Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

Thủy điện VN: Báo cáo gần trăm tỷ VND 'thiếu tin cậy'

-Phản biện MDS
Huỳnh Kim
Thứ Sáu, 11/3/2016, 10:42 (GMT+7)


(TBKTSG) - Báo cáo Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mêkông (MDS)* hiện đang chờ được Chính phủ thông qua.

Tuy nhiên, tại hội thảo khoa học “Tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mêkông” do Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) và Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh - GreenID tổ chức vào cuối tuần qua, nhiều chuyên gia đã phân tích về tính thiếu thực tiễn của báo cáo này.

Thiếu biển, thiếu con người

TS. Dương Văn Ni, Trưởng bộ môn Quản lý môi trường - khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ), nêu rõ quan điểm vì sao ông tham gia phản biện MDS: “Việc các nước ở thượng nguồn sông Mêkông xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính có thể ảnh hưởng đến vùng châu thổ sông Mêkông bao gồm ĐBSCL. Nhận thức rõ điều này nên Chính phủ Việt Nam đã đặt hàng cho tổ chức tư vấn quốc tế DHI thực hiện nghiên cứu này. Vì vậy, một khi kết quả của báo cáo MDS được Chính phủ Việt Nam thông qua, nó có ý nghĩa khoa học và pháp lý và cũng như ý nghĩa đây là quan điểm chính thức của Chính phủ Việt Nam về các đập thủy điện đối với các quốc gia trong lưu vực sông Mêkông và trên thế giới”.

Phản biện về mảng đa dạng sinh học trong MDS, ông Ni cho biết khi chọn khu vực địa lý để nghiên cứu, các tác giả chỉ chọn vùng ngập lụt. Trong khi mặc dù không ngập lụt hàng năm nhưng các vùng khác của ĐBSCL lại có tác động trao đổi vì cùng hệ sinh thái. “Nghiêm trọng hơn là tác giả báo cáo loại bỏ phần diện tích biển tiếp giáp đất liền, đây là phần hoàn toàn thuộc hệ sinh thái ĐBSCL. Vì hàng năm nước biển xâm nhập đất liền trong mùa nắng và nước sông mang nước ngọt và phù sa ra biển vào mùa khô. Ở vùng này, sự trao đổi vật chất xảy ra nhiều hơn vùng ngập lụt theo mùa”, ông Ni phân tích.

Về việc MDS chọn nhóm loài để đánh giá tác động đối với đa dạng sinh học, ông Ni cũng cho là “chưa chính xác vì các loài này không đại diện cho sự phong phú của đa dạng sinh học vùng ĐBSCL”.

Ông Ni nhấn mạnh: “Việc chọn diện tích để đánh giá tác động này đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ kết quả liên quan, trong đó có đa dạng sinh học. Vì diện tích đã chọn nhỏ hơn so với thực tế nên thuật ngữ “hệ sinh thái” trong báo cáo MDS không còn chính xác. Đặc biệt là những tác động trong báo cáo này có giá trị nhỏ hơn rất nhiều so với thực tế”.

GS.TS. Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, nhiều lần nói đến việc MDS bỏ qua các yếu tố biển, con người, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. “Tác động của các đập thủy điện lên châu thổ Mêkông không thể tách rời tác nhân biển và tác nhân con người. Mặt khác, tác động của các đập không chỉ tức thì, trước mắt, mà còn tích lũy theo thời gian. Vì vậy không thể tách rời yếu tố biển đổi khí hậu, nước biển dâng”, GS. Trân nhấn mạnh.

Dẫn chứng về việc xói lở, GS. Trân cho rằng tốc độ xói lở và bồi đắp ngày càng bị tác động không chỉ do sụt giảm lượng phù sa về đồng bằng, mà còn do ảnh hưởng của nước biển dâng và khai thác nước ngầm quá mức. Đáng tiếc là “MDS chưa phân tích chi tiết các biến động này”.

Về sản xuất nông nghiệp, GS. Trân bức xúc: “Tôi cho rằng với cả ba tiêu chí sản lượng, diện tích canh tác và thời vụ, đánh giá của MDS là không đáng tin cậy, kết quả mô phỏng trên máy tính khác rất xa thực tế, cần được đánh giá lại. Bởi lẽ các kết quả mô phỏng là phiến diện, ngắn hạn, không tính đến đất tích lũy vì thiếu phù sa và những tác động dây chuyền”.

Thiếu hiểu biết thực tế

Nhận xét chung về báo cáo MDS, ThS. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái, cho biết: “Chất lượng của nghiên cứu MDS, về khung nghiên cứu, phương pháp và kết quả như hiện nay là chưa đạt độ tin cậy. Báo cáo thiên về đơn giản hóa vấn đề, đánh giá thiếu và thấp các tác động đối với ĐBSCL. MDS chủ yếu dựa vào mô hình máy tính. Bản báo cáo cho thấy MDS thiếu hiểu biết thực tế về ĐBSCL và thiếu dữ liệu đầu vào”.

Ông Thiện dẫn chứng: “Ví dụ MDS nói mũi Cà Mau hiện nay đang vươn ra khoảng 20-100 mét/năm là không đúng thực tế”. MDS cũng dự báo 11 đập thủy điện này sẽ gây sạt lở 4-12 mét/năm với vùng cửa sông và sạt lở rất thấp, ít hơn 0,5 mét/năm với vùng biển phía Nam (từ Sóc Trăng xuống) nhưng “không rõ MDS tính toán các con số này như thế nào”.

Về nông nghiệp, ông Thiện nói MDS đơn giản hóa và đánh đồng phù sa với phân bón. “MDS chọn hai loại cây để đánh giá là lúa và bắp trong khi chính MDS thừa nhận sản lượng bắp không đáng kể (250.000 tấn/năm) và bỏ qua cây ăn trái ĐBSCL chiếm 80% sản lượng cả nước”. Và: “MDS sử dụng phần mềm Excel để quy đổi sự giảm năng suất lúa tại 1.596 xã ở ĐBSCL thông qua các yếu tố N, P, K trong phân bón mà bỏ qua dinh dưỡng do phù sa đem lại. MDS không thấy rằng ĐBSCL có được sự màu mỡ và là vựa lúa chính của Việt Nam là nhờ sông Mekông và sự thiếu phù sa này sẽ dẫn đến suy thoái đất”.

Về sinh kế, ông Thiện phân tích: “Cách phân vùng nghiên cứu của MDS nhầm lẫn: xếp Tam Bình (Vĩnh Long) vào vùng ngập sâu, chung với Hồng Ngự (Đồng Tháp); vùng nước ngọt, độ phèn cao lại bao gồm cả biển Đông ở Bạc Liêu và một phần Cà Mau cùng toàn bộ vùng biển Tây thuộc Kiên Giang. Việc phân loại vùng nhầm lẫn sẽ đưa đến kết quả phân tích nhầm lẫn giữa các vùng”.

Với mảng kinh tế, ThS. Nguyễn Hữu Thiện cho rằng MDS thiếu toàn diện và sai số: “MSD sử dụng con số của năm 2007 để làm nền tính toán (thí dụ giá cá trắng 35.000 đồng/ki lô gam và giá cá đen 18.000 đồng/ki lô gam)”. Và: “Nhầm lẫn số liệu thủy sản nội địa và thủy sản biển khi cho rằng Kiên Giang đứng đầu về thu nhập từ thủy sản, Bạc Liêu nhì, Cà Mau ba”. Ông còn cho biết: “Ngoài ra không hiểu tại sao MDS lại chọn cá lau kiếng là một trong 10 loài có giá trị kinh tế nhất ĐBSCL chịu tác động của đập thủy điện trong khi đó là cá ngoại lai, không có giá trị?”.

Ông Thiện nói MDS không thấy được đất và nước là hai trụ cột chính của nền kinh tế ĐBSCL nên đã làm đơn giản hóa bức tranh tác động của đập thủy điện đối với ĐBSCL. “Vì tất cả lý do trên, kết luận của MDS rằng các đập thủy điện sẽ gây tổn thất 2,2% GDP ĐBSCL và 0,3% GDP cả nước (tương đương 85 triệu đô la Mỹ xuất khẩu gạo) là không đáng tin cậy”, ThS. Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.

* * *

Kết thúc bản báo cáo dài 22 trang chủ đề “Các vấn đề xuyên biên giới do tác động thủy điện ở thượng nguồn sông Mêkông”, PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, đề nghị do tầm quan trọng của ĐBSCL, báo cáo MDS cần có sự đánh giá rộng rãi hơn từ cấp Chính phủ, Quốc hội, các tỉnh ĐBSCL, các nhà khoa học am hiểu về châu thổ, các nhà báo, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng. Theo ông Tuấn: “Ủy ban Sông Mêkông Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần cầu thị với tất cả phản hồi và góp ý kiến để điều chỉnh báo cáo. Không đi tiếp giai đoạn tới (đề xuất giải pháp tác động) khi những giai đoạn trước đó chưa thông”.

Trong khi đó, GS.TS. Nguyễn Ngọc Trân kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có báo cáo tài chính về dự án và Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phải yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình về dự án.

(*) Báo cáo MDS là dự án cấp quốc gia trị giá 4,3 triệu đô la Mỹ do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Sông Mêkông Việt Nam chủ trì, thuê hai đơn vị tư vấn DHI (Đan Mạch) và HDR (Mỹ) thực hiện.




Thủy điện VN: Báo cáo gần trăm tỷ VND 'thiếu tin cậy'
Báo cáo “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính Mekong” trị giá 4,3 triệu USD (hơn 96 tỷ VND) của Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam bị các nhà khoa học đánh giá là "thiếu tin cậy".


Ông Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu – Đại học Cần Thơ chỉ ra những sai sót quan trọng như: báo cáo này chỉ ghi nhận Trung Quốc chỉ có sáu đập thủy điện trên dòng chính, và đập Mạn Loan được liệt kê và tính lặp lại đến... hai lần.

Trong khi đó, một báo cáo của tổ chức International Rivers cho thấy Trung Quốc đã có kế hoạch cho tám đập thủy điện trên dòng chính sông Lan Thương (tên gọi Mekong ở Trung Quốc).

Trong bản nhận xét về báo cáo này, giáo sư Nguyễn Ngọc Trân phân tích số liệu mà báo cáo sử dụng là từ trạm thủy văn Chiang Saen của Trung Quốc là hành vi "xây lâu đài trên cát" và "vạn bất đắc dĩ".Image copyrightOtherImage captionTrong báo cáo khoa học trị giá 4,3 triệu USD, số lượng đập thủy điện tại Trung Quốc bị đếm sai

Hiện nay, khi nghiên cứu về tác động của thủy điện dòng chính, hầu hết số liệu các quốc gia tiểu vùng sông Mekong có được chỉ hoàn toàn dựa vào Trung Quốc cung cấp.

Một chi tiết bị các nhà khoa học chất vấn đó là báo cáo không tính đến tác động của biển đối với đồng bằng sông Cửu Long.

Trên thực tế, những năm gần đây, tình trạng ngập mặn thường xuyên xuất hiện tại khu vực này và được báo chí trong nước tường thuật, đe dọa tới nông nghiệp cùng với hiện tượng không có nước lên theo mùa.
'Đơn giản hóa' nguy cơ thủy điện?

Ông Nguyễn Hữu Thiện, một nhà nghiên cứu từ đại học Cần Thơ nói bản báo cáo “thiên về đơn giản hóa vấn đề” và “đánh giá thấp các tác động” với đồng bằng sông Cửu Long.

Nhận xét về báo cáo, ông Thiện viết “MDS rất mẫn cán trong việc kể lợi ích của thủy điện, dù lợi ích rất nhỏ (3.9 tỉ VND) trong khi nhiều mảng tác động khác bị bỏ qua và có nhiều kết luận trong báo cáo MDS là không có tác động hoặc tác động không đáng kể.”

Một nguồn tin của BBC Tiếng Việt cho biết, nếu được thông qua, báo cáo này sẽ trở thành căn cứ khoa học để các bên liên quan dựa vào khi có quyết định xây dựng hay tác động đến dòng chính sông Mekong trong tương lai.
Nhiều yếu tố như biển, con người đã không được báo cáo DHI xem như có tác động đến dòng sông Mekong

Báo cáo này được trình bày trong một hội nghị quốc tế về sông Mekong tổ chức ở Việt Nam tháng 12/2015, có thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam, ông Nguyễn Thái Lai tham dự.

Khi được báo Tuổi Trẻ chất vấn về việc dùng sai số liệu, số liệu cũ trong báo cáo khoa học trị giá 4,3 triệu USD này, ông Nguyễn Thái Lai nói "Những phản ảnh trên chúng tôi tiếp thu, kiểm tra lại nhưng chúng ta phải tin những nghiên cứu của chúng ta."

Kinh phí 4,3 triệu USD cho bản báo cáo này được chính phủ Việt Nam chi cho tập đoàn DHI của Đan Mạch.

Tổng số lượt xem trang