Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Buổi Sáng, Ngày Ba Mươi - Phan Nhật Nam

-Có những sự kiện nhỏ bé xẩy ra trong khoảng thời gian lặng lẽ của đời sống bình thường, thuộc về một người nào đó - Nhưng chúng luôn được nhớ lại - Bởi cảnh sống nhân sinh thật ra thì đâu cũng chừng ấy sự việc, với những con người, và tất cả đều có chung một mẫu số: Ai cũng một lần thấm đau. Người Mẹ nào cũng thấm đủ Cơn Đau. Thánh Mẫu Maria, Phật Quán Thế Âm là những Người Mẹ Khổ Đau Nhất.
Cuối năm Âm lịch là thời điểm làm Người Việt thường sống lại, nhớ lại rất đầy đủ. Với tận cùng

Để nhớ lần của Bà Ngoại với Nh. H
° ° °

1960 Căn gác gỗ được xử dụng làm nhà kho chứa những đồ dùng đã hư hỏng, cũ kỹ của một giòng họ; thay vì vất đi như quá khứ suy tàn, đã được giữ lại để nên chứng tích về một thời phú quý. Những đồ đạc tồi tàn phải miễn cưỡng coi trọng, vừa xem thường tội nghiệp. Sự tàn tạ suy sụp không thể che dấu nơi chiếc bàn thờ long chân mất cánh cửa tủ, khung xe kéo bánh gỗ nẹp vành cao su, lớp sơn then màu đen tróc những miếng loang lỗ trông như da người già trổ đồi mồi, bộ ghế trường kỷ phải dựa vào hai cây cột chính. Và cây cột cũng chỉ là khối tròn mỏng manh yếu ớt, lớp sơn son bên ngoài đã bị mối ăn suốt từng mảng lớn; thớ gỗ nứt dòn lốp xốp nếu bị đụng chạm, khẽ bóp hay dùng ngón tay, vật cứng ấn mạnh vào. Lỏng chỏng trong đống đồ vật hỗn độn có hình khối vừa kể là những bộ phận không biết xuất phát từ những chủng loại, vật chất gì... Vài hộp gỗ sơn son thiếp vàng, khung của một chiếc lọng hay tán dù, những chân đèn, giá gỗ, bao áo gối vải xa-tanh hay một loại gấm đoạn bị rách tung toé, lỗ chỗ bông gòn vàng xỉn đen xám bày ra ngổn ngang. Và từng gói đồ dùng của những người từ lâu vắng mặt hay đã chết. Những người đã bỏ nơi nầy ra đi từ hằng hai, ba chục năm nay. Từ trong bộ ghế mây, đống đồ vật tối tăm chết chóc, dưới chân bàn thờ, trong chiếc quan tài để dành cho một người sắp chết luôn luôn có tiếng rì rì, kĩu kịt âm âm cuả loài mối, dán. Âm động của thời gian, quá khứ đang lụi tàn. Căn phòng luôn mờ mờ như có bó hương lớn đang cháy đỏ tỏa khói, do chỉ được nguồn ánh sáng chiếu qua những khe cửa lá sách và lớp kính từ bao lâu bụi đóng dầy.

Có con người nằm im trên nắp chiếc quan tài. Gã thiêm thiếp ngủ cùng căn phòng yên lặng như khối nhà mồ. Gã nằm như thế từ bao lâu không chuyển mình, bàn tay vói qua ghế tràng kỷ đè lên cuốn sách lật ngữa, nửa phần sách bật khỏi mặt ghế thỏng xuống sàn gác. Ý hẳn gã đã giữ cuốn sách ở vị trí lưng chừng nầy suốt giấc ngủ. Không nghe tiếng thở của người, chỉ âm ỉ rì rào của lũ mối tham lam thâm hiểm. Căn phòng tối rất nhanh theo bóng dâm từ ngoài hàng hiên đậm lại với buổi chiều. Người ngủ vẫn giữ nguyên vị thế nằm sấp bực bội, khó chịu, hai chân gấp lại chổng lên. Hóa ra gã đã thức tự bao giờ...

Con người ngồi dậy. Đấy là gã tuổi trẻ chưa đến hai mươi, tóc bồng lên phía trước rũ xuống trán, phía sau dài quá gáy lấp lên cổ áo lạnh. Và dù chiếc áo được may bởi hai lớp nỉ dày cũng không che đậy được phần cơ thể gầy gò tuy đang ở độ tuổi phát triển; vẻ gầy yếu do suy dinh dưỡng, không hoạt động cơ bắp nơi khoáng đạt, với chiếc cổ cao khẳng khiu lộ liễu, thêm bởi đầu tóc dài rậm. Tất cả làm nét khốn khổ điêu tàn càng đậm phần thảm hại. Tuy nhiên gã vẫn duy trì được vẻ láu lỉnh đùa cợt do nụ cười bất chợt trẻ thơ. Cách thế, phản ứng của loại người không muốn bị nhận chìm bởi hoàn cảnh.

Gã đi rón rén đến dãy cửa kính ngăn căn gác và lan can mặt tiền. Bước chân dù nhẹ cũng đủ làm sàn gác rung rinh, răng rắc chuyển động. Gã dò bàn chân cẩn thận tránh những lỗ nứt lộ liễu do mối ăn thủng, hai tay choàng chiếc chăn vàng nâu sát quanh thân người, đi đến khung cửa, tì trán vào ô kính nhìn xuống lòng đường... Hơi nhích đầu lui, gã dùng ngón tay di di bụi trên mặt kính, kéo một góc chăn chùi phần trán, xong áp mặt vào lớp kính sát hơn. Cặp mắt nâu đen nhìn chăm chăm xuống lòng đường loáng nước như thể gã đang tìm kiếm một điều gì tuy quen thuộc nhưng luôn mới mẻ. Mưa xứ Huế gây gây ẩm, khí lạnh thấm qua lớp kính mờ bụi căm căm.

Người thanh niên nhìn từ cực phải con đường, phía đầu con hẻm trải đá lồi lõm luôn đầy rác bẩn do những gia đình từ trong sâu đem ra đổ, nơi nầy là mặt sau của ngôi nhà lớn, hướng cửa chính mở ra phía Đường Gia Hội. Mình lại lẫn thẩn rồi, phải gọi là Đường Chi Lăng chứ. Thì lúc ấy còn bé nên quen gọi thế, mười năm hơn chứ ít gì.. Lúc đó mình đâu đã được mười tuổi, còn nhỏ chút xíu. Gã lẫm bẩm về những điều chợt nghĩ ra, cũng như muốn bào chữa khuyết điểm đã không nhớ chính xác về một điều gì có giá trị của quá khứ mà hiện tại tồi tàn nầy như một cách xúc phạm. Hắn ta tiếp tục dõi mắt từ chân đống rác đến nóc nhà. Trước khi mở tiệm bán xe đạp hiệu Rồng Vàng, nhà nầy là cơ sở gì, hẳn phải giàu lắm mới xây nhà lớn như thế kia? Khi nghĩ đến chữ "giàu", gã xây mặt nhìn lui căn gác. Quái thật! Có tiền sắm những thứ quỷ nầy làm gì nhỉ. Khối tiền đấy chẳng chơi. Gã xoay hẳn người lại đưa chân lên mép tay dựa chiếc ghế trường kỷ, đạp lay lay. Coi chừng đấy ông ạ, sập lầu hết chỗ ngủ bây giờ. Gã nhìn quanh đống đồ cũ khinh miệt diễu cợt. Thế mà ông cũng nhờ nó mà qua mùa Đông đấy, đừng giở trò bạc. Gã lại đưa mắt nhìn lên nóc ngôi nhà lớn. Khoảng tường TAM GIÁC dưới đầu hồi.. Hình con Cò với hàng chữ số màu ĐEN 1922. Như thế căn nhà nầy có cùng năm mẹ mình sinh. Tại sao lại vẽ hình con cò, phải hình con chó mới đúng với năm ấy. Mà cũng phải thôi, ai lại đi vẽ hình con chó trên nóc nhà bao giờ. Và hình vẽ cũng đẹp đấy chứ, gần bốn mươi năm nét còn sắc. À còn chuyện nầy nữa. Không hiểu tại sao mẹ lại hay tự trào, "Con cò mà đi ăn đêm". Có thể lúc trẻ bà cũng đã nhìn hình vẽ nầy và thắc mắc như mình chăng. Không phải thế đâu, thuở còn nhỏ mẹ mình đâu ở xóm nầy, nhà ông ngoại đâu trên Nam Giao cơ mà. Cũng không hẳn như vậy, anh không nhớ bà hay kể chuyện "Con ma cây khế" sao. Con ma cây khế ngồi ru con. Như thế nhà phải ở đâu đầu vườn bông, nơi con hẻm nhỏ. Vậy là có ma thật sao.. Mẹ mình đâu phải là người lắm lời nhiều chuyện, có thấy mẹ lớn tiếng và cãi cọ cùng ai đâu.. Hình ảnh con cò những kỷ niệm ngày nhỏ gây lòng vui vui, gã có cảm giác như đang chứng kiến, nghe đối thoại giữa hai mẹ con, sinh hoạt đầm ấm gã từng sống cùng, thực hiện, nay mất đi, xa xôi như nỗi bất hạnh, bất ngờ phải nhận ra nơi căn gác tồi tàn lạnh lẽo nầy. Có mẹ ở cùng vẫn hơn.. Không biết gã đã nói nên lời hay chỉ thoáng ý nghĩ. Chỉ biết gã lại rơi vào cảnh thực tế hiu quạnh buồn thiu. Mẹ mình bây giờ ở đâu?.. Chỗ làm việc lại đuổi mẹ, họ không chịu cho mẹ làm nhân viên, dù nhân viên phù động công nhật vì lý lịch chính trị. Như trường hợp ở Ty X Nha Trang vậy. Mấy hôm nay mẹ cứ lang thang suốt ngày trong sở thú, chẳng lẽ cứ ở hoài trong nhà người ta. Ngồi ở chỗ chuồng khỉ nhìn mẹ con khỉ đùa giỡn với nhau mà tủi thân. Gần bốn mươi tuổi vẫn không kiếm được miếng ăn nuôi các con, bỏ hai con ngoài ấy thật đau lòng cho mẹ lắm.. Mẹ biết làm sao bây giờ? Ai mua máu mình mẹ cũng bán ngay, làm sao cho hai con được bữa ăn qua ngày. Mẹ nói như thế là nói thật vì cũng đã đi đến chỗ mua máu, nhưng người ta cũng không nhận. Họ thấy mẹ quá gầy yếu, sợ lấy máu xong mẹ chịu không nổi mà ngất đi tại chỗ thì phiền cho họ.. Gã không nghĩ tiếp nữa, như có cái gì nghèn nghẹt ở cổ. Gã thở hắt ra từng hơi mạnh như muốn đẩy ra cục, khối vướng vít cay cay kia. Gã chặt chặt lưỡi như thể đang bị đứt tay hoặc phải chứng kiến cảnh tượng một người già đang đứng nép bên đường bị tên đi xe đạp bất cẩn tông phải. Sở dĩ gã nghĩ đến cảnh tượng kia vì dưới đường đang có hai, ba người đàn bà gánh gồng chạy lướt thướt. Thân người lấp kín dưới đôi quang gánh và tấm ni-lông, chỉ thấy dạng chiếc nón trắng đục trong màn mưa chiều tối. Hóa ra, ngày nhỏ mình thường thấy khó khăn nôn nao khi nhìn thấy những người đàn bà gánh hàng chạy trong mưa chỉ là do biết trước tình cảnh của chính mẹ mình. Nhưng, những người kia chỉ một lát nữa, họ sẽ về đến nhà, vặn to ngọn đèn dầu, đi xuống bếp, ngồi bên lò lửa với những đứa con quanh quẩn. Mẹ bây giờ ở đâu? Gã liếc về phía trái, lên trên tàng cây xanh đậm của hàng bông gòn, tượng Đức Bà in sậm trên nền trời và sau lưng, trên cao hình Thánh Giá. Gã chỉ nghĩ thế thôi, chứ thật ra không thể thấy hình tượng Thập Giá được. Phải cúi người xuống, nhìn chếch lên từ mép hiên nhà. Nhưng cũng phải vào buổi ban ngày, lúc trời nắng. Bây giờ, giữa cảnh mờ xám đất trời, với nỗi u uẩn trong lòng gã thấy Thánh Giá như một cách cầu viện. Thật sự gã cũng không thấy được tượng Đức Bà. Gã chỉ Biết nỗi buồn đau có thật.. Người Mẹ nào cũng đau khổ. Người Mẹ nào cũng thấm Đau. Chẳng biết mẹ mình bây giờ ở đâu?

Người đi xe đạp với chiếc cặp da vắt ở thanh ngang đằng trước dừng lại ở ngay mái hiên dưới đường, ông nhìn lướt qua từ nhà số 3 đến nhà số 7.. Gã thanh niên mở nhanh khung cửa, bước ra hiên lầu. Đây, đây.. Nhà số 5 có thư phải không? Khi người phát thư tỏ ý xác nhận thì gã đã leo qua thành lan can gỗ, hơi ngần ngại một thoáng ngắn trước khi đu thẳng người xuống đất.

- Có ai tên là Thái, Nguyễn Văn Thái?
Người đưa thư kéo tờ giấy màu xanh nhạt nơi cuốn sổ; để ra xa tầm mắt, đọc chậm rãi,
- Nguyễn Thái à.. Làm gì có ai tên ấy ở đây. Bác đưa thư cho em bao nhiêu lần, không nhớ tên em sao...
- Bởi thế mới hỏi, tên nầy lạ quá. Cậu tên Hải chứ gì. Đoàn.. gì Hải phải không?
- Vâng, Đoàn Trọng Hải.
- Đó, tôi nhớ đâu sai. Tại sao lại gởi cho ai tên Thái ở nhà nầy?
- Bác xem người gởi là ai, ở đâu..
- Không ghi địa chỉ người gởi, chỉ đề bệnh viện Nha Trang, người gởi tên.. Nguyễn văn Hai. Ông đưa thư kiểm chứng từ cuốn sổ cái.
- Em đâu quen ai ở bệnh viện Nha Trang, cũng không biết người nào tên như thế. Gã thanh niên trả lời nhanh tỏ ý không muốn nhận tờ điện tín. Có đe dọa ghê ghê đâu từ trong tờ giấy nhỏ màu xanh nầy.
- Hay là cậu cứ ký nhận đi, xong mở ra xem trong đó có gì. Nếu đúng là của mình thì nhận, không thì trả lại.
- Có bao giờ bưu điện chuyển tin sai không? Gã tuổi trẻ cố nài nỉ, tránh xa.
- Sai sao được, ghi-sê khi nhận đã kiểm soát một lần, người đánh điện tín coi lại lần thứ hai, sai là cả tổng đài chịu trách nhiệm. Có gì người ta mới gửi điện tín, tụi tui phải đi phát ngay, mưa gió gì cũng phải đến tay người nhận. Cậu ký đi, tôi chịu trách nhiệm mà.
Người thanh niên đưa tay nhận tờ điện tín như gánh chịu một phận cùng đành.

Bây giờ quả thật không thể chịu đựng nổi nữa. Gã đã ngồi bẹp xuống bậc thềm hồi nào không hay, tay vò vò tờ giấy, mắt di chuyển vô tình từ rặng cây, cột điện, đến dưới mái ngôi nhà lớn, chỗ hình vẽ con cò.. Có phải vậy không? Tại sao lại như thế.. Hình như gã đang lẫm bẩm những câu vô nghĩa, hoặc một nội dung mơ hồ, không nắm vững cách phát âm.
Gã xoay người vào trong, bò lê trên mặt đất, mồm ngậm tờ giấy. Gã bò đến cửa, thân hình lắc lư, run rẩy như con chó bị trấn nước. Gã cố đưa bàn tay qua ô cửa kính vỡ để kéo cây móc bên trong, nhưng bàn tay không còn điều khiển được cứ lần mò trên những ô mắt cáo. Giữ vị thế quỳ, đầu tì vào khung cửa, gã dùng bàn tay trái đỡ cùi chỏ cánh tay mặt, nâng lên từ từ.. Nhưng ngón tay vẫn rờ rẫm bạc nhược, không thể nào tìm ra ô thủng lỗ.. Cuối cùng, gã phải bám cả hai tay, chậm chạp đứng lên, xoay xoay chiếc tay cầm, lay lay cánh cửa. Tiếng khô nỏ chiếc thanh ngang rơi xuống, gã túm chiếc áo ở bụng như đang phải bị chấn thương mạnh, cong người lại, đi vào phòng, ngã xuống chiếc đi-văng gỗ, nằm cong queo như con tôm khô luộc. Anh đã THẤY hình dạng, đã cảm được, nhận ra ngây ngây hơi lạnh Sự CHẾT ở đây, trên chiếc đi-văng gỗ nầy.. Thằng Q, em mình nằm chết như thế nầy; có đâu mấy tháng.. Mười năm trước, 1950.

Lạnh! Cái lạnh từ trong cơ thể, nơi đường ruột rung rung sôi, nơi hoành cách mô bị ép cứng, trong dạ dày bị khuấy trộn, bàng quang muốn nứt đôi như đang đầy ứ nước tiểu. Mình có ăn uống gì đâu mà đau bụng và muốn tiểu thế nầy. Gã chỉ loáng thoáng nghĩ được câu ngắn ngủi, xong trở lại đối phó với cái lạnh kỳ quái càng ngày càng tăng. Đâu có tấm chăn, cái đắp.. Tấm chăn màu Đỏ quấn tròn xác đứa bé em, thò chiếc đầu lơ thơ những sợi tóc nâu nhạt.. Gã liếc xuống nền nhà, trước bàn thờ có chiếc chiếu dùng cho người ngồi quỳ lạy trong dịp cúng giỗ. Gã hơi ngần ngại vì bản tánh sạch sẽ, nhưng phản ứng nầy không kéo dài được lâu. Cơn giá lạnh chụp riết, thấm sâu. Gã đánh bò cạp, rên hừ hừ, bò xuống đất đến chỗ tấm chiếu. Khi đã đắp được thân hình, gã mới nhận ra được điều nghịch lý: Chiếc đầu nóng sôi như đang bị hắc ín chảy nhão rót theo hai giây thần kinh từ đỉnh đầu nối xuống gáy. Gã nằm mê mê, tờ điện tín đắp lên mặt.

...Sóng người đẩy dạt gã từ phòng đợi ra sân ga, ở đây đang đầy ắp những người mặc y phục quê xứ Bắc; y phục của ngày di cư năm 1954, vào Đà nẵng. Tất cả đều ở vị thế NẰM với những bao bị lớn màu cứt NGỰA. Cho dù vùng vằng chống cự, gã cũng phải bước qua đống hành lý hỗn độn và khối đông với cảm giác e dè.. Có những gai, đinh lẫn trong bao gói ngổn ngang kia. Những người đàn bà thoạt tiên nhìn gã với ý chế diễu, sau buông lời chưởi mắng, mỗi lúc một tồi tệ. Gã cố chạy trốn nhưng chân dính cứng xuống sân xi-măng bởi một loại dầu nhớt ĐEN. Gã thử rút một CHÂN.. Đôi giày há mõm trơ những cái đinh SẮT (Vừa bực bội vừa buồn cười như tình cảnh của phim Charlot coi ngày nhỏ) Nhưng bây giờ gã không thể há miệng cười được vì trong mồm đang đầy những HẠT trơn, tròn, trắng, nhạt nhạt. Những hạt nầy đóng ở vòm miệng, thành lưỡi nhưng không thể nuốt xuống hoặc nhổ ra, bởi nùi bông gòn chật cứng khô khan đầy miệng. Dầu dính chặt chân, đế giày thủng, những đinh gai, những bàn tay bấu víu, cào cấu trên cổ chân, tia nhìn khinh miệt, lời xĩ nhục. Tất cả trạng thái, tình cảnh kỳ cục khó khăn nầy hình như kéo dài bất tận. Mặc cho lời chưởi mắng, ta hãy cứ gắng đến cửa phụ lên được tàu đi Nha Trang với mẹ là xong. Gã tự nhủ khi lách người qua khe hàng rào gồm những cây cột màu trắng bê-tông cốt sắt, nhưng chỉ lọt được cánh tay, thân kẹt lại vẫy vùng, lúng túng. Làm sao bây giờ; tàu đã đến kia rồi.. Tiếng người cãi cọ, giọng Quảng Nam khắc khoải, đau đớn, tuyệt vọng... Những người đàn bà Bắc đồng loạt đứng lên. Tất cả chạy vào hẻm núi đá ĐEN, những bàn CHÂN trần xô đẩy, đạp lên nhau, ngàn vạn tròng MẮT hốt hoảng trợn trừng. Cảnh tượng càng trở nên hỗn loạn khi đoàn tàu rầm rập tới, còi hú dài rền vang. Tàu tiến vào sân ga, không một bóng hành khách, các toa dài thậm thượt chỉ chất đầy vòng cườm TANG và than đá ĐEN. Gã thanh niên bứt được qua khe hàng rào, chạy theo đám đông đàn bà, hướng mũi tên Đỏ trên tấm bảng mầu trắng có ghi rõ hàng chữ “ĐI HÀ NỘI". Thế là không đi Nha Trang, phải ra Hà Nội, KHÔNG tìm được mẹ. Làm thế nào bây giờ?! Gã thanh niên bị đám đông kéo theo vào hẻm núi tương tự như lần đầu bị kéo ra khỏi phòng đợi. Và lần nầy cũng không phải cảnh khó khăn như khi bước qua đám đàn bà nằm nơi nhà ga mà đã là một tình trạng thực khốn khổ với những GAI nhọn đâm lút bàn CHÂN và DẦU ngập đến GỐI. Ô kìa, mẹ đang đứng trên núi cao, đỉnh núi ĐEN thẫm, tay mẹ cầm cuốn sách lớn bìa màu Đỏ.. Mẹ đưa con cầm hộ.. Gã muốn kêu lớn, nhưng không thể nào phát âm dù đã vùng vằng, cào cấu, thử đến lần thứ HAI, lần thứ BA. Gã cuống cuồng trèo lên sườn núi, cũng là cách thoát thân bởi hai sườn núi đang dần siết chặt lại. Từ vị thế chông chênh trên sườn núi gã nhìn lui.. Đám đàn bà đang trong cơn cuồng khấu tuyệt vọng, đạp lên đầu nhau tìm đường thoát thân. Người mẹ vẫn lặng yên nhìn gã xót thương, ánh mắt buồn thảm đau đớn và thân người bà nâng CAO dần với vị thế bất động.. Bà đưa cho gã cuốn sách. Nhưng khi gã chạm đến bìa thì cuốn sách biến thành cái KHUNG VÀNG: Từ trong rơi ra những hạt cườm như những hạt trơn trơn gã đang ngậm phải. Người thanh niên cố gắng trèo nhanh, tay bám vùn vụt lên những lằn đá núi. Đá cắt tay gã những đường máu Đỏ tươi. Hốt hoảng, gã di động tay qua những phiến đá khác. Chết rồi! Gã kêu lớn.. Mẹ ơi.. Nhưng người mẹ đã lẫn vào trong mây. Và tay gã ướt đẫm máu những vết cắt mới. Máu chảy đỏ trên sườn đá thành giòng. Gã dẫy dụa, cào cấu, lăn lộn trên sườn núi loang loáng máu. Người thanh niên vụt tỉnh giấc.. Nước mắt đầy tròng, chảy tràn xuống cổ, sau vành tai. Chưa bao giờ trong đời gã khóc dữ dội đến như thế.

...Anh Rô, anh Rô.. sao Rô khóc dữ rứa? Giọng đứa em sũng ướt lo âu. Nỗi tội nghiệp của con chó nhỏ sắp bị bán, cho đi hoặc bị giết. Con bé cầm tờ điện tín e dè.. Nó đọc những giòng chữ mã hóa khó khăn. Nước mắt dần chảy dài, tờ giấy hóa ẩm ẩm ươn ướt.

Bây giờ gã sống trong tình trạng tuyệt vọng của giấc mơ, hiện thực nơi toa tầu bẩn thỉu, ẩm ướt nhớp nháp và đứa em ngồi co ro bên cạnh. Con bé ngồi im do tiết lạnh, phần lo sợ chuyến đi bất chợt hiểm nghèo. Gió đùa mưa rây rây bay vào toa qua cửa sổ, đám hành khách nhốn nháo lên xuống, những gánh quà rong chao đảo đi lại ồn ào. Cảnh tượng ngoài trời nhòa nhạt trong vùng hơi nước xám đục, qua màn khói tàu kéo lướt thướt từ từ kết đọng trước khi tan. Gã trẻ tuổi chỉ phân biệt được loạt âm động đều đều nhịp bánh xe, tiếng máy tàu hừng hực, va chạm ngúc ngắc từ những tấm kim loại nối kết hai đầu của mỗi toa, hệ thống thắng siết, nhả dưới lườn xe.. Chen trong chuỗi âm thanh xao xác, tiếng khóc rấm rứt, nấc nấc tội nghiệp của đứa em. Hai anh em đến ga Nha Trang vào nửa đêm. Trên lối đi chìm bóng tối dẫn đến bệnh viện, người thanh niên có lúc nhận ra.. Biển đang gầm gừ chuyển động ở một nơi nào đó rất gần. Gần như sát bên cạnh, trong thân. Cơn lạnh từ chiều hôm qua hình như càng lúc càng siết chặt. Gã choàng tay ôm em. Hai chiếc bóng xao động chập chờn trên mặt đường theo tàng lá cây bị gió quật ngã nghiêng.

Người mẹ nằm sát mặt nệm như cành cây mục bị lấp xuống đất đã lâu. Dấu hiệu sự sống chỉ còn nơi tròng mắt, nhưng ánh mắt cũng đã lạc thần, thỉnh thoảng lóe lên tia nhìn kinh hãi van xin...
- Mẹ em bị “cancer vert”, ung thư gan. Chúng tôi không thể làm gì hơn được. Đây là triệu chứng của giai đoạn cuối cùng. Tiếc rằng không phát hiện từ trước và nền y tế nước ta không có phương tiện. Người bác sĩ diễn đạt, tóm tắt bệnh lý với cách thức khác thường lệ, vượt qua khỏi lạnh lùng khách quan nghề nghiệp.
- Dạ.. Hai anh em con cám ơn bác sĩ, cám ơn các chú, các cô y-tá ở đây... Chúng cháu chỉ hai anh em, không biết gì hơn, không có gì cả. Hai anh em thôi à. Một người nào đấy hỏi nhỏ. Vâng, cháu mười bảy và em cháu mười hai. Người bác sĩ và đám y tá bước ra, ông nói khẽ với nhân viên phụ trách trực tiếp giường bệnh.. C'est trop tard... Plus de morphine pour ell. Ông cố làm vẻ dửng dưng sau khi vỗ nhẹ nhẹ vai gã thanh niên.

Sự chết đã hiện nên cụ thể từ ngón chân lên đầu gối. Hai ống chân, đúng hơn hai ống xương chân phủ lớp da khô tái lạnh tanh, xuôi im tê liệt bất động. Tất cả phần thịt từ đùi bụng đã hoàn toàn teo khô, tiêu biến. Ánh mắt xiêu lệch, leo lét, trống vốc.. Lâu lâu người mẹ đão tròng mắt qua lại như tìm tòi, cố nhớ một điều gì hoặc lẫn trốn một sợ hãi đe dọa. Hình như bà muốn đưa tay lên nắm, sờ con, nhưng cơn đau đớn từ trong cơ thể lôi kéo, đẩy bàn tay vào một chuyển động rời rạc lẫn lộn. Những ngón tay run run đưa trước mặt, lay lắt khe khẽ như muốn hất bỏ, tách ra lớp da thịt, bộ phận nào trong cơ thể đang bị lỡ loét, nhức nhối, đau đớn.. Những ngón tay bất chợt thả xuống, bấu vào mép chăn, sờ sò lên ngực, gạt nhè nhẹ ở bụng. Động tác tuy yếu ớt nhưng tia nhìn bỗng loé lên ánh quyết liệt. Lần quyết định cuối cùng để bức thoát khỏi nỗi đau quá sức chịu đựng.

..Mạ.. mạ.. đau..quá.. Chiếc lưỡi cử động khó khăn.. Mỏi chân lắm.. mạ bỏ hai đứa.. Tội lắm. Người mẹ không nói được hết câu, đưa hai cánh tay lên che mắt. Con chim heo bay qua kêu thét tiếng ngắn. Âm rờn rợn ác độc xẻ bóng tối chập chùng, đêm mùa đông sũng ướt, miền biển lộng gió chướng.
Người thanh niên gỡ cánh tay bà mẹ xuống. Anh mở mí mắt sụp cứng, nhìn vào tròng mắt đứng sững. Mẹ chết thật rồi em ạ.. Gã nói tiếng nhỏ. Thật sự chỉ mấp máy môi. Đứa em cắn chặt những ngón tay giữa kẽ răng, vùng vằng đầu tóc ngắn.. Em không biết.. Em không biết.

Bên ngoài, phía biển hình như gió thổi mạnh hơn. Người tuổi trẻ đột nhiên nghe tiếng sóng dập dồn mạnh mẽ rồi bất chợt lặng thinh. Ngày chưa đến, bóng tối nhờ nhờ qua khung cửa sổ dưới tàng cây đục màu chì.

Gã nhìn xuống ngôi mộ vừa mới đắp, mưa nhỏ rây ướt thấm mềm lớp đất nâu đỏ như cặn máu. Vậy là kết thúc đời của mẹ. Một đời người. Gã đã đến đây từ Huế, người mẹ đi ra từ Sài Gòn.. Hai mẹ con gặp nhau ở đây, một nơi chốn không hề định trước. Trên sườn núi lưng Đèo Rù Rì, gã trẻ tuổi nhìn theo con đường nhựa đen, Quốc Lộ I chạy thấp thoáng uốn lượn, lẫn khuất giữa đá núi, đồng ruộng và bờ biển. Quay lại hướng thành phố Nha Trang, những khối nhà hỗn độn, cầu xóm Bóng, hàng dừa xanh màu lục đậm cùng màu mặt biển nằm im. Đèo Rù Rì. Tên nghe lạ quá. Mẹ chưa tới bốn mươi. Mẹ chưa hề trọn một buổi ngày vui vợ chồng, hạnh phúc gia đình đầm ấm. Động tác thoải mái, nét mặt thư thả, bình yên nhất là những khi mẹ đã chùi xong nền nhà, ngồi chống tay trên mép giường, nhìn chiếc sàn loang loáng nước.. Nắng hanh chiều cuối năm dọi vàng ô chữ nhật đổ chéo từ ngoài hiên hắt bóng vào. Những giờ khắc quá ngắn như màu nắng chiều cuối năm hiu hắt. Niềm vui của mẹ cũng mau chóng thoáng qua như buổi giao hòa đất-trời, cũ-mới, của ngày tận cùng, đêm trừ tịch. Mẹ thắp hương, nhỏ bé mong manh đứng trước bàn thờ, nét mặt phảng phất khói nhang, đôi ngươi loáng sáng ánh nến. Và mẹ hình như mĩm cười. Đang hoan lạc lung linh. Mẹ mình chỉ có những phút vui quá ngắn và KHÔNG THẬT. Và từ một tế bào nào đó tận sâu trong cơ thể đã gây nên một cơn ĐAU có THẬT làm run cánh môi, làm ánh mắt lo sợ lạc thần, đẩy đẩy những ngón tay tuyệt vọng co quắp. Và có thật sự mất mát tưởng như không thật nầy. Nơi nấm mộ nằm im không kẽ nứt, giữa núi đá trùng trùng vây kín và biển im lặng ngoài xa.

Đột nhiên, gã nhớ ra sáng hôm nay, ngày Ba-mươi Âm lịch. Chiều nay, chiều cuối năm, và sẽ là đêm Giao Thừa. Như thế, Tết nầy Mẹ không ở với mình. Mẹ sẽ mãi không có.

Nhớ một lần cuối năm ở Nha Trang.
Tết Năm Tân Sửu, 1960-1961


& 6 tháng 11, 2003 ở Huntington Beach, California.-Buổi Sáng, Ngày Ba Mươi - Phan Nhật Nam



Trên chuyến tàu đêm giao thừa
 VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

3/2/73 (30 Tết Nhâm Tý)

Buổi chiều tất niên, tôi sống những giờ phút thảng thốt. Tết mà lại nắng, mọi thứ nhếch nhác cứ trơ ra trong nắng. Bụi bẩn. Xe đạp phóng ẩu. Những người đàn bà lo sinh kế. Mấy cô gái mới lớn thích diện nhưng nghèo. Những đứa trẻ hau háu đợi người đến bơm xe đạp. Trong khi đó thì người ta vẫn ra vẻ vui vẻ. Thỉnh thoảng lại một tiếng pháo nổ rất bực mình.
... Chính vì  muốn giải phóng ra tất cả những cái đó, tôi lánh đi, tôi quằn quại tìm cách đi.
Đêm 30. Tôi đi để sống với những người khác, hay là để trốn chạy khỏi nỗi chán chường cá nhân-- hai cái đó thật khó phân biệt.

Người từ Hà Nội đi, lúc đầu tưởng độ 100, sau 700-800, 1000. Toàn là cán bộ nhà nước, với quá nhiều xe đạp.
Sau những đớn đau tê dại, tưởng như cuộc sống đã mất những thiêng liêng. Nhưng trong những ngày giờ như lúc này vẫn là những náo nức hy vọng.
Đêm nay, tôi sống giữa những người không quen biết, bởi chỉ có một chỗ giống họ là xa nhà. Nhưng cái chính là một không khí khác. Tôi được sống trên một cái gì đang đi. Giữa đêm đen, tôi sống biệt lập trong một vùng ánh sáng xa lạ.
Đến Nam Định thì giao thừa. Lòng tôi mơ theo lửa đỏ -- pháo hoa Hà Nội. Trong khi đó thì ở đây chỉ có những quả pháo nổ lẹt đẹt.
Ở một làng nào, lửa đỏ như vệt B52 trong đêm. Hay ai đó vui quá cho bắn  pháo ? Người ta nói chuyện gì lúc giao thừa, lúc vui?
Trên cái toa xe phần lớn bộ đội này, người ta lại nói chuyện chiến thắng. Nói tới tình thế. Nó chịu ta rồi. Nó sẽ cho ta mấy tỉ mỹ kim... Nhưng khi tôi hỏi mỗi người sang năm anh định làm gì, sang năm anh có kế hoạch gì -- thì không ai trả lời cả. Cũng như bom Mỹ đánh hôm trước, hôm sau trên báo có thơ ngay, còn khi tuyên bố hoà bình rồi, chả thấy ai hé răng gì cả.
- Hôm địch đánh 18, anh ở đâu?
 Tôi hỏi câu đó với nhiều người. Ít ai có cái ấn tượng kinh khủng như chúng tôi.
(Trong khi đó, ngay chiều ba mươi trên tàu điện ở Hà Nội, một người đàn bà nói với tôi:
- Làng tôi may quá, chỉ chết có 4 người. Chẳng phải nói chứ chính là nhờ làng tôi làm hầm Cồn Cỏ. Thành ra cũng đỡ được nhiều lắm. Những làng khác, hầm đào nổi quây quây mấy hòn gạch, chết vô khối. Gớm hôm nó đánh xong, tưởng tất cả chết, chỉ mình mình còn sống. Sau thấy cũng còn nhiều người còn sống như mình.

Nghĩ lan man về chuyên môn. Thế nào là một nghề phục vụ? Nghệ thuật, vừa là một thứ công nghiệp, lại vừa là một nghề phục vụ. Tâm lý thanh niên thời đại? Tôi biết tìm đâu, để hiểu điều này? Nhưng rồi lại giật mình, những câu hỏi như thế đang xa lạ với mọi người.
Có một cái gì đấy, như là bất mãn, nảy sinh trong lòng tôi. Bất mãn trước một thực tế già cỗi, trì trệ của đất nước.
Thời đại vừa có gì rộng quá, đến nỗi chúng tôi không hiểu hết được. Lại vừa như là chật quá, vớ vẩn quá, có nhiều chuyện, tôi nghe mãi phát chán.
Tôi vốn không tin rằng mọi xã hội có thể xoay chuyển nhanh. Sống trong xã hội này, càng thấy trì trệ. Vậy mà vẫn thường xuyên bực bội. Gần như muốn phát khóc vì tốc độ chậm rề chậm rệt của chung quanh. Nhớ có lần ngồi trên gác CLB Ba Đình nghe nói chuyện, nhìn xuống phía quảng trường, thấy nhưng bóng người đạp xe qua lại lơ thơ. Như từ thế kỷ nào xa lắm hồi vọng lại. Vậy mà chốc nữa, giá tôi đi  xuống đó, thì cũng lại tự nhiên y như mọi người khác, cắm cổ đạp vội.

 Một ý của Nguyễn Khải (nhân bàn về tình trạng sau chiến tranh mọi người ít nghe đài ):
-- Người ta chóng quên ghê lắm. Càng chóng quên là những việc không dây dưa gì đến người ta. Như mình, mình cũng chỉ chú ý tới chiến tranh, còn bây giờ hoà bình, ai làm gì thì làm, mình biết đâu? Cho nên, mình mới phải nghĩ và nghĩ ngay về cái chuyện thế giới quan tâm đến mình. Mà quan tâm hơi lâu. Đúng là nó có dính gì đó đến họ, dính về mặt trí tuệ đấy.

Những năm chiến tranh, nhiều dân tộc chia sẻ với chúng ta chống Mỹ. Với ý nghĩa là dân tộc Việt Nam phải có quyền quyết định lấy vận mệnh của mình.
Nhưng sau đó rồi, thì chúng tôi cảm thấy bơ vơ. Điều mà họ nghĩ, với điều mà chúng tôi nghĩ, là có khác. Họ chờ đợi thấy một Việt Nam khác nhưng chúng tôi lại không có cái điều mà họ đang mong.

Thường thì đôi lúc, tôi cứ kinh sợ vì những đứa trẻ. Nó là biểu hiện sức sống của nhân dân này một cách rõ rệt hơn. Biểu hiện rằng dân tộc này không chết.
 Nhưng có chắc rồi có một sự sống thật sự, một sự sống ở trình độ cao? Hay đó chỉ là biểu hiện sự sống của một cái gì đang chết sẽ chết. Như một cá nhân, bao người đã chết để xã hội chết theo?

Là những bậc thầy về công việc vá víu - người ta nói về Việt Nam là vậy.
Giá anh bảo một người Việt Nam rằng anh phải sống nghèo hơn, khổ hơn,  anh không được đi đâu làm gì cả, anh sẽ rên xiết trong anh điều lạc hậu... thì người Việt Nam kia sẵn sàng gật đầu.Tôi không chết. Tôi vẫn sống. Và tôi còn sinh đẻ nữa. Thế là đủ.
Nhưng bảo rằng anh phải làm ăn cho khá hơn, anh phải bớt sinh đẻ đi, anh phải nâng cao cuộc sống anh hiện nay -- thì người Việt Nam kia cảm thấy rất mực khó khăn.


4/2/73(Mồng một Tết Quý Sửu)


Trên đường đi. Ga Nam Định, Thanh Hoá 1500 khách
Ga Vinh - 2000 khách. Hành khách trung bình chờ 30-38 giờ
Hành khách lịch sự nhất là khách Hà Nội Hải Phòng.
Hành khách khó tính xấu tính là khách phía Nam, Thanh Hóa, Vinh, những vùng chiến sự. Lên tầu, tìm ăn ăn xong, rải ni lông ra sàn ngủ.

Ninh Bình - thành phố của núi đá và những công trình của con người, ngay trên một miền đất phẳng.
Núi rất nhọn, sông rất xanh, và cỏ rất cằn, đất rất rộng, đó là Ninh Bình. Những đoạn đường bụi đỏ hai bờ cây lá. Nông trường Đồng Giao nhà chỉ còn tường nhiều đoạn đường mòn đi qua nền nhà.
Phần lớn hành khách là bộ đội.
Ngày tết thành phố chen chúc khác thường. Còn như ở đây, buổi sáng mùng một im lìm. Thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe com măng ca một chiếc xe đạp.
Những người lớn đâu cả, chắc đang chè chén, bàn việc với nhau trong nhà. Chỉ có đám trẻ con chạy ra đường. Trẻ con từng đám, đứng chen chúc đầu ngã tư đường. Hàng chục đứa, cùng chỉ một màu áo xanh trứng sáo. Chúng nó không hết ngạc nhiên trước những đoàn tàu đi qua. Chúng nó băm bổ chạy dọc con đường sắt:
- Chúng mày được nghỉ học mấy ngày?
- Được nghỉ đến mùng 3 thôi.
- Giá kể đến mùng 4, mùng 5 thì thích.
...
- Lớn lên chúng mày đi bộ đội nhớ
- Vâng. Vâng... Thích lắm.

Hàm Rồng. Lại những khung cảnh chiến tranh. Một địa thế rộng. Lèn đá vệt bom đã cũ, lẽ ra, con đường bò ra, đường đầy bụi. Những chiếc xe tải vập vạp, lúc lẫn vào đoạn đường bụi đỏ, lúc lẫn vào đoạn đường bụi trắng.
Buổi sáng, đoàn xe tải chở phà bật đèn đi.
Càng sáng, càng nhiều xe.
Chỉ có những đoàn xe là đông, là làm sống lại khung cảnh khu vực nhà máy điện cũ nát. Hố bom, cái thì cỏ lên xanh, cái thì còn đỏ miệng. Dáng người đi, lẫn vào trong đường xá trời  đất. Mấy người đàn bà đi cắt cỏ. Cỏ dại. Người cũng như là một giống cây dại. Ở thành phố, người nhiều, người lúc nhúc. Thành phố nghĩa là nơi đâu người ta cũng thấy dấu vết của con người, những vạt cỏ, những ánh đèn, bóng nhà cao. Ở những quãng sông nước này, thiên nhiên khắc nghiệt, và hoang vu quá. Hoang vu đến mức những mái nhà bị bỏ quên cũng trở nên ngất nghểu. Dấu vết con người sao quá nhạt nhòa.
Có lẽ vấn đề trung tâm mà tôi muốn để tâm nghĩ trong những ngày tới - bộ mặt của một đất nước sau chiến tranh. Những di luỵ của bom rơi máu đổ trong đời sống và trong tâm lý mỗi con người trong xã hội.

Hoà bình có một nghĩa chung với tất cả mọi người. Nhưng với mỗi người, hoà bình lại có một nghĩa khác. Đối với Khu 4, hoà bình có nghĩa là một cuộc sống trở lại trên mặt đất.
Những cụm ga những đoạn cầu, nó như là nơi đối mặt của hai phía chiến tranh và hòa bình.
Ngổn ngang, không bao giờ mặt đất hết ngổn ngang. Những gì tàn phá chưa chịu lẩn đi mà còn chềnh ềnh đó. Nhưng một cái gì chủ yếu nhất  -- sức hoạt động -- thì đang tự nó làm nên ấn tượng một sự thay đổi. Sự tình là cái sống phải lấn cái chết từng bước một. Phải gạt cái tàn phá sang một bên để mà gắng gượng đi lên.


Tết của dân oan tại vườn hoa Lý Tự Trọng


Thanh Trúc, phóng viên RFA, Bangkok
2013-02-11
Tết Quí Tị năm nay dân oan từ các tỉnh kéo về Hà Nội khiếu kiện đã giảm bớt vì một số được công an đưa lên xe chở về nguyên quán, trong lúc vườn hoa Mai Xuân Thưởng bị phong tòa và vườn hoa Lý Tự Trọng thì chỉ còn mười mấy người ở lại vì không có nhà để về.
Blog Nguyễn Tường Thuỵ – Đêm Ba mươi Tết của dân oan ở vườn hoa Lý Tự Trọng (Tết Quý Tỵ, 2013)
Tết lạnh lẽo nơi công viên
Vào những ngày trước Tết, công an phường Thụy Khuê, khu vực có nhiều dân oan tụ họp quanh năm để khiếu kiện nhà đất, được lệnh phong tỏa vườn hoa Mai Xuân Thưởng để dân oan không thể lui tới.
Tiếp đó, công an đến ngay trụ sở tiếp dân ở Hà Nội,  buộc một số dân oan tỉnh Dak Nông lên xe về nguyên quán phía Nam, trong lúc một số khác được người dân ở Dương Nội, Hà Đông, cho tá túc mấy ngày Tết:
Sau hôm đó bà con đã được ở nhờ một gia đình người nông dân tốt ở Dương Nội. Đấy là hôm 26 Tết.
Đó là lời bà Lê Hiền Đức, người thường sát cánh hỗ trợ dân oan trong những vụ khiếu kiện nhà đất bị trưng thu với tiền đền bù không thỏa đáng:
Đến 27 Tết, một công an ở Hà Đông gọi điện: “Cụ ơi cụ bảo dân phải về Dak Nông lấy giấy giới thiệu của địa phương mới được đăng ký tạm trú. Hai sáu hai bảy Tết rồi, bảo người ta về địa phương để lấy giấy giới thiệu thì thà rằng sang 26 người ta lên ô tô người ta về cho nó xong. Sau đó tôi lại báo cáo lên cấp trên và cuối cùng thì bà con báo với tôi là được tạm cho ở mấy ngày. Đấy là nhóm người Dak Nông trụ lại ở Dương Nội.
Còn một số khoảng độ mười chín người dân oan Hải Phòng và một số các tỉnh khác nữa, đêm giao thừa không có chỗ nào nương tựa cả thì vẫn nằm trong lều ở vườn hoa Lý Tự Trọng.
Cảnh màn trời chiếu đất của người dân oan đêm 30 Tết
Cảnh màn trời chiếu đất của người dân oan đêm 30 Tết. Blog Nguyentuongthuy
Tám giờ tối đêm 30 Tết công an phường Thụy Khuê lại ra đấy. Được biết bà con bị cướp một số quà Tết, bánh chưng rồi mứt rồi thì phong bì tiền rồi điện thoại rồi mì tôm vân vân…
Đó là những thứ quà mà dân oan được người Hà Nội và một vài tổ chức hảo tâm ghé cho, trong đó phải kể đến những người tốt bụng ở Văn Giang và Dương Nội.
Không phải đợi đến tối 29 chạy 30 Tết mà trước đó mấy ngày, từ 27 Tết, công an đã đến vườn hoa Lý Tự Trọng, phát cho những người ở lại mỗi người hai trăm ngàn đồng và thuyết phục họ giải tán.
Bà Cúc, dân oan Thanh Hóa từ năm 2005 tới giờ, cho biết:
Đêm 30 Tết họ đánh xe ra họ cho công nhân dọn vệ sinh, họ không đuổi nhưng mà cho nằm ở vỉa hè vườn hoa đến mai sớm là phải ra ngoài. Mùng Một Tết đi đến các cơ quan, còn mùng Hai thì tôi đang ngồi ở vỉa hè của vườn hoa Lý Tự Trọng. Bữa nay còn mười chín người, cũng sợ lắm, sợ họ đuổi thành đứng ngồi cũng không yên. Nhà tôi họ phá đi một nửa còn một nửa sắp rồi không còn nơi ở.
Ở đây dân thương mình thì người ta cho chứ còn nhà nước thì chẳng ông cán bộ nào ra cả, chỉ có cho hai trăm mà phải ký vào bản cam kết là không được ở vườn hoa, không được đi đến nhà các ông để chúc Tết.
Dân oan đón giao thừa ở vườn hoa Lý Tự Trọng
Cụ Ngọc, dân oan đón giao thừa ở vườn hoa Lý Tự Trọng. Blog danoan
Chúng tôi không ký vào bản cam kết mà cũng không lấy hai trăm ngàn.
Bữa 30 Tết thì cái chú công an ấy ra mừng tuổi cho tôi một chục ngàn. Còn đến mùng Một là có chú đó ra mừng cho năm chục ngàn, những người khác được người chục ngàn người được hai chục. Có sao thì tôi nói vậy, nhưng mà không ăn ở được yên ổn, cứ ra ngoài trời ở chứ không được sự quan tâm của nhà nước cái gì cả.
Cũng có mặt ở vườn hoa Lý Tự Trọng cho đến sáng mùng Hai này là sư cô Đàm Bình, đi khiếu kiện hơn năm năm nay:
Ngày 27 thì họ ra họ hốt đồ, ngày 28 coi như công an đến giải thích là nhân hỗ trợ hai trăm để vào nhà trọ. Tôi thì chính quyền chiếm hết chùa chiền rồi, không còn chỗ ở, tôi bảo tôi không có tài sản gì tôi cứ ở vườn hoa chứ không đi đâu cả. Thế thì bà con cũng đi sơ tán khỏi nơi ấy, đến 1 giờ  sáng bắt đầu trở về vườn hoa. Đến đêm 30 thì công an lại đến hốt đồ lúc 11 giờ đêm, bao nhiêu đồ đạt chăn màn của bà con không mang theo được thì lại dấu vào thùng rác ở công viên. Họ ra  họ dọn rác  thì họ lấy hết cả chăn màn ở cái thùng rác. Bây giờ bà con không có chiếu,người còn mảnh chăn đắp người thì không có. Người nào không nhận hai trăm đi nhà trọ là họ không cho một cái gì hết.
Không được đi thăm các lãnh đạo nhà nước
Vẫn theo sư cô Đàm Bình, niềm an ủi trong đêm Tết lạnh lẽo nơi công viên là năm nay có nhiều đoàn thể đi phát quà cho dân oan hơn những năm trước.
Rất là đông các đoàn phát quà rồi bánh kẹo là hơn mọi năm chứ mọi năm thì không ai dám cho dân oan, họ bảo dân oan là không ai được liên quan không ai được cho.
Nếu mà ai không nhận tiền hai trăm để đi vào nhà trọ hoặc về quê ăn Tết thì phải cam kết không được ở vườn hoa, không được đến nhà riêng của các cán bộ cấp cao để gây rối trật tự công cộng.
Về vấn đề nhận hai trăm ngàn của công an đưa để vào nhà trọ hoặc đi nơi khác, một dân oan khác trong số mười chín người ở lại vườn hoa Lý Tự Trọng, bà Hải, quê ở Ninh Bình, giải thích cặn kẻ hơn:
Nội dung của giấy mà công an thành phố Hà Nội đưa cho chúng tôi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc, Giấy Cam Kết … Họ Tên…Địa Chỉ, họ photo sẵn là “Tôi được Đảng và Nhà Nước quan tâm giúp đỡ để về quê ăn Tết số tiền hai trăm nghìn, và tôi xin cam kết trong dịp Tết này không có mặt ở vườn hoa, không ra vườn hoa và không đến nhà các cơ quan và lãnh đạo nhà nước. Ký tên”
Tuy nhiên, theo lời bà Cúc ở Thanh Hóa, bà Hải ở Ninh Bình cũng như sư cô Đàm Bình, vì không nhận  hai trăm ngàn và không ký vào giấy cam kết, nên sang mùng Một tất cả mười chín dân oan đã từ vườn hoa Lý Tự Trọng kéo đi chúc Tết lãnh đạo:
Bà con chúng tôi có đi đến nhà ông Nguyễn Phú Trọng, đến nhà ông Nguyễn Sinh Hùng, sau đó chúng tôi đến số 72 Cơ Quan Liên Hiệp Quốc ở tại Việt Nam chúng tôi ghi tên, sau đó về đến chỗ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Trương Tấn Sang là chủ tịch nước.
Khác với mọi năm, mọi người cho biết tiếp, năm nay dân oan đi chúc Tết lãnh đạo đã không bị công an đuổi và đều được ghi tên. Chỉ riêng tại tư dinh thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chủ tịch nước Trương Tấn Sang là dân oan không được ghi tên mà thôi.
*****
Nguồn:



- Người thân ông Đoàn Văn Vươn đón Tết trong ngôi nhà mới (VNE).- Thanh Hóa: Chi Cục kiểm lâm “thừa giấy vẽ voi” (PL&XH).

- Phạm Ngũ: Ngắm tranh trong khi đại tiện (Phước Béo).

- Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự: Bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa (PLVN). - Tội phạm mua bán người đang hoành hành. - Ngồi tù vì bắt người trừ nợ. - Kỳ án hiếp dâm ở Hà Đông: Cuộc đời tưởng đã mỉm cười…! (DV). - Hoạt động đối ngoại nhân dịp Tết cổ truyền Quý Tỵ (TTXVN/VOV). – Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh qua lời đồng nghiệp (TG&VN).-- Cải cách hành chính gắn với lợi ích của dân (SGGP).

Quà bồi bổ sức khỏe tiền tỷ biếu sếp bán chạy

200 cảnh sát đột kích quán bar lúc rạng sáng
--ĐB Trần Thị Quốc Khánh: Thực phẩm bẩn dẫn đến chết người
(Phunutoday) - "Việc dùng thực phẩm bị ô nhiễm, dẫn đến bị ung thư, chết người là có thật. Đến các bệnh viện bây giờ mà xem, ngày càng nhiều bệnh nhân, nhất là bệnh ung thư, thật là quá tải" - ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết.
- Cuối năm, Công an Hà Nội bội thu trên cánh đồng tôn giáo (Cầu Nhật Tân).

- Khi anh trở thành “kẻ chợ” – Viết để nhớ lại kỷ niệm về nhạc sĩ Đỗ Thành Huấn và Dân oan Trần Thị Hài với lòng quý mến (VCV).

.Ăn sang như người Việt- Tục đưa Ông Táo về Trời hàng năm (RFA).- Container chở hàng chục khối gỗ bốc cháy dữ dội (ANTĐ).- Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường tại tỉnh Bạc Liêu: Phát hiện tình trạng xả nước thải vào nguồn nước không có gi (ĐĐK).
- Hà Nội: Phát hiện xác chết dưới mương nước có vết cắt trên cổ (GDVN).
- Đi tìm “kho vàng thần thánh” trong lòng núi ở Hà Giang- Kỳ 1: Đi tìm kho vàng (PLTP).
- - Nhiều người Trung Quốc chết vì ung thư (VOV).
- Bắc Ninh: Hình sự hóa một hành vi hành chính? (ĐĐK).
- Nhanh chóng khắc phục những bất cập trong việc cấp CMND mới (ANTĐ).
- Đội phó đội CSGT đi xe Camry biển giả (GDVN). – Xe biển xanh đỗ chỗ cấm (Sống mới).
- Chuyện chưa biết về Thượng tá công an cứu hàng chục người tự tử (PLXH). - Hà Nội: Thuê côn đồ giết người, được thả tự do tại tòa (DT/ Tin mới).
- Nhà văn Phan An: Lá cải là thuộc tính của báo chí Việt Nam? (VCV).
- Cái cần cấm thì kêu gọi, cái cần kêu gọi thì lại cấm (LĐ/GDVN).
- Từ chuyện con gà, nghĩ về thói lộng quyền (ANTG). - Minh Diện: NHÀNH MAI CHO CHỊ (Bùi Văn Bồng).- Chưa thể kính thưa một người (TT).- Vị GS đã ăn thịt gì trước khi “ném đá” nền văn hóa Việt? (Đào Tuấn). - Trần Mộng Tú: Chim Kêu Vượn Hú (VOA’s blog). . - Công dân Hạng 2 (VHNA).
- Thái Nguyên: Đội phó CSGT dùng BKS ô tô giả lưu thông (VNN). - Đại úy CSGT dùng xe biển số “khủng” 29A-226.86 giả (NLĐ). - Xe công phạm luật, UBND TP Hà Nội không thể làm ngơ (KT).
Công lý thất bại trong việc giải quyết tranh chấp đất đai ở Việt Nam -- “Đảng không làm thay nhiệm vụ của Ban chỉ đạo chống tham nhũng” (GDVN).- Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (TTXVN).
- Bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (CP).
- “Lực lượng công an nhạy bén nắm bắt tình hình” (TTXVN).
- Tâm thần hay điên ? (Xuân VN). – Hà Nội nghiên cứu cách giăng lưới bắt ‘quái xế’ (ĐV).
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: PVN phải trở thành một trong những tập đoàn dầu khí mạnh nhất khu vực (QĐND).
- “Đảng không làm thay nhiệm vụ của Ban chỉ đạo chống tham nhũng” (GDVN).
- Bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (CP).
- “Lực lượng công an nhạy bén nắm bắt tình hình” (TTXVN).

Tổng số lượt xem trang