"Con người có thể giết chết con người vì một niềm tin" Tuan Viet Nam
"Có được là người" là cuốn tự truyện của nhà văn nổi tiếng người Ý Primo Levi, viết trong khoảng thời gian từ tháng 12/1945 đến tháng 1/1947, miêu tả lại những trải nghiệm khủng khiếp của ông ở trại tập trung Auschwitz. Trong số hàng triệu người đã chết, Levi là một trong hai mươi người sống sót khi Hồng quân Liên Xô giải phóng vào ngày 27/1/1945.
"Có được là người" đã dành được những thành công lớn trên toàn thế giới, được đưa vào giảng dạy tại trường học, được dịch ra nhiều thứ tiếng và được tái bản nhiều lần". Andrea Perugini - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam đã chia sẻ "Rất nhiều sinh viên trên toàn thế giới đã đọc tác phẩm của Levi, và tự vấn về trải nghiệm khủng khiếp ở trại tập trung ấy. Giờ đây, lần đầu tiên tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt, để độc giả Việt Nam có thể đọc được kết tác văn học của Ý và của toàn thế giới này"
Mario Forunato, 1 trong 10 nhà văn đương đại nội bật tại Ý cũng phát biểu "Có những cuốn sách không chỉ là sách mà còn là di sản của văn hóa thế giới. Dân tộc Ý tự hào về một người con như Primo Levi, người đã khiến lịch sử nước Ý lùi xa khỏi một trang của thời kì phát xít".
Diễn viên Anthony Sher trong vai Primo Levi (2004) |
Người Do Thái đã bị giết hại, nhưng trong lịch sử tàn sát của nhân loại trong thế kỉ 20 còn có người Di-gan, hay người Khơme... |
Levi viết những con chữ đơn giản: "Chỉ là một sự ngạc nhiên sâu sắc: Không giận dữ gì, tại sao người ta có thể ra tay đánh người khác?"
Cuốn sách nổi lên tại Ý từ những năm 50 - 60, mang lại nhận thức mới về nhân văn và nạn diệt chủng nhân danh niềm tin của một nhóm người - một chủng tộc khác. Cuốn sách thành công nhờ những ảnh hưởng to lớn mà nó mang lại, nhờ giọng văn nghiêm ngắn mà súc tích, toát lên chủ nghĩa anh hùng của những con người đang chịu đựng nỗi đau.
Các học giả đặt ra câu hỏi: Phải chăng Levi đã nhận ra tính bài Do Thái vốn nằm sẵn trong nền văn hóa Đức, chứ không phải chỉ đến thời kì Hittle mới bùng nổ thành hành động diệt chủng một cách có hệ thống. Tỉ lệ người chết trong các trại tập trung là 90 - 98%, cao hơn bất cứ một sự kiện tàn phá nào đã từng xảy ra trong lịch sử. Những cố gắng nhằm huỷ diệt người Do Thái do một dân tộc khác tự cho mình là thượng đẳng, đã kéo theo cả một quá trình tàn sát có tổ chức và có hệ thống.
Quốc xã đã đối xử với người Do Thái như một chủng tộc, một dân tộc cần phải bị loại trừ chứ không phải một tôn giáo. Tại sao người Do Thái lại bị ghét? bị bài xích? Rất nhiều học giả sau này đã nghiên cứu về sự thông minh, linh hoạt và vươn lên của người Do Thái.
Di sản của văn hóa Do Thái để lại cho thế giới thật đồ sộ, trong đó có Kinh Thánh, có chúa Giê-su, 40% tác phẩm văn học được trích dẫn trong thế kỉ 20 là sản phẩm của người Do Thái, người Do Thái cũng chiếm tới 40% giải thưởng Nobel Hòa bình - như vậy họ cũng là một dân tộc yêu hòa bình, ghét chiến tranh. Nhưng "Người Do Thái như loài chó hoang lang thang, có sức mạnh tồn tại hơn cả chó nhà" trong khi người Đức lại có tính cách khá cứng nhắc. Điều này đã đẩy mâu thuẫn và quan điểm lên cao.
Anne Frank với những dòng nhật kí - một tài năng văn chương và nạn nhân trẻ tuổi của nạn diệt chủng |
"Có được là người" đã chỉ ra số phận nghiệt ngã của người Do Thái trong lịch sử. Nhưng dưới góc nhìn học giả, sự phát triển của tính nhân văn trong tác phẩm của Primo Levi còn cho thấy, không chỉ có người Do Thái, mà trong thế chiến thứ II, một dân tộc khác cũng bị tàn sát hết sức dã man. Đó là người Digan. Đây là một trang lịch sử đen tối khác vẫn còn giấu kín. Hàng triệu người Digan đã bị sát hại âm thầm. Người Do Thái được nhắc đến, bởi họ có những nhà văn, nhà khoa học viết về nó, còn người Digan thì không.
Anne Frank (người Đức gốc Do Thái) - Primo Levi (người Ý gốc Do Thái) |
Hơn nữa, không chỉ là sự khác biệt về chủng tộc, tại đất nước Campuchia, hàng triệu người Khơ-me đã chết vì niềm tin của một nhóm cộng đồng cùng máu thịt. Như vậy, bất cứ một cộng đồng nào cũng có thể bị tàn sát bởi một cộng đồng khác, bằng niềm tin và sức mạnh họ có trong tay. Con người có những mặt tốt, có những cá nhân vĩ đại, nhưng lịch sử đã chỉ ra, ranh giới của sự bạo tàn có thể bị đẩy xa đến mức nào.
Cuộc sống đã vĩnh viễn bị thay đổi và bị tước đoạt - khi mà hàng triệu người Do Thái đi vào trại tập trung, và đi ra dưới dạng khói (do bị thiêu sống), dạng xà phòng hay bóng đèn (Đức Quốc xã dùng răng, tóc và cơ thể họ để chế tạo thành). Tuổi trẻ của nhà hóa học Primo Levi 24 tuổi đã không thể còn như xưa, và nhân sinh quan của ông sau này đã trở thành di sản của lịch sử nhân loại.
>>"Không vì dân, mọi chính thể sẽ thất bại"
>>Hào khí Thăng Long nghìn năm hội tụ cho VN bay lên