Trong phần cuối cuộc trao đổi với BBC nhìn lại Hòa đàm Paris 1973 sau 40 năm, Giáo sư Ngô Vĩnh Long đưa ra kết luận Trung Quốc chính là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến Việt Nam.
Ông cũng cho rằng chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã thiếu "khôn ngoan" khi gây chiến với các lực lượng của CS Bắc Việt và Mặt Trận Dân tộc Giải phóng ở miền Nam Việt Nam, cũng như quay lưng, bỏ qua và thậm chí "đàn áp lực lượng thứ ba."
Sử gia cho răng chính quyền Tổng thống Thiệu đã "đi ngược" và không 'đọc được' chuyển hướng chính sách của Hoa Kỳ trong bối cảnh cường quốc đồng minh này muốn rút khỏi Việt Nam để tập trung cho các trọng tâm chính trị toàn cầu khác ở Trung Đông và Israel, cũng như đã đi đêm với TQ và Liên Xô.
Cũng trong phần cuối cuộc trao đổi gồm 3 phần này, GS Long đã nhìn lại vai trò của các nhân vật đàm phán như Lê Đức Thọ và Kissinger.
Ông cho rằng miền Bắc Cộng sản đã có ưu thế ngay từ đầu ở hòa đàm khi đặt nhân vật "thứ hai" của Đảng vào bàn đàm phán, trong khi chính quyền Miền Nam của ông Thiệu đã không có một người tương nhiệm có vị thế tương tự.
Về Kissinger, học giả từ Đại học Main Hoa Kỳ cho rằng nhân vật này không hề 'phản bội đồng minh' như bị một số ý kiến chỉ trích, mà chỉ 'phục vụ cho quyền lợi của nước Mỹ mà thôi."
– Cựu Đại sứ Bùi Diễm: ‘Nói Sài Gòn vi phạm Hiệp định là quá đáng’ (BBC).
Trao đổi với BBC Việt ngữ nhân đánh dấu 40 năm ký kết Hiệp định (1973-2013), ông Bùi Diễm, người cũng là quan sát viên do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ định tại Hòa đàm ở Paris, phản bác một số ý kiến nói chính Chính quyền Sài Gòn đã 'vi phạm hiệp định.'
Ông nói: "Nếu nói chính quyền ở miền Nam Việt Nam đã vi phạm hiệp định Ba-Lê là quá đáng là bởi vì sự thực ra những người ở miền Bắc đã chủ trương rõ rệt là để lại, mà họ đã làm được việc đó qua Hiệp định Ba-Lê, là giữ lại một số quân của họ ở trong miền Nam."
"Và đến khi Hiệp định Ba Lê ký kết, thì những lực lượng võ trang đó bắt đầu khởi một cuộc công kích, mà người ta thấy về sau có những trận như trận Bình Long, rồi những trận ở Ban-Mê-Thuật, rồi từ đó mới lan sang trường hợp gọi là chiến tranh quy mô, những đoàn quân miền Bắc tiến vào miền Nam."
Về hành xử của Hoa Kỳ trong biến cố Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa gần 1 năm sau Hiệp định Paris ký kết, ông Diễm nói Washington đã tận dụng một đạo luật của Quốc hội không cho tái sử dụng quân đội Mỹ ở Đông Nam Á "như một cái cớ" để "tránh đối đầu với Trung Cộng."
Ông Diễm cho rằng việc Hoa Kỳ đã không 'thông báo' trước về khả năng Trung Quốc tấn công quần đảo này liên quan tới tính toán của Washington về "quyền lợi quốc gia" của họ trong một bối cảnh mà cường quốc này được cho là điều chỉnh chiến lược.
Ở phần đầu cuộc trao đổi với Quốc Phương của BBC, ông Bùi Diễm trả lời câu hỏi liệu Hiệp định Paris có điểm hạn chế gì quan trọng nhất cần được xem xét như một bài học.
-Paris 1973: 'dùng quân sự đạt hòa bình'-Mở bằng chương trình nghe nhìn khác
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhìn lại Hòa đàm Paris 1973 và Việt Nam thời hậu chiến đã cho rằng việc giải quyết bằng đường lối quân sự đương nhiên có những hậu quả lâu dài đối với đất nước sau 1975.
Ông cũng cho rằng bên thắng cuộc lẽ ra nên 'cao thượng', 'vị tha' vì mục đích hòa hợp dân tộc sau cuộc chiến mà ông cho là kéo dài và đau khổ gấp 10 lần nội chiến ở Hoa Kỳ trong lịch sử và rằng thậm chí trước đó, lẽ ra khoảng thời gian hai năm sau khi ký hiệp định phải được dành cho "hòa giải dân tộc."
Ông cho rằng vấn đề là sau khi có các nhân nhượng trên một bàn đàm phán, ký kết hiệp định, thì điều quan trọng nhất là xem các điều khoản được thi hành ra sao.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, từ khoa Lịch sử, Đại học Maine ở Hoa Kỳ tin rằng điểm hạn chế của Hòa đàm cũng như các bên liên quan là đã để cho cuộc chiến kết thúc bằng đường lối quân sự và đây là một điểm quan trọng mà ông cho rằng các bên tham gia, tổ chức, đảm bảo cho ký kết Hòa đàm phải rút kinh nghiệm.
"Chẳng ai bắt mình phải vị tha hết, nhưng mình phải làm như vậy để có một đất nước hòa hợp"
GS Ngô Vĩnh Long
So sánh cuộc nội chiến ở Mỹ và chiến cuộc Việt Nam trước, trong và sau Hòa đàm 1973, ông nói tái thiết hòa bình hậu chiến 'khó công bằng' và 'khó nói tới hòa hợp, hòa giải' với cách đặt vấn đề là thắng thua và logic 'người thắng cuộc được tất cả'.
Ông cho rằng bên thắng cuộc: "Đáng nhẽ ra phải nghiên cứu vấn đề này đàng hoàng trước, hay sau đó và phải tỏ ra vì mình thắng, mình phải hào hiệp, mình phải cao thượng, mình phải vị tha."
"Chẳng ai bắt mình phải vị tha hết, nhưng mình phải làm như vậy để có một đất nước hòa hợp," ông nói.
"Thì vấn đề thắng trận bằng đường lối quân sự đã đẩy đến những hậu quả mà chúng ta đã biết từ năm 1975 tới bây giờ."
Mời quý vị nghe phần một cuộc phỏng vấn audio trong bài và theo dõi phần hai cuộc trao đổi trong thời gian tới cùng bài của các tác giả khác trên trang bbcvietnamese.com về Hòa đàm Paris 1973.
'Hòa đàm Paris, cả hai phía đều vi phạm'Nghe20:07
13.01.13
'Hòa đàm Paris, cả hai phía đều vi phạm'Nghe20:07
13.01.13
Nhà nghiên cứu trong nước, ông Lữ Phương khẳng định cả hai phía ký kết hiệp định Paris 1973 là chính quyền Việt Nam Cộng hòa và các lực lượng cộng sản Bắc Việt, cùng đồng minh Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) đều 'vi phạm hiệp định', nhưng cho rằng phía chính quyền của ông Thiệu có những dấu hiệu 'vi phạm trước.'
Trong cuộc trao đổi với BBC Việt ngữ trung tuần tháng 01/2013, nhân đánh dấu tròn 40 năm Hòa đàm Paris được ký kết (1973-2013), ông Phương, cựu thành viên của Mặt trận Dân tộc nói trên cho hay Mặt trận và phe Cộng sản Bắc Việt có 'thực sự' tính đến một 'kịch bản hòa giải' thông qua việc sử dụng một lực lượng trung lập được gọi là 'lực lượng thứ ba.'
Tuy nhiên ông nói do có những thay đổi về tương quan lực lượng, chiến cuộc giữa hai phe Bắc và Nam Việt Nam, và thay đổi đường lối chính trị từ Hà Nội, mà kịch bản này đã thay đổi.
Về các nhân vật tham gia đàm phán thuộc phe cộng sản và đồng minh ở miền Nam tại Hòa đàm Paris 1973, ông đánh giá vai trò của ông Lê Đức Thọ là "quyết định" và "tài giỏi, xoay xở," trong khi vai trò của bà Nguyễn Thị Bình chỉ là người đơn thuần "thực hiện một kịch bản" của Hà Nội và bản thân ông Thọ.
Cựu thành viên Mặt trận DTGPMNVN cũng kể lại chi tiết về bữa tiệc do ông Nguyễn Hữu Thọ, sau này là một trong các Chủ Tịch Quốc Hội Việt Nam sau 30/4/1975, tổ chức để chia tay một số thành viên của "lực lượng thứ ba", cũng như "mặt trận dân tộc giải phóng", cùng liên minh của họ... trong một bối cảnh mà ông gọi là "điểu tận, cung tàn."
Ở phần cuối của cuộc trao đổi với Quốc Phương của BBC, nhà nghiên cứu Lữ Phương phân tích ý đồ của Trung Quốc khi không muốn phe cộng sản Bắc Việt "chiến thắng triệt để," cũng như đề cập tới sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa như một phần các mặc cả, thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Washington từ lâu trước cuộc Hòa đàm Paris 1973.
Chờ đón tin Hội nghị Paris
VƯƠNG-TRÍ-NHÀN
1/1/73
Buổi tối, người đứng lố nhố ven Ba Đình, cả cánh xe đua (dân đi học nước ngoài về) họp thành một nhóm riêng. Khung cảnh như ở một sân ga, người ở người đi sắp chia tay cả một lượt.
Người ta dọn dẹp chỗ ngủ ngay ở bãi cỏ. Cái xe đạp lật ngửa lên làm cọc màn luôn thể. Người ta ngủ như thế ở vườn hoa trước Bộ ngoại giao. Ở đường Chu Văn An, ven đại sứ quán Tiệp Khắc, ở gần khách sạn Thống Nhất.
Ở Bách Thảo, thấy mấy đứa trẻ con nhấp nhổm, bên một cái miệng cống. Đó là một cái cống lớn. Dân cũng tụ tập ngay đấy. Những lời than phiền cất lên cho đỡ vẻ cô quạnh.
Cậu Tụng:
- Anh bảo ở ta làm sao mà tính lâu dài bây giờ. Đến nhà nước còn không tính lâu dài được nữa là mình. Như cái cầu Long Biên kia, chữa làm gì, chữa vài hôm rồi nó đánh lại hỏng.
... Lắm lúc nghĩ, nó đánh, thì đánh trúng cho chết đi luôn thể. Kiếp sau làm người khác, người Mỹ, người Anh. Làm người Việt mình khổ quá.
Anh Bản:
-- Các ông ấy bây giờ đã lấy được nước, lại làm được bao nhiêu việc nữa. Cái xã hội bây giờ hơn xã hội ngày trước chứ. Làm gì có đĩ bợm, cờ bạc. Cho nên các ông ấy muốn làm gì dân cũng phải chịu. Dân khi cần còn phải ở với cả giặc chứ gì nữa?... Chứ còn, chú xem người ta chết như thế, lại còn mang loa đến mà hát, thì người ta nghe, người ta có chịu được không.
Chị Yên:
-- Một bên thì bảo đánh đến không còn một người. Một bên thì bảo còn một người cũng đánh. Thế là hòa.
4/1
Phút tần ngần của tôi, khi đứng trước đống đồ đạc. Tôi không muốn đi sơ tán. Tôi không muốn mất mát gì cả. Tôi không muốn chia tay cuộc sống hôm qua của mình.
Có một lúc nào đó, nghĩ về một cái gì đó, như là nhịp điệu của Hà Nội.
Tôi nghĩ đến những phố xá như Hàng Chiếu Hàng Buồm. Người đứng đầy bên cống rãnh bẩn thỉu, người đứng nghênh ngang như là ở giữa căn nhà nát của mình, người đi lúc nhúc đến nỗi, giá có thể đạp lên đầu nhau, cũng vẫn tiếp tục bước đi cho bằng được.
Tôi nghĩ đến cái nhịp điệu của xe bò. Xe bò qua phố Lý Nam Đế chúng tôi sớm chiều, cái tiếng móng gõ trên đường nhựa không dứt trong thời gian, và nhìn ra, dòng xe không dứt trong đường phố không gian.
Gì thì không có, nhưng cái nhiều thì ở Việt Nam này quá rõ. Nhiều người, nhiều việc, nhiều rác nhiều đói khổ. Lấy tất cả những cái đó, để thay cho tiến bộ, trí tuệ, khoa học và kỹ thuật.
Tiếng bánh xe đạp lép nhép trên bùn. Bánh tàu điện cũ theo đúng vòng quay đến chỗ hỏng lại rầm một tiếng khẽ tạo thành những tiếng đệm đều đều. ... Và tất cả những cái đó làm nên nhịp điệu của Hà Nội.
9/1
Sau một ít ngày ngừng bắn, ở bên kia, ông Lê Đức Thọ và Kissinger vào họp.
Nhị Ca: Ông Hữu Mai thì luôn luôn chủ quan (Mỹ nó chịu rồi) ông Khải thì luôn luôn bi quan (ta cũng chịu rồi). Tôi thì tôi khách quan, tôi thấy cũng chả biết đâu mà tính được.
Xuân Sách: đúng là hai thằng điên đánh nhau.
Khải: Nhìn lên ảnh, thấy các cụ đi thăm dân mà đoán tình hình. Cứ cười cười như thế, trong bụng lại không lo sốt vó ấy à. Mọi khi đánh xong, nó bảo hòa bình, mình trong bụng đã thích lắm, nhưng cứ chửi vung tàn tán lên. Bây giờ đánh xong, nó bảo nó sẽ đánh nữa, thế là mình lại sợ.
...Ông nào cũng cứ bảo mùa khô nữa, mùa khô nữa. Nhưng mùa khô nữa thì lấy đâu ra lực mà đánh. Phen này rồi xem.
Nhị Ca: Có thể nó đánh cho một cú quỵ hẳn, rồi nó rút đi, để lại cho thằng Thiệu. Vấn đề tù binh chỉ là chuyện chính trị.
Khải: Rồi mình lại nhò ra từ đống gạch vụn mà đánh đến cùng chắc? Tôi cho phen này mình mà hỏng, thì tức là đi tong cả một sự nghiệp. Còn nặng hơn cái ông Indonesia nữa.
Nhị Ca: Ngay từ những năm 64-65, tôi đã linh cảm thấy mọi thứ. Cái lần nghe ông Nguyễn Chí Thanh nói rằng chiến tranh thử thách của một chế độ, với lại Đảng đã cân nhắc kỹ... tôi đã hơi sợ. Đến năm 1969, nghe nói mình vỡ hết cơ sở, thì tôi càng thấy linh cảm của mình là có lý.
Khải: Mình lại đang nói đây là thắng lợi có tính chiến lược. Lắm thứ lắm cơ.
Nhị Ca: Toàn là quân sự vị quân sự, chứ không thì là quân sự vị nhân sinh.
Khải: Hay là nghe nói các ông ấy thí nghiệm vũ khí mới, tôi lại nhớ đến phát xít Đức. Trước lúc đáng chết, nó còn hy vọng ở vũ khí mới ghê lắm.
Không hiểu sao, dạo này, tôi toàn đi húc vào toàn những chuyện phát xít Đức trước lúc đầu hàng -- có nhiều chuyện thấy y như mình!
Nhị Ca: Thì hôm xem phim Quân phiệt cũng thế. Các tin tức đánh về chỉ nói toàn thắng, trong khi thật ra, các tướng đã đầu hàng mẹ cả rồi.
Khải: Phim Chủ nghĩa phát xít thông thường mới ghê. Tôi nhớ cái đoạn cuối Hitler ra động viên những thằng lính trẻ con thì kinh thật.
Thế mà hồi trước, bọn trẻ ấy đã từng lăn xả vào, cốt để có thể đứng gầnphuy-rê hơn. Cả những người đàn bà. Người ta không thể biết rằng 10 năm sau, người ta sẽ sống nỗi cay đắng của nước Đức thất trận. Một học thuyết đã được chuẩn bị từ những việc rất vớ vẩn. Thế mới gọi là chủ nghĩa phát xít thông thường...
Nhàn: Lúc trước, nó cũng còn hay nói quyền lợi vật chất để lừa dân Đức?
Khải: Không, chủ yếu, nó cũng nói về những chuyện tinh thần chứ. Năm ngoái, cái lần tôi đang ở đường 9, đọc tờ báo, thấy thanh niên đốt đuốc, tôi cũng thấy kinh như vậy....
Từ những năm trước 1964, xem cái anh Chủ nghĩa phát xít thông thường này nhiều người đã thấy buồn cười. Ví như lúc vào một viện bảo tàng. Vào ngay cửa, đã thấy ông Hitler. Đến hàng chục ảnh Hitler, ngang có, ngửa có. Thế là mọi người cười ồ cả lên. Phải cái ông M. Romm, ông ấy đã sống trong những năm Stalin, ông ấy mới đủ tưởng tượng để làm bộ phim ấy.
E. Kennedy: Bao giờ để chúng ta có thể khỏi làm tù binh trong cuộc chiến tranh này?
15/1
Trong những ngày căng thẳng này, tôi cảm thấy lý trí như là bất lực không thể nào hiểu được các sự kiện, và cắt nghĩa nó đến cùng.
Nhưng lại có thể thấy bất ngờ khi những người dân thường hiểu nó bằng bản năng. Niệm kể bà mẹ của Niệm đi sơ tán, nói chuyện với chị chủ nhà hàng hai giờ liền.
- Này, chị ấy nói thế này mà đúng, bà kể -- Bây giờ mà giặc cỏ nổi lên, thì vợ con bộ đội, với những gia đình cán bộ lại khổ.
16/1
Tuy chỉ là một "thằng nhóc" tôi lại được dự vào một sự biết trước. Hình như hòa bình đang được người ta nâng nâng trên tay, đánh giá: ờ, thế này thì vừa. Được, được...
- Có tiến bộ bất ngờ trong cuộc hội đàm.
- Hai bên đã bàn luận một cách nghiêm chỉnh (Mỹ cũng cho là nghiêm chỉnh).
Và cũng vào ngày thứ hai, một buổi trưa thứ hai, người ta xì xào: Ngừng bắn toàn miền Bắc.
Hòa bình là gì vậy? Hòa bình là một điều tối thiểu cho sự phát triển cuộc sống một cách bình thường. Hòa bình là ánh sáng ban ngày bình dị.
Nhưng mà không hiểu sao, tôi lại bắt đầu buồn ngay được. Tôi dự cảm rằng những ngày sắp tới, người ta sẽ buồn.
Nguyễn Minh Châu: Tương lai vẫn là vô định. Quá khứ không được đánh giá một cách rõ ràng thì lấy đâu mà tính được tương lai.
Đêm đầu tiên nghe tin hòa bình (15/1), tôi và Tính ngồi uống rượu -- chúng tôi kiểm điểm những ngày hôm qua.
Ngày mai, công việc ngổn ngang. Một thằng thanh niên trí thức như tôi, một thằng có ý chí và ham muốn như ĐC Tính, cả hai cùng thấy là bé nhỏ quá đi.
Riêng tôi, tôi vốn là một người cả lo. Sao tôi cứ lo những thảm họa sắp tới. Cái điều có thể chắc chắn, như Nguyễn Khải nói, những bi kịch cá nhân vẫn còn. Biết những bi kịch đó sẽ rơi vào đầu ai. -Chờ đón tin Hội nghị Paris
Chờ đón tin hội nghị Paris (tiếp)
VƯƠNG-TRÍ-NHÀN
18/1
... Trong một buổi tối bàn luận về thời sự.
Chính Hữu: Chủ đề văn học trong giai đoạn này vẫn không phải là sự bất lực, mà chính là khả năng mạnh mẽ của con người. Phải công nhận nước mình ghê chứ. Mấy thằng Đông Nam Á thấy Mỹ rút đang sợ rúm cả lên kia.
Khải: Những tay nó ủng hộ mình không phải là những tay chống cộng vừa nhớ. Nó hiểu chủ nghĩa cộng sản hơn mình nữa.Một sự nghiệp phi chính nghĩa không thể được người ta ủng hộ lâu đến thế.
Rõ ràng là cuộc đánh nhau của mình nó mang lại một tiền lệ -- Tức là các nước lớn đừng có gây sự với các nước nhỏ! Không phải là nước lớn muốn gây sự gì cũng được. (Xem thì biết, trong văn bản hiệp định đình chiến, có một cái gì đó, như là toát lên tinh thần -- Mỹ là một kẻ xâm lược).
Chính Hữu: Nó đã gọi mình là một con bò cạp. Đúng là môt con bò cạp nước! Mình đúng là một siêu cường quốc về ý chí.
Nhàn: Sức mạnh của mình ở đâu không biết?
Khải:Ở tổ chức chứ còn ở đâu nữa? Trong những năm vừa qua, không dùng chế độ độc tài, thì không làm được gì hết. Mà sự lãnh đạo xã hội cần như thế.
Vừa qua, tôi có đọc quyển sách kể về tay trùm tình báo quân sự Đức. Nó nhìn thấy trước sự vô lý của chủ nghĩa quốc xã. Nó muốn những thứ như Áo, Hung phải chống lại đi. Nhưng người ta không chống. Nó rất căm ghét. Vì chủ nghĩa quốc xã có đáp ứng một cái gì đấy của tình hình lúc bấy giờ. Người ta không thể biết trước được những thất bại sẽ đến... Ban đầu, chủ nghĩa quốc xã cũng chỉ xuất phát từ việc đánh vào tính tự ái dân tộc (sau chiến tranh 1918, Đức bị thiệt). Mãi về sau, người ta mới tính tới những thứ nào đó, như vấn đề dòng giống...
Cho nên, chủ nghĩa Quốc xã dựa trên hai cái: Tuyên truyền và tổ chức.
Nhàn: Thế có phải tác giả đó muốn nói chủ nghĩa Cộng sản tương đồng chủ nghĩa quốc xã?
Khải: Đó là suy luận của ông thôi, chứ không phải của tôi đấy nhé.
20/1
Trong giới văn nghệ, mọi chuyện như là phải nhận thức lại.
Ông Khải kể, gần đây nhất, nhân vụ B52, gặp ông Chế Lan Viên. Mới đầu đã nghe ông Chế cho một câu phủ đầu “dân Hà Nội phấn khởi lắm, anh nào cũng muốn đánh nữa “ Nguyễn Khải đã định nói thật: “Tôi tưởng thế là mình đành chịu rồi còn gì.” Nhưng chưa kịp nói, lại nghe Chế Lan Viên chửi Liên xô, Trung quốc.
Khải định” phang “ lại một câu như thế này:
-- Ông phải biết lúc hò hét chiến đấu, tôi cũng không phải là thằng hò hét xoàng đâu. Nhưng mà cái người, mà hôm qua ca ngợi Liên xô, Trung quốc rất ghê, hôm nay lại quay ra chửi, thì đó là một thằng xỏ lá.
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy không cãi lại được với ông này, lảng sang chuyện khác.
Nhàn: Vì các ông ấy có lúc quá tin ở tình hữu nghị.
Khải: Đúng, đúng. Tôi cũng đã nghĩ thế. Lúc trước, các ông ấy khen cho lắm vào cơ. Còn mình, thì lúc nào mình cũng nghĩ chiến tranh là việc của mình. Nước ngoài họ nói thế chứ trong bụng họ biết thế nào mà lần.
Nhàn: Phần tôi, tôi cũng vậy. Trong những ngày qua, tôi không trách ai cả. Tôi chỉ nghĩ về dân tộc mình, sao lại đến bước đường cơ nhỡ như thế này.
23/1
Có thể cả quyết đến 90% rằng đêm nay là giao thừa của hoà bình.
Bùi Bình Thi: Tôi xem bản tin nhanh ở chỗ ông Trần Lâm. Ký tắt rồi. Rồi chuyển về cho 4 vị đứng đầu (giai đoạn này gặp nhau chưa tiện). Đâu ngày mai, trên Phủ thủ tướng có buổi họp quan trọng lắm.
Huy Du: ông Yên được triệu tập lên trên họp. Về nhà hỉ hả lắm, đến đầu ngõ đã reo lên, chúng mày đâu, ra cho kẹo. Bây giờ mới thấy rõ bản chất của nhà chính trị.
Khải: Lại nghe tin một gìờ trước khi ký, ông Trường Chinh gặp các Đảng bạn, Đảng dân chủ, Đảng xã hội -- để thông báo, xem có đồng ý không. Để không đồng ý thì cắt lương mà!
Đang nói thì Văn Thảo Nguyên vào.Tất cả ào ào, có gì mới không.
Nguyên : Các anh biết rồi còn gì.
Khải: Tin này thì nghe lại hàng trăm lượt vẫn cứ thích.
Huy Du: Cả ngày hôm qua, cán bộ cao cấp họp, Tổng Quân ủy họp riêng. Ông Yên về, chê chương trình phát thanh chưa được sôi nổi lắm.
Thế mà không hiểu sao thế giới nó vẫn im lặng quá. Nó chán trò này rồi.
Huy Du: Chỉ có chúng mình là khổ. Vài hôm nữa, thịt gà tha hồ đắt.
Khải: Rồi ông xem, hai hôm nữa, hàng hóa lại đầy đường.
Huy Du: Tết này dân Hà Nội đừng hòng cắm hoa thật. Đã có lệnh nhà nước trưng dụng tất cả hoa. 40 nguyên thủ quốc gia đến... Chỉ có những thằng ở chiến trường sốt rét là khổ. Với lại những người mất cửa mất nhà. Còn chúng mình, chả làm gì, ngồi nói láo.
Tôi đã bảo rồi mà, văn nghệ chỉ là trò du hí. Có ông lại cứ khẳng định lý lẽ của các ông ấy là chân lý. Tôi dám tin không có chân lý - cái đó là chân lý duy nhất. Tôi có cảm tưởng rằng có thể là từ đây chấm dứt vai trò của mình.
Khải: Không. Tôi lại cảm thấy bây giờ ông mới bắt đầu chứ? Tôi cũng thế. Tôi sẵn sàng từ bỏ những gì hôm qua để làm lại tất cả.
Huy Du: Thôi các ông ơi, chừng nào còn sống ở cái chế độ... tự do này, thì đừng có ảo tưởng.
Rồi cả đám cùng trở lại chuyện chung.
Huy Du: Người ta lại sắp lo cho chúng mình một đợt chỉnh huấn. Thiệu chuẩn bị 3 vạn đĩ để mua cán bộ Việt cộng.
Nguyễn Khải: Rồi mà xem, những cán bộ chính trị sẽ lại bị "mất" với nó đầu tiên, chứ không phải mấy thằng nhí nhố đâu.
Huy Du: Những gì nữa, có thể là ngay bố Hòa bị chứ gì.
Bùi Bình Thi: Còn vấn đề thống nhất. Ông Lê Duẩn đã nói phải 15 năm nữa. 15 năm mà đồng bào miền Nam còn tin yêu Đảng thì chúng ta sẽ có thống nhất.
Huy Du: Chính các ông Việt cộng giải phóng không muốn thống nhất chứ ai. Xem xem, như thằng Xuân Hồng Nam Bộ origine, ra đây nó có chơi được với thằng nào không. Ông Hòa điếc trong Nam còn phải nói, thôi các ông ạ. Xong thì ta cũng về thôi. Có thằng dân Bắc nào sống được ở trong này đâu.
Nguyễn Khải: Tôi thích cái bài báo của một thằng ở Madagasca Đông Phi.
Hai miền Nam Bắc Việt Nam hồi Pháp thuộc vốn đã sống theo chế độ khác nhau giờ có thống nhất thì cũng là một sự giả tạo.
Năm 1954 là cơ hội duy nhất để hai miền có thể thống nhất. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, thì cơ hội đã trôi qua.
Sau 18 năm chia cắt, giờ đây hai bên sống theo những triết lý sống khác nhau.
Một bên thờ phụng tự do cá nhân. Một bên sùng bái sự hy sinh.
Một bên thích diễn bi hùng kịch lạc quan.Một bên thích hài kịch yêu đời.
Cũng như trong một gia đình, một người anh được nuôi dưỡng ở Mạc Tư Khoa, người em được thả lỏng trên các đường phố Nữu ước
... Ý tưởng về thống nhất bây giờ chỉ là niềm hoài tưởng trong những người già.
Còn như ngay cả đám thanh niên di cư 1954, thì họ cũng đã rời quê hương từ nhỏ, ý niệm của họ về đất nước yêu dấu không có là bao.
Miền Bắc muốn cho miền Nam cũng thành XHCN như họ, thì -- theo đúng lý luận của chủ nghĩa Mác -- họ hãy để cho Mỹ đầu tư vào, sản sinh ra giai cấp công nhân mới, rồi những người cách mạng ấy sẽ làm cách mạng đổi thay.
Nhưng đến ngày ấy, thì thế giới đã khác đi rất nhiều.
Hà Nội tháng 2 1973VƯƠNG-TRÍ-NHÀN
Nhật ký chiến tranh
4/2
Trong lúc này vẫn không thể quên được các vấn đề cơ bản như vấn đề trí thức.
Nhàn: Tôi khổ tâm lắm. Tôi không dám tin gì cả.
Khải: Tất nhiên, mọi chuyện ngày mai có thể là vẫn thế thôi. Nhưng tôi cũng mong rằng ông sai, tôi sai, nghĩa là mọi chuyện lại thay đổi theo kiểu khác. Ví dụ như về các chuyện hòa bình này nhớ. Hôm qua tôi ngồi ở nhà Nguyễn Thành Long, ngồi bàn, thấy không ngờ hòa bình lại có thể gọn ghẽ như vậy. Thế có phải là có gì ngoài mong ước không. Lãnh đạo một cuộc chiến tranh như thế này khó lắm chứ. Thằng Mỹ nó cũng biết không phải nó đứng bên bờ vực thẳm, mà là mình bên bờ vực thẳm. Nó biết rằng mình đã bị lừa nhiều rồi. Rằng mình rất cay mấy tay kia (Cụ Hồ hồi 46: Thà ngửi phân tây còn hơn dọn cứt cho thằng Tàu, nhưng biết bao giờ hết mùi) Rằng cơ sở kinh tế của mình khốn khó.Thế nhưng mà nó vẫn chịu mình.
- Thế nghĩa là có một cái gì đấy thuộc về bí mật của giới lãnh đạo Bắc Việt? Tôi cũng nghe thằng Chu nói rằng ông Duẩn rất ghê, đến nỗi Chu chỉ sợ ông ấy bị lật.
- Không, cái ông này nói thì bao giờ cũng có những khía cạnh mới (như ông ấy nói về sử, dân tộc mình nhuộm răng đen, không bó chân, làm cho nó khác người Trung quốc) cho nên, vấn đề không phải chỉ là nói, vấn đề là làm cơ!
- Tôi thấy cái cách làm ăn như của mình không được. Phải tạo điều kiện cho giới trí thức làm nhiệm vụ kích thích, nhiệm vụ nói lên một tiếng nói thách thức....
- Không, ông ơi, chính những người như Kíssingger lại nói nhiều đến quyền lực. Tay mưu sĩ ấy rất thích đe dọa, rất coi thường quần chúng. Quần chúng là cái gì đâu, Quốc hội Mỹ làm được việc gì đâu.
- Dẫu sao thì vẫn phải nói đến trí thức.
Ví dụ như trong tác phẩm của anh, hay nói đến chuyện khôn dại là đúng thôi. Điều tôi lo ngại chỉ còn là chỗ này. Làm sao để người ta khôn lớn, chứ không phải là sự tính toán lặt vặt.
- Đúng, chỗ ấy thì đúng. Chính là tôi thấy dân mình lại quá ít suy nghĩ, quá ít trí tuệ. Người mình hay thay đổi lắm, nông nổi, nhẹ dạ, cả những người ghê gớm nhất cũng hay thay đổi. Còn tin vào cái gì được nữa? Cho nên tôi cứ nghĩ được cái gì, biết cái ấy. Tôi không thể nào xây dựng được điển hình.
- Sao có lúc, anh nói rằng ông Đồng rất tuyệt vời. Rồi có lúc, các anh lại nói ông ấy rất vớ vẩn (có mỗi cái trò: "Các đồng chí viết không bằng tôi!")
- Thì ông phải biết rằng chúng tôi là cái dân văn nghệ bốc phét. Có lúc tôi vui, có lúc tôi buồn. Khi tôi khen người này hết lời. Cũng có lúc tôi lại chê thẳng cánh. Chúng tôi là như thế. Bao nhiêu chuyện tôi nói với ông, lẽ ra đều nên viết ra cả.
... Cái thân anh văn nghệ báo chí ở cái xứ Đông Nam Á da vàng mũi tẹt này thì khổ lắm. Như vừa rồi Kíssingger sang Thái Lan ở sân bay xuống, nó không thèm tiếp các nhà báo, nó mới thả một lô chó ra, chó cứ sủa các nhà báo đi thôi.
6/2
Chiều nghe ông Đồng nói chuyện. Một sự loanh quanh, không biết chính sách là hoà bình hay chiến tranh. Một sự răn đe, rằng cẩn thận không có Nhân văn Giai phẩm.
Bùi Bình Thi: Đề phòng giai cấp lãnh đạo Bắc Việt ngủ lì trên thắng lợi!
Nhàn: Có nhiều chuyện, hồi trước chịu được, bây giờ không chịu được.
Khải: Thế thì anh chết thôi. Anh có thấy không, hiện nay các nước nó bò sát mặt đất mà ca ngợi mình (Bà Gandi: Thử xem người châu Âu mà đổ máu như vậy, thì người ta có chịu không?). Mà càng như thế, tức là càng chứng tỏ đường lối của mình là đúng đắn. Anh mà nói ngược, anh lại càng bỏ mẹ. Rồi nay mai, còn học chính trị, còn là nhồi nhét mọi chuyện vào đầu óc.
Ông Lê Duẩn vào trong 559: Bây giờ mà đòi hỏi địa vị, hưởng lạc là tàn ác.
Ông Tố Hữu: Hôm qua không đi miền Nam tội một -- Hôm nay tội mười
...
Tôi biết sống sao đây? Những hiểm hoạ trong thời bình sẽ rất khủng khiếp. Cái ác trong hoà bình sẽ biến hóa khôn lường. Nhưng biết làm sao được, mọi chuyện là vậy.
10/2 (2 tuần sau hoà bình)
Cán bộ trung cấp tập họp, nghe nói về vụ chống Đảng.
Khải : Xem mới thấy các ông ấy, khi phun ra nhau, cũng khủng khiếp lắm.
- Thế họ có gì là xấu, hay họ chỉ khác về quan điểm?
- Bán bí mật cho nước ngoài, phản bội, phản quốc, thế là xấu quá rồi còn gì? Ở các nước khác, người ta còn mang xử công khai nữa!
...
- Cho nên, tôi chỉ thấy tốt hơn hết là anh nên yên tâm với công việc đã có. Không nên biết nhiều. Biết nhiều quá, lại sinh ra thắc mắc. Yên chí làm một người lao động bình thường.
- Tôi cũng nghĩ rằng chính quyền này là chính quyền của các anh, hết những ông Lê Duẩn, Trường Chinh, lại đến các ông Nguyễn Lam Vũ Quang. Lớp già như thế nào, thì lại đẻ ra lớp trẻ như vậy.
- Phải, nghĩ thế là phải.
- Nhưng nhỡ ra, chính giữa các ông ấy nổ ra mọi chuyện thì sao?
- Không, không thể có chuyện gì cả, vì trong số đó, đã có một thiên tài rồi.
-…
- Nghĩ mọi chuyện lắm lúc cũng không biết đằng nào mà ho he cả. Nó là cả một guồng máy. Người khá nhất trong những người vừa qua, rồi cuối cùng cũng thành một người vô hiệu.
Đôi lúc, tôi cảm thấy như có vẻ mình nghe được một điều gì đấy thuộc về đời sống tinh thần của đất nước nói chung. Tất cả hôm nay sẽ là như hôm qua, như chiến tranh, như trong mãi tận chiến trường. Nhưng vẫn là có những dấu hiệu của cái gì đó khang khác. Ví dụ như đây là dấu hiệu của những ngày này. Người ta đang bất mãn, đang đòi hỏi, người ta đang muốn đánh giá lại, suy xét lại mọi thứ. Cái yêu cầu của cấp dưới thì bao giờ cũng hơi quá lên một ít. Yêu cầu của trên lại chỉ muốn giữ một sự chỉ đạo, chỉ huy đúng như hôm qua khồng có gì thay đổi cả.
11/2
Chủ nhật đầu tiên sau tết.
Đêm thứ bảy hôm qua, tôi đến nhà những người công nhân đường sắt. Quyền, một người nông dân, đi làm cách mạng, chân thành và dại dột. Nhuận và cái khu nhà mênh mông trong Nhà hát nhân dân. Tôi chỉ có họ.
Ga Hà Nội lại đông. Những đám người tụ tập đầy đường (Quyền: Toa tầu bẩn như lòng đường nhựa. Năm nay, bao nhiêu người khu Bốn về thăm nhà!).
Sáng chủ nhật, tôi và Tính ngồi bàn nhau định đến thăm một trận địa ở giữa sông. Tính giở ảnh vợ con ra xem (những đứa trẻ, người ta ghép cho nó đến lắm khả năng và ý nghĩa!)
Mấy người bạn của Tính đến chơi. Hiệu, trung đoàn phó, một D trưởng, 1 C trưởng. Trông ba người ra ba dáng khác nhau. Một cán bộ chỉ huy kiểu Tsapaev nông dân, thô tục, nhưng lại sắc sảo. Một anh chàng quê mùa, ngậm miệng như cóc. Một anh chàng học sinh duyên dáng mới ra Hà Nội đã sắm dép nhựa. Họ rủ nhau đi xem B52 (trong kia, thấy nó thả từng dây, bây giờ mới tận mắt nhìn thử xem nó thế nào) Họ còn nói chuyện về chiến trường, những ngày E27 vào tận Hải Lăng.... Trên người cậu D trưởng, là một chiếc áo của địch. Loại áo vi ny lông, nhưng may theo kiểu va rơi, và cung đã hơi cổ. Anh khoe một hôm, mưa rất to, cái áo cũng không ướt.
Hỏi đường đi xem B52 xong, họ hỏi đường ra Hàng Trống, may những bộ quần áo vi ny lông. Cái cảm tưởng chính: họ là những người quá tự do. Họ làm chủ cái đất nước này.
Tôi đi cắt tóc. Từ chuyện rẽ đầu ngôi, ra đủ mọi chuyện.
- Thôi cần gì đầu ngôi, để cho gọn là được.
- Không. Khối anh chải đầu chải óc cẩn thận, ăn mặc đẹp, mà nói năng không ra sao cả.
- Bây giờ chính phủ còn đang bận bao nhiêu chuyện, chưa dạy được. Hoà bình được ít ngày, mấy cái thằng trong kia lại còn phá thối. Nhưng mà thầy nó theo mình rồi, thế là được rồi.
(Lại nhớ lời ai đó nói cuộc chiến đấu của dân tộc làm cho người dân thường của mình cũng có những hiểu biết rất đặc biệt)
Mai 12/2, ngày trả tù binh Mỹ (140 tay Mỹ về nước!) ở bên sân bay Gia Lâm.Từ ngày người phi công Mỹ đầu tiên bị bắt đến hôm nay đã gần 9 năm,một quãng đời người, dài lắm!
... Ngày mai, các trường Hà Nội khai giảng.
Hôm nọ, tôi đã thấy các em ở trường Hàng Than quét lá, thu dọn trường. Bọn con trai lấy chổi phi trên trời, như những chiếc máy bay.
Hôm nay, tôi thấy học trò Chu Văn An đến trường dọn dẹp, trở về, các em lại chui vào cái bể nước giữa vườn hoa ( nay là vườn hoa Tây Hồ ) rửa ráy.
Những em bé đi đường bây giờ, sao không thấy vẻ thư thái, như lũ chúng tôi hồi nhỏ. Các em băm bổ vội vã. Mấy em con trai ra đường, gạ chúng tôi đèo xe hộ. Cách sống của ngày hôm qua, thời đi sơ tán.
Thư, em tôi, kể trường nó chỉ lớp 10 là được ưu tiên bàn ghế. Lớp 9, lớp 8 thiếu. Một số lớp học sinh lại phải lấy loại bàn ghế nhỏ chỉ thấy ở các vùng quê.
Buổi tối, lâu lắm mới mò đi xem nhờ Vô tuyến truyền hình. Một chương trình ca ngợi đất nước. Và một người con gái, mà bây giờ mọi người đều nghĩ là tiêu biểu cho Hà Nội. Cô hát bài Đường chúng ta đi.
Bài này, có lúc, do một chị diễn viên cũ hát. Chị là một người không đẹp, nhưng tiếng lại đẹp. Chị hát nhiều trên đài. Trong tiếng hát của chị, ra một người từng trải. Và một đất nước từng trải.
Đằng này, người diễn viên non dại và qua giọng cô, người ta lại nghĩ về một đất nước trẻ trung.
Đất nước là tất cả những cái đó, là cả những người mẹ lẫn những em bé, cả tiếng phát thanh trên đài, tiếng xe bò kẽo kẹt triền miên, đất nước là mặt đường lép nhép, và có lúc bụi mù, là sắc vàng hoa cúc, là màu cờ đỏ trên những đống gạch đổ, là những cành xoan đầu xuân chỉ còn những cành, nhưng đã chớm những chồi non -- đất nước là có cả lụi tàn và hy vọng!
Chỉ nghe đài phát thanh cũng đủ hình dung những đổi mới đến với Hà Nội. Nhiều bài hát cũ được hát lại. Những người lớn tuổi nhớ đến hoà bình lần trước cuối 1968. Lần trước, ai cũng nghĩ chiến tranh hết hẳn, thì chiến tranh quay lại . Lần này, mọi người cứ nơm nớp -- biết đâu hoà bình lại bền lâu!
Dạo này, tôi và bạn bè của tôi thường hay nói đến tính cách người Việt Nam. Có một cái gì ở trong đó, mà chúng tôi cảm thấy cần nhìn thẳng vào, cần giải thích.
Người Việt Nam là hời hợt hay sâu sắc? Người Việt Nam dũng cảm, nhưng dũng cảm như thế nào? Người Việt Nam nhẫn nhục. Người Việt Nam cần cù v.v.... Có một cái gì gọi là ý chí?
Người nước ngoài ca ngợi Việt Nam nhiều quá. Đất nước thật sự vinh quang. Hình như đối với một số ai đó, vinh quang chỉ là những hư danh. Mỗi người đang sống hết sức nhọc nhằn, có thể nói là thân tàn ma dại nữa.
Nhưng tận trong mỗi người, còn đầy hy vọng.
Khi tôi nói trông mong ở tương lai, một người như Nguyễn Minh Châu sẽ bảo: “Tất cả mọi người, đều là những người của ngày hôm qua, hy vọng sao được.” Nhưng khi tôi cũng chán ngán, thì chính nhà văn ấy lại bảo: “Không, cũng không biết đâu mà ngờ.”
Một trong những sức mạnh của ngôn từ là nó thay đổi khá tương ứng theo thái độ của người ta. Nó thông tin khá chính xác. Ví như hôm trước, người ta gọi là giặc lái, hôm sau, người ta gọi là nhân viên quân sự. Người ta thân thiện với kẻ mà hôm qua được mệnh danh là kẻ thù. Và tất cả đều có lý của nó! Và điều duy nhất có thể rút ra là mỗi kiếp người quá ư bé nhỏ, hiện thực thì lớn lao, quá ư lớn lao. Đôi lúc, tôi oán trách, sao tôi lại ở vào cái ngành có khả năng quan hệ rộng như văn chương, để lúc nào tôi cũng bị ám ảnh bởi cái ao ước này-- ao ước nắm bắt tất cả.
Chiến tranh có cái gì đó, đồng nhất với socialism. Sự san bằng tất cả. Nhưng mặt đất thì không còn bằng bặn. Và bây giờ hoà bình thì từ đấy, người ta lại phải xây dựng lên một cái gì khác. San mặt bằng rồi mới có thể làm mọi việc khác. Chính với việc san bằng, chúng ta nhận ra thêm nhiều tội ác kẻ thù. Với việc san bằng, lại thấy thêm những di luỵ thời chiến.
Granitxy voiny? Ranh giới của chiến tranh: có cái đó không? Chẳng lẽ lại không có! Chắc chắn chiến tranh không động vào được một thứ, đó là sự sinh sôi. Chiến tranh như những chiếc ô tô vận tải. Đi trên đường phố, tôi sợ hãi vì lúc nào cũng thấy những chiếc ô tô, ô tô sau lưng, ô tô trước mặt, ô tô hung dữ lao trên đường, ô tô bất cần công việc, chỉ trừ việc của nó. Tôi nhớ tới những đoàn xe hoả hiền hoà và đầy năng lực của thời bình. Tôi yêu những nền nếp. Tôi cũng yêu những tập thể. Những chiếc ô tô, nó chính là những con người trong chiến tranh, những con người của một đám đông hung dữ, mải miết vì những mục đích xa. Thật là kỳ lạ, đất nước như một con người rút ruột ra, làm việc gì đó, một con người mà da thịt xanh xao nhưng bộ ruột thật vĩ đại. Nhớ Vinh, thành phố đổ nát, đường phố bụi bậm, bẩn thỉu, những con người lầm lụi đi trong mưa gió. Nhưng những đoàn xe cứ lao đi mải miết, trên xe là bao nhiêu giá trị, bao nhiêu là của cải.
Ở đường Phan Đình Phùng, các gia đình ra nậy hố cá nhân lên, không biết để làm gì. Tôi chợt nhận ra các hố thường nêm rất chặt bằng những gạch củ đậu.
Có lẽ một chủ đề mà văn học đáng nhẽ có thể làm được là: chiến tranh đến với tất cả các gia đình, chiến tranh đến với tất cả các phần việc.
12/2
Ngày khai trường. Những cố gắng lấy lại nền nếp. Học sinh đeo khăn mang cờ, đứng xếp hàng.
Học sinh đi diễu chung quanh phố. Đón học sinh lớp 1, học sinh lớp 4 cầm cờ ra đứng hai bên đường từ cổng trường vào. Bánh pháo đốt, lại tắc, lại đốt. Những cô giáo đứng vón vào nhau. Học sinh nghịch, lại chơi cảnh lấy chổi phi lên trời, giả làm máy bay.
Sân trường cũ trong thời gian chiến tranh biến thành nơi để gạo. Trấu rắc khắp nơi.Trước ngày khai giảng, nhà trường mới kiên quyết đuổi kho gạo đi, người ta phải dỡ tạm mọi thứ ra sân. Buổi sáng, xe bò vào chở các thứ. Có tiếng ai kỳ kèo: Bò nó ỉa... Ông lái xe bò cãi, người cũng phải ỉa, nữa là bò. Xe cứ đi nghênh ngang vào trường. Xe đi đến đâu, trẻ xô theo đến đấy. Nhiều đứa trẻ còn nhảy lên xe nghịch. Để chờ đến khi bò có quay lại, chúng nó lại rạt ra.
Lại còn ô tô, giữa lúc học sinh lớp 1 đi vào giữa những cờ sao rủ bóng của học sinh lớp 4, thì ô tô vào. Ô tô phải đợi đấy cái đã.
Không biết bao giờ những đứa trẻ này lại có thể nói: Ngày khai trường của năm lớp 1 của tôi là ngày còn đang dọn dẹp những dấu vết chiến tranh. Trường dột. Cầu thang hỏng. Nền sàn đầy trấu. Các cô giáo chúng tôi gày guộc, vẫn cố ăn mặc một cách mô đéc. Nhưng chúng tôi đã có hoà bình. Ngày hôm nay là ngày tên tù binh Mỹ đầu tiên về nước. Tiến sĩ H. Kissinger đang ở Hà Nội. Trong các thông cáo, văn kiện, mối quan hệ Việt Mỹ được dùng kèm theo những chữ: thẳng thắn, thân thiện.
Hà Nội, thành phố của trẻ con, thành phố của bụi. Thành phố của xe đạp. Thành phố của tiếng ồn.
Tôi cảm thấy phải có cách nào đó, để nói về Hà Nội. Những quy luật nào của cuộc sống thấy rõ nhất ở Hà Nội - Quy luật về tài năng? Quy luật về sự chọn lọc? Quy luật về sự đa đạng?
Tại sao người ta viết quá ít về Hà Nội? Phải chăng điều đó chỉ chứng tỏ tính chất tỉnh lẻ của nền văn học này.
15/2
Ng Khải: Thật làm nhà văn có lúc rớt nước mắt. Hôm nọ, vào trong Cục, vừa thấy tay Bồng, lão vỗ vai mình, thế nào, nghe nói cậu sắp đi đấy phải không? Ý lão nhắc chuyện đi chiến trường. Cái vỗ tay thật nhẹ mà mình cứ thấy sụn cả lưng. Một giọt nước mắt cứ định vỡ ra. Thấy như là thuở bé bị bêu nhục. Mình là cái thân phận gì, lão ta là cái gì, nghĩ cứ thấy nao nao cả lòng.
18/2
Một dịp khác , vẫn tôi và ông Khải:
- Hôm nọ, Bằng Việt nó nói với tôi, sao mày cứ buồn thế. Trông ông Khải kia, ông ấy cứ nhơn nhơn thế.
- Đúng, bên Hội nhà văn, các ông cũng lạ cho tôi, lúc nào cũng nhơn nhơn ra. Nhưng mà thế thôi, chứ lúc này ai mà chẳng buồn. Buồn hết. Lúng ta lúng túng thế này, ai biết làm gì được. Văn chương là phong cốt của cả một dân tộc. Lúc này mà văn chương không thấy hé răng cái gì, thì tức là có chuyện rồi. Không trước thì sau, có chuyện thôi.
Nhưng tôi khuyên ông, lúc này nên ít đi chơi thôi. Cái lúc nhốn nháo này, ông xem, dễ vạ mồm lắm.
- No Peace, No Honor: Bản luận tội Nixon và Kissinger đã lừa dối và phản bội nhân dân Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà (Bùi Văn Phú). Bùi Văn Phú
[No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger, and Betrayal in Vietnam. Larry Berman. 334 tr., Nxb The Free Press. New York 2001]
*
Đêm 31.1.1968 các lực lượng võ trang cộng sản mở cuộc tổng tấn công vào nhiều tỉnh thành miền Nam Việt Nam, trong đó có cả thủ đô Sài Gòn. Dinh Độc Lập, Toà đại sứ Hoa Kỳ, Bộ tư lệnh Hải quân, đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu đều bị tấn công.
Nhiều người dân miền Nam còn nhớ mãi Tết Mậu Thân hãi hùng đó. Còn người Mỹ gọi đó là Tet Offensive, một chiến dịch do Hà Nội phát động, tuy thất bại về quân sự nhưng đã làm giao động tâm lý quần chúng Mỹ và làm lung lay ý chí của những nhà làm chính sách ở Washington.
Sau Mậu Thân, Tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố không tái tranh cử, giới hạn những mục tiêu oanh tạc miền Bắc và đưa ra đề nghị thương thuyết để tìm một giải pháp cho Việt Nam. Hoà đàm Ba Lê bắt đầu từ đó, khởi sự chỉ có đại diện Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gặp nhau, sau có sự tham dự của Việt Nam Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam.
No Peace, No Honor là một nghiên cứu về Hoà đàm Ba Lê từ khởi đầu năm 1968 cho đến kết thúc vào năm 1973. Tác phẩm ghi nhận những biến cố chính trị và quân sự có ảnh hưởng đến tiến trình của hoà đàm, từ việc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nghe theo đề nghị của giới chức cao cấp trong Đảng Cộng hoà Mỹ đã từ chối tham dự hoà đàm vào cuối năm 1968, giúp cho ứng cử viên Richard Nixon khít khao thắng đương kim Phó Tổng thống Hubert Humphrey; cho đến việc ứng cử viên tổng thống là Thượng nghị sĩ Dân chủ George McGovern đã phải bí mật gặp gỡ đại diện cộng sản, tìm cách đem tù binh Mỹ về – nhưng không thành công – để hy vọng tạo ảnh hưởng đến kết qủa bầu cử tổng thống năm 1972.
Thượng nghị sĩ McGovern quan niệm cuộc chiến Việt Nam là một sai lầm, nhưng ông chẳng hiểu biết gì nhiều về Việt Nam mà còn hiểu sai vì bị tuyên truyền. Bằng chứng là khi gặp đại sứ Việt cộng Đinh Bá Thi lần đầu ở Ba Lê, Thượng nghị sĩ McGovern đã mở đầu bằng một câu hỏi rất sai lầm: “Bà Bình hiện có mặt ở Sài Gòn chứ?” rồi sau phải chữa lại vì biết bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời, làm gì được phép vào Sài Gòn công khai thời bấy giờ.
Kết qủa bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1972 với McGovern bị Nixon đánh bại ở 49 tiểu bang chứng tỏ chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon được đa số dân Mỹ ủng hộ hơn là chủ trương của McGovern là rút hết quân ngay và cắt viện trợ cho Nam Việt Nam.
Nhưng cốt lõi của No Peace, No Honor là chi tiết về những cuộc họp mật giữa Henry Kissinger và cố vấn Lê Đức Thọ, đại sứ Xuân Thủy dựa trên nhiều tài liệu mới được giải mật. Theo tác giả, Kissinger là một người gian xảo, dối trá, không như ông tự biện minh trong những hồi ký đã xuất bản. Ngày nay Kissinger còn tìm cách che dấu sự thực bằng cách không cho ai được quyền tra cứu những tài liệu mà ông cho là tài sản riêng có liên quan đến Hoà đàm Ba Lê cho đến 5 năm sau khi ông qua đời.
Qua những tài liệu đã được phổ biến từ nhiều nguồn khác nhau, No Peace, No Honor chứng minh nhiều báo cáo của Kissinger gửi cho Nixon về kết quả những cuộc họp với phía Hà Nội không được trung thực. Đối với Việt Nam Cộng hoà, một đồng minh của Hoa Kỳ, Kissinger cũng lừa dối như thế qua những chỉ thị cho đại sứ Bunker báo cáo cùng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Đối với ông Thiệu, Kissinger chỉ thông báo, mà nhiều khi thông báo những điều không thực về những thảo luận mật với cố vấn Lê Đức Thọ, chứ không hề tham khảo trước về những điểm mà Kissinger đem ra bàn với Hà Nội.
Với kết cuộc thất bại tại Việt Nam, Nixon và Kissinger đều đổ lỗi cho Quốc hội. Theo giáo sư Berman, trong những hồi ký của Nixon và Kissinger cả hai đều lập luận là bản Hiệp định Ba Lê là căn bản đưa đến một giải pháp chính trị cho miền nam Việt Nam. Việc Hà Nội chiếm miền Nam bằng võ lực là vì Quốc hội Hoa Kỳ đã trói tay hành pháp, không cho trả đũa. Trên thực tế bản hiệp định không có những ràng buộc pháp lý, như Kissinger thừa nhận khi điều trần trước quốc hội vào đầu năm 1975. Việc cam kết trả đũa nếu có chỉ là trong những lá thư riêng của Tổng thống Nixon gửi cho Tổng thống Thiệu và không có căn bản pháp lý, nhân dân Mỹ không được biết.
No Peace, No Honor đưa ra những dẫn chứng cho thấy Henry Kissinger, được sự chấp thuận của Tổng thống Richard Nixon, khi thương thuyết với Hà Nội chỉ muốn rút quân đội Mỹ và đem tù binh về còn tương lai của bản hiệp định, giải pháp chính trị cho miền nam không phải là điều quan tâm. Vì thế sự có mặt của 150 ngàn bộ đội cộng sản miền Bắc tại miền Nam không đuợc nhắc đến. Kissinger lập luận rằng Hà Nội đã không bao giờ thừa nhận có quân tại miền Nam thì làm sao có thể bắt họ rút về.
Dù Hà Nội luôn tuyên truyền là họ không đem quân vào Nam, nhưng Hoa Kỳ biết rõ sự đe dọa quân sự nặng nề của những sư đoàn bộ đội trên chiến trường miền nam. Tác giả trích dẫn thư đề ngày 2.1.1973, ba tuần lễ trước khi bản hiệp định được chính thức ký kết, của Thượng nghị sĩ cộng hòa Strom Thurmond thuộc bang South Carolina, một người rất ủng hộ Nixon: “Tôi quan tâm sâu xa đến việc bản dự thảo hiệp định trước đây ghi rằng quân đội miền Bắc được phép ở lại miền Nam. Đây có thể là nền móng cho bộ đội miền Bắc chiếm miến Nam sau khi chúng ta rút lui hoàn toàn trong tương lai. Với kết quả như thế lịch sử sẽ phê phán những hy sinh sinh mạng của người Mỹ chỉ là uổng phí.” Những lời cảnh cáo của Thượng nghị sĩ Thurmond đưa ra đã quá trễ.
Trong các cuộc họp tại Sài Gòn vào những tháng cuối năm 1972 giữa Henry Kissinger, Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker, Tướng Alexander Haig với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Bí thư Hoàng Đức Nhã, Đặc sứ Nguyễn Phú Đức, những nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà đã mạnh mẽ phản đối việc Hoa Kỳ đã không nêu vấn đề Hà Nội rút bộ đội về Bắc cùng với trên 60 điểm khác của bản hiệp định liên quan đến tương lai chính trị mà phía Việt Nam Cộng hoà đòi hỏi phải được thay đổi hay thương thảo lại.
Kissinger có lẽ đã quá mệt mỏi và hối hả muốn có bản hiệp định nên khi đem bản dự thảo hiệp định đến Sài Gòn thảo luận với Việt Nam Cộng hoà thì chỉ có bản tiếng Anh, không có bản tiếng Việt và đã trả lời rất ỡm ờ trước đòi hỏi của phía Việt Nam Cộng hoà. Tổng thống Thiệu và các cố vấn đã tỏ ra rất cương quyết không chấp nhận bản hiệp định như Kissinger đđem đến vì đã biết ý đồ của Hà Nội qua những tài liệu tịch thu được. Lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà biết trước là nếu Hà Nội được để quân lại trong nam thì sớm muộn gì miền nam sẽ mất.
Theo giáo sư Berman những trận không tập miền Bắc vào mùa Giáng Sinh 1972 có đem Hà Nội trở lại bàn hòa đàm, nhưng cũng là sức ép để buộc Tổng thống Thiệu chấp nhận bản hiệp định mà Kissinger đã thương thuyết với Hà Nội mà căn bản chỉ là việc Hoa Kỳ sẽ rút quân, đem tù binh về trong vòng sáu mươi ngày.
Chỉ với kết qủa như thế, tác giả nêu ra hai vấn đề:
1/ Hoa Kỳ, qua Nixon và Kissinger, đã thương thuyết với Hà Nội được gì hơn những điều ghi trong Hiệp định Ba Lê 1973 so với những đề nghị do Bắc Việt và Việt cộng đưa ra từ những năm trước. Nếu chỉ rút quân và đem tù binh về thì Hoa Kỳ đã có thể làm được như thế từ những năm 69, 70 và hàng chục ngàn binh lính Mỹ đã không phải tiếp tục hy sinh tính mạng để kết cuộc rồi miền Nam cũng bị Hà Nội xâm chiếm.
2/ Tại bàn hoà đàm Hà Nội khăng khăng đòi loại bỏ Thiệu-Kỳ-Hương hay Thiệu-Hương-Khiêm – tức tổng thống, phó tổng thống và thủ tướng Việt Nam Cộng hòa – mà phía Hoa Kỳ luôn từ chối để phải kéo dài việc tham chiến. Có phải vì cá nhân Tổng thống Nixon đã mang một món nợ vì ông Thiệu đã giúp Nixon thắng cử khi từ chối tham gia Hoà đàm Ba Lê vào năm 1968.
Tuy nhiên những biến chuyển chính trị sau Hiệp định Ba Lê cũng là những đề tài cần đào sâu hơn để làm sáng tỏ nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của miền Nam, nhất là chuyển biến từ phía Việt Nam Cộng hoà.
- Sau khi hiệp định được ký kết, các nhà lãnh đạo miền nam biết là đã bị Hoa Kỳ bán đứng. Giới phân tích dự đoán Việt Nam Cộng hoà chỉ có thể tồn tại đến năm 1976 là năm Hoa Kỳ bầu cử tổng thống và sau đó Nixon sẽ chính thức hết trách nhiệm. Nixon biết là Hà Nội sẽ chiếm miền Nam nhưng không muốn chuyện đó xảy ra khi ông còn làm tổng thống, còn Hà Nội e ngại Nixon sẽ ra tay trừng phạt vì quá khứ Nixon đã làm qua hai chiến dịch Linebacker vào muà hè và Giáng Sinh 1972. Khi Nixon từ chức vì Watergate thì Hà Nội tiến hành ngay việc chiếm miền Nam bằng quân sự. Có phải đã có một thỏa thuận ngầm nào đó giữa Nixon, Kissinger và Bắc Việt để khi không còn Nixon, không sau Watergate thì sau khi Nixon hết nhiệm kỳ, thì Hà Nội cũng sẽ chiếm miền Nam? Còn những bảo đảm cho bản hiệp định được thi hành chỉ là những lá thư riêng Tổng thống Nixon gửi Tổng thống Thiệu với cam đoan trả đũa Hà Nội; hay thư gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng với hứa hẹn viện trợ tái thiết miền Bắc, chỉ là những cam kết mang tính cá nhân chứ không phải giữa hai chính quyền.
- Còn phía Sài Gòn, Tổng thống Thiệu tính toán gì khi tu chính hiến pháp cho phép ông tái tranh cử vào cuối năm 1975. Tại sao ông Thiệu không để tự nhiên hết nhiệm kỳ và rời chức vào tháng 10.1975 như hiến pháp qui định? Dù bị ép buộc ký hiệp định cho phép bộ đội cộng sản ở lại trong Nam, có phải ông Thiệu vẫn tin Hoa Kỳ sẽ ủng hộ ông, kể cả sau khi Nixon đã từ chức, như đã ủng hộ những nhà độc tài, nhưng chống cộng ở lân bang: Ferdinan Marcos ở Phi Luật Tân, Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan, Pak Chung Hee ở Nam Hàn, Lý Quang Diệu ở Singapore. Ông Thiệu cũng muốn trở thành một trong những nhà độc tài chống cộng của châu Á thời bấy giờ?
- Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có những thỏa thuận nào về Việt Nam trong việc Hoa Kỳ rút lui? Mặt trận Giải phóng miền Nam được Trung Quốc hỗ trợ và sau ngày 30.4.1975 tưởng sẽ có chỗ đứng tại miền Nam nhưng đã bị Hà Nội vội vàng giải tán. Có phải Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam cũng đã bị bán đứng với bản hiệp định?
Nhìn chung, toàn bộ tác phẩm No Peace, No Honor là một bản luận tội Nixon và Kissinger vì đã lừa dối và phản bội nhân dân Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà qua những thảo luận bí mật, những cam kết không thành thực. Theo tác giả, Hiệp định Ba Lê là một lừa dối của Nixon với ý định kéo dài chiến tranh chứ không phải để vãn hồi hòa bình.
Đã 30 năm từ ngày ký kết hiệp định, vấn đề Việt Nam đối với người Mỹ đã thực sự thuộc về quá khứ chưa? Những dòng cuối trong No Peace, No Honor sẽ cho độc giả một cách nhìn nào đó:
“Minh Lớn (Big Minh) được đưa đến đài phát thanh gần dinh và bị ép buộc đọc một thông điệp yêu cầu tất cả những lực lượng võ trang của Việt Nam Cộng hoà buông súng đầu hàng vô điều kiện. ‘Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn, từ trung ương đến địa phương, đã hoàn toàn giải tán’.”
Miền Nam Việt Nam ngưng nhịp thở.
Trong khi đó tại Bạch Cung một buổi họp nội các được triệu tập. Không khí thì u sầu, nhưng Henry Kissinger có thể nhìn ra một vài điều tốt: “Chúng ta đã giữ được danh dự bằng cách di tản từ 42 đến 45 ngàn người Việt”.
Chuẩn tướng Vernon Walters, một tùy viên quân sự từng đem Kissinger ra vào Ba Lê trong những “chuyến đi đêm” bí mật không nhìn như thế. Cho đến ngày nay ông vẫn giữ một lá cờ Việt Nam Cộng hoà nhỏ trong phòng làm việc. Khi được hỏi tại sao, ông trả lời nó tượng trưng cho: “công việc còn dở dang. Chúng ta đã để cho 39 triệu người rơi vào vòng nô lệ”.
Đó đã là một hệ lụy của “hòa bình trong danh dự”.
© 2003 Buivanphu
- Hiệp định hòa bình Paris và những “sự thật phũ phàng” (ĐCV).
“Ngày 27-1-2013 sắp đến sẽ đánh dấu 40 năm ký kết Hiệp Định Paris 1973, một biến cố lịch sử vô cùng quan trọng đối với Việt Nam vì những hậu quả của nó áp đặt trên mảnh đất này trong gần bốn thập niên cho tới ngày nay,” ông Nguyễn Quốc Khải viết vào ngày 17/12 vừa qua cho RFA trong một bài mang tên “Sự thật phũ phàng về Hiệp định Paris 1973.”
- Gặp “cô bé Trung Quốc” được chụp ảnh với Bác Hồ (TTXVN).
- - Phải dân chủ hóa hay chết (BoxitVN/ Foreign Affairs).
- Bên Thắng Cuộc Bản In (BTC).
“Ngày 27-1-2013 sắp đến sẽ đánh dấu 40 năm ký kết Hiệp Định Paris 1973, một biến cố lịch sử vô cùng quan trọng đối với Việt Nam vì những hậu quả của nó áp đặt trên mảnh đất này trong gần bốn thập niên cho tới ngày nay,” ông Nguyễn Quốc Khải viết vào ngày 17/12 vừa qua cho RFA trong một bài mang tên “Sự thật phũ phàng về Hiệp định Paris 1973.”
Việc Ban Việt ngữ Đài ACTD cho đăng bài này để chuẩn bị đánh dấu kỷ niệm 40 năm Hiệp định Hoà bình Paris 1973 là một điều đáng khen bởi trong quá khứ, đã có những lần Ban Việt ngữ quên không có bài đánh dấu những mốc lớn trong lịch sử đất nước. Như Hội-nghị Genève chia đôi đất nước (1954) hay thậm chí cả Hội nghị Hoà bình Paris 1973 (tên chính thức của Hiệp-định kết thúc hội nghị này là “Paris PEACE Accords of 1973”). Trong khi đó, chúng ta có cách xa Đài không tới một tiếng đồng hồ những nhân chứng như Ông Bùi Diễm, một nhà ngoại giao lão thành của Việt Nam, người đã có dự cả Hội nghị Genève 1954 lẫn Hoà đàm Ba lê năm 1968-1973, chưa kể đến những nhân chứng người Mỹ nữa.
Bài viết của ông Nguyễn Quốc Khải, như vậy, tôi mong chỉ là một bài viết đầu tiên về vấn đề này. Rất mong là Ban Việt ngữ cố gắng đi tìm hiểu sự thật qua những nhân chứng lịch sử có thật thay vì chỉ đi dựa vào một vài học giả mà chưa chắc đã nắm hết sự thật.
Những sai sót có thể trông thấy ngay trong bài của Ông Khải
Có lẽ vì viết vội nên bài của Ông Khải đã có một số sai sót rất dễ nhìn ra.
Thứ nhất, khi nói về Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước, ông mở ngoặc và ghi “mà chính VNCH đã xé bỏ,” tôi thấy thật là tội nghiệp cho Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ lúc bấy giờ đại diện cho chính phủ “Quốc gia Việt-nam.”
Ngày 21/7/1954, ngay sau khi chính phủ Pháp của Thủ tướng Pierre Mendès-France thoả thuận được về nội dung của Hiệp định sau 12 giờ đêm ngày 20/7 (tức sang sáng sớm ngày 21/7), cả nước Mỹ qua lời tuyên bố của trưởng phái đoàn, tướng Bedell Smith, và Quốc gia Việt Nam qua lời tuyên bố của Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ đã tố cáo (“denounced”) sự chia đôi đất nước và không ký vào hiệp định “đình chiến” giữa Pháp và Việt Minh. Vậy thì làm sao có thể nói khơi khơi là “mà chính VNCH đã xé bỏ”?
Rồi cũng trong cùng một cảm-hứng, ông Nguyễn Quốc Khải viết:
“Vào buổi trưa ngày 29-4-1973, Đài Phát Thanh Saigon truyền đi bản nhạc “I’m Dreaming of a White Christmas” qua dọng ca của Bing Crosby, báo hiệu cuộc di tản cuối cùng của Hoa Kỳ bắt đầu.”
Đây là một sự bịa đặt hoàn-toàn. Trước hết, ngày tháng của ông Khải sai: Ông cho chuyện này xảy ra hai năm trước khi mất miền Nam. Thứ nữa, Đài Phát Thanh Saigon, cho đến tận hôm nay (tức năm 2012, 37 năm sau), cũng chưa hề cho chơi bài “I’m Dreaming of a White Christmas” qua giọng (không phải “dọng”) hát Bing Crosby. Vậy thì ta thấy bài viết của ông Khải đáng tin đến đâu?
Đó là chưa kể đến những lỗi chính-tả không ít trong bài của ông Khải. Tỷ như “xác suất” (dịch chữ “probability”) mà ông Khải viết thành “sắc xuất,” thật là khó hiểu.
Tôi có thể lôi ra thêm những lỗi sơ đẳng khác nữa, nhưng đó không phải là mục đích bài viết của tôi.
Về phương pháp sử học
Về phương pháp sử học
Khi viết sử, người ta phải biết dựa vào những dữ kiện có thật, không thể chỉ dựa vào cảm quan của mình. Bài của ông Khải, trái lại, thì đầy cảm quan. Như cách ông dịch chữ “decent interval” của Mỹ thành “khoảng cách chạy tội.”
Có thể dịch như ông nếu ta nghĩ, như tác giả Nguyễn Tiến Hưng, là “đồng-minh” Mỹ có ý “tháo chạy” ngay từ đầu. Đằng này, nếu ta nghiên cứu kỹ hai con người then chốt về phía Mỹ trong cuộc thảm bại ở Việt Nam, ta sẽ thấy hai người đó rất khác nhau. Ông Kissinger là một người Đức gốc Do thái, rất lo về an ninh vùng Trung đông, trong đó có nước Do thái, nên động cơ của ông là phải mau mau chấm dứt chiến tranh VN để còn đổ dồn chiến phí ở VN sang ủng hộ cho Do thái lúc bấy giờ đang lâm nguy (nhất là sau khi OPEC, tổ chức các quốc gia sản-xuất dầu lửa, thân các nước Ả-rập, quyết định tăng giá dầu lên gấp đôi vào tháng 10/1972 để làm khó Mỹ và Do-thái).
Trái lại, ông Nixon là tổng thống Mỹ. Ông không gốc Do thái nên cũng không có những động cơ tương tự như của ông Kissinger. Nếu đọc kỹ hồi ký của ông Nixon thì ta có thể tin rằng, tuy ông hiển nhiên rồi quan tâm đến vận mệnh chính trị của ông, ông cũng không có nhu cầu phải ở thêm một nhiệm kỳ nữa vì đến năm 1973, ông đã được bầu lại vào nhiệm kỳ 2 tức nhiệm kỳ cuối của ông rồi. Vì vậy nên ông có thể thành thật tin tưởng rằng “Việt-Nam-hoá” (“Vietnamization”) là con đường có thể cứu vãn được miền Nam. Hay ít nhất cũng mua được thời gian cho miền Nam đứng vững để có thể có dược một thời cơ khác.
Chính-sách của ông Nixon rất là bài bản. Để ra tranh cử với ông Hubert Humphrey sau khi Tổng-thống Lyndon B. Johnson khước từ, không nhận ra ứng cử cho nhiệm kỳ 1969-1973 để toàn tâm lo chuyện chấm dứt chiến-tranh VN, ông Nixon đã hứa là sẽ có kế hoạch để chấm dứt cuộc chiến ấy (hiểu là chấm dứt sự tham chiến của quân đội Mỹ ở chiến-trường VN, nghĩa là sẽ hết thương vong Mỹ tuy vẫn có thể ủng-hộ, yểm trợ miền Nam trong nhiều nghĩa). Có hiểu thế ta mới hiểu được chính sách của Mỹ (tức của ông Nixon) sau khi ông lên làm Tổng thống vào tháng 1/1969. Ông lập tức đưa ra chính sách “Việt-nam-hoá chiến-tranh ,” nghĩa là không đợi kết-quả của hoà đàm Paris mà tiến hành ngay với các vụ rút quân (= giữ lời hứa với cử-tri và dân-chúng Mỹ). Sau vụ gặp gỡ với ông Thiệu và ông Kỳ ở Midway, ông cho tăng cường quân viện cho VNCH. Ông khuyến khích Tổng thống Thiệu tiến hành với chương trình kinh tế và xã hội “Người Cày Có Ruộng.” Sau khi Quân lực VNCH tung quân sang Cao miên (1970) như vũ như bão, đánh bật hết các mật khu của CS ở bên đó, và với chiến dịch Phụng Hoàng ở nông thôn thành công lớn, ông đồng ý để cho Quân lực VNCH sang lâm trận ở Hạ Lào (tháng 2/1971). Tuy trận Hạ Lào đã không mang lại được kết quả mong muốn, ta cũng khám phá được ra sức mạnh của đối phương, nhất là về hoả lực phòng không và lực lượng chiến xa của họ. Nhờ vậy mà cuộc đọ sức sau đó, tuy Hà nội dốc hết lực lượng vào Nam trong mùa Hè đỏ lửa (tháng 4 đến tháng 9/1972) , Quân-lực VNCH đã can trường đánh bật được ra toàn-quân của họ ở ba địa-điểm tập-chú: Kontum, An Lộc (một trận đánh đã được gọi là Stalingrad của VN) và sau một thời gian lấy lại được Cổ thành Quảng trị (Quân sử Hà nội sau này đã phải gian lận và cho rằng Quân đội Nhân dân miền Bắc đã đánh chiếm lại được Cổ thành Quảng trị sau tháng 9 năm đó, trong khi chính Võ Nguyên Giáp đã cho là Lê Duẩn “ngu xuẩn” khi ra lệnh chiếm lại Cổ thành bằng mọi giá để cho quân chết như rạ, mất khoảng 1 đại đội mỗi đêm trong gần hai tháng trời).
Dựa vào những kết quả và chiến tích như vậy nên Mỹ mới dồn quân viện cho VNCH trong năm sau đó, chắc chắn là không phải với dụng ý là để sau này cúng (8 tỷ đô-la quân dụng) cho quân Bắc Việt. VNCH thua không phải vì Mỹ muốn phản bội, mà vì ông Nixon bị bó tay, do Quốc-hội Mỹ bó tay chính quyền của ông với luật “War Powers Act,” rồi cắt viện-trợ cho VNCH (như chính ông Khải cũng đã ghi lại: từ 2.2 tỉ Mỹ kim cho tài khóa 1973 [xuống] 1.1 tỉ Mỹ kim cho tài khóa 1974, và 700 triệu Mỹ kim cho tài khóa 1975).
Trong khi đó thì quân viện của Liên Xô và Trung Cộng cho Hà Nội thì tăng lên ngược chiều. Rồi ông bị mắc vào vụ Watergate, một chuyện hoàn toàn không may đối với VNCH (VNCH không có lỗi gì trong vụ này) vì nó buộc ông Nixon phải từ chức. Hiển nhiên, tới đó rồi thì bao nhiêu lời hứa hẹn của ông với ông Thiệu trở thành nước đổ xuống sông xuống biển.
Hiển nhiên, ông Thiệu cũng có lỗi trong một số quyết định vào những ngày chót của miền Nam. Mỹ thua ở Việt nam song cũng có người cho rằng vì Mỹ thua ở VN mà bộ mặt thật của Cộng sản mới lộ ra: chỉ trong một thời-gian rất ngắn, VNCS phải đương đầu với hai trận chiến với những đồng-minh của ngày hôm qua (Pol Pot và Trung-Cộng) để những vấn đề đó có vang vọng cho đến tận ngày hôm nay. Chưa kể là sau VN thì cũng cả khối CS Đông Âu và Liên Xô cũng sụp đổ theo.
Để kết
Rõ ràng là ông Nguyễn Quốc Khải đã không tôn trọng đến những nguyên tắc căn bản nhất của việc viết sử. Chưa kể ông còn lợi dụng một đề tài quan trọng của lịch sử VN để lái sang đả -kích cá-nhân tôi. Ông có thể không đồng ý với tôi (hay người khác) nhưng dùng những chữ nặng lời như “ý tưởng phục hồi Hiệp Định Paris là hoang tưởng nếu không muốn nói là bệnh hoạn” thì thật là không nên. Vì sao?
Vì trước nhất, ông giải thích sai hết cả về “giải-pháp VNCH” mà chúng tôi đã có dịp lên trình bầy ở trên Quốc hội Hoa kỳ từ tháng 6 năm 2010. Bài của chúng tôi viết về cuộc vận động này sau đó đã được nhiều báo đăng lại (trong đó có Website Việt Vùng Vịnh là chỗ dễ truy cập bài của tôi nhất, “Người Việt hải-ngoại và vấn-đề Biển Đông: Chúng ta đã góp được gì cho một giải-pháp?”). Sau đó, Khối 8406 trong nước cũng đã xin phép để đăng lại bài này trong phần tài-liệu của Khối. Cuối cùng, đến tạp chí “Quan hệ quốc tế hiện đại” của Trung quốc, số ra tháng 6/2011 cũng phải nhắc đến giải pháp này (Xem bài “Vận động chính trị của người Việt ở Mỹ và ảnh hưởng đối với tranh chấp Biển Đông”). Thiết tưởng ngần ấy chỗ, từ Quốc hội Hoa kỳ (kể cả Uỷ ban Ngoại giao Thượng viện) đến tình báo Trung Cộng, không ai xem đó là chuyện không tưởng cả thì ông Nguyễn Quốc Khải dựa vào đâu mà có thể xem đó là “hoang tưởng” hay “bệnh hoạn”?
Ta hãy cứ nghe ông Nguyễn Quốc Khải giải thích về Hiệp định Hoà bình Paris 1973. Ông viết: “Hiệp Định Paris đòi hỏi tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam, UBLĐLTVNCH sẽ phải ra tranh cử với Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (chính thức bị giải tán vào ngày 25-4-1976). Nhưng trước hết, UBLĐLTVNCH sẽ phải đưa hàng triệu người Bắc 75 về nguyên quán ngoại trừ 150,000 quân CSBV được Ông Kissinger và Ông Chu Ân Lai cho phép ở lại miền Nam từ 1973 đến nay.” Chỉ trong một đoạn này là đã có hai ba chỗ sai căn-bản:
“Hiệp định Paris đòi hỏi tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam,” đúng. Vậy Hà nội đã bao giờ để cho dân chúng miền Nam có tổng tuyển cử tự do ở miền Nam chưa?
Còn chuyện “Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam chính thức bị giải tán vào ngày 25-4-1976” bởi bàn tay của Hà Nội thì tại sao chuyện đó lại có thể là trách-nhiệm của VNCH được? Họ giết người của họ thì tội tình gì đến Hiệp-định Paris?
Vả lại, “giải-pháp VNCH” chủ-yếu dựa vào Điều 7b của Định-ước Quốc-tế về Hiệp-định Hoà-bình Paris” (“International Act on the Paris Peace Agreement”) trong khi bài của ông Khải không nhắc gì đến hiệp-ước quốc-tế có 12 quốc gia ký vào với sự chứng-kiến của ông Tổng-thư-ký Liên-hiệp-quốc hồi đó (tháng 3/1973). Vậy thì ta có thể coi bài của ông Nguyễn Quốc Khải là nghiêm chỉnh được không?
Đó là chưa kể ông Khải dựng đứng: “Nhưng trước hết, UBLĐLTVNCH sẽ phải đưa hàng triệu người Bắc 75 về nguyên quán.” Cần gì? Chỉ cần họ chứng minh được là trước năm 1975, chính họ hay cha mẹ họ đã có ở miền Nam là họ đủ điều kiện được đi bầu. Chứ 150.000 bộ-đội miền Bắc cũng không có lý do gì được xem là cử tri của miền Nam. Vì sao? Rất dễ hiểu, vì họ đã sẵn là cử tri của các địa phương ở miền Bắc.
© Nguyễn Ngọc Bích
© Đàn Chim Việt
- - Phải dân chủ hóa hay chết (BoxitVN/ Foreign Affairs).
- Bên Thắng Cuộc Bản In (BTC).