Một Đại Diện Cho Nạn Nhân Vedan
Nhiều người im lặng khi Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói: “Không nên quá nặng nề bàn khái niệm hỗ trợ hay đền bù”. Nhưng, ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng trong cuộc họp hôm 11-5, thì gay gắt: “Không thể muốn đền bù thì đền bù, muốn hỗ trợ thì hỗ trợ”. Có lẽ vì, sinh sống ở địa phương, ông Thới nhìn thấy vấn đề không chỉ là năm hay mười tỷ, mà còn là danh dự của nông dân và danh dự của một nhà nước có kỷ cương, pháp luật.
Ngày 19-9-2008, “sau 8 giờ tranh cãi”, Vedan đã ký thừa nhận “10 nội dung sai phạm”. Sông Thị Vải “chết” là bởi thủ phạm chính Vedan đã xả những chất thải không qua xử lý. Nhiều năm qua, hàng chục ngàn hộ nông dân nuôi trồng thủy sản đã điêu đứng vì nước sông bị ô nhiễm. Với cương vị của một nhà ban hành chính sách, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên hẳn sẽ phải nhận ra trách nhiệm khi thấy pháp luật đã có quá nhiều kẽ hở; đến nỗi: bắt “quả tang” những kẻ âm mưu, gian dối, lắp đặt bí mật đường ống, xả chất thải “giết chết” dòng sông, mà không thể truy tố ra tòa.
Sẽ là xúc phạm nông dân khi gọi khoản bồi thường những thiệt hại ấy là “hỗ trợ”. Những nông dân ấy phải được nhận lại phần thiệt hại do Vedan gây ra mà không phải “thọ ơn”. Đã gọi là bồi thường thì Vedan có thể yêu cầu định lượng. Nhưng, vấn đề là thiệt hại bao nhiêu chứ không phải là có thiệt hại hay không. Chính Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng vừa nhìn nhận: “Khi Vedan ngưng xả thải thì nước sông Thị Vải lại xanh”.
Vedan cứ “cò cưa” vì họ biết, người nông dân có thể nhìn thấy cá chết, lúa chết, chén cơm vơi đi, lu nước đầy cặn; nhưng, nếu đòi “định lượng” thì họ sẽ bó tay. Vedan biết, sẽ có những chứng cứ mà người dân không tự thu thập được, và chưa có ai thực sự giúp nông dân.
Việc các nạn nhân gửi đơn kiện đến Tòa án huyện Long Thành, nơi có trụ sở Công ty Vedan, yêu cầu tòa giải quyết là đúng trình tự tố tụng. Với một vụ án phức tạp như vậy, Tòa hoàn toàn có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức liên quan giúp dân thu thập chứng cứ; hoặc đích thân Tòa thu thập chứng cứ. Tiếc thay, Tòa lại trả đơn vì nông dân không thể chứng minh những thiệt hại của mình.
Ở Đồng Nai, Hội Nông dân đã phải trình thường trực Tỉnh ủy, “xin phép phối hợp với các ngành chức năng”. Tuy nhiên, tại công văn ngày 28-10-2008, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Hội “hướng dẫn nông dân viết đơn riêng gửi đến Vedan để yêu cầu bồi thường”. Nhưng, có những khi, nông dân mang đơn tới Vedan, cho dù có cả đại diện Hội Nông dân xã đi theo, vẫn không nộp được vì bảo vệ Vedan không cho vào cửa.
Theo ông Bùi Cách Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Môi trường: “Về mặt khoa học, có thể tính toán để đưa ra các con số về ô nhiễm và thiệt hại”. Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, TS Nguyễn Ngọc Sinh cho biết, Hội đã “có nhã ý đứng ra nhận công việc hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở để đòi đền bù đúng pháp luật. Rất tiếc là việc đó vẫn chưa thực hiện được”. Hội Nông dân sở tại thì “vướng chủ trương”, không ai thực sự đại diện cho những nông dân này để mời các nhà khoa học như TS Sinh truy tìm bằng chứng.
Con số mà nông dân, chỉ riêng TP HCM và Đồng Nai, yêu cầu Vedan bồi thường đã lên đến 445 tỷ. Thế nhưng, đến nay Vedan chỉ mới đưa ra mức “hỗ trợ” cho nông dân khoảng 25 tỷ mà thôi. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói, ông “đã làm việc với nhiều thế hệ Tổng giám đốc Vedan” và, “đây là lần đầu tiên Vedan giữ lời hứa”. Lời hứa mà ông Nguyên nói là Vedan không còn xả nước ô nhiễm ra sông. Nếu pháp luật không nghiêm và nếu nông dân không có ai thực sự là đại diện thì không có gì đảm bảo rằng Vedan sẽ “bồi thường” cũng như trước đây họ chưa từng làm như những gì đã hứa.
Nếu như, ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có thể bày tỏ một thái độ gay gắt với Vedan thì ở Đồng Nai, nơi đặt nhà máy Vedan, thái độ của chính quyền lại khá là “mềm dẻo”. Hội Nông dân phải “xin ý kiến” và không phải là lúc nào họ cũng có thể hành động như ý nguyện của nông dân. Đấy chính là một khoảng trống mà những “đại gia” như Vedan khai thác. Hệ thống Chính trị rõ ràng là phải tìm ra giải pháp, để lấp đầy những khoảng trống ấy, nếu muốn bảo vệ người dân.
Hai tuần trước, ở Biên Hòa, hơn 500 nông dân đã phải bao vây một nhà máy rác vì kiến nghị về tình trạng ô nhiễm ở nhà máy này của họ đã bị bỏ qua. Nếu có một tổ chức có thể giúp làm cho chính quyền lắng nghe đề nghị của họ thì 500 nông dân này đã không phải dùng tới giải pháp ấy. Với những con sông chảy qua nhiều nhà máy như Thị Vải, rất cần có một tổ chức riêng, hoàn toàn độc lập để bảo vệ môi trường, thu thập từ những chứng cứ đầu tiên, phát hiện các thủ phạm và ngăn chặn ô nhiễm từ trong trứng nước.
Chính quyền không thể ra lệnh cho tòa án đứng về một phía. Chính quyền cũng không thể để Vedan xâm phạm quyền lợi của nông dân. Trường hợp của Vedan cho thấy chính quyền không thể “bao sân” mọi việc.