Một tổng quan về kỷ nguyên bắt đầu vào đầu thế kỷ này, và một phân tích về những biểu thị gần đây nhất của nó: một trật tự kinh tế trong đó tri thức, chứ không phải lao động hay nguyên liệu thô hay vốn, là nguồn lực then chốt; một trật tự xã hội trong đó sự bất bình đẳng dựa trên tri thức là một thách thức lớn; và một chính thể trong đó chính phủ không thể được mong đợi để giải quyết các vấn đề xã hội và kinh tế.
Không thế kỷ nào trong lịch sử thành văn lại trải qua nhiều biến đổi xã hội và những biến đổi triệt để đến vậy như thế kỷ thứ hai mươi. Chúng, tôi gợi ý, có thể hóa ra là những sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ này của chúng ta và di sản lâu dài của nó. Trong các nước thị trường-tự do đã phát triển – chiếm ít hơn một phần năm dân số thế giới nhưng là một mô hình cho phần còn lại – lao động và lực lượng lao động, xã hội và chính thể, tất cả, trong thập niên cuối của thế kỷ này, về mặt số lượng và chất lượng là khác không chỉ với cái đã là trong các năm đầu của thế kỷ này mà cũng khác với cái đã tồn tại ở bất cứ thời kỳ nào khác trong lịch sử: về các cấu hình của chúng, về các quá trình của chúng, về các vấn đề của chúng, và về cấu trúc của chúng.
Những thay đổi xã hội nhỏ hơn nhiều và chậm hơn nhiều trong các thời kỳ trước đã gây ra các cuộc nội chiến, các cuộc phiến loạn, và các cuộc khủng hoảng trí tuệ và tinh thần. Những biến đổi xã hội tột bực của thế kỷ này đã hầu như không gây ra bất cứ sự náo động nào. Chúng đã diễn tiến với một sự va chạm tối thiểu, với những biến động tối thiểu, và, quả thực, với sự chú ý tối thiểu từ các học giả, các chính trị gia, báo giới, và công chúng. Không thể phủ nhận, thế kỷ này của chúng ta có thể đúng là tàn bạo nhất và hung dữ nhất trong lịch sử, với các cuộc chiến tranh thế giới và nội chiến của nó, với những tra tấn hàng loạt, các cuộc thanh trừng sắc tộc, các tội diệt chủng, và nạn tàn sát người Do Thái của nó. Nhưng tất cả những việc giết chóc này, tất cả những điều khủng khiếp này giáng xuống nhân loại bởi những kẻ giết người “có sức thu hút quần chúng” của thế kỷ này, chỉ đã là: những sự giết chóc vô nghĩa, những sự khủng khiếp vô nghĩa, “âm thanh và sự giận dữ, chẳng có nghĩa gì”[1]. Hitler, [...], và Mao, ba tai họa đích thực của thế kỷ này, đã phá hủy. Họ đã chẳng tạo ra cái gì cả.
Quả thực, nếu thế kỷ này có chứng minh một thứ, thì đó là sự vô tích sự của chính trị. Ngay cả người tin giáo điều nhất vào chủ nghĩa tất định lịch sử cũng khó giải thích những biến đổi xã hội của thế kỷ này như do các sự kiện chính trị nổi bật nhất gây ra, hay giải thích những sự kiện chính trị nổi bật nhất như do những biến đổi xã hội gây ra. Nhưng chính những biến đổi xã hội, giống như các dòng hải hưu ở sâu dưới bề mặt biển bị bão khuấy động, là cái có tác động lâu dài, thực ra, thường xuyên. Chúng, hơn là tất cả bạo lực của bề mặt chính trị, đã làm biến đổi không chỉ xã hội mà cả nền kinh tế, cộng đồng, và chính thể mà chúng ta sống trong đó. Thời đại của sự biến đổi xã hội sẽ không kết thúc với năm 2000 – nó thậm chí sẽ không lên đến đỉnh vào lúc đó.
Trước Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất, nông dân đã tạo thành nhóm lớn nhất duy nhất trong mọi nước. Họ đã không còn cấu thành dân cư ở mọi nơi, như họ đã tạo thành từ buổi đầu của lịch sử cho đến cuối các cuộc Chiến tranh Napoleon, một trăm năm trước đó. Nhưng nông dân vẫn đã tạo thành gần-đa số tại mọi nước phát triển trừ Anh và Bỉ - tại Đức, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ - và, tất nhiên, ở tất cả các nước chưa phát triển. Vào thời gian trước Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất đã được coi là tiên đề hiển nhiên rằng các nước phát triển – Hoa Kỳ và Canada là những ngoại lệ duy nhất – sẽ ngày càng phải dựa vào thực phẩm nhập khẩu từ các khu vực phi công nghiệp, chưa phát triển.
Ngày nay, trong các nước thị trường-tự do đã phát triển chủ yếu, chỉ Nhật Bản là nước nhập khẩu nhiều thực phẩm. (Không có lý do, vì sự yếu kém của Nhật Bản với tư cách nhà sản xuất thực phẩm, chủ yếu là kết quả của một chính sách trợ cấp lúa gạo lỗi thời, cản trở nước Nhật phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả). Và ở tất cả các nước thị trường-tự do, kể cả Nhật Bản, nông dân ngày nay tối đa chiếm năm phần trăm dân cư và lực lượng lao động – tức là, một phần mười tỷ lệ của tám mươi năm trước. Thực ra, nông dân sản xuất chỉ chiếm ít hơn nửa dân cư trang trại, hay không hơn hai phần trăm của lực lượng lao động. Và các nhà sản xuất nông nghiệp này không còn là “nông dân” theo đúng nghĩa của từ; họ “kinh doanh nông nghiệp”, một ngành được cho là cần nhiều vốn nhất, nhiều công nghệ nhất, và nhiều thông tin nhất. Những người nông dân truyền thống gần tuyệt chủng ngay cả ở Nhật Bản. Và những người còn lại đã trở thành loài được bảo vệ, được giữ sống chỉ bằng các khoản trợ cấp khổng lồ.
Nhóm lớn thứ hai trong dân cư và lực lượng lao động của mỗi nước phát triển vào khoảng năm 1900 đã là những người đi ở. [Số phận của] họ cũng đã được coi là một quy luật tự nhiên như [của] những người nông dân. Phân loại điều tra dân số của thời đó đã định nghĩa một gia đình “tầng lớp trung lưu dưới” là gia đình thuê ít hơn ba người ở, và tỉ lệ phần trăm của lực lượng lao động tại gia đã tăng đều đặn cho đến Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Tám mươi năm sau những người đi ở tại gia hầu như chắc chắn không tồn tại ở các nước phát triển. Ít người sinh ra từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai – tức là, ít người dưới năm mươi tuổi – đã nhìn thấy bất cứ người ở nào trừ trên sân khấu hay trong phim cổ.
Trong xã hội đã phát triển của năm 2000 những người nông dân là ít ỏi nhưng là các đối tượng luyến tiếc, và những người đi ở tại gia thậm chí còn không được thế.
Thế mà những biến đổi to lớn này trong tất cả các nước phát triển đã hoàn thành mà không có nội chiến và, thực ra, trong sự im lặng hầu như hoàn toàn. Chỉ bây giờ khi dân cư nông dân của họ đã co lại gần số không thì người Pháp đô thị hoàn toàn mới to tiếng đòi rằng nước họ phải là một “nước nông thôn” với một “nền văn minh thôn quê”.
Một lý do (quả thực, lý do chính) vì sao những biến đổi đã gây ra ít náo động đến vậy đã là, vào 1900 một giai cấp mới, công nhân cổ xanh trong ngành chế tạo – những người “vô sản” của Marx – đã trở nên chi phối về mặt xã hội. Những người nông dân đã lớn tiếng thề để “trồng ít ngũ cốc và nhiều địa ngục hơn”, nhưng họ đã ít chú ý. Những người đi ở tại gia rõ ràng đã là tầng lớp bị bóc lột nhất. Nhưng trước Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất khi người ta viết về “vấn đề xã hội”, họ hiểu là các công nhân công nghiệp cổ xanh. Công nhân công nghiệp cổ xanh đã vẫn là một thiểu số khá nhỏ của dân cư và lực lượng lao động – ngay đến tận 1914 nhiều nhất họ chỉ chiếm một phần tám hay một phần sáu- và về số lượng vẫn kém xa các tầng lớp truyền thống thấp hơn của nông dân và những người đi ở. Nhưng xã hội đầu thế kỷ hai mươi đã bị ám ảnh bởi những công nhân cổ xanh, đã tập trung vào họ, đã bị họ làm cho mê mẩn.
Những người nông dân và người đi ở đã có ở mọi nơi. Nhưng với tư cách một giai cấp, họ là vô hình. Những người đi ở đã sống và làm việc ở bên trong các gia đình riêng lẻ hay ở những trang trại riêng lẻ trong các nhóm nhỏ và biệt lập gồm hai hay ba người. Những người nông dân cũng vậy, bị phân tán. Quan trọng hơn, các tầng lớp truyền thống thấp hơn này đã không được tổ chức. Quả thực, họ đã không thể được tổ chức. Các nô lệ được sử dụng trong khai mỏ hay sản xuất hàng hóa đã nổi loạn thường xuyên trong thế giới cổ xưa – tuy luôn không thành công. Nhưng không được nhắc đến trong bất cứ cuốn sách nào mà tôi đã từng đọc về một cuộc biểu tình duy nhất hay một cuộc tuần hành phản kháng duy nhất nào của những người đi ở tại gia ở bất cứ nơi nào, ở bất cứ thời gian nào. Đã có rất nhiều cuộc nổi loạn nông dân. Nhưng trừ các cuộc nổi dậy ở Trung Quốc trong thế kỷ mười chín – Phiến loạn Thái Bình vào giữa thế kỷ, và Nổi loạn Nghĩa Hòa Đoàn, ở cuối thế kỷ, cả hai cuộc đã kéo dài nhiều năm và đến gần việc lật đổ chế độ - tất cả các cuộc nổi loạn nông dân trong lịch sử đều thất bại sau vài tuần đẫm máu. Những người nông dân, lịch sử cho thấy, là rất khó để tổ chức và không chịu bị tổ chức – đó là vì sao họ bị Marx khinh thường.
Giai cấp mới, công nhân công nghiệp, cực kỳ dễ nhận thấy. Đấy là cái làm cho những công nhân này thành một “giai cấp”. Họ tất yếu đã sống trong những cụm dân cư đông đúc và trong các đô thị - ở St. Denis, bên ngoài Paris; ở Wedding của Berlin và Ottakring của Vienna; trong các thị trấn dệt của Lancashire; trong các thị trấn thép của Thung lũng Monongahela của Mỹ; và ở Kobe của Nhật Bản. Và mau chóng họ tỏ ra có thể được tổ chức một cách xuất sắc, với các cuộc đình công đầu tiên xảy ra hầu như ngay khi họ là công nhân nhà máy. Chuyện đau lòng của Charles Dickens về xung đột lao động chết người, Thời buổi Khó khăn - Hard Times, được xuất bản năm 1854, chỉ sáu năm sau Marx và Engels viết Tuyên ngôn Cộng sản.
Vào khoảng năm 1900 đã trở nên khá rõ là những công nhân công nghiệp sẽ không trở thành đa số, như Marx đã tiên đoán chỉ vài thập niên trước. Vì thế họ sẽ không áp đảo các nhà tư bản bằng số lượng rất đông của họ. Thế nhưng nhà văn cấp tiến Pháp có ảnh hưởng nhất của giai đoạn trước Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất, nhà cựu-Marxist và người theo chủ nghĩa công đoàn cách mạng, Georges Sorel, đã thấy sự chấp nhận rộng rãi đối với luận đề năm 1906 của ông rằng những người vô sản sẽ lật đổ chế độ hiện hành và nắm quyền bằng tổ chức của họ và thông qua bạo lực của tổng đình công. Không chỉ Lênin đã là người biến luận đề của Sorel thành nền tảng của sự xét lại chủ nghĩa Marx của ông và đã đã xây dựng chiến lược của ông quanh nó năm 1917 và 1918. Cả Mussolini lẫn Hitler - và Mao, mười năm sau – đã xây dựng chiến lược của mình theo luận đề của Sorel. “Quyền lực nảy sinh từ nòng súng” của Mao hầu như là một trích dẫn trực tiếp từ Sorel. Công nhân công nghiệp trở thành “vấn đề xã hội” của 1900 bởi vì họ là giai cấp thấp đầu tiên trong lịch sử có thể được tổ chức và chịu bị tổ chức.
Không giai cấp nào trong lịch sử đã từng nổi lên nhanh hơn công nhân cổ xanh. Và không giai cấp nào trong lịch sử đã từng xuống dốc nhanh hơn nó.
Năm 1883, năm Marx chết, “những người vô sản” vẫn là một thiểu số không chỉ trong dân cư mà cả trong những người lao động công nghiệp. Trong công nghiệp khi đó đa số là những công nhân lành nghề được các xưởng thủ công nhỏ sử dụng, mỗi xưởng có nhiều nhất hai mươi hay ba mươi công nhân. Trong số các nhân vật phản diện của tiểu thuyết “vô sản” hay nhất thế kỷ mười chín, Công chúa Casamassima, của Henry James - được xuất bản năm 1886 (và chắc chắn chỉ Henry James có thể đặt cái tên như vậy cho một chuyện về những kẻ khủng bố thuộc giai cấp lao động!) – một là một thợ đóng sách có tay nghề cao, và nhân vật khác là một dược sĩ cũng khéo tay ngang thế. Vào quãng 1900 “công nhân công nghiệp” đã trở thành đồng nghĩa với “người đứng máy” và hàm ý việc làm ở một nhà máy cùng với hàng trăm nếu không phải hàng ngàn người. Những công nhân nhà máy này quả thực là những người vô sản của Marx – không có địa vị xã hội, không có quyền lực chính trị, không có khả năng kinh tế hay khả năng mua.
Công nhân của thời 1900 – và thậm chí của năm 1913 – đã không có lương hưu, không có ngày nghỉ được hưởng lương, không có tiền làm ngoài giờ, không được trả thêm cho làm việc Chủ nhật hay ban đêm, không có bảo hiểm y tế hay tuổi già (trừ ở Đức), không có trợ cấp thất nghiệp (trừ ở Anh sau 1911); đã chẳng có sự đảm bảo việc làm nào. Năm mươi năm sau, trong các năm 1950, công nhân công nghiệp đã trở thành nhóm lớn nhất duy nhất ở mọi nước phát triển, và công nhân công nghiệp tham gia nghiệp đoàn trong ngành sản xuất hàng loạt (khi đó áp đảo ở mọi nơi) đã đạt mức thu nhập của tầng lớp trung lưu bậc trên. Họ đã có đảm bảo việc làm rộng rãi, lương hưu, những ngày nghỉ dài được hưởng lương, và bảo hiểm thất nghiệp toàn diện hay “việc làm suốt đời”. Trên hết, họ đã đạt quyền lực chính trị. Tại Anh các nghiệp đoàn lao động đã được coi là “chính phủ thực tế”, với quyền lực lớn hơn Thủ tướng và Quốc hội, và cũng thế đã đúng ở những nơi khác. Cả ở Hoa Kỳ nữa – như ở Đức, Pháp, và Ý – các nghiệp đoàn lao động đã nổi lên như lực lượng chính trị hùng mạnh nhất và được tổ chức tốt nhất của đất nước. Và ở Nhật Bản, trong các đợt bãi công Toyota và Nissan của cuối các năm 1940 và đầu các năm 1950, họ đã đến gần việc lật đổ hệ thống và tự chiếm quyền.
Ba mươi lăm năm sau, vào 1990, công nhân công nghiệp và nghiệp đoàn của họ đã rút lui. Họ đã trở thành không đáng kể về số lượng. Trong khi những công nhân công nghiệp, người làm hay di chuyển các thứ, đã chiếm hai phần năm lực lượng lao động Mỹ trong các năm 1950, vào đầu các năm 1990 họ chỉ chiếm ít hơn một phần năm – tức là không nhiều hơn mức họ đã chiếm vào năm 1900, khi sự nổi lên như sao băng của họ bắt đầu. Tại các nước thị trường-tự do đã phát triển khác sự xuống dốc đầu tiên đã chậm hơn, nhưng sau 1980 bắt đầu tăng tốc sụt ở mọi nơi. Vào năm 2000 hay 2010, trong mọi nước thị trường-tự do đã phát triển, công nhân công nghiệp sẽ chỉ chiếm không nhiều hơn một phần tám lực lượng lao động. Quyền lực nghiệp đoàn cũng đã sụt dốc nhanh như thế.
Không giống những người đi ở tại gia, công nhân công nghiệp sẽ không biến mất – không hơn những người sản xuất nông nghiệp đã biến mất hay sẽ biến mất. Nhưng hệt như chủ trang trại nhỏ truyền thống đã trở thành người nhận trợ cấp hơn là một nhà sản xuất, công nhân công nghiệp truyền thống cũng sẽ trở thành một người làm công phụ. Chỗ của anh ta đã bị thay thế bởi “nhà công nghệ” – một người nào đó làm việc cả bằng tay lẫn bằng kiến thức lí thuyết. (Thí dụ các kỹ thuật viên máy tính, kỹ thuật viên X-quang, nhà vật lý trị liệu, các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm y khoa, kỹ thuật viên phổi, và v.v., những người cùng nhau đã tạo thành nhóm tăng nhanh nhất trong lực lượng lao động Mỹ từ 1980). Và thay cho một giai cấp – một nhóm cố kết, có thể nhận diện, xác định, và tự giác – công nhân công nghiệp có thể mau chóng trở thành chỉ một “nhóm áp lực” khác.
Những người chép biên niên sử về sự tăng lên của công nhân công nghiệp thường nêu bật các tình tiết bạo lực – đặc biệt những đụng độ giữa những người đình công và cảnh sát, như trong cuộc đình công Pullman của Mỹ. Lý do có lẽ là, các nhà lý luận và các nhà tuyên truyền của chủ nghĩa xã hội, của chủ nghĩa vô chính phủ, và chủ nghĩa cộng sản – bắt đầu với Marx và tiếp tục đến Herbert Marcuse vào các năm 1960 – đã không ngớt viết và nói về “cách mạng” và “bạo lực”. Trên thực tế sự tăng lên của công nhân công nghiệp đã là phi bạo lực một cách rõ rệt. Bạo lực tàn ác của thế kỷ này – các cuộc chiến tranh thế giới, thanh trừng sắc tộc, và v.v. – tất cả đã là bạo lực từ bên trên hơn là bạo lực từ bên dưới; và nó đã không liên quan đến những biến đổi xã hội, dù là sự teo đi của nông dân, sự biến mất của những người đi ở tại gia, hay sự tăng lên của công nhân công nghiệp. Quả thực, thậm chí chẳng còn ai thử giải thích những chấn động lớn này như một phần của “cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản” nữa, như thuật hùng biện chuẩn Marxist chỉ mới ba mươi năm trước.
Ngược với những tiên đoán Marxist và nghiệp đoàn chủ nghĩa, sự leo lên của công nhân công nghiệp đã không gây mất ổn định xã hội. Thay vào đó nó đã nổi lên như sự phát triển xã hội tạo ổn định nhất của thế kỷ. Nó giải thích vì sao sự biến mất của nông dân và người ở tại gia lại không gây ra khủng hoảng xã hội nào. Cả sự bỏ chạy khỏi đồng ruộng lẫn sự bỏ chạy khỏi dịch vụ nội trợ đã là tự nguyện. Những người nông dân và những người đầy tớ đã không bị “đẩy ra” hay bị “thải ra”. Họ đã đi làm thuê trong công nghiệp càng nhanh càng tốt. Việc làm công nghiệp đã không đòi hỏi các kỹ năng mà họ không có, và không đòi hỏi thêm tri thức. Thực ra, xét mọi mặt, những người nông dân đã có nhiều kỹ năng hơn kỹ năng cần để là một người đứng máy trong một nhà máy sản xuất hàng loạt – và nhiều người đi ở tại gia cũng thế. Không thể phủ nhận, công việc công nghiệp được trả công tồi cho đến Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất. Nhưng nó được trả khá hơn công việc đồng áng hay việc nội trợ. Thời gian làm việc của công nhân công nghiệp ở Hoa Kỳ cho đến 1913 – và ở một số nước, kể cả Nhật Bản, cho đến Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai – đã dài. Nhưng thời gian làm việc của họ ngắn hơn của nông dân và của người ở. Hơn nữa, họ làm việc vào những giờ được định rõ: phần còn lại trong ngày là của họ, điều chẳng đúng cả với công việc đồng áng lẫn công việc nội trợ. Các sách lịch sử ghi chép sự bẩn thỉu của ngành công nghiệp ban đầu, sự nghèo đói của công nhân công nghiệp, và sự bóc lột họ. Công nhân quả thực đã sống trong bẩn thỉu và nghèo khó, và họ đã bị bóc lột. Nhưng họ đã sống khá hơn những người ở trang trại hay ở gia đình, và nhìn chung được đối xử tốt hơn.
Bằng chứng của việc này là tỷ lệ tử vong trẻ em đã sụt ngay khi những người nông dân và những người đi ở tại gia chuyển sang làm việc công nghiệp. Về mặt lịch sử, các đô thị đã chưa bao giờ tái tạo chính mình. Để duy trì chúng đã phải phụ thuộc liên tục vào những người mới đến từ thôn quê. Điều này vẫn đúng vào giữa thế kỷ mười chín. Nhưng với sự lan rộng của việc làm nhà máy, thành phố đã trở thành trung tâm của sự tăng trưởng dân cư. Một phần điều này là kết quả của các biện pháp y tế công cộng mới: làm sạch nước, thu gom và xử lý rác, kiểm dịch chống các dịch bệnh, tiêm chủng chống các bệnh. Các biện pháp này – và chúng đã có hiệu quả chủ yếu ở thành phố - đã chống lại, hay chí ít kiềm chế các mối nguy của sự tập hợp đông đúc cái đã làm cho đô thị truyền thống là một mảnh đất sinh sôi cho bệnh dịch hạch. Nhưng yếu tố lớn nhất duy nhất cho sự giảm theo hàm số mũ của tỷ lệ tử vong trẻ em khi công nghiệp hóa lan rộng đã chắc chắn là sự cải thiện về các điều kiện sống do nhà máy mang lại. Nhà ở và dinh dưỡng đã trở nên tốt hơn, và công việc nặng nhọc và các tai nạn đã gây tổn hại ít hơn. Sự sụt giảm tỷ lệ tử vong trẻ em – và với nó là sự tăng bùng nổ dân số - tương quan chỉ với một sự phát triển: công nghiệp hóa. Nhà máy ban đầu quả thực là “Nhà máy sa tăng - Satanic Mill” của bài thơ vĩ đại của William Blake. Nhưng thôn quê đã chẳng là “Đồng xanh dịu dàng của nước Anh” mà Blake ca ngợi; nó đã là một khu nhà ổ chuột gây ấn tượng nhưng thậm chí sa tăng hơn.
Đối với những người nông dân và người đi ở, công việc công nghiệp đã là một cơ hội. Thực ra, nó đã là cơ hội đầu tiên mà lịch sử xã hội đã cho họ để cải thiện mình một cách đáng kể mà không phải di cư. Trong các nước thị trường-tự do phát triển qua 100 hay 150 năm vừa qua mỗi thế hệ đã có khả năng mong đợi khấm khá hơn đáng kể so với thế hệ trước đó. Lý do chính là những người nông dân và đầy tớ đã có thể và đã trở thành những công nhân công nghiệp.
Bởi vì những công nhân công nghiệp được tập trung vào các nhóm, nghiên cứu có hệ thống về năng suất của họ đã là có thể. Bắt đầu trong năm 1881, hai năm trước khi Marx chết, nghiên cứu có hệ thống về công việc, các nhiệm vụ, và các công cụ đã nâng năng suất lao động chân tay về chế tạo và di chuyển các thứ tăng lên ba đến bốn phần trăm tính gộp trung bình hàng năm – đối với mức tăng năm mươi lần về đầu ra trên công nhân qua 110 năm. Tất cả lợi ích kinh tế và xã hội gia tăng của thế kỷ này dựa vào điều này. Và ngược với cái “mọi người đều biết” trong thế kỷ mười chín – không chỉ Marx mà tất cả những người bảo thủ nữa, như J. P. Morgan, Bismarck, và Disraeli – hầu như tất cả những lợi lộc này đã dồn cho công nhân công nghiệp, một nửa số đó ở dạng thời gian làm việc giảm đột ngột (với sự cắt giảm từ 40 phần trăm ở Nhật đến 50 phần trăm ở Đức), và một nửa ở dạng tăng hai mươi lăm lần lương của những công nhân công nghiệp, những người chế tạo hay di chuyển các thứ.
Như thế đã có các lý do xác đáng vì sao sự tăng lên của công nhân công nghiệp đã yên bình hơn là dữ dội, nói chi đến cách mạng. Nhưng cái gì giải thích cho sự xuống dốc của công nhân công nghiệp cũng đã diễn ra yên bình ngang vậy và hầu như hoàn toàn không có sự phản kháng xã hội, sự chấn động, sự trục trặc nghiêm trọng nào, chí ít ở Hoa Kỳ?
Nguyễn Quang A dịch
Nguồn: The Age of Social Transformation,The Atlantic Monthly, November 1994, Volume 274, No. 5; pages 53-80.
Nguồn: The Age of Social Transformation,The Atlantic Monthly, November 1994, Volume 274, No. 5; pages 53-80.
[1] “sound and fury, signifying nothing” thí dụ lấy từ Macbeth của Shakespeare.
Thời đại Biến đổi Xã hội (Kỳ 1) – Thời đại Biến đổi Xã hội (Kỳ 2): Sự tăng lên của Người lao động Tri thức
Sự tăng lên của giai cấp tiếp sau công nhân công nghiệp không phải là một cơ hội cho công nhân công nghiệp. Nó là một thách thức. Nhóm chi phối đang mới nổi lên là “những người lao động tri thức”. Chính từ này đã không được biết đến bốn mươi năm trước. (Tôi đã đặt ra nó trong cuốn sách Những Cột mốc của Ngày Mai - Landmarks of Tomorrow, xuất bản năm 1959). Vào cuối thế kỷ này những người lao động tri thức sẽ chiếm một phần ba hay hơn của lực lượng lao động ở Hoa Kỳ - lớn như tỷ lệ công nhân chế tác đã từng chiếm, trừ thời kỳ chiến tranh. Đa số họ sẽ được trả công chí ít cũng khá như, hay khá hơn công nhân chế tác đã từng được trả. Và các việc làm mới tạo ra những cơ hội lớn hơn nhiều.
Nhưng – và đây là một chữ nhưng lớn – tuyệt đại đa số việc làm mới đòi hỏi trình độ chuyên môn mà công nhân công nghiệp không có hay chỉ được trang bị tồi để kiếm. Chúng đòi hỏi rất nhiều giáo dục chính quy và khả năng để kiếm và áp dụng hiểu biết lí thuyết và giải tích. Chúng đòi hỏi một cách tiếp cận khác đối với công việc và một nếp nghĩ khác. Trước hết, chúng đòi hỏi một thói quen học tập liên tục. Như thế công nhân công nghiệp bị thải ra không thể đơn giản chuyển sang công việc tri thức hay dịch vụ theo cách mà nông dân và người ở bị thải ra đã chuyển sang việc làm công nghiệp. Ít nhất họ phải thay đổi thái độ, giá trị và niềm tin cơ bản của họ.
Trong các thập niên kết thúc của thế kỷ này lực lượng lao động công nghiệp đã co lại nhanh hơn và thêm nữa ở Hoa Kỳ so với bất cứ nước phát triển khác nào – trong khi sản xuất công nghiệp đã tăng lên nhanh hơn bất cứ nước phát triển nào trừ Nhật Bản.
Sự thay đổi đã làm trầm trọng vấn đề cổ nhất và khó xử lý của Mỹ: địa vị của những người da đen. Trong năm mươi năm kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai địa vị kinh tế của những người Mỹ gốc Phi đã được cải thiện nhanh hơn sự cải thiện của bất cứ nhóm dân cư khác nào trong lịch sử xã hội Mỹ - hay trong lịch sử xã hội của bất cứ nước nào. Ba phần năm những người da đen của Mỹ đã leo lên tầng lớn có thu nhập trung lưu; trước Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai con số đó mới là một phần hai mươi. Nhưng nửa nhóm đó đã leo lên tầng lớp thu nhập trung lưu và không phải lên tầng lớp có việc làm trung lưu. Từ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai ngày càng nhiều người da đen đã chuyển thành công nhân cổ xanh trong ngành sản xuất hàng loạt được nghiệp đoàn hóa – tức là, những việc làm được trả lương tầng lớp trung lưu hay tầng lớp trung lưu lớp trên trong khi không đòi hỏi giáo dục cũng chẳng đòi hỏi kỹ năng. Tuy nhiên, đây chính xác là những việc làm biến mất nhanh nhất. Cái gây sửng sốt không phải là nhiều người da đen đến vậy đã không kiếm được một sự giáo dục mà là nhiều người đến vậy đã kiếm được. Điều duy lý về mặt kinh tế đối với một thanh niên da đen ở nước Mỹ hậu chiến tranh đã không phải là ở lại trường và học; mà là bỏ trường càng sớm càng tốt và kiếm một trong rất nhiều việc làm sản xuất-hàng loạt. Kết quả là, sự xuống dốc của công nhân công nghiệp đã làm tổn thương nặng người Mỹ da đen một cách không tương xứng – về mặt số lượng, nhưng về mặt chất lượng thậm chí còn nhiều hơn. Nó đã làm cùn cái đã là vai mẫu tiêu biểu có sức thuyết phục nhất trong cộng đồng da đen ở Mỹ: công nhân công nghiệp được trả lương khá với đảm bảo việc làm, bảo hiểm sức khỏe, và lương hưu được đảm bảo – nhưng vẫn không có kỹ năng cũng chẳng được giáo dục nhiều.
Nhưng, tất nhiên, những người da đen là một thiểu số của dân cư và lực lượng lao động ở Hoa Kỳ. Đối với tuyệt đại đa số - người da trắng, nhưng cả người Latino và Á châu nữa – sự xuống dốc của công nhân công nghiệp đã gây ra ít đổ vỡ một cách đáng kinh ngạc và chẳng có gì có thể được gọi là một sự chấn động. Ngay cả trong các cộng đồng một thời đã hoàn toàn lệ thuộc vào các nhà máy sản xuất hàng loạt, những nhà máy đã bị loại ra hay đã cắt giảm mạnh việc làm (các đô thị thép ở tây Pennsylvania và đông Ohio, chẳng hạn, hay các đô thị ôtô như Detroit và Flint, Michigan), tỷ lệ thất nghiệp đối với người trưởng thành không da đen trong vòng vài năm đã rớt xuống mức không mấy cao hơn tỷ lệ trung bình của Hoa Kỳ - và tỷ lệ đó có nghĩa là mức không cao hơn mấy mức “công ăn việc làm đầy đủ” của Hoa Kỳ. Ngay cả trong các cộng đồng này cũng đã không có sự quá khích nào của công nhân cổ xanh Mỹ.
Giải thích duy nhất là, đối với cộng đồng cổ xanh không da đen sự phát triển đã đến không như sự ngạc nhiên, dẫu nó có thể khó chịu, đau đớn và đe dọa đến thế nào đối với cá nhân những người lao động và gia đình họ. Về mặt tâm lý học – nhưng có lẽ về mặt giá trị hơn là về mặt xúc cảm – công nhân công nghiệp Mỹ hẳn đã được chuẩn bị để chấp nhận như sự dịch chuyển đúng và thích đáng tới những việc làm đòi hỏi giáo dục chính quy và trả công cho tri thức hơn là cho công việc chân tay, bất luận có kỹ năng hay không có kỹ năng.
Ở Hoa Kỳ sự dịch chuyển về cơ bản đã hoàn tất vào năm 1990 hay khoảng đó. Nhưng cho đến nay mới chỉ xảy ra ở Hoa Kỳ. Ở các nước thị trường-tự do đã phát triển khác, ở tây và bắc Âu và ở Nhật Bản, nó vừa mới bắt đầu trong các năm 1990. Tuy nhiên, kể từ nay nó chắc chắn diễn ra nhanh ở các nước này, có lẽ nhanh hơn nó đã xảy ra ban đầu ở Hoa Kỳ. Sự xuống dốc của công nhân công nghiệp trong các nước thị trường-tự do đã phát triển sẽ cũng có một tác động lớn ở bên ngoài thế giới đã phát triển. Các nước đang phát triển không còn có thể kỳ vọng đặt cơ sở cho sự phát triển của họ trên lợi thế so sánh của họ về lao động – tức là, trên lao động công nghiệp rẻ.
Người ta đã tin rộng rãi, đặc biệt là các quan chức công đoàn, rằng sự xuống dốc của công nhân công nghiệp cổ xanh ở các nước phát triển chủ yếu, nếu không phải hoàn toàn, đã do việc chuyển sản xuất “offshore” sang các nước có cung dư dả về lao động không có kỹ năng và lương thấp gây ra. Nhưng điều này không đúng.
Đã có cái gì đó để tin ba mươi năm trước. Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc quả thực (như được giải thích khá chi tiết trong cuốn sách 1993 của tôi Xã hội Hậu-Tư bản Chủ nghĩa - Post-Capitalist Society) đã nhận được lợi thế ban đầu của họ trên thị trường thế giới, hầu như trong một sớm một chiều, bằng cách kết hợp phát minh của Mỹ về huấn luyện cho năng suất đầy đủ với chi phí lương vẫn là chi phí lương của một nước tiền công nghiệp. Nhưng mẹo này đã chẳng hề hoạt động nữa từ 1970 hay 1975.
Trong các năm 1990 chỉ một tỷ lệ phần trăm không đáng kể các mặt hàng chế tác được nhập khẩu vào Hoa Kỳ là được sản xuất ở nước ngoài bởi vì chi phí lao động thấp. Trong khi tổng nhập khẩu của năm 1990 chiếm khoảng 12 phần trăm thu nhập thô cá nhân ở Mỹ, nhập khẩu từ các nước với chi phí lương thấp đáng kể chỉ chiếm ít hơn ba phần trăm – và chỉ nửa số đó là các sản phẩm chế tác. Vì thế hầu như chẳng có chút nào trong sự xuống dốc về việc làm chế tác Mỹ, từ khoảng 30 hay 35 phần trăm lực lượng lao động xuống 15 hay 18 phần trăm, có thể được cho là do chuyển việc làm sang các nước có lương thấp. Sự cạnh tranh chính đối với ngành chế tác Mỹ - thí dụ, ôtô, thép, và máy công cụ - đã đến từ các nước như Nhật Bản và Đức, nơi chi phí lương từ lâu đã bằng, nếu không phải cao hơn chi phí ở Hoa Kỳ. Lợi thế so sánh mà bây giờ được tính đến là về áp dụng tri thức – thí dụ, về quản lý chất lượng toàn bộ của Nhật, quy trình chế tác thon lẳn, uyển chuyển [lean: không có phế liệu], giao kịp thời, và tính chi phí dựa vào giá, hay về dịch vụ khách hàng mà các công ty kỹ thuật cỡ vừa của Đức hay Thụy Sĩ cung cấp. Điều này, tuy vậy, có nghĩa rằng các nước đang phát triển không còn có thể kỳ vọng đặt cơ sở cho sự phát triển của họ dựa vào lương thấp nữa. Họ cũng phải học để dựa vào việc áp dụng tri thức – đúng lúc khi hầu hết trong số họ (Trung Quốc, Ấn Độ, và nhiều nước Mỹ-Latin, nói chi đến Châu Phi đen) sẽ phải tìm việc làm cho hàng triệu thanh niên không được giáo dục và không có kỹ năng, những người ít có trình độ trừ việc làm công nghiệp cổ xanh của ngày hôm qua.
Nhưng đối với cả các nước phát triển nữa, sự chuyển dịch sang công việc dựa vào tri thức cũng gây ra những thách thức xã hội to lớn. Bất chấp nhà máy, xã hội công nghiệp đã vẫn cơ bản là một xã hội truyền thống trong các quan hệ sản xuất cơ bản của nó. Nhưng xã hội đang nổi lên, xã hội dựa vào tri thức và những người lao động tri thức, thì không. Nó là xã hội đầu tiên trong đó những người bình thường – và điều đó có nghĩa là hầu hết người dân – không kiếm được miếng cơm hàng ngày bằng mồ hôi trên lông mày họ. Đó là xã hội đầu tiên trong đó “công việc lương thiện” không có nghĩa là bàn tay chai sạn. Nó cũng là xã hội đầu tiên trong đó không phải mọi người làm cùng việc, như trường hợp khi tuyệt đại đa số đã là nông dân hay, đều sẽ trở thành những người đứng máy như có vẻ chắc thế mới bốn mươi hay ba mươi năm trước.
Điều này nhiều hơn một sự thay đổi xã hội rất nhiều. Đó là một sự thay đổi về thân phận con người. Nó có nghĩa gì – các giá trị, những cam kết, các vấn đề của xã hội mới là gì – chúng ta chưa biết. Nhưng chúng ta biết rằng nhiều thứ sẽ khác đi.
Sự Nổi lên của Xã hội Tri thức
Những người lao động tri thức sẽ không là đa số trong xã hội tri thức, nhưng trong nhiều nếu không phải hầu hết các xã hội phát triển họ sẽ là nhóm dân cư và lực lượng lao động lớn nhất duy nhất. Và ngay cả ở nơi các nhóm khác vượt họ về số lượng, những người lao động tri thức sẽ mang lại cho xã hội tri thức đang nổi lên đặc trưng của nó, sự lãnh đạo của nó, chân dung xã hội của nó. Họ có thể không là giai cấp cai trị của xã hội tri thức, nhưng họ là giai cấp lãnh đạo của nó rồi. Và trong các đặc trưng, địa vị xã hội, các giá trị, và những kỳ vọng của họ, một cách căn bản họ khác bất cứ nhóm nào trong lịch sử đã từng chiếm địa vị lãnh đạo.
Trước hết, những người lao động tri thức tiếp cận được đến việc làm và địa vị xã hội thông qua giáo dục chính quy. Rất nhiều công việc tri thức đòi hỏi kỹ năng chân tay rất cao và kéo theo công việc đáng kể bằng bàn tay của mình. Một thí dụ cực đoan là giải phẫu thần kinh. Năng lực thực hiện của nhà giải phẫu thần kinh dựa vào giáo dục chính quy và hiểu biết lí thuyết. Thiếu kỹ năng bằng tay khiến người ta không đủ tư cách làm một nhà phẫu thuật thần kinh. Nhưng riêng sự khéo tay, bất luận khéo đến đâu, sẽ chẳng bao giờ cho phép bất cứ ai trở thành một nhà phẫu thuật thần kinh. Sự giáo dục cần thiết cho phẫu thuật thần kinh và cho các loại công việc tri thức khác có thể kiếm được chỉ qua học chính quy ở trường. Không thể kiếm được qua học nghề.
Công việc tri thức biến đổi rất lớn về số lượng và loại tri thức chính quy cần đến. Nột số việc làm có những đòi hỏi khá thấp, và những việc làm khác đòi hỏi loại hiểu biết mà nhà phẫu thuật thần kinh có được. Nhưng ngay cả nếu bản thân kiến thức là khá thô sơ, chỉ có giáo dục chính quy mới có thể cung cấp.
Giáo dục sẽ trở thành trung tâm của xã hội tri thức, và trường học là định chế cốt yếu của nó. Mọi người phải có kiến thức gì? Cái gì là “chất lượng” trong học và dạy? Những điều này sẽ tất yếu trở thành các mối quan tâm chủ yếu của xã hội tri thức, và các vấn đề chính trị trung tâm. Quả thực, việc thu được và phân phối kiến thức chính quy có thể chiếm vị trí trong chính trị của xã hội tri thức mà việc thu được và phân phối tài sản và thu nhập đã chiếm trong hoạt động chính trị của chúng ta trong hai hay ba thế kỷ mà chúng ta đã gọi là Thời kỳ Chủ nghĩa Tư bản.
Rõ ràng, trong xã hội tri thức ngày càng nhiều kiến thức, và đặc biệt kiến thức tiên tiến, sẽ thu được sau tuổi đi học chính thức nhiều và, có lẽ, ngày càng thông qua quá trình giáo dục không tập trung vào trường học truyền thống. Nhưng đồng thời, thành tích của các trường học và các giá trị cơ bản của các trường học sẽ là mối quan tâm ngày càng tăng đối với toàn xã hội, hơn là được coi như vấn đề nghề nghiệp có thể phó mặc một cách an toàn cho các “nhà giáo dục”.
Chúng ta cũng có thể tiên đoán với sự tin cậy rằng chúng ta sẽ định nghĩa lại một người được giáo dục có nghĩa là gì. Về mặt truyền thống, và đặc biệt trong 300 năm qua (có lẽ từ 1700 hay khoảng đó, chí ít ở phương Tây, và từ khoảng thời gian đó cả ở Nhật Bản nữa), một người được giáo dục đã là ai đó có một khối kiến thức chính quy được quy định. Người Đức gọi kiến thức này là allgemeine Bildung-Học thức chung, và người Anh (và, đi theo họ, là người Mỹ thế kỷ mười chín) đã gọi nó là liberal arts-khoa học xã hội nhân văn. Một người có giáo dục ngày càng sẽ là ai đó người đã học được phải học như thế nào, và là người tiếp tục học, đặc biệt bằng giáo dục chính quy, suốt đời mình.
Có những mối nguy hiểm hiển nhiên đối với điều này. Thí dụ, xã hội dễ dàng thoái hóa vào việc nhấn mạnh đến các bằng cấp chính thức hơn là đến năng lực thực hiện. Nó có thể là nạn nhân của các quan lại nhà nho vô ích - một nguy cơ mà đại học Mỹ rất dễ mắc. Nặt khác, nó có thể đánh giá quá cao kiến thức “thực hành”, có thể dùng được ngay và đánh giá quá thấp tầm quan trọng của những cái cơ bản, và của sự sáng suốt nói chung.
Một xã hội, trong đó những người lao động tri thức áp đảo, bị đe dọa từ một xung đột giai cấp mới: giữa thiểu số lớn của những người lao động tri thức và đa số người dân, những người sẽ kiếm sống theo cách truyền thống, hoặc bằng công việc chân tay, bất luận có kỹ năng hay không, hoặc bằng làm việc dịch vụ, bất luận có kỹ năng hay không. Năng suất của công việc tri thức – vẫn vô cùng thấp – sẽ trở thành thách thức kinh tế của xã hội tri thức. Vị thế cạnh tranh so sánh của mỗi nước, của mỗi ngành, của mỗi định chế bên trong xã hội sẽ phụ thuộc vào nó. Năng suất của người lao động phi tri thức, dịch vụ sẽ trở thành thách thức xã hội của xã hội tri thức. Khả năng của xã hội tri thức để đem lại thu nhập tử tế, và với nó là phẩm giá và địa vị, cho những người lao động phi tri thức phụ thuộc vào nó.
Đã chẳng có xã hội nào trong lịch sử phải đối mặt với các thách thức này. Nhưng cũng mới ngang vậy là các cơ hội của xã hội tri thức. Trong xã hội tri thức, lần đầu tiên trong lịch sử, khả năng lãnh đạo sẽ được mở ra cho tất cả mọi người. Cũng vậy, khả năng thu được tri thức không còn phụ thuộc vào việc có được một sự giáo dục được quy định ở một độ tuổi cho trước. Học sẽ trở thành công cụ của cá nhân – sẵn có cho cá nhân đó ở bất cứ độ tuổi nào – phải chi bởi vì nhiều kỹ năng và tri thức đến vậy có thể thu được bằng phương tiện của các công nghệ học mới.
Một hệ lụy khác là, một cá nhân, một tổ chức, một ngành, một nước thu nhận và áp dụng tri thức khéo thế nào sẽ trở thành yếu tố cạnh tranh cốt yếu. Xã hội tri thức không thể tránh khỏi sẽ trở nên cạnh tranh hơn bất cứ xã hội nào, mà chúng ta đã từng biết, rất nhiều – vì lý do đơn giản là, với tri thức trở nên có thể tiếp cận được một cách phổ quát, sẽ không có lời bào chữa nào cho việc không có kết quả. Sẽ không có nước “nghèo” nào. Sẽ chỉ có các nước dốt nát. Và cũng đúng thế cho các công ty, các ngành, và các tổ chức thuộc mọi loại. Nó cũng sẽ đúng đối với các cá nhân nữa. Thực ra, các xã hội phát triển đã trở nên vô cùng cạnh tranh hơn rồi đối với các cá nhân so với các xã hội của đầu thế kỷ này, nói chi đến các xã hội trước đó.
Tôi đã đang nói về hiểu biết, tri thức, kiến thức (knowledge). Nhưng một thuật ngữ chính xác hơn là “những kiến thức – knowledges”, bởi vì kiến thức của xã hội tri thức sẽ khác cơ bản với cái đã được coi là kiến thức trong các xã hội trước đây – và, thực ra, khác cơ bản với cái vẫn được coi một cách rộng rãi là kiến thức. Kiến thức của allgemeine Bildung của người Đức hay của liberal arts của dân Anglo-Saxon-Mỹ đã ít liên quan đến công việc của đời một người. Nó đã tập trung vào cá nhân và vào sự phát triển cá nhân hơn là vào bất cứ ứng dụng nào – nếu, quả thực, nó đã không, giống liberal arts của thế kỷ mười chín, tự hào về không hề có bất cứ tính hữu dụng nào. Trong xã hội tri thức, phần lớn kiến thức chỉ tồn tại trong ứng dụng. Chẳng cái gì mà nhân viên kỹ thuật X-quang cần biết lại có thể áp dụng cho nghiên cứu thị trường, chẳng hạn, hay cho dạy lịch sử trung cổ. Lực lượng lao động chính trong xã hội tri thức vì thế bao gồm những người được chuyên môn hóa rất cao. Thực ra, là một sai lầm đi nói về những người “đa khoa, tổng quát-generalists”. Cái chúng ta sẽ ngày càng muốn nói với thuật ngữ đó là những người đã học được làm thế nào để thu được thêm những chuyên môn một cách nhanh chóng để chuyển từ một loại việc làm này sang một loại khác – thí dụ, từ nghiên cứu thị trường sang quản lý, hay từ làm y tá sang làm hành chính bệnh viện. Nhưng những “người tổng quát-generalists” theo nghĩa mà chúng ta vẫn quen để nói về họ sẽ được coi là những kẻ tài tử hơn là những người có giáo dục.
Cả điều này nữa cũng là mới. Về mặt lịch sử, những người lao động là những người tổng quát. Họ đã làm bất cứ cái gì cần phải làm - ở trang trại, trong hộ gia đình, ở xưởng thủ công. Điều này cũng đã đúng với công nhân công nghiệp. Nhưng những người lao động tri thức, bất luận tri thức của họ là thô sơ hay tiên tiến, bất luận có ít hay rất nhiều, theo định nghĩa sẽ phải là người được chuyên môn hóa. Tri thức được áp dụng là hữu hiệu chỉ khi nó được chuyên môn hóa. Thực ra, càng được chuyên môn hóa, nó càng hữu hiệu. Điều này đúng đối với các kỹ thuật viên bảo quản máy tính, máy x-quang, hay động cơ máy bay chiến đấu. Nhưng nó cũng áp dụng ngang thế cho công việc đòi hỏi kiến thức tiên tiến nhất, bất luận là nghiên cứu về di truyền học hay nghiên cứu về vật lý thiên văn hay đưa một vở opera mới ra trình diễn lần đầu.
Hơn nữa, chuyển từ tri thức đến những tri thức tạo ra những cơ hội to lớn cho cá nhân. Nó làm cho một nghề với tư cách là một người lao động tri thức là có thể. Nhưng nó cũng gây ra rất nhiều vấn đề và thách thức mới. Lần đầu tiên trong lịch sử nó đòi hỏi rằng những người với tri thức nhận trách nhiệm để làm cho những người không có cùng cơ sở tri thức hiểu được mình.
Những Tri thức Hoạt động Thế nào
Rằng tri thức trong một xã hội tri thức phải được chuyên môn hóa cao để là hữu ích kéo theo hai đòi hỏi mới: những người lao động tri thức làm việc trong các nhóm, và nếu những người lao động tri thức không là những người làm công (nhân viên), họ ít nhất phải được liên kết với một tổ chức.
Những ngày này người ta nói rất nhiều về các “nhóm” và “công việc nhóm- teamwork”. Đa số bắt đầu với một giả thiết sai – cụ thể là, trước đây chúng ta đã chưa từng bao giờ làm việc theo nhóm. Thực ra người ta đã luôn luôn làm việc trong các nhóm; rất ít người đã từng có thể làm việc một cách hữu hiệu một mình. Người nông dân đã có một bà vợ, và bà vợ nông dân đã phải có một người chồng. Hai người đã làm việc như một nhóm. Và cả hai đã làm việc như một nhóm với những người làm thuê của họ, các tá điền. Thợ thủ công cũng đã có một bà vợ, mà ông ta làm việc với như một nhóm – ông lo về công việc nghề thủ công, và bà lo về các khách hàng, những người học việc, và toàn bộ công việc kinh doanh. Và cả hai đã làm việc như một nhóm với các phó nhỏ và những người học việc. Ngày nay nhiều thảo luận giả thiết rằng chỉ có một loại nhóm. Thực ra có khá nhiều loại. Nhưng cho đến ngày nay sự nhấn mạnh đã là về cá nhân người lao động và không phải về nhóm. Với công việc tri thức ngày càng hữu hiệu khi nó ngày càng được chuyên môn hóa, các nhóm trở thành đơn vị làm việc hơn là bản thân cá nhân.
Nhóm mà bây giờ được nài nỉ - tôi gọi nó là nhóm “ban nhạc-jazz”- chỉ là một loại nhóm. Nó thực ra là loại nhóm khó nhất cả để tụ tập lẫn để khiến nó hoạt động có hiệu quả, và là loại đòi hỏi thời gian dài nhất để đạt năng lực thành tích. Chúng ta sẽ phải học để sử dụng các loại nhóm khác nhau cho các mục đích khác nhau. Chúng ta sẽ phải học để hiểu các nhóm – và đây là cái gì đó mà cho đến nay rất ít được chú ý. Sự hiểu về các nhóm, khả năng thành tích của các loại nhóm khác nhau, các mặt mạnh và các hạn chế của chúng, và sự đánh đổi giữa các loại nhóm khác nhau, như thế sẽ trở thành những mối quan tâm chủ yếu trong quản lý con người.
Quan trọng ngang thế là hệ lụy thứ hai của sự thực rằng những người lao động tri thức tất yếu là các chuyên gia: nhu cầu của họ để làm việc như các thành viên của một tổ chức. Chỉ tổ chức có thể tạo sự liên tục cơ bản mà những người lao động tri thức cần để là hữu hiệu. Chỉ tổ chức mới có thể biến tri thức được chuyên môn hóa của người lao động tri thức thành thành quả.
Tự thân, tri thức được chuyên môn hóa không mang lại thành quả. Nhà phẫu thuật là không hữu hiệu trừ khi có một chẩn đoán – việc, nhìn chung, không phải là nhiệm vụ của nhà phẫu thuật và thậm chí không nằm trong năng lực của nhà phẫu thuật. Với tư cách một người đơn độc trong nghiên cứu và viết lách, nhà sử học có thể rất hiệu quả. Nhưng để giáo dục sinh viên, rất nhiều nhà chuyên môn khác phải đóng góp – những người mà chuyên môn của họ có thể là văn học, hay toán học, hay các lĩnh vực khác của sử học. Và việc này đòi hỏi nhà chuyên môn phải tiếp cận được đến một tổ chức.
Sự tiếp cận này có thể với tư cách một nhà tư vấn, hay có thể như một nhà cung cấp các dịch vụ chuyên biệt. Nhưng với đa số người lao động tri thức sẽ với tư cách những người làm công, các nhân viên, làm toàn thời hay một phần thời gian, của một tổ chức, như một cơ quan nhà nước, một bệnh viện, một đại học, hay một nghiệp đoàn lao động. Trong xã hội tri thức không phải cá nhân là người đạt thành tích. Cá nhân là trung tâm chi phí hơn là một trung tâm thành tích. Chính tổ chức là cái thực hiện, là cái đạt thành tích.
Một Người làm công là gì?
Hầu hết những người lao động tri thức sẽ dùng hầu hết nếu không phải tất cả đời làm việc của mình với tư cách “người làm công, nhân viên”. Nhưng ý nghĩa của từ này sẽ khác cái nó đã là theo truyền thống – và không chỉ trong tiếng Anh mà cả trong tiếng Đức, Tây Ban Nha và Nhật nữa.
Từng cá nhân, những người lao động tri thức phụ thuộc vào việc làm. Họ nhận lương hay tiền công. Họ được thuê và có thể bị sa thải. Về mặt pháp lý mỗi người là một người làm công. Nhưng về mặt tập thể họ là các nhà tư bản; thông qua các quỹ hưu bổng và các khoản tiết kiệm của mình họ ngày càng sở hữu tư liệu sản xuất. Trong kinh tế học truyền thống – và chẳng hề chỉ trong kinh tế học Marxist – có sự phân biệt rõ ràng gữa “quỹ lương”, tất cả quỹ lương là để tiêu dùng, và “quỹ vốn”, hay phần của toàn bộ dòng thu nhập có thể được dùng cho đầu tư. Và hầu hết lí thuyết xã hội về xã hội công nghiệp, bằng cách này hay cách khác, đều dựa vào quan hệ giữa hai thứ đó, bất luận trong sự xung đột hay trong sự hợp tác và cân bằng cần thiết và có ích. Trong xã hội tri thức hai thứ hợp nhất lại. Quỹ hưu là “lương được trả sau”, và với tư cách đó nó là một quỹ lương. Nhưng nó cũng ngày càng là nguồn vốn chính của xã hội tri thức.
Có lẽ còn quan trọng hơn, trong xã hội tri thức những người làm công – tức là, những người lao động tri thức – sở hữu các công cụ lao động. Sự thấu hiểu to lớn của Marx đã là, công nhân nhà máy không và không thể sở hữu các công cụ sản xuất, và vì thế “bị xa lánh”.[1] Chẳng có cách nào, Marx đã chỉ ra, đối với công nhân để sở hữu máy hơi nước và để có khả năng mang nó với mình khi chuyển từ một việc làm sang việc làm khác. Nhà tư bản đã phải sở hữu máy hơi nước và kiểm soát nó. Đầu tư thật sự trong xã hội tri thức ngày càng không là vào máy móc và các công cụ mà là vào tri thức của người lao động tri thức. Không có tri thức đó thì máy móc là không hữu ích, dù có tiên tiến và tinh vi đến đâu.
Nhà nghiên cứu thị trường cần một máy tính. Nhưng đấy ngày càng là máy tính cá nhân của riêng nhà nghiên cứu, và nó đi cùng bất kể nơi đâu nhà nghiên cứu đi. “Thiết bị vốn” thật sự của nghiên cứu thị trường là tri thức về các thị trường, về số liệu thống kê, và về áp dụng nghiên cứu thị trường vào chiến lược kinh doanh, cái nằm giữa tai của nhà nghiên cứu và là tài sản riêng và không thể chuyển nhượng của anh hay chị ta. Nhà phẫu thuật cần phòng mổ của bệnh viện và tất cả tiết bị vốn đắt tiền của nó. Nhưng đầu tư vốn thực sự của nhà phẫu thuật là mười hai hay mười lăm năm đào tạo và tri thức được sinh ra, mà nhà phẫu thuật mang từ bệnh viện này sang bệnh viện tiếp theo. Không có tri thức đó các phòng mổ đắt tiền của bệnh viện chẳng khác gì đồ thải và phế liệu.
Điều này đúng bất luận người lao động tri thức có sẵn tri thức tiên tiến, như một nhà phẫu thuật, hay tri thức đơn giản và khá sơ đẳng, như một kế toán viên ít tuổi. Trong cả hai trường hợp chính đầu tư tri thức là cái xác định liệu một nhân viên có ích hay không, hơn là các công cụ, máy móc, và vốn do tổ chức cung cấp. Công nhân công nghiệp cần nhà tư bản vô cùng nhiều hơn nhà tư bản cần công nhân công nghiệp – cơ sở cho khẳng định của Marx rằng sẽ luôn luôn có một sự dư thừa công nhân công nghiệp, và một “đội quân dự bị công nghiệp”, cái chắc chắn làm cho lương không thể tăng trên mức tồn tại (có lẽ là sai lầm quá xá nhất của Marx). Trong xã hội tri thức giả thiết có khả năng nhất đối với các tổ chức – và chắc chắn là giả thiết mà chúng phải dựa vào để tiến hành công việc của mình – là chúng cần những người lao động tri thức nhiều hơn người lao động tri thức cần chúng rất nhiều.
Đã có tranh luận không dứt trong Thời Trung cổ về thứ bậc của tri thức, với triết học đòi là “nữ hoàng”. Chúng ta từ lâu đã từ bỏ sự tranh cãi vô ích đó. Không có tri thức cao hơn hay thấp hơn. Khi lời than phiền của khách hàng là một móng chân mọc quặp vào trong, thì tri thức của người chữa bệnh chân là có ý nghĩa, chứ không phải tri thức của nhà phẫu thuật não – dù là nhà phẫu thuật não được đào tạo nhiều năm hơn nhiều và đòi phí cao hơn nhiều. Và nếu một người điều hành được cử đến một nước ngoài, tri thức mà người đó cần, và gấp rút, là sự thông thạo tiếng nước ngoài – một việc mà mọi thổ dân của nước đó đã thông thạo ở tuổi lên ba, mà không có bất cứ đầu tư lớn nào. Tri thức của xã hội tri thức, chính xác bởi vì nó là tri thức chỉ khi được áp dụng vào hành động, nhận được thứ bậc và địa vị từ hoàn cảnh. Nói cách khác, cái là tri thức trong một tình huống, như thông thạo tiếng Hàn đối với một nhà điều hành Mỹ được cử đi Seoul, lại chỉ là thông tin, và là thông tin không mấy liên quan, khi cũng nhà điều hành ấy vài năm sau phải suy nghĩ kỹ chiến lược thị trường của công ty mình đối với Hàn Quốc. Cả điều này nữa cũng là mới. Những kiến thức đã luôn được coi như các ngôi sao cố định, ấy là nói vậy, mỗi ngôi chiếm vị trí riêng của nó trong vũ trụ tri thức. Trong xã hội tri thức những kiến thức là các công cụ, và với tư cách đó, đối với tầm quan trọng và địa vị của chúng, chúng phụ thuộc vào nhiệm vụ phải thực hiện.
Quản lý trong Xã hội Tri thức
Một kết luận thêm: Bởi vì xã hội tri thức tất yếu phải là một xã hội của các tổ chức, cơ quan trung tâm và đặc biệt của nó là ban quản lý. Khi xã hội của chúng ta bắt đầu nói về quản lý, thuật ngữ đã có nghĩa là “quản lý kinh doanh” – bởi vì doanh nghiệp quy mô lớn đã là cái đầu tiên của các tổ chức mới trở nên có thể dễ thấy. Nhưng chúng ta đã học được trong nửa thế kỷ vừa qua này rằng quản lý là cơ quan riêng biệt của tất cả các tổ chức. Tất cả chúng đòi hỏi sự quản lý, dù chúng có dùng thuật ngữ đó hay không. Tất cả các nhà quản lý làm cùng thứ, bất kể mục đích của tổ chức của họ là gì. Tất cả họ đều phải gom những người khác nhau – mỗi người có tri thức khác nhau – lại với nhau cho việc cùng thực hiện. Tất cả họ đều phải biến các mặt mạnh của con người thành có ích và biến những mặt yếu thành không liên quan. Tất cả họ đều phải suy nghĩ kỹ những kết quả nào là kết quả mong muốn trong tổ chức – và rồi phải xác định các mục tiêu. Tất cả họ đều có trách nhiệm suy nghĩ kỹ cái mà tôi gọi là lí thuyết kinh doanh – tức là, các giả thiết trên đó tổ chức đặt cơ sở cho thành tích và các hoạt động của mình, và các giả thiết mà tổ chức đã đưa ra trong quyết định không làm cái gì. Tất cả họ đều phải suy nghĩ thấu đáo các chiến lược – tức là, các phương tiện thông qua đó các mục tiêu của tổ chức trở thành thành tựu. Và tất cả họ đều phải xác định các giá trị của tổ chức, hệ thống thưởng và phạt của nó, tinh thần và văn hóa của nó. Trong tất cả các tổ chức các nhà quản lý cần cả kiến thức quản lý như công việc và kỷ luật lẫn kiến thức và sự hiểu biết về bản thân tổ chức – các mục đích của nó, các giá trị của nó, môi trường và các thị trường của nó, những năng lực cốt lõi của nó.
Quản lý với tư cách một sự thực hành là rất cổ. Nhà điều hành thành công nhất trong toàn bộ lịch sử chắc chắn đã là người Ai Cập đó, người 4.500 năm trước hay hơn đã đầu tiên nghĩ ra kim tự tháp, mà không có bất cứ tiền lệ nào, đã thiết kế nó, đã xây dựng nó, và đã làm vậy trong một thời gian ngắn đến kinh ngạc. Cái kim tự tháp đầu tiên ấy vẫn đứng vững. Nhưng với tư cách một môn quản lý, nó vừa mới năm mươi tuổi. Nó đầu tiên được hình dung lờ mờ vào khoảng thời gian của Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất. Nó đã không nổi lên cho đến Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, và rồi đã nổi lên chủ yếu ở Hoa Kỳ. Từ đó nó đã là hoạt động mới tăng nhanh nhất, và nghiên cứu nó là bộ môn mới tăng trưởng nhanh nhất. Không hoạt động nào trong lịch sử đã nổi lên nhanh như quản lý đã nổi lên trong năm mươi hay sáu mươi năm qua, và chắc chắn chẳng hoạt động nào lại đã có tầm, phạm vi toàn cầu như vậy trong một thời gian ngắn như vậy.
Quản lý vẫn được dạy ở hầu hết các trường kinh doanh như một bó các kỹ thuật, như lập ngân sách và các quan hệ cá nhân. Không thể phủ nhận, quản lý, giống bất cứ công việc nào khác, có các công cụ riêng và những kỹ thuật riêng của mình. Nhưng hệt như cốt lõi của y học không phải là phân tích nước tiểu (dẫu nó là quan trọng), cốt lõi của quản lý không phải là những kỹ thuật và thủ tục. Cốt lõi của quản lý là khiến những kiến thức trở thành hữu ích. Quản lý, nói cách khác, là một chức năng xã hội. Và trong thực hành của nó quản lý thực sự là một liberal art (nghệ thuật tự do).
Khu vực Xã hội
Các cộng đồng cổ - gia đình, làng xóm, giáo xứ, và v.v. – đã gần như biến mất trong xã hội tri thức. Chỗ của chúng chủ yếu do đơn vị mới của sự hội nhập xã hội, tổ chức, chiếm mất. Ở nơi cộng đồng đã là số mệnh, tổ chức là toàn thể hội viên tự nguyện. Ở nơi cộng đồng đòi hỏi toàn bộ con người, tổ chức là một phương tiện cho các mục đích của một cá nhân, là một công cụ. Trong 200 năm một cuộc tranh luận nóng bỏng đã nổi lên dữ dội, đặc biệt ở phương Tây: các cộng đồng có là “hữu cơ” hay chúng đơn giản là sự mở rộng của những con người mà chúng được tạo thành? Chẳng ai đòi hỏi rằng tổ chức mới là “hữu cơ”. Nó rõ ràng là một đồ tạo tác, một sự sáng tạo của con người, một công nghệ xã hội.
Nhưng, rồi ai làm những nhiệm vụ cộng đồng? Hai trăm năm trước bất cứ nhiệm vụ xã hội nào phải làm đã được một cộng đồng địa phương làm trong mọi xã hội. Rất ít nếu có nhiệm vụ nào trong các nhiệm vụ này được các cộng đồng cũ làm nữa. Chúng cũng chẳng có khả năng làm, vì rằng chúng không còn có sự kiểm soát các thành viên của chúng hay thậm chí một ảnh hưởng vững chắc lên họ nữa. Người ta không còn ở lại nơi họ sinh ra, cả về mặt địa lý hay về mặt địa vị và vị trí xã hội. Theo định nghĩa, một xã hội tri thức là một xã hội của tính di động. Và tất cả các chức năng xã hội của các cộng đồng cũ, bất luận được thực hiện tốt hay tồi (và quả thực hầu hết đã được thực hiện rất tồi), đều giả định trước rằng cá nhân và gia đình sẽ ở yên tại chỗ. Nhưng cốt lõi của xã hội tri thức là tính di động về mặt người ta sống ở đâu, di động về mặt người ta làm gì, di động về mặt những liên kết, gia nhập của người ta. Con người không còn cội rễ nữa. Con người không còn một hàng xóm nữa, người quy định nhà của họ giống cái gì, họ làm gì, và, quả thực, các vấn đề của họ được phép là gì. Xã hội tri thức là một xã hội trong đó rất nhiều người hơn trước đó có thể thành công. Nhưng, theo định nghĩa, vì thế cũng là một xã hội trong đó rất nhiều người hơn trước đó có thể thất bại, hay chí ít trở thành phụ. Và phải chi bởi vì việc áp dụng tri thức vào công việc đã khiến các xã hội phát triển giàu hơn rất nhiều so với bất cứ xã hội nào trước đó nào đã có thể thậm chí mơ ước đến; những thất bại, bất luận là những người nghèo hay nghiện rượu, phụ nữ bị ngược đãi hay tội phạm vị thành niên, được coi là thất bại của xã hội.
Vậy thì ai lo về các nhiệm vụ xã hội trong xã hội tri thức? Chúng ta không thể bỏ qua chúng. Nhưng cộng đồng truyền thống không có khả năng giải quyết chúng.
Hai câu trả lời đã nổi lên trong khoảng thế kỷ qua – một câu trả lời đa số và một ý kiến bất đồng. Cả hai đều tỏ ra là sai. Câu trả lời đa số quay lại hơn một trăm năm trước, quay lại các năm 1880, khi nước Đức của Bismarck đã đi những bước loạng choạng đầu tiên hướng tới nhà nước phúc lợi. Câu trả lời: chính phủ có thể, nên, và phải giải quyết các vấn đề của khu vực xã hội. Đây có lẽ vẫn là câu trả lời mà đa số người chấp nhận, đặc biệt ở các nước phương Tây đã phát triển – cho dù đa số người có lẽ không còn hoàn toàn tin vào nó. Nhưng nó đã bị phản đối hoàn toàn. Chính phủ hiện đại, đặc biệt từ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, ở tất cả mọi nơi đã trở thành một bộ máy quan liêu phúc lợi khổng lồ. Và ngày nay phần lớn ngân sách ở mọi nước phát triển được dành cho các Quyền hưởng [Entitlements] cho các khoản chi đối với mọi loại dịch vụ xã hội. Thế mà ở mọi nước phát triển, xã hội đang trở nên ốm yếu hơn là khỏe mạnh hơn, và các vấn đề xã hội tăng lên nhiều lần. Chính phủ có một vai trò to lớn trong các nhiệm vụ xã hội – vai trò làm chính sách, đặt ra tiêu chuẩn, và, ở mức độ lớn vai trò của người trả lương. Nhưng khi cơ quan đi vận hành các dịch vụ xã hội, nó đã chứng tỏ hầu như hoàn toàn bất tài.
Trong cuốn Tương lai của Con người Công nghiệp - The Future of Industrial Man (1942) của mình, tôi đã trình bày một ý kiến bất đồng. Tôi đã lí lẽ khi đó rằng tổ chức mới – và năm mươi năm trước nó đã có nghĩa là doanh nghiệp kinh doanh lớn – sẽ phải trở thành cộng đồng trong đó cá nhân sẽ tìm thấy địa vị và chức năng, với cộng đồng nơi làm việc trở thành cộng đồng trong đó và qua đó các nhiệm vụ xã hội được tổ chức. Ở Nhật Bản (tuy hoàn toàn độc lập và chẳng hề mắc nợ gì tôi) người sử dụng lao động lớn – cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp – quả thực đã ngày càng cố gắng phục vụ như một cộng đồng đối với nhân viên của mình. Việc làm suốt đời chỉ là một xác nhận cho điều này. Nhà ở công ty, các sơ đồ đảm bảo sức khỏe công ty, các đợt nghỉ công ty, và v.v., tất cả đều nhấn mạnh với những người làm công Nhật Bản rằng người sử dụng lao động, và đặc biệt công ty lớn, là cộng đồng và là cái kế vị cho làng xóm xưa kia – thậm chí cho gia đình ngày nay.[2] Cái này, tuy nhiên, cũng đã chẳng có kết quả.
Có nhu cầu, đặc biệt ở phương Tây, để ngày càng đưa người làm công vào cai quản cộng đồng nơi làm việc. Cái bây giờ được gọi là sự trao quyền (empowerment) là rất giống những cái tôi đã nói đến năm mươi năm trước. Nhưng nó không tạo ra một cộng đồng. Nó cũng chẳng tạo ra cấu trúc qua đó các nhiệm vụ xã hội của xã hội tri thức có thể được giải quyết. Thực ra, hầu hết những nhiệm vụ này – bất luận là giáo dục hay chăm sóc sức khỏe; những bất ổn xã hội do suy đồi đạo đức và các tệ nạn của một xã hội phát triển và, đặc biệt, của một xã hội giàu có, như lạm dụng rượu và ma túy; hay các vấn đề về không có năng lực và vô trách nhiệm như các vấn đề của gới vô sản lưu manh (underclass) ở đô thị Mỹ - nằm ngoài định chế sử dụng lao động.
Câu trả lời đúng cho câu hỏi, Ai lo cho những thách thức xã hội của xã hội tri thức? không phải là chính phủ cũng chẳng phải là tổ chức sử dụng lao động. Câu trả lời là một khu vực xã hội tách biệt và mới.
Mới ít hơn năm mươi năm, tôi tin, kể từ khi chúng ta ở Hoa Kỳ bắt đầu nói về hai khu vực của một xã hội hiện đại – “khu vực công” (chính phủ) và “khu vực tư nhân” (kinh doanh). Trong hai mươi năm vừa qua Hoa Kỳ đã bắt đầu nói về một khu vực thứ ba, “khu vực phi lợi nhuận” – những tổ chức ngày càng lo lắng đến những thách thức xã hội của một xã hội hiện đại.
Tại Hoa Kỳ, với truyền thống của nó về các nhà thờ độc lập và cạnh tranh, một khu vực như vậy đã luôn luôn tồn tại. Ngay cả bây giờ các nhà thờ là phần đơn lẻ lớn nhất của khu vực xã hội ở Hoa Kỳ, nhận hầu như một nửa tiền cho các định chế từ thiện, và khoảng một phần ba thời gian tình nguyện của các cá nhân. Nhưng phần phi-nhà thờ của khu vực xã hội đã là một khu vực tăng trưởng ở Hoa Kỳ. Vào đầu các năm 1990 ở Hoa Kỳ khoảng một triệu tổ chức được đăng ký với tư cách các tổ chức phi lợi nhuận hay từ thiện làm công việc khu vực xã hội. Tuyệt đại đa số các tổ chức này, khoảng 70 phần trăm, được hình thành trong ba mươi năm vừa qua. Và là các dịch vụ cộng đồng liên quan đến đời sống trần gian này hơn là đến Vương quốc của Thượng đế. Khá nhiều tổ chức mới, tất nhiên, là tôn giáo trong định hướng của chúng, nhưng phần lớn các tổ chức này không phải là nhà thờ, giáo phái. Chúng là các “ô dù” tiến hành một nhiệm vụ cụ thể, như phục hồi chức năng của những người nghiện rượu và ma túy, cải tạo phạm nhân, hay giáo dục trường sơ cấp. Ngay cả bên trong mảng nhà thờ của khu vực xã hội, các tổ chức chứng tỏ có khả năng tăng trưởng là các tổ chức hoàn toàn mới. Chúng là các nhà thờ “pastoral” [mục sư], chú tâm vào những nhu cầu linh hồn của các cá nhân, đặc biệt của những người lao động tri thức có giáo dục, và rồi đưa năng lượng tinh thần của các thành viên của mình vào công việc về những thách thức xã hội và vấn đề xã hội của cộng đồng – đặc biệt, tất nhiên, của cộng đồng đô thị.
Chúng ta vẫn nói về các tổ chức này như các tổ chức “phi lợi nhuận”. Nhưng đây là một thuật ngữ pháp lý. Nó chẳng có nghĩa gì trừ việc theo luật Mỹ các tổ chức này không nộp thuế. Liệu chúng có được tổ chức như tổ chức phi lợi nhuận hay không, thực ra chẳng liên quan đến hoạt động và ứng xử của chúng. Từ 1960 hay 1970 nhiều bệnh viện Mỹ đã trở thành “vì lợi nhuận” và được tổ chức về pháp lý như các công ty kinh doanh. Chúng hoạt động chính xác theo cùng cách như các bệnh viện “phi lợi nhuận” truyền thống. Cái quan trọng không phải là cơ sở pháp lý, mà là các định chế khu vực xã hội có một loại mục đích cá biệt. Chính phủ đòi hỏi sự tuân thủ; nó lập ra các quy tắc và áp thực thi chúng. Doanh nghiệp kỳ vọng được thanh toán; nó cung cấp. Các định chế khu vực xã hội nhắm tới việc thay đổi con người. “Sản phẩm” của một trường là học sinh, người đã học được cái gì đó. “Sản phẩm” của một bệnh viện là bênh nhân được chữa trị. “Sản phẩm” của một nhà thờ là người đi nhà thờ mà cuộc sống của người đó được thay đổi. Nhiệm vụ của các tổ chức khu vực xã hội là để tạo ra sức khỏe và hạnh phúc con người.
Các tổ chức này của khu vực xã hội ngày càng phục vụ một mục đích thứ hai và quan trọng ngang thế. Chúng tạo ra tư cách công dân. Xã hội hiện đại và chính thể hiện đại đã trở nên lớn và phức tạp đến mức bổn phận công dân – tức là, sự tham gia có trách nhiệm – không còn là có thể nữa. Tất cả cái chúng ta có thể làm với tư cách công dân là, đi bỏ phiếu vài năm một lần và lúc nào cũng đóng thuế.
Với tư cách một người tình nguyện trong một định chế khu vực xã hội, cá nhân lại có thể tạo ra một sự khác biệt. Tại Hoa Kỳ, nơi có truyền thống tình nguyện từ lâu do tính độc lập cổ xưa của các nhà thờ, trong các năm 1990 hầu như một nửa số người trưởng thành làm việc chí ít ba – và thường là năm- giờ một tuần trong một tổ chức khu vực xã hội. Anh là nước khác duy nhất có cái gì đó giống truyền thống này, tuy nó tồn tại ở đây với quy mô nhỏ hơn nhiều (một phần vì nhà nước phúc lợi Anh bao trùm hơn nhiều, nhưng phần lớn hơn nhiều là vì nó đã có một nhà thờ được chính thức hóa – do nhà nước chi trả và được vận hành như một ngành dân chính). Bên ngoài các nước nói tiếng Anh không có mấy truyền thống tình nguyện. Thực ra, nhà nước hiện đại ở Châu Âu và Nhật Bản đã công khai thù địch với bất cứ thứ gì có màu sắc tình nguyện – nhất là ở Pháp và Nhật Bản. Nó là một chế độ cổ xưa và bị nghi ngờ là về cơ bản mang tính lật đổ.
Nhưng ngay cả ở những nước này các thứ cũng đang thay đổi, bởi vì xã hội tri thức cần khu vực xã hội, và khu vực xã hội cần những người tình nguyện. Nhưng những người lao động tri thức cũng cần một lĩnh vực trong đó họ có thể hành động như các công dân và tạo ra một cộng đồng. Nơi làm việc không mang lại cái đó cho họ. Chẳng gì đã bị phản đối, đã không được chấp nhận nhanh hơn là quan niệm được chấp nhận rộng rãi bốn mươi năm trước về “nhà tổ chức”. Thực ra, công việc tri thức càng thỏa mãn ta bao nhiêu, ta càng cần một lĩnh vực tách biệt của hoạt động cộng đồng.
Nhiều tổ chức khu vực xã hội sẽ trở thành các đối tác với chính phủ - như đúng trong rất nhiều vụ “tư nhân hóa”, nơi, thí dụ, một thành phố trả tiền cho việc quét dọn đường phố và một nhà thầu khoán bên ngoài làm công việc quét dọn. Trong nền giáo dục Mỹ trong hai mươi năm tới sẽ có ngày càng nhiều phiếu (voucher) do chính quyền chi trả khiến cho các bậc cha mẹ có khả năng đưa con em họ vào học ở các trường đa dạng khác nhau, một số là trường công được hỗ trợ bằng thuế, một số là trường tư và một phần lớn phụ thuộc vào thu nhập từ các phiếu voucher. Các tổ chức khu vực xã hội này, tuy là các đối tác với chính quyền, cũng cạnh tranh một cách rõ ràng với chính quyền. Quan hệ giữa hai bên vẫn còn phải vạch ra – và trên thực tế không có tiền lệ cho nó.
Cái gì tạo nên thành tích đối với các tổ chức khu vực xã hội, và đặc biệt đối với các tổ chức phi lợi nhuận và từ thiện, các tổ chức không có kỷ luật về kết quả tài chính, cũng còn phải được vạch ra tỉ mỉ. Chúng ta biết rằng các tổ chức khu vực xã hội cần sự quản lý. Nhưng chính xác sự quản lý có nghĩa là gì đối với tổ chức khu vực xã hội thì vừa mới là bước đầu để nghiên cứu. Về quản lý các tổ chức phi lợi nhuận trong rất nhiều phương diện chúng ta đang ở điểm như chúng ta đã ở năm mươi hay sáu mươi năm trước liên quan đến quản lý doanh nghiệp kinh doanh: công việc mới chỉ bắt đầu.
Nhưng một thứ đã rõ ràng rồi. Xã hội tri thức phải là một xã hội của ba khu vực: một khu vực công của chính phủ, một khu vực tư của kinh doanh, và một khu vực xã hội. Và tôi gợi ý rằng ngày càng trở nên rõ ràng là, thông qua khu vực xã hội một xã hội hiện đại, phát triển lại có thể tạo ra bổn phận công dân có trách nhiệm và có thành tựu, và lại có thể mang lại cho các cá nhân – đặc biệt cho những người lao động tri thức – một lĩnh vực trong đó họ có thể tạo ra một sự khác biệt và tái tạo lại cộng đồng.
[1] Những người dịch các tác phẩm Marxist kinh điển dịch là “tha hóa”.
[2] Nhà nước phúc lợi đẻ non, muốn lo cho dân từ cái kim sợi chỉ, từ miếng cơm manh áo, từ nhà trẻ đến nơi chôn cất, dẫu ý tưởng có cao đẹp đến đâu, cũng đã hoàn toàn thất bại. Ngay nhà nước phúc lợi đủ ngày đủ tháng của Tây và Bắc Âu cũng đã trở thành gánh nặng và phải được cải cách triệt để.
Nguyễn Quang A dịch
Nguồn: Peter F. Drucker, The Age of Social Transformation,The Atlantic Monthly, November 1994,Volume 274, No. 5; pages 53-80.
Thời đại Biến đổi Xã hội (Kỳ 3) (13/04/2011)
Những Tri thức Hoạt động Thế nào
Rằng tri thức trong một xã hội tri thức phải được chuyên môn hóa cao để là hữu ích kéo theo hai đòi hỏi mới: những người lao động tri thức làm việc trong các nhóm, và nếu những người lao động tri thức không là những người làm công (nhân viên), họ ít nhất phải được liên kết với một tổ chức.
Những ngày này người ta nói rất nhiều về các “nhóm” và “công việc nhóm- teamwork”. Đa số bắt đầu với một giả thiết sai – cụ thể là, trước đây chúng ta đã chưa từng bao giờ làm việc theo nhóm. Thực ra người ta đã luôn luôn làm việc trong các nhóm; rất ít người đã từng có thể làm việc một cách hữu hiệu một mình. Người nông dân đã có một bà vợ, và bà vợ nông dân đã phải có một người chồng. Hai người đã làm việc như một nhóm. Và cả hai đã làm việc như một nhóm với những người làm thuê của họ, các tá điền. Thợ thủ công cũng đã có một bà vợ, mà ông ta làm việc với như một nhóm – ông lo về công việc nghề thủ công, và bà lo về các khách hàng, những người học việc, và toàn bộ công việc kinh doanh. Và cả hai đã làm việc như một nhóm với các phó nhỏ và những người học việc. Ngày nay nhiều thảo luận giả thiết rằng chỉ có một loại nhóm. Thực ra có khá nhiều loại. Nhưng cho đến ngày nay sự nhấn mạnh đã là về cá nhân người lao động và không phải về nhóm. Với công việc tri thức ngày càng hữu hiệu khi nó ngày càng được chuyên môn hóa, các nhóm trở thành đơn vị làm việc hơn là bản thân cá nhân.
Nhóm mà bây giờ được nài nỉ - tôi gọi nó là nhóm “ban nhạc-jazz”- chỉ là một loại nhóm. Nó thực ra là loại nhóm khó nhất cả để tụ tập lẫn để khiến nó hoạt động có hiệu quả, và là loại đòi hỏi thời gian dài nhất để đạt năng lực thành tích. Chúng ta sẽ phải học để sử dụng các loại nhóm khác nhau cho các mục đích khác nhau. Chúng ta sẽ phải học để hiểu các nhóm – và đây là cái gì đó mà cho đến nay rất ít được chú ý. Sự hiểu về các nhóm, khả năng thành tích của các loại nhóm khác nhau, các mặt mạnh và các hạn chế của chúng, và sự đánh đổi giữa các loại nhóm khác nhau, như thế sẽ trở thành những mối quan tâm chủ yếu trong quản lý con người.
Quan trọng ngang thế là hệ lụy thứ hai của sự thực rằng những người lao động tri thức tất yếu là các chuyên gia: nhu cầu của họ để làm việc như các thành viên của một tổ chức. Chỉ tổ chức có thể tạo sự liên tục cơ bản mà những người lao động tri thức cần để là hữu hiệu. Chỉ tổ chức mới có thể biến tri thức được chuyên môn hóa của người lao động tri thức thành thành quả.
Tự thân, tri thức được chuyên môn hóa không mang lại thành quả. Nhà phẫu thuật là không hữu hiệu trừ khi có một chẩn đoán – việc, nhìn chung, không phải là nhiệm vụ của nhà phẫu thuật và thậm chí không nằm trong năng lực của nhà phẫu thuật. Với tư cách một người đơn độc trong nghiên cứu và viết lách, nhà sử học có thể rất hiệu quả. Nhưng để giáo dục sinh viên, rất nhiều nhà chuyên môn khác phải đóng góp – những người mà chuyên môn của họ có thể là văn học, hay toán học, hay các lĩnh vực khác của sử học. Và việc này đòi hỏi nhà chuyên môn phải tiếp cận được đến một tổ chức.
Sự tiếp cận này có thể với tư cách một nhà tư vấn, hay có thể như một nhà cung cấp các dịch vụ chuyên biệt. Nhưng với đa số người lao động tri thức sẽ với tư cách những người làm công, các nhân viên, làm toàn thời hay một phần thời gian, của một tổ chức, như một cơ quan nhà nước, một bệnh viện, một đại học, hay một nghiệp đoàn lao động. Trong xã hội tri thức không phải cá nhân là người đạt thành tích. Cá nhân là trung tâm chi phí hơn là một trung tâm thành tích. Chính tổ chức là cái thực hiện, là cái đạt thành tích.
Một Người làm công là Gì?
Hầu hết những người lao động tri thức sẽ dùng hầu hết nếu không phải tất cả đời làm việc của mình với tư cách “người làm công, nhân viên”. Nhưng ý nghĩa của từ này sẽ khác cái nó đã là theo truyền thống – và không chỉ trong tiếng Anh mà cả trong tiếng Đức, Tây Ban Nha và Nhật nữa.
Từng cá nhân, những người lao động tri thức phụ thuộc vào việc làm. Họ nhận lương hay tiền công. Họ được thuê và có thể bị sa thải. Về mặt pháp lý mỗi người là một người làm công. Nhưng về mặt tập thể họ là các nhà tư bản; thông qua các quỹ hưu bổng và các khoản tiết kiệm của mình họ ngày càng sở hữu tư liệu sản xuất. Trong kinh tế học truyền thống – và chẳng hề chỉ trong kinh tế học Marxist – có sự phân biệt rõ ràng gữa “quỹ lương”, tất cả quỹ lương là để tiêu dùng, và “quỹ vốn”, hay phần của toàn bộ dòng thu nhập có thể được dùng cho đầu tư. Và hầu hết lí thuyết xã hội về xã hội công nghiệp, bằng cách này hay cách khác, đều dựa vào quan hệ giữa hai thứ đó, bất luận trong sự xung đột hay trong sự hợp tác và cân bằng cần thiết và có ích. Trong xã hội tri thức hai thứ hợp nhất lại. Quỹ hưu là “lương được trả sau”, và với tư cách đó nó là một quỹ lương. Nhưng nó cũng ngày càng là nguồn vốn chính của xã hội tri thức.
Có lẽ còn quan trọng hơn, trong xã hội tri thức những người làm công – tức là, những người lao động tri thức – sở hữu các công cụ lao động. Sự thấu hiểu to lớn của Marx đã là, công nhân nhà máy không và không thể sở hữu các công cụ sản xuất, và vì thế “bị xa lánh”.[1] Chẳng có cách nào, Marx đã chỉ ra, đối với công nhân để sở hữu máy hơi nước và để có khả năng mang nó với mình khi chuyển từ một việc làm sang việc làm khác. Nhà tư bản đã phải sở hữu máy hơi nước và kiểm soát nó. Đầu tư thật sự trong xã hội tri thức ngày càng không là vào máy móc và các công cụ mà là vào tri thức của người lao động tri thức. Không có tri thức đó thì máy móc là không hữu ích, dù có tiên tiến và tinh vi đến đâu.
Nhà nghiên cứu thị trường cần một máy tính. Nhưng đấy ngày càng là máy tính cá nhân của riêng nhà nghiên cứu, và nó đi cùng bất kể nơi đâu nhà nghiên cứu đi. “Thiết bị vốn” thật sự của nghiên cứu thị trường là tri thức về các thị trường, về số liệu thống kê, và về áp dụng nghiên cứu thị trường vào chiến lược kinh doanh, cái nằm giữa tai của nhà nghiên cứu và là tài sản riêng và không thể chuyển nhượng của anh hay chị ta. Nhà phẫu thuật cần phòng mổ của bệnh viện và tất cả tiết bị vốn đắt tiền của nó. Nhưng đầu tư vốn thực sự của nhà phẫu thuật là mười hai hay mười lăm năm đào tạo và tri thức được sinh ra, mà nhà phẫu thuật mang từ bệnh viện này sang bệnh viện tiếp theo. Không có tri thức đó các phòng mổ đắt tiền của bệnh viện chẳng khác gì đồ thải và phế liệu.
Điều này đúng bất luận người lao động tri thức có sẵn tri thức tiên tiến, như một nhà phẫu thuật, hay tri thức đơn giản và khá sơ đẳng, như một kế toán viên ít tuổi. Trong cả hai trường hợp chính đầu tư tri thức là cái xác định liệu một nhân viên có ích hay không, hơn là các công cụ, máy móc, và vốn do tổ chức cung cấp. Công nhân công nghiệp cần nhà tư bản vô cùng nhiều hơn nhà tư bản cần công nhân công nghiệp – cơ sở cho khẳng định của Marx rằng sẽ luôn luôn có một sự dư thừa công nhân công nghiệp, và một “đội quân dự bị công nghiệp”, cái chắc chắn làm cho lương không thể tăng trên mức tồn tại (có lẽ là sai lầm quá xá nhất của Marx). Trong xã hội tri thức giả thiết có khả năng nhất đối với các tổ chức – và chắc chắn là giả thiết mà chúng phải dựa vào để tiến hành công việc của mình – là chúng cần những người lao động tri thức nhiều hơn người lao động tri thức cần chúng rất nhiều.
Đã có tranh luận không dứt trong Thời Trung cổ về thứ bậc của tri thức, với triết học đòi là “nữ hoàng”. Chúng ta từ lâu đã từ bỏ sự tranh cãi vô ích đó. Không có tri thức cao hơn hay thấp hơn. Khi lời than phiền của khách hàng là một móng chân mọc quặp vào trong, thì tri thức của người chữa bệnh chân là có ý nghĩa, chứ không phải tri thức của nhà phẫu thuật não – dù là nhà phẫu thuật não được đào tạo nhiều năm hơn nhiều và đòi phí cao hơn nhiều. Và nếu một người điều hành được cử đến một nước ngoài, tri thức mà người đó cần, và gấp rút, là sự thông thạo tiếng nước ngoài – một việc mà mọi thổ dân của nước đó đã thông thạo ở tuổi lên ba, mà không có bất cứ đầu tư lớn nào. Tri thức của xã hội tri thức, chính xác bởi vì nó là tri thức chỉ khi được áp dụng vào hành động, nhận được thứ bậc và địa vị từ hoàn cảnh. Nói cách khác, cái là tri thức trong một tình huống, như thông thạo tiếng Hàn đối với một nhà điều hành Mỹ được cử đi Seoul, lại chỉ là thông tin, và là thông tin không mấy liên quan, khi cũng nhà điều hành ấy vài năm sau phải suy nghĩ kỹ chiến lược thị trường của công ty mình đối với Hàn Quốc. Cả điều này nữa cũng là mới. Những kiến thức đã luôn được coi như các ngôi sao cố định, ấy là nói vậy, mỗi ngôi chiếm vị trí riêng của nó trong vũ trụ tri thức. Trong xã hội tri thức những kiến thức là các công cụ, và với tư cách đó, đối với tầm quan trọng và địa vị của chúng, chúng phụ thuộc vào nhiệm vụ phải thực hiện.
Quản lý trong Xã hội Tri thức
Một kết luận thêm: Bởi vì xã hội tri thức tất yếu phải là một xã hội của các tổ chức, cơ quan trung tâm và đặc biệt của nó là ban quản lý. Khi xã hội của chúng ta bắt đầu nói về quản lý, thuật ngữ đã có nghĩa là “quản lý kinh doanh” – bởi vì doanh nghiệp quy mô lớn đã là cái đầu tiên của các tổ chức mới trở nên có thể dễ thấy. Nhưng chúng ta đã học được trong nửa thế kỷ vừa qua này rằng quản lý là cơ quan riêng biệt của tất cả các tổ chức. Tất cả chúng đòi hỏi sự quản lý, dù chúng có dùng thuật ngữ đó hay không. Tất cả các nhà quản lý làm cùng thứ, bất kể mục đích của tổ chức của họ là gì. Tất cả họ đều phải gom những người khác nhau – mỗi người có tri thức khác nhau – lại với nhau cho việc cùng thực hiện. Tất cả họ đều phải biến các mặt mạnh của con người thành có ích và biến những mặt yếu thành không liên quan. Tất cả họ đều phải suy nghĩ kỹ những kết quả nào là kết quả mong muốn trong tổ chức – và rồi phải xác định các mục tiêu. Tất cả họ đều có trách nhiệm suy nghĩ kỹ cái mà tôi gọi là lí thuyết kinh doanh – tức là, các giả thiết trên đó tổ chức đặt cơ sở cho thành tích và các hoạt động của mình, và các giả thiết mà tổ chức đã đưa ra trong quyết định không làm cái gì. Tất cả họ đều phải suy nghĩ thấu đáo các chiến lược – tức là, các phương tiện thông qua đó các mục tiêu của tổ chức trở thành thành tựu. Và tất cả họ đều phải xác định các giá trị của tổ chức, hệ thống thưởng và phạt của nó, tinh thần và văn hóa của nó. Trong tất cả các tổ chức các nhà quản lý cần cả kiến thức quản lý như công việc và kỷ luật lẫn kiến thức và sự hiểu biết về bản thân tổ chức – các mục đích của nó, các giá trị của nó, môi trường và các thị trường của nó, những năng lực cốt lõi của nó.
Quản lý với tư cách một sự thực hành là rất cổ. Nhà điều hành thành công nhất trong toàn bộ lịch sử chắc chắn đã là người Ai Cập đó, người 4.500 năm trước hay hơn đã đầu tiên nghĩ ra kim tự tháp, mà không có bất cứ tiền lệ nào, đã thiết kế nó, đã xây dựng nó, và đã làm vậy trong một thời gian ngắn đến kinh ngạc. Cái kim tự tháp đầu tiên ấy vẫn đứng vững. Nhưng với tư cách một môn quản lý, nó vừa mới năm mươi tuổi. Nó đầu tiên được hình dung lờ mờ vào khoảng thời gian của Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất. Nó đã không nổi lên cho đến Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, và rồi đã nổi lên chủ yếu ở Hoa Kỳ. Từ đó nó đã là hoạt động mới tăng nhanh nhất, và nghiên cứu nó là bộ môn mới tăng trưởng nhanh nhất. Không hoạt động nào trong lịch sử đã nổi lên nhanh như quản lý đã nổi lên trong năm mươi hay sáu mươi năm qua, và chắc chắn chẳng hoạt động nào lại đã có tầm, phạm vi toàn cầu như vậy trong một thời gian ngắn như vậy.
Quản lý vẫn được dạy ở hầu hết các trường kinh doanh như một bó các kỹ thuật, như lập ngân sách và các quan hệ cá nhân. Không thể phủ nhận, quản lý, giống bất cứ công việc nào khác, có các công cụ riêng và những kỹ thuật riêng của mình. Nhưng hệt như cốt lõi của y học không phải là phân tích nước tiểu (dẫu nó là quan trọng), cốt lõi của quản lý không phải là những kỹ thuật và thủ tục. Cốt lõi của quản lý là khiến những kiến thức trở thành hữu ích. Quản lý, nói cách khác, là một chức năng xã hội. Và trong thực hành của nó quản lý thực sự là một liberal art (nghệ thuật tự do).
Kỳ sau: Khu vực Xã hội
- - Thời đại Biến đổi Xã hội (Kỳ cuối): Trường học như Trung tâm của Xã hội.
Tri thức đã trở thành nguồn lực cốt yếu, đối với sức mạnh quân sự cũng như sức mạnh kinh tế của một quốc gia. Và tri thức này có thể thu được chỉ thông qua giáo dục ở nhà trường. Nó không bị cột vào bất cứ nước nào. Nó dễ mang đi. Nó có thể được tạo ra ở mọi nơi một cách nhanh chóng và rẻ. Cuối cùng, theo định nghĩa nó thay đổi. Tri thức với tư cách là nguồn lực cốt yếu là khác một cách căn bản với các nguồn lực cốt yếu truyền thống của nhà kinh tế học – đất đai, lao động, và ngay cả vốn.
Việc tri thức đã trở thành nguồn lực then chốt có nghĩa rằng có một nền kinh tế thế giới, và nền kinh tế thế giới hơn là nền kinh tế quốc gia nắm quyền kiểm soát. Mỗi nước, mỗi ngành, và mỗi doanh nghiệp sẽ ở trong một môi trường ngày càng cạnh tranh. Mỗi nước, mỗi ngành, và mỗi doanh nghiệp trong các quyết định của mình sẽ phải xem xét vị trí cạnh tranh của mình trong nền kinh tế thế giới và tính cạnh tranh của những năng lực tri thức của mình.
Chính trị và các chính sách vẫn tập trung vào các vấn đề nội địa ở mọi nước. Ít có chính trị gia, nhà báo, hay công chức nào, nếu có, lại nhìn quá đường biên giới riêng của nước họ khi thảo luận một biện pháp mới như thuế, quy chế kinh doanh, hay chi tiêu xã hội. Ngay cả ở Đức – một nước lớn, có ý thức xuất khẩu và phụ thuộc vào xuất khẩu nhất của Châu Âu – điều này cũng đúng. Năm 1990 hầu như chẳng có ai ở bên Tây (Đức) đã hỏi, chi tiêu không bị kiểm soát của chính phủ ở bên Đông (Đức) sẽ gây ra cái gì cho tính cạnh tranh của nước Đức.
Điều này sẽ không còn được nữa. Mỗi nước và mỗi ngành sẽ phải học để biết rằng câu hỏi đầu tiên không phải là, Biện pháp này có đáng mong mỏi không? Mà là, Cái gì sẽ tác động đến vị trí cạnh tranh của đất nước, hay của ngành trong nền kinh tế thế giới? Chúng ta cần phát triển trong chính trị cái gì đó giống như tuyên bố tác động-môi trường, cái mà hiện nay ở Hoa Kỳ được đòi hỏi đối với bất cứ hành động nào của chính quyền ảnh hưởng đến chất lượng môi trường: chúng ta cần một tuyên bố tác động-cạnh tranh. Tác động đến vị trí cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới không nhất thiết là yếu tố chính trong một quyết định. Nhưng việc ra một quyết định mà không xem xét đến nó đã trở thành vô trách nhiệm.
Nhìn chung, sự thực rằng tri thức đã trở thành nguồn lực then chốt có nghĩa rằng vị trí của một nước trong nền kinh tế thế giới sẽ ngày càng quyết định sự thịnh vượng trong nước của nó. Từ 1950 khả năng của một nước để cải thiện vị trí của mình trong nền kinh tế thế giới đã trở thành yếu tố quyết định chính và có lẽ yếu tố duy nhất của thành tích trong nền kinh tế nội địa. Các chính sách tiền tệ và tài chính đã hầu như không liên quan, dù tốt xấu thế nào, và thường là xấu (với một ngoại lệ duy nhất về các chính sách của chính phủ gây ra lạm phát, làm xói mòn rất nhanh cả vị trí cạnh tranh của đất nước trong nền kinh tế thế giới lẫn sự ổn định nội địa và khả năng tăng trưởng của nó).
Địa vị đứng đầu của công việc đối ngoại là một châm ngôn chính trị cổ truy nguyên trong chính trị châu Âu đến thế kỷ mười bảy. Từ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai nó cũng được chấp nhận trong hoạt động chính trị Mỹ - tuy chỉ một cách miễn cưỡng như vậy, và chỉ trong các tình trạng khẩn cấp. Nó đã luôn luôn có nghĩa rằng an ninh quân sự được ưu tiên so với các chính sách trong nước, và chắc là nó vẫn sẽ tiếp tục có ý nghĩa thế, dù có Chiến tranh Lạnh hay không có Chiến tranh Lạnh. Nhưng địa vị đứng đầu của công việc đối ngoại bây giờ có được một chiều kích khác. Đấy là, vị trí cạnh tranh của một nước – và cả của một ngành và một tổ chức- trong nền kinh tế thế giới phải là cân nhắc đầu tiên trong các chính sách và chiến lược nội địa của nó. Điều này đúng với một nước chỉ dính líu không đáng kể đến nền kinh tế thế giới (nếu vẫn còn có nước như vậy), và đúng với một doanh nghiệp chỉ dính líu không đáng kể đến nền kinh tế thế giới, và đúng với một đại học tự coi mình là hoàn toàn nội địa. Tri thức không biết biên giới nào. Không có tri thức nội địa và tri thức quốc tế. Chỉ có tri thức. Và với tri thức trở thành nguồn lực cốt yếu, chỉ có một nền kinh tế thế giới, cho dù trong các hoạt động hàng ngày của mình tổ chức riêng lẻ hoạt động bên trong khung cảnh quốc gia, khu vực, hay thậm chí địa phương.
Các nhiệm vụ xã hội ngày càng được các tổ chức riêng biệt thực hiện, mỗi tổ chức được tạo ra cho một, và chỉ một nhiệm vụ xã hội, bất luận là giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hay quét dọn đường phố. Xã hội, vì thế, mau chóng trở thành đa nguyên. Thế mà các lí thuyết xã hội và chính trị của chúng ta vẫn giả thiết rằng không có các trung tâm quyền lực nào trừ chính phủ. Để phá hủy hay chí ít để cho tất cả các trung tâm quyền lực khác bất lực, thực ra, đã là sự thúc đẩy của lịch sử phương Tây và của chính trị phương Tây suốt 500 năm, từ thế kỷ thứ mười bốn trở đi. Nỗ lực này đã lên đỉnh điểm ở các thế kỷ mười tám và mười chín, khi, trừ ở Hoa Kỳ, các định chế ban đầu vẫn còn sống sót – chẳng hạn, các đại học và các nhà thờ - đã trở thành các cơ quan của nhà nước, với các quan chức của chúng trở thành công chức. Nhưng rồi, bắt đầu vào giữa thế kỷ mười chín, các trung tâm mới nổi lên – loại đầu tiên, doanh nghiệp kinh doanh hiện đại, khoảng năm 1870. Và kể từ đó tổ chức mới này sinh ra sau tổ chức kia.
Các định chế mới – nghiệp đoàn lao động, bệnh viện hiện đại, siêu nhà thờ (mega church), đại học nghiên cứu – của xã hội của các tổ chức không có quan tâm nào đến quyền lực công. Chúng không muốn trở thành chính phủ. Nhưng chúng đòi hỏi – và, quả thực cần – sự tự trị đối với hoạt động của chúng. Ngay cả vào lúc cực đoan của chủ nghĩa Stalin các nhà quản lý của các doanh nghiệp công nghiệp chủ yếu nhìn chung vẫn đã là các ông chủ bên trong doanh nghiệp của họ, và ngành riêng lẻ phần lớn vẫn tự trị. Đại học, phòng thí nghiệm, và quân đội cũng vậy.
Trong “chủ nghĩa đa nguyên” của ngày hôm qua – trong các xã hội nơi sự kiểm soát được các định chế khác nhau chia sẻ, như Châu Âu phong kiến trong Thời Trung cổ và Nhật Bản thời Edo trong các thế kỷ mười bảy và mười tám – các tổ chức đa nguyên đã cố kiểm soát bất cứ thứ gì xảy ra trong cộng đồng của họ. Ít nhất, chúng đã cố ngăn cản bất cứ tổ chức nào khác khỏi việc chiếm kiểm soát bất cứ mối quan tâm cộng đồng nào hay định chế cộng đồng nào bên trong phạm vi của chúng. Nhưng trong xã hội của các tổ chức, mỗi định chế mới chỉ quan tâm đến mục đích và sứ mệnh riêng của nó. Nó không đòi quyền lực trên bất cứ thứ gì khác. Nhưng nó cũng không gánh vác trách nhiệm đối với bất cứ gì khác. Thế thì, ai sẽ lo cho lợi ích chung?
Đây đã luôn luôn là vấn đề trung tâm của chủ nghĩa đa nguyên. Không chủ nghĩa đa nguyên trước đây nào đã giải quyết được nó. Vấn đề vẫn còn đó, nhưng trong một cái vỏ khác. Cho đến nay nó được xem như áp đặt những giới hạn lên các tổ chức xã hội – cấm chúng làm những thứ xâm phạm đến lĩnh vực công hay vi phạm chính sách công trong theo đuổi sứ mệnh, chức năng, và lợi ích của chúng. Các luật chống phân biệt – chủng tộc, giới tính, tuổi tác, trình độ giáo dục, tình trạng sức khỏe, và v.v. – tăng lên nhanh chóng ở Hoa Kỳ trong bốn mươi năm qua, tất cả đều cấm hành vi không đáng mong muốn về mặt xã hội. Nhưng chúng ta ngày càng nêu vấn đề về trách nhiệm xã hội của các định chế xã hội: Các định chế phải làm cái gì – ngoài việc hoàn thành các chức năng riêng của chúng – để thúc đẩy lợi ích chung? Mặc dù điều này, tuy có vẻ chẳng ai nhận ra, là một đòi hỏi quay lại chủ nghĩa đa nguyên cổ, chủ nghĩa đa nguyên phong kiến. Nó là một đòi hỏi rằng cá nhân đảm đương quyền lực công.
Điều này có thể đe dọa nghiêm trọng đến hoạt động của các tổ chức mới, như thí dụ của các trường học ở Hoa Kỳ cho thấy rất rõ. Một trong những lý do chính của sự sa sút đều đặn về năng lực của các trường để hoàn thành công việc của chúng – tức là, dạy trẻ em những kỹ năng tri thức – chắc chắn là, từ các năm 1950 Hoa Kỳ đã ngày càng biến các trường học thành những vật mang đủ loại chính sách xã hội: bài trừ phân biệt chủng tộc, bài trừ phân biệt đối với tất cả các loại thiểu số khác, kể cả người tàn tật, và v.v. Liệu chúng ta có thực sự đạt tiến bộ nào trong làm dịu bớt các căn bệnh xã hội hay không là rất đáng bàn cãi; cho đến nay các trường học đã không tỏ ra là hữu hiệu một cách đặc biệt với tư cách là các công cụ cho cải cách xã hội. Nhưng biến trường học thành cơ quan của các chính sách xã hội, không còn nghi ngờ gì nữa, đã làm suy yếu nghiêm trọng năng lực của nó để hoàn thành công việc riêng của nó.
Chủ nghĩa đa nguyên mới có một vấn đề mới: làm thế nào để duy trì năng lực thành tích của các định chế mới và vẫn duy trì được sự cố kết xã hội. Điều này làm cho sự nổi lên của một khu vực xã hội mạnh và hoạt động là quan trọng gấp đôi. Nó là một lý do thêm vì sao khu vực xã hội sẽ ngày càng trở nên cốt yếu đối với thành tích, nếu không phải đối với sự cố kết, của xã hội tri thức.
Trong số các tổ chức mới được xem xét ở đây, loại đầu tiên nổi lên 120 năm trước đây, đã là doanh nghiệp kinh doanh. Vì thế, đã rất tự nhiên rằng vấn đề của xã hội đang nổi lên của các tổ chức trước tiên đã được xem như mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp. Cũng đã tự nhiên rằng những lợi ích mới trước tiên được coi là các lợi ích kinh tế.
Nỗ lực đầu tiên để đối mặt với hoạt động chính trị của xã hội đang nổi lên của các tổ chức đã nhắm, vì thế, vào việc làm cho các lợi ích kinh tế phục vụ quá trình chính trị. Người đầu tiên theo đuổi mục tiêu này là một người Mỹ, Mark Hanna, người khôi phục lại Đảng Cộng hòa vào các năm 1890, và về nhiều mặt, là cha đẻ của chính trị Mỹ thế kỷ hai mươi. Định nghĩa về chính trị của ông như một sự bất cân bằng giữa các lợi ích kinh tế chính – nông dân, kinh doanh, và lao động – vẫn là nền tảng của hoạt động chính trị Mỹ cho đến Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai. Thực ra, Franklin D. Roosevelt đã phục hồi Đảng Dân chủ bằng diễn đạt lại Hanna. Và lập trường chính trị cơ bản của triết lý này là hiển nhiên trong nhan đề của cuốn sách chính trị có ảnh hưởng nhất được viết trong các năm Chính sách Kinh tế Xã hội Mới [New Deal] của Harold D. Lasswell –Chính trị: Ai được Gì, Khi nào, Bằng cách nào - Politics: Who Gets What, When, How (1936).
Năm 1896 Mark Hanna đã biết rất kỹ rằng có nhiều mối lo khác hơn là các mối lo kinh tế. Thế nhưng đã hiển nhiên đối với ông – và đối với Roosevelt bốn mươi năm sau – rằng các lợi ích kinh tế phải được dùng để tích hợp tất cả các lợi ích khác. Đây vẫn là giả thiết cơ bản của hầu hết các phân tích về chính trị Mỹ - và, quả thực, về chính trị ở tất cả các nước phát triển. Nhưng giả thiết không còn có thể giữ vững được nữa. Cơ sở cho công thức của Hana về các lợi ích kinh tế là cách nhìn về đất đai, lao động, và vốn với tư cách các nguồn lực hiện tồn. Nhưng tri thức, nguồn lực mới cho thành tích kinh tế, bản thân nó không mang tính kinh tế.
Nó không thể được mua hay bán. Những thành quả của tri thức, như thu nhập của một bằng sáng chế, có thể mua hay bán được; tri thức đã đi vào bằng sáng chế không thể được chuyển với bất cứ giá nào. Một cá nhân bị đau đớn có sẵn sàng trả cho nhà phẫu thuật thần kinh bất kể bao nhiêu, nhà phẫu thuật thần kinh không thể bán cho anh ta – và chắc chắn không thể chuyển cho anh ta – tri thức tạo nền tảng cho thành tích và thu nhập của nhà phẫu thuật thần kinh. Việc kiếm được tri thức có một chi phí, như sự kiếm được bất cứ thứ gì đều có. Nhưng việc kiếm được tri thức không có giá nào.
Vì thế các lợi ích kinh tế không còn có thể tính hợp tất cả những mối quan tâm và lợi ích khác được nữa. Ngay khi tri thức trở thành nguồn lực kinh tế cốt yếu, sự tích hợp [hội nhập] các lợi ích – và với nó là sự hội nhập của chủ nghĩa đa nguyên của một chính thể hiện đại – bắt đầu mất. Các lợi ích phi kinh tế ngày càng trở thành chủ nghĩa đa nguyên mới – các lợi ích đặc biệt, các tổ chức có mục tiêu duy nhất, và v.v. Chính trị ngày càng không phải là về “ai được cái gì, khi nào, bằng cách nào” mà là về các giá trị, mỗi giá trị được coi là một cái tuyệt đối. Chính trị là về quyền được sống của phôi thai trong tử cung như đối lại quyền của một phụ nữ để kiểm soát thân thể của chính mình và phá một bào thai. Nó là về môi trường. Nó là về giành được sự bình đẳng cho các nhóm được cho là bị áp bức và bị phân biệt đối xử. Chẳng cái nào trong số vấn đề này là có tính kinh tế. Tất cả về cơ bản là đạo đức. Các lợi ích kinh tế có thể được thỏa hiệp, đấy là sức mạnh to lớn của việc đặt cơ sở cho chính trị trên các lợi ích kinh tế. “Nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì” là một câu ngạn ngữ có nghĩa. Nhưng nửa một đứa bé sơ sinh, trong câu chuyện kinh thánh về sự phán quyết của Solomon,[1] không là nửa đứa trẻ. Không thể có sự thỏa hiệp nào. Đối với một nhà môi trường, nửa loài bị nguy hiểm là một loài tuyệt chủng.
Điều này làm trầm trọng khủng hoảng của chính phủ hiện đại rất nhiều. Các báo và các nhà bình luận vẫn hay tường thuật dưới dạng kinh tế cái xảy ra ở Washington, London, Bonn, hay ở Tokyo. Nhưng ngày càng nhiều người vận động hành lang, những người xác định các luật của chính phủ và các hành động của chính phủ, không còn là các nhà lobby cho các lợi ích kinh tế nữa. Họ lobby ủng hộ và chống các biện pháp mà họ - và các ông chủ của họ - coi là đạo đức, tinh thần, văn hóa. Và mỗi trong các mối quan tâm đạo đức mới này, mỗi cái được một tổ chức mới đại diện, được cho là tuyệt đối. Chia ổ bánh mì của họ không phải là sự thỏa hiệp; mà là sự phản bội.
Như thế trong xã hội của các tổ chức không có một lực tích hợp nào kéo các tổ chức riêng lẻ trong xã hội và cộng đồng vào liên minh. Các bên truyền thống – có lẽ là những sáng tạo chính trị thành công nhất của thế kỷ mười chín – không còn có thể tích hợp các nhóm phân kỳ và các quan điểm phân kỳ vào một sự theo đuổi chung của quyền lực. Đúng hơn, chúng đã trở thành chiến trường giữa các nhóm, mỗi trong số chúng đấu tranh cho chiến thắng tuyệt đối và không thỏa mãn với bất cứ thứ gì trừ sự đầu hàng hoàn toàn của kẻ thù.
Thế kỷ hai mươi mốt sẽ chắc chắn là một thế kỷ của sự tiếp tục rối loạn và thách thức xã hội, kinh tế và chính trị, ít nhất là trong các thập niên đầu. Cái tôi đã gọi là thời đại biến đổi xã hội vẫn chưa qua. Và những thách thức hiện ra lờ mờ ở đằng trước có thể nghiêm trọng hơn và đe dọa hơn những cái do những biến đổi xã hội đã xảy ra rồi, những biến đổi xã hội của thế kỷ hai mươi, đặt ra.
Tuy vậy, chúng ta thậm chí sẽ chẳng có một cơ hội để giải quyết các vấn đề mới hiện ra lờ mờ này của ngày mai, trừ phi đầu tiên chúng ta đề cập đến những thách thức do những diễn biến đã trở thành sự thực đã rồi, những diễn biến được tường thuật ở các mục trước của tiểu luận này, đặt ra. Đấy là những nhiệm vụ ưu tiên. Vì chỉ nếu chúng được giải quyết, thì chúng ta ở các nước thị trường-tự do đã phát triển mới có thể hy vọng có sự cố kết xã hội, sức mạnh kinh tế, và năng lực chính phủ cần thiết để giải quyết các thách thức mới. Thứ tự đầu tiên của công việc – đối với các nhà xã hội học, các nhà khoa học chính trị, và các nhà kinh tế; đối với các nhà giáo dục; đối với các nhà điều hành doanh nghiệp, các chính trị gia, và các lãnh đạo nhóm-phi lợi nhuận; đối với những người trong tất cả các lĩnh vực đời sống, như cha mẹ, những người làm công, các công dân – là làm việc trên những nhiệm vụ ưu tiên này, vì ít trong số đó cho đến nay có một tiền lệ, nói chi đến các giải pháp được thử thách.
· Chúng ta sẽ phải nghĩ thấu đáo về giáo dục – mục đích của nó, các giá trị của nó, nội dung của nó. Chúng ta sẽ phải học để xác định chất lượng giáo dục và năng suất giáo dục, để đo lường cả hai và quản lý cả hai.
· Chúng ta cần công việc có hệ thống về chất lượng tri thức và năng suất tri thức – cả hai cho đến nay thậm chí còn chưa được định nghĩa. Năng lực hoạt động [performance capacity-để đạt thành tích], nếu không phải là sự sống sót, của bất cứ tổ chức nào trong xã hội tri thức sẽ ngày càng phụ thuộc vào hai yếu tố đó. Nhưng năng lực hoạt động, nếu không phải sự sống sót, của bất cứ cá nhân nào trong xã hội tri thức cũng thế. Và tri thức có trách nhiệm xã hội gì? Trách nhiệm của người lao động tri thức, và đặc biệt của một người có tri thức được chuyên môn hóa cao độ, là những gì?
· Chính sách của bất cứ nước nào – và đặc biệt của bất cứ nước phát triển nào, sẽ ngày càng phải ban địa vị thứ nhất cho vị trí cạnh tranh của đất nước trong nền kinh tế thế giới ngày càng cạnh tranh. Bất cứ chính sách nội địa được đề xuất nào cần phải được hình thành để cải thiện vị trí đó, hay ít nhất để tối thiểu hóa những tác động xấu lên vị trí đó. Cũng đúng thế đối với các chính sách và chiến lược của bất cứ định chế nào bên trong quốc gia, bất luận là chính quyền địa phương, một doanh nghiệp, một đại học, hay một bệnh viện.
· Nhưng rồi chúng ta cũng cần phát triển một lí thuyết kinh tế phù hợp với một nền kinh tế thế giới trong đó tri thức đã trở thành nguồn lực kinh tế cốt yếu và nguồn lực chi phối, nếu không phải là duy nhất, của lợi thế so sánh.
· Chúng ta đang bắt đầu hiểu cơ chế tích hợp mới: tổ chức. Nhưng chúng ta vẫn phải suy nghĩ thấu đáo làm thế nào để cân bằng hai đòi hỏi hình như mâu thuẫn nhau. Các tổ chức phải thực hiện thành thạo một chức năng xã hội mà vì nó chúng tồn tại – trường học dạy, bệnh viện chữa trị bệnh nhân, và doanh nghiệp tạo ra hàng hóa, dịch vụ, hay vốn để dự phòng cho các rủi ro của tương lai. Chúng có thể làm vậy chỉ nếu chúng tập trung một cách chuyên tâm vào sứ mệnh riêng của chúng. Nhưng cũng có nhu cầu của xã hội đối với các tổ chức này để đảm nhận trách nhiệm xã hội – để làm việc trên những vấn đề và thách thức của cộng đồng. Cùng nhau các tổ chức này là cộng đồng. Sự nổi lên của một khu vực xã hội mạnh, độc lập, có năng lực – chẳng phải khu vực công cũng không phải khu vực tư nhân – như thế là một nhu cầu chính của xã hội của các tổ chức. Nhưng tự nó là không đủ - các tổ chức của cả khu vực công và khu vực tư nhân phải chia sẻ công việc.
· Chức năng của chính phủ và sự hoạt động của nó phải là trung tâm đối với tư duy chính trị và hoạt động chính trị. Siêu nhà nước mà thế kỷ này theo đuổi đã không hoạt động, cả trong phiên bản toàn trị lẫn dân chủ của nó. Nó đã không làm được một hứa hẹn duy nhất nào trong số những hứa hẹn của nó. Và chính phủ phù hợp với các nhà lobby đối trọng cũng không đặc biệt hữu hiệu – thực ra, là tê liệt – cũng chẳng đặc biệt hấp dẫn. Thế mà chính phủ hữu hiệu đã chẳng bao giờ cần hơn trong thế giới rất cạnh tranh và thay đổi nhanh này của chúng ta, trong đó những hiểm nguy do ô nhiễm môi trường vật lý gây ra được sánh chỉ với những hiểm họa của sự ô nhiễm vũ trang toàn cầu. Và chúng ta thậm chí chưa có những sự bắt đầu của lí thuyết chính trị hay của các định chế chính trị cần thiết cho chính phủ hữu hiệu trong xã hội của các tổ chức dựa trên tri thức.
Nếu thế kỷ hai mươi đã là một thế kỷ của những biến đổi xã hội, thì thế kỷ hai mươi mốt phải là thế kỷ của những đổi mới xã hội và chính trị, mà bản chất của chúng không thể rõ đến vậy đối với chúng ta bây giờ như sự cần thiết của chúng.
Nguyễn Quang A dịch
Nguồn: The Atlantic Monthly; November, 1994; The Age of Social Transformation; Volume 274, No. 5; pages 53-80.
The Age of Social Transformation - 94.11
http://www.theatlantic.com/politics/ecbig/soctrans.htm (30 of 30)
[1] Chuyện kể rằng có 2 bà mẹ sinh 2 đứa bé. Mẹ của một đứa lúc ngủ do sơ suất đã làm ngạt chết đứa con của mình. Do đau khổ và ghen tức bà này mang đứa con chết đổi lấy đứa kia. Hai bà tranh nhau và vụ việc được đưa ra cho Vua Solomon xử. Vua phán mang gươm ra và chia đôi đứa trẻ còn sống cho mỗi người lấy một nửa. Bà mẹ thật khiếp đảm kêu: “thôi để cho bà ấy cả đứa bé tội nghiệp”. Bà kia nhất quyết đòi chia. Qua đó Vua Salomon biết ai là mẹ đẻ, và xử trả lại đứa bé cho bà ta.-
-PETER F. Drucker nổi tiếng nhất vì công trình của ông về quản lý. Thông báo báo chí của Nhà trắng ngày 21-6-2002, công bố rằng Drucker sẽ nhận Huy chương Tự do của Tổng thống tuyên dương Drucker như “người tiên phong nhất thế giới về lý thuyết quản lý”. Quả thực ông là vậy. Thế nhưng tất cả công trình có ảnh hưởng sâu rộng về quản lý này xảy ra khi Drucker theo đuổi mối quan tâm chính của mình trong một chủ đề lớn hơn và thậm chí có tầm quan trọng rộng rãi hơn. Bài báo này cố gắng áp dụng một viễn cảnh hệ thống đối với các công trình của Peter F. Drucker, sắp xếp các tác phẩm của ông vào một cái toàn thể nhất quán, để giúp bạn định vị khối tri thức khổng lồ mà con người xuất sắc này đã tạo ra trong suốt 65 năm vừa qua. Đấy không phải là một thách thức nhỏ và cách tiếp cận của tôi chỉ là một sự khởi đầu.
—–----
Mục tiêu của tôi là một sự hiểu rõ về các phần của các công trình của Drucker liên hệ với nhau thế nào, hơn là một sự mô tả về các phần riêng lẻ. Tuy nhiên, để hiểu các phần tương tác với nhau ra sao, chí ít ta phải có sự hiểu biết nào đó về bản thân các phần – tức là, những tác phẩm chính của Peter Drucker.