-
Chương 14. Trong lòng địchThế giới tình báo, Đông và Tây, là vương quốc của bóng tối đạo đức. Những cách hành xử của nó đôi khi kém đạo đức, phương pháp của nó bẩn thỉu. Vì vậy CIA đối với tôi ở vào một vị thế đặc biệt bất lợi vì đã góp phần vào trò múa rối dân chủ để thoả mãn những đòi hỏi của Hiến pháp Hoa Kỳ, bất chấp chúng có phù hợp hay không với công tác tình báo. Không một cơ quan tình báo nào có thể trở thành dân chủ và, cho dù nhiều chính trị gia mong mỏi điều này, luôn bị xoi bói mà vẫn có thể thực hiện công tác một cách đúng đắn. Tại cơ quan CIA, phần lớn các sĩ quan cao cấp bỏ thời giờ để soạn thảo tài liệu và tổng kết công việc của họ để trình ra bên ngoài, luôn luôn phải chú ý đến phản ứng của giới chính trị và báo chí.
Ở Đông Âu, chúng tôi lạc lối trong một chiều hướng trái ngược. Mặc dù chúng tôi viết tài liệu và báo cáo lên cấp trên, có nghĩa là cũng có giám sát công tác tình báo của chúng tôi, nhưng không có việc giám thị thực sự. Các chủ nhân chính trị của chúng tôi về cơ bản họ cảm thấy bất an nên họ nhất định lấy cho bằng được mọi thông tin có tiềm năng đe doạ vị thế của họ và họ chẳng thèm để ý đến phương cách thu thập nó. Erich Honecker chuyên mách lại cho các chính trị gia Tây Đức mà ông mong tìm sự tín cậy là tình báo Đông Đức được lệnh không đụng chạm đến họ. Nhưng một khi trở về nhà, ông ngốn nghiến và chăm chú đọc những báo cáo tình báo về những người này và tỏ ý muốn có thêm thông tin chứ không kém đi.
Phong thái của phản gián CIA, theo kinh nghiệm cá nhân tôi đã trình bày ở phần đầu sách này, cho tôi thấy họ chú tâm đến việc trấn an lo âu có một kẻ nằm vùng hoạt động trong lòng CIA hơn là tìm cách phát hiện tay này. Gus Hathaway trình bày cho Uỷ ban tình báo Thượng Viện năm 1985: “Chưa bao giờ có một điệp viên của Xô viết nào nằm trong lòng của CIA. Có thể chúng tôi không tìm ra tên này, nhưng tôi nghĩ điều này khó có thể xảy ra”. Mặc dù xảy ra sự việc kẻ đào tị Edward Lee Howard, bị CIA đuổi đi cách đó hai năm vì tội sử dụng ma tuý và ăn cắp vặt, đã sau đó tiết lộ những bí mật về những công tác của cơ quan tại Moscow nhắm vào Xô viết, CIA không phát giác được hành động phản bội của y nhưng lại được một sĩ viên chức cao cấp KGB Vitaly Yuchenko sau khi đào thoát sang Hoa Kỳ tiết lộ. Nói cho ngay, lời tuyên bố của Hathaway phù hợp với sự thật, vì Howard không còn làm việc cho cơ quan khi đương sự tiết lộ những bí mật của cơ quan. Nhưng lời bảo đảm của ông không chắc chắn. Đã từng gặp Hathaway và đánh giá ông là một sĩ quan tình báo nghiêm chỉnh và cần cù, tôi tự hỏi tại sao ông lại hài lòng che giấu những khuyết điểm của cơ quan bằng phương cách này. Tôi đoán chừng ông lo ngại bôi xấu CIA trước công chúng vào lúc danh tiếng của cơ quan đang suy sụp.
Những âm mưu bất thành của CIA nhằm lật đổ Fidel Castro và những chiến thuật liều lĩnh tại Trung Mỹ đã hạ bệ uy tín của họ đối với phe bảo thủ cũng như đối với phe cấp tiến. Những lượng định của các sĩ quan của chúng tôi tại các trạm ở Washington và New York liên quan đến tình báo Hoa Kỳ cho thấy vào những thập niên 1970 và 1980 họ không được kính nể như vào những thập niên 1950 và 1960. Điều này, theo như một tham vấn quản trị có thể nói, ảnh hưởng đến tinh thần của những sĩ quan. Tổ chức không những được xem là bí mật và nham hiểm - hầu như là những đánh giá bình thường đối với một cơ quan tình báo có quyền lực - nhưng mờ ám, một danh tiếng mà không cơ quan tình báo nào có thể đương nổi. Cơ quan tình báo là một nơi bất ổn về mặt tâm lý và não trạng phản ánh mau chóng lên việc làm. Những báo cáo về tên phản bội Aldrich Ames cho thấy tâm lý chán ghét bản thân cao độ trong nội bộ CIA. Ames không những chán ghét cơ quan của mình, y còn khinh khi nữa là đàng khác. Tôi không nghĩ tâm trạng này giống tâm trạng của tay phản bội Xô viết như Oleg Gordievsky. Những tay phản bội của Moscow đổi cánh do sự hỗn hợp những lý do ý thức hệ và cá nhân, nhưng, mặc dù họ biết rõ những điều tồi bại trong KGB, họ không mất lòng kính sợ đối với nó cho đến khi Gorbachev lên nắm quyền.
Ames không phải là người tồi dở đầu tiên được CIA tưởng thưởng. Vào những thập niên 1970, Hoa Kỳ dùng một điệp viên mật danh là Thielemann, có nhiệm vụ liên lạc với những nhân viên ngoại giao Đông Đức, những doanh nhân và những viện sĩ đến thăm viếng Tây Đức và tìm cách kết nạp họ. Đây là một sáng kiến tốt về mặt cơ bản của CIA nhằm thu dụng những người Đông Đức khi họ du hành ra nước ngoài và ít nguy hiểm hơn là kết nạp họ ở tại Đông Đức. Nhưng chúng tôi biết đến hoạt động của Thielemann khi, vào năm 1973, chúng tôi bắt đầu tiến hành những điều nghiên ráo riết về những hoạt động của CIA tại Bonn. Bằng cách đơn giản quan sát những cuộc tiếp xúc ngẫu nhiên của các người đồng hương chúng tôi tại các buổi liên hoan, các câu lạc bộ thể thao, quán nước và cà phê và những nơi tụ họp công cộng khác, chúng tôi thiết lập được danh sách những người làm việc cho CIA.
Năm 1975, Thielemann đóng chốt toàn thời tại Bonn. Đương sự hoặc CIA không biết chúng tôi tìm ra tên thật của y là Jack Falcon. Lúc đầu chúng tôi chỉ theo dõi y, ghi nhận những đối tượng của y và nghiên cứu những điều y tìm kiếm. Lần hồi, chúng tôi cung cấp cho y những đối tượng - những điệp viên làm việc cho chúng tôi và vờ để cho Falcon kết nạp làm nguồn tin và cung cấp cho y một mớ hỗn hợp bí mật không quan trọng và thông tin sai lạc. Mục đích là dẫn đưa Hoa Kỳ vào những đường dây giả trong lúc nỗ lực tìm hiểu và đưa họ đến những kết luận sai lầm về công tác của chúng tôi. Tội nghiệp cho Falcon vì y nghĩ đang làm một công việc tuyệt vời là kết nạp được quá nhiều người Đông Đức sẵn sàng cộng tác và lại có hiểu biết. Y khoe khoang với một nguồn tin đặc biệt đáng tin cậy là CIA đã thăng chức và tăng lương cho y vì y đã thành công trong công tác kết nạp. Điều này đã làm cho tổng cục phản gián trong Bộ Công an của chúng tôi phải phì cười. Chính các sĩ quan cao cấp tại đây đã bịa phần lớn những bí mật không giá trị này.
Thực ra, việc phát hiện những đặc vụ của CIA tại Bonn quá dễ dàng. Gần như trái ngược với những lời dặn dò của tôi cho những chuẩn bị kỹ lưỡng và chậm chạp, những tiếp cận gần như tinh tế với những đối tượng kết nạp, họ luôn phát động một loạt những cuộc tiếp xúc. Các đối tượng chúng tôi gài vào thường than phiên là những đặc vụ CIA có trình dộ hiểu biết thấp về tình hình kinh tế của Đông Đức, khiến cho họ không biết phải theo phương hướng nào để quay vì những hiểu biết căn bản về Đông Đức của những đặc vụ quá sơ sài. Có một lúc vào cuối những thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, phẩm chất những đặc vụ Hoa Kỳ quá tồi dở và công tác của họ thiếu phương pháp đến độ các cấp lãnh đạo của chúng tôi lo ngại tự hỏi có lẽ Washington coi Đông Đức chẳng ra gì.
Sau này, chúng tôi biết Hoa Kỳ thu thập những dữ liệu then chốt về Đông Đức nhờ vào hệ thống giám sát điện tử tại Tây Berlin và Tây Đức. Thật là quái gở khi CIA bỏ công gửi người rình mò một cách vô bổ tại đất liền trong khi phần lớn những tin tức giá trị họ muốn có lại ở trên không gian. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, không có phương pháp kỹ thuật nào có thể thay thế trí tuệ và óc phán đoán của con người và - cho dù những cố gắng của họ thiếu khả năng - có người trong CIA phải đồng ý về chuyện này. Quý vị có thể nghe lén một cú điện thoại, nhưng thiếu hiểu biết về bối cảnh, người ta dễ dàng đánh giá sai lầm; một bức hình vệ tinh có thể cho quý vị thấy vị trí những tên lửa, nhưng một nguồn tin ở bộ tư lệnh có thể cho quý vị biết nó nhắm về hướng nào. Vấn đề của tình báo máy móc chính là những thông tin không được ước định. Tình báo máy móc chỉ thu thập được những gì đang diễn ra nhưng không ghi nhận những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Nguồn tin do người cung cấp thông báo về kế hoạch, có thể điều nghiên những viễn tượng chính trị và quân sự, và có thể đặt những tài liệu và mẩu đối thoại vào trong bối cảnh của nó. Như mọi sĩ quan tình báo đều biết, quá nhiều công sức đã được bỏ ra để sàng lọc trong đống núi dữ liệu để tìm ra hạt tin giá trị; sự lệ thuộc quá mức vào tình báo máy móc có thể làm gia tăng gấp đôi con số hạt tin, nhưng chắc chắn sẽ làm tăng lên gấp ba kích thước của quả núi dữ liệu cần phải sàng lọc. Mặc dù vai trò của tình báo máy móc kỹ thuật sẽ gia tăng và hỗ trợ cho những gì vẫn thường được sức người đảm nhiệm với nhiều phí tổn và rủi ro, nó không thể nào thực sự thay thế. Chính yếu tố con người tạo nên sự thành công của công tác tình báo, chứ không phải dụng cụ siêu kỹ thuật làm nên nó.
Cuối thập niên 1980, chúng tôi ở một vị thế ai cũng thèm thuồng vì biết được không một điệp viên CIA nào làm việc tại Đông Đức mà không biến thành gián điệp nhị trùng hoặc làm việc cho chúng tôi ngay từ lúc khởi đầu. Theo lệnh của chúng tôi, tất cả những người này được cung cấp những tin tức chọn lựa kỹ lưỡng và những thông tin sai cho Hoa Kỳ. Chúng tôi biết điều này bởi vì Edward Lee Howard đã làm việc cho văn phòng của Đông Đức. Đương sự gặp Falcon sau khi Falcon trở về tổng tư lệnh CIA ở Langley và được tưởng thưởng vì đã thành công gài đặt điệp viên ở Đông Đức. Theo sự tiết lộ của Falcon, Howard biết chỉ có sáu hoặc bảy điệp viên làm việc cho CIA tại Đông Đức. Chúng tôi điều khiển họ theo đúng kế hoạch của chúng tôi. Điều này đã được chính CIA xác nhận. Họ tiết lộ sau khi Đông Đức sụp đổ tất cả những điệp viên của họ hoá ra đã bị Bộ Công an sai khiến.
Những năm 1987 và 1988, Howard lúc đó đến thường trú tại Moscow và được KGB bảo trợ, thăm viếng Đông Berlin và kể cho các cán bộ điều khiển của mình trong cơ quan tình báo hải ngoại tất cả những chi tiết công tác của CIA và mục tiêu điệp vụ hàng đầu của họ về các thiết bị quân sự và các viện nghiên cứu. Điều thực sự mới mẻ với chúng tôi là Howard cho biết CIA có danh sách mục tiêu hướng về các giáo sư kinh tế ưu tú và các viện sĩ hàn lâm của Đông Đức. Nếu có ai trong số người này xin hộ chiếu thăm Hoa Kỳ, tên tuổi của người đàn ông hay người đàn bà này được chuyển từ lãnh sự về cơ quan tình báo Hoa Kỳ và sau đó nhập vào kho dữ liệu to lớn. Trong thời gian thăm viếng của những cá nhân này ở Hoa Kỳ, mỗi khi tên của ông hay cô này được đề cập trong một cuộc đối thoại trên điện thoại, trên fax, hoặc máy telex, chính quyền Hoa Kỳ ghi âm và chuyển cho CIA để điều nghiên. Đông Đức vốn có tiếng là hay rình mò và lén nghe, nhưng riêng những giới hạn về kỹ thuật của chúng tôi cũng đủ bảo đảm chúng tôi không thể nào sánh kịp với Hoa Kỳ về điểm này.
Một yếu điểm về cơ cấu tổ chức của tình báo Hoa Kỳ là trường hợp của Ames lý ra đã cho thấy sự yếu kém của nó đối với những tác động chính trị. Trong những năm gần đây, chức vụ giám đốc Trung ương Tình báo giống hệt chức vụ của một ông bầu bóng đá sau mỗi một mùa bóng tồi tệ là bị mất chức.
Khi Werner Stiller đào thoát, tôi chỉ ra lệnh đổi cấp lãnh đạo trực tiếp của y. Không hề có áp lực đè lên tôi hoặc đè lên bộ trưởng buộc chúng tôi phải từ chức. Làm như vậy có ích lợi được gì? Tốt hơn hết là vẫn giữ vị thế cũ và tìm phương pháp để ngăn ngừa điều này xảy ra lần nữa. Một cách tình cờ, tôi không hề thấy CIA bình tĩnh ngồi lại và tìm phương cách ngăn ngừa việc này. Một vài ban trong những đặc vụ của họ - tôi đặc biệt liên tưởng đến ban trách nhiệm về Xô viết - hình như làm việc trên mây và với lời cầu nguyện. Nếu họ điều tra kỹ lưỡng sau vụ Howard đào thoát, Ames có thể đã bị bắt từ lâu rôi.
Các cơ quan tình báo không có lợi gì để nghe lời kêu gọi của các chính trị gia thiếu hiểu biết yêu cầu hạ bệ người lãnh đạo mỗi khi một tai nạn như vậy được quần chúng biết đến. Tôi luôn có cảm tình với Heribert Hellenbroich vì sự nghiệp giám đốc tình báo hải ngoại của ông tan tành khi Tiedge đào thoát. Hellenbroich, đã từng chỉ huy Nha Bảo vệ Hiến pháp, mới vào làm việc tại BND (Cơ quan Tình báo Liên bang Đức). Ông có một vài bất đồng các cố vấn của tân Thủ tướng (đặc biệt là Klaus Kinkel) và trở thành con vật tế vì những thất bại chính do lỗi của đội tuyển dụng và thiếu hoàn toàn kiểm soát, một việc đặc hữu của một cơ quan bí mật.
Cuộc gặp gỡ của tôi với Gus Hathaway lẽ cố nhiên là một kết thúc kỳ quái của mối liên hệ của tôi với Hoa Kỳ thời Chiến tranh Lạnh. Trong ba mươi lăm năm đứng đầu cơ quan tình báo hải ngoại Đông Đức, Hoa Kỳ đối với tôi là một nước xa lạ và thù địch. Bắt chước đồng nghiệp Xô viết, chúng tôi dùng danh từ Đức ngữ Hauptgegner, “kẻ thù chính” (tiếng Nga là glavni protivnik) để mô tả Hoa Kỳ. Đối với Moscow và đối với chúng tôi, Hoa Kỳ là nguồn gốc phát sinh mọi tội của đế quốc. Tuy nhiên tôi không đem lòng hận thù cá nhân đối với Hoa Kỳ. Lẽ cố nhiên tôi biết và kinh tởm những hoạt động chống cộng ngoan cố của Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy và những vi phạm luật pháp với sự hỗ trợ của CIA tại châu Mỹ La tinh. Nhưng tinh thần quốc tế của tôi ngăn cản không cho tôi rơi vào não trạng chống Mỹ ngu xuẩn mà phần đông các thành phần xã hội chủ nghĩa đều mắc phải. Hiểu biết của tôi về nước Mỹ dựa trên những gì tôi học ở Liên Xô từ các người bạn Mỹ, từ kinh nghiệm cá nhân khi làm phóng viên đài truyền thanh tại Berlin và theo dõi những vụ án tại Nuremberg, và từ các báo chí và tuần báo phương Tây tôi đọc mỗi ngày. Lẽ cố nhiên tôi đặt lăng kính đượm nặng nề màu sắc ý thức hệ lên những gì tôi đọc, vì công tác của tôi là thảo luận về những giả thuyết và những kết luận về chính trị và ý thức hệ ghi trong bản báo cáo và biện minh cho vị thế của Xô viết với tất cả năng lực của tôi. Điều này đã gây nên hiềm khích không thể tránh khỏi giữa tôi và các bạn Hoa Kỳ như George Fischer. Trong cương vị cấp lãnh đạo văn phòng Eisenhower, ông thường đến Berlin ngay sau thời kỳ kết thúc chiến tranh… Chúng tôi sung sướng gặp lại nhau, nhưng không thể nào quên được lòng nghi kỵ đã tiêm nhiễm vào trong mối quan hệ này.
Phần lớn những hiểu biết về lề lối suy nghĩ, ý định và mối e ngại của Hoa Kỳ mà tôi tiếp thu là do hai người điệp viên Hoa Kỳ đầu tiên của tôi. Họ chưa bao giờ bị phát giác, mặc dù cả hai đã qua đời, tôi không có ý định tiết lộ danh tính của họ ở đây ngoài những bí danh chúng tôi đặt cho họ: Maler (“Thợ Sơn”) và Klavier (“Dương Cầm”). Cả hai người đều sinh đẻ tại Đức và gần gũi với phong trào cộng sản lúc còn thanh niên, và cả hai đều là người Do Thái. Cả hai đều phải bỏ quê hương xứ sở vì mối đe doạ Quốc Xã, an cư tại Hoa Kỳ, và hoàn tất việc học hành của họ tại đây, một người là kinh tế gia, người kia là một luật sư. Nhưng do nguồn gốc sinh đẻ ở Đức và có tay nghề, cả hai đều được kết nạp vào Nha Công tác chiến lược (Office of Startegic Services = OSS), tiền thân của CIA. Vào thời kỳ truy lùng của Thượng nghị sĩ McCarthy trong đầu thập niên 1950, OSS bị tố cáo là hang ổ của bọn trí thức tả khuynh. Một cách nghịch lý, Stalin lấy cớ Noel Field có liên hệ với OSS và dùng Field (*) để ra tay thanh trừng đẫm máu những đảng viên cộng sản tại nhiều quốc gia trong những năm 1951-1952, trong đó có Tiệp Khắc, Hungary và Đông Đức. Theo những gì tôi biết về Field, tôi quả quyết Field chưa bao giờ là một gián điệp nhưng chỉ là một người có lý tưởng nhưng ngây thơ, đã ra tay giúp những người chống phát-xít và vì vậy có mối liên hệ với OSS. Nhưng vụ án của ông là một ví dụ về những mánh khóe độc địa của Stalin và Beria để biện minh việc thanh trừng ở Đông Âu.
(*) Thời kỳ Chiến tranh thế giới II, Noel làm việc cho một tổ chức nhân đạo, Unitarian Universalist Service Committee (Uỷ ban công tác nhất thể Phổ Độ), ngoài những công tác khác họ giúp những người di dân cộng sản. Do đó Field bắt được liên lạc với Allen Dulles trong OSS)
Trong bầu không khí này, nhiều sĩ quan tình báo của chúng tôi thận trọng trong việc kết nạp người Mỹ, việc này có thể khiến cho họ bị kết tội là rơi vào bẫy của Hoa Kỳ. Nhưng tôi biết chúng tôi muốn biết về lề lối suy nghĩ của người Mỹ. Chúng tôi bắt liên lạc với anh kinh tế gia Maler, qua một người bạn quen biết thời còn là sinh viên dưới chế độ Quốc Xã. Hai người là thành viên một nhóm kháng chiến Do Thái đã có lần âm mưu cho nổ một buổi triển lãm Quốc Xã. Phần lớn thành viên của nhóm đều bị bắt và ba mươi lăm người bị giết. Maler tìm cách xuất ngoại; anh bạn của ông thoát chết trại tập trung. Người bạn này là một khuôn mặt kỳ cựu trong thế giới tài chính của Đông Đức, qua người này chúng tôi dàn xếp để bắt liên lạc với Maler với hy vọng là khơi động những môi liên hệ trong OSS.
Nhưng hoá ra những mối liên hệ rộng lớn của Maler tại Hoa Kỳ cũng đáng lưu ý. Ông là người biết suy nghĩ sâu xa và đặc thù, ông vẫn tự nhận mình là người Cộng sản. Ông có nhiều bạn bè thế lực ở Washington và, theo yêu cầu của chúng tôi, ông đã gặp gỡ đại sứ Hoa Kỳ tại Bonn và trưởng phái đoàn ngoại giao tại Berlin với sự giới thiệu của John Foster Dulles. Hữu dụng nhất đối với chúng tôi là việc ông thông báo những mối liên hệ tình báo mà Ernst Lemmer, lúc đó là bộ trưởng Tây Đức đặc trách về những vấn đề Liên Quốc (có nghĩa là, thương thảo với Đông Đức, đã cài đặt trong thời chiến khi ông làm phóng viên cho những tờ báo ngoại quốc tại Berlin), từ những hệ thống tại Pháp và Thuỵ Sĩ cho đến những mối liên lạc với người Nga. Tôi không bao giờ dùng tài liệu này để đối phó với Lemmer, nhưng trong tủ sắt của tôi, tôi có giữ một bản sao văn kiện do ông ký nhận làm việc cho KGB. Maler là một người giàu có và chỉ lấy tiền bồi hoàn của chúng tôi vì những chi phí chứ không bao giờ lấy tiền vì việc làm, một việc ông mô tả đem lại ánh sáng đến những vùng tăm tối của phương Tây?
Trong lúc Maler chú tâm đến châu Âu, Klavier, mặc dù thường trú tại Đức, là một đặc vụ nội gián thường xuyên về Hoa Kỳ. Klavier là người Đức được huấn luyện trong ngành luật đã di cư sang Hao Kỳ, tại đây ông làm luật sư và sau này tham gia OSS. Bất mãn về cách giải quyết vấn đề tội phạm chiến tranh tại Tây Đức, ông cung cấp những tin tức nội bộ cho các sử gia nước CHDC Đức. Ông làm việc cho chúng tôi với điều kiện là người vợ không bao giờ được biết việc này - bà là người Tây Đức và, theo như lời quả quyết của ông, là kẻ thù không đội trời chung với Đông Đức. Tuy nhiên, ông nhận tiền của chúng tôi để xây cất một căn nhà dưỡng lão ở Thuỵ Sĩ. Klavier là một thành viên trong ban công tố trong các vụ xử ở Nuremberg, ông đặc trách về hồ sơ khởi tố trùm sắt thép Friedich Krupp của Đức, người đã cung cấp nguồn hỗ trợ tài chính chính cho Hitler lên nắm quyền và sự hỗ trợ kỹ nghệ của ông thiết yếu cho guồng máy quân sự của Quốc Xã. Động cơ thúc đẩy Klavier làm việc cho chúng tôi là nỗi lo sợ Tây Đức sẽ lần hồi trở lại chế độ Quốc Xã. Ông không chấp nhận sự phục hồi dễ dàng của những cựu đảng viên Quốc Xã, vào lúc đó họ trở về với công việc cũ của họ trong ngành tư pháp, kỹ nghệ và tài chính.
Nguồn gốc Do Thái của Klavier có ảnh hưởng lớn nhất trên những suy nghĩ chính trị của ông và ông thu thập một hồ sơ khổng lồ, mà ông trao cho tôi, trong việc khởi tố Krupp và Adolf Eichmann tại Jerusalem. Chính nhờ qua ông tôi mới ý thức được hành trình của cha tôi từ khuynh hướng nhân bản chuyển sang cộng sản bị ảnh hưởng mãnh liệt do ý thức xã hội của một người Đức có nguồn gốc Do Thái. Klavier cũng là bạn của ký giả uy thế Walter Lippmann, có những mối liên hệ mật thiết với gia đình Kennedy. Trước cuộc họp thượng đỉnh của Tổng thống Kennedy với Khruschev, Klavier đã cho chúng tôi biết qua những cuộc đối thoại của ông với Lippmann là Kennedy sẽ theo đường hướng cứng rắn. Chúng tôi chuyển tin này cho Moscow, nhưng tôi không biết việc này có ảnh hưởng gì đến cuộc họp thượng đỉnh không. Sự việc xảy ra là Khruschev hùng hổ với Kennedy bằng cách tỏ vẻ cứng rắn hơn đối tác Hoa Kỳ.
Tôi đánh giá cao những thông tin của các phóng viên và bình luận gia ngoại quốc vì đối với tôi họ biết rõ vấn đề và ít thiển cận hơn các nhà ngoại giao phương Tây. Trong vòng hàng chục năm, chúng tôi cố gắng kết nạp một số ký giả Hoa Kỳ và Anh để làm nguồn tin, nhưng chúng tôi thất bại. Những nguồn tin báo chí duy nhất của chúng tôi là Đức, và nhất thiết là các tờ báo nhỏ. (Trong số các ký giả của Đông Đức chúng tôi, chúng tôi không thấy đúng đắn kết nạp họ trực tiếp, mặc dù các chủ nhiệm Thông tấn xã Đông Đức và các báo chí của chúng tôi nằm ở ngoại quốc hội họp thông thường với các thành viên của văn phòng tình báo thường trú hải ngoại tại các Toà đại sứ của chúng tôi). Trái với đường lối của giám đốc cục phản gián, tôi không ngăn cấm phóng viên ngoại quốc đi lại trong nước. Chính sách trước đây hạch sách họ và gây khó khăn cho việc đi đứng của họ đối với tôi là phản tác dụng. Tôi dự đoán tất cả mọi người trong họ có thể là một nhân viên tình báo và chúng tôi nên chuyển tải những thông tin sai lạc cho họ, cấp cho họ những thông tin sốt dẻo và những chi tiết dù gì cũng có lợi cho chúng tôi hơn là đuổi họ đi với lòng đầy oán giận.
Việc Đông Đức được quốc tế công nhận trong thập niên 1970 cho phép chúng tôi thu thập tin tức dễ dàng về châu Mỹ. Cục Nghiên cứu châu Mỹ tại Đại học Humboldt ở Berlin và Ban châu Mỹ của Viện Cao đẳng Ngoại giao được thiết lập với sự hỗ trợ của chúng tôi và các cấp lãnh đạo đều trung thành với chúng tôi. Nhưng chúng tôi kiêng dè danh tiếng của phản gián Hoa Kỳ và Anh (cơ quan FBI và MI5) và điều nghiên rất kỹ lưỡng trước khi phát động công tác tại các nước này.
Chúng tôi liệt Anh vào loại quốc gia hạng 2, liên quan đến quyền lợi tình báo của chúng tôi. Nước Anh do Tổng cục đặc trách về Pháp và Thuỵ Điển lo liệu. Chúng tôi tìm cách cài đặt nhiều người qua ngả lãnh sự Tây Đức tại Edinburg, vì tại đây thủ tục kiểm soát lỏng lẻo hơn ở London, nhưng rất ít điệp viên loại này ở lại Anh bởi vì chính phủ của chúng tôi có ý muốn giữ mối giao hảo với London, đặc biệt vì ảnh hưởng chính trị của các siêu cường đối với mối liên hệ của chúng tôi với Hoa Kỳ. Một trong những mục tiêu của chúng tôi là Tổ chức Ân xá quốc tế. Mielke nghĩ rằng đó là tổ chức khuynh đảo và mong muốn xâm nhập nó để khám phá những nguồn tin từ Liên Xô và Đông Âu. Chúng tôi chẳng bao giờ thành công. Một lý do khác để chúng tôi không dòm ngó nhiều đến Anh (ngoài việc thu thập tin tình báo thông thường do tình báo hải ngoại thường trú tại Toà đại sứ Đông Đức tại London) là vì chúng tôi có nguồn tin khác - tại Bonn. Trong vòng mười năm bắt đầu từ giữa những thập niên 1970, một cố vấn chính trị tại Bộ Ngoại giao của Tây Đức, bác sĩ Hagen Blau, cung cấp cho chúng tôi tất cả tin tình báo của Tây Đức về Anh và là một trong những nguồn tin tốt nhất trong Bộ Ngoại giao Tây Đức. Ông có vợ là người Nhật và nhờ đó ông cung cấp những thông tin giá trị khi ông làm việc tại Tokyo.
Cho đến đầu những thập niên 1970, chủ thuyết Hallstein đã lèo lái chính sách ngoại giao của Tây Đức; chính quyền Bonn từ chối công nhận tất cả những nước công nhận Đông Đức, vì vậy những mối liên hệ chính thức với Hoa Kỳ rất hiểm hoi. Những điệp vụ chính của chúng tôi trên lãnh thổ Hoa Kỳ chú trọng đến việc mở rộng tầm hiểu biết của chúng tôi về khoa học và kỹ thuật của họ. Đây là một tiến trình chậm chạp. Cơ quan FBI tỏ ra hiệu nghiệm, nếu không muốn nói là nặng tay trong cách tiếp cận với những người xứ lạ đáng nghi, và vì chúng tôi không có Toà đại sứ hoặc cơ quan đại diện nào khác nên bất cứ một công dân Đông Đức nào tìm cách định cư tại Hoa Kỳ sẽ tức khắc gây sự chú ý của FBI. Tôi thiết nghĩ một công tác nào trên lãnh thổ của Hoa Kỳ cần phải được bố trí và thực hiện cẩn thận để bù đắp những rủi ro nâng cao con số những điệp viện trong danh sách tống xuất trả đũa trong tương lai, một nét đặc biệt trong mối liên hệ Đông Tây thời Chiến tranh Lạnh.
Chúng tôi thu xếp cài đặt một số nhỏ điệp viên. Họ được cấp căn cước đôi, có nghĩa là lý lịch của họ nhập vào lý lịch của những người có thực và một vài người đã chết, họ lấy tên của những người này. Điều này giảm thiểu nguy cơ những nạn nhận rơi vào lưới kiểm soát bất kỳ xuất ý của Hoa Kỳ, tên tuổi của họ không được chính thức xác nhận. Với phương pháp của chúng tôi, họ hiện diện thực sự - hai người cùng chung một căn cước. Họ phải được hợp thức hoá ở một nước thứ ba, nơi đây thủ tục kiểm soát không quá khắt khe. Chúng tôi thường dùng nước Úc, Nam Phi hoặc châu Mỹ La Tinh để làm việc này. Họ phải sống ở nước tạm trú này một vài năm trước khi di cư sang Hoa Kỳ để không gây nghi ngờ và chúng tôi dặn họ không được kết nạp nguồn tin nào hết trong một thời gian sau đó. Chúng tôi đôi lúc nói đùa với nhau chờ tới khi những người bất hợp pháp này bắt đầu hoạt động toàn thời, chúng tôi không nhớ họ là ai hoặc tại sao chúng tôi gửi họ đi. Khuyết điểm lớn của hệ thống này là nó cũng dễ bị phát giác với phương pháp do phản gián Tây Đức dùng một cách hữu hiệu vào nửa thập niên 1970. Nhiều điệp viên của chúng tôi ở Hoa Kỳ bị bại lộ vì phương pháp sàng lọc dựa trên một số đặc tính – ví dụ, độc thân, tuổi trung niên, thay đổi nghề nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau, và tiếp tục như vậy – khi tổng hợp lại để thu hẹp con số tình nghi trong đám quần chúng. Đây là số phận của một trong những điệp viên có nhiều triển vọng của chúng tôi, Eberherd Lüttich, bí danh Brest. Sau khi y bị bắt năm 1979, Lüttich khai báo tất cả những gì anh biết về những công tác của chúng tôi cho người Mỹ để mong trao đổi một bản án nhẹ hơn. Đây là một đòn đặc biệt nặng đối với chúng tôi, vì trước khi đưa y định cư ở ngoại quốc, đương sự đã làm việc trong guồng máy tình báo của Đông Đức, nơi đây ông mang cấp bậc một sĩ quan cao cấp phụ trách công tác đặc biệt (Offizier in besonderem Einsatz). Chúng tôi đặt hết kỳ vọng vào đương sự, cài đặt đương sự trước tiên ở Hamburg, ở đây đương sự được một công ty chuyên dọn nhà quốc tế và sau đó thu xếp thuyên chuyển đương sự sang New York. Nhiệm vụ của Lüttich là giám sát việc quản lý các nguồn tin tình báo tại Hoa Kỳ trong những trường hợp đặc biệt khó khăn và sự bại lộ đã gần kề. Đương sự dùng bình phong nghề nghiệp để thông báo cho chúng tôi về những tuyến đường được quân đội Hoa Kỳ dùng để chuyên chở thiết bị và kết nạp những nguồn tin để thông báo cho chúng tôi về trang bị vũ khí và những di chuyển của những đoàn quân. Lüttich bị bắt năm 1979 trong một chiến dịch hỗn hợp của hai chính quyền Hoa Kỳ và Tây Đức.
Đương sự phản bội và tiết lộ danh tính người làm việc tại Tây Đức và địa chỉ chúng tôi dùng để chuyển chỉ thị từ Đông Berlin . Tệ hơn nữa, đương sự mách cho Tây Đức và gián tiếp cho Hoa Kỳ là Đông Berlin có thể tiếp vận những điện thư một chiều cho các điệp viên ở Hoa Kỳ nhờ một máy phát tuyến mới được xây dựng tại Cuba. Chúng tôi phải mất hàng chục năm làm việc để thiết lập một phát tuyến bén nhậy để làm việc này và nó đã hỗ trợ mạnh mẽ cho những mối liên lạc toàn cầu của chúng tôi.
Một bất lợi khác của phương pháp xâm nhập này là chúng tôi rất hiếm gửi đi một cặp vợ chồng, vì việc thu xếp hai căn cước giả đồng hành với nhau là một công việc cực kỳ khó khăn. Chúng tôi có khuynh hướng gửi những người đàn ông độc thân và sau đó họ nâng cấp vị thế di cư bằng cách cưới hỏi phụ nữ Hoa Kỳ. Nhưng chiến thuật Romeo rất thành công tại Tây Đức lại không áp dụng được tại Hoa Kỳ. Trưởng đoàn công tác của tôi ở Hoa Kỳ giải thích là vào thập niên 1980, phụ nữ Hoa Kỳ quá phóng khoáng để dẫn dụ họ vào con đường hôn nhân. Ngoài ra hình như họ có một thói quen bất tiện là khai thác mặt tốt của đấng phu quân rất tài hoặc theo quan điểm tình báo khai thác mặt xấu.
Trong một vài trường hợp, người của chúng tôi tiết lộ cho vợ của họ hoặc bạn gái của họ nghề nghiệp thực sự của minh mà không được phép của chúng tôi. Chúng tôi chỉ chấp nhận giai đoạn này khi mối liên hệ đã trở nên gắn bó theo thời gian và do đó có lý do để tin rằng người vợ chấp nhận cuộc sống hai mặt của người chồng.
Nhưng Hoa Kỳ là một xã hội chuộng tâm sự, và ước muốn khai hết mọi sự cũng lây lan đến hầu hết các điệp viên chúng tôi cài đặt ở đây. Trong những trường hợp như vậy chúng tôi phải ngưng cộng tác với họ. Phần lớn ở lại Hoa Kỳ với căn cước giả và tiếp tục cuộc sống công dân bình thường mà chúng tôi đã dàn xếp để làm bình phong che giấu những sinh hoạt nay không còn lý do để duy trì.
Tiếp theo sự bại lộ của Lüttich, tôi quyết định triệu hồi tất các điệp viên ở Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là huỷ bỏ và làm lại từ đầu tất cả công tác tình báo không được điều khiển từ Toà đại sứ chúng tôi ở Washington và phái đoàn đại diện của chúng tôi tại Liên Hiệp Quốc.
Với lòng buồn phiền, tôi ra lệnh triệu hồi những điệp viên đầy hứa hẹn, trong số đó có một cặp vợ chồng đã ở Hoa Kỳ năm năm và họ làm phụ tá cho các giáo sư chuyên về nghiên cứu khoa học và công việc giảng dạy tại Đại học Missouri, và một sĩ quan độc thân được cài đặt trong tịnh huống giống như Lüttich.
Về phần các đại diện chính thức của chúng tôi, công tác tình báo của họ không có kết quả mặc dù chi phí rất lớn bởi vì theo kinh nghiệm tôi được biết, các nhà ngoại giao Đông Âu đã bị FBI giám sát kỹ lưỡng thành ra họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc móc nối hoặc khai thác một nguồn tin bất ngờ.
Mặc dù sự hiện diện tình báo của chúng tôi tương đối nhỏ, Hoa Kỳ đặt chúng tôi ở mức độ nguy hiểm cao và bỏ ra những phương tiện khổng lồ để giám sát những sinh hoạt của các Toà đại sứ của chúng tôi. Trong suốt thời gian tôi làm giám đốc tình báo, chúng tôi chưa bao giờ kích hoạt được những nguồn tin qua ngã này.
Các nhân viên thường trú tại Washington và những phái đoàn tại Liên Hiệp Quốc chú trọng nhiều hơn đến việc bảo vệ các nhà ngoại giao không để họ sa bẫy vào những vụ nguy hại đến uy tín của họ, đến việc kiểm soát các cao ốc xem có bị Hoa Kỳ gài máy nghe lén không, và trong việc hoàn chỉnh những điều kiện an ninh trong những cuộc đối thoại mật. Các nhà ngoại giao cung cấp thông tin cho cục phản gián của Bộ Công an, nhưng những thông tin này không tiết lộ những chi tiết ngoạn mục về những gì tạo nên động lực của người Hoa Kỳ. Nhiều khi các sĩ quan tình báo tại Toà đại sứ Đông Đức tại Washington chuyển một vài câu phê bình tình cờ nghe lỏm của Tổng thống Reagan hoặc Bush, một câu nói tầm phào nhưng gay cấn của các thượng nghị sĩ, hoặc là những nhận định sâu sắc của một kỹ nghệ gia hàng đầu. Thông thường những điều này một vài ngày sau cũng sẽ xuất hiện trên báo chí.
Tôi không nghĩ là chúng tôi nắm vững tình hình để làm thế nào sinh hoạt thành công tại Hoa Kỳ. Liên Xô, họ đã từng nghiên cứu kỹ lưỡng những nét tâm lý chung của người Hoa Kỳ, họ hiểu biết về xã hội này rõ hơn chúng tôi. Tuy nhiên, Liên Xô nghĩ rằng vị thế tuyến đầu địa lý của chúng tôi tại châu Âu và sự tiếp cận trực tiếp của chúng tôi với khu vực Hoa Kỳ tại Berlin và Tây Đức tạo cho chúng tôi những lợi điểm nhất định để xâm nhập Hoa Kỳ. Kể từ những thập niên 1950, KBG kêu gọi chúng tôi cung cấp tin tức về “kẻ thù chính” cũng như giám sát những mối liên hệ của Hoa Kỳ với Tây Đức và sinh hoạt của họ tại đây. Mặc dù công tác của chúng tôi ở Hoa Kỳ xem ra phức tạp và không được hài lòng, chúng tôi có khả năng bù đắp điều này tại Đức nhờ vào một mâm thịnh soạn những nguồn tin ngay trước ngưỡng của của chúng tôi. Những yếu tố xã hội trợ giúp chúng tôi dể dàng kết nạp người Hoa Kỳ tại châu Âu là thái độ phản chiến và chống định chế cầm quyền vào thập niên 1960, cộng với danh tiếng trong giới trí thức trẻ của những bài viết của triết gia chính trị Herbert Marcuse, chẳn hạn như bài One-Dimensional Man (Con Người Nhất Phiến). Con số lớn công dân Hoa Kỳ làm việc với quân đội Hoa Kỳ tại Đức và các phái đoàn hùng hậu của Hoa Kỳ cung cấp cho chúng tôi môi trường kết nạp rộng lớn. Hơn thế nữa, chiếu theo hiệp ước của Đồng minh về quy chế của Berlin, nhiều người trong số này được phép tự do vào Đông Đức, do đó họ không gây nghi ngờ khi họ qua thăm viếng phía chúng tôi. Mục tiêu chính của chúng tôi là bộ tư lệnh của quân đội Hoa Kỳ tại Heidelberg . Ở đây chúng tôi cũng thấy dễ tiếp xúc với những nguổn tin tiềm năng. Không giống như người Anh và người Pháp có khuynh hướng giữ kín chức vụ của mình, người Mỹ thường vui vẻ làm bạn và không dè dặt nhiều khi nhận lời mời của một người tương đối lạ đến uống một ly nước, ăn một bữa cơm và tán gẫu về đời sống như một người Mỹ tại châu Âu. Chúng tôi khám phá người Mỹ có khuynh hướng ham mê thích làm giàu nhanh chóng một cách trái quy ước. Liên Xô, có kinh nghiệm hơn chúng tôi nhiều, vẫn nghĩ rắng quyền lợi vật chất, như họ nói, thường là lý do thúc đẩy người Hoa Kỳ giúp một chính quyền ngoại quốc, ngay cả lúc ban đầu họ có nhiều tiền. Chúng tôi để ý mỗi lần các sĩ quan Hoa Kỳ tìm cách nhử mồi người Đông Đức để hợp tác với CIA, một trong những bước đầu là đề nghị một số tiền lớn, trong khi đó chúng tôi tiếp tục dùng ý thức hệ hoặc đôi khi dùng động cơ trả thù để kết nạp. Chỉ khi nào việc này không thành, hoặc ngay từ lúc đầu đối tượng kết nạp không có tiền chúng tôi đề nghị đưa tiền. Có nhiều đề nghị mà chúng tôi gọi là “biến thái thương mại” đạt kết quả tốt qua trung giang một người môi giới Thổ Nhĩ Kỳ tên là Hussein Yildrim. Anh này là thợ sửa động cơ xe tại một căn cứ quân đội Hoa Kỳ. Công tác của Yildrim tạo những cơ hội lý tưởng để nghe được những mẩu đối thoại của các chuyên viên kỹ thuật. Anh hiểu biết sâu sắc về lợi tức của thiên hạ và có thể đoán qua những lúc nói chuyện về những chiếc xe họ ước mơ, nhân viên nào không hài lòng với lợi tức của mình và có thể tìm cách gia tăng lợi tức bằng cách bán những thông tin mật. Anh giới thiệu cho chúng tôi nhiều nguồn tin tiềm tàng trong quân đội Hoa Kỳ.
Không có đầu mối liên lạc nào quan trọng hoặc hữu ích hơn chuyên viên James Hall, một người Mỹ làm việc trong ngành điệp vụ điện tử của cơ quan an ninh National Security Agency. Cơ quan thông tin và liên lạc này quá bí mật nên các viên chức Hoa Kỳ được lệnh không hề nghe biết đến cơ quan này, và các nhân viên trong ngành thường đùa cợt với những chữ tắt NSA có nghĩa là “không có cơ quan nào mang tên này” (“no such agency”). Xâm nhập được vào đây là một đòn ngoạn mục. Yildrim chọn Hall vì thấy Hall phản ứng tức tối giá tiền khi đô la mất giá gây ảnh hưởng đến lối sống của y và gửi gắm chúng tôi nên tiếp cận với y. Hall đồn trú tại Teufelsberg, mà chúng tôi biết qua danh hiệu Tai Lớn (Big Ear) của Hoa Kỳ. Được xây trên ngọn đồi bị tàn phá thời chiến tranh ở Tây Berlin – do đó đồi này có tên là “ngọn núi quỷ” - một môi trường các chuyên viên cho là đặc biệt thuận lợi để tiếp nhận những tín hiệu điện tử từ trường, Đài từ trường Berlin, một danh hiệu trung hoà, là một trung tâm kiểm soát điện tử của Hoa Kỳ tại châu Âu, một hệ thống lớn chằng chịt những trang bị những máy móc điện tử tinh vi nghe lén với những chi nhánh đặt rải rác dọc theo biên giới Đông và Tây Đức. Cơ quan này dùng một ngàn ba trăm chuyên viên kỹ thuật có kỹ năng cao để chặn bắt những điện thư vô tuyến và điện thoại, rồi sau đó nghiên cứu và lượng định giá, sau đó chuyển cho giới chức Hoa Kỳ và NATO những thông tin giá trị hàm chứa trong đó. Công tác này vượt hẳn tất cả những gì khối Hiệp ước Warsaw đã thực hiện, vì vậy đối với Liên Xô phương cách hay nhất là đánh phá vòng kiểm soát này bằng cách đơn giản là tìm hiểu càng nhiều càng tốt về nó và tìm cách tránh né nó. Trước khi Hall được kết nạp, chúng tôi không biết nhiều về số lượng âm thanh trạm đài này có thể thu thập, hoặc là do từ đâu ra. Chúng tôi được biết một ít về cấu trúc cơ bản do một số nguồn tin ở Teufelsberg, nhân viên tại đây làm việc cho Nhóm thứ 6912 An ninh điện tử của Hoa Kỳ và Đội pháp tuyến thứ 26 của quân đội Anh. Chúng tôi biết Teufelsberg là một trung tâm tiếp thu đường dây liên lạc điện thoại của Đảng cộng sản CHDC Đức, lưu lượng trao đổi vô tuyến và điện thoại của không lực Đông Đức, và những liên lạc của Bộ Công an. Chúng tôi cũng khám phá quá trễ là Hoa Kỳ đã tìm cách giải mã những tín hiệu vô tuyến trong đó báo cáo thường nhật về chính sách nội bộ và đối ngoại được chuyển tải đến Trung ương Đảng. Günter Mittag, người phụ trách về chính sách kinh tế của nước CHDC Đức, dùng những đường dây liên lạc có kiểm soát này để thông tin liên hệ với các văn phòng trung ương kinh tế và tài chính, vì vậy ông đã bỏ những hình ảnh thường nhật mới mẻ về nền kinh tế của chúng tôi vào trong rọ của người Mỹ. Chính quyền Tây Đức yêu cầu không ngừng để có được những thông tin này, nhưng luôn bị từ chối bởi vì người Mỹ không tin là họ có đủ khả năng giữ kín những tin tình báo giá trị này ngoài tầm tay của chúng tôi. Tôi nghĩ đây là một quyết định sáng suốt - mặc dù nếu chính quyền Tây Đức có được những báo cáo của Mittag và kiểm chứng chúng với những hiểu biết của họ về trao đổi thương mại giữa hai nước Đức, tôi nghi ngờ họ có khả năng sớm đi đến kết luận Đông Đức đã ngã quị về mặt kinh tế.
Nhưng với sự hiện diện của Hall, chúng tôi nhận đều đặn một loạt những tài liệu mật và tối mật về cách vận hành của trạm Teufefsberg. Hall và Yildrim, cả hai đều vô cùng thèm khát tài chính. Klaus Heichner, phụ tá giám đốc Cục 9 của tình báo hải ngoại HVA, trách nhiệm về việc lượng định những thông tin do Hall cung cấp. Đôi khi Eichner báo cáo trực tiếp với tôi và tôi đánh giá cao giác quan và lối suy nghĩ có phương pháp của ông. Ông nói: “Chúng ta đào đúng mỏ vàng rồi. Bao lâu nguồn tin này cẩn mật, điều này có thể tiếp diễn lâu dài”. Trong năm năm Hall làm gián điệp cho chúng tôi, chúng tôi trả lương cho đương sự vượt lên trên gấp hai lần tiền lương y lãnh của quân đội – tổng cộng là $100.000 dollars và, trong một giai đoạn đặc biệt hoạt động tích cực, lên đến $30.000 dollars trong một năm. Đây là một số tiền lớn so với tiểu chuẩn của chúng tôi, nhưng không đáng là bao so với giá trị của những thông tin này đối với chính quyền của chúng tôi và Moscow. Trong thời gian này Hall được thăng chức giám sát viên trong ban điều nghiên tình báo điện tử, và chất lượng thông tin đương sự cung cấp cũng gia tăng theo. Sau khi trở về Hoa Kỳ để bổ túc huấn nghệ năm 1985, Hall được phái đến Sư đoàn quân báo của Sư đoàn 5 tại Frankfurt, cuối cùng được thăng chức giám đốc chiến tranh điện tử và công tác tình báo pháp tuyến.
Tại Frankfurt, Hall gặp gỡ Yildrim tại siêu thị quân đội PX và trong lúc mua hàng trao một gói plastic chứa tài liệu đánh cắp. Yildrim sau đó lái xe một mình về phòng Hall đã thuê ở trong thành phố và sao chép lại tài liệu. Và rồi anh người Thổ lái xe trở về Berlin và Hall đem trả tài liệu về nơi cũ. Để kiếm tiền nhiều hơn, Hall bắt đầu cung cấp thêm nhiều thông tin, đến độ, trên thực tế, những chuyên viên điều nghiên của chúng tôi than phiền là họ không theo kịp. Vì lý do này, tôi đề nghị là vật liệu nên chuyển sang cho phía Xô viết, vì ngoài những chi tiết liên quan đến quyền lợi của Đông Đức, còn có những thông tin có tính cách chiến lược, có thể được Moscow khai thác hữu ích hơn – mặc dù chúng tôi chưa bao giờ tiết lộ nguồn tin của chúng tôi cho họ hoặc thực chất của công tác chúng tôi.
Chúng tôi cũng đưa những tài liệu này cho giám đốc Cục tình báo pháp tuyến và Phản gián thuộc Bộ Công an để họ nghiên cứu, vì các chi tiết kỹ thuật vượt lên trên khả năng hiểu biết của các chuyên viên thông thường của chúng tôi. Báo cáo sau này của ông ghi nhận một điểm nổi bật mà ngành tình báo cho đến nay không hề biết đến nhưng lại có tầm quan trọng sinh tử cho kế hoạch quân sự. Báo cáo cho biết hệ thống chiến lược điện tử ELOKA (Elektronische Kampfführung) cung cấp cho Hoa Kỳ và các đồng minh NATO những tin tức chính xác về nơi chốn của những trung tâm biệt kích của Khối Warsaw và những di chuyển quân sự từ Đông Đức sang Liên Xô. Nói một cách khác, mặc dù các tướng lãnh của khối Warsaw có cố gắng nguỵ trang những di chuyển quân đội và vũ khí, mọi thay đổi quan trọng đều được quân báo Hoa Kỳ ở Teufelsberg ghi nhận tức khắc và thông báo cho Washington hoặc Brussels.
Trong số những tài liệu quan trọng nhất chúng tôi nhận được từ Hall là Danh sách phối hợp tình báo pháp tuyến (National Sigint Requirements List), một tập tài liệu bốn ngàn trang mô tả phương cách dùng tình báo pháp tuyến (“sigint” = signals intelligence) để khoả lấp sự ngăn cách giữa tình báo quân sự và chính trị. Từ tập tài liệu này chúng tôi có được những thông tin hữu ích về những mặt nào CIA và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảm thấy thiếu sót. Đây là một tài liệu vô cùng giá trị vì chúng tôi có thể phỏng đoán nơi nào họ gia tăng sinh hoạt và từ đó chúng tôi có những biện pháp phản công thích hợp. Một thành công nổi bật khác là chúng tôi có được bản báo cáo mang bí hiệu Canopy Wing, trong đó liệt kê những loại chiến thuật điện tử được đem ra áp dụng để vô hiệu hoá các bộ tư lệnh của Liên Xô và khối Hiệp ước Warsaw trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện. Nó chỉ dẫn trong chi tiết phương pháp để ngăn chặn những liên lạc vô tuyến cao tần mà Bộ tư lệnh tối cao Xô viết dùng để ra chỉ thị cho quân đội của mình. Một khi chúng tôi chuyển tin này cho quân đội Xô viết, họ có thể trang bị những dụng cụ thay tần số vô tuyến và những biện pháp phản công khác.
Số lượng tài liệu do Hall cung cấp quá to lớn nên chúng tôi đề nghị đương sự nên giảm bớt lại để không bị nghi ngờ. Một gói của đương sự chứa tới mười ba tập tài liệu toàn bộ gồm có những chỉ thị và những kế hoạch hành động của NSA và Bộ tư lệnh Tình báo và An ninh (Intelligence and Security Command) và trong đó có những chi tiết kế hoạch phát triển tình báo pháp tuyến của Hoa Kỳ cho mười năm tới. Đương sự cũng cung cấp những thông tin mật về chương trình chiến tranh vì sao mà Ronald Reagan ấp ủ để ngăn ngừa tên lửa. Cơ quan phản gián của quân đội Hoa Kỳ, mà chúng tôi thấy đáng sợ tại Hoa Kỳ, lại không làm ra trò trống gì tại Teufelsberg. Khi Hall trở về Hoa Kỳ, đương sự vẫn giữ liên lạc với chúng tôi. Nhưng không may, lòng tham của y đưa y vào bẫy vì muốn gia tăng gấp đôi lợi tức bất hợp pháp của mình bằng cách bán những tài liệu tương tự cho Xô viết, hành động này đã gây nên sự chú ý của FBI. Đương sự bị bắt vào tháng 12-1988 cùng với Yildrim sau khi họ tham dự một cuộc họp tại một khách sạn ở Savannah, tiểu bang Georgia, với một nhân viên FBI cải trang là một sĩ quan tình báo Xô viết. Bản cáo trạng về những hoạt động của Hall đọc trước toà án xác định những tài liệu do y đánh cắp giúp cho cơ quan chúng tôi phá hỏng công tác theo dõi của Hoa Kỳ trên lãnh thổ của Đông Âu trong vòng sáu năm. Hall nhận hết mười tội trong khi làm gián điệp và bị kết án bốn mươi năm tù giam. Yildrim, tên đỡ đầu Mephistopheles quỷ quyệt của y, cũng bị truy tố về tội gián điệp.
Những tin tức chúng tôi biết được về điệp vụ điện tử của Hoa Kỳ do James Carnay – bí danh Kid - cung cấp cũng có tầm quan trọng thiết yếu. Carnay là một trung sĩ không quân và là một người giỏi ngôn ngữ, chuyên viên về thông tin liên lạc, phục vụ trại phi trường Tempelhof ở Tây Berlin, dùng làm căn cứ không quân của Hoa Kỳ. Tự bộ tư lệnh NSA tại Fort Meade tại tiểu bang Maryland có một đường dây liên lạc trực tiếp với các cơ sở châu Âu tại Frankfurt và thẳng đến Berlin – Teufelsberg. Thông tin của Carney cho chúng tôi biết phương cách hệ thống liên lạc này có khả năng chỉ định đích xác một chục yếu điểm của khối Hiệp ước Warsaw trong vòng vài phút khi chiến tranh bùng nổ. Một vài khả năng của hệ thống này xem ra rất kỳ diệu đối với tôi nên tôi cho mời một chuyên viên để lượng định và giải thích chúng theo ngôn ngữ bình thường. Ví dụ, có một đội tại Tây Berlin theo dõi căn cứ không quân của Xô viết tại Eberswalde, cách Đông Đức hai mươi tám dặm về phía đông bắc. Tài liệu do Carney cung cấp cho thấy Hoa Kỳ đã tìm cách xâm nhập hệ thống liên lạc không - bộ của căn cứ này và đang tìm phương cách để ngăn chặn chỉ thị trước khi đến tai của những phi công Nga và thay vào đó lệnh từ Tây Đức. Nếu việc này thành công, những phi công MiG sẽ nhận lệnh từ kẻ thù Hoa Kỳ. Điều này xem giống như chuyện khoa học giả tưởng, nhưng theo sự đánh giá của các chuyên viên của chúng tôi, điều này có khả năng xảy ra nếu họ muốn giở trò này, vì họ chi phí khổng lồ và dùng sức mạnh kỹ thuật của không quân Hoa Kỳ cho việc nghiên cứu này. Nhược điểm của Carney trong vai trò của một điệp viên là tình trạng tâm lý của y, vốn dĩ yếu kém. Đương sự là một người đồng tính luyến ái và mắc bệnh hoang tưởng truy khắc, và đời sống cá nhân của y có thể làm y mất uy tín trong quân đội, vì trong quân đội đồng tính luyến ái bị ngăn cấm. Năm 1984, sau khi trở về Hoa Kỳ, anh xin tị nạn ở Đông Đức, nói rằng người ta đã tìm thấy xác người yêu làm việc chung ngành truyền tin với anh chết trong bồn tắm, đầu bị trùm bao plastic và đây là công tác điệp báo mờ ám để tìm bắt anh. Chúng tôi lo ngại anh sắp sửa khai báo sự thật, và mặc dù chúng tôi không biết có nên tin hay không chuyện trong bồn tắm, chúng tôi sợ đương sự đang bị theo dõi và rất có thể bị bắt nếu đương sự tìm cách trốn khỏi Hoa Kỳ. Làm thế nào để bốc đương sự ra khỏi tình thế hiểm nghèo này? Chúng tôi quyết định dùng một chiến thuật liều lĩnh mà chúng tôi chỉ dùng trong những trường hợp khẩn cấp nhưng luôn luôn thành công: chúng tôi cấp giấy tờ căn cước Cuba giả mạo để đưa anh ra khỏi Hoa Kỳ sang Havana. Và từ đó chúng tôi cấp chuyến máy bay cho đương sự bay qua Moscow để đến Berlin.
Một khi đương sự ở lại với chúng tôi, một công việc năng nhọc khác là làm cho đương sự cảm thấy thoải mái tối đa. Điều này không dễ, vì nhịp sống kém nhộn nhịp tại Đông Đức và sự khan hiếm tương đối về sản phẩm tiêu thụ và thú ăn chơi. Những chúng tôi rất lo ngại và ngăn ngừa đương sự rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm thần và chạy sang Toà đại sứ Hoa Kỳ để khai hết mọi chuyện. Carney được giao một công việc theo dõi những điện thư pháp tuyến Anh ngữ của các Toà đại sứ Anh và Hoa Kỳ và các học viện tại Tây Berlin và ghi lại trên giấy những chi tiết đáng lưu ý cho chúng tôi. Đây không phải là một công tác tình báo có chất lượng cao – tôi không cảm thấy đương sự có tâm trí ổn định hoặc đáng tinh cậy để làm công tác tình báo cao cấp – nhưng ít ra đương sự còn giữ được mối liên hệ với đất nước của đương sự.
Năm 1989, khi ngày tàn của Đông Đức gần kề, sĩ quan điều khiển đương sự và trưởng ban tình báo ở khu vực Hoa Kỳ phải quyết định nhanh để giải quyết tình trạng của đương sự. Họ đề nghị cho anh định cư ở Nam Phi với sự đài thọ của Bộ Công an nhưng đương sự không đồng ý. Đương sự cũng không thích cuốn gói sang Moscow. Chúng tôi không còn đường nào khác là cung cấp cho anh một căn phòng và một số vốn để sinh sống tại Suhl, ở phía nam Đông Đức, nơi đây anh ít bị lộ hơn. Đầu năm 1990, Carney biến mất khỏi Suhl. Một vài sĩ quan của chúng tôi nghĩ rằng đương sự đã bị CIA bắt cóc. Nhưng đúng ra họ thấy y cô đơn và chán trường, họ tìm cách thuyết phục đương sự trở về quê nhà. Nếu các người săn lùng đương sự hứa khoan hồng cho đương sự, họ đã không giữ lời hứa.
Cuối năm đó Carney bị toà án Hoa Kỳ kết án ba mươi tám năm tù.
Trong trường hợp của cả Hall và Carney, điều chắc chắn là họ đã phản bội đất nước của họ để phục vụ cho Đông Đức. Nhưng một trường hợp khác không rõ rệt như vậy, đó là trường hợp của Jeffrey Schevitz, người Mỹ cuối cùng bị xử án vì tội làm gián điệp cho Đông Đức. Nhưng không ai rõ đương sự làm gián điệp cho ai, hoặc chính xác hơn, anh do thám ai để có thêm lợi nhuận. Schevitz đến Tây Berlin để hoạt động phản chiến năm 1976 và chuyển thông tin cho chúng tôi từ Viện Đại học Tự do John F. Kennedy (JFK Free University Institute for American Studies) trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Hội Nghiên cứu Chính Sách Ngoại giao tại Bonn và sau này, từ một trung tâm nghiên cứu hạt nhân tại Karlsruhe, tại đây đương sự làm việc từ 1980 cho đến 1994. Schevitz chuyển tin tức liên quan đến những cố gắng của Tây Đức để làm suy yếu chính sách không bành trướng của Hoa Kỳ và về những quy tắc của COCOM (Coordinating Committee for East-West Trade Policy = Uỷ ban Phối Hợp Chính Sách Thương mại Đông Tây) bao trùm việc xuất khẩu những kỹ thuật công nghệ cao. Chính Schevitz công nhận đương sự có được những tin tức này là nhờ mối liên hệ với cựu giám đốc tình báo trong Phủ Thủ tướng của Helmut Kohl. Nhưng Schevitz cũng khai cán bộ điều khiển Hoa Kỳ của đương sự là Shepard Stone, giám đốc của Viện Aspen tại Berlin, một nơi gặp gỡ của những chính trị gia và trí thức hàng đầu, và những ký giả của Đông và Tây Đức, và đương sự làm gián điệp nhị trùng cho Hoa Kỳ ngày từ lúc bắt đầu. Schevitz khẳng định Stone đã hứa với y sẽ thừa nhận những mối liên hệ của y trong trường hợp y bị bắt, nhưng Stone chết năm 1990 mà không để lại một tài liệu nào nói đến Schevitz. Toà án bác bỏ lời giải thích này nhưng một cách lạ lùng chỉ tuyên án đương sự có mười tám tháng tù treo.
Tôi không biết rõ hết nội vụ chuyện này. Cơ quan của tôi biết Sherpard Stone dính líu với CIA, nhưng không phải như kiểu Schevitz khai báo. Chúng tôi đoán chắc những mẩu đối thoại tại Aspen được thường xuyên thâu thanh và chuyển cho CIA. Nhưng về mối liên hệ giữa Shepard và Schevitz, chúng tôi không có bằng chứng nào cả.
Song song và phụ trợ cho những điệp vụ thời Chiến tranh Lạnh chống lại Hoa Kỳ, chúng tôi chú trọng đến kế hoạch chiến lược của NATO. Tôi đã trình bày công tác của cô Margarete, nguồn tin tại SHAPE (Supreme Headquarters Allied Powers Europe = Bộ Tổng tham mưu Tối cao Quân Lực Đồng minh châu Âu) trong thập niên 1960. Chúng tôi cũng may mắn kết nạp và lưu giữ trong vòng mười bảy năm một điệp viên giá trị hơn nhiều, đó là một viên chức NATO người Đức tên Rainer Rupp, được sự trợ giúp của bà vợ người Anh tên Anne-Christine, họ chuyển giao một vài bí mật quan trọng nhất của NATO cho Đông Đức.
Rupp đúng là con người của thập niên 1960. Hàng ngàn thanh niên Tây Đức đã giận dữ xuống đường năm 1967 phản đối quyết định của Thủ tướng Kurt-Georg Kiesinger và Phó Thủ tướng Willy Brandt tiếp đón trọng thể Quốc Vương Iran, thể chế phản dân chủ của vương quốc được củng cố do chính sách khủng bố của cảnh sát mật vụ. Những cuộc biểu tình chống cuộc viếng thăm của vị Shah dẫn tới bạo động, và trong lúc hỗn độn, Benno Ohnesorg, một sinh viên thuộc Công đoàn sinh viên Cơ Đốc Giáo, bị bắn chết. Sáu chục người bị bắt và phong trào sinh viên trỗi dậy. Rupp, đang là sinh viên học kinh tế tại Düsseldorf, gia nhập phong trào phản kháng toàn quốc kế tiếp. Trong một lần xuống đường anh đi bên cạnh một người lớn tuổi và người này mời anh sau đó đi uống bia và ăn một bát goulash, và nói chuyện chính trị. Người đàn ông tự xưng là Kurt chia sẻ ưu tư của Rupp là chủ thuyết cấp tiến cực hữu đang lên. Hai người bạn biểu tình kêu thêm bia và nói chuyện về thái độ đạo đức giả của nước Tây Đức dân chủ khi tiếp đón những kẻ sát nhân như quốc vương Shah với sự trang trọng và danh dự, tất cả chỉ vì dầu hoả của Iran.
Bất thình lình Kurt lái câu chuyện ra khỏi cuộc biểu tình. Kurt nói với Rupp “Đôi khi một người có thể đáng giá hơn cả một đạo binh”. Đây là một toan tính táo bạo và nhanh nhẹn để kết nạp Rupp, và đã thành công.
Rupp nhận ra người đối tác uống rượu là người Đông Đức – nhưng tôi không dám quyết đoán là đương sự có nhận ra được Kurt là một điệp viên sinh hoạt tại Bonn vào lúc đó. Anh sinh viên hai mươi hai tuổi, thù địch với trật tự của thế giới quanh mình, chấp nhận tức khắc gặp gỡ Kurt tại Đông Berlin . Hai sĩ quan khác gặp gỡ Rupp và vui mừng vì những tài năng tiềm ẩn của đương sự. Anh nói Anh ngữ và Pháp ngữ và chỉ số thông minh vượt trội và nắm vững tình hình kinh tế chính trị. Một trong những sĩ quan đề nghị một công việc tại NATO, bấy giờ đặt trụ sở tại Brussels . Rupp chưa có dự tính gì cho sự nghiệp tương lai khi anh tốt nghiệp, và anh đồng ý. Anh rời Đại học Düsseldorf và ghi tên tại Brussels vào lúc cuối để có thể dễ dàng đăng ký công việc tại đây. Anh đậu cao và sau khi tốt nghiệp anh nhận chức vụ chuyên viên nghiên cứu tại Viện Kinh tế ứng dụng. Và từ đó anh dễ dàng chuyển sang làm việc với NATO, viết những bài nghiên cứu về ảnh hưởng của công nghệ vũ khí đối với kinh tế quốc gia. Rupp chuyển tất cả những tài liệu này và nhận xét của anh về công việc và phong cách làm việc trong nội bộ của Bộ Tổng tham mưu NATO qua những trạm tiếp liên cho chúng tôi tại Đông Berlin. Chúng tôi đặt cho anh bí danh là Topaz. Vợ của anh, anh lập gia đình trong khi làm việc tại NATO là người chất phác và vui tính; cô ta không hề để ý đến sự kiện là họ đang hưởng tuần trăng mật trên lãnh thổ của Đông Đức.
Sau khi lập gia đình, Rainer được thăng chức trong NATO và chẳng bao lâu cung cấp cho chúng tôi những tin tức về khả năng quốc phòng của tất cả các nước thành viên của NATO. Cho đến năm 1977, Anne Christine, lúc bấy giờ đã hiểu được nội dung của những chuyến đi bí mật của chồng minh sang Amsterdam để gặp cán bộ điều khiển và việc chụp hình những tài liệu trong căn buồng nhỏ, tích cực giúp chồng. Cô đã đổi việc và sang làm ở NICSMA (Nato Integrated Systems Management Agency), Cơ Quan Quản lý Hệ Thống Hội Hợp của NATO), nơi đây cô cũng lén chuyển thông tin ra ngoài. Cô ngưng hoạt động điệp vụ sau khi sinh con. Rainer Rupp tiếp tục cho đến năm 1989, không hề suy xuyển trong sự dấn thân để cung cấp những tài liệu tinh tế của NATO ví dụ như quyển Crisis Handbook (Cẩm nang giải quyết khủng hoảng), tài liệu ba trăm trang Armed Forces Plan (Kế Hoạch của Quân đội), và quyển Final Document on Preventive Measures (Tài liệu Đúc Kết về những Biện Pháp Phòng Ngừa), và vào đầu thập niên 1980, những chi tiết về ý định đánh phủ đầu của liên minh. Nhưng giá trị chính của Rupp nằm ở nhận thức bén nhậy trong những trang báo cáo và khả năng tổng kết và chuyển đạt cái mà chúng tôi gọi ngôn từ khó hiểu của NATO thành những từ ngữ dễ hiếu cho mọi người – ngôn ngữ mờ ảo của những từ viết tắt của môi trường làm việc của tổ chức này. Vladimir Kryuchkov, giám đốc của KGB, rất khâm phục những tài liệu do Rupp viết và muốn xem ngay cả bản thảo tiếng Anh để đương sự có thể tự hào đã đọc đúng những gì các tướng NATO đã đọc.
Tôi đã ước vọng rằng quyển sách này sẽ được viết ra nhưng không lồng trong đó chuyện của Rupp – mong rằng việc làm của ông cho chúng tôi không bị lộ. Nhưng những gì đã từng được chúng tôi giấu rất kín nay đã được phơi bày trên bàn mổ xác của một hệ thống đã quá vãng. Tuy nhiên tôi tin rằng sẽ không còn điệp viên tầm cỡ nào bị tiết lộ nữa vì hệ quả của cuộc phơi bày những công tác của tình báo hải ngoại Đông Đức. Khi nước Cộng hoà Dân chủ Đức sụp đổ, tôi không thấy lý do gì để Rupp có thể bại lộ. Vị trí của ông trong lòng của NATO tại Brussels đã tạo cho ông một nơi an toàn, tôi nghĩ như vậy, hơn là các điệp viên ở trong nước Đức. Tôi tin tưởng mặc dù có mối nghi ngờ một điệp viên nằm vùng trong NATO, không ai có thể đoán được danh tính thật của y. Nhưng rồi bí danh của ông bị Heinz Busch, một chuyên viên điều nghiên quân báo trong cơ quan của tôi, đã phản bội và tiết lộ. Busch chuyển tin cho cơ quan phản gián Đức BND năm 1990.
Busch biết bí danh này, nhưng không rõ tên tuổi thực của Rupp. Năm 1994, Rupp bị kết án mười hai năm tù và bị phạt 300.000 DM vì tội tiết lộ bí mật, theo quyết định của toà án, có thể gây nên những hậu quả tai hại trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Tôi không đồng ý với lời lên án này. Tôi nghĩ quyết định của Rupp chia sẻ những bí mật của NATO cho chúng tôi đóng góp cho xu hướng hoà hoãn. Không có Rupp, chúng tôi không biết nhiều về NATO và sợ họ hơn.