Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Bức thư cầu cứu khẩn cấp của một tù nhân Trung Quốc được giấu trong hàng hóa ở Anh quốc

-Bức thư cầu cứu khẩn cấp của một tù nhân Trung Quốc được giấu trong hàng hóa ở Anh quốc
Tác giả: Juliet Song, Epoch Times | Dịch giả: X Toàn
Primark's flagship store on Oxford Street in London, on Nov. 5, 2014. with the SOS letter from Ding Tingkun, who claims to be a Chinese victim of torture. The highlighted part reads: "illegally and forcibly detained at Lingbi detention center (prison) up to now." (Letter: Courtesy of Lucy Kirk, background: Peter Macdiarmid/Getty Images)
Hình ảnh cửa hàng chính của Primark ở phố Oxford, London, vào ngày 5/11/2014, nơi bán đôi tất trong đó có bức thư cầu cứu của anh Đinh Đình Khôn, người khẳng định mình là nạn nhân bị tra tấn tại Trung Quốc. Đoạn chữ được khoanh vuông viết rằng: “Tôi bị giam giữ cưỡng bức trái pháp luật tại trung tâm giam giữ Linh Bích (huyện Linh Bích thuộc thành phố Túc Châu, tỉnh An Huy) từ ngày 29/06/2014”. (Ảnh bức thư: Lucy Kirk. Ảnh nền cửa hàng Primark: Peter Macdiarmid/Getty Images)

Khi anh Shahkiel Akbar mang về nhà một đôi tất màu đen được mua tại một cửa hàng Primark – nhà bán lẻ các loại hàng hóa giá rẻ ở Anh Quốc, anh không ngờ rằng trong đôi tất đó có một bức thư kêu cứu được viết bằng tiếng Hoa của một người Trung Quốc.

Đó chính là thứ mà anh đã phát hiện ra từ đôi tất. Bức thư đề ngày 22 tháng 6 năm nay được viết bằng mực đen trên giấy kẻ ngang, người viết bức thư khẳng định mình tên Đinh Đình Khôn, là nạn nhân bị tra tấn tại một nhà tù của Trung Quốc .

Trong bức thư có đoạn như sau: “Hiện tại, tôi đang bị giam giữ cưỡng ép ở Trung tâm Giam giữ Huyện Linh Bích (thuộc thành phố Túc Châu, tỉnh An Huy). Cơ thể và tinh thần của tôi phải chịu đựng những đòn tra tấn và bức hại nghiêm trọng”.

Theo tin tức từ truyền thông Anh Quốc, mười ngày trước thời điểm anh Akbar phát hiện ra lá thứ trên, cha của cô Lucy Kirk -một khách hàng khác của cửa hàng Primark, cũng tìm thấy một bức thư tương tự và cũng được viết bởi một người có tên là Đinh Đình Khôn. Bức thư này đề ngày 29 tháng 6 năm 2015, được cha của Lucy Kirk phát hiện trong một đôi tất ông mua ở một chi nhánh của Primark ở Huddersfield (một thành phố nhỏ ở miền trung nước Anh).

Lá thư viết rằng: “Vợ tôi bị giam giữ cưỡng ép tại một bệnh viện tâm thần… còn cha tôi đã bị giết hại tại bệnh viện xã Đại Miếu (Damiao Village) vào ngày 22 tháng 5 năm 2014!”.


Ảnh chụp bức thư cầu cứu của anh Đinh Đình Khôn, người khẳng định mình là nạn nhân bị tra tấn tại Trung Quốc (Nguồn: Lucy Kirk)
Một bức thư cầu cứu khác được tìm thấy trước thềm lễ Halloween

Hai bức thư trong những chiếc tất của Primark có nội dung giống với một bức thư của một tù nhân khác đến kỳ lạ. Đó là bức thư được cô Julie Keith (Giám đốc phụ trách quyên góp của tổ chức Goodwill) tìm thấy trong một bộ trang trí Halloween vào năm 2013. Bức thư được viết bằng tiếng Anh bồi, nó được gửi từ Trại Lao động khét tiếng Mã Tam Gia – một trại lao động dành cho tù nhân nữ ở đông bắc Trung Quốc, nơi các hình thức tra tấn tàn ác nhất được tiến hành nhằm hủy hoại tín ngưỡng của các học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị đàn áp dã man bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ năm 1999 tới nay.

Thời điểm mà bức thư trên được phát hiện ở bang Oregon (Mỹ) đã gây được sự chú ý của quốc tế về tình trạng cưỡng bức lao động ở các trại lao động của Trung Quốc.

Nhưng với trường hợp hai bức thư được tìm thấy trong đôi tất của tập đoàn bán lẻ Primark, tập đoàn này đã phủ nhận ý kiến cho rằng những bức thư đó là của một cá nhân đang bị cưỡng bức lao động tại Trung Quốc. Công ty này cho rằng bức thư đó là một phần của trò lừa đảo tinh vi nhằm “thu hút dư luận”.

“Thương hiệu Primark được sử dụng để thu hút sự chú ý của công chúng về cá nhân này. Chúng tôi hoàn toàn không tìm thấy mối liên hệ nào giữa cá nhân viết thư và bất cứ nhà cung cấp của chúng tôi ( tức các nhà máy Trung Quốc)”, một phát ngôn viên của Primark nói với tạp chí Daily Mail – một tờ báo khổ nhỏ của Anh đã đăng tải tin tức này.

“Chúng tôi nghĩ rằng có thể bức thư đã được giấu vào hàng hóa sau khi chúng được sản xuất và có khả năng là nó được giấu vào trong lúc hàng hóa đang quá cảnh hoặc đang ở cảng nào đó”, người phát ngôn tiếp lời với Daily Mail.
Người có tên Đinh Đình Khôn là có thực

Nhưng có vẻ như Ðinh Ðình Khôn là một người có thật, và anh ấy thực sự đã hoặc đang bị giam giữ tại Trung tâm Giam giữ huyện Linh Bích – trung tâm này đã được nhắc tới trong bức thư được tìm thấy trong những chiếc tất.

Có thể tìm thấy nhiều bằng chứng biểu thị điều này trên internet bằng tiếng Hoa. Bằng chứng vững chắc nhất là một bản án của tòa án Trung Quốc liên quan tới anh Đinh được đề ngày 19 tháng 5 năm 2015. Bản án này được sao chụp lại trong cơ sở dữ liệu OpenLaw – một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Thượng Hải cung cấp quyền truy cập vào các quyết định pháp lý của Trung Quốc.


Bản án có nội dung trùng khớp với miêu tả của anh Đinh trong bức thư được tìm thấy trong các đôi tất. Đoạn chữ được khoanh vuông cho hay: “[Anh Đinh] đang bị giam giữ tại Trung tâm Giam giữ huyện Linh Bích”.

Bản án trong cơ sở dữ liệu OpenLaw được công bố bởi Tòa án Nhân dân Trung cấp thành phố Tô Châu. Nó lật lại một bản án trước đó đã được Toà án Nhân dân huyện Linh Bích ra vào ngày 8 tháng 12 năm 2014 tuyên rằng anh Đinh Đình Khôn bị xử phạt ba năm tù vì tội danh “đe dọa tống tiền”. Cả hai tòa án trên đều thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Trong bức thư cầu cứu, anh Đinh quả quyết rằng vụ án đã được dàn dựng nhằm vu cho anh tội danh tống tiền.

Bản án đề ngày 19 tháng 5 năm 2015 đã bác bỏ quyết định xử lý hình sự “tội danh tống tiền” vì không đủ chứng cứ, và ra lệnh cho tòa án đã ra bản án này phải tiến hành điều tra lại trường hợp của anh.

Bản án đề rằng anh Đinh đã bị bắt giữ từ ngày 29 tháng 6 năm 2014 và “hiện đang bị giam giữ tại Trung tâm Giam giữ Huyện Linh Bích”.

Bản án được công bố vào tháng 5, tức chỉ một tháng trước ngày được đề trên bức thư. Rất có khả năng là anh Đinh vẫn đang còn ở trung tâm đó, vì được biết rằng bộ máy tư pháp của các tòa án Trung Quốc hoạt động đôi khi còn chậm chạp.

Ví dụ như trường hợp của luật sư nhân quyền Phố Chí Cường, người gần đây bị tuyên án ba năm tù và đã được hoãn thi hành, đã phải chờ đến 19 tháng trong trại giam trước khi trường hợp của ông được đưa ra xét xử.
Cảnh sát “bao che những tên tội phạm và những kẻ sát nhân”

Anh Đinh viết trong thư rằng anh bị các viên chức của đồn cảnh sát xã Đại Miếu vu khống, vì anh đã “đệ đơn kiến nghị lên Bắc Kinh để báo cáo với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về việc các viên chức cảnh sát tham nhũng sao lãng nghĩa vụ, bao che cho những tên phạm tội và những kẻ sát nhân”.

Một bằng chứng khác được tìm thấy trên mạng có vẻ như cũng chứng thực được bức thư của anh Đinh . Ví dụ, vào ngày 15 tháng 5 năm 2014 (trước thời điểm anh Đinh bị bắt), một bài blog trên trạng mạng Sina (trang cung cấp dịch vụ viết blog nổi tiếng) được ký tên bởi hai người tên là Đinh Đình Khôn và Chu Hoành Lợi, nói rằng cảnh sát ở thành phố Vô Tích thuộc tỉnh ven biển Giang Tô (giáp tỉnh An Huy) “đã bao che cho bọn sát nhân” và “ém nhẹm sự thật” về một vụ án. Những từ ngữ tương tự trong bài blog này cũng được sử dụng trong bức thư cầu cứu ẩn trong đôi tất. Người tên Đinh Đình Khôn có cung cấp số điện thoại trong bài blog trên, nhưng số điện thoại đó hiện thuộc về một cá nhân tại Trung Quốc không liên quan tới vụ việc này.

Hơn nữa, trong một bình luận về một bài báo của Nhân Dân Nhật Báo, một người dùng Internet tự nhận mình là Ðinh Ðình Khôn đã kêu gọi sự giúp đỡ từ các cấp chính quyền và nói rằng vợ anh đang chịu sự đau đớn về tinh thần. Bình luận này cũng cho biết họ của người vợ là “Chu” (giống với họ của người cùng ký vào bài viết blog nói trên) và rằng cô ấy đã được điều trị ở Bệnh viện Cấp hai Tô Châu vào năm 2011.

Công ty Primark đã im lặng trước những thông tin về bằng chứng cho thấy danh tính của người tên Đinh Đình Khôn.

Tổng số lượt xem trang