Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

Vĩnh Long: Khoai lang quay đầu giảm giá mạnh - TQ trồng khoai ở ta: Lo lắng thái quá

Tin liên quan: Vấn đề chủ quyền và… thương lái Trung Quốc
Nông hộ không được cho nước ngoài thuê đất!
Trung Quốc 'sa mạc hoá' nguyên liệu: Nguy và cơ

Bà con nông dân huyện Bình Tân, Vĩnh Long thu hoạch khoai lang - Ảnh: Trung Chánh
(TBKTSG Online) - Dù đã vào thời điểm gần cuối vụ thu hoạch nhưng giá khoai lang tại Vĩnh Long cũng giảm 200.000-250.000 đồng/tạ (tạ 60 kg), xuống mức giá 580.000-600.000 đồng/tạ đối với khoai tím Nhật và 100.000-200.000 đồng/ta đối với các loại khoai khác (sữa, trắng, đỏ).
Vĩnh Long trúng mùa khoai lang
Vĩnh Long: Mùa khoai lang ngọt


Bà con nông dân trồng khoai lang tại 2 huyện Bình Minh và Bình Tân cho biết, trong 2 tháng 6 và 7 vừa qua, khoai lang tím Nhật được thương lái tìm đến tại ruộng của bà con mua với giá 820.000-830.000 đồng/tạ (tạ 60 kg) thì hiện tại đã giảm từ 200.000-250.000 đồng/tạ, xuống mức giá 580.000-600.000 đồng/tạ.
Ông Nguyễn Thành Dững, ấp Tân Phú, xã Tân Thành, huyện Bình Tân cho biết: “Mặc dù giá khoai lang tím Nhật đã giảm giá mạnh nhưng với giá này (580.000-600.000 đồng/tạ) bà con trồng khoai vẫn có lãi khá”.
Theo tính toán của ông Dũng, với năng suất 60 tạ/công, mỗi héc ta trồng khoai lang tím Nhật sau khi trừ đi các khoản chi phí bà con nông dân còn lãi từ 130-150 triệu đồng.
Sau một thời gian dài có giá ổn định ở mức cao, các loại khoai lang tiêu thụ nội địa như khoai sữa, đỏ và trắng cũng bất ngờ đã giảm 200.000-250.000 đồng/tạ. Cụ thể, đối với khoai lang trắng, sữa đỏ được thương lái mua chỉ còn 100.000-200.000 đồng/tạ (tùy loại), giảm 60% so với giá hồi tháng 6 vừa qua.
Ông Võ Văn Theo, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bình Tân cho biết, dù giảm giá nhưng mỗi héc ta trồng khoai lang tím Nhật bà còn vẫn còn lãi từ 130-150 triệu đồng. Riêng các loại khoai lang tiêu thụ nội địa như sữa, trắng, đỏ.., mỗi héc ta sau khi trừ đi chi phí bà con còn lãi từ 60-80 triệu đồng.
Nguyên nhân khoai giảm giá được bà con nông dân cho biết, do thương lái trong nước lẫn Trung Quốc không còn gom hàng xuất khẩu như trước khiến giá khoai nơi đây cũng giảm xuống.

Theo thống kê của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, vụ khoai năm nay toàn tỉnh xuống giống được 6.000 héc ta, chủ yếu tập trung ở huyện Bình Tân và Bình Minh. Tính đến nay, bà con đã thu hoạch được trên 4.000 héc ta, phần diện tích còn lại, bà con đang tích cục thu hoạch trong thời gian tới.
 
Nguồn: (TBKTSG Online) -  -Vĩnh Long: Khoai lang quay đầu giảm giá mạnh 

- TQ trồng khoai ở ta: Lo lắng thái quá (VEF).

(VEF.VN) - Việc mở rộng sản xuất khoai lang ở Vĩnh Long mới đây hàm chứa ít "rủi ro" nhất trong số các đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, trong chừng mực mà các chính sách và thực thi chính sách của Việt Nam đảm bảo rằng quyền lợi của người nông dân và tài nguyên của ta không bị lợi dụng và xuyên tạc.
LTS: Hầu hết các bài viết đều bày tỏ mối lo ngại về việc Trung Quốc sang trồng khoai lang tại tỉnh Vĩnh Long - Việt Nam. Nhưng, ở góc nhìn thị trường, tác giả Phạm Văn Hội cho rằng đó là chuyện bình thường, giống như Việt Nam sang Campuchia thuê đất trồng lúa. Hay nói như GS Võ Tòng Xuân, ở một khía cạnh nào đó, Việt Nam nên cảm ơn những thương nhân Trung Quốc.
Để có cái nhìn đa chiều về hiện tượng này, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - báo VietNamNet giới thiệu bài viết dưới đây. Mời độc giả cùng theo dõi và tham gia tranh luận. Mọi ý kiến xin gửi về: vef@vietnamnet.vn hoặc phần thảo luận phía dưới.
Khi thị trường bị xuyên tạc
Các mối quan hệ thị trường thường phức tạp hơn là những định nghĩa thị trường thuần túy của các nhà kinh tế học. Bởi quan hệ cung cầu thường thì không chỉ đơn thuần chịu chi phối của khả năng cung cấp hàng hóa, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa mà còn của các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường và thậm chí chính trị.
Thiếu vắng tác động của các yếu tố "phi" thị trường này sẽ phá hủy chính thị trường, bởi những mong muốn lợi nhuận thuần túy sẽ gây bất ổn (tình trạng cá lớn nuốt cá bé, tư thương chèn ép người sản xuất, móc túi người tiêu dùng, sử dụng hoá chất độc hại v...v...), phá hủy môi trường (môi trường và tài nguyên bị khai thác theo kiểu "cha chung không ai khóc"), và cuối cùng là những trì trệ gây nên nền kinh tế và những khủng hoảng khác.
Tuy nhiên, một khi bị chi phối quá lớn bởi các yếu tố "phi" thị trường này, thì thị trường khi đó được gọi là bị xuyên tạc (distorted market). Bởi vậy, sau khủng khoảng tài chính thế giới năm 2009, nhiều học giả Âu - Mỹ đã kêu gọi sự can thiệp nhiều hơn của nhà nước, ví dụ và hệ thống ngân hàng - hệ thống mà hầu hết do các tập đoàn (tư nhân) kiểm soát và vận hành hiệu quả trong suốt thời gian dài ở các quốc gia dân chủ và giàu có này.
Nhưng, xác định mức độ, quy mô, và cách tiếp cận can thiệp hợp lý sẽ cần những chuyên gia giỏi, chính sách mềm dẻo của nhà nước, và hệ thống thông tin tự do.
Mới đây, xuất hiện những mối quan hệ thị trường mới của Trung Quốc đối với sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, cụ thể là việc tư nhân Trung Quốc đầu tư sản xuất (và bao tiêu sản phẩm) khoai lang ở Vĩnh Long.

Nếu thương lái TQ ngừng mua khoai, người dân Vĩnh Long sẽ khốn đốn (ảnh Dân Việt)
Về vấn đề này, hiện có 2 luồng ý kiến trái chiều: (1) coi đây là quan hệ thị trường có ảnh hưởng tích cực đối với đời sống của nông dân Nam Bộ (ví dụ bài: "Chúng ta nên cảm ơn thương nhân Trung Quốc" của GS Võ Tòng Xuân); (2) đây không chỉ là quan hệ thị trường thuần túy mà nó hàm chứa các mục tiêu chính trị (ví dụ bài: "Vài lời với Giáo sư Võ Tòng Xuân và bà con nông dân" của TS Vũ Cao Đàm).
Trong quan hệ thị trường, đặc biệt là thị trường nông sản, người thiệt thòi nhất là người nông dân, nhất là những người nông dân nhỏ (small-scale farmers), sản xuất cá thể và thiếu tổ chức như ở Việt Nam.
Bởi vậy, họ xứng đáng nhận được lời cảm ơn hơn là các tư thương (kể cả tư thương Việt Nam hoặc Trung Quốc). Tuy nhiên, sự xuất hiện của các tư thương Trung Quốc mới đây ở Vĩnh Long không những mang lại thu nhập (thực tế) cao hơn và những hứa hẹn cho người dân Vĩnh Long, mà còn có thể làm thay đổi cấu trúc ngành sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung.
Sự lo lắng của TS. Vũ Cao Đàm về những hàm ý chính trị có thể có trong thị trường mới nảy sinh này có lẽ chưa đủ căn cứ. Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc tăng cường đầu tư mạnh vào lĩnh vực nhiêu liệu tái tạo, bao gồm cả nhiên liệu sinh học, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, cũng như chiến lược an toàn nhiêu liệu của Trung Quốc. Đối với nhiên liệu sinh học, Trung Quốc đã chính thức cấm sử dụng ngũ cốc (chủ yếu là ngô) vào năm 2008. Hiện tại, sắn được sử dụng nhiều nhất cho việc sản xuất cồn sinh học ở quốc gia này (tương tự Việt Nam).
Tuy nhiên, các nghiên cứu ở Trung Quốc đã cho thấy rằng chính khoai lang mới là đầu vào cho hiệu quả sản xuất cồn sinh học cao hơn các sản phẩm nông nghiệp khác như sắn, ngô, mía đường (Cheng Zhong et al., "Biofuels in China: past, present and future." Society of Chemical Industry and John Wiley&Sons, Ltd., 2010). Đây có lẽ là câu trả lời đối với việc mở rộng sản xuất khoai lang của tư nhân Trung Quốc ở Vĩnh Long. Tuy nhiên, để có câu trả lời chính xác sẽ cần dựa vào điều tra của các đại diện thương mại của Việt Nam ở Trung Quốc.
Sự xuất hiện của các tư thương Trung Quốc, ở góc độ thị trường thuần túy, cũng giống như sự xuất hiện của tư thương Việt Nam ở các nước Lào, Campuchia, hoặc Senegal v..v. Việc áp hoặc nghi ngờ các mục tiêu chính trị hàm chứa trong các quan hệ thị trường thiếu căn cứ xác đáng sẽ là không công bằng đối với tư thương Trung Quốc, mà còn có thể kéo theo những hệ lụy cho tư thương Việt Nam trong những cố gắng mở rộng đầu tư ra nước ngoài.
Động lực để Việt Nam thay đổi
Dù là vựa lúa, đóng góp phần lớn vào gạo xuất khẩu của Việt Nam, nông dân ĐBSCL có lẽ đã không thực sự được hưởng lợi công bằng trong hơn 20 năm qua. Khi mà việc xuất khẩu lúa gạo do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chi phối và trong nhiều trường hợp, VFA chấp nhận xuất khẩu gạo thấp hơn giá thị trường thế giới. Người dân ĐBSCL đã buộc phải bán sản phẩm cho VFA với giá có lẽ là thấp hơn so với giá bán mà họ có thể nhận được nếu "luật chơi của VFA sòng phẳng và minh bạch hơn".
Mới đây, quyết định của chính phủ về đảm bảo giá lúa gạo cho người dân cũng đã không thực sự mang lại cho người dân ĐBSCL thu nhập tốt hơn như kỳ vọng của họ cũng như thiện trí của chính phủ.
Sự xuất hiện của tư nhân Trung Quốc ở ĐBSCL, bởi vậy không chỉ dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc ngành nông nghiệp ở ĐBSCL mà còn khởi tạo những thay đổi trong quan hệ giữa VFA và người nông dân - quan hệ mà trong rất nhiều năm qua đã chứng minh là thiếu công bằng với người nông dân.
Một khi thu nhập của người dân trồng khoai lang cao hơn, họ sẽ bỏ lúa chuyển sang trồng khoai lang ở bất cứ nơi nào mà điều kiện cho phép. Đây là xu hướng chủ đạo của thị trường tự do.
Tất nhiên, khi giá khoai lang tăng (do nhu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học tăng), giá các loại lương thực khác cũng sẽ tăng, bao gồm cả lúa gạo. Sân chơi cho VFA vẫn duy trì rộng lớn trừ khi người dân ĐBSCL vẫn tiếp tục bị thiệt thòi trong mối quan hệ "lúa gạo" với VFA như đã thấy. VFA, bởi vậy, buộc phải có những điều chỉnh về chính sách trong quan hệ với người nông dân để mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội tốt hơn cho người dân, hơn là những cố gắng lobby để có các công cụ chính sách ép người dân phải gắn chặt vào mối quan hệ về "lúa gạo" đã và đang hiện hữu.
Ý kiến cho rằng đến một lúc nào đó, nền sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL sẽ sụp đổ, thị trường khoai lang bị đình trệ do tư thương Trung Quốc chấm dứt mua sản phẩm có lẽ cũng thiếu căn cứ.
Thực tế thì bất cứ đầu tư nào cũng bao hàm những rủi do, chỉ khác nhau về mức độ và quy mô mà thôi. Khoai lang là cây trồng hàng năm, chu kỳ vụ ngắn (khoảng 3 tháng/vụ), việc chuyển sang trồng khoai lang cũng không dẫn đến những tổn thương lớn cho cấu trúc đất (so với nguyên bản trồng lúa), đến những thay đổi trong cấu trúc xã hội của địa phương, quan hệ giữa người dân với đất, cũng như kinh nghiệm và kỹ năng trồng trọt của người dân v..v..
Bởi vậy, nếu thực sự có viễn cảnh rằng tư thương Trung Quốc dừng mua khoai lang, khả năng quay trở lại sản xuất lúa là hoàn toàn có thể trong điều kiện của người dân. Bên cạnh đó, khoai lang là cây lương thực, hiện được sử dụng đa mục đích (chế biến snacks, thức ăn gia súc, nhiên liệu v..v.) với nhu cầu được dự báo là ngày càng tăng.
Khác với việc phá lúa trồng đay, thu mua râu ngô, hoặc móng trâu (như được nói đã từng xảy ra trước đây), việc mở rộng sản xuất khoai lang của tư thương Trung Quốc ở Vĩnh Long mới đây là một trong số những đầu tư hàm chứa ít "rủi ro" nhất trong số các đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, trong chừng mực mà các chính sách và thực thi chính sách của Việt Nam đảm bảo rằng quyền lợi của người nông dân và tài nguyên của Việt Nam không bị lợi dụng và xuyên tạc.
_______________________
(*) Tác giả công tác tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội

Tổng số lượt xem trang