Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

THÁNH LỄ VÀ NGHI THỨC AN TÁNG CHO ĐAN SĨ KHỔ TU

-
Son Tran

THÁNH LỄ VÀ NGHI THỨC AN TÁNG CHO ĐAN SĨ KHỔ TU.

RẤT ĐẶC BIỆT. AN TÁNG TRỰC TIẾP XUỐNG ĐẤT KHÔNG CÓ QUAN TÀI.

CALIFORNIA – Trước đây tôi đã nghe nói nhiều về cách thức an táng của các đan sĩ khổ tu bên Tây phương cũng như tại Việt Nam, nhưng tôi chưa bao giờ tận mắt chứng kiến việc họ cử hành các nghi thức tiễn biệt cuối cùng cho một thành viên nào đó trong cộng đoàn họ. Việc kẻ chết mặc tu phục, nằm trên một tấm ván, phủ 1 tấm khăn che mặt, được các anh em khiêng ra phần mộ, thả xuống huyệt đã chuẩn bị sẵn rồi lấp đất đi (ở Việt Nam từ sau Công đồng Vaticano 2 đến nay không còn) tưởng như đã là chuyện của qúa khứ, không bao giờ còn hiện hữu giữa thế giới văn minh hiện đại ngày nay nữa, ấy thế mà vẫn còn.


Mới đây tôi có dịp dự lễ an táng của một đan sĩ già thuộc hội dòng Xitô nhặt phép (trappist). Dòng trappist đã có từ rất lâu và đan viện New Clairvaux – nơi đan sĩ đó sống trọn đời tu trì là một trong những đan viện theo nếp sống của dòng Xitô trappist. Toạ lạc giữa một vùng đất mênh mông, cách biệt với người đời, đan viện New Clairvaux nằm về phía bắc tiểu bang California, nơi đó thích hợp cho các đan sĩ sống đời đan tu chiêm niệm. Tôi đã tham dự lễ an táng và chứng kiến trọn vẹn những tình tiết các nghi thức an táng thuộc truyền thống của hội dòng Xitô trappist. Với đời sống thinh lặng, tinh thần khó nghèo, nếp sống đơn sơ đạm bạc, sự hy sinh từ bỏ tuyệt đối thể hiện nơi một đan sĩ chết không quan tài, một mặt tôi thấy lạ lùng, linh thiêng, ngạc nhiên và thán phục; nhưng cũng đã làm tôi trăn trở không ít bởi tôi cảm thấy cách thức quá đặc biệt mà tôi không hiểu với cái nhìn trần thế của tôi.

Sống trong một đất nước văn minh và tiện nghi bậc nhất thế giới như Hoa Kỳ, vẫn còn có những tâm hồn đặc biệt, chỉ khao khát sống đời nội tâm, tìm Chúa trong thinh lặng, cầu nguyện và lao động. Những đan sĩ ở đây hẳn đã nghe được tiếng gọi của trời cao, dám bỏ lại đàng sau tất cả để quyết tâm dấn thân phục vụ một mình Thiên Chúa. Suốt đời phụng sự Thiên Chúa trong âm thầm, ăn uống đạm bạc, đầu tóc và y phục giản dị và khi từ giã cõi đời này một cách nhẹ nhàng thanh thản và từ bỏ đến “trần trụi”. Ai cũng thấy được sự bình an, tinh thần đệ huynh khi một thành viên trong dòng đang nằm đó để cùng với anh em của mình tham dự thánh lễ cuối cùng của cuộc đời, điều đó đã làm nhiều người tham dự thánh lễ hôm đó (trong đó có người viết bài này) cảm thấy qúi trọng, thán phục và xúc động.

Dĩ nhiên không phải vì thiếu tiền tới mức nhà dòng không thể mua nổi một chiếc quan tài đơn sơ rẻ tiền cho người quá cố, cũng không hoàn toàn chỉ nhắm tới việc thực thi triệt để lời khấn khó nghèo, nhưng sâu xa và cao hơn muốn nói lên tính hư vô và trần trụi của con người: một tạo vật sinh ra từ bụi đất nay trở về nguồn cội đúng nghĩa của nó. Các đan sĩ đã biết và ý thức rõ ràng điều này trước khi quyết định dấn thân theo Chúa cho đến chết trong ơn gọi Xitô trappist này. Từ bao đời nay truyền thống “an táng sống” vẫn được duy trì trong hội dòng, mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng cách an táng như thế không những thiếu vệ sinh, có vẻ không tôn trọng người chết và đối với một số người thì thấy nhẫn tâm qúa.

Trong thánh lễ an táng của thày có duy một người bà con, vài nữ tu và khoảng hơn 30 người giáo dân. Một số trong họ đang tĩnh tâm tại đan viện, một số vì trước đây có làm việc hay quen thân với thày. Tất cả các nghi lễ được diễn ra trong bình an, thư thái, trật tự. Khi xác thày từ từ được thả xuống huyệt, khi từng xẻng cát được từ từ trút lên thi thể thày, một số người chứng kiến cảnh này lần đầu tiên vô cùng cảm động và vì thiếu can đảm nên nhiều người không dám tới huyệt bỏ bông hoa đang cầm trên tay hay gởi trao thày xẻng cát cuối cùng mà phải nhờ người khác làm giùm nghĩa cử thân thiện đó.

Nhân dịp được dự đám tang đặc biệt đầu tiên trong đời và theo lịch phụng vụ cũng sắp tới tháng 11, tháng cầu nguyện cho các linh hồn, càng là dịp để tôi suy nghĩ nhiều hơn về ý nghĩa cuộc sống, về mục đích cuộc đời: đời người thật vắn vỏi và vô thường. Suy nghĩ và tự hỏi một đan sĩ ra đi về trời cao – quê hương vĩnh cửu – chỉ với 1 tấm ván phải chăng nhẹ nhàng hơn để bay nhanh tới Thiên Chúa? Với tôi đây là cơ hội tuyệt vời và qúi hiếm nên đặt tựa đề cho bài viết này “Cảm nghiệm về một thánh lễ an táng đặc biệt”.

Được biết cộng đoàn New Clairvaux hiện nay có tất cả 23 thành viên.
Vietcatholic News.-

Tổng số lượt xem trang