Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Hạ Cánh Nặng Nề (Phần III & IV)

-Vì sao kinh tế Trung Quốc sẽ khó tránh khỏi kết cục “bi thảm”?  
 Rồng cuốn vào đuôi -Hạ Cánh Nặng Nề (Phần III)Thương Dăng chuyển ngữ
Vì Sao Kinh Tế Trung Quốc Đang Hạ Cánh Nặng Nề   

Why China’s Heading for a Hard Landing, Part 3:
Trung Quốc đang mong hạ nhiệt nền kinh tế nóng rực của mình [1] mà không thổi lên một trận suy trầm. Muốn như vậy là cực khó: Nỗi lo về nạn lạm phát đang tăng, khả năng ứng phó của chính phủ thì bị hạn chế; và vì cho các quan chức ngồi dự đoán tác động thị trường trên mệnh lệnh của họ, nói cho cùng mô hình kinh tế Trung Quốc ngày nay sẽ khó mà trụ vững.

Những mối lo về lạm phát khởi đi từ thị trường gia cư. Khi sản lượng xuất cảng của Trung Quốc bị giảm vì giới tiêu dùng Hoa Kỳ lo thắt hầu bao, thì luồng vốn đầu tư vào tài sản cố định [2] bị đe dọa [từ ba góc] là các biện pháp khống chế của chính phủ, công xuất dư dôi của hãng xưởng, và sức chi tiêu trong nước còn quá yếu, nên nhà cửa trở thành đầu máy thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong mấy năm gần đây. Theo một số ước tính thì phân nửa GDP của Trung Quốc có liên quan đến hoạt động mua bán bất động sản [3].
Chính phủ xứ này lo rằng giá sẽ leo thang nên ra tay ngăn nạn đầu cơ bất động sản. Hiện giờ người mua nhà phải đặt cọc 30% cho căn đầu tiên, và 60% khi mua căn thứ hai. Chính phủ ép giới ngân hàng ngưng tín dụng thế chấp, và một số còn nâng lãi suất. Hồi tháng Giêng, thị trưởng Thượng Hải đã công bố sắc thuế mới đánh vào các giao dịch bất động sản [4], một biện pháp được toàn quốc bắt chước để hạ cơn sốt giá.
Với những biện pháp khống chế hiện hành, và nguồn cung về bất động sản khởi sự bắt kịp nhu cầu, số nhà bán đã chậm lại. Nhưng điều này vẫn không đủ ngăn hiện tượng bong bóng bất động sản: Số nhà khởi công đã tăng 40% vào năm ngoái. Giới đầu tư vào nhà cửa đua nhau xây cất, đồng thời họ cố giữ giá đang rung rinh sắp đổ bằng cách trì hoãn việc hoàn tất và gây ra khan hiếm giả tạo. Dĩ nhiên, họ không thể cố mãi như vậy vì bị chôn vốn vào các dự án dở dang. Số lượng nhà mới đang xây hiện cao gấp đôi số nhà bán được, cao gấp nhiều lần tiêu chí trước đây [5]. 

Núi nợ Khổng lồTrong một bản báo cáo tuần này [6], Bộ Giám Định Kế Toán Quốc Gia [7] đã phát hiện ra nhiều khoản tín dụng của ngân hàng cho các quỹ tài trợ của chính quyền cấp địa phương [8] lại bị bơm trái phép vào mảng đầu tư bất động sản, góp phần vun lên một núi nợ bằng 27% GDP. Nhiều  khoản vay khổng lồ khác của các doanh nghiệp nhà nước lấy lý cớ xây dựng hạ tầng thì lại được tuồn qua đầu tư bất động sản và có thể gặp rủi ro.
Trong khi tồn kho [số nhà xây xong và chờ bán] tăng vọt thì nhu cầu lại giảm, còn chính phủ sở tại lại ra sức kiềm chế đầu cơ, nguy cơ bể bóng gia cư càng dễ trở thành hiện thực.
Vật giá Leo thang
Thị trường gia cư không là nơi duy nhất có dấu hiệu lạm phát. Tháng Năm vừa qua, giá tiêu dùng đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Tháng Chạp năm rồi, giới lãnh đạo Trung Quốc đồng ý “nâng tầm quan trọng của việc ổn định mặt bằng vật giá nói chung” vào loại vấn đề kinh tế cần ưu tiên xử lý. Ở một xứ có quá nhiều người đang sống ở hoặc còn dưới mức nghèo khổ, thì chi phí lương thực rõ ràng là mối bận tâm chính của người dân, và trong tháng Năm, chi phí này đã tăng 11,7%  so với cùng kỳ năm trước.Chính phủ có vẻ như ngày càng lo về tình trạng bất ổn xã hội. Tháng Mười Một năm trước, họ tuyên bố sẵn sàng áp dụng các biện pháp kiểm soát giá cả để giảm lạm phát, đặc biệt là giá năng lượng và thực phẩm, và còn khẳng định rằng chính phủ sẽ cấp thêm tiền phúc lợi xã hội cho dân nghèo. Mà tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn, và đáng ngại hơn, nó bắt đầu lan từ nông thôn ra khu vực đô thị.
Ngoài ra, nạn bất bình đẳng về thu nhập hiện vẫn còn đó. Dòng người chảy vào các khu đô thị trù phú hơn đã nâng mức sống bình quân, nhưng sự cách biệt giữa lớp người giàu với dân chúng còn lại cứ tiếp tục mở rộng. Năm 2010, thị dân có mức thu nhập bình quân đầu người một năm là khoảng 2.900 Mỹ kim, và một nông dân chỉ kiếm ra chừng 900 Mỹ kim. (Việc điều chỉnh theo mức chi phí thấp hơn ở nông thôn có thu hẹp khoảng cách.)
Hạn chế của Đối sách
Trước những mối lo này, khả năng ứng phó của Trung Quốc thật ra vô cùng hạn hẹp. Để triển khai chính sách tiền tệ [9], ngân hàng trung ương dựa vào việc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc [10] và đặt ra hạn ngạch cho vay của ngân hàng. Từ tháng Giêng năm 2010, họ tăng mức dự trữ pháp định 12 lần (đến 21,5% của lượng tiền ký thác), nhưng chỉ bốn lần nâng lãi suất cho loại tín dụng có kỳ hạn một năm (đến mức 6,31%) vì cần đáp ứng nhu cầu vay mượn của các xí nghiệp quốc doanh kém hiệu quả đang tạo ra công ăn việc làm cho người dân.Cuối cùng, việc thực thi bất kỳ chính sách nào trong một nền kinh tế do chính phủ kiểm soát một phần, và phần kia thì phụ thuộc vào thị trường, là điều rất khó. Trong nền kinh tế bị kiểm soát hoàn toàn, như nền kinh tế khép kín mà Trung Quốc đã quen trước đây, thì giới lãnh đạo chính phủ có thể đưa ra những quyết định phi hiệu quả nhưng các quyết định này không hề bị tranh cãi. Trong một nền kinh tế mở, ví dụ như của Tân Gia Ba (Singapore), thị trường là yếu tố quyết định, và giới chính trị hiếm khi nào can thiệp được.
Nhưng trong cách dàn xếp hiện tại của Trung Quốc, các viên chức có thẩm quyền đưa ra những quyết định hệ trọng phải dự đoán xem thị trường là sẽ phản ứng ra sao, rồi sau đó phải cố gắng chống đỡ những hậu quả bất lường do chính các quyết định của họ gây ra.
Hậu quả Bất lường
Chẳng hạn như về việc thả nổi có quản lý tỷ giá hối đoái, giới hữu trách phải ước tính là dòng tiền nóng [11] chảy vào Trung Quốc sẽ là bao nhiêu để tiên đoán sức mua của đồng bạc [sẽ mạnh hay yếu], sau đó mới xác định cách vô hiệu hóa tác động tiêu cực của dòng tiền này. Các chính sách khuyến khích xuất cảng và xuất siêu mậu dịch của Trung Quốc đã nâng dự trữ ngoại tệ xứ này lên đến hơn 3 ngàn tỷ Mỹ kim. Cho đến gần đây, thì mọi khoản thu ngoại tệ của doanh nghiệp xuất cảng đều phải được đổi ra đồng Nguyên, nhưng sau đó ngân hàng trung ương buộc phải phát hành trái phiếu để hút bớt lượng tiền này vào hầu đồng bạc khỏi mất giá [làm lạm phát gia tăng].Tương tự, chính phủ Trung Quốc định sẵn mức cho vay hàng năm của các ngân hàng, nhưng để các ngân hàng và doanh nghiệp có nhu cầu quyết định lấy việc vay mượn của từng tháng. Vì vậy các ngân hàng đua nhau cho vay vào đầu năm vì sợ chính phủ sẽ nửa chừng hạ thấp định mức cho vay khi cần điều chỉnh [12].
Tôi ngờ rằng chính hình thái thị trường lai tạp [13] đầy bất trắc này không cho phép chính phủ Trung Quốc quản lý việc hạ cánh một cách êm ái. Theo tính toán của tôi, thì từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (Federal Reserve, hay Fed) [14] đã 12 phen cố gắng hạ nhiệt nền kinh tế tăng trưởng quá nóng mà đồng thời tránh gây ra  trì trệ. Và họ chỉ thành công đúng có một lần [15]. Liệu ngân hàng trung ương Trung Quốc, dưới sự kiểm soát chặt chẽ về chính trị, cùng giới lãnh đạo có thực quyền trong chính phủ có cơ may thành công hơn định chế độc lập này của Hoa Kỳ hay không?
Điều ấy có vẻ bất khả. Và hậu quả, cho kinh tế Trung Hoa và thế giới, sẽ là bất hạnh.
——————————————————————————–
Chú thích
Ngoài những đoạn ngắn ghi trong ngoặc vuông [...] người dịch xin có thêm vài giải thích về bối cảnh để chúng ta dễ tiếp nhận nội dung một bài viết khá chuyên môn:
[1] Nguyên văn: “white-hot”, một thuật ngữ được dùng bên ngành luyện thép, thép nóng đến trắng tinh, ở đây nói nền kinh tế tăng trưởng quá nhanh và không ổn định, như dòng kim loại bị nấu chảy ra.[2] Nguyên văn: “capital spending”. Đầu tư vào tài sản cố định như đất đai và thiết bị sản xuất.
[3] Tác giả Willy Lam, trong bài viết “Local Debt Problems Highlight Weak Links in China’s Economic Model” đăng ở trang mạng chính thức của The Jamestown Foundation hôm 15/7/2011, đã nêu mức đầu tư vào tài sản cố định (fixed-assets investments) của nước này vào năm 2010 là khoảng 46,5% tổng giá trị GDP, theo nguồn tin của tờ Hoàn Cầu Thời báo và trang www.china.org.cn.
[4] Cũng theo tác giả Willy Lam nói trên, thì tiền thu được do bán đất và thuế đánh trên các giao dịch bất động sản lại là nguồn thu đáng kể cho cơ quan chính quyền địa phương Trung Quốc, ước tính chiếm gần phân nửa thu nhập của họ. Bài viết của Willy Lam đã được Dainamx giới thiệu.
[5] Hậu quả của tình trạng xây nhanh hơn bán là hàng loạt các “thành phố ma” xuất hiện ở Trung Quốc. Xin xem chi tiết ở bài tiếng Việt “Những thành phố ma ở Trung Hoa” của tác giả Toan Do trên mạng http://toandd.blogspot.com/2011/05/nhung-thanh-pho-ma-o-trung-hoa.html, dịch từ bài viết “The ghost towns of China: Amazing satellite images show cities meant to be home to millions lying deserted” đăng trên trang mạng của tờ Daily Mail ngày 18/12/2010.
[6] Tức là cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 2011, theo ngày tác giả công bố bài viết này.
[7] Nguyên văn: “National Audit Office”, một cơ quan thuộc cấp bộ trong Hội đồng Chính phủ Trung Quốc, được thành lập từ năm 1983 để kiểm kê và giám định các trương mục kế toán quốc gia.
[8] Nguyên văn: “provincial-government financing vehicles”. Xin tham khảo vấn đề này trong loạt bài của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về những món nợ giấu kín của Trung Quốc đã được yết trên Dainamax Magazine.
[9] Tức là chính sách ghìm giá đồng Nguyên ở mức thấp vào Mỹ kim, nhằm kích thích xuất cảng nhờ bán hàng ra với giá trẻ hơn, do đồng bạc được định giá thấp hơn.
[10] Nguyên văn: “reserve requirements”, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay pháp định so với tổng số ký thác nhận vào. Nâng mức dự trữ này là giảm mức cho vay ra. Từ ngày 20/06 /2011 vừa qua, tỷ lệ này là 21,5% đối với ngân hàng lớn, và 19,5% đối với ngân hàng nhỏ.
[11] Nguyên văn: “hot money”, dòng vốn đầu tư ngắn hạn di chuyển ra vào một quốc gia trong mục tiêu đầu tư mà cũng là đầu cơ ngắn hạn vì muốn kiếm lời cho nhanh. Vì vậy có thể tràn vào hoặc rút ra thật mau nên dễ gây bất ổn về ngoại hối.
[12] Nguyên văn: “in a midcourse correction”, ý ám chỉ tính bất nhất trong các quyết sách tài chính và tiền tệ của chính phủ nước này khi nửa chừng lại phải điều chỉnh.
[13] Nguyên văn: “hybrid market system”, có lẽ tác giả nói đến hình thái kinh tế thị trường nửa kín nửa hở mang màu sắc Trung Hoa. Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa có lần chơi chữ… Tầu mà gọi là “phi cầm phi thú”, nửa chim nửa chuột!
[14] Federal Reserve System (gọi tắt là FED) ra đời năm 1913, định chế tài chính tương đương với hệ thống ngân hàng trung ương tại quốc gia khác. Trên thực tế, FED là định chế độc lập, bán công bán tư, gồm 12 ngân hàng và 25 chi nhánh ở khắp nước Mỹ, nên là hệ thống ngân hàng quốc gia mà do tư nhân góp phần quản lý, nhưng lại do các chuyên gia độc lập lãnh đạo. Đứng đầu FED là Hội Đồng Thống Đốc có 7 thành viên, gồm có Chủ Tịch do tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm, 2 thành viên đại diện cho chính phủ là Bộ Tài Chính và Ngân khố Hoa Kỳ, còn lại là 4 chủ ngân hàng tư nhân. Trong một nhiệm kỳ (4 năm đương chức), tổng thống chỉ được quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm 2 thành viên trong Hội đồng Thống đốc FED, và tất cả đều phải được sự đồng ý của Thượng Viện Hoa Kỳ, chuyện vốn không mấy dễ dàng. Ngân hàng Trung ương Mỹ không bị lãnh đạo chính trị chi phối, ngược lại, chính quyền mà muốn ảnh hưởng đến chính sách thì lập tức bị phản tác dụng. Thí dụ như năm 1991, kinh tế Mỹ bị suy trầm, Tổng thống George H. Bush muốn FED hạ lãi suất để kích thích mà không được. Kết quả là ông thất cử năm 1992 vì tình hình kinh tế và mãi sau này còn than phiền về sự oan uổng đó dù chính ông đã tái bổ nhiệm Chủ tịch Alan Greenspan vào chức vụ lãnh đạo định chế này. Việc tìm hiểu về đặc tính của các ngân hàng trung ương là một đề tài khó, nhưng có lẽ cần thiết để hiểu ra tiến trình quyết định về chuyện bạc tiền của người dân.
[15] Có lẽ tác giả nhắc đến kỳ tích của ông Paul Volcker (Chủ tịch FED thời 1979 – 1987) khi được sự yểm trợ Tổng thống Ronald Reagan (nhiệm kỳ 1981-1989) đã giúp Hoa Kỳ vượt qua giai đoạn lạm phát đi cùng đình trệ (stagflation) kéo dài từ thập niên 70. Năm 1983, lạm phát tại Mỹ đã hạ xuống mức 3,2%, sau khi lên đến đỉnh điểm 13.5% hồi năm 1981 và mở ra một thời kỳ phát đạt kéo dài gần 25 năm.
Như trong hai bài trước, xin cám ơn bác Nguyễn Xuân Nghĩa đã hiệu đính và giải thích thêm một số từ chuyên môn và cũng xin cảm tạ quý độc giả đã có lời bình và chỉ dẫn. TD.

-Hạ Cánh Nặng Nề (Phần IV)
Thương Dăng chuyển ngữ 

Vì Sao Kinh Tế Trung Quốc Đang Hạ Cánh Nặng Nề   
 Suy trầm và giảm phát cùng sóng đôi

Shilling: China Heading for a Hard Landing, Pt. 4
By A. Gary Shilling - Jun 29, 2011
Về Trung Quốc, thành tích quá khứ có thể là báo trước kết quả tương lai.

Cuối năm 2007, chính phủ Trung Quốc đã chật vật kiềm chế đợt bùng phát đầu tư vào tài sản cố định. Ngân hàng trung ương nước này đã lo ngại về tăng độ 11% của giá trị tổng sản phẩm quốc nội GDP, quá nhanh so với tiêu chí 8% ban đầu; và về dòng tiền ào ạt đổ vào nước này qua kênh đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và xuất cảng hàng hóa.

Đến ngày một tháng Mười Một, Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc [1] đã nâng lãi suất cho vay kỳ hạn một năm lên năm lần và tỷ lệ dự trữ bắt buộc [2] lên tám, lần nhằm giải quyết tình trạng thừa thanh khoản [3].

Theo như những gì được tiên lượng trong bài nghiên cứu của công ty tôi, chính phủ xứ này có thể sẽ giảm vốn đầu tư vào tài sản cố định và hạ mức thanh khoản dư dôi ngay khi hoạt động xuất cảng suy yếu. Sau đó, khi công xuất dư thừa của các hãng xưởng ngày một tăng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài sẽ tan biến và nạn giảm phát [4] sẽ lan tràn khắp nơi.

Đó chính là những gì đã diễn ra trước đây, quãng 2008-2009, dưới tác động của các rào cản về tài chính và tiền tệ của Trung Quốc vô tình xảy ra cùng lúc với đợt suy trầm kinh tế [5] toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng đã rơi xuống mức 6%, mà điều đó ở Trung Quốc có nghĩa là một đợt suy thoái nghiêm trọng [6].

Xin quý vị chớ ngạc nhiên nếu lịch sử sẽ lặp lại trong một vài năm tới.

Giờ này thì một số dấu hiệu nguội lạnh về kinh tế đã hiện rõ. Bên cạnh nhu cầu gia cư đã lắng, Chỉ Số Quản Lý Sản Xuất Tiên Báo về Mua hàng Chế biến ở Trung Quốc do HSBC [7] công bố hồi tháng Sáu đã rớt xuống 50,1, mức thấp nhất của nó trong 11 tháng vừa qua. Nếu doanh số bán ra của các loại phương tiện lưu thông cá nhân đã tăng 33% năm 2010, khi chính phủ chỉ trợ cấp những người mua xe vận tải hạng nhẹ [8], thì trong tháng Tư qua, doanh số này chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Tiền, ngân hàng, cổ phiếu

Độ tăng trưởng khối tiền tệ, tính theo cách rộng rãi nhất, đã giảm từ 30% vào tháng Chạp năm 2009 xuống còn 15% vào cuối tháng Năm vừa qua). Các khoản vay của ngân hàng hồi tháng Năm đã giảm 25% so với tháng Tư. Doanh số máy xúc [9] tháng Năm đã giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, có thể báo trước sự suy sụp của công nghiệp xây dựng. Việc Chỉ Số Chứng Khoán Tổng Hợp Thượng Hải [10] sụt 14,3% vào năm ngoái và 10% kể từ trung tuần tháng Tư vừa rồi cũng là điềm gở cho sức tăng trưởng của xứ này.

Dù gặp các tín hiệu xấu kia, cùng dữ liệu gần đây cho thấy GDP quý đầu vẫn có tăng độ đầy lạc quan là 9,7%, và trong khi tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng đang ở mức cao nhất kể tính từ tháng Bảy năm 2008, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực thi các chính sách thắt chặt kinh tế của mình.

Chính phủ xứ này đã nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên 21,5% trong tháng Sáu, và đây là lần nâng thứ chín kể từ tháng Mười Một năm trước. Và họ có lẽ sẽ tiếp tục siết chặt nền kinh tế cho đến khi thấy được kết quả dứt khoát - nghĩa là nền kinh tế xứ này sẽ nặng nề hạ cánh, vào ngay vùng xoáy suy trầm.

Vậy tiếp đấy sẽ là chuyện gì?

Không thả đồng Nguyên

Có một chuyện là, ngay cả khi nền kinh tế xứ này hạ cánh một cách nặng nề vào cảnh suy trầm rồi khiến dòng tiền nóng [đầu tư ngắn hạn] chảy ra khỏi xứ này và khiến đồng Nguyên suy yếu, Trung Quốc cũng sẽ không thả nổi đồng tiền của mình. Nhiều lãnh đạo chính quyền phương Tây lập luận rằng, nếu Trung Quốc để đồng Nguyên mà họ đang kiềm chế chặt chẽ này được tự do, nó sẽ tăng giá so với đồng Mỹ kim và các đồng tiền khác. Theo lối tư duy đó, thì điều này sẽ thành trở lực xuất cảng, giúp kích thích nhập khẩu và nhanh chóng loại mức thặng dư mậu dịch liên tục hiện nay.


Đến nay Trung Quốc vẫn khẳng định với giới chức phương Tây rằng họ sẽ không (để) bị ép đến mức phải thả nổi đồng Nguyên. Họ lo ngại rằng việc bất thần tăng giá đồng tiền này sẽ đẩy các doanh nghiệp xuất cảng của Trung Hoa vào thế khốn đốn, và buộc chúng di dời  hãng xưởng sản xuất sang khu vực [có đồng tiền] rẻ hơn. Đồng thời, việc đồng Nguyên lên giá cũng khiến lượng ngoại tệ dự trữ [11] của Trung Quốc bị mất giá.

Ngoài ra, hối suất [12] hiện không ảnh hưởng mấy đến giá hàng xuất nhập cảng, và do đó, chúng cũng chẳng thực sự chi phối hoạt động xuất nhập cảng. Yếu tố quyết định đối với hoạt động xuất cảng hàng hóa của một nước chính là năng lực kinh tế của quốc gia tham gia mua bán với nước đó. Nếu kinh tế các quốc gia này tăng trưởng mạnh thì họ sẽ mua thêm nhiều thứ, trong đó có hàng nhập cảng vào xứ họ.

Thái độ hồ hởi trong lòng của những người muốn sở hữu đồng tiền Trung quốc có thể sẽ chóng tan biến nếu mọi rào cản đều bị gỡ bỏ, và khi sự thể đã rõ rằng đồng Nguyên cao giá hơn sẽ không giúp chấm dứt vấn nạn thặng dư mậu dịch của Trung Quốc. Rồi áp lực của chính quyền ngoại quốc buộc Trung Quốc phải nâng giá đồng Nguyên cũng tan loãng, y như ước muốn tích trữ đồng Nguyên với kỳ vọng chúng sẽ tăng giá. Và việc loại bỏ các biện pháp khống chế, vốn đang ngăn người dân Trung Hoa đa dạng hóa loại hình đầu tư ra hải ngoại, có thể thực sự gây sức ép lên đồng Nguyên xuống bằng cách kích thích dòng tiền vốn chảy ra khỏi Trung Hoa.


Ôm Công khố phiếu


Trung Quốc cũng sẽ không ồ ạt bán ra gần một ngàn tỷ đô la công khố phiếu Hoa Kỳ [13], như có người đã lo. Chính phủ Trung Quốc thừa hiểu rằng làm như vậy sẽ gây thảm họa cho kinh tế của họ vì sẽ dẫn đến sụt giá Trái phiếu và Mỹ kim, khiến số tiền Hoa Kỳ hiện đang nợ Trung Quốc cũng như nhiều tài sản khác của xứ này sẽ mất giá trầm trọng. Khi đó nền kinh tế thế giới chắc sẽ khó tránh khỏi cơn suy thoái, mà trong đó Trung Quốc và các quốc gia phụ thuộc kinh tế xuất cảng sẽ gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất.


Công xuất Dư thừa [14]


Thay vào đó, cách ứng phó khả dĩ hiện nay của Trung Quốc - tức là vẫn tập trung xuất cảng nhiều hơn nữa - sẽ khiến cú hạ cánh của nền kinh tế xứ này thêm một nặng nề. Nếu mãi lực của người dân không tăng lên đáng kể trong vòng vài năm nữa, Trung Quốc sẽ rất khó tận dụng hết công xuất của hạ tầng công nghiệp mà họ đã gầy dựng lên, vốn phần nào để giúp tạo việc làm cho người dân. Các hãng xưởng mọc lên nhanh như nấm, đến nỗi ngay cả khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cực mạnh, công xuất sử dụng ở hầu như mọi doanh nghiệp sản xuất vẫn đang đứng yên hoặc giảm.

Khả năng sản xuất vô dụng này báo trước mức doanh lợi ít ỏi và rủi ro cao của các khoản vay nợ để đầu tư ra khả năng đó. Theo nhận xét của tôi, thì chúng sẽ lại được dùng để bơm vào hàng xuất cảng nhắm đến Hoa Kỳ và Châu Âu. Để rồi, một lần nữa, chúng sẽ khiến lượng cung hàng hóa toàn cầu thêm dư dôi và gây áp lực lên mức giá [khiến chúng phải hạ, một rủi ro của giảm phát].

Rồi thì sẽ đến lúc Trung Quốc, cùng với các quốc gia tân hưng phụ thuộc xuất cảng khác, bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trong một thế giới có tăng trưởng chậm đi cùng nạn giảm phát.

==================================================

Chú thích


Ngoài những đoạn ngắn ghi trong ngoặc vuông [...] người dịch xin có thêm vài giải thích về bối cảnh để chúng ta dễ tiếp nhận nội dung bài viết:


[1] Nguyên văn: “People’s Bank of China”, là ngân hàng trung ương của Trung Quốc (tức Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc), khác với Central Bank of China do Tôn Trung Sơn thành lập năm 1924, sau dời về đảo quốc Đài Loan (tức Trung Hoa Dân Quốc).

[2] Tức tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay pháp định so với tổng số tiền ký thác nhận vào. Xin xem lại bài “Hạ Cánh Nặng Nề (Phần III)” ở trang mạng http://www.dainamax.org/2011/07/ha-canh-nang-ne-phan-iii.html

[3] Nguyên văn: “excess liquidity”, tức mức lưu hoạt của dòng tiền quá cao (lượng tiền mặt trong kinh tế quá nhiều).

[4] Một khái niệm trái với “lạm phát”. Xin xem lại bài “Hạ Cánh Nặng Nề (Phần I)” ở trang mạng http://www.dainamax.org/2011/07/ha-canh-nang-ne-phan-i.html

[5] Ở đây có lẽ nên phân biệt giữa một số từ như suy trầm (recession), suy thoái (depression hay slump) và khủng hoảng (crisis). Khi độ tăng trưởng (growth) của nền kinh tế bị chậm hơn trước trong hai quý liên tiếp (tức 6 tháng), thì ta có tình trạng suy trầm. Suy trầm mà nặng hơn nữa, tức độ tăng trưởng bị rơi xuống số âm, thì ta có suy thoái. Mà suy thoái sâu và rộng thì ta có khủng hoảng, hay đại suy thoái (great depression), như trường hợp Hoa Kỳ hồi thập niên 30 của thế kỷ trước. Để biết thêm chi tiết, xin xem thêm bài viết "Lối vào khủng hoảng" của tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa ở trang mạng
http://giaocam.saigonline.com/HTML-N/VSNguyenXuanNghia/NguyenXuanNghiaNDLoiVaoKhungHoang.php

[6] Đây là một mối nguy không đơn thuần về kinh tế. Vì để duy trì sự bình ổn xã hội & chính trị nội tại ở Trung Quốc, nền kinh tế xứ này phải đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu là 8%, theo chỉ tiêu chiến lược do chính họ đặt ra.

[7] Nguyên văn: “HSBC Flash China Manufacturing Purchasing Managers Index”, một chỉ số tiên báo hàng tháng, được đưa ra sớm hơn chỉ số PMI (Purchasing Managers Index) chính thức một tuần. PMI là chỉ số cho biết lượng đơn mua hàng các cơ sở chế biến, từ số đơn mua hàng ấy người ta dự báo tình hình sản xuất của các cơ sở chế biến trong tương lai. Quy ước chung là PMI trên mức 50 cho thấy nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng, dưới 50 cho thấy nền kinh tế sẽ co cụm.

[8] Đầu năm 2009, Bộ Tài Chánh Trung Quốc đã công bố chương trình trợ giá của chính phủ nhằm giúp cư dân vùng nông thôn xứ này có thể mua được xe tải hạng nhẹ (minivan). Cụ thể, bộ này đã dành năm tỷ Nguyên (732 triệu Mỹ kim) để giúp trợ giá cho nông dân khi họ mua xe hơi. Nông dân nào mua các loại xe tải hạng nhẹ và xe trọng tải nhỏ (light truck) sẽ được hưởng chiết khấu 10%, với mức trợ giá tối đa là 5.000 Nguyên (737 Mỹ kim). Xin xem thêm chi tiết về kế hoạch tài trợ này của Trung Quốc ở bài "Booming rural market leads to increased minivan sales" của tác giả Wang Ke trên trang mạng
http://www.china.org.cn/business/2010-09/09/content_20896779.htm

[9] Doanh số bán các loại máy cơ khí có công dụng đào bới như máy ủi máy xúc (digging machinery) ở Trung Hoa đã tăng nhanh kinh khủng do nhu cầu thăm dò và mở rộng các khu mỏ than phục vụ nền công nghiệp trong nước, cũng như các công trình xây dựng ở nông thôn đang mọc lên khắp xứ. Tuy nhiên, theo thông tin của Hiệp Hội Cơ Khí Xây Dựng Trung Quốc (China Construction Machinery Industry Association), thì tổng số máy xúc bán ra hồi tháng Tư vừa qua là 27.000, giảm khá nhiều so với con số 40.000 máy bán ra hồi tháng Ba.

[10] Nguyên văn: “Shanghai Composite Index”, một chỉ số phức hợp được xem là “hàn thử biểu” cho thị trường Trung Quốc, tương tự như chỉ số Hang Seng của Hương Cảng, Straits Times của Tân Gia Ba, Nikkei 225 của Nhật Bản, hay Taiex của Đài Loan.

[11] Hồi trung tuần tháng Tư vừa qua, Ngân Hàng Nhân dân Trung Quốc công bố mức dự trữ ngoại tệ trong quý đầu của nước này đã lên đến 3,05 ngàn tỷ Mỹ kim, tiếp tục giữ vị trí hàng đầu thế giới và gần gấp ba con số chính thức của của Nhật Bản, hiện là nước đứng thứ hai thế giới về lượng ngoại tệ dự trữ bằng Mỹ kim.

[12] Nguyên văn: “exchange rate”, tức tỷ giá hối đoái, ở đây chủ yếu là giữa đồng Nguyên và đồng Mỹ kim vì Trung Quốc có chính sách giàng giá đồng Nguyên vào Mỹ kim theo một tỷ giả nhất định cho giao dịch trong ngày trong một biên độ hẹp, chứ không "thả nổi" là tự do lên xuống theo quy luật cung cầu.

[13] Nguyên văn: “U.S. Treasuries”, tức trái phiếu chính phủ, do Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ phát hành. Với lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ như đã đề cập ở trên, chính phủ Trung Quốc không còn cách nào khác để bảo toàn và kiếm lời nhờ tài sản này ngoài cách đầu tư vào thị trường trái phiếu Mỹ, hiện có ưu thế về mức lưu hoạt, độ sâu và độ rộng so với các thị trường khác như Nhật Bản hay Châu Âu. Để biết thêm chi tiết về vấn đề này, xin xem lại bài “Trung Quốc và Hoa Kỳ - Thế và Lực” của tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa ở trang mạng http://www.dainamax.org/2011/01/trung-quoc-va-hoa-ky-va-luc.html.

[14] Nguyên văn: “Excess capacity”. Xin xem thêm bài viết “China’s Excess-Capacity Nightmare” của tác giả Mark A. DeWeaver, hiện đăng ở trang mạng http://www.project-syndicate.org/commentary/deweaver2/English. Trong bài này, tác giả có nêu rõ, vào năm 2008, Trung Quốc đứng hàng đầu thế giới về sản lượng thép (chiếm phân nửa sản lượng toàn cầu), xi-măng (cũng phân nửa), nhôm (40%), và thủy tinh (31%). Trong khi đó, cũng năm này, năng suất sử dụng của xứ này chỉ đạt 76% đối với thép, 75% đối với xi-măng, 73% đối với nhôm, và 88% đối với thủy tinh. Chính phủ Trung Quốc đã lường trước hiểm họa về kinh tế lẫn môi trường của tình trạng công suất dư thừa ấy, và đã dùng nhiều biện pháp để loại bỏ các hãng xưởng công suất thấp sử dụng kỹ nghệ lạc hậu, nhưng hiện vẫn chưa thành công. Cũng xin xem lại qua mạch dẫn dưới đây bài "Ăn Quặng Để Cán Thép... Mà Chơi - Trận đấu về quặng sắt của Trung Quốc" ngày 04 Tháng Giêng năm 2010 trong mục "Kinh tế cũng là Chính trị" của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trên báo Người Việt, trong đó ông có nhắc đến bài trước đấy "Trung Quốc Sắt Thép" trong số ra ngày 06 Tháng Mười năm 2009. Nhân đây cũng xin ông Nghĩa cho yết lại trên Dainamax cả hai bài về ngành thép của Trung Quốc.


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=106401.


Như trong ba bài trước, xin cám ơn bác Nguyễn Xuân Nghĩa đã hiệu đính và giải thích thêm một số từ chuyên môn. Còn một bài cuối cùng, xin cố dịch cho nhanh! TD.

Tổng số lượt xem trang