Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Giá mà cây cầu biết nói

-Giá mà cây cầu biết nói
(LĐ) - Số 254 ĐÀO TUẤN - 6:54 AM, 03/11/2015
Chính quyền Long An hôm qua đã ra lệnh dừng phá cây cầu cổ Long An, kể cả vẫn còn những ý kiến cho đó là “cây cầu thực dân hay ho gì mà giữ”, kể cả việc “đã lỡ phá”. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh yêu cầu ngừng đập phá để thuê đơn vị độc lập, có uy tín giám định chất lượng cây cầu.


Nhưng thật ra, tỉnh không “ngừng” thì nhà thầu trúng quả phá dỡ cũng đã ngừng trước đó vì kể cả những chiếc xe cuốc hạng nặng tối tân nhất cũng đang “gãy răng” trước “cây cầu thực dân đã lên lão”.


Đây là đoạn văn mà một đồng nghiệp của chúng tôi đã miêu tả: “Cầu quá yếu nên phải đập bỏ”. OK rồi. Nhà thầu đưa chiếc xe cuốc loại 28 tấn hùng hổ trèo lên cầu, xe đập ầm ầm. Trọng lượng tự thân, rồi lực cuốc đổ vào “cây ti” phải là rất lớn. Đầu cuốc, cuốc nhát nào là “thốn” nhát đó. Những tiếng ầm ầm cứ vang lên, nhưng cây cầu vẫn thản nhiên như không. Và rồi cần cuốc nện ầm thêm một phát, sau đó là bất… tỉnh. Kiểm tra, cây “ti” cần cuốc đã hư luôn.

Cây cầu với tuổi thọ trăm năm đang làm thốn những xe cuốc tối tân nhất, có nghĩa là nó cũng làm thốn cái nguyên nhân “quá yếu”, làm thốn nỗi lo “sợ nhất là cầu cũ quá, lỡ sập dẫn tới chết người là nguy to” mà - không hề giám định - Long An đã “tuyên án” nó.

Giá mà cây cầu biết nói, có lẽ nó đã cười khẩy. Bởi trong chính thời điểm phải đối mặt với sự đàm tiếu của dư luận quanh chuyện phá cây cầu già gân, ở Long An có tới 3 cây cầu hiện đại chưa khai sinh đã khai tử.

Cầu Vĩnh Bình, kiến trúc dây văng, kinh phí 2,5 tỉ đồng, khánh thành ngày 13.5. Tới 26.5, vài vết nứt bắt đầu xuất hiện ở mố cầu. Chính quyền đúng là chỉ vừa kịp dựng rào chắn thì hôm sau (27.5) khi “trời có gió”, cây cầu 2,5 tỉ đồng đổ sập, “thọ” 12
ngày tuổi.

Ngày 22.10, cầu dây văng Bình Phong Thạnh bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, cây cầu dây văng lớn nhất tỉnh Long An với tổng vốn đầu tư 15 tỉ đồng đang xây thì sụp mố.

Ngày 24.10, một cây cầu mới xây là cầu Chùa Nổi bị chính quyền “yêu cầu kiểm tra để đảm bảo an toàn”. Nguyên do được một tờ báo ghi nhận: Hễ cứ có xe qua là cầu rung lắc dữ dội khiến người ta không thể không nín thở. Còn dân Long An gọi đây là cây cầu… chờ sập.

Cầu vừa xây xong đã sập. Cầu chưa xong đã sập. Cầu mới xây đang chờ sập. Trong khi cây cầu cổ, được cho là có nguy cơ sập đến độ phải đập bỏ thì đập đến nát xe cuốc cũng không sập.

Thật tiếc là những cây cầu lại không biết nói.
-
Hữu Danh Trương


Xe cuốc hạng nặng đầu hàng cầu cổ Tân An
"Cầu quá yếu nên phải đập bỏ". Nhà thầu đưa chiếc xe 28 tấn lên, xe đập ầm ầm. Kết quả: Xe hư!
Chính quyền tỉnh Long An đã dừng phá cầu để "họp". Việc dừng phá cầu đã thực hiện được 2 ngày.
Nhưng, nếu chính quyền không dừng thì đơn vị thi công cũng đã tự dừng trước đó.
Đầu tiên, xác cây cầu cổ được đấu giá khởi điểm 34 triệu đồng. Đơn vị trúng giá sẽ tháo dỡ cầu, và trả tiền cho nhà nước, là tiền bán sắt.
Hàng chục đơn vị đấu, giá cuối cùng gần 120 triệu đồng. Trúng xong, gói này được sang tay với giá 150 triệu đồng. Giới thầu nhận xét, Cầu cổ Tân An tầm 60 tấn thép. Có 8 trụ đèn khí đá, chính quyền mua lại với giá 2 triệu đồng/trụ. Chắc mẩm có lãi.
Theo hợp đồng, việc tháo dỡ phải hoàn tất trong vòng 25 ngày. Nhưng ngay trong ngày đầu tiên, nhà thầu đã rên.
Chiếc xe cuốc bánh sắt loại 28 tấn hùng hổ trèo lên cầu. Nhưng ở những nhát thử lực đầu tiên, tài xế đã biết đụng phải CỤ CẦU GÂN. Kết cấu chịu lực hơn hẳn những anh cầu hiện đại (do ta xây).
Dỡ được 5 trụ lồng đèn, kết cấu độc đáo là không cần thép, chiếc xe cuốc 28 tấn bắt đầu bổ vào thân cầu. Trọng lượng bản thân, rồi lực cuốc đổ vào "cây ti" phải là rất lớn. Đầu cuốc cuốc nhát nào là "thốn" nhát đó. Những tiếng ầm ầm cứ vang lên, nhưng cây cầu vẫn thản nhiên như không. Và rồi cần cuốc nện ầm thêm một phát, sau đó là BẤT TỈNH. Kiểm tra, cây "ti" cần cuốc đã hư luôn. Việc tháo dở phải dừng.
Cũng lạ, cầu thì không sao nhưng nhìn hai đầu cầu, bờ kè mới xây sắt thép đã tan hoang, kiều này cầu không sập mà coi chừng kè sập.
Những công nhân tại hiện trường nói, xe cuốc phá ầm ầm cầu không hề hấn. Nếu cầu này cho xe cỡ 60 - 70 tấn qua... là vừa.
Và, với kết cấu bê tông đặc biệt, dùng toàn sỏi, không dùng đá, những công nhân nói họ chưa bao giờ phá công trình nào kiểu này. Bê tông cực cứng, 25 ngày phá là viễn tưởng.
Nhà thầu lỗ là cái chắc.
Địa phương thì cũng đang hứng búa rìu.
Long An, trong 3 tháng có 4 cái cầu lên báo.
3 cây mới hoàn toàn.
Một cây khánh thành 12 ngày thì sập
Một cây đang xây thì sập
Một cây mới xây chờ sập.
Anh tư bản giãy chết, xây 100 trăm năm, thuê xe cuốc hạng nặng do tư bản sản xuất, phá hoài không sập. Bạn Phuong Dung Nguyen Thi nói, để cây cầu này chướng mắt lắm. Vì cầu mới, xây cây nào sập cây đó. Còn CỤ CẦU CỔ TÂN AN, để cả trăm năm không chịu hư chẳng khác nào vỗ vào mặt những nhà thầu thời hiện đại. Tốt nhứt, phải phá nó đi.
Phá xong, sẽ không còn gì để so với sánh




-
Long An tạm ngưng đập cầu Đúc trăm tuổi(PL)- Sau cuộc họp ngày 2-11, Tỉnh ủy Long An sẽ chỉ đạo TP Tân An tổ chức họp báo để giải đáp các thắc mắc của dư luận.

Mấy ngày qua, việc cầu Đúc Tân An bị đập bỏ để xây dựng cầu mới khiến dư luận rất băn khoăn. Phần đông các ý kiến đều cho rằng tỉnh nên có phương án giữ lại cầu thay vì phá bỏ hoàn toàn.
Người dân tiếc nuối
“Mấy ngày qua tôi tưởng họ sửa chứ đâu biết họ đập bỏ luôn. Dù cầu Đúc không được công nhận là di tích lịch sử nhưng với người dân ở Tân An thì cây cầu giống như một nhân chứng lịch sử, là một phần ký ức không thể thiếu trong cuộc đời của rất nhiều người. Vì vậy chúng tôi cảm thấy rất tiếc khi cầu bị đập bỏ” -  ông Nguyễn Văn Luận, sống tại phường 1, TP Tân An, chia sẻ.
“Cây cầu này gắn liền với tuổi thơ tôi, từ khi đi học rồi lớn lên đi làm ngày nào tôi cũng qua lại cầu 2-3 bận nên quen rồi. Giờ nghe cầu bị phá bỏ mà buồn. Dù chính quyền nói sẽ xây cầu Đúc mới giống với dáng dấp cầu cũ nhưng tôi vẫn thấy như mình vừa bị phá bỏ ký ức. Nghĩ tới mà muốn rơi nước mắt” - bà Trần Thị Màu, sống tại phường 4, TP Tân An, tâm sự.
Được biết do dư luận còn nhiều thắc mắc nên UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo tạm dừng việc tháo dỡ cầu. Theo ghi nhận sáng 1-11, hai đầu cầu vẫn được rào chắn, toàn bộ phần lan can cầu đã được tháo dỡ xong, chỉ còn lại phần mặt cầu, thân và chân cầu. Điểm nhấn của cầu là các trụ đèn khí đá cũng đã bị tháo dỡ hết năm trụ, chỉ còn lại ba trụ…
Trong ngày 1-11, việc tháo dỡ cầu Đúc Tân An đã tạm ngưng. Ảnh: H.NAM


Để vào trung tâm hành chính, người dân có tới bốn tuyến đường để lựa chọn. Đồ họa: LH
Liệu cần thiết phải dỡ cầu?
Về nguyên nhân phải xây cầu mới, UBND TP Tân An lý giải: Trong tương lai, trung tâm hành chính (TTHC) tỉnh hiện tại sẽ được di dời về khu hành chính tập trung tại phường 6. Khi đó trụ sở TTHC tỉnh sẽ được giao lại cho UBND TP Tân An tiếp quản. Đường Nguyễn Trung Trực đi qua cầu Đúc đi thẳng vào khu TTHC vì thế sẽ trở thành tuyến đường huyết mạch của TP. Do vậy cần thiết phải xây cầu mới để đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông sau này.
Tuy nhiên theo ghi nhận của PV, hiện từ quốc lộ 1A đi vào TTHC tỉnh có thể đi bằng bốn con đường. Thứ nhất đi bằng đường Nguyễn Trung Trực qua cầu Đúc, đường này tương đối gần hơn so với các đường khác. Thứ hai là đường Hoàng Hoa Thám qua cầu Bảo Định. Thứ ba là đi bằng đường Trương Định qua cầu Trương Định và cuối cùng đi từ đường Hùng Vương qua cầu đôi Cống Bảo Định.
Tất cả ba cây cầu nói trên đều mới được xây quy mô (xây xong khoảng 1-2 năm trở lại đây, trừ cầu Trương Định được xây dựng từ năm 1992) và đều ở khá gần so với cầu Đúc. Trong đó cầu đôi Cống Bảo Định cách xa nhất so với cầu Đúc (khoảng 100 m), các cầu còn lại chỉ cách vài chục mét nên chênh lệch giữa bốn tuyến đường nêu trên cũng không đáng kể.
“Hết cách cứu nên mới đập bỏ”
Sáng 1-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Kim Lân, Bí thư Thành ủy TP Tân An, nói: “Ở Long An hiện tại có hai công trình cổ là cầu Đúc và rạp chiếu bóng. Rạp chiếu bóng thì chúng tôi quyết tâm giữ lại. Còn riêng cầu Đúc, TP cũng muốn giữ lại lắm nhưng sửa lại thì không được, sợ nhất là cầu cũ quá lỡ sập dẫn tới chết người là nguy to. Khi xây cầu mới, chúng tôi sẽ giữ lại một số chi tiết, dáng dấp của cầu cũ như các trụ đèn khí đá, đồng thời TP cũng mở rộng cầu, vỉa hè cũng lớn hơn”.
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, người trực tiếp ký quyết định dỡ bỏ cầu, giải thích: “Tôi đã chỉ đạo khảo sát, mò từng cây cọc chân cầu thì thấy các cọc này bị đứt hết rồi, nếu sửa phải làm móng lại rất tốn kém. Mặt khác, hệ thống bê tông cốt thép trên cầu đã hết thời hạn chịu lực nên cũng phải làm lại hết. Tỉnh còn tính đến chuyện mở rộng cầu nữa nên quyết định xây mới lại, giữ lại nét kiến trúc giống cầu cũ. Nói chung là không thể sửa được cầu cũ nữa”.
Chúng tôi đặt câu hỏi: “Khi không sửa được cầu cũ, một số địa phương khác chọn cách giữ lại cầu cũ để làm di tích, phục vụ du lịch rồi xây cầu mới song song. Sao tỉnh Long An không làm như thế?”. Ông Nguyễn Thanh Nguyên trả lời: “Ban đầu chúng tôi định gia cố lại cầu với kinh phí gấp khoảng năm lần kinh phí xây mới cầu. Tuy nhiên, như đã nói do cầu đã quá yếu nên đành chịu. Còn muốn xây cầu mới song song thì hai bên nhà phố chật cứng, kinh phí giải tỏa lớn quá (gấp khoảng sáu lần xây cầu mới) nên tỉnh không gánh nổi”.
Cũng theo ông Nguyên thì “ngày 2-11 tỉnh ủy sẽ họp về vấn đề này. Tôi sẽ trả lời với tư cách là một chuyên viên, kỹ sư xây dựng chứ không phải với tư cách phó chủ tịch UBND tỉnh, chuyện tiếp tục đập bỏ hay không đập gì sẽ thông tin sau”.

Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, mới đây UBND tỉnh Long An đã cho đập bỏ cầu Đúc trăm tuổi được xây từ thời Pháp bắc qua sông Bảo Định. Cầu mới thay thế với quy mô làn xe chạy 4,5 m x 2, dài 94 m với tổng kinh phí đầu tư gần 62 tỉ đồng. Dự kiến cầu mới sẽ khởi công sau khi phá dỡ cầu cũ để kịp hoàn thành trong năm 2017.
Trước đây không lâu, dư luận tại Long An cũng lên tiếng phản đối việc Dinh Tổng Thận (đường Ngô Quyền, phường 1, TP Tân An), di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh 116 năm tuổi cũng đã bị đập bỏ để xây mới dựa theo… mẫu cũ.
 _________________________________
Cầu Đúc nằm trên con đường huyết mạch của TP Tân An, phía đơn vị xây dựng của Pháp cũng đã gửi công văn thông báo hết hạn sử dụng từ lâu nên cần thiết phải tháo dỡ. Hiện nay do có một số thông tin chưa đầy đủ về dự án này nên việc thi công tháo dỡ đã tạm thời ngừng lại. Sau buổi họp ngày 2-11, tỉnh ủy sẽ chỉ đạo UBND TP Tân An tổ chức họp báo để công khai chủ trương của tỉnh cho người dân được biết.
Ông PHẠM VĂN RẠNH, Bí thư Tỉnh ủy Long An

Tổng số lượt xem trang