-Nghịch lý khó tin trong tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam
Sự nghịch lý ở đây là, trong khi đề án tái cơ cấu nền kinh tế đang hướng tới việc cổ phần hóa bớt các DNNN, giảm sự chi phối của nhà nước với các DNNN, thì đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng lại đang tiếp tục hướng đến việc tiếp tục duy trì cơ chế cũ.
Trong câu chuyện tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, thì vấn đề tái cơ cấu hệ thống tài chính mà chủ yếu trong đó là hệ thống ngân hàng được xem là điểm mấu chốt quan trọng nhất.
Hệ thống tài chính, mà ở đây là hệ thống ngân hàng Việt Nam, vẫn được xem là mạch máu của nền kinh tế. Một hệ thống ngân hàng được cấu trúc ra sao sẽ định hình nền kinh tế theo chiều hướng đó. Câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam vì thế có một phần lớn là tùy thuộc vào kết quả của việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trên toàn quốc.
Nhưng đáng tiếc là, tính đến thời điểm hiện tại tức là bốn năm đã trôi qua kể từ thời điểm đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được đưa ra năm 2011, thì hệ thống mạch máu của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn quá nhiều những cục máu đông đang gây tắc nghẽn cả hệ thống.
Cũng giống như nền kinh tế Việt Nam, hệ thống tài chính mà chủ yếu ở đây là hệ thống ngân hàng Việt Nam, cũng chịu tác động nặng nề trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế từ năm 2007 đến 2009. Cùng lúc hệ thống ngân hàng Việt Nam phải chịu tác động kép: cuộc khủng hoảng tài chính trong nước năm 2007 và cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.
Cuộc khủng hoảng tài chính trong nước, khi bong bóng trên thị trường chứng khoán vỡ tung, lạm phát tăng vọt, trong khi một bộ phận lớn tiền tệ bị đóng băng trong hệ thống bất động sản. Đồng thời cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới với việc đồng USD mất giá đã đẩy hệ thống ngân hàng Việt Nam vào tình trạng gần giống với hệ thống ngân hàng Mỹ trong thời điểm đó.
Đó là mất thanh khoản trầm trọng, vai trò cung ứng tài chính cho nền kinh tế bị đứt gãy nghiêm trọng, đe dọa có thể làm sụp đổ nền kinh tế quốc gia. Tình hình đó buộc Chính phủ phải đưa ra đề án tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, như một bộ phận quan trọng hàng đầu trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế.
Nhưng cũng giống như tiến độ thực hiện của đề án tái cơ cấu nền kinh tế, đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cũng đang có tiến độ rất chậm chạp. Không những chậm chạp, mà bản thân đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cũng đang đặt ra những mục tiêu khá mơ hồ. Đề án tái cấu trúc chưa vạch rõ được những đặc điểm cơ bản mà hệ thống ngân hàng Việt Nam đang hướng tới, mà có vẻ như đề án chỉ tập trung vào việc giải quyết những tồn đọng đang diễn ra trong hệ thống hiện nay.
Các ngân hàng yếu kém và mất khả năng thanh khoản đã được cho phép sáp nhập để nâng cao sức cạnh tranh và khả năng tồn tại, hoặc được Chính phủ mua lại với giá 0 đồng vốn gây tranh cãi trong một thời gian không hề ngắn. Với những gì đang làm, có vẻ như tên chính xác của đề án phải là vá lỗi hệ thống ngân hàng, chứ không phải là đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng như nó vẫn mang.
Tại sao lại như vậy? Là vì so với hệ thống ngân hàng trước đó, thì hệ thống ngân hàng được định hình trong đề án tái cơ cấu gần như không thay đổi, và vẫn mang những đặc điểm cố hữu trước đó. Điển hình là vai trò của hệ thống ngân hàng nhà nước sẽ vẫn mang tính chi phối nền kinh tế. Bất chấp một thực tế rằng thị phần vốn huy động cũng như cho vay của khối ngân hàng quốc doanh với nền kinh tế đang ngày càng suy giảm, thì mục tiêu đề ra trong đề án tái cơ cấu ngân hàng vẫn đưa ra định hướng rằng “nâng cao vai trò, vị trí chi phối của các ngân hàng thương mại nhà nước”.
Nếu như vào năm 2000, khối ngân hàng quốc doanh chiếm tới 78% thị phần vốn huy động và cho vay của nền kinh tế, thì đến năm 2005 con số này giảm xuống còn 74%, và đến năm 2010 thì chỉ còn khoảng từ 45 – 51%. Các biểu hiện của nền kinh tế những năm qua cho thấy vai trò ngày càng tăng của các ngân hàng dân doanh, với cách tổ chức và hoạt động linh hoạt và hiệu quả hơn, có tác dụng thúc đẩy kinh tế hơn, và lẽ ra cần nâng cao vai trò của hệ thống ngân hàng dân doanh hơn thì đề án vẫn cố gắng níu kéo và duy trì vị trí chi phối của khối ngân hàng quốc doanh như giai đoạn trước khủng hoảng.
Trong khi đó, các điểm yếu cốt tử của hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước vẫn gần như chưa được cải thiện. Chẳng hạn như hệ thống tín dụng vẫn bị nghẽn trong hệ thống ngân hàng nhà nước. Nếu như ở các nước khác, hệ thống tín dụng của nền kinh tế bao gồm hai thành tố chính là hệ thống ngân hàng và thị trường vốn, thì ở Việt Nam hệ thống tín dụng gần như gói gọn trong hệ thống ngân hàng.
Việc thị trường vốn, cụ thể là thị trường chứng khoán, ở Việt Nam kém phát triển dẫn đến việc các doanh nghiệp gần như buộc phải vay mượn từ hệ thống ngân hàng với lãi suất và những điều kiện kém ưu đãi, gây cản trở cho quá trình phát triển và kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, việc sử dụng Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để giải quyết nợ xấu tỏ ra không hiệu quả. Các ngân hàng trên thực tế vẫn đang đẩy chi phí giải quyết nợ xấu này ra công chúng để công chúng gánh chịu.
Dễ dàng nhận ra, đề án tái cơ cấu ngân hàng hiện nay đang nhắm tới việc duy trì một cơ cấu nền kinh tế như trước khi xảy ra khủng hoảng, trong đó vẫn lấy các doanh nghiệp nhà nước làm bộ phận chủ đạo của nền kinh tế. Vì một thực tế rằng khối ngân hàng quốc doanh vẫn được định hướng là công cụ hỗ trợ để đưa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trở thành đầu tàu của nền kinh tế.
Trên thực tế, các ngân hàng vẫn cho các DNNN vay tới 30 – 35% tổng vốn cho vay của các ngân hàng này với lãi suất cực kỳ ưu đãi. Điều này sẽ tiếp tục dẫn đến tình trạng vốn phân bổ cho nền kinh tế bị lệch lạc và thiếu hiệu quả. Sự nghịch lý ở đây là, trong khi đề án tái cơ cấu nền kinh tế đang hướng tới việc cổ phần hóa bớt các DNNN, giảm sự chi phối của nhà nước với các DNNN, thì đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng lại đang tiếp tục hướng đến việc tiếp tục duy trì cơ chế cũ đang chịu sức ép thay đổi là việc đưa các DNNN trở thành mũi nhọn của nền kinh tế như trước.
Khi mà hệ thống ngân hàng vốn giữ vai trò mạch máu của nền kinh tế vẫn hướng tới mục đích đó, thì việc tái cơ cấu nền kinh tế với mục tiêu cổ phần hóa các DNNN gần như chỉ mang tính chất bề ngoài.
Việc tiếp tục duy trì một hệ thống ngân hàng giữ vai trò lệch lạc như vậy có thể khiến nền kinh tế hứng chịu những hệ lụy không nhỏ. Điển hình là việc thúc đẩy sự phát triển của giới doanh nghiệp tư nhân sẽ thiếu hiệu quả. Khi hệ thống ngân hàng vẫn được quy hoạch giữ vai trò bơm tiền cho các DNNN, thì các doanh nghiệp tư nhân sẽ tiếp tục khó tiếp cận với nguồn vốn vay như trước. Và nhất là nguồn vốn của nền kinh tế vốn ít ỏi sẽ lại tiếp tục bị phân bổ sai địa chỉ gây lãng phí và thất thoát rất lớn.
Một khi không thể đưa ra những mục tiêu mang tính đột phá của quá trình cải tổ hệ thống ngân hàng, thì đề án tái cơ cấu nền kinh tế sẽ vẫn chỉ là trên giấy mà thôi. Một hệ thống ngân hàng y nguyên như trước khi khủng hoảng, sẽ vẫn chỉ tạo ra được một hệ thống kinh tế què quặt như trước thời điểm khủng hoảng mà thôi.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng thông tin từ The Saigon Times, VNeconomy)
-Tái cơ cấu nền kinh tế 4 năm, người dân được cái gì?
Kể từ khi đề án tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam được đưa ra vào năm 2011, quá trình được xem là có vai trò trọng yếu cốt tử với tương lai đất nước đã đi vào thực hiện được 4 năm, nhưng kết quả của nó vẫn hết sức nghèo nàn.
Những ngày cuối cùng của năm 2015 đang mở ra khoảng thời gian được xem là nhiều cơ hội nhất cho nền kinh tế Việt Nam, với hai hiệp định quan trọng là khu vực kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều cơ hội nhất cũng đồng nghĩa với nhiều thách thức nhất. Những nguy cơ về việc nền kinh tế Việt Nam bị chìm nghỉm và đè bẹp bởi các nền kinh tế trong ASEAN, TPP hay thậm chí là bởi Trung Quốc đã không còn là những lời cảnh báo suông.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất ở đây là, trong khi những thách thức với nền kinh tế đến từ bên ngoài đang lớn hơn bao giờ hết, thì bản thân sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam đang bị đặt nhiều dấu hỏi hơn bao giờ hết. Một nền kinh tế chưa được định hình cũng giống như một căn nhà đang xây dở, sẽ dễ bị gió bão quật đổ hơn bao giờ hết. Ngôi nhà mang tên kinh tế Việt Nam cũng vậy, vẫn còn đang hết sức dở dang khi mà quá trình tái cơ cấu vẫn đang diễn ra chậm chạp và thiếu hiệu quả hơn bao giờ hết.
Kể từ khi đề án tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2011, tính đến thời điểm hiện tại, quá trình được xem là có vai trò trọng yếu cốt tử này với tương lai đất nước đã đi vào thực hiện được 4 năm, nhưng điều đáng buồn là những kết quả của nó vẫn hết sức nghèo nàn. Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế mà Việt Nam phải hứng chịu năm 2007, cộng với tác động kép từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 khiến cho Việt Nam trên thực tế là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cơ cấu nền kinh tế Việt Nam sau thời điểm năm 2009 bị suy yếu nghiêm trọng, lạm phát tăng vọt, các doanh nghiệp đua nhau phá sản, thị trường chứng khoán suy sụp, khả năng sản xuất bị đình đốn. Cuộc khủng hoảng cho thấy rõ rằng cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đang có quá nhiều vấn đề, mô hình tăng trưởng kinh tế cũng vậy. Ngôi nhà kinh tế Việt Nam đang lung lay hơn bao giờ hết, và cần phải sửa chữa lại nó một cách hệ thống và toàn diện.
Tuy nhiên, sau 4 năm, quá trình sửa chữa lại ngôi nhà kinh tế đã lung lay ấy vẫn đang diễn ra hết sức chậm chạp. Nhìn lại nguyên trạng nền kinh tế ở thời điểm hiện tại so với cách đây 4 năm, thì dường như chẳng có thay đổi nào đáng kể. Các vấn đề quan trọng nhất cần sửa chữa và tái cơ cấu của nền kinh tế vẫn y nguyên, từ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho đến cải cách hệ thống ngân hàng, giảm đầu tư công lãng phí và thiếu hiệu quả hay chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Tất cả vẫn y như cũ, những thay đổi có chăng chỉ rất nhỏ. Nói cách khác, Việt Nam đã lãng phí mất 4 năm để chẳng đạt được bước tiến nào đáng kể trong việc sửa chữa lại ngôi nhà kinh tế của mình, và sau 4 năm thì ngôi nhà ấy vẫn ọp ẹp như xưa.
Những vấn đề quan trọng nhất trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế dường như đang bị bỏ bê, điển hình là việc cổ phần hóa các DNNN – bộ phận nghịch lý nhất trong nền kinh tế Việt Nam. Cuộc khủng hoảng kép giai đoạn 2007 – 2009 đã chỉ ra một thực tế rằng hệ thống các tập đoàn và DNNN đang thực sự là những con nghiện của nền kinh tế Việt Nam, và người dân Việt Nam đang phải còng lưng ra nuôi những con nghiện khổng lồ này.
Là bộ phận của nền kinh tế nhận được nhiều ưu đãi nhất từ phía chính phủ, nắm tới gần 70% nguồn vốn tài chính, được quyền tiếp cận 100% tài nguyên, nhưng khối quốc doanh chỉ đóng góp được hơn 30% GDP cho nền kinh tế và giải quyết được công ăn việc làm cho khoảng 20% lao động.
Các tập đoàn và DNNN nhận được nhiều ưu đãi như vậy, nhưng lại không hướng ra cạnh tranh ở thị trường nước ngoài, mà lại cạnh tranh và chèn ép với chính các doanh nghiệp trong nước, đẩy các doanh nghiệp trong nước đến chỗ phá sản. Chính việc tập trung nguồn vốn tài chính quá lớn trong tay các tập đoàn và DNNN là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc vỡ bong bóng trên thị trường chứng khoán và những khối nợ xấu chồng chất của khối quốc doanh ở thời điểm đó.
Việc tái cơ cấu nền kinh tế vì thế có nội dung trọng tâm ở việc cổ phần hóa các DNNN, bộ phận lớn nhất của nền kinh tế nhưng lại thiếu hiệu quả nhất. Chỉ số ICOR của khối quốc doanh trong giai đoạn 2010 – 2012 lên tới 8,58 tức là gấp rưỡi chỉ số chung của cả nước là khoảng 5,3. Không những vậy, những báo cáo mới nhất về tổng số nợ của các DNNN mới cho thấy quy mô thực sự của vấn đề. Báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh năm 2014 cho thấy, nợ phải trả của 119 tập đoàn, các tổng công ty và các công ty mẹ trong khối quốc doanh đã lên tới 1.567.063 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2013).
Ngoài ra, 662 DNNN là các công ty TNHH một thành viên độc lập có tổng số nợ phải trả cũng lên tới 173.312 tỷ đồng (tăng 74% so với năm 2013). Như vậy, tổng nợ phải trả của 781 doanh nghiệp mà Nhà nước năm 100% vốn điều lệ đã lên tới 1.740.375 tỷ đồng (tăng 12,2% so với năm 2013). Để dễ hình dung về con số nợ khổng lồ của khối quốc doanh, thì tổng số nợ 1.740.375 tỷ đồng này tương đương 44,2% GDP. Ngoài ra, tổng số nợ phải trả của khối quốc doanh đang gấp 9,3 lần lợi nhuận trước thuế của các công ty này.
Với quy mô vấn đề trầm trọng như vậy, lẽ ra các DNNN phải là đối tượng phải tái cơ cấu mạnh mẽ nhất trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng điều đáng ngạc nhiên là Nhà nước lại chọn cách tiếp tục cung phụng những đứa con cưng nghiện ngập này, bằng cách bơm thêm tiền để giúp duy trì sự tồn tại một cách bất hợp lý, thay vì buộc các con nghiện cỡ bự này phải cắt cơn. Tính đến cuối năm 2015, tức 4 năm sau đề án tái cơ cấu nền kinh tế được thực hiện, thì lượng cổ phần hóa của khối quốc doanh chỉ chiếm chưa đầy 10%, tức là các DNNN vẫn đang giữ tới hơn 90% cổ phần. Nói cách khác, mọi chuyện gần như chẳng có gì thay đổi so với cách đây 4 năm cả.
Việc thiếu quyết liệt trong việc cổ phần hóa các DNNN dẫn đến việc chậm trễ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế đang dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng. Một trong số đó là việc kinh tế Việt Nam ngày càng thiếu tự chủ. Tính đến quý 3 năm 2015, 72% hàng xuất khẩu của Việt Nam là từ khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) trong khi trước đó vài năm con số này chỉ mới hơn 58%, cùng với đó là việc con số nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng lớn. Nó đồng nghĩa với việc kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các nền kinh tế bên ngoài.
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là việc trong khi nền kinh tế Việt Nam đang rối bòng bong như vậy thì chính phủ lại đẩy mạnh việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và các hiệp định khu vực thương mại mà TPP là một điển hình. Khi tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm chạp và chưa được định hình, các doanh nghiệp còn đang trong tình trạng sức khỏe kém, thì việc mở rộng cửa hơn bao giờ hết cho các doanh nghiệp nước ngoài thông qua các hiệp định thương mại chẳng khác gì việc gián tiếp bóp chết các doanh nghiệp trong nước.
Một khi chưa thể tái cơ cấu nền kinh tế thành công và vững chắc một cách căn bản, khi đó Việt Nam còn hứng chịu những bất lợi lớn từ các hiệp định thương mại với bên ngoài. Tái cơ cấu nền kinh tế giờ đây vì thế không còn là một yêu cầu cấp bách nữa, mà là một yêu cầu có tính chất sống còn, nếu như không muốn trong tương lai gần nền kinh tế Việt Nam bị chìm nghỉm và bóp nghẹt bởi các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng các thông tin từ The Saigon Times, Vneconomy)-
-Vì sao 662 doanh nghiệp nhà nước không báo cáo tài chính?
Thứ Tư, 25/11/2015, 11:16 (GMT+7)
EVN đang vay nợ nước ngoài gần 162 ngàn tỉ đồng, dẫn đầu về nợ nước ngoài của các doanh nghiệp. Ảnh evn.com.vn
(TBKTSG Online) - Vì sao cả nước có 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mà báo cáo về công nợ do Bộ Tài chính công bố chỉ đề cập vỏn vẹn 119 doanh nghiệp trong số đó?
Báo cáo mang tên “Tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước” do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ký gửi Quốc hội là một tài liệu quan trọng.
Một mặt, văn bản này là để thực hiện một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, và Nghị quyết số 42/2009/QH12 của Quốc hội về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Mặt khác, văn bản này được coi như một cơ sở giúp Quốc hội thực thi chức năng giám sát đối với nguồn lực khổng lồ đang được khu vực kinh tế này nắm giữ. Đây là điều phải làm, và làm cho nghiêm túc ở tầm vĩ mô.
Tuy nhiên, báo cáo - sau khi cho biết rất nhiều số liệu về tài sản, nợ, vốn, tình hình kinh doanh,... của nhiều DNNN – thừa nhận một thực tế đáng phải suy nghĩ: “Nhiều DNNN chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, giám sát doanh nghiệp với cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính theo quy định; do đó việc tổng hợp báo cáo Chính phủ, Quốc hội về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong phạm vi cả nước còn nhiều khó khăn.”
Thừa nhận này, dù chỉ vài dòng ngắn ngủi trong báo cáo, cho thấy tình trạng đáng lo ngại: những DNNN không nộp báo cáo chẳng coi trọng cơ quan đại diện chủ sở hữu, và các cơ quan nhà nước khác; và mặt khác, chính các cơ quan đại diện chủ sở hữu, và các cơ quan nhà nước liên quan đang lơ là chức năng nhà nước của mình.
Nhận định trên là có cơ sở: việc báo cáo lẽ ra phải được thực hiện rất nghiêm túc, đầy đủ để phục vụ giải trình của Chính phủ với Quốc hội.
Từ đây có hàng loạt câu hỏi: vì sao các DNNN đó không báo cáo? Họ đã làm ăn thua lỗ nên giấu nợ? Họ không chịu trách nhiệm với số vốn được giao quản lý?
Còn các cơ quan nhà nước liên quan vì sao không có biện pháp gì khi không nhận được báo cáo? Họ vô trách nhiệm, hay có thông đồng với doanh nghiệp?
Chính vì sự không nghiêm túc đó làm nảy sinh nhiều lo ngại xung quanh hoạt động của khu vực doanh nghiệp này.
Chẳng hạn, theo báo cáo, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2014, có 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, báo cáo chỉ nêu thực trạng tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 119 doanh nghiệp trong số đó.
Thực trạng của 119 doanh nghiệp này như sau: tổng số nợ phải trả là 1.567.063 tỷ đồng, tổng nợ phải thu là 293.617 tỷ đồng, tổng số hàng tồn kho là 216.255 tỷ đồng. Đây là số tiền cực lớn, nhưng mới chỉ thống kê được mỗi 119 doanh nghiệp trong tổng số 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Vậy, những con số nợ phải thu, nợ phải trả, tồn kho, và nhiều số liệu tài chính khác của 662 doanh nghiệp còn lại là bao nhiêu?
Đó là chưa kể những số liệu còn thiếu và yếu trong các khu vực doanh nghiệp cổ phần, hay doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc các địa phương trong báo cáo.
Vì sao các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) “chưa thực hiện chế độ báo cáo” mà không ai bị khiển trách? Ai là người giám sát? Ai là người chịu trách nhiệm chính với đồng vốn mà trên nguyên tắc là của nhân dân?
Kỷ luật, kỷ cương của khu vực này cần phải siết chặt lại. Không thể kéo dài mãi tình trạng “lời ăn, lỗ dân chịu” của khu vực kinh tế này mà có chuyên gia nhận định.
Đã từng có hàng chục đoàn kiểm tra Vinashin, mà không phát hiện ra vấn đề để đến khi tập đoàn này bục ra thì tất cả mới té ngửa.
Việc giám sát các DNNN này không thể không rút ra bài học từ đó. Hơn ai hết, Quốc hội cần thực hiện chức năng giám sát tối cao của mình.
Đọc thêm:
- Đáng lo ngại tình trạng nợ nần của các doanh nghiệp nhà nước
-Thủ tướng: Việt Nam muốn tiếp tục nhận vốn vay ưu đãi dành cho nước nghèo
Ngày 24/7/2015, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Việt Nam vẫn kiểm soát an toàn nợ công, sẽ giảm dần nợ sau 2017…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự hỗ trợ của WB cho Việt Nam trong suốt thời gian qua, cả trong tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính. Thủ tướng cho biết mặc dù đã đạt một số kết quả song Chính phủ vẫn chưa thể hài lòng, đồng thời nhận thức đầy đủ về những khó khăn, thách thức phải giải quyết.
Về vấn đề nợ công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam dứt khoát kiểm soát nợ công trong giới hạn cho phép, dưới ngưỡng 65% theo quy định, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và giảm dần tỷ lệ nợ công sau năm 2017. Cùng với đó, Chính phủ sẽ tái cấu trúc lại nợ công, xem xét cơ cấu lại tài khóa, giảm bội chi ngân sách theo lộ trình, giảm chi thường xuyên, bảo đảm kế hoạch trả nợ; đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay. Các khoản vay mới sẽ chỉ tập trung cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; hạn chế thấp nhất lãng phí, thất thoát, tiêu cực, tham nhũng.
Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng cổ phần hóa, trong đó tập trung giảm phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp, đổi mới quản trị doanh nghiệp và niêm yết các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trên thị trường chứng khoán.
Đối với tái cơ cấu ngân hàng, Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh giai đoạn 2 tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém đúng theo kế hoạch. Cùng với đó, Chính phủ cũng quyết tâm giảm nợ xấu; tính toán để tiếp tục tăng vốn cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC). Thủ tướng khẳng định mục tiêu giảm nợ xấu xuống 3% vào tháng 9/2015 là khả thi. Ngoài ra, Chính phủ cũng tập trung triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Mong muốn WB tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Việt Nam được hưởng cơ chế chuyển đổi để tiếp tục tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi dành cho các nước nghèo và kém phát triển của WB (IDA) của kỳ IDA 18. Thủ tướng cũng mong muốn WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng thành công Báo cáo Việt Nam 2035.
Tại buổi tiếp, bà Victoria Kwakwa đánh giá qua 6 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục đạt tiến bộ tốt về phát triển kinh tế. Kinh tế vĩ mô, tỷ giá hối đoái ổn định. Bà cũng đánh giá cao việc Chính phủ ban hành và triển khai Nghị quyết 19 về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bà Victoria Kwakwa đánh giá cao nỗ lực và chính sách của Chính phủ quản lý chi tiêu tài khóa, kiểm soát nợ công, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đồng thời khuyến nghị Việt Nam cần quản lý chi tiêu tài khóa tốt hơn, đẩy mạnh hơn nữa các trọng tâm tái cơ cấu. Bà Victoria Kwakwa cho biết WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam từ nguồn ODA, kể cả nguồn nguồn vốn IDA để hỗ trợ ngân sách; hỗ trợ tăng vốn cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), đồng thời hợp tác và hỗ trợ tái cấu trúc ngành nông nghiệp.
Bà Victoria Kwakwa cũng khẳng định ưu tiên của mình trong hợp tác với các Bộ, ngành của Việt Nam nhằm chuẩn bị, ký kết và triển khai các Hiệp định tài trợ vốn của kỳ IDA 17 cho Việt Nam, trong đó đã ký khoảng 1,5 tỷ USD và chuẩn bị danh mục cho năm tài khóa 2016, 2017 để ký kết với tổng giá trị tài trợ khoảng 2 tỷ USD.
Về Báo cáo Việt Nam 2035, bà Victoria Kwakwa cho biết phía WB đang tập trung để hoàn thiện và công bố Báo cáo tại Việt Nam trong thời gian tới.
-Nợ công Việt Nam lọt top 15 nước nguy hiểm nhất thế giới
Theo biểu đồ mới nhất vừa được ngân hàng Bank of America công bố,nợ côngcủa Việt Nam đứng thứ 12 trong nhóm rủi ro cao nhất thế giới.
Để có được thống kê, ngân hàng sử dụng giá của hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (credit default swap - CDS) của trái phiếu chính phủ.
Về cơ bản, đây là một công cụ tài chính dựa trên nguyên tắc của hợp đồng hoán đổi, tuy nhiên có nguyên tắc giống như một hợp đồng bảo hiểm. Người mua CDS trả cho người bán một khoản phí nhỏ (CDS spread) để được bảo hiểm cho rủi ro trong trường hợp vỡ nợ, cụ thể ở đây là nhà phát hành trái phiếu vỡ nợ.
Phí bảo hiểm thường tỷ lệ nghịch với độ tín nhiệm của trái phiếu. Trái phiếu có độ rủi ro càng thấp thì phí bảo hiểm càng nhỏ, và ngược lại.
Nợ công Việt Nam lọt top 15 nước nguy hiểm nhất thế giới - Nguồn: Bank of America |
Nhóm các nước có CDS spread nằm trong khoảng 200 – 500 điểm cơ bản lần lượt bao gồm Ai Cập, Cyprus, Nga, Brazil, Kazakhtan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Việt Nam.
Phần đông các nước Đông Nam Á có mức độ rủi ro nợ công cao lọt nhóm có CDS spread trong khoảng 100 – 200 điểm, như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines.
Các quốc gia phát triển là những nước có tỷ lệ rủi ro nợ công thấp nhất. Đứng đầu bảng là Đức, theo sau là Thụy Sỹ và Thụy Điển. Mỹ và Anh lần lượt chia nhau vị trí 4, 5.
Đầu tháng Tám, theo thông tin từ Bộ Tài chính, nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2014 ước tính 2,346 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 110 tỷ USD.
Con số này trùng khớp với số liệu của Ngân hàng Thế giới công bố trước đó. Vị chi mỗi người dân Việt Nam hiện đang gánh hơn 1.200 USD nợ công.
Cụ thể, tổng nợ công (nợ của Chính phủ, nợ do Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) đã tăng từ 54,5% GDP 2013 lên mức 59,6% năm 2014.
Mặc dù nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn giữ ổn định khoảng 27 - 28% GDP trong giai đoạn 2010 - 2014, nợ trong nước tăng nhanh từ 23,1% GDP năm 2010 lên 31,7% GDP năm 2014.
Phần lớn huy động vốn trong nước dựa trên phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất bình quân 7,9%/năm trong năm 2013 và 6,6% năm 2014.
-Nợ công lên 110 tỉ đô la Mỹ, lãi vay bằng 7,2% tổng chi NSNN
Tư Hoàng Thứ Hai, 20/7/2015
(TBKTSG Online) - Nợ công Việt Nam lên đến 110 tỉ đô la Mỹ và chỉ riêng khoản chi trả lãi vay đã lên đến 7,2% tổng chi ngân sách nhà nước, Ngân hàng Thế giới cảnh báo.
Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 20-7 cảnh báo, tình trạng mất cân đối tài khóa kéo dài đang trở nên thành mối quan ngại trong bối cảnh gia tăng nợ công.
Theo báo cáo, tính đến cuối năm 2014, tổng nợ công của Việt Nam, bao gồm nợ của chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương ước tính là 2,35 triệu tỉ đồng (khoảng 110 tỉ đô la Mỹ).
Tỷ trọng nợ công so với GDP tăng nhanh, từ 50% năm 2011 lên 59,6% năm 2014; 79,6% trong số này là nợ chính phủ, 19% là nợ được chính phủ bảo lãnh và khoảng 1,4% là nợ của chính quyền địa phương.
Bộ Tài chính dự báo tổng dư nợ công có thể đạt mức đỉnh điểm gần 65% GDP vào cuối năm 2017. Sau đó, tỷ lệ nợ/GDP sẽ giảm dần do thắt chặt tài khóa.
Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, Sebastian Eckardt cho biết nợ công vẫn có xu hướng tăng lên nhưng ở mức dưới 75% GDP. Tuy vậy vẫn còn những rủi ro thách thức như chậm trễ trong tái cơ cấu có thể làm giảm triển vọng kinh tế trong nước hay rủi ro từ việc kinh tế toàn cầu phục hồi chậm đi…
Ngân hàng Thế giới khẳng định, do nhu cầu tài trợ ngân sách tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn vay ưu đãi bên ngoài, Chính phủ chủ yếu dựa vào nợ trong nước để đáp ứng nhu cầu huy động vốn.
Nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn giữ ổn định khoảng 27-28% GDP trong giai đoạn 2010-2014, nợ trong nước tăng nhanh từ 23,1% GDP năm 2010 lên 31,7% GDP năm 2014. Phần lớn huy động vốn trong nước dựa trên phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất bình quân gia quyền 7,9%/năm trong năm 2013 và 6,6% năm 2014. Thời gian đáo hạn trung bình của trái phiếu chính phủ tương đối ngắn 3,1 năm (2013) và 4,8 năm (2014).
"Điều này có thể phát sinh rủi ro quay vòng nợ không khớp với kỳ hạn, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bằng nợ vay", báo cáo cảnh báo.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã phát hành trái phiếu quốc tế 10 năm với tổng giá trị 1 tỉ đô la Mỹ (lãi suất 4,8%) vào tháng 11/2014 – lần phát hành ra thị trường quốc tế đầu tiên trong 5 năm. Phần lớn số thu của đợt phát hành trái phiếu này được sử dụng để tái cơ cấu các khoản vay trước đó.
Chi phí thanh toán nợ có thể tạo thêm gánh nặng lên ngân sách. Nghĩa vụ thanh toán nợ công (tổng thanh toán nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014.
Chi trả lãi vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách, lấn át các khoản chi tiêu khác.
Ngoài ra, nghĩa vụ nợ tiềm tàng từ DNNN và khu vực ngân hàng cũng trở thành mối nguy cơ rủi ro tới tính bền vững của nợ công. Ngoài các khoản nợ do chính phủ bảo lãnh được trình bày ở trên vẫn còn nhiều các khoản nợ tiềm ẩn chưa được thống kê một cách đầy đủ.
Các khoản nợ này ước tính có quy mô khá lớn, tính rủi ro cao và có thể đe dọa tới ổn định tài khóa. Mặc dù Chính phủ nhận ra những rủi ro này nhưng vẫn chủ trương không sử dụng các nguồn lực ngân sách nhà nước để tái cấp vốn các ngân hàng hay tái cơ cấu nợ của DNNN.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Thế giới cho biết, thâm hụt đáng kể đầu tư công đã bắt đầu diễn ra từ năm 2012.
Theo báo cáo ngân sách nhà nước, chi đầu tư trong quí 1/2015 chỉ chiếm khoảng 15,6% tổng chi ngân sách. Kết quả này chỉ bằng 50% mức trung bình trong giai đoạn 2004-12 và là mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua.
Tỷ trọng chi đầu tư phát triển của nhà nước trong tổng GDP vào khoảng 5% trong năm 2014 và quý 1 năm 2015 hay tương đương 50% tỷ trọng năm 2009 khi đầu tư công tăng do triển khai gói kích cầu kinh tế.
-Việt Nam nợ quá hạn nước ngoài hơn 310 triệu USD
Các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán gồm 214,5 triệu USD của Vinashin (nay là SBIC) và 96,4 từ các dự án khác.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố tháng này, đến cuối năm 2013, tổng giá trị các khoản vay nước ngoài được Chính phủ cho vay lại đạt 12,14 tỷ USD. Trong đó, các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán đạt 310,9 triệu USD, chủ yếu là từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), trị giá 214,5 triệu USD. Số còn lại là của 62 dự án đã bị xử lý theo thủ tục phá sản, đang cơ cấu lại nợ, khoanh nợ hoặc chờ bán tài sản để thu nợ...
Tổng dư nợ các dự án có nợ quá hạn đạt hơn 1,26 tỷ USD, chiếm hơn 10% tổng dư nợ cho vay lại, gồm 1,02 tỷ USD từ Vinashin và gần 240 triệu USD của các dự án.
"Kết quả kiểm toán cho thấy việc đối chiếu với các cơ quan cho vay lại chưa được Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) thực hiện kịp thời, còn tình trạng Ngân hàng Phát biểu (VDB) trả nợ, lãi về quỹ tích lũy theo quý hoặc theo tháng, không đúng thời hạn quy định tại hợp đồng cho vay lại", báo cáo nêu.
Số nợ quá hạn từ Vinashin vẫn đang tạo áp lực lên các khoản vay của Việt Nam.
Liên quan đến nợ công, một lần nữa Kiểm toán Nhà nước nhắc lại câu chuyện Bộ Tài chính đã thống kê, tổng hợp số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ. Việc báo cáo thừa, thiếu một số khoản vay dẫn đến số liệu nợ công đến 31/12/2013 giảm 25,28 tỷ đồng so với số báo cáo tại báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2013.
Công tác tổ chức và quản lý nợ công vẫn chưa được tập trung thống nhất theo quy định của Luật Quản lý nợ công, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa khâu huy động vốn với tổ chức thực hiện và trả nợ vay, dẫn đến bị động trong việc cân đối nguồn trả nợ cũng như khuyến khích sử dụng vốn vay hiệu quả, tiết kiệm. Việc tổng hợp số liệu nợ công theo một đầu mối thống nhất còn khó khăn, dẫn đến sai sót. Hệ thống mẫu biểu báo cáo về nợ công chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và chưa được các đơn vị tham gia quản lý nợ công lập đầy đủ hoặc gửi kịp thời.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay tổng dư nợ công đến 31/12/2013 theo Luật quản lý nợ công là gần 2 triệu tỷ đồng, bằng 54,5% GDP, tăng gần 19% so với năm 2012. Cơ cấu nợ của Chính phủ tiếp tục thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng nợ vay trong nước, giảm tỷ trọng nợ vay nước ngoài.
Cuối năm 2013, dư nợ nước ngoài của Chính phủ tương đương 763.198 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2012. Dư nợ vay trong nước đạt 764.933 tỷ đồng, tăng 39%.
Về nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, dư nợ đạt 188.486 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2012. Tuy đây không phải là các khoản do Chính phủ trực tiếp đi vay, nhưng kiểm toán cũng cảnh báo một phần có nguy cơ biến thành nghĩa vụ trực tiếp của Ngân sách Nhà nước. Nguyên nhân là quá trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án không sát thực tế, đầu tư không đồng bộ, triển khai chậm, một số doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản trị chi phí, rủi ro hối đoái, dòng tiền… dẫn đến việc sử dụng vốn vay chưa hiệu quả...
Tại thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh, hầu hết các chủ dự án chỉ cam kết sẽ đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư, song chưa báo cáo đầy đủ tiến độ góp vốn chủ sở hữu trong quá trình triển khai dự án. 38 dự án đã hoàn thành rút vốn và nghiệm thu quá 6 tháng đều chưa đăng ký tài sản đảm bảo. Các chủ đầu tư dự án thực hiện chế độ báo cáo không kịp thời, đầy đủ theo quy định, một số dự án nộp phí bảo lãnh chậm hoặc khó khăn chưa nộp phí bảo lãnh.
Trong nước, số dư nợ được Chính phủ bảo lãnh đạt 207.576 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2012. Trái phiếu được bảo lãnh Chính phủ phát hành có kỳ hạn ngắn (2-5 năm), trong khi không ít dự án có thời gian cho vay kéo dài từ 5-12 năm, dẫn đến rủi ro mất cân bằng kỳ hạn giữa huy động và cho vay, làm tăng hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu để đảo nợ hoặc rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng do ngân sách gánh chịu.
Báo cáo cũng phản ánh vệc quản lý nợ chính quyền địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Đến 31/12/2013, nợ của chính quyền địa phương là 30.016 tỷ đồng, không bao gồm khoản vay VDB 22.760 tỷ đồng. Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính tổng hợp nợ chính quyền địa phương theo số liệu báo cáo của các địa phương, không nắm đầy đủ, chính xác nợ của chính quyền địa phương và giới hạn vay nợ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Số dư quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài đến cuối năm 2013 đạt 49.885 tỷ đồng. Nhưng theo Kiểm toán Nhà nước, việc lập kế hoạch chi hoàn trả ngân sách từ quỹ không sát thực tế; chuyển trả ngân sách các khoản trả nợ nước ngoài vay về cho vay lại không kịp thời; chưa theo dõi nguồn hình thành tài sản, nguồn hình thành và cơ cấu hình thành quỹ; không đánh giá lại số dư các khoản ngoại tệ tại thời điểm cuối kỳ kế toán...
1,5 triệu tỷ đồng nợ nần của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước / Vinashin muốn bán hết hàng tồn trong năm 2015