Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Sự dối trá của một học thuyết

 -Sự dối trá của một học thuyết Phần I

YN (danlambao) - “Kinh tế chính trị Marx – Lénin, cùng với các bộ phận hợp thành khác của chủ nghĩa Marx – Lénine, là vũ khí tư tưởng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột … ” - (trang 20, Giáo trình kinh tế chính trị Marx – Lénine, Nxb Chính trị quốc gia, 2004).


Họ, những người tự xưng là cộng sản đã dùng slogan “chống áp bức, bóc lột” cho công nhân và nông dân, vu cáo cho “bọn tư sản” cái tội danh ăn cướp, lừa đảo, bóc lột công sức lao động của nông dân và giới thợ thuyền.

Thực tế, họ đã kích động được hơn một nửa nhân loại tiến hành cuộc chiến “đấu tranh giai cấp” đẫm máu bằng chính cái học thuyét Marxist dối trá và tàn bạo của họ.
Họ luôn mồm rao giảng rằng “bọn tư bản” đã áp dụng hàng loạt các thủ đoạn bóc lột tinh vi giá trị thặng dư bằng nhiều cách (thông qua kéo dài thời gian lao động đối với công nhân và bóc lột địa tô đối với nông dân) để bóc lột, bần cùng hóa giai cấp công nhân và nông dân.
Công nhân và nông dân, vì “quyền lợi ảo” của mình đã nắm tay nhau cùng đứng dưới ngọn cờ “vô sản” của họ và cuộc “đấu tranh giai cấp” đẫm máu diễn ra gần thế kỷ, cướp đi sinh mạng hàng trăm triệu người trên toàn cầu.
Khi “cách mạng” thành công, khi chính quyền về tay “Cách mạng”, điều gì đã xảy ra thì ai cũng đã biết. Chẳng anh công nhân, bác nông dân nào nắm chính quyền cả.
Tất cả chỉ là “công cụ bạo lực” giúp họ cướp chính quyền.
Sau một thời gian ngắn hả hê cướp bóc tài sản của “bọn tư bản” cũ, họ lộ nguyên hình là những tên “tư bản đỏ mới” quay lại bóc lột, áp bức chính những người đã bỏ xương máu cướp chính quyền cho họ.
Thực tế, bằng những hành vi lật lọng nêu trên, ai cũng nhận thấy bản chất dối trá của họ nhưng họ đã dối trá như thế nào là một câu hỏi cần sự lý giải tận tường.
Bài viết này sẽ cung cấp câu trả lời một cách mạch lạc, rõ ràng và dễ hiểu.
***
Theo Karl Marx, “Chế tạo ra giá trị thặng dư - phần giá trị mới dôi ra ngoài giá trị sức lao động do công nhân làm thuê tạo ra và bị nhà tư bản chiếm không - phản ảnh mối quan hệ tư bản bóc lột lao động làm thuê. Giá trị thặng dư do lao động không công của công nhân tạo ra là nguồn gốc làm giàu của các nhà tư bản”.
Thoạt nghe qua, cả công nhân và nông dân, ai cũng thấy có sự “ngờ ngợ”, “bán tín bán nghi” với luận điệu này.
- Ở đời ai chẳng có lòng tham?
- Việc “bóc lột” không ít thì nhiều, sao lại chẳng có!
- Không “bóc lột” chúng ta thì làm sao “bọn tư bản” lại giàu sụ như thế được?
v.v.
Và thế là người cộng sản bèn: ”Hỡi vô sản quốc tế, hãy đoàn kết lại !”.
Và cuộc “đấu tranh giai cấp” toàn cầu bùng nổ dưới lá cờ đỏ máu của họ.
Họ tiếp tục kêu gào: “Đấu tranh phải triệt để, không khoan nhượng!”.
Thực ra nếu hiểu theo nghĩa “bình dân” thì là: “Giết hết, giết sạch chúng đi! Không được để sót một tên!”.
Và những bàn tay hiền lương nghìn năm quen cầm liềm làm nông nghiệp, cầm búa rèn cuốc xẻng đã vung lên vấy máu đồng loại chỉ vì một tội danh “bóc lột” vu cáo mơ hồ!
Sự thật như thế nào? Có “bóc lột” không? Và nếu có thì ai “bóc lột” ai?
***
Để dễ hiểu, tránh lý luận lòng vòng, tôi xin trình bày một câu chuyện để diễn giải dưới đây:
Có một cặp vợ chồng nọ, chồng cờ bạc, trộm cướp, vợ buôn son bán phấn, sau một thời gian tích cóp được một khoản tiền kha khá, sinh một thằng con đặt tên là Tư bản.
Hai vợ chồng này chết đi để lại tài sản cho con và Tư bản là người ”giàu từ trong trứng”.
Y ta tuy có chút của nả có được nhờ thừa tự nhưng do quen ăn sung mặc sướng từ bé nên chẳng biết làm lụng gì cả, được học hành chút ít nhưng cũng chẳng màng.
Hàng xóm với Tư bản là Công nhân và Nông dân.
Công nhân nhà nghèo nhưng được cái tay thạo chân khỏe, tháo vát nhất làng.
Từ cái cày cái cuốc, hàng rào mái lá của các hộ trong làng, ai cần làm cũng phải nhờ tay Công nhân giúp đỡ. Tuy nhiên, vì làm thuê ăn lương nên gia cảnh cũng chẳng có gì làm khá giả.
Nông dân thì có được mảnh ruộng kha khá, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cuốc cày nhọc nhằn kiếm từng hạt gạo cung cấp cho cả làng nên tuy đủ ăn nhưng cực nhọc thì không ai bằng.
Từ khi dành dụm, tậu được con trâu lo việc cày bừa thì cũng đỡ vất vả chút ít nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.
Cuối làng có tên Trí thức già ngông nghênh tự đắc “trên thông thiên văn, dưới thông địa lý”.

Tay vỗ cái bụng ỏng đầy rau heo cám lợn mà bảo là “túi khôn trần thế”!
Y ta nghèo nhất làng nhưng chẳng thấy tài cán gì, sức khỏe thì trói gà không chặt, quanh năm chỉ ôm mấy quyển sách mà ê a chê bai thế sự!
Tuy sống trong cảnh nghèo nhưng họ sống trong tình làng nghĩa xóm cũng gọi là thanh bình, ít nghe cãi cọ xào xáo.
Do rỗi việc, ngày nọ Tư bản lọ mọ sang nhà lão Trí thức già ngồi buôn chuyện. Sau vài tuần rượu nhạt, lão Trí thức khề khà tâm sự:
- Cậu biết đấy, nhà tớ nghèo nhất làng nhưng có cái này hay lắm!
Lão vào nhà lôi ra một lô tài liệu, bản vẽ đầy những số liệu chi chít, hình ảnh chằng chịt, mà dẫu có tài thánh thì Tư bản cũng chẳng hiểu được.
- Cái quái gì thế?
- Máy cày đấy. Món này thằng Nông dân mà có được thì cứ gọi tớ bằng cụ! Hiện nay, mảnh ruộng của nó đang cày bằng con trâu què, vã mồ hôi cả tháng mới xong. Có thứ này chỉ cần nửa buổi.
- Phét!
Lão Trí thức sốt tiết, nổi sân si, lật giở từng tờ giấy nhàu nát, giảng giải chi tiết cho Tư bản nghe.
Cũng có chút ít học hành từ bé, Tư bản phần nào cũng “ngộ” ra vấn đề.
- Nhưng đây chỉ là lão vẽ ra trên giấy. Muốn làm món này thì chỉ thằng Công nhân khéo tay làm được thôi. Sao lão không nhờ hắn làm cho? Bán khối tiền đấy.
- Móc xương ra tiền để làm à?
Tư bản ngồi im ngẫm nghĩ, hắn chợt lóe lên một ý nghĩ tinh quái:
- Lão làm đếch được thì bán mịa nó cho tôi. Tôi làm bán kiếm xu uống rượu? Lão dốt bỏ cụ, nhà cửa rách nát tồi tàn thế này, chó cũng không ngửi được. Bán cho tôi lấy tiền mà sửa nhà và lo cho con cái?
Lão Trí thức già ậm ừ ngẫm nghĩ.
- Thế cậu mua bao nhiêu?
Tư bản cười nhạt:
- Tôi xuất tiền làm lại căn nhà cho lão, cung cấp tiền đủ cho cả nhà lão sống tươm tất, nhưng lão phải giao cái của nợ này cho tôi, đồng thời hướng dẫn chỉ bảo thằng Công nhân làm cho tôi. Không được như lão quảng cáo là lão đền đấy. Hàng xóm với nhau, lần này xem như tôi giúp lão “cải thiện” cuộc sống đấy. Giấy đây, ký vào mà nhận tiền!
Lão Trí thức già cảm ơn rối rít, lập cập cầm bút ký ngoáy vào hợp đồng bán “công nghệ” mà chẳng cần suy nghĩ!
Tư bản khệ nệ ôm mớ tài liệu về nhà. Khi đi ngang qua ngõ vào nhà Công nhân, gặp thằng con của Công nhân đang gặm củ khoai bữa sáng, hắn cười:
- Tối bố về bảo sang nhà bác uống rượu, bác có chuyện bàn nhé!
Tối đó, tại nhà Tư bản, sau khi bàn bạc thỏa thuận, Công nhân đồng ý sẽ làm ra cái máy cày theo bản vẽ của Tư bản.
Non tháng sau, chiếc máy cày lừng lững xới những đường cày thằng tắp như kẻ chỉ trên mảnh ruộng của Nông dân. Công việc lẽ ra trước đây với con trâu đi trước, cái cày theo sau thì Nông dân phải làm quần quật hơn tháng mới xong, nay chỉ loáng nửa buổi là tươm tất.
Còn mảnh ruộng bỏ hoang từ mấy đời, Nông dân cho máy cày vào làm nốt.
Vụ mùa năm ấy bội thu gấp 60 lần trước vì diện tích canh tác được mở rộng, công việc đồng áng cũng trở nên nhàn nhã. Cả ba người, Tư bản, Công nhân và Nông dân quyết định sau khi trừ vốn mà Tư bản đã bỏ ra để mua bản vẽ và nguyên vật liệu sắt thép làm máy cày, tiền công làm việc chế tạo của Công nhân, tiền công lái máy cày của Nông dân thì còn lại chia đều trong vui vẻ, hạnh phúc và sung túc.
Trong căn nhà nhỏ cuối thôn, lão Trí thức già và lũ con, tuy cuộc sống có khá hơn trước trong sự “trả công” cho bản vẽ máy cày, thỉnh thoảng vẫn vọng lên tiếng kêu khàn đục của lão già ngông: ”Đồ lừa đảo, đồ bóc lột!”.
***
Vậy thì ai đã bóc lột ai?
YN, 19/5/2011.


-Sự dối trá của một học thuyết (P2)


YN (danlambao) - Qua phần đầu của câu chuyện về chiếc máy cày ở Phần I, chúng ta thấy rằng cuộc sống của Tư bản, Nông dân, Công nhân và cả Trí thức đều được cải thiện, nâng lên hơn trước nhờ một chiếc máy cày. Thế nhưng chuyện chưa dừng ở đấy. Mời các bạn theo dõi tiếp câu chuyện.


***

Sau vụ mùa bội thu như ý đó ít lâu, Tư bản, Công nhân và Nông dân gặp nhau, cùng bàn bạc chuẩn bị cho những vụ mùa tới.

Với số vốn hiện có, Tư bản mua nguyên vật liệu và thuê Công nhân làm cho hắn mười chiếc máy cày. Mười chiếc này khi hoàn thành sẽ giao hết cho Nông dân để canh tác trên toàn bộ những miếng đất của y vốn đã lâu bỏ hoang do không người khai thác.

Nhờ có máy cày, Nông dân thuê người lái cày xới, khai khẩn toàn bộ đất bỏ hoang của y và sau khi thu hoạch, thu nhập tăng lên chục lần hơn so với vụ trước.

Chỉ vài vụ mùa như thế, trong làng xuất hiện vô số “đại gia” với nhà lầu, xe hơi đầy đủ. Riêng cuối làng vẫn là căn nhà nhỏ của lão Trí thức già và đàn con sống bằng nguồn tiền bản quyền ít ỏi của Tư bản trả theo hợp đồng ngày trước.

Lũ con của lão lớn lên, đứa thì tham gia vào đội ngũ cày thuê cho Nông dân bằng chính những chiếc máy cày do cha chúng vẽ bản thiết kế ngày xưa, đứa vào làm thuê cho xưởng sản xuất máy cày của Công nhân ngày nay đã trở thành ông chủ xưởng.

***

Vậy thì ai đã bóc lột ai?

Qua câu chuyện trên, chúng ta dễ dàng nhận ra một sự thật đáng kinh ngạc.

Chính Tư bản, Công nhân và Nông dân, thông qua việc mua rẻ mạt bản quyền công nghệ của Trí thức mà trở nên giàu có. Chính lão Trí thức già kia mới là nạn nhân bị bóc lột của cả một tập đoàn Tư bản – Công nhân – Nông dân cấu kết với nhau, hưởng lợi từ kiến thức khoa học của Trí thức.

Như vậy, với luận điệu “Tư bản bóc lột công – nông”, học thuyết giá trị thặng dư của Karl Marx hoàn toàn sụp đổ.

Sự sai lầm của Marx khi xác định đối tượng bị bóc lột là giai cấp công - nông trong học thuyết của mình, chính là cái “công cụ lý luận” mà người cộng sản đã dùng để kích động, mượn tay hai giai cấp này thực hiện cuộc chiến tranh giành quyền lực với danh nghĩa “đấu tranh giai cấp” kinh hoàng đẫm máu toàn cầu bắt đầu từ cách mạng vô sản Nga hồi đầu thế kỷ trước.

Chính những người cộng sản cũng không hiểu được rằng thặng dư xã hội là do giới trí thức làm ra. Khi nắm quyền điều hành xã hội, họ tập trung hết mọi phương tiện sản xuất của cả Tư bản, Công nhân và Nông dân bao gồm tài chính, nhà máy xí nghiệp và đất đai về một mối để tiện quản lý, khai thác.

Vì không nhận thức được tầm quan trọng của trí thức, họ đã chẳng màng đầu tư phát triển cho giới này. Thậm chí một số chính quyền cộng sản còn xem trí thức là gánh nặng xã hội, cần được loại bỏ.

Và như thế, dù có xoay sở trăm phương nghìn hướng, sự trì trệ, kém phát triển luôn là hậu quả tất yếu mà họ đã phải nhận.

Và ngày nay: ”Hỡi trí thức quốc tế, hãy đoàn kết lại!”.

21/5/2011
-Sự dối trá của một học thuyết (P3)

YN (danlambao) - Khi trí thức nhận ra mình bị bóc lột, họ đã làm gì?
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, sự lợi dụng của tập đoàn Tư bản – Nông dân – Công nhân đối với trí thức không thể tồn tại mãi được. Mời các bạn theo dõi tiếp câu chuyện.

***
Sau một thời gian cày bừa, canh tác trên những thửa đất trong khu vực bằng những con trâu sắt hùng dũng xuất xưởng từ XƯỞNG MÁY CÀY CÔNG NHÂN, Tư bản - Công nhân - Nông dân đã trở thành những đại gia trong làng. Riêng lão Trí thức vẫn là người nghèo nhất.
Tuy nhiên, chẳng ai thấy lão có biểu hiện gì tỏ ra bất mãn cả. Vẫn ngông nghênh nhìn đời bằng nửa con mắt.
Có ngưởi đến bảo lão khởi kiện đòi thêm quyền lợi, lão chỉ cười ruồi bảo:
- Hãy đợi đấy!
Vài năm sau, năng suất việc khai thác đất đai của tập đoàn Tư bản – Công nhân – Nông dân bắt đầu sút giảm. Đất bắt đầu bạc màu vì thiếu phân bón trầm trọng. Tất cả phân chuồng, phân xanh truyền thống nghìn đời của Nông dân nếu so với diện tích canh tác khổng lồ hiện tại như muối bỏ biển. Lúa, ngô, khoai, sắn bắt đầu cằn cỗi, xơ xác và liên minh Tư bản – Công nhân – Nông dân đành bất lực đứng nhìn nguy cơ phá sản đang cận kề!
Lo nhất vẫn là Tư bản và Công nhân. Nếu năng suất sút giảm, chắc chắn lão Nông dân sẽ quay lại với quy mô sản xuất như cái thời trước khi có máy cày. Dẫu có khó khăn thì với Nông dân, vẫn rau cháo tồn tại được.
Riêng Tư bản và Công nhân sẽ ra sao?
Một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập tại tư gia của Tư bản, mong tìm giải pháp khắc phục nhưng bế tắc vẫn hoàn bế tắc.
May sao, ngay ngày hôm sau, trong trang Quảng Cáo của tờ báo địa phương xuất hiện bản tin:
CẦN ĐỐI TÁC
HỢP TÁC SẢN XUẤT PHÂN BÓN HÓA HỌC

Liên hệ: Trí thức.
Tel: 123456…
Tư bản hộc tốc đến nhà Trí thức ngay lập tức.
- Chào lão, vụ phân hóa học thế nào?
- À, chào bạn cũ! Thích làm thì hợp tác với tớ cùng sản xuất.
- Oách nhỉ? Thế lão góp vốn bao nhiêu?
- Tớ làm quái gì có xu. Tớ chỉ biết cách làm thôi!
- Không có tiền thì hợp tác thế nào được? Lão bán quách cái “cách làm” ấy cho tôi đi, tôi trả lão tiền tươi!
- Cậu này vui tính thật đấy! Tớ góp vốn bằng “cách làm” của tớ, cậu bỏ tiền làm tất! Lãi bao nhiêu chia bảy – ba!
- Ai bảy, ai ba?
- Tớ bảy, cậu ba! Đồng ý thì ký hợp đồng có hiệu lực vĩnh viễn. Chỉ có tớ và cậu thôi đấy, miễn có kẻ thứ ba! Không thì lặn ngay cho nước nó trong!
Khỏi phải nói nhiều thì ai cũng biết là hợp đồng được ký lập tức ngay sau đó. Lão Trí thức ngông nghênh ngày nào nay thành đồng sở hữu kiêm chuyên viên kỹ thuật của CÔNG TY TNHH TƯ – TRÍ chuyên sản xuất, kinh doanh các loại phân bón hóa học!
***
Với tri thức – công nghệ của trí thức, kết hợp với tài chính của Tư bản, sức lao động của Công nhân và Nông dân cuộc sống của họ từ đó đổi thay từng ngày trong sự phồn vinh, công bằng và hạnh phúc.
Vậy thì ai đã bóc lột ai?
22/5/2011

-Sự dối trá của một học thuyết (P4)

Phần Kết: Sự xuất hiện của Cộng Sản

YN (danlambao) - Như vậy, trước kinh nghiệm từ thuở ban đầu, bằng các hợp đồng chuyển giao công nghệ có tính khoa học và pháp lý cao hơn, trí thức đã không để cho liên minh Tư bản – Công nhân – Nông dân tiếp tục hưởng lợi bất công trên kiến thức của họ nữa.

Nhờ vậy mà khi trí thức nắm giữ vị trí lãnh đạo xã hội, tất cả những sở trường của từng nhóm nghề được phát huy cao độ và thặng dư xã hội ngày càng phong phú về chủng loại và dồi dào về số lượng.

Từ khởi điểm ban đầu là một xã hội nghèo nàn lạc hậu, khi được vận hành dưới sự lãnh đạo của trí thức (Marx gọi là chủ nghịa tư bản), nhân loại đã có những bước tiến rực rỡ trên con đường đi đến văn minh và phú cường mà chúng ta dễ dàng nhận thấy.

Đáng tiếc là các xã hội trí thức này không xuất hiện đồng loạt trên toàn cầu do các rào cản về biên giới quốc gia, sắc tộc, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử v.v.

Với tốc độ phát triển vượt bậc, các xã hội trí thức đầu tiên xuất hiện rải rác trên toàn cầu đã dẫn đến sự chênh lệch nhận thức khoa học cũng như mức sống ở các các vùng địa lý khác nhau.

Việc dùng sức mạnh tri thức, cụ thể là các ưu thế về kỹ thuật quân sự, kinh tế nhằm xâm lược các vùng lãnh thổ kém phát triển hơn trước đây (chủ nghịa thực dân – colonialism), là hệ quả của sự chênh lệch đó giữa các quốc gia.

Sau một thời gian, mức độ chênh lệch về nhận thức khoa học giữa xã hội thực dân và xã hội thuộc địa ngày càng rút ngắn, thu hẹp và chủ nghịa thực dân không còn cơ sở để tồn tại.

Và Chủ Nghịa Cộng Sản xuất hiện. Nó xuất hiện như thế nào và hậu quả của nó là gì? Mời các bạn theo dõi nốt phần cuối câu chuyện.

***

Nhắc lại cái thời cha của Tư bản còn là lục lâm thảo khấu, Phát xít là một gã đồng đảng khét tiếng sắt máu. Trước khi sa lưới pháp luật thụ án tử hình, y cũng có một đứa con tên là Cộng sản.

Cộng sản giống cha như đúc nhưng tinh ranh, thâm độc và tàn ác hơn cha y gấp bội.

Nhìn thấy sự giàu có của cộng đồng bốn người Trí thức – Tư bản – Công nhân – Nông dân, nhất là khi nhìn con của “người cùng xuồng” với cha mình là Tư bản, lòng ganh ghét trong y sục sôi như lửa đốt tim gan.

Y tìm đến Công nhân và Nông dân rỉ tai:

- Các người có biết gì chưa? Các người đang bị thằng Tư bản bóc lột tận xương tủy mà không biết! Các người phải làm việc quần quật đầu tắt mặt tối mới có được của ăn của để như ngày nay. Xem thằng Tư bản kìa, nó có làm gì đâu mà vẫn giàu sụ! Các người mở to mắt mà xem đây! Theo học thuyết Marxist, chứng minh rành rành là “Tư bản bóc lột Công – Nông”. Các người đừng làm ăn với nó nữa. Hai người chẳng nhẽ thua thằng oắt đó à? Đập bỏ mịa nó đi, tất cả tài sản của nó có được ngày nay là do bóc lột của các người cả đấy. Marx nói thế mà!

Với miệng lưỡi trơn như mỡ, Cộng sản đã thuyết phục được cả Công nhân lẫn Nông dân tin hắn bằng chính cái học thuyết điêu thoa, phi lý “giá trị thặng dư” của một “triết gia” tên Karl Marx.

Họ có biết đâu chính ông “triết gia” này cũng cùng một giuộc với y ta, lấy “Biện chứng pháp” của Georg Wilhelm Friedrich Hegel và tư tưởng duy vật của Ludwig Andreas von Feuerbach làm “học thuyết” của mình!

Riêng phần “viên đá tảng” là học thuyết Giá Trị Thặng Dư do y “sáng tác” lại sai bét nhè!

Thế là với sự kích động của Cộng sản bằng “học thuyết” Marxist, “Liên minh Công – Nông” được âm thầm thành lập, bằng sức mạnh cơ bắp của mình cùng với sự ranh ma quỷ quyệt do Cộng sản bày vẽ, họ đã “đào tận gốc, trốc tận rễ” bọn “bóc lột” từng đem lại sự phồn vinh cho họ!

Ôi! Cách mạng thành công rồi! Tất cả là của chúng ta! Chủ nghĩa Cộng sản vạn tuế!

Tư bản bỏ của chạy mất dép!

Lão Trí thức lặng lẽ trở về căn nhà ọp ẹp cuối thôn, mặt xanh như đít nhái!

Cộng sản tuyên bố:

- Từ nay, tất cả tài sản, nhà máy, đất đai sẽ là của chúng ta, của chung chúng ta, không ai được giành làm của riêng mình! – Y dõng dạc – Vì cuộc “cách mạng” này thành công là nhờ sự “lãnh đạo tài tình, sáng suốt” của tôi nên tôi sẽ tiếp tục lãnh đạo mọi người trong sản xuất. Việc quản lý tài sản sẽ do bà Nhà nước – vợ tôi phụ trách. Quyền làm chủ vẫn của Công nhân và Nông dân!

Vì chồng là người “lãnh đạo”, vợ lại phụ trách “quản lý” nên mọi việc phân chia thu nhập từ khối “tài sản chung” đều do vợ chồng Cộng sản – Nhà nước thực hiện.

Từ khi Tư bản bỏ của chạy lấy người, lão Trí thức mất hết mọi nguồn thu nhập. Lão cùng đàn con bèn viết “Đơn xin việc” gửi đến người “lãnh đạo” mới xin vào làm thuê trong chính nhà máy phân bón của lão trước đây với đồng lương “cống hiến”! Kể từ đó, không ai thấy lão ê a sách vở nữa.

Công nhân tiếp tục công việc của mình là sản xuất máy cày tại xưởng máy cày do Nhà nước quản lý!

Nông dân lái máy cày, cày miệt mài trên những cánh đồng của cha ông y ngày xưa nhưng nay đã là của chung!

Nhưng cả ba người Trí thức, Công nhân và Nông dân chẳng ai biết người ”lãnh đạo” mới đã sử dụng thành quả lao động của mình như thế nào cả vì trách nhiệm “quản lý” không phải của họ!

***

Vậy thì ai đã bóc lột ai?

25/5/2011


Phần 2
(P3) 
--------------

Marx đã đúng?
Lương tăng èo uột, thậm chí có nơi còn giảm, nhưng lợi nhuận doanh nghiệp lại tăng vọt. Vì sao?

Bây giờ bạn sống có tốt hơn so với hai năm trước? Dù cho kinh tế các nước phát triển đã phục hồi được gần hai năm nhưng có lẽ một người phương Tây bình thường sẽ đáp “Không”.

Chính quyền các nước đã sử dụng đủ các liệu pháp sốc, từ tiền tệ tới tài khóa. Họ đã chặn đứng được sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống tài chính, và ắt nhờ thế mà lương thưởng giới ngân hàng vẫn hậu hĩnh.


Tình hình giới doanh nghiệp cũng sáng sủa. Dù có loại trừ các ngân hàng, lợi nhuận của các công ty trong chỉ số S&P 500 năm ngoái vẫn tăng 18,7%.

Marx đã đúng?

Nhưng lợi ích của phục hồi kinh tế có vẻ hầu như chỉ rơi vào tay giới chủ tư bản thay vì người lao động. Kể từ khi kinh tế bắt đầu hồi phục, tổng lương ở Mỹ tăng thêm 168 tỷ đôla trong khi lợi nhuận tăng tới 528 tỷ đôla. Dhaval Joshi từ BCA Research tính toán rằng đây là lần đầu tiên trong vòng 50 năm qua lợi nhuận lại tăng mạnh hơn lương tính theo giá trị tuyệt đối.

Ở Đức, lợi nhuận đã tăng thêm 113 tỷ euro kể từ khi bắt đầu hồi phục còn nhân viên đã được trả thêm chỉ 36 tỷ euro. Mọi chuyện với người lao động Anh còn tồi tệ hơn khi lợi nhuận đã tăng thêm 14 tỷ Bảng nhưng tổng lương thực tế lại giảm 2 tỷ Bảng. Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu tài khóa cho thấy mức sống thực tế của một hộ gia đình trung bình tại Anh có ba năm giảm mạnh nhất kể từ đầu những năm 1980.

Liệu xu hướng trên có chứng minh Karl Marx đã đúng? Marx đã viết trong cuốn “Tư bản luận” rằng: “Sau khi tích tụ tư bản, vị thế của người công nhân, dù cho lương của anh ta cao hay thấp sẽ ngày càng trở nên tồi tệ.” Nhưng Marx cũng dự đoán rằng biên lợi nhuận sẽ giảm khi chủ nghĩa tư bản giãy chết, thế nên phân tích của ông cũng có phần hơi khó hiểu.

Hay chỉ là nền kinh tế đang tái cân đối?

Nhìn nhận một cách tích cực hơn thì lương và tư bản biến động không giống nhau là vì các nền kinh tế phát triển đã dựa quá nhiều vào tiêu dùng và phải chuyển hướng sang mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư.

Đó là quan điểm của Thống đốc NHTW Anh Mervyn King khi ông phát biểu hồi tháng 1 rằng “mức sống thấp đi là cái giá không thể tránh khỏi của cuộc khủng hoảng tài chính và quá trình tái cân đối sau đó của nền kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế Anh.”

Nguyên nhân này có thể hợp lý với Anh và Mỹ. Nhưng khó mà áp dụng được cho Đức vì chi phí lao động ở đây đã bị kéo xuống thấp trong cả một thập kỷ và nếu như nền kinh tế Đức có cần tái cân đối thì nó sẽ phải hướng tới tiêu dùng.

Nhìn trong dài hạn thì vấn đề sẽ khác. Trong thu nhập thì lương vẫn là cấu thành lớn hơn so với lợi nhuận, nhưng kể từ năm 1980, tỷ lệ của người lao động đã giảm ở các nước OECD. Ở Mỹ, chênh lệch này đặc biệt đáng chú ý: trong giai đoạn 1973 – 2007, năng suất tăng 83% nhưng lương trung bình thực tế của đàn ông chỉ tăng có 5%.

Tỷ lệ của người lao động giảm xuống đi kèm với bất bình đăng thu nhập gia tăng, và giới kinh tế trong nhiều năm nay vẫn nỗ lực để tìm lời giải cho vấn đề này. Lương trung bình (mean wage), tức đã loại trừ thu nhập của Tổng giám đốc hay các ngôi sao thể thao, tăng nhanh hơn nhiều so với lương trung vị (median, tức mức lương mà nhiều người được hưởng nhất).

Phần “thặng dư tài năng” này có thể là kết quả của quá trình toàn cầu hóa khi tầng lớp tinh hoa có thể di chuyển tới những nước nào đánh giá cao các kỹ năng của họ. Cũng có thể nó phản ánh thay đổi về công nghệ vốn đem lại thu nhập cực lớn cho những ai có thể tận dụng nó.

Một khả năng khác là việc số thành viên công đoàn giảm xuống. Trong hai thập niên 1960 và 1970, các công đoàn hùng mạnh trong ngành công nghiệp có thể đòi mức lương cao hơn. Nhưng các công việc “cổ cồn xanh” hưởng lương cao ấy ngày càng ít đi.

John Van Reenen, Giám đốc Trung tâm theo dõi kinh tế tại Trường Kinh tế London, cho rằng tư nhân hóa khiến phần bánh của người lao động giảm xuống. Các nhà quản lý ở các ngành mới tư nhân hóa thường xa thải nhiều nhân công khi từ tập trung xây dựng tập đoàn thật lớn, mục tiêu của họ chuyển sang tối đa hóa lợi nhuận.

Vì ngành tài chính có “bảo kê”?

Một nguyên nhân có lẽ nên được chú ý nhiều hơn là vai trò của khu vực tài chính. Các NHTW liên tục cắt giảm hoặc giữ lãi suất ở mức thấp trong vòng 25 năm qua nhằm tăng lợi nhuận ngân hàng cũng như giá tài sản. Với chừng ấy trợ cấp, có cần thiết phải bất ngờ nếu thu nhập trong ngành tài chính có cao hơn trong các ngành khác?

Các nỗ lực gỡ bỏ trợ cấp đều vướng phải đe dọa từ các ngân hàng quốc tế rằng họ sẽ chuyển hoạt động kinh doanh sang nơi khác. Điều này có cái gì đó khiến chúng ta nhớ tới các băng nhóm bảo kê trong tiểu thuyết “Bố già” của Mario Puzo. Cứ như thể khu vực tài chính đang cười khẩy: “Kinh tế mà tốt thì hai bên cùng cười. Nó mà làm sao thì đừng có trách.”

Minh Tuấn
Theo Economist

--------

-Central planning(giangle)
Năm ngoái một thầy giáo VN có sáng kiến hát nhạc rap để dậy các kiến thức vật lý phổ thông, tình cờ một nhóm economists ở Mỹ cũng sử dụng hình thức "giảng bài" mới mẻ này để truyền bá chủ để Keynes vs Hayek và họ cũng rất thành công như thầy giáo vật lý ở VN. Video bài nhạc rap trên Youtube đã có hơn 2 triệu lượt người xem và đã được giới econblogs ca ngợi hết lời (me too :)). Tuần trước phần 2 của video này xuất hiện trên Youtube và lại được rất nhiều econblogger nặng ký link đến (Taylor, Mankiw, DeLong, Cowen, Free Exchange).


Sáng nay cả Krugman và Vietstudies link đến một bài của Jonathan Chait có trích dẫn ý kiến của David Frum về video này cho rằng chỉ trích Keynes ủng hộ central planning là sai. Frum cho rằng Keynes không bao giờ ủng hộ central planning theo mô hình Xô viết vào thời điểm 30-40 mà ông cổ súy cho government spending trong giai đoạn Great Depression khi private consumption/investment sụt giảm. Krugman cũng nhiều lần nhấn mạnh vào điểm này và chỉ ra vai trò của government trong giai đoạn nền kinh tế bị rơi vào liquidity trap. Tuy nhiên Tyler Cowen vừa trích dẫn một đoạn Keynes viết cho Hayek phản hồi quyển "The road to serfdom" như sau:

"I should say that what we want is not no planning, or even less planning, indeed I should say that we almost certainly want more."

Câu này cũng được Daniel Yergin và Joseph Stanislaw trích dẫn trong bộ phim và quyển sách Commanding Heights (đã được NXB Tri thức phát hành bằng tiếng Việt) như là bằng chứng cho việc Keynese ủng hộ central planning. [Ngoài lề: Năm 2006 tôi và một số đồng nghiệp ở Fulbright school đã dịch và lồng tiếng cho bộ phim này để chiếu cho sinh viên xem. Tôi đã được phân công lồng một đoạn tiếng của Keynes :-)]. Đây là một bộ phim/sách rất hay (highly recommended), nhưng tiếc là các tác giả đã "frame" tư tưởng của Keynes thành central planning theo mô hình Xô viết mà Hayek kiên quyết chống. Bộ phim này đã popularize cụm từ "fight of the century" thành biểu tượng song hành của cuộc đấu tranh giữa socialism vs capitalism (hay central planning vs free market) và Keynes vs Hayek trong thế kỷ 20. Đây là điều bất công cho Keynes và cho cả ... Marx.

Quan điểm cá nhân của tôi là vai trò của government trong một nền kinh tế thị trường có dạng Laffer curve (inverted U-shape). Nghĩa là cả Laissez Faire và central planning kiểu Xô viết đều là non-optimum extremes, một điểm tối ưu phải nằm ở giữa 2 thái cực này. Tôi không rõ hiện tại Mỹ và các nước tư bản phát triển đã vượt qua đỉnh chưa (nếu chưa thì Keynes đúng còn nếu rồi thì Hayek đúng :)), nhưng tôi tin chắc rằng VN đã vượt qua đỉnh. Nghĩa là giảm bớt government intervention/central planning sẽ có lợi hơn cho nền kinh tế.

Tổng số lượt xem trang