Xin nói ngay entry này không phải nói đến tướng Trần Văn Thanh, nguyên Chánh thanh tra Bộ Công an sắp hầu tòa do ân oán cũ bên sông Hàn; cũng không phải nói đến tướng Trần Văn Nho, nguyên chánh văn phòng Cơ quan CSĐT suýt bị khởi tố… mà là một vị tướng rất nổi danh! Ông là thiếu tướng Phạm Chuyên, nguyên giám đốc Công an Hà Nội. Một thông tin khá “nóng” là tướng về hưu Phạm Chuyên vừa phải ngồi viết kiểm điểm do đã thực hiện quyền “tự do ngôn luận” của công dân trên báo chí. Ông chính là tác giả viết bài “Một đề án… có mùi” trên An Ninh Thủ Đô, bài báo khiến cho tờ báo phải cắn răng nộp 5 triệu tiền phạt, TBT Đào Lê Bình cắn răng nhận án kỷ luật khiển trách vì hành vi “đưa tin sai sự thật” mà chưa rõ sai ở chi tiết nào! Vậy Phạm Chuyên là ai mà dám “giỡn” với Phó Thủ tướng phụ trách báo chí?
Tướng Phạm Chuyên sinh năm 1943, quê quán huyện Kiến Xương, Thái Bình. Tốt nghiệp đại học An ninh, cũng đồng thời là cử nhân Văn chương của đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông là Ủy viên Ủy ban Thường vụ thành ủy Hà Nội, giám đốc Công an Hà Nội; Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội hai khóa liền. Thời kỳ tướng Chuyên “cầm cờ” ở Hà Nội, công an TP được vinh hạnh đón danh hiệu Anh hùng. Trước lễ đón danh hiệu, Công an Hà Nội không họp báo, không có những cuốn phim “chuyên đề” trên truyền hình. Hôm đại lễ, quan khách phải đậu xe dọc hai bên đường Trần Hưng Đạo và buổi lễ diễn ra rất gọn ngay tại trụ sở Công an thành phố, trong tòa nhà cũ kỹ từ thời Pháp. .Tại sao ông lại từ chối các cuộc phỏng vấn báo chí, thưa ông? +Tôi nghĩ đơn giản vì người dân họ không quan tâm đến danh hiệu ấy, mà họ quan tâm công an Hà Nội đã làm được gì. Ví dụ như cuộc sống của họ ở phố, phường có được an toàn không, khi có việc yêu cầu đến công an có được đáp ứng không? Nên chúng tôi không nghĩ đến việc làm ầm ĩ lên. Thứ hai, một người biết tự trọng thì không bao giờ nghĩ rằng cái gì mình làm cũng tốt cả. Quân của tôi có một vạn người thì có người làm tốt, người làm chưa tốt, có người tốt nhiều, người tốt ít, thậm chí có người vi phạm, người sai phạm. Mà cái ấy ở tất cả các mặt, từ quản lý hành chính đến tư pháp. .Nhưng ít ra buổi lễ đón danh hiệu cao quý bậc nhất cũng nên thuê cái hội trường cho sang chứ, thưa ông? +Sống giữa lòng Hà Nội anh sẽ thấy khiêm nhường là một trong những đặc tính của người Hà Nội. Một trùng hợp lý thú, ý tưởng tổ chức một buổi lễ giản dị như thế rất phù hợp với đồng chí Trần Đức Lương. Tôi chủ động đưa ra hai phương án, một là thuê một nơi trang trọng như mọi người vẫn làm và hai là tổ chức ngay tại trụ sở thì Chủ tịch nước đồng ý với tôi là tổ chức ở trụ sở. Do đó tôi nghĩ phải tổ chức sao cho giản dị và đây cũng là dịp mà anh Trần Đức Lương đến thăm anh em, chứ không chỉ là cuộc Chủ tịch nước đến trao danh hiệu Anh hùng cho Công an Hà Nội. Khi Chủ tịch đến ông đã thăm nơi làm việc của cán bộ, thăm nhà ăn trước khi vào hội trường. Tại đây Chủ tịch thấy rằng phương tiện không có gì, hết sức khiêm tốn và ông cũng bất ngờ là tại sao làm công việc phức tạp đến như thế, khó khăn như thế, trong thời đại như thế mà phương tiện của cán bộ lại ít ỏi như thế này. Từ trang bị làm việc đến bàn ghế… Và ngay tại đó Chủ tịch đã nói với đồng chí bộ trưởng là có đề nghị thế nào đó có khoản kinh phí cần thiết. .Là lực lượng giữ nhiệm vụ vô cùng quan trọng ở Thủ đô, lẽ ra công an Hà Nội đã phải đề xuất điều đó từ lâu, sao lại để chủ tịch nước phải có ý kiến với bộ? +Tôi và tập thể lãnh đạo thống nhất là cần phải lo cho những nơi trực tiếp chiến đấu, lo cho quận, huyện, lo cho phường trước, ở trên lo sau. Đặt vấn đề như thế bởi vì bộ phận lãnh đạo chỉ là nơi đề ra chủ trương, giải pháp, đường lối, còn người thực hiện chính là anh em ở dưới. Tuy nhiên tôi có chăm lo cho bên dưới cũng không thấm tháp gì so với đòi hỏi của thực tế và đời sống xã hội Hà Nội. Anh đi gặp anh em công an ngoài đường mà xem, thấy có trang bị gì đặc biệt đâu ngoài bộ quần áo và hai bàn tay.
Oan một công dân thì khủng khiếp lắm Làm giám đốc công an, thiếu tướng Phạm Chuyên cũng là đại biểu thuộc đoàn Hà Nội hai khóa X và XI. Khi thảo luận về Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, ông là một trong những ý kiến hiếm hoi thuộc ngành công an ủng hộ sự tham gia của luật sư. “Vì giả sử khi hỏi cung luật sư ký vào, ra tòa bị cáo khai bị ép cung thì chìa ra “đây, chữ ký luật sư đây” để bác bỏ ngay. Có cái khổ cho ta là công an không được có mặt ở phiên tòa” - ông bảo. Thiếu tướng Chuyên cũng từng thẳng thắn phê bình sự tụt hậu về tư duy của một số cán bộ tư pháp “Nghị quyết 08 đưa tranh tụng, dư luận hưởng ứng rầm rầm. Thế nhưng qua mấy vụ án thấy luật sư sắc sảo quá, bên kia đuối lý. Từ đó thấy tranh tụng nguy hiểm nên một số người tìm cách thay bằng chữ “tranh luận”. Đã mấy lần họ định sửa nhưng Chủ tịch nước quyết làm tôi kính nể”.
.Có lần ông tâm sự rằng nhiệm vụ của công an không phải là triệt được bao nhiêu tội phạm, mà chính là giữ để tội phạm không hoạt động được. Quan điểm ấy có thụ động không?
+Không hề thụ động. Cố bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã nói trước hết là tự bảo vệ mình. Bảo vệ mình không phải là bảo vệ công an, mà là bảo vệ Đảng, bảo vệ dân, rồi mới nói tấn công tội phạm. Câu dạy ấy cực kỳ hay. Ví dụ đấu tranh chống tội phạm kinh tế đối với chúng tôi không phải mục đích là tìm ra những vụ án to, mà là tìm ra được những sơ hở và kiến nghị ngay để chấm dứt sơ hở ấy. Chứ không phải chăm chăm nhìn ra sai phạm, để nó tích lũy vào rồi làm một vụ án to. Chính vì thế đến nay Hà Nội không có những vụ án kinh tế thật lớn. Anh phải biết là một năm có hàng chục kiến nghị của Công an Hà Nội, rằng đất đai đã sơ hở thế này, quota đã sơ hở thế này, thuế GTGT sơ hở thế này v.v… rồi kiến nghị. Từ đấy đã không xảy ra những vụ to nữa, và tôi nghĩ làm việc đó mới là quan trọng. Ngay các nhà kinh tế họ cũng mong muốn chuyện đó, không muốn vi phạm lớn hơn.
.Nhưng đang có quan điểm đối với tội phạm kinh tế và chức vụ là phát hiện được là diệt, trừng trị ngay, bởi dân đang rất bức xúc?
+Mác hay Lênin nói tôi không nhớ rõ, đại ý rằng trừng trị tội phạm không phải là mục đích của cộng sản, mà là vạch trần tội phạm, làm rõ tội phạm. Cho nên tôi không quan tâm đến việc án nặng hay án nhẹ, mà là tội phạm ấy có bị vạch trần, có bị ngăn chặn sớm và có bù đắp được thiệt hại cho xã hội hay không.
.Trên tư tưởng ấy có phải là sẽ có những vụ mà công an đã phát hiện nhưng không xử lý không, thưa ông?
+Không, vấn đề là khi phạm pháp xảy ra công an phải chặn được, đấy là quan trọng nhất. Còn xử lý mức độ nào thì có luật pháp rồi. Còn luật của mình, như anh biết, riêng chuyện đặt tiền với tội phạm kinh tế cũng đã được đưa ra Quốc hội thảo luận sôi nổi, nhưng vẫn là hai ý kiến. Một loại là cho đặt tiền chuộc, tiền cược để được tại ngoại, rồi nếu người ta bù đắp thiệt hại thì tính cho người ta vì không còn hại về mặt xã hội nữa. Thế nhưng có ý kiến ngược lại, cứ phải tù cho nặng, bởi họ ví von là người ăn cắp một hai trăm ngàn đồng là bị bỏ tù, đằng này tham ô hàng triệu bạc tại sao anh không bỏ tù.
.Ông cũng từ đề nghị bàn xem có nên bỏ án tử hình tội kinh tế không?
+Đúng. Nhưng hiện đang có quan điểm: Cộng đồng châu Âu không chấp nhận án tử hình, ai để án tử hình không được kết nạp vào EU. Thế nhưng Mỹ là nước dân chủ nhất lại vẫn để án tử hình, hay nước Nga có thời kỳ bỏ, nay lại phục hồi. Bàn vì vấn đề vô cùng phức tạp, có liên quan đến bản sắc văn hóa và truyền thống tư pháp. Á đông còn có hình phạt “chu di tam tộc” cơ mà.
.Ông là người lãnh đạo, quản lý một lực lượng hơn một vạn cán bộ chiến sĩ, tại sao ông lại say mê những vấn đề về khoa học tư pháp như thế?
+Trong công an có phần chức năng quản lý hành chính nhà nước, nhưng lại có phần tư pháp. Thực sự cái sai về mặt hành chính có đụng chạm đến lợi ích của người dân, nhưng tác động không nghiêm trọng bằng sai trong tư pháp. Nếu bỏ lọt tội phạm thì đã có tội với xã hội rồi, nhưng nếu làm oan một người công dân thì điều đó đó khủng khiếp lắm. Những chuyện bắt, giam, giữ tôi luôn luôn canh cánh bên lòng, luôn luôn phải đặt lên hàng đầu trong suy nghĩ và chỉ đạo công việc. Nói thật với anh tôi không dám buông lỏng khâu này: từ cái nhà tạm giữ, nhà tạm giam phải như thế nào, đến chuyện xét hỏi người ta phải ra sao. Trong cuộc đối đầu bằng vũ lực, súng đạn với bọn tội phạm thì phải kiên quyết, ở đấy không có sự nhân đạo bởi giữa cái sống và cái chết tôi phải bắn, vì chúng có thể bắn người dân. Nhưng khi đối tượng đã nằm trong tay thì có thể nói có hai con người, một con người phạm tội và một con người còn có tính người và những quyền con người. Thế thì anh phải đối xử thế nào, chứ không thể mang cái khí thế đối mặt giữa cái sống cái chết ở bên ngoài vào khi người ta đã trong tay anh.
Trót nhận rồi thì ăn nói làm sao?
.Thủ tướng Phan Văn Khải từng tâm sự rằng “canh cánh trong lòng đến khi về hưu là sự hư hỏng của bộ máy”. Công an cũng không loại trừ. Ông chia sẻ quan điểm ấy của Thủ tướng thế nào khi mà trong một vạn cán bộ chiến sĩ dưới quyền có “người tốt nhiều, người tốt ít”?
+Có thể nói khi có cái “canh cánh” ấy phải đọc thấy trong suy nghĩ của Thủ tướng là Thủ tướng vẫn đánh giá đại bộ phận cán bộ là tốt, mà do chỉ muốn tốt hơn nên “canh cánh” thôi. Cũng như tôi chẳng hạn, tôi có thể nhìn thấy khuyết điểm của chính tôi, của cán bộ tôi, nhưng về cơ bản đại bộ phận cán bộ tôi người ta rất tốt. Bởi nếu không tốt thì đất nước không như thế này, thủ đô không như thế này. Cho nên có nhìn thấy cái tốt ấy thì mới biết lo, biết trăn trở những việc chưa tốt. Nhưng không phải vì trăn trở cái chưa tốt mà nói tất cả đều không tốt. Đó cũng như một câu Thủ tướng phát biểu trong Quốc hội lần này mà tôi rất chia sẻ, tôi coi như một lời tâm sự của một vị đứng đầu. Ông nói “cần nhấn mạnh tất cả các mặt yếu kém tồn tại chúng ta đã biết từ lâu và chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét”. Câu ấy là một sự tự phê bình cũng đúng, là một lời tâm sự cũng đúng. Bản thân sự tự phê bình, tâm sự ấy có sức mạnh, vì người ta đã biết. Còn cái người ta đã cố gắng làm, chưa làm được thì có muôn vàn lý do. Có thể lý do vì chính bộ máy, lý do nữa có khi lãnh đạo đã có tư duy đi trước, nhưng tư duy ấy chưa kéo theo được tư duy của cả bộ máy thì cũng không làm được. Có trường hợp ngược lại tư duy số đông đã vượt trước mà tư duy lãnh đạo chưa vượt kịp. Trong lời tự sự này tôi có niềm tin rằng việc ấy lãnh đạo đã biết. Và khi đã biết rồi thì chúng ta sẽ có những chuyển biến. Cái đã biết của lãnh đạo nếu nhân dân cùng đồng thuận, chia sẻ thì sẽ tạo thành sức mạnh.
.Bài tổng kết hoạt động Công an Hà Nội năm ngoái đã không có những con số, lại đầy những tâm trạng. Đó cũng là thời điểm sau hàng loạt dư luận đồn đãi. Vì sao thế thưa ông?
+Nói thật với anh là chưa có một nghề nào lại được tiếp xúc với cả người tốt và người xấu nhiều như nghề công an. Có những chuyện nói ra được, không nói ra được, và thông thường những điều nói ra được người ta dễ thoải mái và những điều không nói ra được thì nhiều tâm trạng. Người ta ai cũng mong muốn cái tốt nhiều lên và cái xấu nó ít đi.
.Trong bài tổng kết đó ông dặn dò cán bộ chiến sĩ của mình một câu rằng phải cảnh giác với những ai cứ làm quen, tặng quà cho mình quá mức mà lại... không yêu cầu gì. Có phải ông rút kinh nghiệm từ cá nhân?
+Tôi cứ cảm nhận thế, chứ đâu có kinh nghiệm gì.
.Vậy không yêu cầu gì thì hoàn toàn có thể nhận vì đó là quan hệ dân sự?
+“Không yêu cầu gì” là cái mà người ta chưa nói ra và rồi đến ngày người ta nói ra thì anh biết nói làm sao? Chẳng có kẻ nào đưa quà vì mục đích xấu mà lại nói ngay là tôi đưa cái này để anh làm cho tôi cái kia. Nhưng mà nếu anh lỡ nhận rồi thì anh biết nói năng làm sao? Cho nên tôi yêu cầu không được phép, phải tỉnh táo trước những cái đó và quả thực sự tỉnh táo không dễ một tý nào. Nói thì dễ mà làm thì khó, mà công an càng dễ gặp hơn bởi một cơ quan có quyền lực gắn chặt với luật pháp thì ghê gớm lắm, cho nên phải luôn luôn đề phòng, tôi nghĩ vậy.
Cảnh sát rất tâm hồn Buổi họp tổ của Đoàn Hà Nội - Cao Bằng, phó Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa trung ương Hồng Vinh gọi thiếu tướng Phạm Chuyên là ông “cảnh sát nhưng tâm hồn rất con người”. Bởi lẽ nhiều bút ký, bài báo do thiếu tướng Phạm Chuyên chấp bút với các bút danh Minh Quang, Lò Văn Minh đã làm ngạc nhiên không chỉ giới báo chí…. Nhưng ngạc nhiên hơn cả là việc ông Chuyên “dám” ra lệnh giữ xe vi phạm luật giao thông ngay cả khi chưa có luật.
.Làm quản lý, thực hiện nghĩa vụ của Đại biểu Quốc hội, lo đảm bảo an toàn xã hội và an ninh cho thủ đô, nghiên cứu về khoa học tư pháp, ông vẫn dành thì giờ tham gia viết văn, viết báo. Vì sao?
+Tốt nhất không trả lời về cái riêng của tôi, và để tự tôi viết ra thì hay hơn.
.Nhưng nhiều người thắc mắc rằng học văn, yêu văn như thế, sao ông lại đi làm cảnh sát?
+Đời sắp đặt chứ làm sao cố mà chọn được. Ai bảo “tôi chọn cho tôi cái này” có lẽ là họ nhầm.
.Quyết định của Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng có phải vì thành tích bảo vệ ASEM không?
+.Không, mà cả quá trình đổi mới. Chủ tịch ký từ 7-10, mà ASEM ngày 8,9-10 mới diễn ra.
.Nhưng lần đầu bảo vệ mấy chục nguyên thủ đến từ các nước lớn thì chắc chắc ông lo lắm?
+Tất nhiên là phải lo, nhưng lo trong niềm tin, tôi tin vào ý thức chính trị của người dân Hà Nội. Có thể nói người dân Hà Nội đã sống trong tất cả các thời kỳ vất vả nhất, phức tạp nhất mà người ta còn làm được bao nhiêu việc nữa là ASEM này. Lo thì không được chủ quan, nhưng lại phải tin. Người lo mà không tin thì nguy.
.Không chỉ ASEM mà người ta nhắc đến ông Chuyên bởi một hành động gây sốc mà sau đấy tạo đà cho Chính phủ trong lập lại trật tự giao thông, là ký mệnh lệnh 04 tạm giữ các phương tiện vi phạm luật giao thông, điều chưa từng có trong luật. Khi ký ông nghĩ gì?
+Thì bây giờ việc đó đã được hợp thức hóa. Tôi nghĩ đơn giản là khi ấy bức xúc của nhân dân về trật tự giao thông không thể chịu đựng được nữa rồi. Hà Nội nếu không có việc đó thì không đi lại được nữa. Anh còn nhớ khi đó người ta xung đột ở các ngã ba, ngã tư gây tắc nghẽn kinh khủng. Mặt khác tôi cũng yên tâm là trong cuộc họp với đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tôi có đưa ra câu hỏi “tôi làm như thế anh đồng ý không?”, đồng chí đồng ý. Từ hai cơ sở ấy tôi quyết định, và tất nhiên đấy là một quyết định mạo hiểm bởi nếu không thành công hoặc người ta tán ra, tán vào thì tôi có thể bị kỷ luật. Tôi thì chỉ muốn người dân Hà Nội đi lại được, không bị tắc nghẽn và ít xung đột, tức là ít người chết, hay bị thương, thế là tôi làm. Rồi thành ủy ủng hộ, cho nên Hà Nội văn hóa hơn nhưng luật pháp phải nghiêm hơn. Cứ nói Hà Nội là trung tâm văn hóa nhưng “thanh lịch, hào hoa” thì đo bằng gì? Nhưng văn hóa đo được ngay bằng việc chấp hành luật pháp, cho nên phải làm mạnh, làm nghiêm.
.Đối với hiệu quả kinh tế xã hội thì mệnh lệnh 04 thấy rất rõ?
+Rõ chứ, người dân đi lại yên tâm hơn nhiều. Giờ tôi lo nhất lại là người đi bộ. Người dân ta chưa có ý thức nhường đường cho người đi bộ, ở tất cả các nước phát triển khi thấy người đi bộ đi vào vạch sơn người ta phải dừng lại, nhưng chúng ta đây cứ phóng vù vù, trong khi đó đường đi bộ cùng trên mặt phẳng. Gần đây số người đi bộ chết nhiều. Anh cứ ra đường mà xem, người nước ngoài người ta ngơ ngác vì người ta không biết qua đường thế nào.
.Nhưng một vài ý kiến phản biện lại bàn về tiền lệ ban hành văn bản có tính cưỡng chế như mệnh lệnh 04, họ sợ rằng nếu như được cổ vũ sẽ tiếp tục có những văn bản “xé rào” như thế thì luật còn có ai coi trọng?
+Tôi nói rõ mệnh lệnh 04 không có xé rào, bởi chúng tôi không quy định thêm hành vi bị bắt lỗi. Những vi phạm hành chính, như vượt đèn đỏ đều quy định rồi, ở mệnh lệnh 04 chỉ tăng thêm chế tài hành chính là giữ xe và không phạt thêm tiền. Cho nên không thể nói là xé rào được. Việc giữ xe chỉ là cho người dân có thêm thời gian suy nghĩ và cái đó có tác dụng trên thực tế với hiệu quả cao. Bởi thực tế cũng cho thấy nếu chỉ phạt không thôi thì người ta bỏ tiền ra ngay, ngày mai lại vi phạm. Tình thế khi ấy không làm không thể chịu đựng được nữa.
.Kể cả đề xuất ngưng đăng ký xe máy và hạn chế đăng ký ô tô, thưa ông?
+Ngưng đăng ký cá nhân là xu hướng tất yếu của các thành phố hiện đại. Chỉ còn vấn đề là bước đi thế nào thôi. Một thành phố hiện đại sẽ chủ yếu lưu hành bằng phương tiện công cộng và ô tô, còn những cái khác người ta không đi vì nó không an toàn.
.Không ai phủ nhận quan điểm đó, song có ý kiến nói giảm xe máy phải bằng biện pháp khác như quy hoạch mở rộng đường xá, tăng cường xe buýt, xe điện… để người tham gia giao thông tự thấy điều đó là cần thiết, chứ không phải hạn chế xe máy bằng biện pháp hành chính là cấm, thưa ông?
+Tôi cũng rất muốn những biện pháp khác, nhưng biện pháp ấy nó phải tốn hàng ngàn tỷ đồng, ví như làm đường dành riêng cho xe máy. Nếu không làm được như thế thì người cứ chết vì xe máy. Xem thống kê về tai nạn phần lớn người đi xe máy chết. Tôi nghĩ đổi một cái tiện lợi là đi xe máy với cái chết thì chọn cái nào, khi mà chưa thể làm được hạ tầng để người ta đi xe máy riêng, đó là bài toàn thực tế. Chưa kể còn nhiều vấn đề, như Hà Nội bãi trông xe máy có không? Phải chia sẻ rằng chúng ta còn rất nhiều việc…
.Xin cảm ơn ông.
Hic, khổ thân tướng Chuyên về hưu mà chẳng yên...
Nhận định về việc Luật sư Lê Công Định nhận tội