Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

Bước chân Trung Quốc trên thế giới (tiếp...)

Trung Quốc "đổ tiền" để tiến vào Mỹ Latinh
23/04/2009 09:15 (GMT + 7)
(Tuần Việt Nam) - Trong khi Washington đang nỗ lực hàn gắn các mối quan hệ căng thẳng tại Mỹ Latinh, thì Trung Quốc cũng ráo riết tiến hành thâm nhập vào khu vực này. Trung Quốc đã tiến vào Mỹ Latinh bằng cách cung cấp hàng núi tiền cho các quốc gia này, vốn đang phải xoay xở với nền kinh tế giảm tốc đáng kể, hậu quả của trượt giá hàng hóa và tín dụng hiếm hoi.

Sự lơ là của Mỹ mở cửa cho TQ bước vào Mỹ Latinh?

Trong những tuần vừa rồi tại Venezuela, TQ đã thương lượng những hợp đồng nhằm nhân đôi số vốn tại Venezuela lên tới 12 tỉ đô-la, cho Ecuador vay ít nhất 1 tỉ đô-la để xây dựng nhà máy thủy điện, giúp Argentina tiếp cận với hơn 10 tỉ đô-la bằng tiền tệ TQ và cho công ty dầu quốc gia của Brazil vay 10 tỉ đô-la. Những hợp đồng này phần lớn tập trung vào việc TQ chốt các nguồn tài nguyên như dầu cho nhiều năm tới.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, giao dịch thương mại của TQ với châu Mỹ Latinh đã gia tăng nhanh chóng, đưa TQ lên vị trí thứ hai chỉ sau Mỹ trong số những đối tác lớn nhất của khu vực. Nhưng kích cỡ và phạm vi của những khoản vay này đồng nghĩa với mức độ thâm nhập sâu hơn vào châu Mỹ Latinh tại thời điểm mà chính quyền Obama bắt đầu đề cập tới sự mai một của ảnh hưởng mà Washington có trên bán cầu.

“Đây là cách cán cân quyền lực âm thầm dịch chuyển trong thời điểm khủng hoảng”, ông David Rothkopf, cựu nhân viên của Bộ Thương mại từ thời chính quyền Clinton phát biểu. “Lượng tiền cho vay là ví dụ của sức mạnh của đồng tiền di chuyển tới những nơi mới trên thế giới, với sức mạnh của TQ ngày càng thể hiện rõ hơn.”

Cuối tuần trước, Tổng thống Obama đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo ở khu vực này và thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế, bao gồm một kế hoạch khôi phục Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, một trụ cột lớn có trụ sở tại Washington và vấp phải nhiều thua lỗ từ cuộc khủng hoảng. Các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ thúc giục ông Obama nới lỏng hơn nữa chính sách của Mỹ đối với Cuba.

Trong khi đó, TQ đang khẩn trương tăng nguồn vốn vay tại châu Mỹ Latinh bởi họ không chỉ theo đuổi mục đích dài hạn là thâm nhập vào các mặt hàng như đậu nành và quặng sắt, mà còn cả việc đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ.

Một trong những kí kết mới đây của TQ tại châu Mỹ Latinh là hợp đồng 10 tỉ đô-la với Argentina, cũng sẽ cung cấp cho Argentina nguồn tiếp cận đáng tin cậy vào tiền tệ TQ để giúp chi trả cho các khoản nhập khẩu từ TQ.

Điều này cũng giúp mở đường cho tiền tệ TQ sau này được sử dụng như một loại tiền tệ dự trữ thay thế. Hợp đồng này tương tự với nhiều hợp đồng khác mà TQ đã kí kết với các quốc gia như Hàn Quốc, Indonesia và Belarus.

Khi khủng hoảng tài chính bắt đầu tàn phá thị trường quốc tế hồi năm ngoái, Cục Dự trữ Liên bang đưa ra sắp đặt tiền tệ riêng với các ngân hàng trung ương trên thế giới, phát cho mỗi nước Brazil và Mexico 30 tỉ đô- la. (Brazil đã quyết định chưa động tay tới khoản cứu trợ này.)

Nhưng các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực bao gồm Argentina, vốn đang nỗ lực xóa tan nghi ngờ về khả năng chi trả các khoản nợ quốc tế lại bị bỏ rơi trong các hiệp định trên.

Chi tiết về sự sắp đặt của TQ với Argentina vẫn còn chưa sáng tỏ, nhưng một quan chức của ngân hàng trung ương Argentina phát biểu họ sẽ cho phép Argentina tránh sử dụng lượng đô-la ít ỏi của mình trong các giao dịch quốc tế. Sự tiếp quản của hàng tỉ đô-la trong các quỹ nghỉ hưu tư, cùng với nhiều động thái khác đã khiến người dân Argentina rút lượng tiền tương đương với 23 tỉ đô-la ra khỏi quốc gia này hồi năm ngoái.

Dante Sica, nhà kinh tế học hàng đầu tại Abeceb, một công ty tư vấn tại Buenos Aires, nói rằng các cuộc đàm phán của Trung Quốc trong khu vực có được kết quả là do “sự lơ là của Mỹ đối với châu Mỹ Latinh trong suốt thời gian Bush cầm quyền.”

Trung Quốc cũng đang giành giật các cơ hội tại châu Mỹ Latinh khi các nhà cho vay truyền thống mà Mỹ vốn thao túng như Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ đang đi tới giới hạn của mình.

Chỉ một khoản cho vay có dự tính của TQ là 10 tỉ đô-la cho công ty dầu quốc gia của Brazil đã tương đương với tổng con số 11.2 tỉ trong toàn bộ hoạt động tài chính của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ trong năm 2008. Ước tính Brazil sẽ sử dụng khoản cho vay này để khai thác ngoài khơi, đồng thời đồng ý xuất khẩu tới 100 ngàn thùng dầu cho TQ mỗi ngày.

Ngân hàng Liên Mỹ, nơi mà nước Mỹ có quyền phủ quyết trong vài vấn đề, đang cố gắng tăng số vốn lên gấp ba lần và tăng lượng cho vay tới 18 tỉ năm nay. Nhưng việc bổ sung vốn liên quan tới các cuộc thương lượng khá nhạy cảm giữa các quốc gia thành viên, và điều này càng làm khó cho ngân hàng này hơn sau khi thua lỗ gần 1 tỉ đô-la hồi năm ngoái.

TQ cũng sẽ có vai trò nhất định trong các cuộc đàm phán này sau khi trở thành thành viên của ngân hàng này năm nay.

TQ-Venezuela: Không ràng buộc hay cái giá phải trả chưa lộ diện

TQ cũng đã tiến quân vào các nước châu Mỹ Latinh nơi Mỹ vốn có ảnh hưởng không đáng kể như Venezuela.

Vào tháng hai, phó Chủ tịch nước TQ Tập Cận Bình đã tới Caracas để gặp gỡ Tổng thống Venezuela là Hugo Chávez. Hai ông đã tuyên bố rằng quỹ phát triển cho TQ hỗ trợ tại Venezuela sẽ tăng từ 6 lên tới 12 tỉ đô-la, mở đường cho Venezuela tiếp cận ngoại tệ mạnh trong khi đồng ý tăng lượng dầu vận chuyển tới TQ lên 1 triệu thùng một ngày từ mức 380 ngàn thùng.

Sự hài lòng của chính phủ Chávez với nguồn cứu trợ của TQ khác với các khoản cho vay đa phương khác bởi nó không có bất cứ sự ràng buộc nào, chẳng hạn như can thiệp vào hoạt động tài chính quốc gia. Nhưng quỹ này của TQ đã khơi mào cho nhiều chỉ trích từ các đối thủ của ông Chávez, cho rằng đây là sự lăng mạ đối với chủ quyền của Venezuela.

“Quỹ này là cú lừa đối với quốc gia,” ông Luis Díaz, một nhà làm luật phát biểu, cho rằng việc TQ kí kết giá dầu thấp từ ban đầu chính là cách Venezuela trả giá về sau.

Cho dù việc thắt chặt mối quan hệ với Venezuela và mở rộng nguồn vay tới các quốc gia khác đã đụng độ với Washington, sự hiện diện của Bắc Kinh không hề khoa trương, có lẽ do ý thức rằng mối quan hệ với Mỹ vẫn còn rất quan trọng. Nhưng sự kính trọng này có thể không kéo dài.

“Đây là cuộc chơi dài của TQ,” Gregory Chin, một nhà khoa học chính trị tại trường ĐH York ở Toronto nói. “Nếu điều này cuối cùng đồng nghĩa với ảnh hưởng chính trị, đó là lúc chúng ta biết cuộc chơi đã diễn ra như thế nào.”

Trung Quốc vào châu Phi, Nga, Mỹ Latinh, lấn sang Lào , Campuchia, Miến điện....

Tổng số lượt xem trang