Những hàng cọc “lãnh địa” nơi cửa biển
Lời tâm sự chua chát của những ngư dân luôn tự nhận mình là “ít học”, là chẳng có quan hệ gì thôi thúc chúng tôi lên thuyền của họ để đi ra cửa biển. Ngày 20.6, gần 20 chiếc thuyền của ngư dân đón chúng tôi tại bến cống C2 ngay sát Trạm kiểm soát biên phòng Thủy Giang (phường Tân Thành, quận Dương Kinh, Hải Phòng) để ra ngư trường khai thác don, dắt. Dù đã đóng vai một người thử việc, thậm chí anh N - chủ thuyền khai thác mà tôi đi nhờ - còn cố gắng dẫn dắt những câu chuyện để mọi người xung quanh tin rằng có một thợ học nghề lên thuyền, nhưng tôi vẫn không tránh khỏi những ánh mắt dò xét.
Con don, con dắt là loài động vật 2 mảnh, vỏ giống con ngao nhưng nhỏ hơn nhiều, mỗi con chỉ to bằng đầu đũa sống ở lớp đáy cửa biển. Do quá nhỏ nên chúng chủ yếu được khai thác để làm mồi cho cá, tôm tại các đầm nuôi hải sản. Dù vậy, đây là nghề kiếm sống của hàng trăm ngư dân vùng cửa biển Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Với giá khoảng 1.800 đồng/kg, mỗi tàu trong một ngày làm cật lực có thể khai thác được vài tạ đến 1 tấn don, dắt, trừ chi phí xăng dầu, nhân công, họ có thể có được vài trăm nghìn sau mỗi ngày làm việc. Tuy vậy, với tình trạng bảo kê, “thu tô” 30-40% sản lượng thu hoạch thì người ngư dân chẳng còn lại gì.
 Ngư dân vất vả khai thác don, dắt nhưng phải nộp lại 30-40% sản lượng cho
các đối tượng tự xưng là chủ bãi.
Sau khoảng 1 giờ, thuyền máy của chúng tôi chạy qua Trạm KS biên phòng Thủy Giang (Đồn biên phòng Kiến Thụy) ra tới khu vực cửa biển, thuộc địa giới hành chính phường Tân Thành (quận Dương Kinh) và phường Tràng Cát (quận Hải An). Giữa mênh mông nước, từ xa chúng tôi nhìn thấy giữa luồng cửa biển một hàng cọc chạy dài, mỗi cọc cách nhau khoảng 50m, anh Minh bảo đấy là ngư trường khai thác don, dắt.
Theo các ngư dân thì với hàng cọc này, các đối tượng “xã hội” cắm cọc để khẳng định ranh giới từ bờ ra tới hàng cọc là của họ, ngư dân muốn vào đây đánh bắt phải nộp lại 30-40% sản lượng. Đi một lượt theo chiều dài của hàng cọc, chúng tôi kinh ngạc khi phát hiện ra hàng cọc kéo dài hàng chục kilomet từ địa giới quận Dương Kinh tới quận Đồ Sơn, nếu tính theo diện tích thì địa giới mà các đối tượng này bảo kê lên tới
vài trăm hecta.
“Các anh còn chỗ nào khác để khai thác không?”
“Còn ở khu vực vùng cửa biển huyện Cát Hải và quận Đồ Sơn, ở phía đấy nhiều nhưng cũng bị bảo kê hết rồi. Cứ chỗ nào nhiều don, dắt là bị các đối tượng xã hội bảo kê đòi “thu tô”. Nhiều năm rồi hàng chục tàu, thuyền khai thác don, dắt của ngư dân Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đến khai thác tại những khu vực này đều phải chịu “luật” như vậy.
Dường như vững tin có nhà báo ngồi trên thuyền, anh M gọi điện động viên các thuyền bạn: “Cứ vào đánh bắt đi. Chúng cắm cọc bảo kê thế này là trái phép đấy”. Nghe lời anh M, gần 10 chiếc thuyền ngập ngừng một lát rồi đồng loạt vào khai thác tại phía trong hàng cọc. Từ phía bờ, một chiếc thuyền máy lao ra, tiến gần đến một thuyền khai thác don, nhưng sau một hồi dền dứ, chiếc thuyền máy lẳng lặng quay vào bờ. Sau một cuộc điện thoại, anh M quay sang nói với tôi: Lạ thật, bình thường “nó” sẽ lao ra đuổi hoặc điểm mặt để bắt chúng tôi phải nộp “tô” nhưng hôm nay nó chỉ đứng từ xa, không có động tĩnh gì. Có lẽ việc em lên thuyền anh đã bị lộ rồi.

Ngư dân khai thác don, dắt tại khu vực cửa biển Hải Phòng. Ảnh: VIỆT HÒA 
Anh L - một ngư dân có hơn 10 năm đánh bắt don, dắt - kể lại: Mấy tháng trước, có thuyền cả gan vào đánh bắt tại bãi don, dắt mà không chịu nộp “tô”. Khi thuyền vừa cập bến, họ bị một nhóm người lao vào đánh thừa sống thiếu chết”.
Có đủ các các thủ đoạn để các đối tượng “xã hội” bảo kê để bắt những ngư dân này phải nộp “tô”, từ gọi điện đe dọa, đánh hội đồng hay đâm va tàu thuyền. Tuy vậy, điều mà họ sợ nhất dù là mơ hồ là có lực lượng chức năng đứng đằng sau những nhóm người này. Nhiều ngư dân kể lại: “Có lần chúng tôi tập hợp nhau lại, kiên quyết không nộp “tô” thì chúng chỉ nói ngắn gọn: “Không nộp thì tao cho biên phòng bắt”. Đúng như lời chúng nói, chúng tôi bị một số cán bộ biên phòng “vô tình” ra kiểm tra giấy tờ, phương tiện, khiến ai cũng sợ”.
Hai ngày tôi đi cùng những ngư dân ra khai thác don, dắt ngoài cửa biển là những ngày “êm sóng” với họ, ngư dân không bị những chiếc thuyền máy lao ra đuổi, về bến cũng không bị đòi nộp “tô”. Những ánh mắt dò xét, những ánh sáng lấp lóa phản chiếu của ống nhòm từ trên bờ chiếu vào tôi nói lên rằng, việc tôi có mặt trên thuyền đều có người biết. Một số ngư dân kể lại: 2 ngày đó họ nhận được các cuộc điện thoại với nội dung “liều nhỉ, có làm thế mãi được không?