Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

Thực hành dân chủ ...

Đồng Nai:
Dân chặn xe, đòi đóng cửa nhà máy rác gây ô nhiễm
23:42' 25/04/2009 (GMT+7)

- Liên tiếp trong các ngày từ 23 đến 25/4, hàng trăm người dân phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã bao vây trước cổng Nhà máy xử lý rác của Công ty Cổ phần Môi trường Đồng Xanh để chặn xe rác, phản đối việc gây ô nhiễm môi trường.

Người dân căng băng rôn phản đối nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm ở phường Trảng Dài, TP Biên Hoà, Đồng Nai. Ảnh: CTV

Đến chiều ngày 25/4, suốt 3 ngày liên tiếp, người dân vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng ngăn xe và bao vây nhà máy. Thậm chí họ còn căng băng rôn với dòng chữ “Vì sức khoẻ người dân, quá ô nhiễm môi trường, yêu cầu nhà máy ngưng hoạt động”; một số quá bức xúc còn dùng gỗ, đá, dây kẽm gai rào trước cổng để cản xe đổ rác vào nhà máy.

Nguyên nhân dẫn đến người dân phản ứng quyết liệt như trên là do rác trong nhà máy chất thành núi nhưng không được xử lý mùi hôi, nước rỉ từ rác thấm vào giếng nước của dân làm ô nhiễm nước ngầm và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Theo người dân, việc chặn xe, gây áp lực là nhằm mục đích yêu cầu ban lãnh đạo nhà máy đối thoại trực tiếp và đưa ra được lộ trình cam kết di dời. Tuy nhiên đến nay, những người dân phản đối vẫn chưa nhận được câu trả lời rõ ràng.

---

Dân cản trở thi công, nhà đầu tư “kêu cứu”

TT (QUẢNG NGÃI) - Ngày 25-4, tin từ ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) cho biết ông Lin Chung Toung, giám đốc Công ty TNHH Guang Lian Steel (Đài Loan), vừa gửi công văn “kêu cứu” UBND tỉnh Quảng Ngãi giải quyết vấn đề người dân liên tục cản trở công ty triển khai dự án luyện cán thép tại Khu kinh tế Dung Quất.

Từ giữa tháng 12-2008 đến nay, nhiều người dân liên tục rào đường ngăn cản không cho nhân viên vào văn phòng làm việc khiến tiến độ dự án bị chậm và kéo dài.

Về việc này, ông Võ Tiến Dũng - phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất - lý giải: sở dĩ người dân cản trở Công ty Guang Lian Steel xây dựng nhà máy luyện cán thép là do bức xúc chuyện đền bù chưa thỏa đáng. Do quá trình giải phóng mặt bằng (giai đoạn 1) diễn ra trong thời gian dài từ 2004-2008 nên cùng một dự án nhưng giá đền bù quá chênh lệch theo từng năm. Nếu như năm 2004, mức đền bù đất nông nghiệp chỉ 5.000 đồng/m2 thì đến năm 2008 tăng vọt đến 98.000 đồng/m2.

Người dân chấp hành chủ trương của Nhà nước tình nguyện đi trước phải chịu nhiều thiệt thòi, những người “chây ì” đi sau lại được đền bù đất với giá cao. Nhận thấy không công bằng, những người đi trước bức xúc quay về gây cản trở thi công nhà máy luyện cán thép để đòi quyền lợi.

Công ty TNHH Guang Lian Steel đầu tư nhà máy luyện cán thép tại Khu kinh tế Dung Quất với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỉ USD. Giai đoạn 1 có hơn 1.000 hộ dân ở hai xã Bình Đông và Bình Thuận, huyện Bình Sơn phải di dời chỗ ở nhường khoảng 230ha đất cho dự án này.



Tổng số lượt xem trang