Lề Trái trích dịch và giới thiệu
Lời người dịch:
Đây là chương cuối cũng là chương kết luận cuốn “Making Sense of Marx” (Làm rõ Marx) của Jon Elster. Sự xuất hiện của bài dịch có nhiều lý do, tôi nêu những lý do chính:
1- Tôi có thể dịch bài của tác giả khác với lời lẽ rõ ràng và dứt khoát hơn, nhưng tôi chọn Jon Elster vì lý lịch hoạt động của ông không thể dẫn tới kết luận kiểu ad hominem của Lữ Phương đối với Richard Pipes, “Riêng với tôi thì sau khi đi một vòng nhỏ qua các mạng toàn cầu để hiểu thêm về sử gia này, tôi không thấy đọng lại nơi tôi điều gì khác hơn là hình ảnh chiếc tàu ngầm Liên Xô … với cái thiết bị “vô thanh” mà cái “Đội B” CIA (do ông ta cầm đầu) đã “phát hiện” ra để thuyết phục nhà cầm quyền Mỹ trong cuộc thánh chiến chống Cộng thời Chiến tranh Lạnh” [*]. Jon Elster là một trong những thành viên sáng lập (founding member) của nhóm Tháng Chín (September Group) gồm rất nhiều học giả họp nhau 2 năm 1 lần vào tháng Chín chỉ để nghiên cứu và đánh giá chủ nghĩa Marxism. Nhóm này bao gồm một số học giả hiện đại có tiếng như John Roemer, Gerald Cohen và Adam Przeworski. Elster cũng đã từng xem mình là một người theo chủ nghĩa Marxism (Marxist), và câu kết luận của cuốn sách này chính là sự biện hộ của ông về con đường mà ông đã theo. Theo tôi, đây là lời biện hộ thất bại. Trích lại lời của chính Elster, “Về mặt đạo đức và tri thức, thời nay không thể là một người theo chủ nghĩa Marx (Marxist) theo nghĩa truyền thống. Có nghĩa người đó phải chấp nhận tất cả hoặc phần lớn các mục Marx cho là đúng và quan trọng”.
2- Trước khi đọc Elster, tôi đã hơn một lần đặt dấu hỏi về cách diễn đạt ý trong tất cả những gì Marx viết. Đây không phải là cách viết đa tuyến tính của Walter Benjamin hay những nhà văn hiện đại như James Joyce hoặc Kurt Vonnegut, mà là cách viết của một người ẩu tả, mang nhiều kết luận rất sâu sắc nhưng vội vàng. Tôi thừa nhận Marx có một trực giác rất nhạy bén, vì vậy những kết luận cảm tính của ông khá sâu sắc, và có lẽ ông cũng nhận thức được khả năng này của mình. Nhưng ta phải dừng ngay ở đó. Vì ông quá tự tin vào trực giác của mình, có vẻ Marx thấy không cần biện hộ cho chúng và kết quả là những biện luận (arguments) không đủ hỗ trợ hoặc không liên quan gì đến một kết luận rất sâu sắc. Một vấn đề về diễn đạt nữa làm nản người đọc là những khái niệm Marx đưa ra trong bất kỳ cuốn sách nào, nhưng để có được một định nghĩa rất mơ hồ và rải rác về chúng, ta phải đọc những cuốn sách khác cách cuốn đang đọc trước sau 10 -15 năm. Jon Elster cũng vấp phải những vấn đề tương tự, mặc dù ông đã cố tình không đặt nặng chú ý tới chúng . Tới đây, cũng có thể biết điều đầu tiên làm tôi chú ý đến cuốn này; vì tựa đề có 2 chữ “Making sense”. Tiếng Anh có nhóm từ “make no sense” để chỉ những điều rối rắm, vô nghĩa, và “making sense” hoặc thành ngữ “make sense of something” có nghĩa cố làm rõ mớ bòng bong ngôn ngữ. Tôi tạm dịch “Làm rõ”.
3- Điểm qua một số bài phản biện về chủ nghĩa Mác gần đây của một số tác giả mới xuất hiện trong nước, tôi cảm thấy họ thiếu một nền tảng lý luận nên dẫn tới rất nhiều phát biểu cảm tính. Trong bài dịch, Jon Elster dùng “phương pháp luận cá nhân” (methodological individualism) tức phân tích chủ nghĩa Marxism ở mặt vi mô hay là tầm con người như một cá nhân, và tập thể như là một tập hợp của những cá nhân với những mục đích (thường là) khác nhau. Ngôn ngữ đời thường là “thường thì người ta làm/không làm thế”. Mở ngoặc ở đây cho những ai tin rằng chủ nghĩa Marxism chỉ có thể áp dụng trên tầng vĩ mô, tức các phong trào xã hội, câu trả lời là nếu bỏ qua thành tố con người/cá nhân, thì con người/cá nhân sẽ bị xóa bỏ. Với phương thức trên, tôi mong bản dịch này sẽ cung cấp một số nền tảng kiến thức căn bản và phổ cập cho những ai muốn tìm hiểu.
Đáng lẽ để có cái nhìn toàn diện, cả cuốn sách phải được dịch, nhưng vì điều kiện, tôi chỉ có thể hoàn thành chương cuối . Hy vọng trong tương lai (gần), có thể hoàn thành cả tập sách. Vì vậy, bản dịch – về mặt phân tích - có nhiều thiếu xót, như bản phân tích rất đầy đủ và chi tiết về “giai cấp” của tác giả - tức Jon Elster. Theo Elster, “giai cấp” như là một tổng thể hay tập hợp rất lỏng lẻo và giới hạn ở thực tại do các điều kiện thoát giai cấp trong các xã hội tư bản khá phổ biến, thậm chí được khuyến khích. Trong khi đó khái niệm “giai cấp” của Marx lại được định nghĩa một cách rất sơ sài, thiếu xót rất nhiều và không đủ vững để tạo ra những động lực ma sát. Khái niệm của Marx có thể đúng trong các xã hội tiền tư bản khi tầng lớp bên trên không muốn tạo điều kiện, hoặc nếu có cũng khắt khe, để các giai cấp dưới thoát ly. Marx cũng không nhận ra hầu như ai cũng muốn thoát giai cấp nếu họ ở các tầng lớp dưới, và làm giàu lên bằng cách mạng không phải là lựa chọn duy nhất và tốt nhất cho bản thân nếu điều kiện thoát giai cấp tồn tại dễ dãi cho mọi người. Thời cấm rượu (Prohibitions) ở Mỹ, các nông dân nghèo nấu rượu lậu mong mỏi con mình không phải theo nghề mình, mà học thành tài để thoát khỏi cảnh nghèo. Dân nhập cư vào Mỹ cũng tương tự.
Dù vậy, chương cuối cũng tổng kết được chủ nghĩa Marxism bằng việc phân tích ba thành tố quan trọng nhất, tư bản, cộng sản và cuộc chuyển tiếp từ tư bản sang cộng sản qua con đường cách mạng. Và qua đó, Elster đánh giá lại toàn bộ, và nhất là khả năng thành công của, chủ nghĩa Marxism. Kết quả không mấy khích lệ đối với những kẻ “kiên định” bất kể hậu quả thế nào. Có lẽ ta đã đoán trước được điều này. Nhưng với những ai có tầm nhìn không bị bó buộc bởi “kiên định”, “trung thành với lý tưởng”, theo tôi, đây là bản phân tích chủ nghĩa Marxism kỹ lưỡng, rõ ràng và đầy đủ nhất từ thời có tạp chí Cộng sản (báo giấy) cho tới nay (lên mạng), và logic vững chắc hơn nhiều. Vì vậy, tính không tưởng và vô khả thi càng rõ rệt hơn.
Tôi nhắc lại lời kết luận của Elster, “Về mặt đạo đức và tri thức, thời nay không thể là một người theo chủ nghĩa Marx (Marxist) theo nghĩa truyền thống”. Lời biện hộ kế tiếp của Elster dành cho Marx, theo tôi, là một sự thú nhận của thất bại, của vớt vát ít hương xưa. Điều này, theo tôi, chỉ ra chủ nghĩa Marxism chỉ đáng ở trên kệ sách, lâu lâu đem xuống tham khảo một vài vấn đề này nọ để xem có vớt ra ít bụi vàng trong đống bùn lẫn đá sỏi. Và lập lại lần nữa, “Trong một nghĩa, vì vậy – cái nghĩa quan trọng nhất đối với ông – Cuộc đời và sự nghiệp của Marx hoàn toàn uổng phí vô ích”.
---------------
[*] http://viet-studies.info/LuPhuong/LuPhuong_VeRichardPipes.htm
LÀM RÕ MARX - Jon Elster
Cambridge University Press. In lần đầu tiên 1985, tái bản 1986 (2 lần), 1987, 1991, 1994
Cambridge University Press. In lần đầu tiên 1985, tái bản 1986 (2 lần), 1987, 1991, 1994
CHƯƠNG CUỐI: Tư Bản, Cộng Sản và Cách Mạng, trang 513-531
Cuộc chuyển đổi mang tính cách mạng từ tư bản sang cộng sản là cốt lõi của toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Marx. Công trình nghiên cứu các xã hội tiền tư bản, và những gì sau này được gọi là “duy vật lịch sử” chỉ là cái vỏ che đậy vấn đề tối quan trọng này. Khởi điểm, mục tiêu và thế nào của sự chuyển đổI cấu thành chủ đề của chương này. Tóm tắt và kết cục lại những vấn đề của chương trước, tôi sẽ bắt đầu bằng thảo luận những quan điểm của ông về tư bản – sự phát triển, sinh lý và bệnh tật. Đặc biệt điều cuối chiếm lĩnh sự chú tâm của ông. Ông tin tư bản là hệ thống vô nhân, phi pháp và lãng phí, và hoàn toàn đi ngược lại với xã hội cộng sản mà ông tin chắc chắn sẽ xuất hiện và không thể ngăn cản. Kế đến, tôi đề cập đến những khái niệm về hành xử, kinh tế và chính trị của chủ nghĩa cộng sản. Phần lớn là không tưởng (utopia) nhưng không phải tất cả là như vậy. Lược bỏ tư duy ước muốn và khuếch đại, chúng vẫn có giá trị tham khảo cho các loại lý thuyết và hành động chính trị. Tôi kết thúc bằng nhận định quan điểm của ông về bằng cách nào mà những căn bệnh của tư bản và sự khả thể của chủ nghĩa cộng sản thôi thúc tầng lớp lao động tới hành động cách mạng. Nếu lý thuyết của ông không thuyết phục được chúng ta, rõ vì chính ông đã quá tin vào sự cần thiết của chủ nghĩa cộng sản đến nỗi không thấy cần phải giải thích.
Tư Bản
Theo Wassily Leontief, Marx xuất sắc trong quan sát đặc tính (character reader) của chủ nghĩa tư bản. Ông đúng là sở hữu những linh tính mạnh về những gì thôi thúc doanh nhân tư bản và làm thế nào các động lực xuất hiện và chuyển hóa ở mức tập thể và chính trị. Dù rất nhiều thiếu xót, những chương mang tính lịch sử của tập I bộ Tư Bản kết nối tuyệt vời quan sát và tổng hợp. Marx đề ra tiêu chí những vấn đề và tiến rất xa theo hướng chỉ ra có thể xem là cách giải quyết. Nhưng cũng phải để ý tới tính phê phán ngầm từ nhận định của Leontief. Một người quan sát đặc tính không phải là một nhà tâm lý học, và một sử gia cực giỏi về kinh tế xã hội không nhất thiết giỏi về kinh tế lý thuyết. Dù tôi nhớ mình không hài lòng với phát biểu của Paul Samuelson rằng Marx cơ bản là một người theo “hậu Ricardo thứ yếu” (minor post-Ricardian), bây giờ tôi khá tin vào quan điểm này, nếu chỉ xem xét về lý thuyết kinh tế trong tập I & II bộ Tư Bản.
Thành tựu lớn nhất của Tư Bản I là phân tích nhà máy và doanh nhân tư bản. Bức chân dung nhà tư bản của Marx đa dạng và sâu sắc hơn của Weber, Schumpeter hoặc những người khác. Các lực tương tác giữa sở hữu tài sản, quyền lực, kỹ thuật và quyết định hợp lý (rational) chưa bao giờ được nắm bắt thấu đáo như vậy. Rõ là phải loại một số tuyên cáo kiểu manichaen, nhưng những bài viết của Andrew Ure cho biết chúng không phải không có cơ sở. Tản mạn hơn nhưng không kém phần tuyệt diệu là các phân tích về tư bản như hệ thống các công ty (firms) – cạnh tranh, về sự chuyển tiếp từ lăp ráp đến lắp ráp bằng máy móc (manufacture to machinofacture), tích lũy, phát triển và thay đổi về kỹ thuật. Ở mức cao hơn, ta học được nhiều điều từ phân tích của ông về các phát triển kinh tế tạo ra và được tạo thành bởi sự giằng co giữa các giai cấp, và sự thâm nhập vào chính trị bằng các phương tiện khác. Cuối cùng, một thành tựu tiên phong nhưng bị bỏ quên là cách ông minh chứng rằng niềm tin hỗ trợ bằng các tác nhân kinh tế về hoạt động của hệ thống kinh tế cũng là một yếu tố kép cho hệ thống – Như là một sản phẩm từ chính hệ thống và một phần của guồng máy. Marx đi tới cùng - từ riêng rẽ đến tổng hợp, từ phân tích tĩnh đến động, từ kinh tế đến xã hội, từ các mức độ chính trị đến tư tưởng (ideological). Trong các chương trước, tôi, vì quan ngại, bàn luận riêng rẽ về mỗi phần, thường rất nghiêm khắc. Ngay cả khi tách rời chúng ra, chúng đã rất ấn tượng và khi gộp lại, ấn tượng càng mạnh hơn.
Dù vậy, cần phải tách rời phần này ra khỏi cái khung thường là sai lầm mà nó gắn vào. Một điều, còn nhiều phần tồn đọng của phương pháp Hegel. “Tư bản” đôi lúc xuất hiện, một cách kỳ bí, như một tác nhân có ý thức tự nó. Luật xí nghiệp đôi lúc như phép lạ hiện ra để thỏa mãn nhu cầu của chính nó; chuyển động xã hội xảy ra để củng cố nguyên tắc của chính mình, những nguyên tắc thả nổi kinh tế hiển hiện trong một hệ thống phong kiến. Tôi đã chỉ ra chiều hướng này như một tổng hợp của nguyên tắc luận tập thể (methodological collectivism), giải thích về chức năng và loại suy biện chứng (dialectial deductions). Những thứ này có thể tóm gọn trong một đầu đề tổng quát hơn là mục đích luận (teleology). Bàn tay vô hình làm tư bản phát triển là một trong hai cấu trúc chính thuộc mục đích luận trong [những gì] Marx [viết], cái kia là sự cần thiết của quá trình cuối cùng sẽ tiêu diệt chính nó.
Phần khác, các phân tích trong bộ Tư Bản bị lệ thuộc vào thuyết lao động về giá trị của Marx làm khiếm khuyết. Phiên bản riêng của ông về lý thuyết này, trong một số mặt, rất ngây thơ trong khi mắc những lỗi kỹ thuật ở mặt khác. Cơ bản hơn, phiên bản của Marx phải đối mặt với sự thật rằng khi đưa vô các loại lao động với độ phức tạp khác nhau, những khái niệm cơ bản [của phiên bản này] không rõ ràng. Và – ngay cả lời phản biện đơn giản nhất – ngay cả nếu bỏ qua vấn đề, không có cả mục tiêu theo hướng phân tích để làm ý tưởng chính cho lý thuyết. Nó không giải thích gì hơn những gì các lý thuyết khác đã giải thích bằng cách đơn giản hơn. Về mục đích giải thích những giá trị và mức lợi quân bằng, thuyết lao động về giá trị lại rối rắm. Nó cho phép một số kết luận đúng, nhưng bằng cách khó khăn không cần thiết. Về nghiên cứu thay đổi kỹ thuật và cân bằng phát triển kinh tế, nó chắc chắn có hại, vì những lý do mà Marx như một người theo Hegel đáng lẽ phải nhận thấy. Ông gắn bó với thuyết lao động về giá trị vì thống kê giá trị cho ta thấy bản chất cốt lõi của hệ thống tư bản, so với hệ thống giá cả như một biểu hiện hời hợt. Nhưng có nghĩa hành xử cá nhân không có lời giải thích nếu đối chiếu qua giá trị, mà vì vô hình, không có chỗ trong giải thích có tính mục đích cho hành động. Vì vậy khi Marx và những người theo ông sau này ráng giải thích việc chọn lựa kỹ thuật để tối đa hóa giá trị thặng dư, hoặc tranh luận rằng khối tư bản và khối tiêu thụ phải có phần đều nhau từ giá trị thặng dư, họ đã phạm sai lầm lại là những gì đối lại (theo nghĩa biện chứng – ND) của nền kinh tế thô lậu – họ đã thay hiện tượng bằng bản chất.
Những gì Marx kết án tư bản có thể tóm lại trong 3 điều. Đầu tiên, nó phi nhân, bằng cách dẫn đến sự phân hóa giữa con người và khả năng của minh. Khả năng đây, theo Marx, là khả năng sáng tạo mà chỉ con người mới có được, vì trí thông minh, ngôn ngữ và khả năng chế tạo dụng cụ . Marx tin việc xử dụng những khả năng này là muc tiêu cuối cùng và tốt nhất cho cả loài người và cá nhân . Biện luận của ông về cách nhìn này một phần mang hơi hướng đại đồng (utilitarian). Sự phát triển và xử dụng khả năng của một người là hoạt động đắc chí nhất mà một người có thể tham gia. Một phần ảnh hưởng của Aristotle: con người nên thực hiện nhiệm vụ rõ ràng của mình là sáng tạo . Tư bản, một mặt, là một bước tiến lớn lao cho nhân loại, tạo điều kiện, như hoạt động của nó, cho một cuộc mở rộng chưa từng có về khả năng của con người. Mặt khác, nó là tai họa cho sự phát triển toàn diện khả năng cá nhân của con người. Đây là sự phân hóa (alienation): tình trạng vô vọng về cái cần sâu xa nhất của con người, cái cần xử dụng “tài năng” và khả năng của con người. Không rõ Marx cũng tin đây là cái cần nhất mà con người cảm thấy. Đôi khi sự phân hóa (alienation) không chỉ có nghĩa thiếu vắng điều kiện cho tự thể hiện (self-realization), mà là sự thiếu vắng ý thức về sự thiếu vắng này . Đôi lúc nó còn có nghĩa tình trạng bất mãn chủ quan (do cá nhân cảm nhận tự nó – ND). Nó không đơn thuần bất mãn vì không thể làm những gì mình muốn. Chính ra, đây là sự bất mãn về những ước muốn có thể đáp ứng dễ dàng trong tình trạng xã hội hiện nay. Kế nữa, đây cũng là hiện tượng tập thể. Trong các hình thái xã hội trước, từng cá nhân có thể bất mãn trong nghĩa mỗi người có thể có thể có những ước muốn có thể được thỏa mãn bằng sự thiệt thòi của người khác. Sự phân chia tư bản thật ra là khả năng thỏa mãn những nhu cầu này trên diện rộng, nhưng lại không xảy ra . Nếu các thành viên xã hội nhận thức được khoảng cách này - và họ cũng phải nhận thức được nhu cầu và cả khả năng khách quan của việc thỏa mãn nhu cầu này – sẽ tạo nên sức bật lớn dẫn đến hành động.
Kế, Marx tin tư bản là một hệ thống phi pháp vô cùng. Đây là cách hiểu gây nhiều tranh cãi, vì đối với tư tưởng của chủ nghĩa Marxism truyền thống, luật pháp (justice) là khái niệm tư bản, phải đánh đổ chứ không xử dụng. Dù vậy, tôi tin lý thuyết của Marx về bóc lột, và rõ nhất là việc xem lợi nhuận là cướp đoạt chỉ có thể “có lý” nếu ta gán cho ông một lý thuyết nào đó về phân bổ luật pháp (distributive justice). Nguyên tắc chính là mỗi người sẽ nhận tương ứng với khả năng đóng góp, giả định người đó có khả năng đóng góp. Không may là thuyết lao động về bóc lột lại không được định nghĩa rõ ràng, vì lý do điều này [định nghĩa rõ ràng] sẽ vô hiệu hóa thuyết lao động về giá trị. Khi lao động trở thành đa dạng, đóng góp không thể đo đếm bằng những biện pháp thông thường. Hơn nữa, nếu cố điều chỉnh nguyên tắc theo giờ lao động không để ý tới bản chất của [hình thức] lao động, ta sẽ phải đối mặt với vấn đề các hình thức lao động khác nhau có những hữu dụng khác nhau, vì vậy phần thưởng cũng phải tùy thuộc. Và nếu, như trong thuyết lao động về giá trị, ta bỏ qua những vấn đề về tổng hợp và so sánh các hình thức lao động, ta có thể thấy nguyên lý phân bổ không hấp dẫn mấy về mặt đạo đức nghề nghiệp (ethical) cho lắm. Rất có thể xảy ra những trường hợp phản thông thường (counterintuitive) như giới nghèo bóc lột giàu, nếu giới đầu quá thích giải trí đến nỗi họ không quan tâm cả một ít tư bản đang có. Điều này cho thấy trong những trường hợp thông thường khi bóc lột có thể luận tội trên phương diện đạo đức, sự luận tội thường dựa trên những cơ sở khác hơn là trên nguyên tắc đóng góp. Cũng vì vậy, ta có thể nhìn những trường hợp bóc lột do mức độ tưởng thưởng khác nhau chứ không phải sự khác biệt trong đóng góp sức lao động, nhưng không sai trái rõ rệt về mặt đạo đức. Cấu trúc tưởng thưởng có thể là kết quả từ những sở thích khác nhau sau một khoảng thời gian. Một người sẽ để dành và tích lũy nhiều tư bản hơn cả làm việc. Nếu họ đề nghị những người thích tiêu tiền ngay lập tức làm việc cho họ và trả lương cao hơn, ai có thể phản đối được? Tự nguyện và những dàn xếp cùng có lợi xuất phát từ hoàn cảnh của những tưởng thưởng bằng nhau từ đầu không thể bị lên án trên nền tảng của nguyên tắc phân phối.
Tôi không nghĩ điều phản biện này có ý nghĩa gì trong xã hội tư bản ngày nay, vì phải vô ý thức lắm mới biện luận rằng sự khác nhau về phần thưởng phần lớn do tự chọn lựa để dành hơn là tiêu xài. Điều này cũng không đủ để phản bác lại cách nhìn của Marx. Ông chắc sẽ chả thèm nghĩ đến trên cơ sở là trong một xã hội đã khắc phục được chuyện phân chia, không ai sẽ chọn làm việc cho người khác, vì điều này sẽ vô hiệu hóa giá trị cơ bản của tự thể hiện bản thân. Dù vậy, lời phản đối trở thành mạnh mẽ phản bác lại việc tạo nên một xã hội cộng sản phi không tưởng khả thể. Xem đoạn sau đây từ tiểu thuyết của Wassily Grossman, Alec Nove trích trong Nền Kinh Tế của Chủ Nghĩa Xã Hội Khả Thể (Economics of Feasible Socialism):
Từ nhỏ, tôi đã muốn mở tiệm, để mọi người có thể tới và mua bán. Trong tiệm bán đồ ăn nhẹ để khách hàng có thể ăn thịt bò quay, nếu họ muốn, và giải khát. Và tôi sẽ bán rẻ nữa. Tôi sẽ phục vụ món ăn tươi của làng. Khoai tây hấp! Mỡ heo xông tỏi! Đồ chua! Món khai vị là tủy … Một ít vodka, miếng tủy và, tất nhiên, bánh mì đen, và muối. Ghế da, để tránh rận. Khách hàng có thể ngồi thoải mái khi được phục vụ. Nếu tôi nói lên tất cả những điều này, tôi sẽ bị tống thẳng lên Siberia. Thế nhưng, tôi đâu có làm hại gì ai?
Đúng thế, có hại gì? Và ai sẽ bị hại nếu anh ta thuê một vài người phục vụ và đầu bếp, ai sẽ muốn làm có lương trong một nhà hàng hơn là trong một hợp tác xã của giới lao động? Công an xã hội chủ nghĩa có phải can thiệp và cấm đoán các thỏa thận như vậy để buộc giới lao động phải tự do?
Thứ 3, Marx lên án tư bản vì rõ ràng phi lý và tốn kém một cách không cần thiết. Trong cách nhìn của ông, tư bản rõ ràng tốn kém vì một số lý do. Cơ chế thị trường, theo ý ông, không có hiệu quả trong việc điều hợp các quyết định về kinh tế. Nó bao gồm một khả năng thường trực và luôn xảy ra các khủng hoảng kinh tế, làm hàng hóa không lưu thông, giới lao động mất việc và hàng hóa sản xuất không đáp ứng nhu cầu một cách hiệu quả. Cũng vậy, từ cách nhìn động, bản chất của hệ thống thưởng tư bản là giảm thiểu đến mức tối đa việc áp dụng các thay đổi kỹ thuật nếu chúng có lợi cho xã hội – làm giảm thời gian làm việc. Nhà tư bản muốn làm giảm thời gian trả lương cho lao động, không phải làm giảm cả thời gian lao động. Nếu một sáng chế nào đó làm giảm thời gian lao động, nhưng lại làm cho thời gian trả lương cho lao động tăng (vì ảnh hưởng của phát minh lên sự đôi co về lương bổng), nhà tư bản sẽ không xử dụng phát minh đó. Marx đúng trong việc chỉ ra những xuất xứ khả dĩ của kém hiệu năng, mặc dù ông phóng đại tầm quan trọng của chúng. Dù vậy tất nhiên rất cần thiết phải đưa ra một hệ thống không có những thiếu xót trên nhưng lại có tất cả những lợi ích của hệ thống tư bản, ví dụ như việc tưởng thưởng không ngừng cho sáng chế các kỹ thuật mới. Chừng nào không đưa ra được, ta phải chịu đựng sự phí phạm rõ ràng của hệ thống tư bản. Marx biện luận rằng thời gian đã chín muồi khi các quan hệ sản xuất khác sẽ ưu việt hơn ở tất cả mọi phương diện – trong việc tìm kiếm kỹ thuật mới, các điều kiện lựa chọn và hiệu quả xử dụng chúng.
Cuối cùng, hệ thống tư bản rất phi lý trong nghĩa tự hủy diệt. Tư bản chỉ có thể tồn tại về kinh tế bằng những phương thức ảnh hưởng tới sự trường tồn. Đặc biệt, khi phải đối mặt với tình trạng lợi nhuận đi xuống, nhà tư bản sẽ phản ứng bằng những phương thức, nếu ai cũng áp dụng cả, làm tăng chiều hướng này. Dù thuyết lợi tức có một số điểm khá tốt bề mặt, nhưng nếu quan sát kỹ hơn, nó thủng như cái vá trụng phở. Bắt đầu bằng những tiền đề sai lầm – đặt nặng vào những phát kiến làm giảm giờ lao động – và tiếp tục đưa ra những kết luận vô lý từ đó dẫn tới chiều hướng đi xuống của lợi nhuận.
Chủ yếu, Marx đã không tố cáo tư bản trên cơ sở tư bản làm tăng sự cùng khổ trong nghĩa mức tiêu thụ thấp hơn hoặc ở mức phổ quát hơn, mức sống thấp hơn. Đúng là ông viết trong cơn thịnh nộ về tình trạng của giới lao động Anh quốc, nhưng không đề cập tới chiều hướng xuống dốc của giới này. Nguyên tắc so sánh của ông là phản sự thật (counterfactual) thay vì dựa trên sự thật. Ông so sánh số phận của người lao động trong hệ thống tư bản đang tồn tại với những gì đáng lẽ có thể là trong những quan hệ sản xuất hợp lý hơn. Sự thiếu vắng việc thỏa mãn nhu cầu của phần lớn nhân loại qua lịch sử là một sự thật không thể né tránh. Điều này chỉ thành chuyện lớn khi trong xã hội xuất hiện điều kiện khả thể khách quan cho việc xử dụng tự nguyện và toàn bộ khả năng cá nhân trong tầm khả năng của tất cả. Tương tự, vấn đề không phải tốt nhất (suboptimality) của tư bản trong kỹ nghệ không có nghĩa sẽ chấm dứt các phát minh mới. Ngược lại, lợi tức đi xuống càng làm nhà tư bản sáng tạo với tốc độ chóng mặt hơn. Tuy vậy, ở đây tự hệ thống tư bản tạo ra những điều kiện cho phép một hệ thống khác có thể hoạt động tốt hơn. Sự phân hóa và “mâu thuẫn giữa các lực lượng sản xuất và các quan hệ sản xuất” được xem như khoảng cách giữa thực tế và khả thể. Sự phân hóa, nói rộng ra, được xét trên cơ bản có thể xử dụng tốt hơn các lực lượng sản xuất, và mâu thuẫn trên cơ sở của việc có thể phát triển nhanh hơn. Thật ra cả 2 hiện tượng có mối quan hệ rất gần. Bằng cách xóa bỏ sự phân chia, tự quản sẽ được giao cho các cá nhân có khả năng sáng tạo trong xã hội. Một số sẽ chọn ngay khoa học hoặc kỹ thuật như là phương tiện tự thể hiện mình, với kết quả là sự phát triển chưa từng có về năng xuất. Nhưng, nhắc lại, điều này chỉ có thể dựa trên nền tảng kỹ thuật do chính tư bản đem lại. Đây là cái thang mà loài người sẽ bỏ đi sau khi không còn cần đến nữa.
Phân tích kinh tế và kết tội tư bản được cấu thành trong một cái khung hẹp giữa 2 tầng lớp. Nhà tư bản và công nhân – cả phương diện cá nhân lẫn tập thể - là thành phần duy nhất đáng kể trong bộ Tư Bản. Tầng lớp nông nghiệp – nông dân và địa chủ (landowner = chủ đất)- xuất hiện ngắn ngủi cuối cuốn III. Nghệ nhân và tiểu tư sản gần như vắng mặt, cũng như các quản trị và chuyên viên. Trong các bài viết khác, Marx đưa ra những cái khung đa dạng hơn để lý thuyết này phải dựa vào. Những bài viết có tiếng về chính trị Pháp không đủ cho mục đích này vì Pháp [lúc đó] không phải nước tư bản phát triển nhất. Chúng phải được bổ xung bằng một số nhiều những bài luận ngắn hơn về Anh quốc. Tổng hợp lại, chúng tạo được một lý thuyết về bản chất nhà nước trong các xã hội tư bản. Ở Pháp và Anh, quyền lực được củng cố bởi những tầng lớp đã đạt được độc quyền về quyền lực – nhà nước tập trung ở Pháp và giới quý tộc có đất đai ở Anh. Trước và trong khi cuộc cách mạng Đức 1848, Marx tin và hy vọng giới tư bản tự lên nắm quyền – để tạo ra đấu tranh giai cấp toàn diện giữa công nhân và tư bản. Khi những dự đoán của mình không xảy ra, ông phải tìm một giải thích tại sao giới mạnh hơn hẳn về kinh tế lại bằng lòng với vị trí thứ 2 trong chính trường. Ông khám phá chính vì giới tư bản muốn tránh cuộc đối mặt với giới lao động, điều mà ông mong đợi. Bằng cách chia cắt năng lực và ý chí đấu tranh của giới lao động giữa 2 kẻ thù, tư bản và nhà nước, giới tư bản tính toán sẽ được lợi về lâu dài hơn phần họ phải hy sinh trong lúc này. Nguyên tắc chính cho sự thống trị tầng lớp lao động không phải chia để trị, mặc dù đôi lần Marx đề cập tới cơ cấu này. Thật ra đây là cuộc đấu tranh 2 mặt và bằng cách làm rối giới lao động trong nhận định kẻ thù chính, làm xóa nhòa các mâu thuẫn giữa các tầng lớp.
Giữa kinh tế và chính trị, cuộc giằng có giữa các giai cấp là yếu tố chuyển đổi (mediate). Các giai cấp được định nghĩa bằng các hành xử kinh tế và gộp chung lại bằng quyền lợi kinh tế chung, nhưng để phổ biến những quyền lợi này, không sớm thì muộn họ cũng phải quay qua chính trị. Về mặt phân tích, ta có thể phân biệt 2 giai đoạn của quá trình này. Đầu tiên sự hình thành ý thức giai cấp – cấu thành tính đoàn kết giai cấp và tinh thần đó trong các tổ chức giai cấp. Sự kết cấu của một giai cấp được định vị một cách khách quan thành những diễn viên tập thể phụ thuộc vào các yếu tố cấu trúc khác nhau, như mật độ các mạng lưới thông tin giữa các thành viên cùng giai cấp, độ thoát giai cấp và mức thuần nhất về văn hóa. Marx đặc biệt tranh luận giới nông dân, trong những quốc gia còn tồn tại giai cấp này, không thể có được ý thức giai cấp vì lý do cấu trúc. Nông dân có vai trò hỗ trợ cho Louis Bonaparte nhưng không thể tạo ra một tổ chức để phổ biến quyền lợi của mình. Thứ nhì, sự thành lập những liên minh giai cấp – liên minh giữa các giai cấp sau khi đã phát triển thanh các diễn viên tập thể. Điều này bắt nguồn từ lý thuyết về 2 mặt rằng sẽ phải tồn tại chiều hướng thành lập một liên minh giữa các giai cấp có của chống lại vô sản, dù đầu tiên 2 nhóm công nghiệp này có thể sẽ liên kết với nhau chống lại nhóm tiền công nghiệp. Nhưng, Marx tin, liên minh chống lại giới lao động chỉ làm chậm lại cuộc giằng co và đổ vỡ cuối cùng. Khi tư bản càng yếu đi và đầy khủng hoảng, không một trò xiếc chính trị nào có thể cứu nổi. Ông không tính tới khả năng nhà nước sẽ can thiệp để ngăn chặn khủng hoảng, thí dụ bằng cách tăng cầu hoặc đưa ra những hình thức điều tiết khác nhau.
Chiều cuối cùng của Marx phân tích về tư bản là tầm thế giới. Ông nhận thức rất rõ bản chất bành trướng và hấp dẫn vô tận của tư bản, lan truyền từ nước này sang nước khác qua phân phát hàng hóa, nhân lực, vốn tư bản và ý tưởng. Hơn nữa, ông chuyển sự khác biệt giữa những người tiên phong và những người đi sau trong phát triển tư bản cho mục đích phân tích. Sẽ không chính xác nếu nói rằng ông đưa ra lý thuyết về phát triển tổng hợp và không đồng đều thành nền tảng trong phân tích của ông, như Trotsky đã làm sau này. Tuy vậy, có những thành tố không thể bỏ qua về cách nhìn này trong những bài viết của ông. Chúng xuất hiện dưới nhiều hình thức ở những thời điểm khác nhau trong đời ông. Khoảng 1850 ông đưa ra ý niệm về cách mạng cộng sản xuất hiện trước ở những nước tư bản kém phát triển trên lục địa Âu, sau đó tiến qua Anh – quốc gia duy nhất [theo ông] tạo khả năng cho một chính quyền cộng sản có thể tồn tại và vượt mặt tư bản. Cách phát triển này dựa trên sự tiến triển của cách mạng từ Đông sang Tây. 30 năm sau, Marx đặt hy vọng vào sự phát triển kỹ thuật từ [các nước] phát triển miền Tây qua miền cách mạng phía Đông. Cả 2 khái niệm cùng dựa trên tiền đề rằng các điều kiện cho một cuộc cách mạng cộng sản thành công khác với [những điều kiện] cho sự tồn tại của một thể chế cộng sản, vì vậy một số học hỏi, vay mượn hoặc kế thừa phải xảy ra để vế sau [thể chế cộng sản – ND] có thể trở thành một hiện thực khả thể. Ở hình mẫu trước [1850 – ND], lý thuyết có một vài điều hấp dẫn, nhưng hình mẫu sau này rõ ràng gây nhiều nghi ngờ. Vì những lý do thiết yếu, tốc độ lan tỏa các ý niệm chính trị nhanh hơn nhiều so với khoa học.
-GIỚI THIỆU SÁCH - “MAKING SENSE OF MARX” CỦA JON ELSTER (PHẦN 2)
Lề Trái trích dịch và giới thiệu
(Tiếp theo Phần 1)
LÀM RÕ MARX - Jon Elster
Cambridge University Press. In lần đầu tiên 1985, tái bản 1986 (2 lần), 1987, 1991, 1994
Cambridge University Press. In lần đầu tiên 1985, tái bản 1986 (2 lần), 1987, 1991, 1994
CHƯƠNG CUỐI: Tư Bản, Cộng Sản và Cách Mạng, trang 513-531
Chủ Nghĩa Cộng Sản
Tư Bản I là tác phẩm viết cho một số ít người may mắn, bởi một người trong số họ. Tập sách không màng tới người đọc bình thường. Marx cho rằng người đọc mình biết tiếng Latin, Hy Lạp và những ngôn ngữ châu Âu chính. Họ cũng phải tinh thông triết học cũng như kinh tế chính trị, cộng với kiến thức vững chắc về lịch sử thế giới và thời sự chính trị đương thời. Hơn nữa, họ cũng phải nhận ra những ẩn dụ văn học ngay cả trong những hình thái che dấu. Đây là cuốn sách căng trí não người đọc ra hết cỡ, như nó đã tận dụng hết khả năng tác giả của nó. Nói cách khác, đây là một biểu hiện vô hạn của sáng tạo. Trong xã hội cộng sản tương lai, mọi người sẽ có khả năng hiểu những tác phẩm cỡ này. Thật ra, mọi người sẽ có khả năng viết những cuốn tương tự, và dành phần lớn thời gian để làm chuyện này.
Điều này nghe như là lộng ngôn, và đúng như vậy trong một số cách nhìn về Marx. Tuy vậy, trong một nghĩa khác, nó bao gồm một sự thật không thể chối cãi. Marx kinh ngạc trước cuộc sống cùng khổ, thụ động và thực vật của giới lao động giữa thế kỷ 19. Ở sở làm, họ gần như trở thành một bộ phận của những cỗ máy họ điều khiển, về nhà họ quá mệt để có một cuộc sống chủ động nào đó. Cùng lắm, họ chỉ có thể thụ hưởng thú vui thụ động của mua sắm. Marx, tràn đầy năng lực, luôn sáng tạo và phát minh, thậm chí quên cả mình có việc phải hoàn tất, ở cực đối diện. Ông thấu hiểu niềm vui sâu sắc của sáng tạo, của vượt qua khó khăn, của tạo ra và giải quyết tình huống. Ông biết đây là cuộc sống tốt cho con người. Và ông hướng về một xã hội mà [niềm vui sáng tạo] không còn dành riêng cho một thiểu số đặc quyền. Tự thể hiện là điều thiết yếu của chủ nghĩa cộng sản của Marx.
Tôi tin đây là yếu tố đáng giá và trường cửu nhất trong tư tưởng của Marx. Mặc dù chính ông chỉ đề cập đến những thành quả của tri thức, nó không chỉ giới hạn ở đây. Để thành người đầu bếp hay thợ mộc giỏi, hoặc ngay cả đan len giỏi là mục đích hướng tới cũng có thể đem lại niềm vui tương tự. Thật ra, chơi ăn quan (push-pin) có thể cũng vui thú như đọc thơ. Sự phân biệt của Mill giữa hai lạc thú thô sơ và tinh tế, trong chừng mực, không chính xác. Nếu ta bổ xung Marx và sáng tạo trí óc với William Morris và sáng tạo thủ công, ta có một cách nhìn quân bằng hơn và Marx có lẽ cũng không phản đối cách nhìn này. Đưa điều này vào đời sống càng sâu rộng càng tốt là một nhiệm vụ chính trị đáng kể.
Nhưng tới mức nào cho “càng sâu rộng càng tốt”? Có những giới hạn rõ rệt trong mức độ thỏa mãn cho lý tưởng tự hoàn thiện không? Lý tưởng này có thể dẫn tới đối nghịch với những giá trị mà Marx theo đuổi, hoặc với những sự thật không thể thay đổi về bản chất con người và xã hội chăng? Một loạt những phản biện sau đây không mang ý nghĩa xóa bỏ lý tưởng nhưng đưa ra những quan ngại cần thiết về những hình thái và giới hạn mà lý tưởng có thể được thực hiện. Nếu không, cái tốt nhất sẽ cản trở cái tốt – dùng lại một câu giải thích mang tính cứu vớt cho sự thất bại của chủ nghĩa xã hội thật sự đã tồn tại để đưa viễn kiến của Marx vào hiện thực.
(1) Rõ ràng Marx tin chủ nghĩa cộng sản sẽ được minh định bằng việc cá nhân tự hoàn thiện mình . Đọc kỹ hơn, điều này có nghĩa cá nhân – mỗi cá nhân – (a) có tất cả những khả năng mà mọi người khác đều có và (b) phát triển và xử dụng tất cả những khả năng đó. Phần đầu của khái niệm này vô cùng không tưởng vì đã bỏ qua mọi sự khác nhau trong các yếu tố quyết định di truyền về khả năng. Ngay cả khi cách nhìn này được bổ xung, phần thứ nhì của khái niệm này cũng khá bất khả. Có một cuộc đổi chác giữa chiều rộng và bề sâu của thành quả đạt được làm ngăn cản một cá nhân có thể thành công trong “mọi” ngành cũng như “bất cứ một” ngành nào. Một cách hiểu nhẹ hơn có thể chú trọng vào tự do hơn là chú trọng hoàn toàn vào tự thể hiện, với đòi hỏi trong một xã hội cộng sản, không gì có thể ngăn cản được ước muốn của cá nhân tự thể hiện chính mình trong một hoạt động nào đó. Tuy khả thể hơn, cách nhìn này cũng dẫn tới khó khăn trong điều hợp xã hội, sẽ bàn tới sau.
(2) Lý tưởng tự thể hiện rất nan giải. Điều này đòi hỏi quá nhiều chăng? Có thể xã hội cộng sản sẽ loại bỏ hoặc phân biệt những người thích những niềm vui thụ động của tiêu thụ, dù đó là trò chơi ăn quan (push-pin) hoặc đọc thơ? Việc điều tiết của cải xã hội khuyến khích sáng tạo sẽ tội phạm hóa những người chỉ thích tiêu thụ những thành quả sáng tạo chăng? Tôi thú nhận một số nghi vấn ở đây. Trong khi tôi tin thái độ thụ động của rất nhiều người trong xã hội hiện nay phần lớn là hậu quả của những nguyên nhân xã hội có thể sửa chữa, tôi không chắc đây hoàn toàn không phải do những quyết định tự thân. Nghĩa là tôi không chắc nếu các ràng buộc về thời gian, năng lực và tiền bạc được tháo bỏ, tất cả mọi người sẽ ngay lập tức chọn sáng tạo thay vì tiêu thụ. Và vì tôi nghĩ không ai có thể quyết định được ngoại trừ cá nhân, sự không chắc chắn sẽ phải dẫn tới một số quan ngại trong quá trình thực hiện lý tưởng.
(3) Lý tưởng tự thể hiện dễ thoái hóa thành vị kỷ hoặc hưởng lạc. Trong một xã hội hướng tới lý tưởng tự thể hiện, mọi người không nên để ý tới việc tự thể hiện. Họ nên để ý tới những việc đang làm – viết sách, thêu thùa hoặc chơi ăn quan. Chỉ khi họ làm những việc trên với một sự nghiêm túc và tập trung cần thiết để thành công thì những thú vui của tự thể hiện mới nảy sinh, như là kết quả của tự thể hiện (Thêm vào, tất nhiên, họ phải thành công đôi lúc). Điều này đưa tới vấn đề lên kế hoạch cho việc tự thể hiện có thể dẫn tới tự thất bại. Đưa lý tưởng tự thể hiện thành giá trị chính trong xã hội có thể dẫn tới hậu quả sẽ có ít khả thể tự thể hiện hơn. Trong chừng mực nào đó, điều này có nguy cơ xảy ra cho các phong trào cải cách trong công xưởng. Đôi lúc ta quên rằng, sự tham gia, để có giá trị, phải có mục tiêu ngoại vi – để có những quyết định hoặc sản phẩm tốt hơn.
(4) Lao động, trong các xã hội công nghiệp hiện đại, cung cấp trong chừng mực giới hạn cho việc tự thể hiện qua cách hiểu của Marx. Công việc có thể lập đi lập lại, đơn điệu và buồn chán, nhưng phần lớn phải thực hiện trong điều kiện điều hành và giám sát làm giảm thiểu rất nhiều hoạt động tự do và sáng tạo. Các kỹ thuật khác sẽ làm cho câu này ít đúng trong tương lai hơn là thế kỷ vừa qua, nhưng không đến độ làm câu trên vô nghĩa. Mặt khác, tình trạng lao động như vậy trong nhiều mặt lại rất phù hợp vì nó tạo ra kỷ luật từ ngoại vi thường là điều kiện của tự thể hiện. Ý thức được có thể khách hàng không thích món hàng thường làm trí óc tập trung cao độ. Ngược lại, khi những hoạt động [tự thể hiện] xảy ra riêng rẽ, ở nhà, không có tác động từ ngoại vi, có thể sẽ biến thành vớ vẩn hoặc sẽ rơi vào nguy cơ của tự thỏa mãn như đã dẫn ở trên.
(5) Marx xem chủ nghĩa cộng sản như một tổng hợp các xã hội tư bản và tiền tư bản, hòa hợp cá nhân chủ nghĩa của cái trước và các đặc trưng cộng đồng của cái sau. Tự thể hiện của cá nhân phải diễn ra trong việc sáng tạo vì lợi ích cộng đồng. Nhưng sự nhấn mạnh quá mức vào tự thể hiện mâu thuẫn với những giá trị cộng đồng. Nếu sản xuất là làm lợi cho cộng đồng, ít nhất vài thành viên, tối thiểu vào lúc nào đó, phải đắm mình vào lạc thú của hưởng thụ thụ động – hưởng thụ sản phẩm là những thành quả của tự thể hiện qua lao động. Hình thái cộng đồng duy nhất đáp ứng đầy đủ với chú trọng vào sáng tạo là cộng đồng những người sáng tạo. Một nhà văn có thể biết không nên chờ đợi phản ứng từ công chúng, nhưng anh ta có lẽ sẽ mong đợi phản ứng của đồng nghiệp. Khoa học là một ngành không có khách hàng, chỉ có đồng sự. Đây cũng là ngành mà tính phục vụ cộng đồng trở thành thứ yếu so với cạnh tranh, ganh đua và tự khẳng định. Theo một câu của Hegel, đây là “das geistige Tierrech” (*) (xã hội thú vật tinh thần – ND). Trong chừng mực nào đó, điều này không thể tránh được. Tự thể hiện có quan hệ mật thiết với việc công nhận từ những người có khả năng khác. Khách hàng, khán giả và công chúng hiếm khi sở hữu khả năng đáng tìm. Chỉ thấy khả năng đó trong một cộng đồng những người sáng tạo.
(6) Việc nhấn mạnh vào cộng đồng trong viễn kiến của Marx về tư bản được xem như đối lập với chủ nghĩa cá nhân quá mức đầy dãy trong tư bản. Đặc biệt, ông muốn chỉ ra sẽ không có những vấn đề lợi lộc trong chủ nghĩa cộng sản, rằng sẽ không cần phải kết nối phần thưởng (vật chất) cá nhân. Mọi người sẽ làm việc vì niềm vui từ công việc, kể cả niềm vui chứng kiến mọi người thích sản phẩm của mình. Nhưng thái độ ích kỷ cũng có thể xuất hiện trong chế độ cộng sản, ở mức cao hơn. Các hình thức khác nhau của tự thể hiện đòi hỏi hỗ trợ về vật chất khác nhau. Điêu khắc gia xử dụng máy phun lửa (torch sculptors) cần nhiều hơn đầu bếp, đạo diễn nhiều hơn người chơi ăn quan. Nếu giá trị bao trùm là tự thể hiện miễn phí cho tất cả mọi người, có nghĩa tối thiểu xã hội phải có sẵn những xã hội vật chất cho những gì cần, nếu không sẽ có những người chọn ngành nghề tốn kém bị ngăn cản trong tự thể hiện. Tuy nhiên nếu nhiều người chọn những hoạt động tốn kém, tội gì không chọn, hậu quả có thể sẽ là chất lượng thường thấp trong kết quả chung của tự thể hiện. Kết luận này dựa trên 3 tiền đề (i) Trong xã hội cộng sản, của cải không dồi dào. Sẽ không đủ vật chất và phải từ bỏ một số cách xử dụng vật chất (ii) Nguyên tắc về luật phân phối trong lý thuyết của Marx về chủ nghĩa cộng sản là bình đẳng và tự thể hiện (iii) Sự chọn lựa tự do trong tự thể hiện có thể và có khả năng dẫn tới chọn lựa một số hoạt động vô cùng tốn kém. Nếu tiền đề đầu tiên (và vì vậy, thứ nhì) không xảy ra, chúng ta đã tới thiên đường và không còn gì để nói. Nếu tiền đề thứ 3 không xảy ra, chắc chắn vì ta mong những cá nhân sẽ hy sinh một phần sự tự thể hiện của mình cho lợi ích của cộng đồng, nghĩa là cho sự tự thể hiện của những người khác. Điều này đòi hỏi một hình thức cống hiến cao hơn loại dùng để xóa bỏ những chương trình thưởng. Và nó cũng đi ngược lại quan điểm của Marx về chủ nghĩa cộng sản nghĩa là một xã hội trong đó tự thể hiện hoàn toàn song hành với cộng đồng.
(7) Trong tư bản, và thường hơn trong các xã hội giai cấp qua lịch sử, ta đã thấy việc tự thể hiện của con người sẽ ảnh hưởng tới các cá nhân khác. Marx cam đoan trong chế độ cộng sản, giá trị tiên quyết sẽ là tự thể hiện của cá nhân. Nhưng tôi tin ông chủ quan cho rằng đẩy giá trị này tới cực đại sẽ đi cùng với sự phát triển đến cực thịnh của loài người. Tốc độ nảy nở các tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, lý thuyết khoa học mới, và những sáng chế phi thường dưới chế độ cộng sản sẽ hơn hẳn bất cứ thời nào trước đây. Nhưng ở đây, như lẽ thường, ta phải nghi ngờ bất cứ lý thuyết nào tuyên cáo về khả năng cực đại hóa cùng lúc 2 bộ phận chức năng khác nhau. Nếu nói đơn sơ, số nghệ sĩ, khoa học gia … thành công là phương trình có 2 biến số. Một mặt phụ thuộc vào số người tham gia vào những hoạt động này, mặt khác vào tỷ lệ số người thành công. Tương tự, số người nản chí và thất vọng là biến số của cùng một bài toán: số người tham gia nhân với tỷ lệ không thành công. Một xã hội đẩy tới cực đại giá trị của chương trình I sẽ không thể giảm đến tối thiểu phương trình II. Dưới chế độ cộng sản, có thể có khả năng làm tăng phần nào đó tỷ lệ những người thành công (tối thiểu, nếu tính tới số người thử sức) vì vượt qua được giới hạn về nguyên liệu và tâm lý. Nhưng những giới hạn về khả năng và tính không bảo đảm không thể bỏ qua. Vì thường không thể đoán trước được ai có và ai không có khả năng thành công, chỉ còn một cách để tăng hết cỡ số nghệ sĩ thành công là tăng lượng nguyên liệu mà quá trình chọn lựa dựa vào – nhưng điều này cũng có nghĩa tăng số lượng người bị từ chối.
(8) Cuối cùng, ta không rõ lắm tự thể hiện sẽ tạo ra hiệu năng kỹ thuật là tiền đề của chính nó. Ước vọng tạo ra sản phẩm càng rẻ càng tốt sẽ không phải là thứ hiển hiện như là phương tiện cho tự thể hiện. Kinh tế, không như cái đẹp và sự thật, tự nó không phải là mục tiêu. Nó chỉ có giá trị hoàn toàn là phương tiện, gồm những thương lượng là bản chất và tránh đi tính toàn mỹ. Mục tiêu là thứ được chọn cho lợi ích của cộng đồng, nghĩa là một kiểu hy sinh cao hơn như đã nhắc tới. Nhưng ta không thể đi quá xa theo hướng này mà không ảnh hưởng tới viễn kiến về cộng sản. Vì một điều, ai sẽ phải hy sinh tự thể hiện của mình? Họ được chọn bằng cách nào? Điều khác nữa, kết quả sẽ, ngạc nhiên thay, là một thứ giống xã hội phân chia giai cấp với một số làm việc và số khác được phép tự thể hiện. Nhưng mặt khác, nếu tất cả được phép chọn lựa tự thể hiện trong nghệ thuật và khoa học thuần túy, sẽ không ai có thể vì nguyên liệu căn bản sẽ thiếu thốn.
Để đánh giá các khó khăn, ta cần phân biệt trong tư tưởng của Marx những gì không thể chối cãi được là không tưởng và những gì không phải, hoặc ít nhất những gì được xem là không phải. Những yếu tố sau, với tôi, có vẻ phi thực (unrealistic) đến vô vọng. Đầu tiên, ý tưởng cho rằng nguyên liệu sẽ dồi dào trong chế độ cộng sản, trong nghĩa hẹp là sau khi mọi người đã nhận những gì mình cần, tất cả những mặt hàng vẫn còn dư thừa. Thứ nhì, ý nghĩ cho rằng mọi cá nhân đều có khả năng sẵn có giống nhau – cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo nghĩa hẹp, điều này có nghĩa không tồn tại những dị tật di truyền, tật nguyền, và cũng không cả tài năng đặc biệt như khả năng toán học và âm nhạc thường được cho là trong gia đình. Gộp lại, những điều trên chỉ ra một viễn kiến một chủ nghĩa cộng sản chỉ bị giới hạn về thời gian – và có thể [thời gian] sẽ hiếm hơn vào lúc đó, ngoại trừ con người trở thành bất tử, điều này không có vẻ kém hợp lý hơn những điều khác.
Hơi không tưởng nhưng vẫn gần như chắc chắn sai, là những ý tưởng sau. Đầu tiên, ý tưởng cho rằng con người có thể phát triển một hình thức hy sinh tốt hơn tức là họ sẽ sẵn sàng hy sinh không những chỉ vật chất của cải, mà cả sự phát triển cá nhân cho “xã hội”. Thứ nhì, ý tưởng cho rằng cá nhân có thể phát triển “toàn bộ” và xử dụng “hết” những khả năng của mình đến độ không gắn với và cũng không chú trọng vào bất cứ một ngành nào (để cho rõ). Thứ 3, khái niệm cho rằng quyết định mang tính xã hội có thể xảy ra không có xung đột, bằng nhất trí hoàn toàn hoặc bằng bầu cử. Cuối cùng, quan niệm cho rằng có thể đạt được một sự phối hợp toàn diện cho mọi hoạt động kinh tế qua những phương tiện của bộ máy quản lý tập trung. Tất cả những giả định này, theo tôi, quá ngược ngạo theo lý thuyết và kinh nghiệm đến nỗi phải liều lắm mới có thể tiến hành một chương trình cải tạo xã hội dựa trên giả định các giả định trên là đúng. Các lý thuyết và kinh nghiệm có thể phủ định những điều trên bắt nguồn từ những ngành khoa học mềm – tâm lý học, kinh tế học và chính trị học – trong khi nhóm giả định thứ I phải đối mặt với những sự thật cứng rắn hơn từ vật lý và sinh học. Nhưng tôi nhận dựa theo các môn khoa học xã hội có thể dẫn tới nghi ngờ sâu sắc nếu ta dựa trên điều này mà chấp nhận giả định như là giả dụ làm đề tài. Con người và xã hội đúng là có thể thay đổi, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Cuối cùng, một tập hợp những đề xuất chắc chắn không hợp lý thời nay, nhưng có thể tình trạng này sẽ không kéo dài đến vô tận. Ví dụ, những vấn đề về thưởng làm ngăn trở đề nghị của Marx về nguyên lý phân phối trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản có thể không tồn tại mãi. Có vẻ như là chân lý trong quan điểm của Marx rằng xử dụng khả năng cá nhân rõ ràng mang lại niềm vui, và việc dùng các phần thưởng về vật chất để tạo ra điều trên có thể làm một cách kín đáo, ít lộ liễu hơn. Thời nay, những người sở hữu các tài hiếm có thể kiếm được những phần thưởng vô cùng lớn bằng cách tống tiền, tức dọa không xử dụng tài của mình, nhưng nếu cách đó bị ngăn cản, họ có thể chọn xử dụng tài mình cho lợi ích riêng. Cũng như vậy, một số những đòi hỏi xa xỉ, như lợi lộc từ chức vụ, có thể trở thành ít quan trọng hơn nếu có một chương trình thuyên chuyển mà không để ai bị thiệt. Điều này không tạo ra sung túc, nhưng có thể sẽ giải phóng một số lớn vật chất cho những xử dụng hữu hiệu hơn. Cuối cùng, các công nghệ khác cho phép những quá trình giải tâm (decentralized) và sản xuất nhỏ sẽ được phát triển mạnh hơn thành mức hệ thống – và có thể lắm, nếu áp dụng hệ thống thưởng.
Mở rộng ra, những đề xuất không tưởng nhất tương đối có ít cơ sở văn bản trong Marx, những đề nghị không tưởng trung trung tương đối nhiều hơn, và những đề xuất hợp lý hơn lại ít. Đây là, và nên phải là, một bản đánh giá cảm tính sơ bộ, vì những văn bản liên quan vừa ít, lại rất mơ hồ và hiếm. Trong mọi trường hợp, điều này không quan trọng lắm. Ta không cần dựa trên những bằng cớ văn bản, nhưng nên để ý tới những đề xuất chung dựa vào văn bản. Lúc đó, ta có thể nghiêng về một lý tưởng chung về tự thể hiện công bằng, ít nhất nếu công bằng nằm ở chỗ những tiền đề và nguyên liệu cần thiết cho tự hoàn thiện hơn là mức độ bảo đảm phải có tự hoàn thiện. Tự chủ ở chỗ làm là một hình thức của tự hoàn thiện có thể áp dụng cho mọi người. Đối chiếu vào kích thước đồ xộ của nền công nghiệp hiện đại, tự chủ phần lớn chỉ xảy ra ở mức tập thể, trong những nghiệp đoàn công nhân. Rõ ràng kém hơn những gì Marx mong muốn, và chắc chắn tệ hơn những gì ta có thời nay. Kế hoạch hóa tập trung coi như bỏ, vì không đáp ứng cả tự chủ lẫn hiệu năng. Thay vào đó có thể là những tiến trình chính trị đối lập để quyết định một số hình mẫu nào đó cho các can thiệp và điều hành mang tính chính sách. Điều này kém xa so với viễn kiến của Marx, tối hậu là một thực thể sinh động. Xã hội cộng sản của ông là một xã hội của những cá nhân tạo ra vật chất trong những quan hệ điều phối ngẫu nhiên như là những tế bào trong cơ thể cùng hoạt động cho mục đich tốt chung, mỗi cá thể đều có tổng thể trong tư duy của mình. Niềm tin vào sự xuất hiện một xã hội như vậy sẽ dẫn tới đại họa. Mặc dù quan điểm của Marx là hướng về một chủ nghĩa cá nhân trách nhiệm (ethical individualism), trong cách tiếp cận chủ nghĩa cộng sản, ông không nhận ra một tổ chức thật sự phải tính đến những khả năng và giới hạn của từng cá nhân. Nếu ông nghĩ tới điều này – như thời nay chúng ta phải làm – có thể ông sẽ đặt những mục tiêu thấp hơn, và có khả năng dự đoán chính xác ngay cả những mục tiêu thuần nhất của mình.
---------------
(*) das geistige Tierreich: xã hội thú vật tinh thần, là một khái niệm trong tập Hiện tượng học Tinh thần (Phenomenology of Spirit) của Hegel miêu tả một xã hội thiếu vắng những giá trị tinh thần, trong đó con người hành xử với nhau như những “con vật thông minh” tức chỉ dùng trí tuệ thông minh của mình chăm lo vun vén cho bản thân . Quyền con người trở thành quyền của con vật, hay nói theo kiểu George Orwell “Có những loài vật ‘bình đẳng hơn’ những loài khác”.
GIỚI THIỆU SÁCH - “MAKING SENSE OF MARX” CỦA JON ELSTER (PHẦN 3)
-LÀM RÕ MARX - Jon ElsterCambridge University Press. In lần đầu tiên 1985, tái bản 1986 (2 lần), 1987, 1991, 1994
CHƯƠNG CUỐI: Tư Bản, Cộng Sản và Cách Mạng, trang 513-531
Cách Mạng
Sự xuất hiện của hệ thống cộng sản đòi hỏi hai điều kiện: Thứ nhất, lực lượng sản xuất phải phát triển tới mức cộng sản có thể tồn tại, trong nghĩa rằng nó sẽ lật đổ chủ nghĩa tư bản (ngay lập tức hoặc cuối cùng cũng). Thứ nhì, công nhân (và có thể những liên minh) phải giành lấy quyền lực và tạo lập những quan hệ cộng sản về sản xuất.
Điều kiện thứ nhì chia ra làm hai. Công nhân phải có cơ hội nắm lấy quyền lực, nghĩa là giai cấp thống trị không thể khống chế họ bằng vũ lực. Cùng lúc, họ phải được vận động để giành lấy quyền lực. Điều kiện cuối có thể chia ra thêm thành hai điều kiện. Giới công nhân phải cảm thấy bất mãn hoặc không bằng lòng với cuộc sống của mình dưới chế độ tư bản, và họ phải tin chủ nghĩa cộng sản có thể tồn tại và là một chọn lựa tốt hơn.
Marx chưa bao giờ thiết lập một lý thuyết về cách mạng để giải thích làm thế nào tất cả những điều kiện có thể hợp nhất trong quá trình phát triển của tư bản. Về một số điều kiện, tương đối dễ trong việc tái tạo biện luận của ông, những điều kiện khác thì khó hơn. Vấn đề đầu tiên, về các tiền đề khách quan của cộng sản là rõ ràng nhất. Marx tin rằng tới giai đoạn nào đó trong sự phát triển của tư bản sẽ tạo ra những điều kiện mà các lực lượng sản xuất sẽ phát triển tốt nhất với các quan hệ sản xuất cộng sản. Mặc dù quan niệm đó không có lý lắm, nó có thể tạo ra hiệu quả cách mạng được công nhân chấp nhận, tôi sẽ đề cập tới vấn đề này sau. Ở đây ta chỉ nên nhận định rằng biện luận này dẫn đến những cuộc cách mạng chưa đủ chín – giành lấy chính quyền trước khi lực lượng sản xuất phát triển đầy đủ.
Không rõ Marx hình dung về cách mạng như thế nào. Theo một quan niệm thông dụng, cách mạng có thể xảy ra khi một thất bại quân sự gắn liền với những khó khăn trầm trọng về kinh tế, dẫn tới sự đổ vỡ ý chí và khả năng chống đỡ trong giới cầm quyền. Không có lý thuyết tương tự trong Marx. Cái gần nhất có thể là lý thuyết về tỷ lệ lợi nhuận giảm. Mặc dù Marx chưa bao giờ nói rõ ra, ta phải cho rằng sự giảm này cuối cùng sẽ làm các đầu tư dừng lại và làm lung lay niềm tin của giới quyền lực là hệ thống đáng được bảo vệ. Trong một số những thí dụ của ông khoảng 1850, ông cũng hình dung ra những cuộc chiến tranh cách mạng, như trong cuộc cách mạng Pháp, thường xuyên tạo thành điểm tựa cho ông . Dù vậy, một số khó khăn khách quan kiểu này tạo nên một điều kiện cần thiết cho cách mạng . Khả năng về một chế độ với mức tổ chức tốt hơn tự nó không đủ: sẽ không dẫn tới sự thoái hóa của giới cầm quyền cũng không, tôi sẽ giải thích sau đây, dẫn tới động lực cách mạng trong giới công nhân.
Vấn đề các động lực cách mạng là chính yếu. Tôi sẽ xem xét ba cáo buộc về giới tư bản, nhằm mục đích tranh luận chúng có thể tạo ra ý chí cần thiết để thay đổi hay không. Cùng lúc, ta cũng phải xem xét chủ nghĩa cộng sản, vì lực “đẩy” từ tư bản có thể được xem là tương tác để tạo ra động lực thúc đẩy. Đầu tiên, xem xét về phân cách (alienation) như động lực cho cách mạng. Ở đây rất quan trọng trong việc ta chọn quan niệm khách quan hoặc chủ quan về phân cách – có thể được xem là thiếu ý nghĩa hoặc thiếu một cảm nhận về sự thiếu ý nghĩa. Nếu bỏ qua vấn đề có vẻ giải thích giông dài, ta có thể nhận thấy có những lý do tiền nghiệm (a priori) để giữ tính khách quan văn bản của lý thuyết. Chủ nghĩa cộng sản trong viễn kiến của Marx đưa ra một cách sống hoàn toàn khác tư bản . Đây không phải tiêu thụ ở tầm cao hơn, mà là chuyển đổi hẳn khỏi tiêu thụ (thụ động). Để thưởng thức được những thú vui của chủ động sáng tạo, ta phải trải nghiệm nó, một điều rất ít người có dịp trải nghiệm trong tư bản. Để cảm thấy sự hấp dẫn của cộng sản, ta phải đạt tới đó rồi. Hoặc một lần nữa, để có thể đạt một quyết định hợp lý, ta phải biết mọi mặt của vấn đề, nhưng công nhân trong xã hội tư bản chỉ biết một mặt. Đúng, nếu họ chấp nhận lời hứa hẹn của chủ nghĩa cộng sản là sẽ hiệu năng hơn về kỹ thuật, họ sẽ thấy cần hơn và dẫn đến tiêu thụ tăng – nhưng tại sao họ lại phải tin điều này khi tính hiệu năng do kỹ thuật sẽ phải dẫn đến từ bỏ dần lối sống tiêu thụ và tiến tới “chủ động sáng tạo”? Để trả lời câu hỏi “Bạn không biết những gì bạn đang thiếu thốn”, giới công nhân có thể trả lời “Nếu vậy, làm sao anh có thể nghĩ chúng tôi sẽ cảm thấy thiếu?”
Kế đến, xem xét về tác động của công lý (justice). Dù Marx có tin vào một lý thuyết công lý hay không, ông có lẽ tin rằng điều này có thể tạo ra lý do để hành động, ngay cả khi ông không tin, tự thân công lý cũng là vấn đề cần quan tâm. Các chứng cớ bằng văn bản không rõ ràng, nhưng một số ủng hộ mạnh cho một ý tưởng rằng sự nhận thức một thực trạng như không tồn tại công lý sẽ dẫn tới (như Marx nói) tiếng chuông báo hiệu cái chết (the knell to its doom). Theo tôi, lịch sử về chính trị, xã hội và kinh tế có thể được hiểu bằng cách này. Lịch sử có vẻ không đều, nhưng chủ yếu là một quá trình không ngừng nghỉ dẫn đến dân chủ hơn, dẫn đến nhưng chưa bao giờ đạt được chủ nghĩa cộng sản theo cách hiểu của Marx. Động lực vẫn là tính chính đáng rất hấp dẫn của khái niệm tự quản. Một khi được kết tụ và cổ vũ, khái niệm này tạo ra một lực mạnh đến nỗi mọi cố gắng chống lại đều có vẻ lạc hậu và vô vọng, ngay cả trong cách nhìn của những kẻ chống lại. Các chiến thuật và chiến lược chỉ quan tâm tới vấn đề thời gian và kiểu mẫu, không phải tính tối cần thiết [của chuyển đổi]. Vì vậy công lý có thể đưa tới không những động lực cho giới công nhân mà còn làm nhụt chí (demoralization) giới cầm quyền. Một số sẽ phản đối rằng biện luận này đi xa hơn những gì được gán cho Marx một cách hợp lý. Tôi đồng ý, nhưng ở thời điểm này, trong bản trình bày của tôi, đây không phải vấn đề chủ chốt. Những người khác sẽ phản đối chính cách nhìn, dựa trên yếu tố quá coi trọng tới những khái niệm thông thường (normative), thực tế và ít chú trọng tới những lợi ích nhất thời trong việc tạo thành những động lực. Tôi đồng ý rằng người ta ít khi làm cách mạng trên nền tảng công lý, ngoại trừ điều này trùng hợp với những quan tâm cấp bách khác. Cách mạng là một quá trình tốn kém và đau đớn, và chỉ có thể khởi động khi tình hình được xem như vô vọng. Nhưng không phải mọi thay đổI đều cần tới cách mạng, và chuyển đổi dần dần có thể - và đáng lẽ có thể - được hỗ trợ bằng những động lực bình thường.
Cuối cùng, xem xét tới tình trạng kém hiệu năng của tư bản như một động lực để xóa bỏ tư bản. Kém hiệu năng, về bản chất, [là khái niệm] được tạo dựng dựa trên những so sánh phi thực tế (counterfactual). Điều này đạt được nếu mọi thứ có thể được xếp đặt/tổ chức tốt hơn tình trạng thật sự hiện nay . Điều này hợp với tình trạng hiện thời và được xem là “thỏa đáng”, có nghĩa người ta cảm thấy được cung cấp một mức sống đàng hoàng. Nếu phải chọn giữa cuộc sống hiện tại thỏa đáng và khả năng một cách khác tốt hơn hẳn, hầu như mọi người sẽ chọn cái trước, vì 2 lý do. Đầu tiên, những lý do bao giờ cũng bị sự không chắc chắn bao trùm. Các nhà lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản có thể bảo giới công nhân rằng sẽ hiệu năng hơn hẳn tư bản cả về phần tĩnh lẫn phần động, nhưng khi vắng mặt một sự tiến bộ có thể chứng minh được, những biện luận kiểu này sẽ trở thành nhàm chán và làm mọi người nghi ngờ. Thứ nhì, ngay cả cho rằng những biện luận trên được chấp nhận, cách mạng có những tốn kém chuyển đổi có thể khiến giới công nhân không mặn mà lắm. Không có lý gì đòi hỏi họ hy sinh chính họ và con họ cho hạnh phúc của cháu họ, khi họ có thể có một cuộc sống tương đối thoải mái trong những điều kiện tư bản. Vì vậy vấn đề kém hiệu năng của tư bản chỉ có thể là động lực nếu kết hợp với khó khăn và bần cùng tuyệt đối, tới độ giới công nhân không còn gì để mất ngoài xiềng xích. Nếu nguyên nhân của bất hạnh này dẫn đến hiệu quả là đổ vỡ ý chí của giới cầm quyền, điều này cũng tạo ra cơ hội và cảm hứng cho cách mạng. Nguyên cớ có thể sẽ không có hiệu ứng thứ nhì, trong trường hợp này nhưng cố gắng cách mạng có thể không thành công. Ngay cả nếu nó có hiệu quả như trên và thành công, những điều kiện khách quan có thể không xuất hiện. Thật ra, có lý do để tin rằng chúng không xuất hiện, vì sự phát triển của các lực lượng sản xuất tới mức cần thiết [cho cách mạng] sẽ hiếm khi sánh đôi với cùng khổ ở mức cần thiết. Các trường hợp phân phối đã nói ở trên không đưa ra những giải pháp hợp lý cho vấn đề này.
Hai bóng ma ám ảnh cuộc cách mạng cộng sản. Một là sự nguy hiểm của cách mạng thiếu tháng, khi sự kết hợp của kỹ thuật tiến bộ và những điều kiện khốn cùng trong một quốc gia chưa chín muồi cho cách mạng. Điều kia là nguy cơ những cuộc cách mạng xảy ra trước [từ phía bên kia], của cải cách từ bên trên nhằm giải tỏa những tình huống nguy hiểm. Thế kỷ vừa rồi đã chứng kiến rất nhiều ví dụ có thể được xem là những cuộc cách mạng quá sớm, dù có thể nhận định này cũng quá sớm. Cũng có thể nếu không có các cải tổ nhằm giải tỏa các điều kiện cách mạng, những cuộc cách mạng nào đó cũng có thể xảy ra – thiếu tháng hay không. Chưa bao giờ có một thí dụ rõ ràng nào về loại cách mạng mà Marx cổ động. Đúng, không phải vô khả thi những quốc gia cộng sản nào đó sẽ chiếm lấy tư bản, và vì vậy hợp thức hóa cách mạng mặc dù chưa tới lúc, nhưng không có cơ sở hợp lý để tin điều này sẽ xảy ra. Trong một nghĩa, vì vậy – cái nghĩa quan trọng nhất đối với ông – Cuộc đời và sự nghiệp của Marx hoàn toàn uổng phí vô ích.
Nhưng không vì vậy mà Marx không còn ảnh hưởng. Về mặt đạo đức và tri thức, thời nay không thể là một người theo chủ nghĩa Marx (Marxist) theo nghĩa truyền thống. Có nghĩa người đó phải chấp nhận tất cả hoặc phần lớn các mục Marx cho là đúng và quan trọng – chủ nghĩa xã hội khoa học, thuyết giá trị lao động hoặc thuyết về tỷ lệ lợi nhuận giảm, cùng với những mục có thể bào chữa khác. Nhưng, riêng đối với tôi, tôi tin vẫn có thể là một người Mác-xít theo một nghĩa khác của từ này. Tôi nghiệm rằng phần lớn những gì tôi cho là đúng và quan trọng, tôi có thể tra ngược lên Marx. Điều này bao gồm nguyên tắc học (methodology), các lý thuyết cơ bản và, trên hết, giá trị. Bản phê phán về bóc lột và phân cắt vẫn còn quan trọng. Một xã hội tốt hơn là một xã hội tạo cho con người làm những gì chỉ có con người mới làm được – sáng tạo, sáng chế, và suy tưởng tới những thế giới khác.-----