Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Vì sao có "người hùng" trong vụ Năm Cam bị khởi tố?

 Tin liên quan: -Nghịch lý của chuyện đòi “xem xét lại vụ án Năm Cam”: Không thể xúc phạm báo chí
-Nghịch lý của chuyện đòi “xem xét lại vụ án Năm Cam”
-Khởi tố ba sĩ quan Công an Tiền Giang
 Vụ 3 sĩ quan Công an Tiền Giang bị khởi tố: Họ bị bắt vì tội gì? (Kỳ I)
--Chuyện về một người hai lần tự tử nhưng không… được chết!
-Tướng Nguyễn Việt Thành trả lời về nghi ngờ "bảo kê" cho CA Tiền Giang
 -----------
----- Nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính TW Trần Đại Hưng nói về vụ án Năm Cam (ĐS&PL). - NGHỊCH LÝ của chuyện đòi “xem xét lại vụ án Năm Cam. Thanh Niên

-Vì sao có "người hùng" trong vụ Năm Cam bị khởi tố? (Kỳ cuối) - 27/06/2011
-NHÀ BÁO, ĐẠI TÁ CÔNG AN NGUYỄN NHƯ PHONG LẬT LẠI VỤ ÁN NĂM CAM ?

Lời bình của Phamvietdao.net:

Nhà báo-Đại tá Nguyễn Như Phong vốn là người của ngành công an, ông nguyên là Phó của Trung tướng-Nhà văn Hữu Ước-Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân…Qua bài viết dưới đây cho thấy: ngay trong ngành công an cũng có rất nhiều chuyện mà đến như Đại tá Nguyễn Như Phong, một cây viết phong sự điều tra có tên tuổi của Báo Công an nhân dân, không phải muốn viết gì thì viết, muốn công bố tài liệu mà mình điều tra được lúc nao thì công bố…
Qua bài viết của nhà báo Nguyễn Như Phong, người đọc đã nhận ra phần nào những “khoảng tối” bên trong của con người Trung tướng Nguyễn Việt Thành, theo các chứng cứ mà nhà báo Nguyễn Như Phong thu thập được và theo cách nhìn nhận phán xét của ông…
Trung tướng Nguyễn Việt Thành từng được coi là “người hùng” trong vụ án triệt phá băng nhóm xã hội đen Năm Cam tại thành phố Hồ Chí Minh…
Hiện nay Tướng Nguyễn Việt Thành đã nghỉ hưu, đã trở thành kẻ “kính nhi viễn chi”; do đó loạt phóng sự điều tra 6 kỳ trên báo Năng lượng mới do nhà báo Nguyễn Như Phong làm Tổng Biên tập, công bố dịp này chắc cái đích không chỉ nhắm vào Trung tướng Nguyễn Việt Thành ?
Sau Nguyễn Việt Thành là ai và vì sao lai đưa chuyện Năm Cam ra lúc này ? Chắc ai đã hiểu nội tình thành phố Hồ Chí Minh lúc đó, ( thời kỳ ông Trương Tấn Sang làm Bí thư thành ủy ),  ít nhiều nắm và còn nhớ được các thông tin về vụ án Năm Cam sẽ đoán ra phần nào cái đích của loạt phóng sự điều tra này ???

Lời bình và giới thiệu của Lê Thiếu Nhơn trên Lethieunhon.net:

Rời khỏi vị trí Phó Tổng biên tập báo An Ninh Thế Giới với quân hàm đại tá, nhà văn – nhà báo Nguyễn Như Phong chuyển sang làm Tổng biên tập báo Năng Lượng Mới của Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Nhiều người cứ tưởng từ nay Nguyễn Như Phong thong dong áo gấm chốn kẻ đón người đưa, nhưng ông khẳng định: “Tôi vẫn đi để có thực tế và điều đó sẽ giúp cho công việc quản lý của mình tốt hơn. Tôi không muốn trở thành một ông quan báo, ngồi chỉ tay năm ngón”. Thật không? Thật đấy! Bằng chứng rõ nhất là loạt phóng sự điều tra “Vì sao có “người hùng” trong vụ Năm Cam bị khởi tố?” của Nguyễn Như Phong in liên tục 6 kỳ trên báo Năng Lượng Mới đang gây xôn xao dư luận. Muốn đọc toàn bộ phóng sự điều tra này, mời ghé qua website của báo Năng Lượng Mới, lethieunhon.com chỉ xin giới thiệu kỳ cuối cùng nhiều trăn trở: “ông Nguyễn Việt Thành đã sử dụng báo chí làm công cụ cho mình rất giỏi. Bất cứ một đối tượng nào khi bị Cơ quan Công an điều tra hoặc bắt thì họ đã tuồn tài liệu cho phóng viên bằng cách rỉ tai và nói theo kiểu “không chính thức”. Thế là các phóng viên tha hồ phóng bút viết với một dòng chữ mào đầu hết sức “bí mật”: “Theo nguồn tin riêng của báo…”. Có thể nói đây là một món võ rất hiểm và thâm độc bởi vì một đối tượng, nếu là cán bộ hoặc là người đang có vị trí xã hội mà bị báo chí bêu riếu với đủ các thứ tội mà đặc biệt trong đó có tội “đồng lõa” hoặc là “đệ tử” của Năm Cam thì còn ai dám bênh vực, ai dám lên tiếng bảo vệ nữa”…

VÌ SAO CÓ “NGƯỜI HÙNG” TRONG VỤ NĂM CAM BỊ KHỞI TỐ?

Phóng sự điều tra của NGUYỄN NHƯ PHONG

Kỳ cuối: Họ sai như vậy, do đâu?

Trong quá trình đi điều tra về những sai phạm của 3 bị can là Nguyễn Văn Nên, Ngô Thanh Phong và Phạm Văn Út, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều việc làm có những biểu hiện mờ ám của Nguyễn Văn Nên và một số cộng sự, trong đó có việc xử lý khoản tiền 2,7 tỉ của Ngô Đức Minh và cô vợ hờ là Nguyễn Thị Nghiệp. Đây cũng là vụ việc có nhiều tình tiết rất quái quỷ mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong một bài điều tra khác. Cũng trong quá trình đi điều tra, chúng tôi thu được nhiều chứng cứ về một số việc làm lạm dụng chức quyền của tướng Nguyễn Việt Thành. Chúng tôi đã cung cấp cho Cục Điều tra Hình sự, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và mong muốn Cơ quan điều tra sớm điều tra làm rõ về sự thực những tài liệu mà chúng tôi đã cung cấp.

Trở lại vụ án, chúng tôi vẫn tự hỏi tại sao Nguyễn Văn Nên, Ngô Thanh Phong và Phạm Văn Út lại dám liều lĩnh làm thế – đặc biệt là với Nguyễn Văn Nên.
Nguyễn Văn Nên được coi là một cán bộ điều tra có năng lực và được đào tạo cơ bản, cho nên không thể nói là anh ta ấu trĩ về mặt luật pháp hoặc về các nguyên tắc nghiệp vụ công an. Nhưng tại sao lại xảy ra như vậy? Điều đó hoàn toàn có thể lý giải được rằng, nếu như không có tướng Nguyễn Việt Thành là người trực tiếp chỉ đạo, thậm chí bảo lãnh theo kiểu “nếu sai, tôi Việt Thành chịu trách nhiệm trước pháp luật” thì chắc chắn Nên không thể nào dám làm. Trong các bản giải trình theo kiểu “kêu oan” của mình, Nguyễn Văn Nên cũng nhất nhất khai, tất cả mọi việc anh ta làm đều là thực hiện theo lệnh của ông Việt Thành hoặc của cấp trên.
Tuy nhiên cũng phải hiểu rằng, nếu không có báo cáo trinh sát của Nguyễn Văn Nên theo kiểu “dựng tội” cho những người như ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Phạm Văn Hướng và nhiều người khác, thì chắc chắn ông Thành cũng chẳng có căn cứ nào mà ra lệnh. Một người có thừa nhiệt huyết chống tội phạm nhưng lại chẳng có mấy kiến thức nào về luật pháp thì chắc chắn không thể không trông cậy vào những báo cáo của cấp dưới. Vì vậy, dưới báo cáo thế nào, ông tin tưởng và ra lệnh thực hiện thế đó.

Vụ bắt oan sai ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng… là điển hình của việc “hình sự hóa” một vụ việc tranh chấp dân sự, mà điều đáng nói là vụ việc đã được giải quyết ở tòa án tỉnh. Việc tổ chức bắt ông Lân, ông Bằng cũng là điển hình của việc vi phạm luật pháp. Vụ việc xảy ra ở Bình Dương, nhưng Công an Tiền Giang thực hiện lệnh bắt, rồi huy động hàng chục cảnh sát xông đến trụ sở một đơn vị kinh tế, như thể đây là một ổ tội phạm cực kỳ nguy hiểm… đó là những việc làm thể hiện rằng “ta đây có quyền lực” và bất chấp các quy định về tố tụng!
Những tài liệu mà Nguyễn Văn Nên có được về vụ ở Công ty Hưng Thịnh chủ yếu là thông tin một chiều lấy từ ông Tạo và từ đám giang hồ bị bắt trong vụ Năm Cam.
Các đối tượng bị bắt trong vụ Năm Cam ở ngoài xã hội hầu hết là dân lưu manh chuyên nghiệp cho nên chúng thừa thủ đoạn để làm vừa lòng cán bộ điều tra. Chỉ cần nghe cán bộ điều tra hỏi về một nhân vật A, nhân vật B nào đó thì lập tức chúng đã có thể dựng lên những câu chuyện để cung cấp thông tin “mới” cho cán bộ điều tra. Với một vụ án truy xét kiểu như vụ Năm Cam giai đoạn 2, người điều tra rất dễ mắc bẫy nếu như cứ tin vào lời khai của các đối tượng. Đấy là chưa tính tới trường hợp người điều tra không có TÂM, muốn dùng lời khai đối tượng làm chứng cứ gián tiếp để “hạ” người khác, hoặc cố làm để lấy thành tích.
Đã có một thời kỳ dài, không ít điều tra viên kết tội đối tượng bằng niềm tin nội tâm – nghĩa là kẻ này phải tham ô, phải tham nhũng hoặc phải ăn cắp, ăn trộm thì mới có tiền mua xe, xây nhà; hoặc trong bữa cơm mời nhau đấy chắc chắn chúng sẽ bàn chuyện chạy án… Cho nên họ tìm cách bắt “khẩn cấp” người hiềm nghi rồi khi vào trại giam thì áp dụng đủ mọi biện pháp, kể cả dùng nhục hình biến tướng để người bị bắt “nhận tội”.

Cứ với một kiểu suy diễn như vậy cho nên trong quá trình điều tra vụ án Năm Cam đã không ít cán bộ bị khốn khổ, phải giải trình với Ban Chuyên án do ông Việt Thành làm Trưởng ban. Bất cứ lời khai nào của một đối tượng ngoài xã hội về nhân vật nào đó – mà nhất lại là người mà ông Thành “không ưa” thì ông cũng có thể ra lệnh điều tra và bắt phải giải trình, báo cáo. Bây giờ nhớ lại không khí “bắt bớ, đấu tố” của những ngày ấy, tôi vẫn còn thấy rùng mình.
Chúng tôi đã gặp một số người từng bị giam ở trại giam Công an Tiền Giang và khi nghe họ kể về cái trò tra tấn, hành hạ phạm nhân ở đây thật ngoài mức tưởng tượng. Đã có phạm nhân cứ nhận tội bừa cho xong để thoát bị hành hạ… Việc ông Bùi Mạnh Lân phải tìm đến cái chết để giải thoát là một minh chứng. Chúng tôi rất mong Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho điều tra làm rõ những lời tố cáo của một số người đã bị dùng nhục hình tại đây.

Một việc rất nghiêm trọng nữa trong vụ án này, đó là Cơ quan điều tra, mà trực tiếp là ông Việt Thành đã sử dụng báo chí làm công cụ cho mình rất giỏi. Bất cứ một đối tượng nào khi bị Cơ quan Công an điều tra hoặc bắt thì họ đã tuồn tài liệu cho phóng viên bằng cách rỉ tai và nói theo kiểu “không chính thức”. Thế là các phóng viên tha hồ phóng bút viết với một dòng chữ mào đầu hết sức “bí mật”: “Theo nguồn tin riêng của báo…”. Có thể nói đây là một món võ rất hiểm và thâm độc bởi vì một đối tượng, nếu là cán bộ hoặc là người đang có vị trí xã hội mà bị báo chí bêu riếu với đủ các thứ tội mà đặc biệt trong đó có tội “đồng lõa” hoặc là “đệ tử” của Năm Cam thì còn ai dám bênh vực, ai dám lên tiếng bảo vệ nữa.

Việc Cơ quan điều tra sử dụng báo chí làm công cụ đã gây ra một sự bức xúc trong dư luận đến nỗi đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là Phó thủ tướng Chính phủ cũng phải lên tiếng. Ngày 10-12-2003, đồng chí đã phải ghi như thế này vào trong một văn bản gửi cho lãnh đạo Bộ Công an: “…Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đưa trực tiếp văn bản này cho tôi và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ việc bắt giam này. Đồng chí Bí thư nói với tôi là tỉnh Bình Dương rất bất bình về việc bắt giam khẩn cấp này (công an đến bắt xét khẩn cấp mà có nhiều nhà báo cùng đi và ngay sau đó là đưa tin không đúng). Tôi chưa rõ việc này thế nào, yêu cầu đồng chí Bộ trưởng, đồng chí Thứ trưởng cho kiểm tra lại vụ việc này và có báo cáo đầy đủ, nghiêm túc cho Thủ tướng Chính phủ”.

Vụ việc mà Phó thủ tướng đã có ý kiến như vậy nhưng sau đó cũng không có phản hồi và phải sau 8 năm thì việc điều tra làm rõ mới được tiến hành, đó thực sự là điều rất không bình thường.

Vụ án Năm Cam cho đến bây giờ vẫn còn nhiều uẩn khúc trong dư luận. Chúng tôi hy vọng rằng, Cơ quan điều tra hình sự của Viện Kiểm sát Tối cao sẽ cho điều tra lại một số trường hợp và nếu minh oan hoặc giảm tội được cho ai đó thì cũng là việc “cứu một người phúc đẳng hà sa”.

( Nguồn: Báo Năng Lượng Mới…)
( http://www.petrotimes.vn/phong-su-dieu-tra/2011/06/vi-sao-co-nguoi-hung-trong-vu-nam-cam-bi-khoi-to-ky-cuoi)
(Petrotimes) - Các bị can đều khai nhận họ chỉ thực hiện mệnh lệnh do cấp trên giao cho và có người đứng ra chịu trách nhiệm. Họ đã mắc sai phạm như thế nào? Ai là người “góp phần” đẩy họ đến  vòng lao lý?

Phạm Văn Út (áo trắng) nghe đọc lệnh bắt tạm giam
Ngày 7 tháng 6, tại tỉnh Tiền Giang, Cục điều tra Hình sự  của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã thực hiện lệnh khởi tố và khám xét, đồng thời cấm đi khỏi nơi cư trú đối với hai ông là Ngô Thanh Phong, nguyên Trưởng phòng cảnh sát Điều tra công an Tiền Giang; Nguyễn Văn Nên, nguyên Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra; khởi tố, khám xét và bắt tạm giam 4 tháng đối với Phạm Văn Út, nguyên Thủ kho vật chứng của Phòng Cảnh sát điều tra.
Trong số này thì Ngô Thanh Phong và Nguyễn Văn Nên, từng được khen thưởng và coi là “người hùng” trong vụ án triệt phá băng nhóm tội phạm do Năm Cam cầm đầu.
Cả ba bị can đều bị khởi tố với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo điều 281 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.

Khám xét nơi ở của Phạm Văn Út
Từ năm 2005, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận được nhiều đơn của ông Bùi Mạnh Lân – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, ông Phạm Văn Hướng – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh, trụ sở tại khu công nghiệp Đồng An, tỉnh Bình Dương, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự của một số cán bộ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang.

Phạm Văn Út ôm con gái và khóc
Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Bộ Công an… cũng chuyển đơn tố cáo của ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng yêu cầu Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác minh làm rõ nội dung tố cáo của công dân.
Đơn của ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng tập trung ở các nội dung sau:
- Tố cáo ông Nguyễn Văn Nên và một số cán bộ điều tra tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp trái pháp luật đối với các ông Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng” năm 2003.
Khi cơ quan pháp luật có thẩm quyền ra quyết định trả tự do cho ông Bùi Mạnh Lân, ông Phạm Văn Hướng; ông Nguyễn Văn Nên và đồng sự không thực hiện ngay, kéo dài thời gian giam giữ đối với họ.
- Giải quyết tranh chấp dân sự trái thẩm quyền đối với tranh chấp sử dụng thửa đất 23.383m2 ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương giữa ông Bùi Mạnh Lân và vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu, Nguyễn Văn Cư.
- Thu giữ trái luật 5,25 tỷ đồng của ông Nguyễn Văn Cư từ cuối năm 2003 để gửi tiết kiệm lấy lãi, cuối năm 2009 mới trả lại cho ông Cư.
- Dùng tiền thu giữ trong một số vụ án hình sự khác gửi tiết kiệm lấy lãi để chia nhau và dùng cho mục đích cá nhân.

Xe chở phạm nhân chờ sẵn trước cửa nhà Phạm Văn Út ở 144 đường Lý Thường Kiệt, TP Mỹ Tho (Tiền Giang)
Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tiến hành xác minh nội dung tố giác và đã phát hiện ra nhiều sai phạm của các đối tượng trên.
Đối với ông Nguyễn Văn Nên, ngoài các sai phạm trên còn có hành vi vi phạm khi tham gia điều tra vụ “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra năm 2002 tại tỉnh Bình Dương.
Hành vi của các ông Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út đã có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 281 Bộ luật hình sự.
Để phối hợp giải quyết vụ việc nêu trên, ngày 3 tháng 8 năm 2010 Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã báo cáo đồng chí Lê Hồng Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an về hành vi vi phạm pháp luật của 03 sỹ quan Công an Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út.

Người dân xem khám nhà Ngô Thanh Phong
Tháng 12 năm 2010, Bộ Công an có quyết định kỷ luật 03 sỹ quan nêu trên, đồng thời đề nghị Tỉnh ủy Tiền Giang xử lý về Đảng đối với Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên và Phạm Văn Út. Mặc dù đã có Quyết định xử lý hành chính đối với một số cán bộ có sai phạm song vẫn có dư luận cho rằng nếu chỉ xử lý hành chính là bỏ lọt tội phạm, không đảm bảo tác dụng giáo dục phòng ngừa.
Để giữ nghiêm pháp luật phúc đáp, các yêu cầu của dư luận xã hội, bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các ông: Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra, xử lí theo quy định của pháp luật.
Đây là một vụ việc cực kỳ phức tạp vì thời gian xảy ra đã lâu và đối tượng nguyên là các sĩ quan Công an nên có nhiều thủ đoạn đối phó với Cơ quan điều tra. Điều bất ngờ là các bị can đều đã khai nhận là họ chỉ thực hiện mệnh lệnh do cấp trên giao cho, và có người đứng ra chịu trách nhiệm.
Họ đã mắc sai phạm như thế nào? Ai là người “góp phần” đẩy họ đến  vòng lao lý hôm nay, đấy mới là điều đáng nói.
Trước đó, phóng viên báo Năng lượng Mới cũng đã có một cuộc điều tra độc lập về hành vi phạm tội của các đối tượng này và một số người liên quan.
Báo Năng lượng Mới sẽ đăng chi tiết, bắt đầu từ số 26, ra thứ Năm, ngày 9 tháng 6.

P.V

Tổng số lượt xem trang