Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Các ngân hàng quốc tế lớn bắt đầu rời Trung Quốc

-Trụ sở chính của ngân hàng Deutsche Bank ở Frankfurt, Đức. (Ảnh chụp màn hình)-Các ngân hàng quốc tế lớn bắt đầu rời Trung Quốc
Andrei Popescu | Dịch giả: Kim Xuân

Một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới – Deutsche Bank – đã công bố vài ngày trước khi hết năm rằng họ sẽ rút vốn khỏi ngân hàng Trung Quốc Hua Xia Bank (Ngân hàng Hoa Hạ). Nhiều ngân hàng lớn khác ở phương Tây đã thực hiện các bước tương tự trong thời gian gần đây.


Ngày 28 tháng 12, tân Tổng giám đốc của Deutsche Bank, ông John Cryan, đã thông báo: “Bây giờ là thời điểm thích hợp để chúng ta bán khoản đầu tư này”.

Cryan đã đưa ra thông báo ngay trước thềm năm mới, cố gắng tạo ra ít sóng nhất có thể trên thị trường. Ông giải thích thỏa thuận bán cả gói 19,99% cổ phần của Deutsche Bank tại Hua Xia Bank ở Trung Quốc cho công ty bảo hiểm Tài sản và Tai nạn Trung Quốc PICC và nói về “chương trình chiến lược” của Deutsche Bank: thu hồi vốn.

Deutsche Bank không phải là ngân hàng phương Tây đầu tiên rời khỏi các ngân hàng Trung Quốc, nơi cơ quan quản lý nhà nước hạn chế sự tham gia của các cổ đông nước ngoài tối đa 20% cổ phần, điều đó kéo theo một số rắc rối, theo trang web Wolf Street.

Goldman Sachs đã bán cổ phần của mình tại Ngân hàng Công thương Trung Quốc trong năm 2013. Ngân hàng của Mỹ Merrill Lynch cũng đã bán cổ phần của mình tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc thông qua một loạt các thỏa thuận. Trong năm 2013, BBVA, ngân hàng lớn thứ hai của Tây Ban Nha đã giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu tại ngân hàng Trung Quốc Citic Bank từ 15% xuống 4,7%, và có vẻ như gói cổ phiếu cuối cùng cũng sẽ được bán. Có khả năng là các ngân hàng khác cũng khăn gói rời Trung Quốc, một trong số đó là Standard Chartered, đang nắm giữ cổ phần tại Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc.

Cũng giống như Deutsche Bank, các ngân hàng khác đã ký kết các thỏa thuận nhằm “thu hồi vốn”.

Người đàn ông giàu nhất châu Á, người Hồng Kông gốc Trung Quốc, ông Lý Gia Thành, cũng đã bán cổ phần của mình tại các công ty ở Trung Quốc, làm chế độ cộng sản tức tối.

Deutsche Bank đang cần một số điều chỉnh bảng cân đối của mình. Là một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới, nhưng trong những năm qua, Deutsche Bank đã bị vướng vào một chuỗi dài các vụ bê bối, các vụ kiện và các cuộc thương lượng trị giá nhiều tỷ đô la. Gần đây, ngân hàng đã đình chỉ lãnh đạo cao cấp của mình ở Nga do bị nghi ngờ tham gia vào rửa tiền cho những người bạn của Tổng thống Vladimir Putin (đang bị phương Tây trừng phạt).

Vào cuối tháng 10, ông Cryan đã công bố khoản lỗ nặng (6 tỷ USD trong quý 3 của năm 2015), trong đó có một tỷ USD dự trữ để bù đắp chi phí cho các loại kiện tụng (hiện đã chi đến 4,8 tỷ euro).

Cryan cũng đã công bố việc dừng chi trả cổ tức và sa thải 20.000 nhân viên và nhà thầu. Deutsche Bank sẽ rút hoạt động tại 10 quốc gia, ở Mỹ Latin và châu Âu và sẽ từ bỏ Deutsche Postbank, một ngân hàng với khoảng 20.000 nhân viên. Hơn nữa, ngân hàng này của Đức cần phải bù đắp một khoản thua lỗ 600 triệu euro cho các cổ phiếu của mình tại Hua Xia Bank.

Các ngân hàng Trung Quốc đã thu hút rất nhiều sự đầu cơ với vô số các khoản nợ xấu đáng lẽ phải xuất hiện như thua lỗ trong bảng cân đối, và đáng ra phải xuất hiện một thời gian dài trước đây. Con số chính xác của những khoản nợ xấu này vẫn dường như là một bí mật quốc gia – công chúng không biết đến – vì thế nên đầu cơ đầy rẫy.


-Truyền thông Trung Quốc phản ứng gay gắt trước việc ông Lý Gia Thành rút tài sản khỏi thị trường nước này

-Người đàn ông giàu nhất châu Á, ông Lý Gia Thành, đang rút dần tài sản của mình ra khỏi Trung Quốc, đây là một dấu hiệu đầy sức thuyết phục cho thấy ông nhìn ra viễn cảnh không mấy sáng sủa khi tiếp tục đầu tư ở đây. Sau khi phát ngôn viên Tân Hoa Xã chính thức lên án hành động của ông Lý, nhiều kênh truyền thông nhà nước khác liên tục viết bài ủng hộ ý kiến này. Với giọng điệu có tính công kích ngầm, các bài viết này tuyên bố Trung Quốc không hề bối rối, dù chỉ một chút, khi ông Lý ra đi.

Được trìu mến gọi với tên “Superman” (siêu nhân) ở Hồng Kông vì sự nhạy bén kinh doanh của mình, ông Lý, 87 tuổi, đã chuyển dần tài sản từ Trung Quốc sang Châu Âu từ năm 2011. Ông Lý là một nhà đại tài phiệt sinh tại Triều Châu và là một nhà từ thiện lớn, ông đã sáp nhập công ty điện với công ty phát triển cơ sở hạ tầng của mình, và hủy bỏ niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông.

Hành động này nhận được những phản ứng gay gắt từ chính quyền Trung Quốc. Vào ngày 12 tháng 9, Học viện Liaowang liên kết với Tân Hoa Xã đăng bài viết “Đừng để Lý Gia Thành rời đi như vậy”. Bài viết chỉ trích ông đồng thời đe dọa rằng vị thế chính trị của ông ở Trung Quốc sẽ bị đe dọa nếu ông vẫn muốn “ra đi”.

3 ngày sau, tờ Secuities Times, một tờ báo chịu sự chỉ đạo của Nhân Dân Nhật Báo, đăng một bài bình luận tựa đề “Hãy để Lý Gia Thành rời đi nếu ông ta muốn – Trời xanh vẫn còn đó”.

Giọng điều của bài viết ngày 15 tháng 9 trên tờ Securities Times còn gay gắt hơn bài báo của Tân Hoa Xã. Tác giả Hoàng Hạ Bằng buộc tội ông Lý Gia Thành đổ tiền vào Châu Âu, nơi được “ pháp luật đảm bảo tốt hơn” để “ con cháu có thể dễ dàng thừa hưởng” tài sản của ông ta thay vì mang lại lợi ích cho xã hội Trung Quốc.

Tác giả Hoàng thừa nhận rằng chính quyền không có nhiều lựa chọn cho trường hợp này. “Nếu chính quyền viện cớ và không cho nhà đầu tư rời đi, những công ty bất động sản khác chắc chắn sẽ lo lắng”.

Ngoài ra, theo ông Hoàng, Trung Quốc “sắp trải qua một đợt cải tổ ngành công nghiệp và cần nhiều vốn đầu tư hơn” và là một nền kinh tế đang đi lên khi so sánh với châu Âu “già cỗi và yếu ớt”, nơi mang lại rất ít cơ hội để thu được nhiều lợi nhuận .

Ông Hoàng kết luận “Hãy để Lý Gia Thành rời đi nếu ông ta muốn- Trời xanh vẫn còn đó”

Một ngày sau, tờ báo được nhà nước chi phối Tin tức Bắc Kinh lặp lại quan điểm của tác giả Hoàng khi cho rằng để công ty của ông Lý tiếp tục ở lại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tính tin cậy của thương trường, và tuyên bố “Việc ông Lý Gia Thành đi hay ở lại hoàn toàn không thể hiện gì cho tình hình kinh tế Trung Quốc”. Bài bình luận này cố gắng miêu tả hành động của ông Lý chỉ đơn thuần là một quyết định kinh doanh, không liên quan gì dến chính trị.

Cư dân mạng Trung Quốc không hề bị thuyết phục bởi những lập luận của các cơ quan ngôn luận nhà nước.

Một bình luận trên Sina Weibo (một mạng xã hội như Twitter của Trung Quốc) cho rằng: “Với giọng điệu tuyên bố như thế này, tôi cảm giác [Lý Gia Thành] đã đúng!”,



-

Chủ tịch ngân hàng Goldman Sachs: Không nên đầu tư vào Trung Quốc

Chủ tịch ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới Goldman Sachs trong bài trả lời phỏng vấn Wall Street Journal đăng tải ngày 17/09/2015 đã đả kích một số chính sách kinh tế của Bắc Kinh và cho rằng hiện nay không phải là lúc để đầu tư vào Trung Quốc.


Theo nhận định của ông Lloyd Blankfein, sự can thiệp của chính quyền để chận lại đà lao dốc đầy kịch tính của thị trường chứng khoán Trung Quốc mùa hè này, nhất là việc một tổ chức nhà nước mua vào hàng loạt cổ phiếu, là « vụng về và hỗn tạp ». Hơn nữa kết quả lại hết sức hạn chế : thị trường Thượng Hải vẫn bị sụt giảm khoảng 40% kể từ giữa tháng Sáu.

Chủ tịch Goldman Sachs bình luận : « Chính quyền cộng sản không có nhiều kinh nghiệm quản lý các tình hình như thế trên thị trường ». Khác với lệ thường, ông Blankfein còn bày tỏ sự quan ngại về sự suy sụp của nền kinh tế thứ nhì thế giới. Ông than thở : « Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rằng vấn đề nằm ở đâu, và họ cũng thông minh trong việc này, nhưng rất khó thực hiện những thay đổi cần thiết ».

Ông Lloyd Blankfein nói thêm, bản thân ông « không đầu tư vào Trung Quốc trong thời điểm hiện nay ». Theo AFP, đây là những tuyên bố đáng ngạc nhiên, do Goldman Sachs vẫn được coi là hết sức lạc quan về viễn cảnh của Trung Quốc, dù hoạt động kinh tế nước này tiếp tục chậm lại.

Một loạt những con số thống kê đáng thất vọng – nhu cầu tiêu thụ yếu, sản xuất công nghiệp giảm sút – và thị trường chứng khoán xuống dốc đã làm dấy lên những lo ngại tình hình suy sụp sẽ còn kéo dài tại Trung Quốc. Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OCDE) hôm qua (16/09/2015) đã hạ dự báo tăng trưởng thế giới xuống còn 3% trong năm nay và 3,6% vào năm tới, do những khó khăn của các nước mới trỗi dậy quan trọng. Báo cáo của OCDE nhấn mạnh : « Chính quyền Trung Quốc đối mặt với những thử thách chính trị và kinh tế để duy trì tăng trưởng, vừa phải cải tổ cơ cấu và quản lý rủi ro ».

Trong khi tăng trưởng năm nay xuống thấp chưa từng thấy kể từ một phần tư thế kỷ qua, Bắc Kinh vẫn tìm cách trấn an với việc nêu ra một « chuẩn mực mới », và nhấn mạnh nỗ lực tái cân bằng qua mô hình kinh tế chủ yếu dựa vào tiêu dùng nội địa.


Trung Quốc: Các quan chức đua nhau bán nhà tháo chạy 20/01/2013
Chỉ trong dịp Trung thu và 1/10 (Quốc khánh) năm 2012 đã có hơn 1.100 quan chức xuất cảnh nhưng không quay về, trong đó có 714 người được xác định là đã bỏ trốn, một quan chức của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng cho biết.
Thái Bân và một số ngôi nhà của ông ta ở Quảng Châu.
Thái Bân và một số ngôi nhà của ông ta ở Quảng Châu.
Ngày 19-1, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng (UBKTKLTW) của Trung Quốc bắt đầu họp Hội nghị lần 2 khóa 18 để tổng kết công tác chống tham nhũng năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Theo báo chí Trung Quốc, một trong những vấn đề sẽ được đưa ra bàn thảo là việc các quan chức trốn ra nước ngoài ngày càng nhiều.
Mới đây, UBKTKLTW đã ra thông báo “Động hướng mới trong công tác đấu tranh chống tham nhũng”, trong đó nêu rõ: từ trung tuần tháng 11-2012 đến nay, tại 45 thành phố vừa và lớn đã xuất hiện làn sóng bán tháo các biệt thự, căn hộ cao cấp.
Từ tháng 12 đến nay, hiện tượng này tiếp tục lan rộng, số nhà cửa được sang tên đổi chủ tăng gấp hàng trăm lần so với trước và là điều chưa từng có.
Có tới trên 60% người bán nặc danh, lấy tên giả hoặc lấy tên công ty để rao bán; đại đa số chủ nhà đều để nhà trống, cho người thân, bạn bè ở, không có hợp đồng cho thuê; khi bán đều yêu cầu giao dịch bằng tiền mặt, không qua ngân hàng.
Theo trang mạng của Ủy ban xây dựng nhà ở Bắc Kinh, nửa đầu tháng 1-2013 ở Bắc Kinh đã có 7.940 căn hộ được chuyển nhượng tăng 360% so với cùng kỳ năm 2012, tăng 11% so với tháng 12-2012, trong số đó số căn hộ cao cấp có giá 35 ngàn tệ/m2 (115 triệu VNĐ) trở lên chiếm 31%.
Được biết, một bộ phận người bán là các quan chức cơ quan công quyền và giới lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước. Ủy ban KTKL đã thông báo tình hình này với trung ương và đã có kế hoạch đối phó.
Các số liệu trong thông báo cho hay, theo thống kê của Bộ Nhà ở - Xây dựng đô thị và Bộ Giám sát, trong động thái bán tháo nhà ở, biệt thự hiện nay, xuất hiện hiện tượng không bình thường: có tới trên 60% người bán nặc danh, lấy tên giả hoặc lấy tên công ty để rao bán; đại đa số chủ nhà đều để nhà trống, cho người thân, bạn bè ở, không có hợp đồng cho thuê; khi bán đều yêu cầu giao dịch bằng tiền mặt, không qua ngân hàng; các chủ nhà ủy quyền cho luật sư giao dịch, không lộ mặt khi mua bán.
Bản báo cáo cũng đưa ra nạn nhận ngoại tệ của các quan chức đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành ở 6 tỉnh, thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân, Giang Tô, Sơn Đông, Thượng Hải… và người nhà, nơi cao nhất là Sơn Đông nhận 1 tỷ 792 triệu, nơi thấp nhất cũng 370 triệu USD.
11 thành phố có hiện tượng bán tháo nhà diễn ra nghiêm trọng nhất là: Nam Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Thiên Tân, Thẩm Dương, Hạ Môn, Nam Kinh, Phúc Châu, Tế Nam, Quảng Châu, Thâm Quyến, Thành Đô; trong đó nhiều nhất về số căn hộ là Quảng Châu (4.880 căn) và Thượng Hải (4.755 căn), nhiều nhất về biệt thự là Hàng Châu (412 ngôi) ít nhất là Thiên Tân (112).
Vì sao hiện tượng các quan chức bán tháo nhà lại đột nhiên diễn ra ồ ạt như thế? Đó là vì mấy tháng trước, tin tức về Thái Bân, một cán bộ cấp trưởng phòng cơ quan KTKL khu ủy Phiên Ngu, Quảng Châu lương 10 ngàn tệ/tháng mà có tới 21 ngôi nhà trị giá 40 triệu tệ lan tràn trên mạng.
Thành ủy Quảng Châu cho điều tra, kết quả cho thấy Thái Bân có 22 nhà. Sự kiện này đã kéo theo các cuộc điều tra về nhà ở của quan chức tại các địa phương và liên tiếp có nhiều siêu quan tham về địa ốc bị lôi ra ánh sáng.
Mới đây nhất, ngày 18-1, báo chí đã đưa tin về Củng Ái Ái – phó giám đốc Ngân hàng thương mại nông thôn huyện Thần Mộc, đại biểu HĐND thị xã Du Lâm, tỉnh Thiểm Tây có tới hơn 20 ngôi nhà trị giá hàng tỷ tệ ở Bắc Kinh.
Vào trung tuần tháng 12, UBKTKLTW, Văn phòng TW, Ban Tổ chức TW cũng đã cho gọi hơn 120 quan chức cấp cao đương nhiệm lên gặp gỡ, đối thoại, nhắc nhở họ và người thân ngừng ngay việc bán tháo nhà, bán dưới tên giả, giấu tên…
Sau khi bán nhà, số tiền này sẽ được chuyển bất hợp pháp ra nước ngoài, tạo nên hiện tượng chảy máu dòng vốn.
Thông báo trên đây của UBKTKLTW cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2010 có tới 412 tỷ USD bị chuyển bất hợp pháp từ Trung Quốc ra bên ngoài, năm 2011 số tiền này là 600 tỷ, năm 2012 đã vọt lên trên 1.000 tỷ và năm 2013 dự tính quy mô chảy máu tiền vốn sẽ lên tới 1.500 tỷ USD.
Theo Thu Thủy Tiền Phong/Tân Hoa xã và Dahe

Tổng số lượt xem trang