĩa của Đại hội Moscow. Ernst Wollweber lúc đó vẫn còn tại chức, nhờ vậy chúng tôi tránh được những loại hội họp kiểu Mielke, người kế vị của ông. Đối với Mielke ý niệm thảo luận có nghĩa là đương sự nói hàng tiếng đồng hồ và sau đó giải tán phiên họp. Tôi lên tiếng và chào mừng phương cách các đồng nghiệp Xô viết tiếp cận với quá khứ và bày tỏ lòng nhẹ nhõm bớt được gánh nặng nghi ngờ đã gây hoang mang nơi tôi hàng mấy năm nay. Mielke tỏ vẻ kinh hoàng. Y nói “Tôi chưa bao giờ đau khổ phải gánh chịu một gánh nặng nào. Tôi không hiểu đồng chí Wolf muốn ám chỉ điều gì”. Y tiếp tục nói y không hề biết có một cuộc đàn áp nào tại Liên Xô và thòng một câu để tỏ ra biết điều là Đông Đức cũng chẳng xảy ra việc này.
Lẽ cố nhiên nước chúng tôi không thể tránh khỏi một vài hệ quả của không khí đầm ấm này. Tám mươi tám tù nhân Đức bị toà án quân sự Xô viết kết án được trả tự dọ và thêm vào trước đó bảy trăm tội nhân được thả khỏi tù. Trong nội bộ Đảng, những biện pháp kỷ luật đối với Anton Ackermann, Franz Dahlem, Hans Jendretzky và nhiều uỷ viên trong Trung ương Đảng khác bị thất sủng (từ năm 1953) được bãi bỏ. Những kế hoạch cải cách thình lình lại được lôi ra khỏi ngăn cất hồ sơ của các vị công chức. Ngay trong Trung ương Đảng, đã có những bàn thảo tìm kiếm cách xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một sự việc chỉ có thể xảy ra với một hình thức dân chủ nào đó. Tôi phục vụ trong một uỷ ban nghiên cứu hỗn hợp trong đó có những chuyên viên về kinh tế, điều hành ngân hàng, chính trị, quân sự và các cơ quan an ninh. Kinh tế không phải là bộ môn sở trường của tôi, nhưng tôi chăm chú nghe. Tôi cảm thấy, về mặt tri thức, sẵn sàng chấp nhận cách phân bố về tài sản tư hữu nhiều hơn và sâu sắc đặt vấn đề tương quan giữa tự do ngôn luận và giáo điều của nhà nước tuân theo những huấn thị của Đảng.
Nhưng Ulricht vẫn muốn tiếp tục đóng kín. Đúng hai tháng sau Đại hội Đảng tại Moscow, Bộ Chính trị Đông Đức bỏ phiếu chống lại tất những bàn luận về những sai lầm, để tránh cung cấp đạn dược cho kẻ thù. Kỷ luật được tái lập qua những khẩu hiệu vô lý như “khắc phục những sai trái trên con đường tiến tới của chúng ta”. Tôi là một trong những người trong Đảng, đã có lần hy vọng có những động lực mới, lại một lần nữa khép mình tuân phục trước kỷ luật toàn năng. Tuy nhiên, Đại hội XX Đảng cộng sản Liên Xô là bước đầu của một hành trình dài tiến tới điều mà sau này chúng tôi được biết đến là Perestroikaglasnost, khởi đầu của một vòng cung mà đoạn kết sẽ được mô tả vào năm 1989.
Phần tôi, tôi cũng phải trải qua con đường gồ ghề cho đến lúc tôi chấp nhận những ý kiến mới và bỏ lại đằng sau cơ quan tình báo và những nét xơ cứng trong suy nghĩ của tôi.

***


Những bùng nổ về địa lý chính trị năm 1956 càng xói mòn mọi hy vọng thay đổi. Những sự cố tại Poznan - nơi, trước khi xảy ra vụ Khrushchev tiết lộ, một cuộc đình công của công nhân Ba Lan đã bị chính quyền Ba Lan đàn áp đẫm máu - cuộc nổi dậy tại Hungary và cuộc khủng hoảng kinh đào Suez, tất cả những dữ kiện này khiến cho chúng tôi phải suy nghĩ trở lại theo chiều hướng Chiến tranh Lạnh. Theo quan điểm của chúng tôi, tất cả những gì chúng tôi chứng kiến là các đồng minh của hai siêu cường rất có kỷ luật khi họ cố gắng thực thi chính sách độc lập - Hungary do Moscow, và Anh và Pháp do Washington. Thế giới được chia thành hai khối và chúng tôi biết chúng tôi thuộc khối nào.
Tôi tự hỏi nếu tôi cầm quyền tôi có hành động khác không. Tôi hy vọng là có, nhưng tôi không dám đoán chắc. Khi tôi nói chuyện với Yuri Andropov vào thập niên 1980 về những vấn đề cải cách - đề tài đề cập liên quan đến Ba Lan, không phải là Đức, nhưng vấn đề tương tự cho cả hai - tôi hỏi ông đảng viên cộng sản tiến bộ này tại sao ông có quá ít ảnh hưởng lên trên những vấn đề này. “Đồng chí Wolf”, ông đáp lại, “khi bất cứ ai trở thành Tổng bí thư, các anh có khoảng một năm để gây ảnh hưởng lên đương sự. Nhưng khi những người vây quanh đương sự nói rằng đương sự là thiên hạ đệ nhất và hoan hô từng cử chỉ của đương sự, và lúc đó đã quá trễ”. Andropov kể đến Nicolae Ceaucescu ở Romania, vào những năm đầu có vẻ như đi con đường độc lập với Moscow để rồi mau chóng trở thành một kẻ độc tài.
Tôi nghe văng vẳng những chỉ trích cho rằng tôi phải chờ đến hai mươi năm để đem ra áp dụng những điều tôi suy nghĩ. Nhưng sự thể nó đã như vậy. Tất cả căn bản suy tư của tôi về Chiến tranh Lạnh là phương Tây và hệ thống xã hội của nó không trình bày một phương hướng khác khả dĩ chấp nhận được. Vào thời điểm này và nhiều năm về sau, tôi không dự tính một bước đi nào hết, ngay cả trong đường hướng tư duy, để giúp cho đất nước của tôi và của các quốc gia khác trong khối Warsaw tiếp cận hệ thống tư bản. Tôi vẫn tin tưởng bất di bất dịch là hệ thống chủ nghĩa xã hội, cho dù nó có những thất bại hãi hùng, biểu trưng một khuôn mẫu có tiềm năng tốt đẹp cho nhân loại hơn là phương Tây. Vào lúc thời điểm quyết định, cho dù tôi có bao nhiêu mối nghi ngờ về cách thực hiện của Đảng cộng sản, tôi tin rằng chúng tôi không nhượng bộ trước ảnh hưởng của phương Tây. Tôi có viết trong đoạn mở đầu dài và khắc khoải của quyển nhật ký của tôi viết năm 1968:
Cơ cấu quyền lực trong thời kỳ quá độ đã triển khai con đường tiến tới Xã hội chủ nghĩa đích thực, nó có những luật lệ riêng biệt và có sức sống độc lập. Chúng được điều khiển bởi những yếu tố chủ quan và quyền lợi.
Những cơ cấu này, những bộ máy này và những công chức này có thể đôi khi lạm dụng quyền hành đối với quần chúng theo những đường hướng chẳng phù hợp tí nào với Cách mạng.
Sự pha trộn giữa lòng trung tín nồng nhiệt và mối nghi ngờ day dứt thấm nhập trí não của các đảng viên cộng sản có trí tuệ. Nhưng cơn cám dỗ lúc nào cũng trực sẵn để chôn vùi những câu hỏi bất an và thay vào đó tập trung vào những thắng lợi kỹ thuật và khoa học do hệ thống của chúng tôi lập nên và ảnh hưởng của nó đối với các xã hội chậm tiến như Nga và Trung Hoa. Tất cả mọi thứ khác đều cho đóng băng cho đến khi chủ nghĩa xã hội trở nên ổn định hơn. Những thay đổi không thể xảy ra vào thời đó vì sự kiện này nằm trong bản chất của chính hệ thống và mối căng thẳng của tình hình quốc tế. Bất cứ một chấp nhận cải cách nào đều xem như họ chấp nhận thất bại, và tự động biến thành chiến thắng của phương Tây. Đây là vòng tà ác mà tôi bị lôi cuốn vào trong, liên tục năm này qua năm nọ.


***


Sau những cuộc nổi dậy năm 1956, mối ưu tư chính của Khrushchev là làm dịu bớt các xung đột và căng thẳng trong khối Đông Âu để có thể tập trung vào các kế hoạch kinh tế đầy tham vọng của ông tại quê nhà. Một loạt những thống kê và diễn văn lạc quan của ông được các bạn đồng nghiệp đón nhận với một chút hài hước, nhưng ông thực sự tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của ông, đất nước không những bắt kịp mà còn vượt trội sự phồn thịnh của Hoa Kỳ. Điều này đã được các cố vấn của Ulbricht chuyển ngữ một cách kính cẩn nhưng vụng về là “vượt lên trên mà không cần bắt kịp” (überholen ohne einzuholen), một câu mà ngài Tổng bí thư của chúng tôi lập đi lập lại nhiều lần cho đến khi có người bạo dạn báo cho ông biết đây là một nghịch lý.
Cũng đã có một số người cười thầm về lòng say mê của Khrushchev đối với ngũ cốc, ông tin tưởng đây là vũ khí bí mật để giải quyết nạn khan hiếm thực phẩm của đất nước rộng lớn của ông ta. Trong dịp viếng thăm đầu tiên Đông Đức năm 1957, Mielke và tôi đưa ông đến cánh đồng sản xuất ngũ cốc to lớn nhất của cộng hoà trong vùng Magdeburg. Tại đây ông gặp gỡ các kỹ sư nông nghiệp giúp soi sáng và làm vừa lòng ông. Ông cẩn thận ghi lại tất cả các phương thức và sau này tôi nghe ông gây khốn khổ cho các công chức của ông, mắng mỏ họ vì không bắt kịp được ngay cả mức sản xuất của Cộng hoà Dân chủ Đức.
Phong cách thô kệch của Khrushchev và những diễn văn dông dài của ông khiến cho một số người bực bội khi ông trở về nước, nhưng tại Đông Đức, nơi chúng tôi phải chịu trận nghe lưỡi gỗ của Ulbricht, tính chất hồn nhiên của Khrushchev đã gây một ấn tượng mạnh. Ông được tiếng tốt nhất trong giới lãnh đạo Xô viết cho đến khi Gorbachev lên cầm quyền, nhưng không như Gorbachev, ông là một người bình dị với một bản chất bẩm sinh thấu hiểu được tâm tư của người dân bình thường. Ông có thể nói hàng giờ về quê mẹ Kalinovka của ông với đầy lòng hãnh diện, đồng thời tỏ ra thái độ chê bai rõ rệt phong cách ngoại giao mượt mà.
Tôi còn nhớ một sự việc sau buổi tiếp tân tiễn đưa tại Đông Đức để kết thúc chuyến viếng thăm nước Cộng hoà Dân chủ Đức của Khrushchev. Đoàn tuỳ tùng thân cận được sắp xếp tiếp tân tại những căn phòng của Đại sứ Liên Xô tại Toà đại sứ để cất chén tiễn đưa lần cuối. Anastas Mikoyan, ông chủ tịch niên trưởng của Xô viết Tối cao đột nhiên buồn ngủ sau một vài ly và không muốn di chuyển sang lâu đài Niederschönhausen trong vùng ngoại ô Pankow, nơi nghỉ ngơi chính thức của các thượng khách, nhưng lại thích ngủ một đêm tại Toà đại sứ. Ulbricht tỏ vẻ phiền lòng vì ông đã sắp xếp trên con đường từ Niederschönhausen đến phi trường hàng dãy người Đông Đức trung thành vẫy chào từ giã các quan khách.
Một cuộc bàn cãi tiếp diễn sau đó, cho đến lúc Khrushchev can thiệp “Anastas này, không thể nào biện luận với Ulbricht được đâu. Người Đức họ cực kỳ chi ly”. Ulbricht giận tím gan nhưng không nói lời nào.
Ngày hôm sau, trên đường đi đến phi trường sau một đêm bắt buộc phải ngủ tại lâu đài, Mikoyan tỏ vẻ khó chịu. Ông phàn nàn quyết định của chủ nhà buộc ông phải đương đầu lần cuối với đám đông ngoan ngoãn đứng xếp hàng đón tiếp trên đường đi, rồi ông ngủ gục trên xe. Khrushchev quay sang sang tôi và điềm đạm nói: “Trở về cơ xưởng của chúng tôi tại Kalinovka, có lần chúng tôi có một nghệ nhân người Đức tên Müller. Một hôm hè anh đưa vị hôn thê của anh từ bên Đức sang. Anh ta rất lấy làm hãnh diện anh ta không hề đụng đến cô ta cho đến khi hai người chính thức lấy nhau trước luật pháp. Chuyện này đến tai những anh em trong cơ xưởng và một người bạn của tôi tên Vaska chụp ngay cơ hội. Y phục vụ cô nàng suốt một mùa hè. Đồng chí Wolf thấy không, tính chi ly của người Đức không phải lúc nào cũng tốt đâu”.
Lẽ cố nhiên Khrushchev có thể là một người thô kệch, khả năng trí tuệ giới hạn và kinh nghiệm yếu kém của ông về các quốc gia khác trên thế giới đã khiến cho ông không thấy được những thiếu sót của chính đất nước ông. Ông cũng không có khả năng thấu hiểu những hậu quả sâu rộng của bài Báo cáo mật của ông, rốt cuộc điều này chứng tỏ ông vẫn còn gắn chặt với hệ thống cũ và phương cách tư duy của nó. Nhưng ông là một chính trị gia quả cảm, không phải là một anh thư lại và ông tin tưởng một cách cuồng nhiệt vào ý thức hệ của ông, đến độ ông thường hy sinh những ưu đãi ngoại giao để chỉ thoả mãn lối biện giải.


***


Khoảng năm 1956, sự xung đột giữa các siêu cường đã trở nên cảnh tượng mà Bertolt Brecht mô tả ba mươi năm chiến tranh trong vở tuồng Người Mẹ Anh Dũng (Mother Courage): Nó xác định đúng tình hình lúc bấy giờ. Cả hai bên, kỹ nghệ súng ống, các chính trị gia và các cơ quan tình báo sống thoải mái nhờ lối làm ăn thịnh vượng này.
Vào một buổi sáng sớm cuối tháng 4-1956, người trông nhà đánh thức tôi dạy với một câu chào hỏi bất thường: “Ông bộ trưởng đang chờ ông ở cửa vườn nhà”. Tôi có lòng cảnh giác tức khắc. Nhìn qua kẽ màn, tôi thấy một chiếc xe Volkwagen nhỏ cũ kỹ đậu ở dưới. Tôi đâm nghi ngờ thêm bội phần, vì đây không phải là phương tiên một bộ trưởng của nhà nước Đông Đức di chuyển. Cực kỳ thắc mắc, tôi chụp khẩu súng lục đã lên đạn tôi để trên tủ giường ngủ, bỏ vào trong túi áo ngủ, tôi bước xuống cầu thang, đến trước cửa nhà.
Trước mặt tôi, bóng dáng Wollweber đứng sừng sững, với mẩu xì-gà trên môi. Ra dấu về phía chiếc xe, tôi hỏi mọi sự đều bình thường chứ. Ông giải thích ông bị đánh thức vì một cú điện thoại khẩn cấp của Xô viết và để tiết kiệm thời gian, ông đã mượn chiếc xe của người hàng xóm thay vì chờ các cận vệ và tài xế của ông. Ông quở trách tôi: “Nhanh lên đi Mischa, anh không thể tưởng tượng những gì họ mới khám phá”.
Chúng tôi lạch cạch đi qua các đường phố vắng vẻ đến phi trường Schönefeld. Phía sau Alt-Glienecke, khoảng bốn trăm thước cách biên giới khu vực Hoa Kỳ và ngay sát tường một nghĩa trang, chúng tôi thấy một nhóm bóng dáng hiện trong ánh sáng màu xám ban mai. Một nửa là binh lính Xô viết, đang hì hục đào. Những người khác đứng nhìn, tôi biết họ là những cấp chỉ huy cao cấp của tình báo quân sự Moscow tại Berlin. Một đường hầm gián điệp vừa được khám phá.
Binh lính đã đào được một đường khá sâu và chúng tôi tiếp tục quan sát, sững sờ khi thấy họ bước lên đó và đâm thọc vào một sườn sắt hình tròn nằm trong đất cứng. Trong đó là một cánh cửa sắt. Ổ khoá chảy nhão ra dưới sức nóng của ngọn lửa hàn và họ đẩy bật tung cánh cửa trước mắt chúng tôi. Một cách lặng lẽ, các anh lính dò mìn và gỡ bom đi xuống để kiếm soát khoảng không gian trống vắng xem có bị gài mìn không. Họ không thấy gì cả. Người lính gác mời chúng tôi bước vào trong.
Tôi đứng trong một căn phòng rộng lớn bằng một căn phòng đọc sách. Có hai chiếc ghế và một cái bàn nhỏ ở giữa. Dọc theo tường là từng bó giây cáp, phân chia rõ rệt. Mỗi một bó đều có bộ phận khuếch đại gắn liền trước khi chạy trở lại bó cáp chính ở phía bên kia. Tín hiệu được đón bắt, được khuếch đại và tán phát đến một căn lều đặc biệt được xây dựng cách đó năm trăm thước tại Tây Berlin. Đây là một đài nghe lén nguy trang tài tình.
Sau này tôi mới biết những chi tiết về tính chất tối tân của con đường hầm nhờ các đồng nghiệp Xô viết. Người Mỹ đã khám phá dưới luống đất này đường dây cáp điện thoại chính thời tiền chiến nối liền với miền Nam nay trở thành Đông Berlin. Nó gồm luôn trong đó đường dây gọi là Ve-Che (“tần số cao”, tiếng Nga viết tắt) nối liền Moscow với Tổng tham mưu quân sự Xô viết tại Wünsdorf, phía nam Berlin.
Không cần phải giàu tưởng tượng để biết đây là mộng ước của một điệp viên. Người Mỹ có thể đón bắt những cuộc đối thoại về việc thu mua vũ khí, khan hiếm, những sai sót kỹ thuật và bí danh về kỹ thuật vũ khí vừa mới khai triển giữa Bộ Quốc phòng tại Moscow và căn cứ Đông Berlin tại Karlshorst, căn cứ lớn nhất Đông Âu. Họ cũng có thể nghe lén những kế hoạch công tác và những cuộc thảo luận về những khó khăn triền miên về tài khoản của quân đội Xô viết.
Người Nga họ tin tưởng mãnh liệt vào hệ thống bảo toàn an ninh đường dây liên lạc Ve-Che của họ. Họ đã khai triển một kỹ thuật mới bơm hơi nén vào trong các đường dây nhỏ nằm trong cáp. Nó ghi nhận mọi biến động trong mạch điện đi qua đường dây - điều này xảy ra mỗi khi một bộ phận nghe lén, dù cao siêu đến mấy, được gài đặt lên trên.
Là đứa con của thời Stalin tại Nga, tôi không bao giờ tin có một đường dây không thể nghe lén và cho đến nay tôi vẫn không tin. (Mức độ người Nga tin tưởng vào đường dây đặc biệt của họ ngay cả khi đã khám phá đường hầm kể trên được biểu lộ cho tôi thấy đến mãi mấy năm sau này, khi, trong một cuộc viếng thăm đồng nghiệp KGB tại Berlin, họ vui vẻ chìa điện thoại cho tôi để nói chuyện với Yuri Andropov, lúc bấy giờ là giám đốc KGB tại Moscow).
Cơ quan tình báo Anh và Hoa Kỳ trước tiên xây dựng một cái chòi sát biên giới bên phía Tây để đánh cắp những trao đổi một cách an toàn. Họ thiết lập một cái nắp vòng cung để cho giống hình thù của một trạm tiên đoán thời tiết, đánh lạc hướng ở phía trên để không ai để ý sinh hoạt thực sự dưới hầm để thu thập mọi nguồn cung cấp tín hiệu của làn sóng vô tuyến.
Để tránh bị phát giác gây dao động trên cường độ vào lúc đường dây bị đón bắt, các kỹ sư Anh đã thiết kế một máy khuếch đại nhỏ cho mỗi một đường dây của hàng trăm đường dây điện thoại nằm trong ba bó cáp lớn. Đây là một kỳ công kỹ thuật và tôi đoán chừng nếu không có sự giúp đỡ của KGB, chúng tôi không dễ gì đơn phương tìm ra đường hầm này.
Chúng tôi lần mò đường hầm trong bóng tối và im lắng, chúng tôi chỉ có ánh sáng của bóng đèn tay hướng dẫn. Tôi bắt gặp một mẩu bìa cứng trắng và rọi đèn để xem. Nơi đây, dưới lòng đất, qua lằn ranh chia cắt hai hệ thống và hai ý thức hệ, một nhân viên tình báo có đầu óc hài hước cao độ đã đặt một cuộn kẽm gai nhỏ và một miếng bìa cứng trên đó ghi bằng mực đen “Quý vị bước sang khu vực của Hoa Kỳ”. Tôi, một trong những kẻ thù bất công đái thiên của CIA, đến đây để chia sẻ trò khôi hài của một anh nhân viên tình báo Hoa Kỳ! Lần đầu tiên trong suốt buổi sáng bất hủ này, tôi tự véo mình để đoán chắc tôi không nằm mơ.
Lẽ cố nhiên, có một điểm sơ sót trong công trình thiết lập kỳ công kỹ thuật này mà ngay cả một chuyên viên kỹ thuật tài giỏi nhất cũng không thể sửa chữa: Liên Xô biết sự hiện hữu của con đường hầm này ngay từ đầu, nhờ anh gián điệp nhị trùng Anh, George Blake. Nhưng, trong khi họ bảo toàn những trao đổi bằng những phương tiện này, họ không hề cho chúng tôi biết bất cứ chuyện gì, để mặc cho chúng tôi không phòng bị và lộ trần. Đức tính tồi tệ này không nằm ngoài bản tính của Liên Xô. Đối với họ, tình báo thông thường chỉ đi một chiều.
Tôi đã ngờ từ lâu có một điệp viên Anh cao cấp làm việc cho Liên Xô tại Tây Berlin. Liên Xô đương nhiên tuyệt đối bí mật về điều này, nhưng một trong những ông tướng của họ không kìm hãm nổi tính khoe khoang cho tôi biết ông đang điều khiển một công tác lớn trong lòng nước Anh. Nhưng Liên Xô muốn để cho Hoa Kỳ hoàn tất công trình vĩ đại này để có thể ước định trình độ kỹ thuật của họ. Hoa Kỳ rơi vào bẫy. Tình báo Xô viết quan sát công tác cài đặt trong khoảng một năm và sau đó công khai tiết lộ bí mật.
Sau đó Blake bị bắt và vào tù năm 1961, để rồi ngoạn mục vượt ngục trốn khỏi London sang Liên Xô năm năm sau. Ngay sau khi ông đã định cư tại Moscow và lập một gia đình mới, Nga Xô vẫn ngần ngại cho phép ông di chuyển. Cuối cùng họ chấp nhận lời thỉnh cầu của ông để ông đi nghỉ hè và cho phép ông đi cùng với người canh gác đến một trong những nơi nghỉ mát của bộ chúng tôi tại đảo Usedom trên biển Baltic. Blake đến thăm viếng Đông Berlin tất cả bốn lần, luôn luôn có hộ vệ KGB theo sau. Tôi mời ông phát biểu trước nhóm điệp viện đang được huấn luyện về những cuộc phiêu lưu của ông với hy vọng sẽ tạo tinh thần hội nhập và truyền thống trong cộng đồng tình báo Cộng sản.
Đến lượt thăm viếng lần thứ ba, những người tháp tùng Blake có vẻ nới lỏng và cho phép người vợ Nga đi theo ông. Ông cũng xin gặp gỡ riêng với tôi. Chúng tôi cùng lứa tuổi với nhau và chúng tôi nhanh chóng kết thân với nhau. Tôi có ấn tượng đặc biệt với thói quen hạ xưng của người Anh của ông. Trong khi vợ ông đi phố, vui hưởng sự phồn thịnh của các cửa hàng quốc doanh Đông Đức sau những ngày tháng thiếu thốn tại Nga, chúng tôi ngồi trò chuyện tại một quán trọ. Ông rất giỏi về ngôn ngữ, ông thông thạo tiếng Ả-rập, tiếng Pháp và tiếng Hà Lan, ngay bây giờ ông cũng nói lưu loát tiếng Đức và tiếng Nga, mặc dù ông có giọng nói của một người Anh lịch lãm có lẽ đã thấm nhập khi ông học Đại học Cambridge.
Blake cho tôi biết ý kiến về đường hầm nguyên uỷ phát xuất từ phía Anh. Sau khi ông từ Triều Tiên trở về, tại đây ông giữ chức phó trạm trưởng Cơ quan Tình báo Anh trong vùng. Blake cũng đã giữ chức vụ tương tự tại Vienna. Kế hoạch đào hầm khởi xuất từ Tổng tham mưu Quân cảnh Anh qua đường Simmeringstrasse tại Vienna đến phái bộ quân sự Xô viết gặp trở ngại kỹ thuật nhưng có vẻ là một tiến trình khả quan. Vì tham dự trong dự án đó, ông được kêu gọi tham khảo với Hoa Kỳ về đường hầm Berlin.
Sau khi Blake ra khỏi tù và đào thoát sang Moscow, chúng tôi lại gặp nhau một lần nữa, lúc đó tôi cùng đi với em Koni của tôi, đến để trình chiếu ra mắt cuộn phim “Mama, I’m alive!”(Mẹ ơi, con còn sống!). Chuyện kể về các tù binh Đức tại Nga. Hôm đó là một buổi tối êm ả, chúng tôi nói về phim sách của Nga. Ngay cả với tư cách một cựu điệp viên, ông kín đáo hơn thường lệ khi chúng tôi đề cập đến những chi tiết gút mắc về thương trường. Ông nói tới tình bằng hữu với Kim Philby tại Moscow hỗ trợ cho ông vô kể. Tôi ngạc nhiên khi Blake tỏ ra rất đau khổ vì mang tiếng là một điệp viên bẩn thỉu và mong thiên hạ coi ông ta là một người có lý tưởng. Mặc dù ông dấn thân cho chính nghĩa Xô viết, tôi có cảm tưởng ông từ chối chấp nhận trên thực tế ông là kẻ phản bội đối với đất nước của ông và chính nước ông nhìn ông như kẻ phản bội. Có lẽ ông kém thông minh hơn Philby, một người mà tôi cũng quen biết và thán phục vô cùng. Cả hai đều có vẻ nhẹ nhõm khi có người để nói chuyện và người này thấu hiểu sự dấn thân của họ cho hệ thống xã hội chủ nghĩa đồng thời chia sẻ cái nhìn phê phán trên tiến trình tại Moscow. Đi trước Gorbachev, họ cũng tin tưởng cuộc thay đổi sẽ diễn ra từ bên trong.
Mặc dù Philby và Blake cả hai đều có chức vụ thích hợp với hiểu biết của họ, nhưng cuộc sống của những điệp viên về vườn sau một cuộc sống náo động tại phương Tây không thể nào dễ dàng, đặc biệt trong một nước đang vật lộn với nhiều mâu thuẫn như Liên Xô. Philby có bản tính cởi mở hơn Blake, tự tin, mềm mỏng và thoải mái trong giao tiếp. Ông cũng có đến Đông Berlin nhiều lần để nghỉ hè và thụ hưởng những đêm dài nói chuyện với bạn bè và đồng chí cũ, nhâm nhi vài chung rượu. Nhưng sau một vài năm sống tại Moscow, cái nhìn của ông về Liên Xô trở nên khô khan hơn. Ông có lần than phiền với tôi về nền kinh tế khốn khó và hố ngăn cách giữa người lãnh đạo và nhân dân. Tôi luôn cảm thấy thú vị vì người Anh nghĩ mình là người đầu tiên khám phá ra những sự thật hiển nhiên như sản phẩm tiêu thụ khan hiếm và hành chính luộm thuộm. Philby không có nhiều cơ hội để nói chuyện với giới trí thức tại Moscow, nhưng tôi không đồng ý với những thông tin của phương Tây cho rằng ông sống khốn khổ tại Moscow. Sự thật là ông không còn lựa chọn nào khác, nhưng Philby có khả năng xoay xở giỏi hơn các điệp viên khác.
Tôi có cảm nghĩ rằng KGB thu xếp cho họ đi nghi hè tại các nước như Đông Đức và Hungary, nơi đây mức sống trung bình cao hơn tại Nga và đó là phương cách để những người như Philby và Blake xả xú-páp. KGB lo sợ những thành tích danh giá phương Tây này sẽ trở về xứ sở và giáng một đòn nặng cho bộ máy tuyên truyền của điện Kreml và những chuyện tẩu thoát không có gì là khó khăn. Philby cho tôi biết tình báo Anh tìm cách đề nghị nhiều phương thức để mời ông trở về Anh.
Philby yêu chuộng cảnh đồng quê Đông Đức và khi ông đến thăm, chúng tôi bàn về nhiều vấn đề - sách vở, tư tưởng, và ngay cả nấu nướng; chúng tôi cùng làm món hoành thánh để chúng tôi so tài về cách làm món này, vì cách chọn lựa gia vị mang tính cách cá nhân cao độ. Có một lần viếng thăm, ông đưa cho tôi một ấn bản về hồi ký của ông với lời đề tặng: “Gửi tặng đồng chí Thiếu tướng Wolf, với lòng kính phục và biết ơn đã được tiếp đón nồng hậu tại DDR, Kim Philby”. Đây là ấn bản Tây Đức và ông chua thêm trong phần tái bút: “Bản dịch FRG (Cộng hoà Liên bang Đức) chưa được hoàn hảo. K.P”. Có lẽ ông nghĩ cần phải lịch sự đánh Tây Đức khi gửi tặng một món quà cho cấp lãnh đạo của tình báo hải ngoại Đông Đức. Cho dù thế nào đi nữa, phần phụ chú này làm cho tôi cảm thấy thú vị về kiểu cách tỉ mỉ của Philby.
Philby và Blake có thứ hạng trong những khuôn mặt nổi tiếng trong lịch sử tình báo. Những thành quả nghề nghiệp của họ rất lớn, bất kể khuynh hướng chính trị của họ. Đặc biệt buồn cho số phận của Blake vì ông mất tổ quốc không chỉ một lần, khi ông rời bỏ nước Anh, mà đến tận hai lần khi Liên Xô sụp đổ và ông bị bỏ rơi, sống một cuộc đời lầm lũi trên mảnh đất của một tổ quốc vay mượn đã từ bỏ lý tưởng của ông. Philby, đã từng tham dự những biến cố lớn của thế kỷ, khởi sự với Cuộc nội chiến Tây Ban Nha, có lẽ là người may mắn nhất vì đã chết đúng lúc. Tôi không bận tâm việc Philby là một tên phản bội đối với đất nước của ông, vì những gì ông làm là do quyết đoán của ông. Ông đoán quyết ngay từ thuở ban đầu Liên Xô là quốc gia biểu hiện rõ rệt nhất lý tưởng chống phát-xít của ông. Nếu quý vị có quyết tâm trong cuộc đời, quý vị đi theo con đường quý vị đã tự vạch sẵn và không đi lệch hướng - cho dù quý vị có thể bắt gặp những điều kinh khủng trên đường đi. Lẽ cố nhiên, đường đi của mỗi người mỗi khác và thứ tự ưu tiên cũng khác. Có những người như Arthur Koestler, đã quyết định theo lý tưởng công bằng và bình đẳng của Cộng sản và sau đó quay lưng đi vì những thái quá trong chế độ Xô viết. Điều này cũng xảy ra cho người bạn cũ của tôi Wolfgang Leonhard. Đã có lần tôi không hiểu được họ, nhưng tôi có nói chuyện với Leonhard và tôi nghĩ rằng bây giờ chúng tôi đã hiểu nhau.


***


Nhờ quy chế hoá các luật lệ trong Chiến tranh Lạnh, điệp viên không còn xuất hiện như là những nhân tố ác độc của phía bên kia nhưng đúng hơn là những món vật - đôi khi là con cờ - trong một cuộc chơi giữa Đông và Tây. Họ thường được giam giữ bởi cơ quan tình báo đối nghich, sau khi bị bắt, chứ không bị xử bắn, mặc dù đôi lúc việc hành quyết cũng xảy ra, rất thường khi một chính trị gia muốn gửi một thông điệp cho dân nước mình hoặc cho phía bên kia. Sự thay đổi này khiến cho tôi nhận biết những cuộc trao đổi có thể trở thành một phần quan trọng trong kho vũ khí tình báo của chúng tôi. Tôi khởi sự xem xét tỉ mỉ phía chúng tôi giam giữ những ai để có thể trao đổi với nhân viên chúng tôi bị bắt giam bên Tây Đức.
Tại Đức, lề lối này đã trở thành thủ tục nhờ các dịch vụ của Wolfgang Vogel, luật sư Đông Berlin đai diện cho quyền lợi quốc tế của Cộng hoà Dân chủ Đức (GDR), và Jürgen Stange, đối tác bên Tây Đức. Ngày tháng trôi qua, việc thu xếp trao đổi qua bức Bức tường Sắt trở nên dễ dàng hơn. Vogel làm ăn khá phát đạt nhờ làm trung gian giữa hai cường quốc kình địch.
Cuộc trao đổi quốc tế quan trọng đầu tiên giữa Tây và Đông liên quan đến Francis Gary Powers, phi công của chiếc máy bay trinh sát U-2 bị bắn hạ ngày 1-5-1960 trên không phận Liên Xô.
Việc này tạo bối rối chính trị lớn cho Tổng thống Eisenhower và sự cố tai hại này phá vỡ cuộc họp thượng đỉnh với Khrushchev tại Paris. Tôi kinh qua một cảm giác ngại ngùng khi tham dự phiên toà xét xử Powers trong đại sảnh Nhà Công đoàn thương mại tại Moscow, nơi đây những màn xét xử của Stalin đã diễn ra vào thập niên 1930. Lúc đó tôi đang ở phố bận việc khác và quyết định đi xem. Tôi ngồi trên hàng ghế cứng dưới một trần nhà màu lợt thật êm ả đối chọi với không khí lúc bấy giờ, trên bàn bày những chân đèn lóng lánh thích hợp cho một phòng khiêu vũ hơn là một toà án.
Đây là lấn đầu tiên kể từ khi Stalin chết, toà án xét xử một gián điệp được công khai mở rộng và thiên hạ bàn tán về việc xét xử Powers suốt mùa hè tại Moscow. Thường dân Moscow đi vòng qua dinh toà án, tò mò tìm kiếm anh Mỹ đã bị bắn hạ trên không phận Xô viết. Các bạn đồng nghiệp KGB rỉ tai rằng chính ông tổng thư ký sẽ đứng ra xác quyết bản án và phán quyết.
Powers xuất hiện trong chiếc lồng tù, vẻ hơi bối rối vì những mệnh lệnh toà án được phát biểu bằng tiếng Nga. Anh có một khuôn mặt dịu dàng và thơ trẻ và có thói quen nhíu mày thật mạnh khi anh không hiểu một câu hỏi. Phong cách nhã nhặn và phần nào ngây ngô khiến tôi có chút cảm tình với anh ta, mặc dù anh ta làm việc cho phía bên kia. Nhờ qua một thông dịch viên mặt lạnh lùng, anh trả lời suôn sẻ và chi tiết những câu hỏi của công tố viên, anh xác nhận nội dung của nhiệm vụ công tác của anh và anh phục vụ cho ai. “Đồ điên” tôi thầm tự nhủ.
Rồi ra, chính sự ngây ngô của Powers và sự cộng tác với Liên Xô đã giúp các cường quốc đơn giản hoá lần trao đổi gián điệp quan trọng đầu tiên. Powers chỉ bị kết án mười năm tù giam, và các bạn của tôi trong KGB giải thích bản án khoan hồng này là một tín hiệu của Moscow cho Washington biết rằng họ sẵn sàng trao đổi điệp viên.
Phia bên kia Đại Tây Dương, Đại tá KGB Rudolf Ivanovich Abel bị giam trong nhà tù Liên bang tại Atlanta. Con của một công nhân sinh sống tại Saint Petersburg, giòng dõi Đức, vui vẻ chọn theo chủ nghĩa bolshevik và gặp Lênin nhiều lần, Abel (tên thật là William Fischer) đã được KGB lén lút cài đặt vào Hoa Kỳ năm 1947, tại đây ông đội lốt một nhiếp ảnh gia và hoạ sĩ tên Emil Goldfus. Từ căn nhà này tại Brooklyn ông điều khiển một chuỗi điệp viên có chân trong chính quyền, cơ sở thương mại và cơ mật quân sự trước khi ông bị bắt năm 1956 và sau đó bị kết án ba mươi năm tù giam. Vogel làm trung gian thu xếp trao đổi Powers với Abel vào tháng 10-1962.
Mấy năm sau, Abel đến Đông Berlin để thuyết trình tại cơ quan của tôi về những kinh nghiệm của ông. KGB đã phong quân hàm đại tướng và giao cho ông nhiệm vụ lãnh đạo hệ thống Anh-Mỹ. Ông cũng dạy các tân binh của tôi và tôi thu xếp nhiều lần các cuộc gặp với các sĩ quan cao cấp của tôi để vinh dự đón tiếp ông. Ông là người vui tính khi ông gặp đúng đối tượng và sau khi nâng ly chúc mừng thành công trong công tác gián điệp của mọi người, chúng tôi bàn về kịch trường của những thập niên 1920 và 1930, và luôn cả các vở kịch của cha tôi. Abel là một người của thời Phục Hưng sống trong một thời đại tân tiến, rất ham thích môn hoá học và vật lý và đặc biệt say mê Albert Einstein. Những bức hoạ của ông - ông dùng tại Brooklyn để làm bình phong che giấu hoạt động gián điệp của ông - tương đối đẹp. Tôi vẫn lưu giữ một vài phác hoạ nhỏ ông tặng tôi làm kỷ niệm. Sau khi ông chết vào năm 1971, bà vợ goá của ông phải áp lực mạnh với Xô viết để ghi tên thật của ông dưới tên KGB của ông trên bia mộ. Họ không bỏ nổi thói quen giữ bí mật, ngay cả khi một trong những điệp viên xuất sắc của họ đã chết và được chôn.
Một dấu hiệu khác về tập quán gay gắt của Chiến tranh Lạnh xuất hiện sau cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Khrushchev và Tổng thống Kennedy tại Vienna năm 1961. Tôi được biết cuộc xung đột trở nên trầm trọng tột độ khi Khrushchev trở về nước tuyên bố với quân đội và nâng cao vai trò của Tây Berlin. Do hai nguồn tin của chúng tôi - một tại tư lệnh quân sự Anh tại Berlin và một tại Tổng tham mưu NATO, chúng tôi biết những chuẩn bị nóng bỏng của phía Hoa Kỳ để phản ứng chống lại trong trường hợp Moscow ra lệnh phong toả Berlin lần thứ hai. Khi tôi đọc những tài liệu lưu trữ được sắp xếp lại như việc lắp lại những mẩu hình ghép rời rạc từ một mớ vi phim, tôi nhận thấy chỉ lỡ một bước kém khôn ngoan của cả hai phía là có thể đưa đến chiến tranh. Và nó sẽ khởi sự tại đây, tại Berlin.
Một tổ chức tối mật của Hoa Kỳ gọi là Live Oak (Cây Sồi Sống) đã được thành lập năm 1958 bởi ngoại trưởng Hoa Kỳ John Foster Dulles, và đặt dưới quyền chỉ huy của Tướng Lauris Norstad, chỉ huy trưởng khối NATO, cốt để phá vỡ việc phong toả Berlin lần thứ hai. Một hôm có người trình cho tôi một tài liệu do Norstad ký tên ghi rõ những phần thiết yếu trong “Ước định sơ khởi về ú đồ của Xô viết”. Tài liệu này, tôi có được qua một nguồn tin tại Tổng tham mưu Anh tại Đức, vẫn còn được xem là mật tại Hoa Kỳ mặt dù được viết cách đây 40 năm. Nếu việc hạch sách ở mức độ thấp các loại xe của quân đội di chuyền qua hành lang một trăm dặm nối liền Berlin với Tây Đức có chiều hướng leo thang, kế hoạch của Live Oak đề nghị phái một đoàn quân xa để mở đường vào phía Tây Berlin và thử phản ứng của Xô viết. Tài liệu tiếp tục đề nghị những giải pháp quân sự rộng lớn hơn. Trước hết là một tiểu đoàn gồm có binh lính Hoa Kỳ, Anh và Pháp đi vào hành lang này. Rồi vào giai đoạn cuối của mức độ đọ sức, một sư đoàn gồm có quân đội của ba nước đi vào hành lang để khẳng định quyền được vào thành phố Berlin. Chỉ có quân đội Hoa Kỳ, Anh và Pháp gia nhập trong công tác này, vì họ là những người duy nhất có quyền gửi quân đội qua Đông Đức đế đến vùng chiếm đóng phía Tây của Berlin.
Tôi không dễ hoảng sợ, nhưng kế hoạch Live Oak làm cho tôi lạnh xương sống. Các nguồn tin tại Moscow cho tôi biết Khrushchev nói không ngừng về Berlin. Ông cũng có nói với Đại sứ Hoa Kỳ Llewellin Thompson là giải quyết vấn đề Berlin là một vấn đề “uy tín cá nhân” của ông và ông đã “chờ đợi khá lâu” để tiến hành. Vì biết rõ lòng tự ái cố chấp của Khruschev nên tôi đâm ra lo ngại hơn. Các cường quốc thường gây chiến với nhau chỉ vì muốn bảo vệ cái uy tín mong manh của các cấp lãnh đạo.
Điều mà tôi không biết vào lúc đó, có một chống đối mãnh liệt kế hoạch Live Oak trong nội bộ của NATO. Mấy năm sau, cơ quan tình báo CIA giải mật tài liệu cho biết trưởng khối quốc phòng Anh, Thống đốc Lord Mountbatten, đã hạch hỏi Kennedy về kế hoạch này:
Điều gì sẽ xảy ra cho sư đoàn nằm trên xa lộ? Nga sẽ cho nổ một chiếc cầu đằng trước, một chiếc cầu đằng sau và lúc đó họ bán vé chỗ ngồi để thiên hạ đến xem và cười vào mặt. Nếu đây là một trò cười, một tiểu đoàn sẽ là một thảm kịch. Phải trải một mặt trận dài 30 dặm để tiến tới và có thể họ xem đây là một cuộc xâm chiếm Đông Đức và đưa đến một cuộc chiến toàn diện.
Tôi càm thấy nhẹ nhõm khi nghe thấy con ngựa chiến già của Anh đã tỏ ra hiểu biết hơn về tính cách phiêu lưu của kế hoạch Live Oak. Bộ tham mưu của Live Oak mãi đến năm 1987 mới được NATO xác nhận, khi họ đeo huy hiệu SHAPE (Supreme Headquarters, Allied Powers Europe, Tổng tham mưu tối cao, Lực lượng Đồng minh châu Âu) trên quân phục của họ, giống như những đội khác của NATO. Tổ chức này vẫn chưa giải tán ngay cả sau khi nước Đức đã thống nhất. May mắn thay, tầm quan trọng của cơ quan này trong chiến lược của Hoa Kỳ đã giảm đi sau khi Khrushchev quyết định không phát động chiến tranh cho một vấn đề riêng biệt của nước Đức. Ngược lại ông tìm kiếm một giải pháp khác và giải pháp này là đúc một bức tường bằng bê-tông.

Tổng số lượt xem trang