-Vụ thiếu nữ thiệt mạng ở Cà Mau: Khởi tố 30 bị can tội gây rối
- - Một nền y học bị chính trị hóa (BS Ngọc). Hiếm thấy một thời đại nào mà y giới bị khinh như ngày hôm nay. Những gì xảy ra ở bệnh viện Năm Căn có lẽ là một sự tức nước vỡ bờ. Có đồng nghiệp nói đó là một nền “y khoa đổ vỡ”, nhưng tôi cho rằng đó một nền y học bị chính trị hóa. Vâng, chính vì y học bị chính trị hóa nên mới thảm hại như hiện nay.
Cái quá trình chính trị hóa y học ở ta xảy ra một cách toàn diện. Nó bắt đầu ngay từ khâu tuyển sinh, đến khâu học tập và kéo dài đến khi ra trường và hành nghề. BS Đỗ Hồng Ngọc trong một bài nói chuyện ở Long Hải gần đây kêu gọi (ai?) phải quan tâm đến “đầu vào”, “hộp đen” và “đầu ra”.
Nhưng tôi e rằng ông không nói hết hay tránh né không nói đến sự chính trị hóa trong 3 khâu ông nói đến. Tôi nghĩ rằng những hiện tượng tiêu cực trong ngành y chúng ta đang chứng kiến ngày nay chính là hậu quả của quá trình chính trị hóa y học. Nói như nhà thơ Đỗ Trung Quân:
Chúng ta đang gặt một mùa bội thu sự vô cảm
Vì chúng ta gieo nó
Chúng ta phó mặc cho định mệnh vì chúng ta không tin gì cả.
Chúng ta quen nói dối
Chính trị hóa được gieo mầm ngay từ khi tuyển sinh. Chúng ta chưa quên chính sách hồng hơn chuyên sau 1975. Hồng là đỏ, là cách mạnh. Chuyên là chuyên môn. Hồng hơn chuyên là có nhân thân cách mạng tốt hơn có tài chuyên môn. Chính sách hồng hơn chuyên thực chất là một sản phẩm của chủ nghĩa lý lịch. Chủ nghĩa lý lịch hoàn toàn nhất quán với chính sách chính trị thống lãnh giáo dục. Chúng ta còn nhớ sau 1975, lý lịch sinh viên học sinh được chia thành 14 bậc. Con cái của “ngụy” ở bậc thứ 13 hay 14. Ở bậc này cũng đồng nghĩa với không được vào học y khoa dù có điểm cao. Bao nhiêu nhân tài chỉ vì cái tội con cháu của ngụy bị đẩy ra ngoài. Thay vào đó, con cháu cách mạng dù điểm thấp vẫn được vào học y khoa. Điểm 2, 3 cũng được vào trường y. Đã có người sửa điểm thành 25, 30. Một xã hội xem thường tài năng thì làm sao khá được. Hậu quả là chúng ta có vài thế hệ bác sĩ tồi và giáo sư “dỏm” như ngày nay.
Sẽ là rất sai lầm nếu nghĩ rằng chủ nghĩa lý lịch đã chấm dứt. Cái “đầu vào” mà BS Đỗ Hồng Ngọc không muốn hay không dám nói đến là gì? Tôi xin nói thay ông, đó là những “cử tuyển”, “chuyên tu”, “bồi dưỡng”. Đó là những mã ngữ mà nhiều người khó có thể hiểu nổi. Nói thẳng ra, mỗi năm người ta đưa ra một danh sách “sinh viên”được cử đi học y khoa, trường đại học không thể từ chối. Không thể từ chối vì đó là lệnh. Chưa nói đến chuyên tu. Dân gian có câu nhạo báng “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”, nhưng trớ trêu thay, chuyên tu và tại chức có quyền hơn chính quy. Có quyền là vì họ là người của Đảng. Đảng tin họ. Có mấy ai biết rằng chính những bác sĩ chuyên tu là những người đang nắm quyền sinh sát ngành y. Hãy nhìn quanh xem, giám đốc các sở y tế là ai, nếu không là chuyên tu. Họ nắm quyền từ cấp trung ương đến địa phương.
Quá trình chính trị hóa tiếp tục trong trường y. Sinh viên y ngày nay phải học những môn học xa lạ với y khoa. Chủ nghĩa Mác Lê. Tư tưởng Hồ Chí Minh, dù ông chưa bao giờ tự nhận rằng mình có tư tưởng. Lịch sử Đảng CSVN. Tôi không rõ có trường y nào trên thế giới dành một thời lượng 20% để dạy những môn học như trên. Dĩ nhiên là ngoại trừ Trung Quốc, cái nước mà giới lãnh đạo chúng ta răm rắp làm theo cứ như là một học trò bé nhỏ trung thành. Dù ai cũng có thể thấy những môn học đó chẳng liên quan gì đến nghề y, nhưng nó vẫn được giảng dạy như là những môn học bắt buộc. Biết được chủ nghĩa Mác Lê, hay tư tưởng Hồ Chí Minh, hay lịch sử Đảng có làm cho người bác sĩ có tay nghề cao trong việc điều trị bệnh? Chắc chắn không. Vậy thì đừng hỏi tại sao kiến thức chuyên môn của bác sĩ ngày nay quá thấp.
Chủ nghĩa Mác Lê dựa vào đấu tranh giai cấp. Do đó, cái giá của sự ưu tiên cho học chính trị là sự suy đồi đạo đức y khoa. Một sinh viên mới vào trường y đã được nhồi nhét những thông tin vế đấu tranh giai cấp, về kẻ thù, về phản động … thì đừng trách sao đầu óc của họ được uốn nắn để trở thành những kẻ chỉ biết đến Đảng và đấu tranh, chứ chẳng quan tâm đến bệnh nhân. Vậy thì đừng hỏi tại sao bác sĩ mới ra trường non choẹt nhưng đã bắt đầu hoạnh họe bệnh nhân và tự xem mình là ông quan, ăn trên ngồi chốc. Thử hỏi có bác sĩ chân chính nào vô tâm đến nỗi để cho thân nhân quỳ lạy mà vẫn vô tư bỏ đi ngủ và để cho bệnh nhân phải chết? Đó là kẻ sát nhân, chứ đâu phải “bác sĩ”. Cũng đừng trách tại sao sinh viên mới học 1,2 năm trong trường y đã bi bô khoe khám chỗ kín của phụ nữ. Khoe ngay trên mặt báo. Họ còn dùng chữ “chị em”. Thật chưa bao giờ đất nước này có những sinh viên y khoa mất dạy như thế. Tôi khẳng định dùng chữ mất dạy hoàn toàn chính xác trong tình huống vừa nói trên. Nhớ ngày xưa khi theo thầy vào phòng mổ, một đứa bạn nay là một nhà phẫu thuật tài ba ở Mỹ lỡ lời thốt lên một câu khiếm nhã về cái chân của bệnh nhân, sau đó bị thầy tán cho một bạt tay nhớ đời và cả đám lãnh đủ một bài giảng moral. Vậy mà bây giờ có những sinh viên y khoa không ý thức được thiên chức của nghề y và sự tin tưởng của xã hội để lên báo chí thốt lên những câu chữ chỉ có thể mô tả là mất dạy. Những sinh viên này không nên hành nghề thầy thuốc vì bộ não của họ đã bị đầu độc bởi những vi khuẩn hạ tiện.
Thật khó nói có nơi nào trên thế giới mà người ta lẫn lộn giữa cán bộ y tế và bác sĩ. BS Đỗ Hồng Ngọc nói đến Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch khẳng định mục tiêu đào tạo “Bác sĩ tổng quát hướng về cộng đồng”. Nếu mục tiêu là hướng về sức khỏe cộng đồng thì tại sao trường có tên là “Đại học Y khoa”? Tại sao không gọi là Trường cao đẳng y tế cộng đồng cho phù hợp hơn? Thật ra, tiền thân của trường là Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế thành phố, một cái tên rất thích hợp. Khó định nghĩa khái niệm bác sĩ tổng quát hướng về cộng đồng vì chẳng ai định nghĩa đó là bác sĩ loại gì. Đối tượng của nghề y là người bệnh — con người và bệnh. Đối tượng của cán bộ y tế là cộng đồng, sức khỏe cộng đồng. Bác sĩ có thể là cán bộ y tế, nhưng cán bộ y tế không thể là bác sĩ. Lầm lẫn giữa y khoa và y tế dẫn đến sai lầm trong triết lý đào tạo. Trong thực tế, ai cũng biết trung tâm từng là cái nôi dành cho con em của quan chức, cán bộ. Mang tiếng là phục vụ cộng đồng, nhưng trong thực tế họ đều quanh quẩn trong các bệnh viện. Hậu quả là chúng ta có 15 thế hệ nửa thầy (bác sĩ) nửa thợ (cán bộ y tế). Khó tưởng tượng có nơi nào có hệ thống đào tạo quái gở như thế.
Quá trình chính trị hóa nghề y còn diễn ra sau khi sinh viên tốt nghiệp trường y. Cũng như bất cứ cơ quan công nào, bệnh viện cũng có chi bộ của Đảng. Chi bộ đảng dĩ nhiên chỉ dành cho Đảng viên. Chi bộ có bác sĩ nhưng cũng có những người ngoài y giới, như tài xế lái xe. Những người ngoài y giới cũng có tiếng nói như bác sĩ khi họ ngồi trong chi bộ. Người có quyền nhất trong bệnh viện không hẳn là giám đốc mà là bí thư chi bộ. Bí thư chi bộ trên danh nghĩa là chính trị viên, nhưng lại can thiệp vào những vấn đề chuyên môn liên quan đến y khoa! Tiếng nói chuyên môn không có giá trị bằng tiếng nói của Đảng. Thật trớ trêu. Thật quái đản. Một nền y khoa bị chính trị hóa.
Y khoa không phân biệt thù hay bạn. Người thầy thuốc chân chính không phân biệt bệnh nhân mình là phía bên kia hay bên này, không phân biệt người đó theo đạo gì, hay theo chủ nghĩa gì, không phân biệt thành phần xã hội. Tất cả đều được đối xử như nhau. Nhưng rất tiếc cái lý tưởng cao cả và phổ quát đó đã bị chính trị vứt bỏ một cách không thương tiếc. Chính vì thế mà ngày nay chúng ta có những khu đặc trị dành cho cán bộ cao cấp, biệt lập với khu dành cho thường dân. Đó không phải là ăn trên ngồi chốc thì là gì? Đó có phải là lý tưởng cách mạng? Nhưng sự phân biệt này đâu chỉ xảy ra mới đây. Nó còn tàn nhẫn hơn ngay từ ngày 30/4/1975. Hãy nhớ rằng ngày 30 tháng Tư năm 1975 bệnh nhân trong Quân y viện Cộng Hoà bị đuổi ra khỏi viện. Anh mù cõng anh què. Anh đổ ruột vịn vai anh cụt tay. Đó là thời điểm người Sài Gòn biết được y đức của nền y học mới. Đó là loại y đức bị chính trị hóa.
Hậu quả của quá trình chính trị hóa từ khâu tuyển sinh, giảng dạy và tốt nghiệp là nhiều thế hệ bác sĩ có trình độ chuyên môn thấp. Mấy năm trước tôi đọc thấy ở Mỹ mỗi năm có hàng trăm ngàn bệnh nhân chết do sai sót trong y khoa. Một nền y học tuyệt vời và nhân bản như Mỹ mà còn như thế thì ở nước ta câu hỏi là đã có bao nhiêu người chết vì sự phân biệt trong điều trị? Những gì xảy ra ở bệnh viện Năm Căn và hàng ngày trên khắp nước chỉ là những “thành quả” đã được gieo giống từ rất lâu. Hậu quả cũng là hàng ngàn giáo sư dỏm, tiến sĩ dỏm, dỏm đến độ người dân khinh.
Chính trị hóa y khoa đã xảy ra rất lâu chứ không phải mới đây. Nó còn được luật hóa. Điều 41 trong Hiến pháp ghi: “Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, gia đình và xã hội cùng với nhà trường có trách nhiệm giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng”. Điều 37 ghi: “Chủ nghĩa Mác-Lênin là hệ tư tưởng chỉ đạo sự phát triển của xã hội Việt Nam. Nhà nước tuyên truyền, giáo dục sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối chính sách của đảng Cộng Sản Việt Nam […] chống các tư tưởng phong kiến, tư sản và ảnh hưởng của văn hóa đế quốc, thực dân; phê phán tư tưởng tiểu tư sản; xây dựng nếp sống xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ nếp sống lạc hậu, bài trừ mê tín, dị đoan”. Như thế, việc chính trị hóa y khoa không có gì đáng ngạc nhiên vì nó nằm trong chính sách của Đảng được hiến pháp quy định. Do đó, nếu muốn làm cho nền y khoa của chúng ta tốt hơn thì hãy thay đổi từ cái gốc, chứ không nên kêu gọi chung chung về y đức. Y đức chỉ là một sản phẩm của cái triết lý giáo dục bị chính trị hóa. Nguyên nhân chính dẫn đến nền y khoa nước ta bị suy thoái nằm ngay trên những dòng chữ tôi trích trên đây.
BSN
-Một nền y khoa đổ vỡ (SGTT 3-7-11) Bài BS Lê Đình Phương -
SGTT.VN - Trước việc đau lòng vừa xảy ra tại bệnh viện Năm Căn (Cà Mau), thật khó thể tìm lời biện minh nào có thể xoa dịu được sự giận dữ của dư luận. Tuy nhiên cần phải báo động bạo lực nay lan đến cả bệnh viện, thật là điều “xưa nay hiếm”.
Cần một quĩ bảo hiểm nghề nghiệp cho nghề thầy thuốc, một nghề đầy bất trắc và nhiều yếu tố rủi ro hơn bất cứ nghề nghiệp nào khác. Ảnh minh hoạ. |
Tuy chẳng liên can, nhưng sự bạc bẽo của nghề cầu thủ và nghề thầy thuốc lại thật giống nhau. Chỉ sau một đêm khi chẳng may đá hỏng bàn thắng chung cuộc, người cầu thủ tội nghiệp nào đó sẽ là mục tiêu của một trận mưa công kích của dư luận. Danh tiếng, sự ngưỡng mộ của công chúng lập tức tiêu tan, như thể người cầu thủ đó chưa hề là người nổi tiếng.
Nghề thầy thuốc cũng thế! Thoắt một cái, từ vị trí đang được kính trọng, yêu mến, một người thầy thuốc sẽ nhanh chóng trở thành kẻ tội đồ. Những người đã từng yêu mến, hàm ơn cũng lập tức đổi ngay thái độ. Bao danh tiếng, uy tín xây dựng trong bao năm, chỉ sau một đêm là sụp đổ tiêu tan. Tệ hơn thế, người thầy thuốc không có cơ hội để sửa chữa sai lầm (chết người) của mình, như người cầu thủ “lấy công chuộc tội” bằng những bàn thắng ở trận đấu sau.
Con người y khoa, cũng như mọi con người khác là hữu hạn và không thể nào tránh khỏi sai lầm. Nên từ ngàn xưa, phương châm số một của y học là “trước hết, không làm tổn hại” (Primum non nocere). Hiểu một cách khác, nhiệm vụ tiên quyết của mọi nền y học là hạn chế sai lầm, trước khi nói đến chuyện cứu nhân độ thế.
Những thầy thuốc lâu năm trong nghề, thấu hiểu lẽ bạc bẽo của y nghiệp, sẽ rất thận trọng khi phê phán những sai lầm chuyên môn của đồng nghiệp mình. Vì có bậc “thần y” nào dám đoan chắc cả đời mình sẽ không bao giờ mắc phải những sai lầm tương tự, thậm chí nghiêm trọng và tủi hổ hơn nhiều. Mà lên án một sai lầm của thầy thuốc thì rất dễ dàng được sự đồng thuận của công chúng, một công chúng không am tường về chuyên môn và đầy ác cảm với y giới.
Thế nên mới cần có y sĩ đoàn để phán quyết. Một cách lý tưởng, họ phải là những thầy thuốc giỏi giang, đức độ, công minh để minh định công tội của một con người cùng chuyên môn với họ. Phán quyết của họ, được kỳ vọng là sẽ công bằng và khách quan hơn những lời bình luận phiến diện của những người ngoài giới chuyên môn.
Thế nên mới cần một quĩ bảo hiểm nghề nghiệp cho nghề thầy thuốc, một nghề đầy bất trắc và nhiều yếu tố rủi ro hơn bất cứ nghề nghiệp nào khác.
Thành thật mà nói, các điều kiện lý tưởng như trên, chúng ta chưa có!
Nhưng chưa cần đến công luận, chưa cần đến phán quyết chung cuộc của y sĩ đoàn, bất cứ người thầy thuốc có lương tâm nào sẽ bị ám ảnh rất lâu bởi những sai lầm của mình. Sự ám ảnh đó sẽ là sự trừng phạt rất dai dẳng của tòa án lương tâm, nhiều khi còn nặng nề hơn sự mạt sát của dư luận. Khi tóc ngày càng bạc, mọi người thầy thuốc đều không hẹn với lòng mà chiêm nghiệm rõ hơn về tính chất hư ảo và đầy bạc bẽo của y nghiệp. Lấy đó mà răn mình, thay vì vênh vang với những chức tước học vị hào nhoáng.
Thách đố trong y học thì vô hạn trong khi con người thì hữu hạn. Nên việc lên án chuyên môn của một người thầy thuốc phải dựa trên một sự am hiểu nhất định về y khoa, để thấu hiểu những khó khăn nghề nghiệp của họ trước khi phán quyết một cách công bằng và khách quan.
Sự tắc trách thì khác và không thể biện minh dưới bất cứ lý do nào! Chểnh mảng, cẩu thả làm thiệt mạng bệnh nhân rõ ràng là mồi lửa tốt nhất châm ngòi cho sự nổi giận của công luận.
Trước việc đau lòng vừa xảy ra tại bệnh viện Năm Căn (Cà Mau), người ta sẽ dễ dàng gật gù thông cảm với những bình luận chát chúa nhắm vào người thầy thuốc trên các báo mạng. Vì nếu có sự tắc trách đúng như mô tả, thật khó có thể tìm được một lời biện minh nào có thể xoa dịu được sự giận dữ rất hữu lý của dư luận.
Tuy nhiên, cách thức mà đám đông kia bày tỏ sự giận dữ cũng đáng lên án không kém sự tắc trách. Làm sao có thể dung thứ được hành vi đập phá bệnh viện, làm ảnh hưởng đến sinh mạng và sự an toàn của nhiều bệnh nhân khác đang được chữa trị? Làm sao có thể miễn chấp về mặt luật pháp việc ăn nhậu bên cạnh quan tài, cướp bóc, hôi của tại tư gia? Thật khó hiểu khi nhà chức trách lại không thể ngăn chặn kịp thời những hành vi quá khích ở mức độ công khai và kéo dài trong nhiều giờ trước đó.
Nhưng những gì xảy ra ở bệnh viện Năm Căn không phải là ngoại lệ. Trong khi việc lên án giới bác sĩ ngày càng gay gắt, những vụ gây rối, thanh toán, đâm chém lẫn nhau trong môi trường bệnh viện là điều xảy ra như cơm bữa, nhất là ở các bệnh viện phía Bắc. Bạo lực đã không chừa học đường, nay lan sang đến cả bệnh viện, thật là điều “xưa nay hiếm”.
Chính sự chểnh mảng và thái độ bạo lực đã làm cho nền y khoa ngày càng bất trắc cho cả hai phía bệnh nhân và thầy thuốc. Thay vì phải rất mực thân thiện và an toàn, như nó phải thế!
Người ta đã nói rất nhiều đến các học vị giáo sư tiến sĩ đang mọc lên như nấm sau mưa trong mọi ngành nghề, kể cả nghề y. Quan hệ thầy thuốc- bệnh nhân cũng chưa bao giờ xấu hơn bây giờ, khi vì nhiều lý do, không thầy thuốc đã không còn coi nghề mình là thiên chức. Hay khi nhiều người chấp nhận dùng bạo lực, dao, súng để “nói chuyện phải quấy” trong môi trường bệnh viện.
Không ít thầy thuốc đã không còn coi nghề mình là thiên chức. Mua bán bằng cấp như chợ búa, học thuật xuống dốc, quan hệ giữa y giới – công chúng ngày càng nhiều bạo lực, còn sự đổ vỡ nào lớn hơn cho một nền y khoa hay không?
BS. Lê Đình Phương
SGTT.VN - Những ngày qua, nhiều người phẫn nộ trước thông tin cái chết oan khuất của Dương Thị Thu Huyền, 17 tuổi, tại BV đa khoa Năm Căn, Cà Mau. Dì ruột Huyền, người trực tiếp chăm sóc em tại BV kể: “Bác sĩ (BS) khám và nói cháu khỏe, kêu đưa về nhà. Tôi thấy cháu quằn quại, nên xin BS cho cháu ở lại viện để điều trị. Đến nửa đêm 28.6 cháu khó thở và nguy kịch, tôi và má tôi kêu cửa bác sĩ trực. Bác sĩ vào khám và nói không sao hết, nằm tới sáng sẽ khỏe, rồi bỏ về ngủ tiếp. Đến khoảng 4 giờ sáng 29.6, cháu tôi trào nước mắt, tắt thở ”.
Khi gặp sự không may, người bệnh cần lắm sự ân cần, hết lòng của bác sĩ. Ảnh: TL SGTT |
Đêm đó, bà ngoại và dì Huyền cầu cứu BS trực Nguyễn Duy Tú – đến sáu lần, thậm chí quỳ lạy vị BS này xin chuyển viện - nhưng BS coi qua loa rồi đi ngủ. BS còn nói “bệnh nhân không có bệnh, chỉ giả bộ vì mắc cỡ!”.
Kết quả giám định pháp y cho thấy bệnh nhân chết do chấn thương sọ não kín. Ngày 2.7, sở y tế tỉnh thông báo cách chức BS phó trưởng khoa sản Nguyễn Duy Tú và luân chuyển công tác khác. Hai điều dưỡng Hồ Minh Cảnh và Tô Vĩnh Phước bị đề nghị hình thức xử lý cảnh cáo.
Giám đốc bệnh viện phát biểu với báo chí rằng “do BS Tú yếu về chuyên môn nên chẩn đoán không chính xác". Yếu chuyên môn, sao lại bố trí trực cấp cứu - nơi đầu sóng ngọn gió với các ca nặng thập tử nhất sinh, mà đôi khi vì sự yếu kém của thầy thuốc có thể dẫn đến chết người hoặc di chứng suốt đời? Diễn tiến ca này cho thấy ê kíp trực bỏ qua kiến thức cơ bản tối thiểu – kể cả nhiều người dân bình thường cũng biết là khi có té ngã, va đầu vào vật cứng đều phải theo dõi chấn thương sọ não, dù bệnh nhân rất tỉnh táo trong nhiều ngày sau đó. Tại một số khoa cấp cứu ở các bệnh viện tại TP.HCM còn in sẵn hướng dẫn để phát cho bệnh nhân sau sơ cấp cứu về nhà biết cách tự theo dõi.
Thí nghiệm?
Một vụ khác cũng đang gây bức xúc, xảy ra tại Hà Nội: dù chưa thuyết phục được các chuyên gia nhãn khoa Việt Nam, chưa được bộ Y tế cấp phép, nhưng một năm qua bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga dã triển khai hai phẫu thuật tạo hình củng mạc và chuyển mạch điều trị một số bệnh lý về mắt. Các chuyên gia Việt Nam cho biết tạo hình củng mạc để chữa cận thị chỉ áp dụng ở người bệnh trên 18 tuổi và trước phẫu thuật phải được theo dõi xem có đúng là cận thị tiến triển hay không, và phải loại trừ được các tổn thương vùng đáy mắt. Nên còn nhiều băn khoăn và tham mưu cho bộ Y tế rằng kỹ thuật này chưa đủ cơ sở để triển khai trên bệnh nhi Việt Nam. Năm 2010, hội nhãn khoa Việt Nam cũng đã yêu cầu bệnh viện tổ chức thuyết trình để đánh giá về chuyên môn … nhưng bệnh viện không phúc đáp, và "vô tư" triển khai trên bệnh nhân, mổ cho các bé chỉ 7 - 8 tuổi. Sau một năm phẫu thuật, bệnh cận nhẹ trở nên nặng hơn! Tổng giám đốc bệnh viện – một người Việt - lập luận rằng: các kỹ thuật này chưa được bộ Y tế cấp phép, bệnh viện vẫn phẫu thuật cho bệnh nhân người Việt vì đó là phẫu thuật do BS nước ngoài thực hiện (?).
Sau khi báo chí lên tiếng, sở y tế Hà Nội thanh kiểm tra, buộc đình chỉ hai phẫu thuật và xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng. Phạt, sau khi họ đã mổ cả năm qua, trên 20 ca. Với các bậc cha mẹ, không gì đau xót bằng – vì tin vào quảng cáo, tưởng rằng đây là phương pháp mới, nhưng khác gì đưa con cho họ mổ thử nghiệm. Trời sinh người ta chỉ có hai con mắt, đừng vì đồng tiền mà đẩy người bệnh phải chấp nhận hên xui may rủi… Cái rủi đôi khi là họa cả đời.
Loạn từ trong trứng!
Ngày 29.6.2011, một bài báo mạng có tựa đề “Nam sinh viên y khoa khoe “chiến tích" khám chị em" dẫn lời một sinh viên năm thứ tư đại học y cho biết mình cũng như một số nam sinh viên khác - cái cảm giác “hơi oải" khi lần đầu thăm âm đạo cho bệnh nhân ở bệnh viện phụ sản. "Nhưng rồi quen dần, rất tích cực làm, vì đó là một công việc thú vị, được sờ thấy em bé từ lúc còn trong bụng mẹ. Có bạn trong lớp khoe chiến tích kỹ lục siêu âm đầu dò được 30 “cái" trong một ngày (?!!).
Chưa hết, khi thực hành trong nhà xác, có sinh viên kể: “Sau hôm học trên xác người về hệ tiêu hóa, lôi hết cả lòng mề phèo phổi của “ông ý” ra, mình… cạch luôn món lòng dồi lợn”. Một bạn nữ kể “kỷ niệm “thú vị" là có lần mình xúm vào với các bạn ngắm nghía một cái xác bị lộ mặt và trầm trồ khen “anh ý” quá…đẹp trai…
Một quảng cáo lớp tập huấn nâng ngực thẩm mỹ tháng 7.2011 tại TP.HCM nêu: “Chương trình gồm có các bài giảng căn bản về nâng ngực thẩm mỹ, tìm hiểu và làm quen với loại túi ngực mới. Thực hành đặt túi ngực trên thi thể tươi ”...
Thật đáng tiếc khi nghĩa vụ luật hành nghề y khoa chưa được ban hành tại Việt Nam. Theo nghĩa vụ luật hành nghề y của hội đồng quốc gia y sĩ đoàn Pháp, ngay từ chương 1, các nhiệm vụ của người BS ghi rõ: "BS, người phục vụ người bệnh và y tế công cộng, phải thực hiện nhiệm vụ của mình với sự tôn trọng sinh mạng, con người và nhân phẩm. Sự tôn trọng con người vẫn phải tiếp tục sau khi người đó chết".
Chuyện đùa cợt, thiếu tôn trọng bệnh nhân, kế cả thi thể con người là không thể chấp nhận. Anh sinh viên hứng thú về “chiến tích” thăm khám, siêu âm có bao giờ nghĩ cái cảm giác của người phụ nữ bị thăm khám? Cô bạn tôi đến giờ vẫn chưa quên cái cảm giác xấu hổ trộn lẫn uất nghẹn khi nằm chờ sinh ở một bệnh viện sản, giữa cơn đau đẻ thì chị hoảng hồn khi hơn chục sinh viên thực tập kéo vào, từng người thò ngón tay vào đo độ mở tử cung, rồi nói cười hô hố. Bây giờ nghĩ lại chị còn rùng mình.
Đau lòng!
Một vị giáo sư đầu ngành chấn thương chỉnh hình nói với chúng tôi, người bệnh đến bệnh viện là để được chăm sóc y tế và y đức. Nhưng nay, đáng buồn là cứ nói 12 điều y đức mà sao thấy… thất đức quá. Trong đào tạo, còn nhiều lổ hổng, loạn từ trong trứng. Ra trường, số dốt, ẩu cũng nhiều. Khi gặp ca khó, không đủ bản lĩnh đối phó, mạnh ai nấy có ý kiến riêng, cãi nhau từ mức tối thiểu, rất nguy hiểm cho bệnh nhân, cho xã hội. Tại một số nước, như Singapore, người ta cân nhắc trong đào tạo ngành y: trước khi nộp đơn, sinh viên phải qua phỏng vấn để test coi “bụng dạ" có thích hợp với cái ngành cứu người hay không. Trong đào tạo y khoa, y đức, nghĩa vụ luận phải được giảng dạy xuyên suốt từ năm thứ nhất đến khi ra trường, chứ không như ở ta, hàng chục năm qua bỏ lửng. Đại học y Phạm Ngọc Thạch TP.HCM có đưa y đức vào giảng dạy nhưng chỉ dạy vài buổi vào năm thứ nhất và năm thứ 6. Gần đây đại học y Hà Nội mới thành lập bộ môn Y đức vào năm 2010.
Muộn còn hơn không. Nếu không có một thay đổi toàn diện từ khâu tuyển sinh, chương trình, đào tạo để cứu vãn y đức xuống cấp thì e rằng sẽ còn có nhiều cái chết oan khuất. Khi bị bệnh, người dân mới tìm đến cơ sở y tế, tìm đến cái phao cứu sinh, hãy trao cho họ hy vọng sống, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, bệnh nặng hay nhẹ, là người có tiền hay không có tiền…
KIM SƠN
SGTT.VN - 23 giờ ngày 3.7, tôi nhận được tin nhắn của một người quen: "Tuần sau tôi mời anh đóng vai nhân viên sale của công ty đi tiếp thị thuốc vào bệnh viện để anh biết được Y đức, Đạo đức của các bác sĩ và lãnh đạo bệnh viện như thế nào nhé. Làm sản xuất Dược, tôi mới biết là ngành y tế mình tệ lắm anh ơi…"
Lưu Tố Lan (áo màu cam), nguyên bác sĩ Khoa nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy, bị cáo buộc là người cầm đầu đường dây rút ruột bảo hiểm y tế (BHYT). Cạnh bên là 11 cộng sự làm ăn một thời của Lan. |
Đây không phải lần đầu tiên tôi nghe bức xúc của một người làm ngành dược về các đồng nghiệp ngành y trong hệ thống y tế nước nhà về Y ĐỨC. Cách đây vài năm, một dược sĩ bạn tôi – giám đốc sản phẩm của một nhãn hiệu thuốc nổi tiếng – đã kể cho tôi nghe về chuyện “đòi hỏi” của các lãnh đạo bệnh viện hay trưởng khoa nếu muốn đưa thuốc vào bệnh viện. Bạn tôi kể: "Đó gần như là một cuộc ngã giá, nhưng buồn thay sự ngã giá đó không diễn ra trên đầu nhà sản xuất chúng tôi mà trên đầu… bệnh nhân".
Vi phạm y đức ở nước ta muôn màu muôn vẻ. Câu chuyện trên là một thí dụ. Nhưng đó cũng có thể là câu chuyện có thật mà tôi chứng kiến tuần qua ở một bệnh viện lớn khi người nhà bệnh nhân gọi nhân viên y tế trực đến xem tại sao người thân của mình run bần bật trong khi truyền máu. Thế mà sau năm lần bảy lượt gọi, nhân viên y tế mới có mặt để can thiệp. Đó cũng có thể là câu chuyện thời sự về cái chết của cô bé ở bệnh viện Năm Căn (Cà Mau) hồi tuần qua.
Phải chăng sự vi phạm đạo đức trong ngành y nước ta đang xảy ra ngày một phổ biến, phổ biến đến nỗi sau những vụ việc gây bức xúc xã hội thì nó cũng được mọi người quên đi nhanh chóng? Phải chăng nó phổ biến nên ngày nay nhiều người dân đã quá quen và xem như chuyện bình thường với kiểu bác sĩ nhận phong bì bệnh nhân trước khi mổ hay bác sĩ móc bệnh nhân từ bệnh viện về phòng khám tư?
Hỏi thăm bạn tôi, bác sĩ đang công tác ở một bệnh viện lớn ở TP.HCM, suy nghĩ gì về câu chuyện ở Cà Mau. Bạn tôi buồn bã trả lời: "Bình thường!". Tôi ngạc nhiên: "Sao là bình thường?". Bạn tôi giải thích: "Bình thường vì không ai giải quyết được đến nơi đến chốn đâu và bình thường vì ngành nào cũng có vấn đề chứ nào phải gì ngành y".
Ngẫm lại cũng đúng vì sau những sự cố nặng nề trong ngành y, từ nhiều năm qua người ta nêu ra hàng loạt biện pháp để chấn chỉnh như lập y sĩ đoàn, cho người thầy thuốc mua bảo hiểm nghề nghiệp, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn chưa thấy nhúc nhích. Và cũng đúng khi không chỉ có ngành y mà những ngành có vai trò quan trọng trong xã hội như ngành giáo dục, công an, hải quan cũng tồn tại không ít vấn đề. Có lần nói chuyện về đề tài báo chí nước nhà, một người nói với tôi: "Ngành của anh cũng có vấn đề đó chứ như viết bài không cân bằng, bới móc đời tư người khác, ‘khỏa thân hóa’ để câu khách. Cái đó không là vi phạm đạo đức báo chí thì là gì?".
"Một nền y khoa đổ vỡ" (tít bài viết trên SGTT số ngày 4.7) sau sự cố của sự kiện bệnh viện Năm Căn. Nhưng nhìn rộng ra phải thẳng thắn thừa nhận rằng không ít giá trị xã hội cũng đang đổ vỡ khi con người ngày nay ngày càng tiết kiệm đạo đức với nhau. Cho dù sau những sự cố gây bức xúc xã hội người ta nêu nhiều lý do để giải thích như thiếu quy định, đồng lương thấp, bố trí con người sai, nhưng cái gốc của vấn đề dường như vẫn chính là việc "không chú trọng đến nhân cách con người từ bé" trong trường học (ý kiến bạn đọc về bài viết ‘Một nền y khoa đổ vỡ’).
Đáng buồn là sau sự cố ở bệnh viện Năm Căn (ngành y) và nhiều sự cố khác trong xã hội (ngành giáo dục, giao thông, công an…) người dân chưa thấy một giải pháp căn cơ nào được nêu ra hoặc chưa thấy ai nhận trách nhiệm về mình. Lại mất niềm tin vào nhau! Sau đổ vỡ của ngành y sẽ đến ngành nào?
Phan Sơn