-'Hành vi của ông Lê Phước Vũ là không thể chấp nhận được' -
Trí Lâm (Thực hiện)-
Theo Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn Luật sư TP. HCM, việc Công ty Tôn Hoa Sen ngang nhiên tự ý chặn con đường lên rẫy, cắt đường nước sinh hoạt của người dân là không thể chấp nhận được vì bất cứ lý do gì.
Liên quan đến việc người dân xã Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng bị công ty Tôn Hoa Sen cắt nguồn nước, chặn đường lên rẫy, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn Luật sư TP. HCM về vấn đề này.
Vừa qua, người dân tại thôn 3, xã Đạ M'ri, Đạ Huoai, Lâm Đồng đã phản ánh việc Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen (gọi tắt là Công ty Hoa Sen) do ông Lê Phước Vũ làm chủ về xã thực hiện dự án sinh thái nhưng tự ý chặn con đường lên rẫy và tự ý cắt nước sinh hoạt của người dân. Đứng dưới góc độ pháp lý, ông có nhận định gì về hành động này của Công ty Hoa Sen?
Tôi nghĩ vấn đề này cần xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương, trong đó có trách nhiệm UBND huyện, UBND tỉnh, UBND xã và kể cả Công ty Hoa Sen. Dù là dự án gì đi chăng nữa thì không thể để ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân được.
Việc Công ty Hoa sen ngang nhiên tự ý cắt con đường lên rẫy, cắt đường nước sinh hoạt của người dân là không thể chấp nhận vì bất cứ lý do gì. Vì hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt của người dân nơi đây.
Theo ghi nhận của PV Một Thế Giới đến thời điểm hiện tại việc đi lên rẫy của người dân vẫn gặp khó và vẫn chưa có nguồn nước mới nào được bố trí cho người dân thay cho nguồn nước đã bị công ty Hoa Sen cắt. Ông nghĩ sao về việc này?
Tôi cho rằng, cần đảm bảo nguồn nước cho người dân sinh hoạt và trồng trọt, sản xuất nhưng cho đến nay vẫn chưa làm trong khi đó lại chặn nguồn nước từ con suối cũ của người dân, không cho dân lên rẫy là hành vi không thể chấp nhận được.
Chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng cần đứng ra giải quyết vấn đề này để bảo đảm quyền lợi cho người dân chứ không thể tự để Công ty Hoa Sen ép người dân như vậy được. Tôi có cảm giác Công ty Hoa Sen đang thay cơ quan Nhà nước để cưỡng chế người dân.
Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn Luật sư TP. HCM |
Được biết, UBND tỉnh đã giao nguồn nước cho công ty Hoa Sen. Tuy nhiên con suối, nguồn nước là tài nguyên của quốc gia, là của toàn dân, không ai có quyền lấy đó làm sở hữu cho riêng để giao cho người này, người khác. Theo ông, việc làm của UBND tỉnh Lâm Đồng như vậy có đúng không?
Theo thông tin mà tôi đọc trên báo Một Thế Giới thì một nửa con suối là thuộc dự án của Công ty Hoa Sen, một nửa thuộc của dân. Nhưng UBND tỉnh Lâm Đồng lại giao toàn bộ con suối cho Công ty Hoa Cen trong khi con suối này là nước chính cho người dân sinh sống, sinh hoạt và canh tác.
Như vậy con suối này là của chung nhưng Công ty Hoa Sen lại được thực hiện toàn bộ quyền định đoạt như vậy thì theo tôi cần xem xét trách nhiệm của UBND tỉnh Lâm Đồng. Cần phải xem việc UBND tỉnh Lâm Đồng giao con suối cho Công ty Hoa Sen đã đúng quy định chưa?
Theo cá nhân tôi khi UBND tỉnh Lâm Đồng giao toàn bộ con suối này cho Công ty Hoa Sen nhưng lại chưa bảo đảm nguồn nước cho dân là ảnh hưởng đến quyền lợi của dân và chưa bảo đảm đúng quy định về thu hồi, giao đất bồi thường và hỗ trợ…theo quy định pháp luật đất đai hiện hành.
Ngoài việc cắt nước, chặn đường, người dân ở xã Đạ M'ri còn phản ánh công ty Hoa Sen ép giá đất đền bù của người dân, chỉ mua bằng phân nửa giá thị trường. Nếu người dân không bán thì gây khó dễ bằng cách chận đường lên rẫy, cắt nước sinh hoạt và tưới tiêu nông nghiệp, dùng số đông để uy hiếp, khiến cho người dân cảm thấy khó sống và buộc lòng phải bán đất lại cho Hoa Sen với giá rẻ. Ông nhận định thế nào về việc làm này?
Nếu hành vi này là có thật thì chính quyền địa phương cần can thiệp ngay và phải có hình thức xử phạt đối với Công ty Hoa Sen khi đã có những hành vi trên. Việc bồi thường đất là do các bên thoả thuận chứ không thể ép, cưỡng chế thay cho cơ quan Nhà nước. Giá đất bồi thường là do các bên tự thoả thuận thương lượng chứ Công ty Hoa Sen không được quyền ép.
Hành vi không thương lượng được rồi quay sang chặn đường lên rẫy, cắt nước sinh hoạt và tưới tiêu nông nghiệp, dùng số đông để uy hiếp, khiến cho người dân cảm thấy khó sống là không thể chấp nhận được và nếu thật sự Công ty Hoa Sen có những hành vi như vậy là vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm.
Theo chiếu theo quy định của pháp luật thì những sai phạm của Công ty Hoa Sen sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?
Tuỳ mức độ vi phạm, tính chất, hành vi cụ thể, mục đích và động cơ mà Công ty Tôn Hoa Sen sẽ phải chịu hình thức xử phạt và mức xử phạt khác nhau.
Thậm chí nếu nặng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho dân, nguy hiểm cho xã hội thì có thể xử lý về mặt hình sự đối với những cá nhân vi phạm. Ngoài ra còn có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cơ quan địa phương được quyền yêu cầu Công ty Hoa Sen di dời, khôi phục lại hiện trạng ban đầu con suối, con đường bảo đảm quyền lợi cho dân.
Nếu Công ty Hoa Sen có hành vi vi phạm gây thiệt hại cho dân thì còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về mặt dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 cho người dân khi họ có yêu cầu theo quy định.
Xin cảm ơn ông!