Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

NHỮNG LỰA CHỌN KHÓ KHĂN- Phần 2, Chương 5

--Chương 5

Bắc Kinh : Nhà bất đồng chính kiến


Ngay sau khi trở thành Ngoại trưởng, một nhóm kỹ sư đến nhà chúng tôi ở phía tây bắc Washington mắc hệ thống điện thoại tuyệt mật màu vàng tươi, cho phép 24/24 giờ trong ngày, tôi có thể trực tiếp trao đổi với Tổng thống, Đại sứ Hoa kỳ tọa lạc ở bất cứ nước nào trên thế giới về các vấn đề quan trọng và nhạy cảm, đồng thời cũng là sự nhắc nhở với các quan chức Mỹ, dù họ ở xa đến đâu đều được chính quyền Hoa Kỳ quan tâm chăm sóc.


Vào 9.36 tối thứ Tư ngày 25-4-2012, chiếc điện thoại màu vàng reo chuông. Giám đốc Hoạch định Chính sách kiêm Phó Chánh văn phòng Jake Sullivan, gọi trực tiếp trên tầng thứ bảy của Bộ Ngoại giao báo cáo trường hợp đặc biệt. Ông thông báo, Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng bất ngờ và cần có ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Cách đây gần một tuần, nhà hoạt động nhân quyền mù bốn mươi tuổi, Trần Quang Thành đã leo qua tường nhà, trốn thoát sự quản thúc tại gia của chính quyền địa phương ở tỉnh Sơn Đông. Chẳng may, anh bị ngã gẫy chân, nhưng vẫn cố gắng vượt hàng trăm cây số với sự giúp đỡ của bạn bè đã đến Bắc Kinh và liên lạc được với một quan chức trong toà đại sứ Mỹ, người có mối quan hệ từ lâu với cộng đồng đòi nhân quyền ở Trung Quốc.

“Luật sư chân đất” Trần Quang Thành nổi tiếng ở Trung Quốc, là nhà hoạt động ủng hộ quyền lợi của người khuyết tật, giúp nông dân chống lại việc thu hồi đất bất hợp pháp của chính quyền địa phương, chống tham nhũng và sự lạm dụng chính sách “mỗi gia đình chỉ một con” cưỡng bức phụ nữ triệt sản và phá thai. Trần Quang Thành là trường hợp cá biệt, anh không tốt nghiệp từ một trường đại học luật nổi tiếng hay là một trí thức ở thành thị. Xuất thân là nông dân nghèo nhưng ham học, người dân trong thôn xóm rất quý trọng, tôn kính. Năm 2005, anh bị bắt sau khi tham gia một vụ kiện thay mặt cho hàng ngàn nạn nhân do chính quyền địa phương đàn áp. Tòa án địa phương kết án anh 51 tháng tù giam, với cáo buộc phá hủy tài sản và phá rối trật tự công cộng. Bản án thể hiện sự bất công, gây sốc trong một quốc gia luật pháp hà khắc. Hết thời gian thụ án, anh được thả nhưng bị quản thúc tại gia, quanh nhà anh 24/24 giờ có lính vũ trang canh gác, cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài.

Giờ đây anh bị thương đang trên đường chạy trốn và yêu cầu chúng tôi giúp đỡ. Sáng sớm hôm sau, hai nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh bí mật gặp Trần Quang Thành. Bị An ninh Quốc gia Trung Quốc truy lùng, anh yêu cầu xin được trú ẩn tại tòa Đại sứ quán Mỹ để được chăm sóc y tế và tìm kế hoạch mới. Họ đồng ý chuyển yêu cầu của anh về Washington. Trong khi chờ Washington trả lời, Trần Quang Thành nấp trong chiếc xe ô tô, người tài xế lái xe chạy vòng vo ngoại ô Bắc Kinh tránh cảnh sát.

Vấn đề này thật sự khó giải quyết. Trần Quang Thành bị gãy chân đang bị truy nã, nếu chậm trễ có thể bị bắt. Phía an ninh Trung Quốc thường xuyên lởn vởn bên ngoài cổng toà Đại sứ Hoa Kỳ, nếu Trần Quang Thành tự đến, chắc chắn công an Trung Quốc sẽ ra tay trước khi cổng toà sứ quán mở. Cách an toàn nhất, đưa một nhóm đón anh từ ngoại ô. Bob Vương, Phó trưởng đoàn của Mỹ cho rằng cơ hội cứu Trần Quang Thành tự đến toà đại sứ rất nhỏ, phương án đem xe đón là tối ưu. Nhưng nếu hành động như vậy sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gia tăng.

Thời gian cũng góp phần quan trọng. Sự việc xảy ra trong khi tôi chuẩn bị khởi hành chuyến công du năm ngày đến Bắc Kinh tham gia hội nghị Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên cùng với Bổ trưởng Kinh tế Tim Geithner và các đối tác Trung Quốc.

Sau môt năm vận động và làm việc không mệt mỏi của công tác ngoại giao giờ đây là thời điểm quan trọng tham gia chương trình nghị sự bàn về căng thẳng Biển Đông, những hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên, tỉ giá hối đoái và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nếu Mỹ giúp Trần Quang Thành, có thể làm quan chức Trung Quốc nổi giận, đưa đến hủy hội nghị thượng đỉnh, trong khi chúng ta cần hợp tác để giải quyết những vấn đề quan trọng trong chiến lược.

Cân nhắc giữa việc bảo vệ người đàn ông mù nổi tiếng đang cần sự giúp đỡ với việc đảm bảo mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc là vấn đề thật khó khăn. Một bên là giá trị cốt lõi của Mỹ, ngọn hải đăng của tự do và cơ hội để nhân dân thế giới trông cậy trong khi chúng ta rất cần đảm bảo an ninh và các ưu tiên phục hồi phát triền kinh tế.

Trước khi quyết định, tôi nhớ lại chuyện thời Chiến tranh Lạnh, những người bất đồng chính kiến ​​của các nước cộng sản đã phải trú ẩn trong Đại sứ quán Mỹ. Trong số đó, Đức Hồng y Jozsef Mindszenty của Hungary, sống trong tòa đại sứ mười lăm năm. Năm 1989, vợ chồng nhà vật lý Trung quốc, - Phương Lệ Chi và Lý Thục Hiền -, nhà vận động nổi tiếng trong cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn, đã trú ẩn trong tòa đại sứ Mỹ gần mười ba tháng tại Bắc Kinh trước khi sang Hoa Kỳ. Chuyện này đã giúp tôi cân nhắc trường hợp Trần Quang Thành ngay từ khi nhận được thông tin.

Tôi chợt nhớ một việc xảy ra gần đây. Tháng 2-2012, chỉ hai tháng trước đó, Giám đốc Sở công an Trùng Khánh, Vương Lập Quân, chạy vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, xin được giúp đỡ. Vương Lập Quân từng là cánh tay phải của Bạc Hy Lai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh uỷ Trùng Khánh. Vương Lập Quân từng giúp Bạc Hy Lai điều khiển mạng lưới tham nhũng và hối lộ khổng lồ trong nhiều năm. Nhưng vì tiết lộ cái chết bí ẩn của một doanh nhân người Anh (Neil Heywood – ND) do chính vợ Bạc Hy Lai (Cốc Khai Lai -ND) ra tay, nên bị thất sủng. Bạc Hy Lai là nhân vật đầy quyền lực, ngôi sao đang lên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng lạm dụng quyền lực, không những thế còn tổ chức nghe lén các cuộc điện thoại của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các quan chức cao cấp ở Bắc Kinh. Ban đầu, họ điều tra cả Bạc Hy Lai lẫn Vương Lập Quân. Lo sợ như doanh nhân người Anh bị giêt, Vương Lập Quân chạy trốn vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô mang theo biết bao điều bí ẩn.

Trong lúc Vương Lập Quân ở toà lãnh sự, lực lượng an ninh trung thành với Bạc Hy Lai bao quanh tòa nhà. Đây là khoảnh khắc cực kỳ căng thẳng. Vương Lập Quân không phải nhà bất đồng chính kiến ​​đấu tranh vì nhân quyền, nhưng chúng tôi không thể trao ông ta cho những người bao vây bên ngoài khi biết rõ, một bản án tử hình đang chờ sẵn và sự bí mật vẫn chưa hé mở, nhưng cũng không thể giúp anh ta trú ẩn trong lãnh sự quán với thời gian vô hạn. Vì vậy, sau khi hỏi Vương Lập Quân cần giúp đỡ những gì, chúng tôi đã liên lạc với chính quyền Bắc Kinh, Vương Lập Quân sẽ tự nguyện đầu thú, nếu quan chức Bắc Kinh lắng nghe lời khai của anh ta. Chúng tôi không rõ nếu Vương Lập Quân khai báo chính quyền Bắc Kinh sẽ xử lý ra sao, vì thế đồng ý không lên tiếng về vụ này, chính phủ Trung Quốc đã cảm ơn quyết định của chúng tôi.

Chẳng bao lâu hàng loạt vấn đề lộ ra. Bạc Lai Hy bị gạt bỏ khỏi quyền lực và vợ ông, - Cốc Khai Lai - bị kết tội giết người. Trung Quốc là quốc gia kiểm duyệt chặt chẽ cũng không thể ngăn chặn chuyện này trở thành một vụ bê bối rất lớn, gây chấn động lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong một thời điểm thật nhạy cảm. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo dự kiến ​​sẽ bàn giao quyền lực cho một thế hệ lãnh đạo mới vào đầu năm 2013. Họ rất muốn quá trình chuyển giao suôn sẻ, không có bình luận vấn đề tham nhũng và mưu đồ chính trị.

Bây giờ, chỉ sau hai tháng, chúng tôi phải đối mặt với một thử thách mới có thể gây cho quan chức Trung Quốc những điều khó chịu hơn bao giờ hết.

*

* *

Tôi bảo Jake mời Kurt Campbell, Thứ trưởng Bill Burns và Tham tán Cheryl Mills đến hội ý. Kurt đã và đang phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh kể từ khi Trần Quang Thành có cuộc liên lạc đầu tiên, ông nói với tôi, thời gian rất gấp, trong vòng một giờ đồng hồ phải có quyết định. Toà Đại sứ đã điều động một nhóm sẵn sàng lên đường đến điểm hẹn ngay sau khi quyết định. Sau khi hội ý lần cuối cùng, tôi quyết định “Hãy đón anh ta.”

Mọi chuyện chẳng đơn giản như vậy. Tôi tin tưởng sức mạnh kinh tế và quân sự của chúng ta nhưng giá trị Mỹ lại là nguồn sức mạnh, an ninh lớn nhất. Chẳng phải tôi đã lý tưởng hoá mà nó dựa trên vị trí chiến lược được coi trọng. Hoa kỳ từng nhận xét về nhân quyền ở Trung Quốc trong nhiều thập niên thông qua chính quyền của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà. Giờ đây uy tín của Mỹ tùy thuộc vào sự giải quyết cầu cứu qua điện thọai ở Trung Quốc cũng như các nước trong khu vực và thế giới. Nếu chúng tôi không giúp Trần Quang Thành hình ảnh Mỹ mất dần trong con mắt của nhân dân trên toàn thế giới.

Tôi tính toán cặn kẽ trong canh bạc này, là người tổ chức hội nghị thượng đỉnh, chính phủ Trung Quốc đầu tư và đặt kỳ vọng lớn chẳng kém gì chúng tôi để hội nghị thành công. Vụ bê bối của Bạc Hy Lai trong quá trình chuyển giao quyền lực cũng đủ rắc rối, nếu thêm chuyện này nữa, chắc họ cũng không muốn làm to chuyện. Tôi tin Bắc Kinh không vì chuyện này mà làm ảnh hưởng mối quan hệ giữa hai nước đang trên đà phát triển.

Khi tôi quyết định, công việc được tiến hành khẩn cấp. Bob Vương đến điểm hẹn, trong khi Jake thông báo với Nhà Trắng sự kiện, giải thích lý do và trả lời những câu hỏi còn hoài nghi. Một phụ tá Tổng thống lo ngại vì vấn đề này có phể làm sứt mẻ mối quan hệ Mỹ - Trung, nhưng chẳng một ai dám đứng ra chịu trách nhiệm số phận Trần Quang Thành nếu bị bỏ rơi, mọi chuyện dồn trách nhiệm lên tôi và Bộ Ngoại giao, làm sao tìm cách giải quyết ổn thỏa.

Trong khi Jake báo cáo Nhà Trắng, mọi diễn biến trên đường phố Bắc Kinh giống như trong tiểu thuyết trinh thám. Sau 45 phút, xe sứ quán đến điểm hẹn, Bob nhận được tín hiệu của Trần Quang Thành, nhưng an ninh Trung Quốc cũng dầy đặc trong khu vực. Phải giải quyết khẩn trương không được chậm chễ, Bob kéo Trần Quang Thành lên xe, lấy chiếc áo khoác trùm đầu anh, xe lao nhanh về phía sứ quán. Bob báo cáo Washington ngay sau khi Thành trong xe, chúng tôi nín thở, hy vọng mọi chuyện an lành. Cuối cùng, gần 3 giờ sáng giờ Washington, Bob báo tin vui, nhiệm vụ đã hoàn thành, Trần Quang Thành đang được bác sĩ trong sứ quán Mỹ chăm sóc y tế.

Cả hai ngày hôm sau, Bill Burns, Kurt, Cheryl, Jake và tôi thảo luận kế hoạch tiếp theo. Bước đầu tiên, cần tiếp xúc với phía Trung Quốc, thông báo cho họ biết về Trần Quang Thành, nhưng không xác định rõ tình huống và yêu cầu gặp họ tìm kiếm giải pháp trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, như vậy chúng tôi thành công được một nửa.

Bước thứ hai, nói chuyện với Trần Quang Thành, anh muốn gì? Liệu anh ta đã chuẩn bị tinh thần sống mười lăm năm trong đại sứ quán Mỹ, như Đức Hồng Y Mindszenty không?

Khi lên kế hoạch, tôi yêu cầu Kurt đến Bắc Kinh càng sớm càng tốt, thu xếp cuộc đàm phán trực tiếp. Chiều thứ sáu, ngày 27-4, Kurt khởi hành, anh đến Bắc Kinh rạng sáng ngày chủ nhật. Hôm sau, Bill Burn lên đường. Tôi yêu cầu Đại sứ Gary Locke đang cùng gia đình nghỉ mát ở Bali liên lạc với Harold Koh - Cục Cố vấn Pháp lý Nhà nước và là cựu Giám đốc Trường Luật Yale - đang có chuyến công cán tại một vùng sâu vùng ở Trung Quốc. Khi Cheryl liên lạc được, hỏi ông, khi nào có thể trao đổi qua hệ thống an toàn, ông trả lời, nhanh nhất khoảng bốn tiếng đồng hồ. Cheryl nói: “Hãy lên đươờg, tôi sẽ giải thích rõ khi ngài đến đó”.

Kurt đến Bắc Kinh, ngay lập tức ông lên tầng ba doanh trại Thuỷ quân Lục chiến trong tòa đại sứ. An ninh Trung Quốc lởn vởn xung quanh toà đại sứ từ hôm qua, quan chức trong sứ quán có cảm giác đang bị họ bao vây chặt. Trần Quang Thành dáng người nhỏ bé, gày gò với đôi kinh đen lại đang bị gãy chân. Thật khó tin rằng người đàn ông nhỏ thó này là trung tâm nóng bỏng của sự kiện quốc tế.

Tôi thấy nhẹ hẳn khi Kurt báo có dấu hiệu tốt, Trung Quốc đã đồng ý tiếp cận. Chắc họ đang tính toán việc chúng tôi trao đổi về một công dân Trung Quốc được đưa vào tòa đại sứ ngay trên mảnh đất Trung Quốc sẽ giải quyết ra sao. Trong khi đó Trần Quang Thành có mối quan hệ thân thiết với Bob Vương cũng như một số quan chức trong sứ quán nói được tiếng Trung, anh không muốn xin tị nạn hay trú ẩn trong tòa đại sứ lâu dài. Anh tố cáo chính quyền địa phương đàn áp anh, cũng như sự tham nhũng của họ ở tỉnh Sơn Đông quê hương anh, hy vọng chính quyền Trung ương ở Bắc Kinh can thiệp và xử lý thích đáng. Anh tin chính phủ trung ương, nhất là Thủ tướng Ôn Gia Bảo, người rất có uy tín với dân nghèo và những trường hợp bị đối xử bất công. Anh tin, nếu mọi chuyện “A Cống Ôn” biết rõ ràng đầy đủ, chắc chắn sẽ được giải quyết thỏa đáng.

Chúng tôi lo ngại chờ đợi chuẩn bị cuộc đàm phán và cảnh giác với những dấu hiệu lạc quan tếu. Ngay lúc đầu, cũng không biết Trần Quang Thành muốn những gì trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa tới đàm phán.

*

* *

Người trực tiếp đàm phán với Kurt là nhà ngoại giao dầy dạn kinh nghiệm Thôi Thiên Khải, sau này là Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Tôi đồng ý với Kurt cuộc họp đầu tiên với ông Thôi Thiên Khải cần phải cẩn trọng, đưa ra một số nguyên tắc chung, nhưng không giao nộp Trần Quang Thành, giải quyết nhanh gọn và kín đáo để bảo vệ mối quan hệ giữa hai nước và hội nghị thượng đỉnh sắp khai mạc. Vì cả hai bên đều cần một kết quả có lợi theo đúng kế hoạch.

Phía Trung Quốc lại khác, Thôi Thiên Khải nói: ”Để giải quyết vấn đề này, các ông phải trao Trần Quang Thành cho chúng tôi ngay lập tức, nếu như ông thực sự quan tâm mối quan hệ Mỹ - Trung.” Kurt trả lời cẩn trọng, mời phía Trung Quốc đến Đại sứ quán gặp trực tiếp Trần Quang Thành, nhưng Thôi Thiên Khải nổi nóng. Ông công kích Mỹ về chủ quyền lãnh thổ, đạo lý của Trung Quốc trong gần 30 phút, mỗi lúc một nặng lời và to tiếng. Họ lên án chúng tôi đang phá hoại các mối quan hệ và xúc phạm nhân dân Trung Quốc, Trần Quang Thành chỉ là một kẻ hèn nhát, nấp dưới váy Mỹ. Trong nhiều giờ và nhiều ngày, nhóm đàm phán của chúng tôi trong năm cuộc đàm phán đã phải chịu đựng những lời lên án trong phòng đón tiếp của Bộ Ngoại giao. Ngoài Thôi Thiên Khải, phía Trung Quốc còn một số quan chức cao cấp khác và cơ quan an ninh với thái độ rất căng thẳng. Họ thường hội ý trước và sau đàm phán với ông Thôi nhưng không phát biểu trong cuộc họp. Có lần Kurt trông thấy một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Thôi Thiên Khải với một quan chức cao cấp nhưng không rõ nội dung. Sau mười phút, ông Thôi Thiên Khải thất vọng, vẫy tay ra hiệu cho các cộng sự ra ngoài.

Tại tòa đại sứ, Trần Quang Thành yêu cầu được tiếp tục học luật, ủng hộ cuộc cải cách của Trung Quốc. Anh biết nhiều câu chuyện về những người bất đồng chính kiến buộc phải rời quê hương sống lưu vong trong sự bảo vệ ở Mỹ, nhưng đó không phải là điều anh muốn. Harolk Kok đánh giá cao ý kiến của Trần Quang Thành. Cha Harold Kok là nhà ngoại giao Hàn Quốc đã trốn khỏi Seoul sau cuộc đảo chính quân sự năm 1961 (do Park Chung Hee (Phác Chính Hi) làm đảo chính ngày 16-5-1961, chính là phụ thân của đương kim Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye (Phác Cận Huệ) - ND) sống lưu vong tại Hoa Kỳ, ông kể những khó khăn mà ông đã từng trải nghiệm và Trần Quang Thành cũng sẽ phải đối mặt như vậy nếu quyết định rời bỏ quê hương.



Harold không những là một học giả cao cấp trong lĩnh vực pháp lý, ông còn là nhà lãnh đạo trường đại học tài năng, những trải nghiệm và bề dày kinh nghiệm giúp ông nổi bật trong công tác. Ông vạch kế hoạch đưa Trần Quang Thành ra khỏi tòa đại sứ, tránh những câu hỏi đầy tranh cãi về tị nạn đồng thời là giải pháp giữ thể diện cho phía Trung Quốc trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mặc. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trần Quang Thành được nhận vào học một trường luật nào đó ở Bắc Kinh, sau 2 hay 3 năm tốt nghiệp, sau đó được sang Mỹ du học? Harold quen biết nhiều giáo sư và ban quản trị Trường Đại học New York đang trong quá trình thành lập một trường đại học ở Thượng Hải, tối hôm qua ông đã thuyết phục nhà trường cấp học bổng cho Trần Quang Thành. Điều này có thể giúp chúng ta giải quyết dễ dàng với phía Trung Quốc.

Phía Trung Quốc tuy nghi ngờ nhưng không từ chối. Dường như giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã cố gắng cân đối giữa việc xây dựng Đối thoại chiến lược và kinh tế đồng thời vẫn giữ đường lối cứng rắn trong bộ máy an ninh. Cuối cùng, Thôi Thiên Khải được toàn quyền giải quyết sự kiện này.

Đêm khuya hôm thứ Hai, ngày 30-4, năm ngày sau cuộc gọi điện thoại đầu tiên, chiếc Air Force của Căn cứ không lực Andrews đưa tôi đến Bắc Kinh. Cuộc đàm phán kéo dài 20 tiếng đồng hồ, mọi vấn đề đi vào từng chi tiết. Đây là chuyến bay tôi cảm thấy rất căng thẳng, từ Nhà Trắng, Tổng thống gửi thông điệp rõ ràng: Không nên quá căng thẳng.

Thỏa thuận có chiều hướng thuận lợi. Trước mắt, Trần Quang Thành được chuyển đến một bệnh viện ở Bắc kinh chữa trị vết thương do chạy trốn, sau đó anh được phép trình bày sự đối xử bất công trong thời gian quản thúc tại gia ở Sơn Đông. Tiếp đến, anh được gặp gia đình, những người bị chính quyền địa phương làm khó dễ từ khi anh trốn thoát. Sau đó, anh rời Bắc Kinh theo học một trường luật nào đó ở Trung Quốc, sau khi tốt nghiệp có thể sang Mỹ học cao học. Đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ thường xuyên liên lạc với anh. Kurt đưa ra danh sách một số trường đại học ở Trung Quốc để lựa chọn. Bất ngờ khi Thôi Thiên Khải xem xong danh sách đã nổi giận đùng đùng: “Không, anh ta không thể vào trường Đại Học Sư phạn Hoa Đông được. Tôi không thể để anh chàng này học trường cũ của tôi”. Điều này có nghĩa, Trần quang Thành phải học ở một trường khác.

Trong tòa đại sứ Trần Quang Thành cũng chưa biết phải làm gì. Anh muốn gặp gia đình tại Bắc Kinh bàn bạc trước khi quyết định, nhưng chuyện gặp gia đình không hề dễ dàng. Kurt lo ngại Trung Quốc trở cờ khi họ đã nhân nhượng quá nhiều, nhưng Trần Quang Thành một mực yêu cầu như vậy. Chắc chắn phía Trung Quốc không chấp nhận, qua những lời chỉ trích họ tỏ ra coi thường Kurt cùng nhóm đám phán và nhất quyết không chấp nhận. Không có cách nào giúp Trần Quang Thành gặp vợ con tại Bắc Kinh cho đến khi thỏa thuận được hoàn tất.

Chúng tôi cần tăng thêm sức ép. Người Trung Hoa nổi tiếng rất nhạy cảm với giao thức và tôn trọng quyền thế. Chúng tôi quyết định lợi dụng lợi thế này. Bill Burns từng là quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ, cựu Đại sứ Jordan và Nga lừng danh, hơn nữa ông rất điềm tĩnh và cương quyết trong đàm phán. Hôm thứ Hai khi tới Bắc Kinh ông tham gia ngay cuộc đàm phán. Ngồi đối diện với Thôi Thiên Khải, Bill sử dụng phong cách ngoại giao nên tìm mọi cách thuyết phục nhẹ nhàng: chỉ cần cho phép Trần Quang Thành gặp gia đình mọi chuyện sẽ ổn thỏa, coi như cho qua, không ảnh hưởng đến hội nghị thượng đỉnh sắp khai mạc. Thôi Thiên Khải nhượng bộ, đồng ý trình việc này lên cấp trên. Nửa đêm, khi máy bay còn trên bầu trời Thái Bình Dương, tôi nhận được tin gia đình Trần Quang Thành đang trên chuyến tầu từ Sơn Đông đến Bắc Kinh. Bây giờ điều cần nhất là giúp Trần Quang Thành được tự do.

*

* *



Đầu tháng 5, tôi đến Trung Quốc, cử Jake thay mặt tôi đến ngay tòa Đại sứ gửi lời thăm hỏi, động viên Trần Quang Thành. Sau chuyến bay nhiều giờ, tối hôm ấy tôi dự dạ tiệc chiêu đãi của Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc, những ngày tiếp theo bận rộn với bao công việc theo nghị trình.

Trần Quang Thành chưa hết lo, tuy cảm thấy an toàn trong doanh trại Thủy quân Lục chiến, được bác sĩ trong sứ quán chăm sóc y tế. Anh gây được thiện cảm với quan chức, nhân viên trong sứ quán, đặc biệt với Đại sứ Gary Locke, vị đại sứ người Mỹ gốc Hoa đầu tiên của Hoa Kỳ. Ông nội Gary di cư từ Trung Quốc đến bang Washington, năm tháng đầu tiên cụ làm người giúp việc cho một gia đình người Mỹ, đôi khi được họ dạy Anh ngữ. Gary sinh ra và lớn lên ở Seattle, nơi gia đình có cửa hàng tạp hóa nhỏ, trong quá trình phấn đấu, ông đã trở thành Thống đốc bang Washington, từng giữ chức Bộ trưởng Thương mại. Ông là hiện thân của giấc mơ Mỹ, tôi rất kiêu hãnh vì ông là đại diện của Hoa Kỳ trong thời điểm nhạy cảm này.

Gary và Harold động viên, an ủi, đưa ra niềm hy vọng trong tương lai với Trần Quang Thành để là dịu bớt sự lo lắng, giúp Thành nói chuyện trực tiếp qua điện thoại hai lần với vợ khi đang trên chuyến tầu tốc hành hướng về Bắc Kinh. Cuối cùng Trần Quang Thành quyết tâm, phấn khởi, nói “Mọi việc sẽ phải làm như thế”. Sự việc kéo đầy kịch tính khó khăn, giờ đây đang đi đến hồi kết.

Dựa người vào cánh tay Đại sứ và nắm chặt bàn tay của Kurt, Trần Quang Thành chậm chạp từng bước rời doanh trại Thủy quân Lục chiến, chậm rãi đi tới chiếc xe đang chờ. Sau khi Thành lên xe an vị, Jake gọi tôi từ chiếc điện thoại di động của anh, đưa cho Trần Quang Thành. Sau nhiều ngày căng thẳng, lo lắng, giờ đây tôi nói chuyện trực tiếp với Thành. Anh quá vui, nói trong điện thoại “Tôi muốn được ôm hôn cảm ơn sự giúp đỡ của bà.” Cảm giác lúc ấy thật vui, tôi cũng muốn được ôm anh để động viên.

Khi chiếc xe đến Bệnh viện Triều Dương gần đó đã đánh tan những nghi vấn của truyền thông và an ninh. Phía Trung Quốc thận trọng giải quyết theo đúng thỏa thuận: Trần Quang Thành được đoàn tụ với vợ con, được nhóm bác sĩ điều trị với sự hiện diện của quan chức sứ quán Mỹ. Tôi phát biểu rất cẩn trọng với báo chí, đây là lời phát biểu công khai đầu tiên: “Tôi rất vui mừng xin thông báo, chúng tôi đã tạo điều kiện cho Trần Quang Thành tạm trú cũng như rời khu sứ quán Hoa Kỳ theo sự lựa chọn của anh ấy và theo đúng tinh thần giá trị của Mỹ”. Theo thỏa thuận, phía Trung Quốc lên án Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của họ, nhưng hội nghi thượng đỉnh vẫn khai mạc, đồng thời không bắt giam Trần Quang Thành.

Sau khi Trần Quang Thành ổn định trong bệnh viện cũng là thời gian bữa tối. Đới Bỉnh Quốc và Thôi Thiên Khải đón tôi ở Vạn Thọ Tự, một công trình lộng lẫy, với khoảng sân chùa rộng rãi thanh bình, bên trong trưng bày rất nhiều đồ cổ. Đới Bỉnh Quốc rất vui đưa tôi đi tham quan, tôi rất ngưỡng mộ khi nhìn thấy những bức tượng nhỏ bằng ngọc bích, những bức thư pháp nét chữ thật uyển chuyển duyên dáng, một cảm giác thư giãn, thanh thản ập đến. Giữa tôi và ông Đới Bỉnh Quốc nói chuyện với sự cởi mở về tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Trung trong lịch sử. Sau khi đoàn chúng tôi dùng bữa xong, Đới Bỉnh Quốc cùng tôi, Kurt và ông Thôi Thiên Khải vào căn phòng nhỏ để hội đàm riêng. Đã rất lâu, kể từ khi Đới Bỉnh Quốc cho tôi xem ảnh của đứa cháu nội của ông, chúng tôi đồng thuận sẽ cùng nhau hành động để thế hệ trẻ được thừa hưởng tương lai trong hòa bình. Giờ đây chúng tôi đã vượt qua sự khủng hoảng khó khăn nhất và mối quan hệ đang phát triển. Nhưng dù sao Đới Bỉnh Quốc củng chưa hẳn hài lòng. Ông nói, chúng tôi đã phạm sai lầm lớn khi quá tin Trần Quang Thành, người mà ông coi là kẻ trọng tội, nhưng lại yêu cầu tôi không đề cập chuyện này khi tiếp kiến Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào tuần sau. Chúng tôi đồng ý, lúc này là thời điểm tái tập trung vào những mối quan tâm chiến lược cấp bách của hội nghị thượng đỉnh, từ Bắc Triều Tiên cho tới Iran.

*

* *

Khắp nơi trong thành phố xôn xao đồn thổi chuyện Trần Quang Thành theo nhiều mẩu chuyện rất khác nhau. Quan chức sứ quán Hoa Kỳ quyết định để Trần Quang Thành và vợ con anh tâm sự sau một thời gian xa cách. Bây giờ chỉ có Trần quang Thành và gia đình gặp gỡ, bàn bạc về cách lựa chọn tiếp theo. Sau nhiều năm bị ngược đãi, liệu họ có thể tin chính quyền Trung Quốc sẽ tôn trọng thỏa thuận này không? Với Trần Quang Thành, nếu tiếp tục sống ở Trung Quốc có nghĩa, những hệ lụy vẫn đeo bám, sát kề, sự rủi ro khó có thể biết trước, anh có cảm giác bất an khi đã ra ngoài bức tường an toàn của tòa đại sứ dù anh đang ở bên cạnh những người thân yêu. Anh trao đổi qua điện thoại với bạn bè trong cộng đồng nhân quyền, những người mong anh rời Trung Quốc, đồng thời trả lời câu hỏi của phóng viên về quyết định ở lại. Đến tối, diễn biến câu chuyện của anh bắt đầu thay đổi bất ngờ.

Trong khi tôi thăm quan Vạn Thọ Tự, tin tức từ báo chí đã hiện trong chiếc BlackBerry của cộng sự của tôi. Lúc ấy tôi đang bận họp với Đới Bỉnh Quốc, diễn biến câu chuyện bên ngoài đang có chiều hướng xấu. Báo chí trích lời phát biểu của Trần Quang Thành tại bệnh viện, anh “không còn cảm thấy an toàn”, người Mỹ đã bỏ rơi anh và giờ đây anh thay đổi ý định ở lại Trung Quốc. Thậm chí anh còn phủ nhận từng muốn được ôm hôn tôi để tỏ lòng biết ơn! (Sau này, anh thừa nhận với báo chí, cảm thấy “xấu hổ vì quá vội vàng” khi cảm ơn tôi). Kế hoạch của chúng tôi đã sụp đổ.

Trở về khách sạn, tôi mời mọi người trong nhóm đến hội ý khẩn cấp trong phòng riêng. Trong khi ấy Trần Quang Thành tự do trao đổi, nói chuyện với các phóng viên và các nhà hoạt động từ Bắc kinh đến Washington, không một ai ở sứ quán có thể gặp anh ta trên điện thoại, trớ trêu thay, chiếc điện thoại di động này lại do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi cũng không có tin tức chính thức nào từ phía Trung Quốc, họ chỉ đưa những thông tin mà chúng tôi đã biết, bên ngoài bệnh viện nhân viên an minh tăng cường từng giờ. Tôi tưởng tượng sẽ được nghe Đới Bỉnh Quốc và Thôi Thiên Khải nói: “Tôi đã nói với bà rồi mà”.

Kurt đã dũng cảm xin từ chức nếu mọi việc trở nên tệ hơn. Tôi bác bỏ, yêu cầu cần có kế hoạch mới phù hợp với tình hình. Đầu tiên, chúng tôi ra tuyên bố để làm sáng tỏ những tin tức trái chiều đang gây tình hình thêm căng thẳng, Trần Quang Thành chưa xin tỵ nạn, nếu có chắc chắn chúng tôi không từ chối. Tiếp theo, nếu buối sáng Trần Quang Thành yêu cầu được sang Hoa Kỳ, phía chúng tôi sẽ gặp và trao đổi với chính phủ Trung Quốc dù sự việc có thể rất khó khăn, tổn hại đến quan hệ hai nước. Chúng tôi không muốn vấn đề này trở nên tồi tệ, gây hiểu lầm trong công luận, ảnh hưởng đến hội nghị thượng đỉnh. Vấn đề thứ ba, chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc theo lịch trình của Hội nghị Kinh tế Chiến lược với Ủy viên Đới Bỉnh Quốc, coi như không có chuyện gì xảy ra. Kế hoạch chuẩn bị xong, tuy mọi người cảm thấy quá mệt mỏi, nhưng suốt đêm không ai ngủ ngon giấc.

*

* *

Hôm sau chúng tôi rút được bài học rất thực tế trong ngoại giao. Do nhiều biện pháp khéo léo của chính phủ, hội nghị thượng đỉnh đã đạt được tiến bộ. Thường ngày không khí ở Bắc Kinh thật ô nhiễm, đường phố tắc nghẽn, nhưng sáng hôm ấy khi đoàn xe chúng tôi vào thành phố đã khác hẳn, đường phố sạch sẽ quang đãng, địa điểm chúng tôi đến còn phải đi mất vài giờ nữa mới tới.

Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài, một khu phức hợp bao gồm nhà nghỉ và khách sạn mang giá trị lịch sử truyền thống, có nhiều tòa nhà, nhà riêng và vườn cây. Chính khu nhà này, năm 1971, lần đầu tiên Henry Kissinger đàm phán với Thủ tướng Chu Ân Lai, đặt nền móng cho chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Nixon dẫn đến bình thường hoá quan hệ giữa hai nước và đặt cơ sở cho những bước phát triển tiếp theo. Cũng chính ở đây, trong thời gian hội nghị năm 2010, đã xảy ra sự kiện khi một đô đốc hải quân Trung Quốc đã gây ra những rạn nứt sâu sắc về sự mất lòng tin gây chia rẽ giữa hai nước. Tôi tự hỏi, với tình trạng khó khăn như hiện tại, là nước chủ nhà của hội nghị, không biết phiá Trung Quốc sẽ xử lý như thế nào trong hội nghị thượng đỉnh.

Câu trả lời đã rõ ngay sau khi hội nghị khai mạc. Ủy viên Đới Bỉnh Quốc và các quan chức Trung Quốc cũng như Tim Geithner và tôi tập trung vào những vấn đề trọng tâm, còn chuyện của Trần Quang Thành coi như không nhắc đến. Phía Trung Quốc lặp lại nhiều lần luận điểm về sự trỗi dậy của họ trong hòa bình, yêu cầu các nước không nên can thiệp công việc nội bộ, đồng thời vẫn như thường lệ, họ phê phán một số sự kiện xảy ra gần đây. Phát biểu tại diễn đàn, tôi tránh vấn đề Trần Quang Thành, tập trung vấn đề vào Iran, Bắc Triều, Syria và hàng loạt vấn đề thách thức mà chúng ta cần sự hợp tác của Trung Quốc. Tôi nói thêm: “một Trung Quốc bảo vệ các quyền của mọi công dân của mình sẽ trở thành một quốc gia mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn và dĩ nhiên, cũng là một đối tác mạnh mẽ hơn cho các mục tiêu chung của chúng ta”. Gần như buổi sáng hôm đó, tôi nói về cuộc khủng hoảng hiện tại.

Sau bài phát biểu, chúng tôi chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận sâu vào chương trình nghị sự chi tiết hơn. Nhưng tâm trí chúng tôi vẫn vương vấn tới sự kiện xúc động đang diễn ra trong một căn phòng bệnh viện thành phố, đây là một cơ hội giải quyết vấn đề quan trọng, chúng tôi không được bỏ qua. Vì vậy, khi ngồi nghe thuyết trình và thảo luận, tôi đưa ra câu hỏi và mối quan tâm.

Trong khi đó, Kurt vắng mặt để có điều kiện theo dõi diễn biến của Trần Quang Thành. Nhưng Đại sứ quán vẫn không thể liên lạc, tìm hiểu diễn biến qua điện thoại và phía Trung Quốc đã hạn chế người đến bệnh viện. Những người biểu tình xuất hiện bên ngoài bệnh viện, một số đeo kính đen giống Trần Quang Thành để tỏ lòng kính trọng vị anh hùng của họ và phía an ninh của Trung Quốc được tăng cường. Tuy vậy, không ai ngăn được Trần Quang Thành nói chuyện với nhà báo Mỹ, những người đang loan tin mong muốn của ông rời khỏi Trung Quốc và đến Hoa Kỳ, họ đặt câu hỏi, liệu chúng tôi có đủ sức giúp ông ta.

Tại Hoa Kỳ, trong vòng xoáy chính trị cuộc bầu cử hàng năm, Washington xáo động. Chủ tịch Hạ Viện John Boehner tuyên bố, ông “quan tâm sâu sắc” trước thông tin Trần Quang Thành “bị áp lực phải rời khỏi Đại sứ quán Mỹ trái với ý muốn, với những lời hứa không rõ ràng, trong khi các mối đe dọa có thể gây nguy hiểm cho gia đình của anh ta”. Cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney, ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, thậm chí còn nặng lời hơn. Ông cho, đây là “một ngày đen tối của tự do” và “một ngày đáng xấu hổ của chính quyền Obama”. Tôi không biết các nhà phê bình có nhận thức được, chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể với Trần Quang Thành theo nguyện vọng của anh ta. Nhà Trắng đã lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan, đưa ý kiến chỉ đạo cho chúng tôi tại Bắc Kinh vẻn vẹn mấy chữ: Hãy giải quyết tốt vấn đề này.

Tôi nói với Kurt và Đại sứ Locke phải lập tức tái đàm phán với ông Thôi Thiên Khải, tìm mọi cách đưa Trần Quang Thành ra nước ngoài. Nói thì dễ, nhưng thực hiện đâu có dễ. Trung Quốc hoàn toàn không muốn tái đám phán cho nên Thôi Thiên Khải chỉ lắc đầu. Ông nói, Kurt nên “trở về Washington và nộp đơn từ chức”. Trong khi đó, Trần Quang Thành có những lời phát biểu vượt qua tầm kiểm soát. Mặc dù, anh vẫn chưa nói chuyện với bất cứ ai trong tòa sứ quán Mỹ, anh lại cố ý gọi điện thoại trong một buổi điều trần của Quốc hội ở Washington. Một nhà hoạt động thân cận của Trần Quang Thành, Bob Fu, đưa iPhone của anh lên chiếc loa hướng về phía Chris Smith của Ủy ban Hạ Nghị viện. “Tôi lo ngại số phận cho gia đình tôi”, Trần Quang Thành nói, sau đó anh lặp đi lặp lại yêu cầu được đến Hoa Kỳ. Việc làm này đúng là đổ thêm dầu vào ngọn lửa chính trị.

*

* *

Đây là lúc tôi phải trực tiếp giải quyết. Nếu ông Thôi Thiên Khải vẫn từ chối đàm phán, tôi sẽ nêu vấn đề trực tiếp với ông Đới Bỉnh Quốc. Liệu mối quan hệ xây dựng trong nhiều năm qua giờ đây có được đáp ứng hay không? Hôm thứ Sáu tôi có lịch trình tiếp kiến Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Đại lễ đường Nhân dân, nhất là hôm ấy ông Đới Bỉnh Quốc cũng tham dự và cuộc gặp gỡ diễn ra suôn sẻ. Mối quan tâm giữa hai chúng tôi được giải quyết tốt đẹp.

Sáng ngày 4-5, tôi gặp Đới Bỉnh Quốc cảm ơn ông vì Trung Quốc tôn vinh bản thoả thuận. Sau đó, tôi giải thích cơn bão lửa chính trị đang xảy ra ở Hoa Kỳ và những khó khăn chúng tôi đang gặp phải. Ủy viên Đới Bỉnh Quốc rất ngạc nhiên khi tôi mô tả chuyện ồn ào tại phiên điều trần của Hạ Viện, khác hẳn những gì thường xảy ra ở Quốc hội Trung Quốc. Nhưng ông sẽ phải làm gì bây giờ? Tôi đưa ra những điều kiện với hy vọng đó là một giải pháp để giữ thể diện. Theo thỏa thuận ban đầu, Trần Quang Thành học ở Trung Quốc sau đó sang Mỹ học ở trường đại học. Việc thay đổi thời gian biểu không có nghĩa là một thỏa thuận hoàn toàn mới mà đơn giản chỉ là cách lựa chọn thời gian trong thỏa thuận cũ. Ủy viên Đới Bỉnh Quốc nhìn chằm chằm vào tôi, im lặng rất lâu, tôi tự hỏi ông đang nghĩ gì trước thái độ kỳ lạ của ông. Thận trọng ông quay sang Thôi Thiên Khải vẻ mặt đang lo lắng, chỉ thị cho ông Thôi Thiên Khải tìm cách giải quyết cụ thể với ông Kurt.

Tuy rất phấn khởi, nhưng chưa thật tự tin, tôi đến Đại lễ đường Nhân dân dự họp với các nhà lãnh đạo cấp cao. Giữ lời hứa, tôi không đưa sự việc Trần Quang Thành với ông Hồ Cẩm Đào cũng như với ông Ôn Gia Bảo. Trong cuộc thảo luận, họ tỏ ra chưa thật sự quan tâm, nhưng vui vẻ, hồ hởi. Chúng tôi chủ yếu thảo luận xung quanh những vấn đề quan trọng phải đối mặt trong mối quan hệ trong tương lai, trong khi các trợ lý đang cố gắng tìm cách thoát ra khỏi tình thế khó xử về chuyện Trần Quang Thành. Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cả hai ông đang ở cuối nhiệm kỳ sau mười năm nắm quyền và chúng tôi cũng đang trong chiến dịch bầu cử, chính phủ mới có thể thay đổi cơ cấu tổ chức. Nhưng ngay cả khi chính phủ thay đổi, đường lối và chính sách về cơ bản vẫn không thay đổi.

Tôi rời Đại lễ đường Nhân dân, đi qua Quảng trường Thiên An Môn đến Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc để gặp gỡ và trao đổi về văn hoá và giáo dục với Ủy viên Quốc Vụ viện Lưu Diên Đông, người phụ nữ cao cấp nhất trong chính phủ Trung Quốc. Là con gái của cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản, bà Lưu Diên Đông cố gắng vươn lên trở thành một trong hai người phụ nữ có chân trong Bộ Chính trị. Giữa chúng tôi có mối quan hệ nồng ấm trong những năm qua, giờ đây tôi rất vui gặp lại nét mặt thân thiện trong thời kỳ căng thẳng này.

Bảo tàng Quốc gia Bắc Kinh rộng lớn, thiết kế cân xứng với Đại lễ đường Nhân dân phía đối diện, nhiều bộ sưu tập của bảo tàng còn khiếm khuyết, rất nhiều hiện vật quý giá nhất bị quân đội Tưởng Giới Thạch chuyển đi khi họ rút về Đài Loan năm 1948. Một tổn thất to lớn của niềm tự hào dân tộc cần phải một thời gian dài mới có thể hồi phục. Khi chúng tôi bước lên bậc thang, Kurt quay sang hỏi nhỏ: “Chị có nghĩ chúng ta đã giải quyết thỏa đáng không?” Đây là câu hỏi chí lý vì những áp lực cao, căng thẳng trong vấn đề ngoại giao, tôi quay lại nhìn anh, nói nhỏ: “Tôi đã quyết định và cảm thấy hài lòng. Hơn nữa không có vấn đề tư lợi cá nhân và đây cũng là cái giá nhỏ nhoi mà Hoa Kỳ phải trả.” Đó là những gì Kurt cần biết và sự thật đúng như thế.

Trong viện bảo tàng một nhóm đông trẻ em Trung Quốc và Mỹ đứng vẫy cờ và chào mừng chúng tôi. Tầng trên, dàn hợp xướng của sinh viên Trung Quốc và Mỹ tấu nhạc và hát chào mửng bằng hai ngôn ngữ Anh và Trung. Tiếp theo hai sinh viên trong chương tình trao đổi du học sinh bước lên phía trước, kể về những trải nghiệm thú vị thu được trong quá trình du học. Một thanh nữ Trung Quốc nói tiếng Anh lưu loát kể về cuộc sống khi ở New York đã giúp cô mở rộng kiến thức, sự hiểu biết, gây nhiều cảm hứng khi du học tại Mỹ mà xưa kia chỉ biết qua trang sách. Một nam thanh niên Mỹ với lối nói hùng biện mô tả về việc học tập và nghiên cứu tại Trung Quốc bằng tiếng Trung, nhờ đó anh đã hiểu rõ hơn mối quan hệ cần thiết giữa hai nước Trung Mỹ.

Trong nghi thức ngoại giao cũng như trong nhiều hội nghị thượng đỉnh, những bài phát biểu tuy đã được chuẩn bị kỹ đôi khi cũng phải thay đổi vì những sự sự kiện thực tế diễn ra. Trong trường hợp này cũng là trường hợp điển hình. Thật vui và hứng thú khi tận mắt chứng kiến và được nghe những lời tâm sự của các sinh viên, tôi nghĩ ngay đến những điều mà nhiều nhà ngoại giao đã bỏ qua phong cách “ngoại giao mềm” như: chưong trình trao đổi giáo dục thông qua các du học sinh, du lịch văn hóa và hợp tác khoa học. Trong nhiệm kỳ bốn năm, tôi đã gửi hơn 100 ngàn du học sinh Mỹ sang Trung Quốc, một phần vì tôi tin điều đó sẽ giúp thuyết phục các quan chức Trung Hoa tin rằng chúng ta nghiêm túc mở rộng tham gia, hợp tác với họ. Chương trình này đã gây chú ý trong báo chí, không những thế còn tạo ảnh hưởng tới thế hệ tiếp theo của các quan chức lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Hoa mà theo tôi đây là sáng kiến phù hợp nhất. Các sinh viên sẽ là cầu nối cho quan hệ ngoại giao đang diễn ra. Nhìn sang phiá đối diện, các quan chức lãnh đạo Trung Quốc Lưu Diễn Đông, Thôi Khải Thiên và nhiều vị khác nét mặt họ cũng thể hiện sự nhận thức sâu sắc và đồng cảm về sự kiện này.

Khi ông Thôi Thiên Khải và Kurt cùng nhóm của ông sau bữa trưa đã gặp gỡ, thảo luận tìm cách đưa ra các động thái tiếp theo trong sự kiện Trần Quang Thành, giọng của ông Thôi Thên Khải thay đổi đáng kể. Mặc dù vẫn còn sự khác biệt, nhưng cả hai bên làm việc nghiêm túc, tìm kiếm các mối quan hệ và tương lai mà hai sinh viên kia đã thay mặt kể lại với chúng tôi. Sau đó Kurt và Jake đã soạn thảo một thoả thuận hợp tình hợp lý cho cả hai phía. Trần Quang Thành, công dân Trung Quốc nổi tiếng sẽ làm đơn xin visa đến Hoa Kỳ và được giải quyết nhanh gọn. Sau đó anh có thể đưa gia đình sang Mỹ và được theo học tại trường Đại học New York.

*

* *

Tại Điếu Ngư Đài, Tim Geithner và tôi cùng các đối tác đồng cấp Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận tốt đẹp của Hội nghi Chiến lược và Đối thoại Kinh tế. Vấn đề này tôi đã xem xét kỹ lưỡng nội dung chính trong thỏa thuận từ mấy hôm trước. Tuy còn có nhiều khác biệt lớn, nhưng dù sao sau bốn năm cần mẫn hoạt động đã giúp hai bên đạt được độ tin cậy đủ bền vững cùng nhau vượt qua trở ngại. Tôi trích một câu châm ngôn nổi tiếng của Lão tử có thể tạm dịch là: “Với người làm tướng, phải có con mắt nhìn đại cục”. Chúng tôi đã cố gắng giải quyết khủng hoảng, bỏ qua những các nhìn phiến diện, tập trung mối quan tâm chiến lược và giá trị cốt lõi của chúng ta. Hướng về tương lai, tôi phát biểu với khán giả: “Chúng ta cần xây dựng mối quan hệ mềm dẻo giúp hai nước cùng phát triển, đáp ứng được trách nhiệm toàn cầu mà không cạnh tranh thiếu lành mạnh, cạnh tranh xung đột. Lối suy nghĩ “tổng bằng không” sẽ dẫn đến kết quả là con số âm”.

Theo thông lệ, quan chức Trung Quốc từ chối trả lời câu hỏi đưa ra, vì thế cuộc họp báo kết thức, sau khi đưa ra thông cáo chung, Tim Geithner và tôi trở về khách sạn gặp gỡ với các phóng viên và hãng thông tấn thế giới kể từ khi tới Bắc Kinh. Matt Lee của Liên đoàn Báo chí đưa ra câu hỏi đầu tiên mà chúng tôi đã dự đoán: “Thưa bà Bộ trưởng, tôi nghĩ bà cũng không ngạc nhiên khi một đám đông con voi to lớn trong phòng đang chờ câu trả lời của bà”. Tôi cười khi nghe câu ẩn dụ rất hài hước: “đám đông con voi, câu nói thật dí dỏm, anh Matt à...” Cả phòng cười ồ phá vỡ bầu không khí căng thẳng. Anh ta ngửng đầu hỏi: “Làm thế nào mà bà có thể thuyết phục các quan chức cao cấp Trung Quốc đáp ứng yêu cầu về vấn đề Trần Quang Thành mà bà làm người đại diện? Theo bà, họ có đồng ý cho phép Trần Quang Thành sang Hoa Kỳ cùng với gia đình trong thời gian học tập hay không? Và bà làm thế nào để đối phó với sự chỉ trích trong nước cũng như ngoài nước họ cho rằng chính quyền đã gây ra những chuyện vụng về này?”

Đây là cơ hội cuối cùng để khép lại sự kiện rắc rối này. Tôi đọc bài phát biểu được chuẩn bị kỹ lưỡng và phiá Trung Quốc cũng đã tham khảo và đóng góp một số ý kiến:

Cho phép tôi bắt đầu bằng cách nói rằng ngay từ đầu, tất cả các nỗ lực của chúng tôi với ông Trần Quang Thành đã được hướng dẫn bởi sự lựa chọn của mình và giá trị của chúng tôi. Và tôi hài lòng rằng hôm nay đại sứ của chúng tôi đã nói chuyện với ông ta một lần nữa, nhân viên Đại sứ quán và bác sĩ của chúng tôi đã có một cơ hội gặp gỡ ông và ông khẳng định rằng ông và gia đình bây giờ muốn đến Hoa Kỳ để theo đuổi việc học tập. Về vấn đề đó, chúng tôi cũng được khuyến khích bởi các tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc xác nhận, ông ấy có thể đi nước ngoài với mục đích này. Mấy ngày qua, mọi việc đã được thu xếp theo ý nguyện của ông ta, chúng tôi vẫn quan tâm theo dõi những bước tiếp theo. Tôi cũng xin nói thêm, đây không chỉ giúp người hoạt động nổi tiếng mà đây là vấn đề quyền con người và cũng là nguyện vọng của hơn một tỷ người dân Trung Hoa. Và đó cũng là tương lai của quốc gia vĩ đại này cũng như các quốc gia khác. Chúng tôi tiếp tục đàm phán với quan chức cao cấp Trung Quốc về vấn đề này trong tâm điểm chính sách ngoại giao của chúng tôi.

Khi máy ảnh chụp và phóng viên viết tốc ký trong máy tính xách tay của họ, tôi cảm thấy hài lòng về cách giải quyết. Sau buổi họp báo, tôi mời cả nhóm bữa ăn tối để chúc mừng với món vịt quay Bắc Kinh và nhiều món đặc sản của ẩm thực Trung Hoa. Kurt và Harold kể lại một số việc bất ngờ xảy ra trong tuần qua, chúng tôi cảm thấy thoải mái thư giãn. Ngày hôm sau, tôi lên phi cơ bay đến Dhaka, Bangladesh.

Trần Quang Thành vẫn còn nằm trong phòng bệnh, chúng tôi biết cơ hội thỏa thuận thứ hai này có thể xảy ra như lần đầu, cho nên chúng tôi chỉ an tâm khi anh đến Mỹ an toàn. Đối với Trung Quốc, điều này có thể mất một vài tuần. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thỏa thuận, tôi tin họ sẽ thực hiện. Ngày 19-5, Trần Quang Thành và gia đình đến Hoa Kỳ nhận học bổng và học tại Đại học New York.

*

* *

Tôi vô cùng tự hào cách xử lý của chúng ta tại sứ quán ở Bắc Kinh. Chúng tôi đã trải qua bốn năm chuẩn bị để giải quyết cuộc khủng hoảng - xây dựng cơ chế ngoại giao chiến lược, Đối thoại Kinh tế và phát triển sự tin tưởng giữa các đối tác, đặt nền móng cho mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc và tôn trọng lẫn nhau, cùng với thông điệp về quyền con người và các giá trị dân chủ. Tuy mới chỉ là một sợi dây mỏng thời kỳ đầu, nhưng giờ đây có bằng chứng cho thấy sợi dây ấy đã trở thành những giá trị thiết thực. Chúng tôi tin mối quan hệ đã đủ mạnh vượt qua các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Với tầm nhìn khác nhau, nhưng giá trị và lợi ích cả hai bên đều quan tâm.

Một trong những mục tiêu chính của kế hoạch trục xoay là tăng sự tham gia tích cực của chúng ta trong vấn đề châu Á cũng là cách nâng cao lợi ích trong một khu vực dân chủ, thịnh vượng và cởi mở hơn, mà không làm tổn hại những nỗ lực xây dựng mối quan hệ tích cực với Trung Quốc. Những xích mích trong mối quan hệ phản ánh bất đồng về các vấn đề hiện tại do nhận thức rất khác biệt về thế giới, hoặc ít nhất là châu Á. Hoa Kỳ muốn xây dựng tương lai thịnh vượng chung, chia sẻ trách nhiệm về hòa bình và an ninh. Cách duy nhất để xây dựng tương lai đó là xây dựng cơ chế, thói quen hợp tác và thúc giục Trung Quốc cởi mở hơn, tự do hơn. Đó là lý do tại sao chúng tôi phản đối đàn áp quyền tự do Internet, đàn áp các nhà hoạt động chính trị như Trần Quang Thành và các dân tộc thiểu số Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo của Trung Quốc. Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi muốn các nghị quyết hòa bình giữa Trung Quốc và các nước láng giềng về chủ quyền lãnh thổ của họ.

Trung Quốc tin rằng chúng tôi không đánh giá đúng mức về những tiến bộ, cũng như về xung đột nội bộ có thể gây tổn hại sự đoàn kết trong nước. Họ phẫn nộ khi nước ngoài chỉ trích và cho rằng nhân dân Trung Quốc ngày nay được tự do nhiều hơn, tự do lao động, di chuyển và tầng lớp trung lưu ngày một lớn mạnh. Họ tự hào đã xóa đói giảm nghèo nhanh nhất trong lịch sử thế giới và tin mối quan hệ với Hoa Kỳ dựa trên lợi ích của hai quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ.

Khi chúng tôi không đồng ý, họ cho rằng chúng tôi sợ sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế và muốn ngăn chặn nó. Chúng tôi tin sự bất đồng là chuyện bình thường trong quan hệ và nếu chúng ta có thể điều chỉnh khác sự biệt thì sự hợp tác hai bên sẽ tăng cường. Chúng ta không ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi nhấn mạnh, Trung Quốc phải thực thi quy tắc chung giữa các quốc gia.



Nói cách khác, ban hội thẩm vẫn còn ngoài cuộc. Trung Quốc có một số lựa chọn khó khăn để thực hiện và chúng ta cũng vậy. Chúng ta nên theo chiến lược thử nghiệm: đạt kết quả tốt nhất, với kế hoạch ngắn hạn đảm bảo các giá trị Mỹ. Tôi đã nói với Kurt và Jake trong đêm căng thẳng đầu tiên khi Trần Quang Thành xin tị nạn, sự bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới là một trong những nguồn sức mạnh lớn nhất của Mỹ. Những hình ảnh Trần Quang Thành, bị mù và bị thương, tìm kiếm suốt đêm nguy hiểm, một nơi anh biết sẽ bảo vệ tự do và cơ hội đó là Đại sứ quán Hoa Kỳ, đã nhắc nhở trách nhiệm của Hoa Kỳ vẫn là ngọn hải đăng cho bất đồng chính kiến ​​và những ước mơ trên toàn thế giới.




-

Tổng số lượt xem trang