-Nhân cách và mạng người đều rẻ
Những vụ án mạng mang cái tên ghê gớm "thảm sát" đã xảy ra ngày càng nhiều, liên tục, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, với những nguyên nhân nhiều khi rất vớ vẩn. Thực trạng đen ấy gây lo lắng cho cả cộng đồng xã hội. Dư luận cho rằng thật đáng buồn khi cả nhân cách và mạng người đều rẻ.
Những vụ án mạng mang cái tên ghê gớm "thảm sát" đã xảy ra ngày càng nhiều, liên tục, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, với những nguyên nhân nhiều khi rất vớ vẩn. Thực trạng đen ấy gây lo lắng cho cả cộng đồng xã hội. Dư luận cho rằng thật đáng buồn khi cả nhân cách và mạng người đều rẻ.
Lại vừa xảy ra vụ thảm sát ở Long An, 3 người chết. Nói ra sự thực này chắc ai cũng đau lòng nhưng hình như bây giờ chuyện đánh người, thậm chí giết người, sao quá đơn giản, xảy ra như cơm bữa. Các cụ từ bao đời từng khuyên răn dạy bảo con cháu rằng mạng người là quý, nhưng có lẽ chỉ quý thời ngày xưa thôi, giờ dường như không quý nữa. Bây giờ người ta không quý mạng người khác đã đành, ngay chính mạng mình cũng coi rẻ. Biết bao nhiêu tấn bi kịch bắt nguồn từ lối sống vô đạo vô nhân ấy.
Tôi chả muốn vơ đã cả nắm bởi cuộc sống xung quanh vẫn có bao người, bao điều tốt đẹp. Khi nhận xét như ở trên, dễ bị thiên hạ quy cho cái nhìn u ám, tiêu cực, thiếu trách nhiệm với xã hội. Nhưng khổ nỗi, hằng ngày đọc báo nghe đài coi tivi cứ nhan nhản những vụ xung đột, hiềm khích, đâm chém, giết nhau, ngẫm mình có tự điều chỉnh thế giới quan mấy đi chăng nữa cũng khó khỏi nhìn vào cái vùng tối chết chóc ấy.
Không cần phải dẫn chứng cụ thể bằng những vụ án mạng động trời “giết người như ngóe” mà hung thủ có vẻ đã mất hẳn nhân tính như Lê Văn Luyện (tỉnh Bắc Giang) hoặc mấy kẻ sát nhân đầy thú tính ở Bình Phước, Nghệ An, Yên Bái, Quảng Trị, Phú Quốc… gây chấn động dư luận xã hội vừa rồi, chỉ điểm vài tờ báo, trang mạng trong đôi ba ngày thì ai cũng phải rùng mình.
Đủ thứ lý do để con người ta thoắt biến thành ác thú: cãi nhau trong cuộc nhậu dù đang là bạn bè; giành micro để được hát trước trong đám cưới, người yêu từ chối nối lại cuộc tình; ai đó “nhìn đểu”; xe trước không nhường đường; va quẹt xe cộ, chỉ vì đứa em say rượu hư cãi cha mẹ; nghe con mách bị bạn nó ăn hiếp, bắt được kẻ trộm chó… không thể nào kể cho xiết. Chỉ thế thôi, đáng lẽ “một điều nhịn, chín điều lành”, “lấy nhân nghĩa thay cường bạo”, cho nhau nụ cười, sự tha thứ, sự cảm thông thì mọi điều sẽ lại đơn giản, tốt đẹp, nhân nghĩa vô cùng. Nhưng người ta không thế, cứ lấy ngay sự hung hăng, đố kỵ, tàn bạo, ác độc, luật rừng; lấy dao lấy súng để “nói chuyện”, để cư xử với nhau. Cứ thử đặt trường hợp vụ tai nạn giao thông trên cầu vượt Thái Hà (Hà Nội) đêm 8.11 vừa rồi, tôi chả dám quy kết ai có lỗi, chỉ thấy sự hung hăng, bạo lực mà dẫn đến thiệt mạng và bị thương bao nhiêu người lương thiện. Cứ đặt vào trường hợp người tài xế taxi bị hai thanh niên to con đi tập võ về chặn lại giữa cầu vắng, đêm khuya, dễ hình dung ra cái kết như thế nào nên có thể hiểu một phần nguyên nhân sự bỏ chạy điên cuồng khiến những người khác bị vạ lây. Bỏ chạy may ra thì sống. Ít có cửa sinh, đường sống khi xung quanh ta có quá nhiều bạo lực, thói hung hăng, sự tàn ác.
Lời người xưa “nhân chi sơ, tính bản thiện” (con người ta vốn mang tính thiện), vậy sao ngày càng có nhiều người ác, tội ác thế? Mà sao trước kia những thế hệ đi trước, ông bà, cha mẹ ta sống với nhau nhân tình thế, lúc nào cũng “chín bỏ làm mười”, “tối lửa tắt đèn có nhau”, “con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”? Nhưng câu hỏi ấy sẽ còn làm trăn trở, đau đớn nhiều thế hệ.
Nhiều lúc tôi cứ ngẫm nghĩ, trong cái ba lô căng phồng nặng mấy ký lô mà tụi trẻ cấp 1, cấp 2 đeo oằn lưng kia, đầy những sách là sách, sao không có cuốn hữu dụng, thiết thực như cuốn Luân lý giáo khoa thư nhỉ. Đành rằng môn nào cũng cần, tin học, ngoại ngữ, toán pháp, lịch sử… nhưng cuốn luân lý mà không có thì con người sẽ trống hụt phẩm chất thế nào. Nhà xuất bản Thời Đại vừa rồi làm được cái việc đáng khích lệ, là in lại, phát hành rộng rãi bộ sách xưa 2 cuốn Quốc văn giáo khoa thư vàLuân lý giáo khoa thư. Đương nhiên chúng chỉ được coi như thứ sách tham khảo, nhưng tôi cho rằng trong nền giáo dục của chúng ta, nhất là giáo dục đạo đức, nhân cách con người cả trăm năm nay, khó có cuốn nào qua mặt được bộ sách xưa ấy.
Mà có phải những tín điều, rao giảng gì ghê gớm đâu. Những bài học mà thế hệ bố tôi đã thuộc làu, sau đến thế hệ chúng tôi dù không được học trong nhà trường nhưng vẫn được bố mẹ nhắc nhở, truyền lại. Tôi tỉ mẩn giở ra coi xem các cụ soạn giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đỗ Thận, Đặng Đình Phúc viết gì. Những bài thật ngắn, cụ thể, dễ hiểu, chân thật, xúc động; những mảnh đời thường, những lát cắt cuộc sống xã hội quanh ta. Tất cả đều tự nhiên, giản dị, như lời mẹ cha thủ thỉ với con cái hằng ngày. Đủ cả khía cạnh để tạo nên nhân cách hoàn thiện: Biết ơn cha mẹ, Thờ phụng tổ tiên, Tình nghĩa anh chị em, Phải tôn kính thầy, Lòng tốt với bạn, Giúp đỡ lẫn nhau, Đừng nói dối, Đừng độc ác, Phải chăm học chăm làm… Chợt nghĩ, bất cứ ai đã học những bài học này và để nó thấm vào tâm hồn mình, sẽ khó biến thành người xấu người ác được.
Những nhà lãnh đạo quốc gia lo về quốc kế dân sinh thường nói đến những món nợ xấu có thể làm sụp đổ nền kinh tế. Còn người dân thường như tôi lại nghĩ rằng món nợ xấu phi đạo đức kia sẽ làm sụp đổ con người. Nợ xấu ấy phải xóa sớm, càng để lâu sẽ càng tai hại.
Nguyễn Thông