Thứ Hai, 1 tháng 6, 2009

Trái phiếu Chính phủ: Người Việt khó đến hàng Việt---Cho thôi việc nữ Thạc sĩ xuyên tạc đạo đức nhà giáo

Cho thôi việc nữ Thạc sĩ xuyên tạc đạo đức nhà giáo
(Dân trí) - Ngày 1/6, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đã công bố quyết định cho thôi việc đối với một Thạc sĩ đang công tác trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Người bị buộc thôi việc là Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hạnh (28 tuổi), giáo viên giảng dạy môn Văn tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong quá trình công tác, cô giáo này đã lợi dụng bục giảng của nhà trường để nói những điều không tốt, không chính xác về nghề giáo, về Đảng và chủ trương pháp luật của Nhà nước.

Quyết định thôi việc nêu rõ: Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh đã vi phạm nghiêm trọng trong việc xuyên tạc đạo đức nhà giáo; sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách Nhà nước; xuyên tạc đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhập khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hạnh tốt nghiệp Đại học và bảo vệ luận án Thạc sĩ văn tại Trường Đại học Đà Lạt. Tháng 9/2007, cô Hạnh được nhận vào giảng dạy tại Trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm theo diện thu hút nhân tài của tỉnh Quảng Nam.

------------
Chuyện là thế nào nhỉ ??? sao không nói rõ nhỉ ??? trang nào là phản động, phản giáo dục ????
------------

VietBao: Mười hai lần thất bại liên tục trong chương trình phát hành trái phiếu Chính phủ (hoặc được Chính phủ bảo lãnh) đã giúp thêm chút hương vị để có thể giải thích chuyện kích cầu nội địa và người Việt hàng Việt vẫn mãi là câu chuyện chính ta làm phiền ta.

Cung “hàng nội” không chịu gặp cầu

Tổng kết phát hành sáu tháng: kho bạc Nhà nước năm lần đấu thầu trái phiếu với những khối lượng lớn nhưng chỉ bán được trên dưới 100 tỉ đồng. Ngân hàng Phát triển Việt Nam đấu thầu ba lần nhưng không ai mua.

Ngân hàng Chính sách xã hội đấu thầu bốn lần cũng không ai mua. Thiết kế và sản xuất nhưng không bán được. Hụt hẫng tạo vốn cho ngân sách – loại hàng vốn tư bản làm nhiên liệu cơ sở cho chương trình kích cầu kinh tế – kích cầu nội địa.

Phiên đấu giá 2.000 tỉ đồng trái phiếu kho bạc Nhà nước ngày 19/5. Không ai mua. Tại sao? Không đạt được lãi suất kỳ vọng. Bên bán rao lãi suất trần 8,1% cho kỳ hạn hai năm và 8,3% cho kỳ hạn ba năm. Bên mua yêu cầu 8,8% và 10%.

Phiên đấu giá 500 tỉ đồng trái phiếu ngày 29/5. Không ai mua. Tại sao? không đạt được kỳ vọng về lãi suất. Bên bán rao lãi suất trần cao nhất 8,5%. Bên mua yêu cầu thấp nhất là 9,25% và cao nhất 13,5%.

Phiên đấu giá 500 tỉ đồng trái phiếu ngày 27/5 của công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam được Chính phủ bảo lãnh. Không ai mua. Tại sao? Không đạt được kỳ vọng về lãi suất. Bên bán rao lãi suất trần cao nhất 8,8%. Bên mua yêu cầu thấp nhất là 9,7% và cao nhất 10,5%.

Tổng kết thất bại sáu tháng: bên bán (cung – Chính phủ) đã liên tục làm ngơ không lắng nghe bên mua (cầu – thị trường). Bên mua yêu cầu và cần chất lượng mẩu mã đúng chuẩn (lãi suất) và phù hợp với thời gian tiêu dùng. Bên bán vẫn không chịu thay đổi hoặc điều chỉnh chất lượng và mẫu mã (lãi suất) theo thị hiếu và khẩu vị của bên mua. Bên mua phải rời bỏ loại hàng trái phiếu Chính phủ để đến với những loại hàng khác như USD, vàng, cổ phiếu, tín dụng…

Mười hai lần liên tục từ thất bại này đến thất bại khác. Mười hai lần bên bán (bộ Tài chính) góp phần làm méo hàng hoá trong thị trường nội địa. Mười hai lần “cung không chịu gặp cầu”.

Cầu đã muốn gặp cung “hàng ngoại”

Ngày 20, 24 và 27/3, các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ với tổng số dự định 300 triệu USD và đã huy động được là 230,11 triệu USD. Đây cũng là đợt phát hành đầu tiên trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ trong chương trình tạo vốn bù đắp thiếu hụt ngân sách.

Ảnh minh họa

Trong phiên đầu tiên đấu thầu 100 triệu USD với kỳ hạn một năm, có 30 người mua tham gia với tổng số tiền dự thầu lên gần 766 triệu, 100 triệu USD đã huy động với lãi suất 3%/năm.

Trong phiên thứ hai đầu thầu 100 triệu USD với kỳ hạn hai năm, có 13 người mua tham gia và đã bán được 80,01 triệu USD với lãi suất 3,2%/năm.

Trong phiên cuối cùng đấu thầu 100 triệu USD với kỳ hạn ba năm, có bảy người mua tham gia và đã bán được 50,1 triệu USD, lãi suất 3,6%/năm.

Qua ba phiên cần bán 300 triệu USD và đã bán được 230,11 triệu USD. Mặc dù đã không bán hết lượng hàng nhưng không phải là những thất bại liên tục.

Đâu phải bởi người mua

Vẫn một cửa hàng và vẫn một người bán (Chính phủ). Hai món hàng VND và USD. Mười hai lần không bán được hoặc bán rất ít (mua lấy lệ) món hàng VND. Ba lần bán được gồm một lần bán hết và hai lần bán gần hết món hàng USD. Thế thì nguyên nhân cốt lõi của bán được và không bán được của hai món hàng này là do bên bán hoặc bên mua?

Trong thương trường tự do (thuận mua vừa bán) và đặc biệt là đối mặt với món hàng đã được những nơi nổi tiếng sản xuất – chào bán và được bảo hành – bảo đảm thì hoạ hoằn lắm mới có chuyện không bán được hàng vì bên mua. Không bán được hàng vì những lý do không liên quan gì đến chất lượng mẫu mã thường rơi vào một trong những tình huống bị “tẩy chay” – hầu hết bên mua “tẩy chay”.

Người Việt vẫn đang hàng ngày sử dụng tiền VND nhưng không mua trái phiếu VND thì không phải là người Việt tự “tẩy chay” VND mà là do bên mua không và chưa hài lòng với chất lượng mẫu mã của mặt hàng là loại trái phiếu VND này.

VND là mặt hàng không những rất đặc biệt về giá trị kinh tế mà còn thể hiện giá trị của quốc thể. Ngay trong thị trường nợ nội địa mà người Việt không mua trái phiếu tiền Việt nhưng sẵn sàng mua trái phiếu tiền USD từ Chính phủ – một người bán uy tín hàng đầu thì rõ ràng đó là vấn đề và câu chuyện của bên bán. Mười hai lần không bán được – không tiêu thụ được thì “đâu phải bởi bên mua”.

Từ hàng hoá trái phiếu nhìn hàng hoá tiêu dùng

Đành rằng không thể so sánh một – một hoặc hai – hai loại hàng hoá vĩ mô của chính sách tiền tệ và tài khoá với loại hàng hoá vi mô của sản xuất tiêu dùng nhưng ít ra cũng đã cho chúng ta thấy và cảm nhận được những “vấn đề” rất thật và rất nóng bỏng: điều gì và tại sao chương trình – kế hoạch kích cầu kinh tế – kích cầu nội địa hiện nay vẫn có nhiều dấu hỏi rải rác liên tục nhiều nơi mà không là một dấu hỏi cô đọng lớn và đậm nét?

Kích cầu nội địa – người Việt hàng Việt không thể không có và thiếu vai trò lớn của Chính phủ và Nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, ngoài vai trò là người mua – tiêu dùng chiến lược, người mua – đầu tư sau cùng thì Chính phủ và Nhà nước còn phải đóng vai trò của người bán – thiết kế hàng đầu – người bán – sản xuất chất lượng cao cho thị trường nội địa.

Cái quán tính xơ cứng, ít sẵn lòng lắng nghe điều đúng mặc dù lắm khi khó nghe, ít sẵn sàng tiếp cận đúng chỗ đúng nơi, ít sẵn trí thay đổi hoặc điều chỉnh đúng sự việc... đã phần nào kìm hãm và làm lệch những vai trò tích cực cần thiết đó.

Mười hai lần liên tục “cung không gặp cầu” của loại hàng hoá vốn này đã cho thấy được điều gì và cần ứng xử như thế nào? Hàng Việt Nam – người bán hàng Việt Nam vẫn còn những khoảng cách khá xa. Có phải trong khi chờ đợi Bộ Tài chính, thay mặt Chính phủ và Nhà nước thiết kế – điều chỉnh – thay thế mẫu mã chất lượng, người Việt sẽ và phải tìm đến với trái phiếu USD? Có lẽ là thế và như thế. Không chạnh lòng không được.

(theo Sài Gòn tiếp thị)

-----------------

Có lẽ cần nghĩ tới cung - cầu : trên nhiều lĩnh vực ... đâu có thể ép được ...

Tổng số lượt xem trang