-TLQ: -ACB: Ông Trần Xuân Giá cùng 3 cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB bị khởi tố
-Chiêu lừa của “trùm” Như: Bộ Công an thông báo về vụ án Huỳnh Thị Huyền Như
-“Bảo bối” của ông Trần Xuân Giá là gì?
- Vụ lừa đảo trên TTCK: Đại gia minh oan
- 4 ngân hàng lớn bị "kiều nữ" lừa hàng nghìn tỷ như thế nào?
-Chiêu lừa của “trùm” Như: Bộ Công an thông báo về vụ án Huỳnh Thị Huyền Như
-“Bảo bối” của ông Trần Xuân Giá là gì?
- Vụ lừa đảo trên TTCK: Đại gia minh oan
- 4 ngân hàng lớn bị "kiều nữ" lừa hàng nghìn tỷ như thế nào?
Lý Xuân Hải và ê kíp lãnh đạo Ngân hàng ACB chắc chắn khi chẻ tiền giao cho nhân viên gửi tiết kiệm vào Vietinbank không nghĩ bị mất. Trên thực tế cũng chưa thấy “phù thủy” nào chôm tiền của khách “siêu” như Huỳnh Thị Huyền Như.
Minh họa DAD |
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 6: Đua lãi suất
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 5: Bộ trưởng về hưu 'có bảo bối
>> ‘Phù thủy’ ngân hàng - Kỳ 4: Cá mập thế giới ngầm
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 3: Tham nhũng bậc thầy
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 2: Thợ săn tiền
>> ‘Phù thủy’ ngân hàng - Kỳ 1
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 5: Bộ trưởng về hưu 'có bảo bối
>> ‘Phù thủy’ ngân hàng - Kỳ 4: Cá mập thế giới ngầm
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 3: Tham nhũng bậc thầy
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 2: Thợ săn tiền
>> ‘Phù thủy’ ngân hàng - Kỳ 1
Như thực ra cũng đã chuẩn bị một tương lai ở Mỹ. Triệu Thị Hương Giang, một trong những đầu mối cho Như vay tiền lãi ngày khai với cơ quan điều tra, khoảng tháng 7.2011, Như đã chuyển cho Giang 10 tỉ đồng (tương đương 500.000 USD) để nộp “phí ban đầu” làm thẻ xanh ở Mỹ. Sau đó Giang đã nhờ người bạn tên Hạnh có người nhà ở Mỹ nộp giùm 500.000 USD cho công ty dịch vụ chuyên lo thẻ xanh. Nhưng do Như không lo đủ thủ tục của điều kiện làm thẻ xanh nên chưa làm được...
Nếu Như đi trót lọt, có lẽ không chỉ tiền mặt mà hàng loạt những bí mật thâm cung của giới tài chính ngân hàng cũng đã đi theo.
“Ký thay” khách hàng
Trần Thanh Thanh, nguyên Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank chi nhánh TP.HCM, khai ngày 17.9.2011, trong khi đang bàn giao công việc ở Phòng Giao dịch Lê Thánh Tôn thì được lãnh đạo báo có khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm và yêu cầu về giải quyết. Khi Thanh về Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ thì được Như đưa 5 thẻ tiết kiệm có trị giá 26 tỉ đồng mang tên Phạm Công Hoàng và nói ông Hoàng là khách của Như, đang có nhu cầu vay gấp nhưng bận công việc không đến được, sẽ ký hồ sơ bổ sung sau và đề nghị Thanh duyệt cho vay. Do tin tưởng Như và sợ mất khách hàng, Thanh đã chỉ đạo Tống Nguyên Dũng, cán bộ tín dụng, lập 6 hồ sơ đứng tên Phạm Công Hoàng vay số tiền 25 tỉ đồng, tài sản thế chấp là 5 thẻ tiết kiệm, sau đó duyệt cho giải ngân ngay theo yêu cầu của Như, mà không có mặt ông Hoàng với tư cách người bảo lãnh đồng thời là người vay. Sau khi giải ngân xong, Thanh chỉ đạo Dũng đưa hồ sơ cho Như để lấy chữ ký của ông Hoàng và Như đã ký giả chữ ký của ông này vào 6 hồ sơ vay tiền như đã nêu, ung dung lấy 25 tỉ đồng.
Tính đến thời điểm vụ án được phát hiện, theo chỉ đạo của Thanh và Như, Tống Nguyên Dũng đã lập 59 hồ sơ đứng tên 16 cá nhân vay tổng cộng 274,6 tỉ đồng, tài sản thế chấp là 46 thẻ tiết kiệm mang tên 12 cá nhân (là nhân viên của Ngân hàng ACB và Ngân hàng Nam Việt gửi tiền tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ) và đề xuất duyệt cho vay mà không có mặt người vay, để cho Như ký giả chữ ký của những người này rút trót lọt số tiền trên.
Trong khi đó tại Phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng, chỉ trong vòng 5 tháng, Đoàn Lê Du, trưởng phòng, đã chỉ đạo Huỳnh Trung Chí, cán bộ tín dụng, lập 51 hồ sơ đứng tên 16 cá nhân vay tổng cộng hơn 239 tỉ đồng, tài sản thế chấp là 37 thẻ tiết kiệm trị giá hơn 246 tỉ đồng của 12 nhân viên Ngân hàng ACB và Ngân hàng Nam Việt gửi tiền tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ. Sau đó đích thân Du ký duyệt cho vay mà chẳng cần sự có mặt của người vay, tạo điều kiện cho Như ký giả chữ ký của người vay lấy sạch tiền mà họ hoàn toàn không hay biết.
Cũng với lý do “khách hàng lớn, bận công việc không đến được…”, Như đã qua mặt Lương Thị Việt Yên, Trưởng phòng Giao dịch Võ Văn Tần, ký giả chữ ký trên hồ sơ mở tài khoản của hai khách hàng và lệnh chi, rút 50 tỉ đồng.
Đẩy lãi suất lên cao
Để phá được vụ án này, cơ quan điều tra cho biết trong quá trình triển khai công tác nghiệp vụ nắm tình hình thực hiện chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước quy định về lãi suất trần huy động vốn (14%/năm) đã nhận được công văn của Vietinbank đề nghị làm rõ hành vi của Công ty Phúc Vinh thông qua Võ Anh Tuấn (Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) và Huỳnh Thị Huyền Như (quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ) để ký 4 hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng có kỳ hạn tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè tổng số tiền 83,5 tỉ đồng với lãi suất từ 18 đến 22%/năm, vượt trần lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước từ 4 đến 8%/năm. Tiếp đó, cơ quan điều tra nhận được hàng loạt đơn tố cáo của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cá nhân bị Như chiếm đoạt tiền...
Cơ quan điều tra xác định, đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thời gian phạm tội kéo dài từ năm 2007 đến thời điểm khởi tố (tháng 9.2011), thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, lừa đảo chiếm đoạt của nhiều đơn vị, cá nhân trong đó có các ngân hàng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế của đất nước, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước, nhất là trong giai đoạn Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
“Trong vụ án này, Huỳnh Thị Huyền Như là đối tượng chính, chủ mưu hoạt động phạm tội, có sự giúp sức đắc lực của Võ Anh Tuấn. Các đối tượng tại các Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM và chi nhánh Nhà Bè; Ngân hàng VIB chi nhánh TP.HCM; Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Nam Việt, Ngân hàng TMCP Tiên Phong và Ngân hàng TMCP Hàng hải đã không làm đúng chức năng nhiệm vụ, đúng quy trình thủ tục về cho vay tạo sơ hở để Huỳnh Thị Huyền Như lợi dụng phạm tội. Một số đối tượng cho Như vay lãi nặng với mức lãi suất quá cao, thời gian dài, đây là nguyên nhân chính thúc đẩy Như thực hiện hành vi phạm tội”, cơ quan điều tra chỉ rõ.
Đối với Như và Tuấn, với tư cách là cán bộ Vietinbank, cơ quan điều tra nhận xét đã bất chấp, coi thường pháp luật, thực hiện hành vi phạm tội một cách tinh vi, lợi dụng uy tín của Vietinbank, lấy danh nghĩa huy động tiền cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM, sử dụng nghiệp vụ ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt của nhiều đơn vị, cá nhân với số tiền đặc biệt lớn (3.986.254.481.860 đồng) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật.
Nghịch lý khi doanh nghiệp vật vã đói vốn còn ngân hàng thừa tiền đua lãi suất kiếm lợi nhuận là một thực tế kéo dài. Đặc biệt, phá những “đại án ngàn tỉ”, cơ quan điều tra còn chỉ rõ những lỗ hổng quản lý đến mức báo động từ cơ chế, chính sách...
Minh họa: Dad
|
Theo kết luận điều tra, trong tháng 7 và tháng 8.2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận được nhiều phiếu chuyển đơn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an; đơn tố cáo của nhân viên Ngân hàng ACB tố cáo Nguyễn Đức Kiên có hành vi kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, thao túng ngân hàng...
Đến nay, hầu như ai cũng nhìn nhận việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông trùm tài chính này cùng đồng phạm “là tiếng chuông cảnh báo các ngân hàng thương mại cổ phần phải hoạt động theo đúng pháp luật”.
Lách luật
Trong hàng loạt những hành vi của trùm Kiên cơ quan điều tra đã làm rõ và đề nghị truy tố ra trước TAND TP.Hà Nội để xét xử công khai, câu chuyện trốn thuế hơn 25 tỉ đồng kể ra rất bé, thậm chí không đáng nói so với con số hàng ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, cách thức của ông trùm trong phi vụ này được coi là “thủ đoạn mới, tinh vi”.
Cơ quan điều tra chỉ rõ, do biết năm 2009 Quốc hội có nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân nên sau khi việc kinh doanh vàng giữa Công ty B&B và Ngân hàng ACB thu được lãi hơn 100 tỉ đồng, Kiên đã chỉ đạo Công ty B&B không kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mà bằng thủ đoạn dùng hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa công ty này với em gái Kiên để chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp sang cá nhân, trốn toàn bộ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty B&B hơn 25 tỉ đồng. Khi vụ án được phát hiện, cơ quan điều tra đã truy vấn hàng loạt cán bộ Chi cục Thuế Q.Đống Đa và các thành viên đoàn thanh tra của Cục Thuế Hà Nội, nhưng tất cả đều khai trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao họ không phát hiện hay nghi vấn gì.
Trong phi vụ 20 triệu cổ phần của Thép Hòa Phát, ông trùm đã khiến doanh nghiệp này “ngẩn ngơ”, suýt mất trắng hàng trăm tỉ đồng cũng bằng những chiêu thức “đẩy qua đá lại”. Cụ thể, hơn 22 triệu cổ phần Thép Hòa Phát do Công ty ACBI sở hữu sau khi chỉ đạo đưa vào thế chấp tại Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành 800 tỉ đồng trái phiếu, ông trùm tiếp tục trích ra đem bán ngược lại cho Thép Hòa Phát 20 triệu cổ phần, lấy 264 tỉ đồng. Đến khi vụ án xảy ra, Thép Hòa Phát mới tá hỏa làm đơn tố đến cơ quan điều tra.
Tại Ngân hàng ACB, khi phải giải quyết nhanh bài toán “huy động nhiều mà không cho vay được” để tránh thiệt hại, ông trùm đã chọn phương án tìm những ngân hàng đói vốn, khát tiền... đổ vào để lấy lãi suất cao. Trả lời cơ quan điều tra, cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá, với tư cách Chủ tịch Ngân hàng ACB đã khai rõ, trong cuộc họp thường trực HĐQT ngày 22.3.2010 bàn về chủ trương cũng có nhiều ý kiến, trong đó ông Trần Mộng Hùng đề nghị giảm bớt lãi suất huy động để giảm số tiền huy động của dân vì thời điểm đó đã huy động được rất nhiều tiền, phải trả lãi nhưng không cho vay được. Nhưng ông Kiên đã bác bỏ phương án này để chỉ đạo làm theo “sáng kiến” lách luật của Lý Xuân Hải. Kết quả như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, chỉ trong một thời gian ngắn nguồn tiền khổng lồ xuất phát từ ACB đã ồ ạt đổ vào 26 ngân hàng, “dắt dây” hàng trăm tỉ đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.
Trong khi đó, khi bị bắt ông trùm khai trong cuộc họp mang tính quyết định ấy ông ta chỉ nói “làm gì thì làm nhưng không được giảm tổng tài sản của Ngân hàng ACB”. Và sau đó theo đề xuất của Lý Xuân Hải, thường trực HĐQT ký biên bản đồng ý thông qua chủ trương và giao cho tổng giám đốc tổ chức thực hiện. Thừa nhận “phần lớn những ý kiến” của mình đưa ra trong các cuộc họp về hoạt động kinh doanh sau đó đều trở thành nghị quyết của thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, nhưng ông Kiên vẫn đẩy trách nhiệm số tiền 718 tỉ đồng kẹt trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cho cổ đông.
Cơ quan điều tra đánh giá: “Kiên có thái độ ngoan cố, khai báo quanh co, né tránh trách nhiệm, ngụy biện đổ lỗi cho người khác, không thành khẩn, chỉ thừa nhận những sai phạm cụ thể nhưng khi áp vào các điều luật thì chối tội. Hành vi của Nguyễn Đức Kiên là đặc biệt nghiêm trọng, cần phải nghiêm trị trong quá trình truy tố, xét xử”.
Lỗ hổng quản lý
Suốt thời gian dài từ 2005 đến 2011, Ngân hàng ACB huy động được của dân lượng tiền rất lớn với lãi suất cao, trong khi việc cho vay gặp khó khăn, việc gửi tiền liên ngân hàng cũng không thực hiện được vì nhiều ngân hàng khác cũng trong tình trạng tương tự nên không có nhu cầu nhận gửi. Để giải quyết bài toán “bí đầu ra” đó, nhằm tránh thiệt hại cho tổ chức tín dụng mà mình giữ vai trò tổng giám đốc, Lý Xuân Hải theo chỉ đạo của ông trùm đã tìm cách lách luật.
Cơ quan điều tra cũng chỉ ra rằng, để xảy ra tình trạng phạm tội như trong vụ án có các nguyên nhân: Do cơ chế, chính sách, pháp luật về thành lập, quản lý và điều hành hoạt động đối với các ngân hàng thương mại cổ phần còn nhiều bất cập, lỏng lẻo; công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các ngân hàng chưa phát huy tác dụng, thậm chí bị vô hiệu hóa; các ngân hàng thương mại cổ phần đều có bộ phận thanh tra nội bộ nhưng không phát huy được hiệu quả, không phát hiện được sai phạm do bị phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của hội đồng quản trị, sai phạm ở đây là từ quyết định của hội đồng quản trị; việc ban hành Nghị định 52/2006/NĐ ngày 19.5.2006 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Thông tư số 28/2011/NHNN ngày 1.9.2011 quy định việc tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều sơ hở, điều kiện phát hành đơn giản. Thực chất phát hành trái phiếu là để rút tiền của ngân hàng sử dụng trái mục đích, kế hoạch kinh doanh.
Đặc biệt cũng chưa có quy định cụ thể để giám sát việc đầu tư, sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại cổ phần; chưa có chế tài xử lý đối với các hành vi sai phạm trong việc phát hành, sử dụng trái phiếu nhằm để đầu tư “thao túng, thâu tóm” các ngân hàng...
(Còn tiếp)
Cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá có lẽ không thể hình dung những ngày tới đây, ông cùng với ê kíp của trùm Kiên ở Ngân hàng ACB phải ra trước vành móng ngựa của TAND TP.Hà Nội để trả lời những cáo buộc cố ý làm trái…
Minh họa: DAD |
>> ‘Phù thủy’ ngân hàng - Kỳ 1
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 2: Thợ săn tiền
>> 'Phù thủy” ngân hàng - Kỳ 3: Tham nhũng bậc thầy
>> ‘Phù thủy’ ngân hàng - Kỳ 4: Cá mập thế giới ngầm
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 2: Thợ săn tiền
>> 'Phù thủy” ngân hàng - Kỳ 3: Tham nhũng bậc thầy
>> ‘Phù thủy’ ngân hàng - Kỳ 4: Cá mập thế giới ngầm
Ai cũng biết cựu Bộ trưởng KH-ĐT này là một trí thức, có bằng tiến sĩ kinh tế ở Liên Xô (cũ) từ 1975, từng có thời gian làm công tác giảng dạy và lãnh đạo khoa ở Trường đại học Kinh tế quốc dân, trước khi chính thức tham gia công tác Chính phủ vào năm 1981. Sau khi về hưu, ông được mời làm cố vấn HĐQT Ngân hàng ACB và sau đó trở thành Chủ tịch HĐQT tổ chức tín dụng này. Nhiều người cũng còn nhớ, ngày 21.9.2012, cách một tuần trước khi bị khởi tố, ông Giá phát biểu trên một tờ báo rằng ông có “bảo bối” để bảo vệ mình là “cái mà pháp luật không có quy định, không cấm thì doanh nghiệp và người dân được làm”.
Cố ý làm trái
Nhưng kết thúc quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng đã chứng minh ông Giá vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. Thứ nhất, ông vi phạm một loạt quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất cơ bản, về trần lãi suất và luật Các tổ chức tín dụng khi ký biên bản cuộc họp thường trực HĐQT ngày 22.3.2010 ra chủ trương dùng tiền huy động của dân ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB và công ty gửi tiền đồng và ngoại tệ vào các ngân hàng khác.
Chính từ chủ trương này, Ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhân viên và 4 công ty (gồm Công ty TNHH chứng khoán ACB, Công ty TNHH MTV quản lý quỹ ACB, Công ty TNHH TM - DV Việt Thanh và Công ty CP Kim Ngân Việt) gửi tổng cộng hơn 130.000 tỉ đồng (chính xác là 130.784.813.395.045 đồng) với lãi suất từ 8,5% đến 27%/năm và hơn 81 triệu USD với lãi suất 3% đến 6%/năm vào 29 ngân hàng. Tuy đã thu được hơn 6.278 tỉ đồng và gần 2 triệu USD tiền lãi, trong đó lãi chênh lệch vượt trần hơn 258 tỉ đồng, nhưng còn kẹt lại hơn 718 tỉ đồng trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.
Thứ hai, ông Giá bị cáo buộc đồng ý với các thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra chủ trương cấp vốn cho Công ty TNHH chứng khoán ACB, là doanh nghiệp do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ đầu tư cổ phiếu của chính ngân hàng này và trực tiếp chỉ đạo việc cấp vốn cho Công ty ACBS. Thực hiện chủ trương đó, từ tháng 11.2009 đến 4.2012, Ngân hàng ACB đã cấp hơn 1.557 tỉ đồng cho Công ty ACBS để doanh nghiệp này nhờ 2 công ty ACI và ACI-HN của trùm Kiên (không có chức năng kinh doanh tài chính) đứng tên mua hơn 52 triệu cổ phiếu Ngân hàng ACB, dẫn đến thiệt hại gần 700 tỉ đồng. Hành vi này vi phạm điều 126 luật Các tổ chức tín dụng (quy định tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát) và điều 29, Quyết định 27/2007 ngày 24.4.2007 của Bộ Tài chính (quy định công ty chứng khoán không được đầu tư vào cổ phiếu hoặc góp vốn của công ty sở hữu trên 50% vốn điều lệ của công ty chứng khoán).
Hậu quả phi vật chất
Cơ quan điều tra kết luận: “Việc Trần Xuân Giá đồng ý chủ trương dùng tiền huy động của dân không sử dụng vào cho vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết vấn đề an sinh xã hội của đất nước, kinh doanh không nằm trong lĩnh vực được phép hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sử dụng không đúng mục đích kinh doanh mà ủy thác cho các tổ chức, cá nhân gửi vào các ngân hàng khác làm sai lệch số lượng tiền gửi, cũng như tài sản thực có của các ngân hàng, từ đó làm ảnh hưởng đến chủ trương điều hành thị trường tiền tệ, gây rối loạn thị trường tiền tệ, gây hậu quả về phi vật chất đặc biệt lớn trong việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ…”.
Trong khi đó, ê kíp dưới quyền ông Giá gồm các phó chủ tịch Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang và Trịnh Kim Quang, vốn từng được biết đến là những chuyên gia giỏi về tài chính, khi bị khởi tố với vai trò đồng phạm giúp sức trong vụ án này đều thừa nhận mình sai pháp luật, nhưng cho rằng họ chỉ là một thành viên không thể chống lại chủ trương của tập thể.
Riêng Tổng giám đốc Lý Xuân Hải, cơ quan điều tra xác định là người được đào tạo cơ bản về quản lý kinh tế, có hiểu biết nhiều về lĩnh vực tài chính ngân hàng, có nhiều năm làm quản trị, điều hành ngân hàng, biết rõ mọi chế độ, chính sách và quy định của Ngân hàng Nhà nước, của Chính phủ về hoạt động kinh doanh tài chính, tiền tệ, kinh doanh chứng khoán, kinh doanh vàng nhưng đã đề xuất chủ trương trái pháp luật như đã nêu trên. Sau khi được HĐQT thông qua thành nghị quyết, ông Hải trực tiếp chỉ đạo thực hiện các chủ trương này nhằm mục đích thu lợi cho nhóm cổ đông.
Đương nhiên, bao trùm lên tất cả vẫn là vai trò của Nguyễn Đức Kiên. Ông trùm tài chính này được xác định đã lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của Nghị định 52 của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các quy định của Ngân hàng Nhà nước về kinh doanh vàng, quy định về cơ chế điều hành lãi suất trong từng thời điểm… để thực hiện các hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra cho rằng, một số hành vi thao túng ngân hàng, sở hữu chéo do chưa được pháp luật điều chỉnh nên chưa có cơ sở để xử lý hình sự đối với ông Kiên.
Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu chứng cứ đã thu thập được có đủ cơ sở chứng minh ông Kiên phạm vào 4 tội danh: kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó ông Kiên là đối tượng chính, chủ mưu chỉ đạo mọi hoạt động phạm tội, có sự giúp sức đắc lực của Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang…(Còn tiếp)
Hàng ngàn tỉ đồng thiệt hại được “chốt sổ” ở thời điểm bị bắt nhưng tổng giá trị tài sản còn lại của Huỳnh Thị Huyền Như chỉ hơn 200 tỉ đồng. Sức ép từ thế giới ngầm được coi là động cơ chính thúc đẩy nữ cán bộ tín dụng này bất chấp mọi thủ đoạn để hút nguồn “tiền tươi”.
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 3: Tham nhũng bậc thầy
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 2: Thợ săn tiền
>> ‘Phù thủy’ ngân hàng - Kỳ 1
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 2: Thợ săn tiền
>> ‘Phù thủy’ ngân hàng - Kỳ 1
Minh họa: DAD |
Hầu như bất cứ ai cũng đều biết, tín dụng đen xưa nay không ồn ào, thủ tục “giải ngân” cực kỳ đơn giản. Thậm chí trong vụ án này, chỉ cần một tin nhắn qua điện thoại thì tiền tỉ đã lập tức chuyển tới. Nhưng luật “xin tí huyết” của thế giới ngầm khiến con nợ khiếp đảm, một xu tiền lời cũng không dám chậm. Chính vì vậy cơ quan điều tra, bên cạnh việc khẳng định Huỳnh Thị Huyền Như “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật”, cũng đã rất công bằng khi chỉ rõ áp lực từ các “cá mập” tín dụng đen là nguyên nhân thúc đẩy Như thực hiện hành vi phạm tội.
Nghi vấn rửa tiền
Như khai, cuối năm 2007, thông qua một cò chứng khoán là Hùng Mỹ Phương (tức Phương Đen) môi giới, Như gặp Nguyễn Thiên Lý. Lý sinh năm 1975, gốc Quảng Bình, lý lịch ghi nghề nghiệp buôn bán và cũng không có dấu hiệu gì ghê gớm khi sống trong một con hẻm ở P.11, Q.Bình Thạnh. Nhưng sau lần sơ giao, Lý chủ động đến Vietinbank tìm Như, hỏi có muốn vay thì Lý cho vay, lãi suất 0,4%/ngày. Như đã dính vào Lý kể từ lần “giải ngân” đầu tiên với số tiền 100.000 USD và khoảng 3 tỉ đồng. Trong khi đó Lý khai, ban đầu hai bên quan hệ mua bán cổ phiếu, rồi Như rủ Lý góp tiền để “làm đáo hạn ngân hàng” cho các doanh nghiệp và đầu tư nhà máy đánh bóng gạo…
Cơ quan điều tra đã làm rõ, từ ngày 1.12.2009 đến 14.9.2011, Lý cho Như vay hơn 554 tỉ đồng và 340.000 USD với lãi suất ngày từ 0,4 đến 1,7%. Nhưng Lý đã nhận của Như tổng số tiền gốc và lãi lên đến gần 1.300 tỉ đồng. Đến thời điểm bị bắt, Như vẫn còn nợ Lý hơn 216 tỉ đồng và 340.000 USD tiền gốc. Tính chung, Lý đã “cắn” Như hơn 735 tỉ đồng. Tổng giá trị tài sản của Lý ở thời điểm kết thúc vụ án vẫn còn hơn 328 tỉ đồng, trong đó gồm hơn 146 tỉ đồng tiền mặt, hơn 156.000 EUR cùng nhiều ngoại tệ khác.
Vấn đề đặt ra là một phụ nữ buôn bán bình thường lấy đâu ra nguồn tiền khổng lồ để cho vay như vậy? Thời gian đầu cơ quan điều tra cũng đã nghi vấn về những dấu hiệu rửa tiền của người đẹp này nhưng chưa đủ chứng cứ kết luận nên đã chuyển tội danh khởi tố sang cho vay lãi nặng.
Trong khi đó, cũng từ năm 2007, Như dính vào một đường dây tín dụng khác của bà Nguyễn Thị Lành ở khu dân cư Tân Quy Đông, P.Tân Phong, Q.7. Tính từ thời điểm tháng 3.2008 đến khi vụ án được phát hiện, bà Lành “giải ngân” cho Như hơn 7.800 tỉ đồng và đã thu lại hơn 9.000 tỉ đồng tiền gốc và lãi. Cơ quan điều tra xác định, riêng trong giao dịch với Như bà Lành đã thu lợi bất chính gần 1.200 tỉ đồng.
Nhặt của rơi
Đường đường chính chính là cán bộ của Vietinbank, nghiệp vụ tín dụng dày dặn nhưng Như không thoát được bàn tay vô hình của thế giới ngầm Sài Gòn. Trong vòng 4 năm “phát tài và lụn bại”, Như vật lộn trong vòng vây của hàng chục “ngân hàng đen”. Ngoài những đầu mối “giải ngân” lên đến con số hàng ngàn tỉ như đã nêu, các đường dây khác của Đào Thị Tuyết Dung (P.13, Q.Tân Bình); Hùng Mỹ Phương... với lãi suất ngày gấp 10 lần lãi suất cao nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng đã “cắn” nữ cán bộ tín dụng này mỗi nơi ít nhất vài trăm tỉ đồng.
Rõ ràng nếu nhìn ở “bề nổi”, với việc hút “tiền tươi” ồ ạt trong suốt thời gian dài thì rất khó hình dung vì sao một nữ cán bộ tín dụng “lừng lẫy” giờ đây chỉ còn lại tổng giá trị tài sản chưa đến 230 tỉ đồng. Đặc biệt vào thời điểm này, khi vụ án đang trong giai đoạn chuẩn bị đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND TP.HCM với con số thiệt hại được kết luận lên đến gần 4.000 tỉ đồng, vấn đề “tiền đã mất có lấy lại được không” là mối quan tâm hàng đầu không chỉ riêng của những cá nhân, đơn vị bị hại. Cơ quan điều tra đã rất nỗ lực khi tìm kiếm và kê biên được 13 bất động sản của Như (gồm căn hộ, nhà xưởng, nhà đất) nằm rải rác khắp các tỉnh thành phía nam, từ đất ở xã Vĩnh Thạnh Trung (H.Châu Phú, An Giang) đến các villa ở xã Điện Dương (H.Điện Bàn, Quảng Nam), biệt thự Hồ Tràm (H.Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu)… Thậm chí tại TP.HCM, nhiều tài sản khác liên quan như sa lon, giường, tủ, ti vi, tủ lạnh, máy lạnh, lò nướng, máy rửa chén... do Như mua sắm trang bị ở các biệt thự Nam Phú (Q.7), An Phú Đông (Q.12)... cũng đã được thu giữ để khắc phục hậu quả do Như gây ra. Nhưng tổng cộng tài sản kê biên và thu giữ các loại cũng chỉ hơn 624 tỉ đồng, 156.000 EUR, 4.629 USD, 920 SGD và 400 HKD.
Trong khi đó, quá trình điều tra bổ sung theo yêu cầu “xác định người bị hại trong vụ án” của Viện KSND tối cao, cơ quan điều tra đã kết luận rõ số tiền thực tế Như còn chiếm đoạt là hơn 3.900 tỉ đồng của các đơn vị, cá nhân. Trong đó Công ty Phúc Vinh hơn 608 tỉ đồng; Công ty Thịnh Phát hơn 788 tỉ đồng; Công ty Hưng Yên hơn 200 tỉ đồng; Ngân hàng ACB hơn 701 tỉ đồng; Công ty An Lộc hơn 170 tỉ đồng; Công ty CP chứng khoán Phương Đông 380 tỉ đồng…
Riêng đối với Ngân hàng ACB, trước khi vụ án xảy ra Tổng giám đốc Lý Xuân Hải và ê kíp lãnh đạo đã từng họp bàn đến giải pháp quy trách nhiệm số tiền gửi cho Vietinbank và chuẩn bị phương án khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự để đòi nợ. Tuy nhiên cơ quan điều tra xác định, ngân hàng này biết rõ Như lấy danh nghĩa Vietinbank huy động tiền gửi với lãi suất vượt trần từ 3,8 đến 4,5%/năm là vi phạm thông tư của Ngân hàng Nhà nước; biết rõ việc dùng tiền huy động của dân ủy thác cho nhân viên gửi vào Vietinbank là trái với luật Các tổ chức tín dụng... nhưng vì tham lãi suất cao, muốn thu lợi bất chính cho nhóm cổ đông nên vẫn làm, tạo điều kiện cho Như lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. Vì vậy ACB là bị hại của Như.
Cựu Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng tuy đang trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận quanh canh bạc “ụ nổi triệu USD” nhưng có lẽ, còn lâu ông ta mới học được cách lấy tiền “như trở bàn tay” của Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Thái Bình Dương.
Minh họa: DAD
|
Phá vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, cơ quan điều tra đã rất nỗ lực truy tìm những kẻ hưởng lợi bất chính để thu hồi tài sản về cho nhà nước. Dù thời hạn điều tra đã hết, nhiều vấn đề có dấu hiệu bất minh chưa kịp đưa ra ánh sáng trong thời điểm này, nhưng với những gì liên quan đến Tổng giám đốc Công ty CP vận tải dầu khí Thái Bình Dương (Công ty Thái Bình Dương) Phạm Anh Tuấn, có thể thấy cơ quan bảo vệ pháp luật đã rất quyết liệt.
Đút túi hơn 121 tỉ đồng
Công ty Thái Bình Dương thành lập đầu năm 2008, trụ sở đặt tại Q.4, TP.HCM, vốn điều lệ 1.200 tỉ đồng với các cổ đông sáng lập là những tên tuổi lớn trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước, gồm Tổng công ty CP vận tải dầu khí; Công ty tài chính dầu khí; Tổng công ty CP dầu khí Việt Nam và Vietcombank. Phạm Anh Tuấn được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc vào tháng 6.2009. Theo giấy phép Sở KH-ĐT TP.HCM cấp thì công ty chỉ có các chức năng kinh doanh vận tải dầu thô, đào tạo nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm, cho thuê phương tiện vận tải, dịch vụ môi giới tàu biển, sửa chữa tàu biển, đại lý hàng hải... không có chức năng kinh doanh tài chính và ủy thác đầu tư.
Nhưng, như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, chỉ trong thời gian từ tháng 3.2010 đến 6.2011, Phạm Anh Tuấn đã ký với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè hàng chục hợp đồng ủy thác đầu tư vốn (các hợp đồng này cơ quan điều tra xác định do Huỳnh Thị Huyền Như làm giả) để gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè tổng cộng hơn 1.400 tỉ đồng, lãi suất trong hợp đồng từ 10,49% đến 14%/năm, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 1 đến 4%/năm. Thực tế tiền này không chuyển vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè mà chuyển vào tài khoản của các công ty do Như thành lập mở tại Eximbank, Vietcombank và Agribank. Theo cơ quan điều tra, trước khi vụ án xảy ra, các bên đã tất toán 14 hợp đồng, với tổng số tiền hơn 1.472 tỉ đồng, trong đó tiền lãi gần 60 tỉ đồng. Riêng 1 hợp đồng ký ngày 21.6.2011 với số tiền 80 tỉ đồng chưa tất toán, đã bị Như rút đem đóng lãi cho các trùm tín dụng đen trong thế giới ngầm.
Như khai, ngoài tiền lãi trả cho Công ty Thái Bình Dương, Như thỏa thuận trả riêng cho Phạm Anh Tuấn nhiều khoản, bao gồm lãi chênh lệch 0,4%, thưởng 1%, phí báo cáo 1,5% nhân với tổng số tiền gửi nhân với số ngày thực gửi... Từ ngày 19.3.2010 đến 22.6.2011, Như đã chỉ đạo nhân viên thân tín là Đỗ Quốc Thái giao cho Phạm Anh Tuấn 21 lần với tổng số tiền là hơn 121,6 tỉ đồng; đồng thời chỉ đạo Huỳnh Mỹ Hạnh (em gái Như) và Âu Thanh Hòa (nhân viên giúp việc) theo dõi và lưu tại các USB từng lần cụ thể. Như khai, trong số “một trăm hai mốt tỉ sáu trăm bảy sáu triệu sáu trăm chín lăm nghìn đồng” đã giao cho Phạm Anh Tuấn, có 29 tỉ đồng lãi chênh lệch trả cho Tổng công ty vận tải dầu khí, còn lại là lãi chênh lệch từ các hợp đồng của Công ty Thái Bình Dương. Mỗi khi đến hạn trả tiền, Phạm Anh Tuấn đều gọi điện cho Như bằng số 0974596... và 0903730..., đến số điện thoại của Như 0937963... để xác định số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng phải trả.
Những số điện thoại này giờ đây cũng đã góp phần tố cáo bậc thầy tham nhũng.
Lấy tiền đóng tàu cho vay
Khi bị bắt, cựu tổng giám đốc 36 tuổi gốc Hải Phòng Phạm Anh Tuấn khai toàn bộ số tiền hơn 1.400 tỉ đồng “doanh số” trong thời gian từ tháng 3.2010 đến 6.2011 tuy “hợp đồng ủy thác đầu tư góp vốn với ngân hàng” nhưng đều được chuyển từ tài khoản Công ty Thái Bình Dương đến tài khoản công ty của Như. Việc này Tuấn quyết định và “có báo cáo lên lãnh đạo Tổng công ty và Hội đồng quản trị”. Số tiền “ủy thác đầu tư” này là tiền vốn đóng 3 con tàu chở dầu với Công ty Vinashin Dung Quốc nhưng chưa thanh toán. Việc đến nay công ty chưa thu hồi được 80 tỉ đồng, Tuấn thừa nhận thuộc trách nhiệm của mình. Riêng số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng hơn 121,6 tỉ đồng Như khai, Tuấn không thừa nhận. Tuấn thừa nhận có sử dụng 3 số điện thoại di động là 0903730..., 0939792... và 0974596..., nhưng nói không quen biết và không liên lạc với Đỗ Quốc Thái, không nhận tiền chênh lệch và hoa hồng của các hợp đồng đã ký kết từ Thái...
Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã thu giữ những chứng cứ không dễ chối cãi. Đỗ Quốc Thái đã khai rất chi tiết toàn bộ 21 lần “cầm tiền mặt đưa trực tiếp” cho Phạm Anh Tuấn. Cơ quan điều tra đã tổ chức cho Thái nhận dạng qua ảnh đối với Tuấn và cũng đã cho hai bên trực tiếp đối chất, Thái vẫn khẳng định đã đưa Tuấn 21 lần tiền như sổ sách đã ghi.
Liên quan đến lời khai của Thái, cơ quan điều tra cũng thẩm vấn một nhân viên và một lãnh đạo phòng giao dịch Hoàng Diệu của chi nhánh Agribank Mạc Thị Bưởi (chung tòa nhà H3, Hoàng Diệu, Q.4 với văn phòng Công ty Thái Bình Dương) và các lời khai đều phù hợp. Cơ quan điều tra cũng xem xét thông tin từ USB thu giữ khi bắt Như và sổ sách do nhóm giúp việc của Như ghi chép, trong đó thể hiện rõ 21 lần Thái giao tiền cho Tuấn, lần nhiều nhất là hơn 15,1 tỉ đồng (ngày 1.7.2010) và lần ít nhất là 1,1 tỉ (ngày 22.3.2010). Xác minh tại Viettel, nhà mạng này cũng xác nhận số điện thoại của Tuấn nhiều lần gọi đến và nhận cuộc gọi từ các thuê bao của Như và Thái.
Cơ quan điều tra kết luận, có cơ sở xác định từ ngày 19.3.2010 đến ngày 22.6.2011 Phạm Anh Tuấn đã nhận nhiều lần của Như số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng với tổng cộng là hơn 121,6 tỉ đồng (do Đỗ Quốc Thái giao tiền mặt). Trong đó rõ nhất là hơn 5,2 tỉ đồng Thái giao cho Tuấn vào ngày 7.6.2010 và hơn 11,8 tỉ đồng giao ngày 29.12.2010 vì toàn bộ số tiền này được Tuấn nộp nguyên vẹn vào tài khoản ở Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi. (Còn tiếp)
Trong lúc hàng vạn doanh nghiệp chết trơ xương vì đói vốn thì dòng tiền ồ ạt đổ về những nơi chẳng ai ngờ tới. Trong lịch sử tố tụng hình sự tại TP.HCM, có lẽ sắp tới, khi vụ án được đưa ra xét xử phải mở thêm một trang mới về bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như.
Minh họa: DAD |
>> ‘Phù thủy’ ngân hàng (kỳ 1)
Như thực ra chỉ là một phụ nữ sinh năm 1978 gốc Tiền Giang chân yếu tay mềm, giữ một cương vị cũng rất khiêm tốn tại Vietinbank là quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ chi nhánh TP.HCM. Nhưng Như biết cách “đi dây” và hút được không chỉ nguồn tiền “chính quy” mà cả tín dụng đen của thế giới ngầm Sài Gòn. Có lẽ chính vì vậy mà cũng chưa bao giờ trong một vụ án kinh tế, trước khi cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động tố tụng lại nhận được nhiều đơn tố cáo như trong vụ án này.
Lãi trong lãi ngoài
Cơ quan điều tra xác định, từ đầu năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như lúc đó là cán bộ tín dụng Vietinbank chi nhánh TP.HCM đã “mắc kẹt” hơn 200 tỉ đồng huy động của nhiều ngân hàng và cá nhân trong đám băng bất động sản. Cầm cự đến năm 2010, khi được bổ nhiệm làm quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, nắm quyền ký duyệt lệnh chuyển tiền với hạn mức mỗi lệnh 50 tỉ đồng, Như bắt đầu lao vào những cuộc săn tiền lớn.
Từ nguồn tin của một cò chứng khoán, biết được Công ty CP vận tải dầu khí Thái Bình Dương (Công ty Thái Bình Dương) có một nguồn tiền muốn gửi ngân hàng, Như lập tức gõ cửa để huy động nguồn này về Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Được chủ nguồn tiền đồng ý, Như soạn thảo hợp đồng, đóng dấu thật, nhưng giả chữ ký của bà Hương, Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM, để ký với Công ty Thái Bình Dương. Theo đó, số tiền gửi là 118 tỉ đồng, lãi suất “bên trong” theo hợp đồng là 10,49%/năm, bên ngoài là 1%/năm. Nhưng tiền này không về Vietinbank chi nhánh TP.HCM mà về thẳng tài khoản Công ty Hoàng Khải của Như tại Eximbank. Đến tháng 6.2010, Như mới chuyển trả lại tài khoản của Công ty Thái Bình Dương tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM 118 tỉ đồng tiền gốc và hơn 3,4 tỉ đồng tiền lãi. Trong khi đó, từ tháng 3.2010, Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Thái Bình Dương lại chủ động gọi Như gửi thêm tiền. Sợ bị lộ việc giả mạo chữ ký lần trước, Như đề nghị gửi tiền về Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Ông Tuấn đồng ý nhưng đòi tăng tiền lãi ngoài, Như chấp nhận. Từ ngày 4.3.2010 đến 21.6.2011, Như làm giả 15 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank chi nhánh Nhà Bè với Công ty Thái Bình Dương, huy động tổng cộng gần 1.500 tỉ đồng từ công ty này với lãi suất theo hợp đồng từ 10,49%/năm đến 14%/năm, bên ngoài từ 1 đến 4%/năm.
Sau khi bị bắt, Như khai trong quá trình huy động tiền của Công ty Thái Bình Dương, đã trả “lãi riêng” cho Tổng giám đốc Phạm Anh Tuấn hơn 121 tỉ đồng; trả cho nhân viên môi giới 4 tỉ đồng. Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố ông Phạm Anh Tuấn về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Riêng nhân viên môi giới trong phi vụ này chỉ thừa nhận được Như trả hơn 1,26 tỉ đồng và đã nộp lại khắc phục hậu quả.
Săn “hàng sỉ”
Tháng 5.2010, thông qua một nhân viên công ty chứng khoán, Như biết Công ty CP chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS) có nguồn tiền muốn gửi vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM với lãi suất theo hợp đồng 14%/năm và lãi ngoài từ 16 đến 18%/năm, tổng cộng từ 32 đến 36%/năm. Không để vuột nguồn tiền này, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng từ ngày 18.5.2011 đến 31.8.2011, Như đã làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư giữa SBBS với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, ký giả chữ ký của Hà Anh Tuấn, Giám đốc và Võ Anh Tuấn, Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để huy động 245 tỉ đồng (nhưng thực tế SBBS chỉ chuyển 225 tỉ đồng). Để rút số tiền này, Như yêu cầu SBBS mở tài khoản tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM, khi tiền vào thì Như làm giả lệnh chi chuyển đi nơi khác.
Khoảng tháng 5.2011, từ nguồn tin của một số nhân viên ngân hàng, Như biết được có một số công ty ở Hà Nội đang có nguồn tiền muốn gửi và cần gặp trực tiếp để đàm phán”. Như lập tức bay ra Hà Nội. Tại Hà Nội, thỏa thuận tiền gửi của đại diện 3 công ty với Như được hoàn tất, lãi suất từ 18 đến 22%/năm tùy theo số lượng tiền và thời gian gửi. Trở về TP.HCM, chỉ trong vòng 4 tháng, Như đã làm giả 110 hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng với 3 doanh nghiệp ở Hà Nội, huy động tổng cộng gần 2.500 tỉ đồng. Sau khi tiền được chuyển về tài khoản của họ mở tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM, Như tiếp tục làm giả 127 lệnh chi, ký giả chữ ký của các giám đốc doanh nghiệp trên các lệnh chi đó để rút sạch. Đến thời điểm trước khi bị bắt, Như chỉ mới trả lại cho 3 công ty này tổng cộng cả gốc lẫn lãi chưa đến 1.000 tỉ đồng.
Khoảng tháng 6.2011, nhờ một người tên Lê Huyền Trân giới thiệu, Như biết Công ty CP bảo hiểm Toàn Cầu có tiền muốn gửi vào Vietinbank. Cũng lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank Nhà Bè, chỉ trong vòng 2 tháng Như đã làm giả 5 hợp đồng ủy thác đầu tư “hút” hết nguồn tiền gần 125 tỉ đồng của doanh nghiệp này, đến nay chưa trả lại đồng nào.
Cũng với “cách làm” tương tự, Như đã “săn” được hàng loạt các nguồn tiền khổng lồ, thậm chí từ những “tên tuổi lớn” như Ngân hàng VIB chi nhánh TP.HCM (180 tỉ đồng); Ngân hàng Navibank (200 tỉ đồng); Công ty CP chứng khoán Phương Đông và Công ty CP chứng khoán An Lộc (tổng cộng hơn 550 tỉ đồng); Ngân hàng ACB (hơn 718 tỉ đồng)...
Cơ quan điều tra kết luận, chỉ trong vòng 1 năm rưỡi kể từ lúc nắm quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank chi nhánh TP.HCM, Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả 8 con dấu của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và 7 doanh nghiệp; làm giả tài liệu của 2 ngân hàng Vietinbank và nhiều đơn vị, cá nhân khác để lừa đảo chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân với tổng số tiền lên đến hơn 4.900 tỉ đồng. Cơ quan điều tra cũng xác định, Như đã dùng một phần tiền chiếm đoạt được trả lại cho 4 công ty trong số đó tổng cộng hơn 900 tỉ đồng. (Còn tiếp)
Mua bán vàng trái phép tràn lan, lũng đoạn ngân hàng, lừa đảo hàng loạt... là thực tế nhức nhối được chỉ rõ trong kết luận các “đại án” tham nhũng mới đây, đặc biệt là các vụ liên quan đến ông trùm Nguyễn Đức Kiên và “phù thủy” Huỳnh Thị Huyền Như.
Trùm Kiên trước khi bị bắt - Ảnh: Khả Hòa |
Trên thực tế, không phải đến ngày 20.8.2012, khi trùm Kiên bị bắt, mà từ trước đó Thanh Niên đã có nhiều bài viết cảnh báo những bất cập từ chính sách đã tạo kẽ hở cho việc thao túng ngân hàng và rủi ro ở thị trường vàng ảo. Thậm chí cuối năm 2011, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cũng đã từng phát hiện “một số sai phạm” trong quá trình quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB tại chi nhánh Thăng Long và chi nhánh Hà Nội, nhưng “biện pháp mạnh” vẫn phải chờ đến gần một năm sau, khi đơn thư tố cáo dồn dập chuyển đến cơ quan điều tra.
Tiền không phép
Cuối năm 2008, trùm Kiên đã mở Công ty B&B tại Hà Nội. Cho đến thời điểm ông ta bị bắt, hội đồng quản trị cũng chỉ gói gọn trong gia đình, giữa ông ta với vợ (bà Lan) và em gái (bà Hương). Cơ quan điều tra xác định B&B “không được nhà nước cấp phép kinh doanh tài chính” nhưng từ khi ra đời đến khi đóng cửa, công ty này đã “quậy tưng” thị trường tài chính. Trong vòng một tháng từ 4.9 đến 5.10.2009, B&B đã vốc gần 1.300 tỉ đồng trên tổng số gần 1.500 tỉ đồng vốn điều lệ đổ vào AFG (Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu) cũng do trùm Kiên làm chủ tịch. Hơn một năm sau, ngày 30.11.2010, chấp hành “lệnh” chồng, bà Lan ký bán 10 triệu trái phiếu (trị giá 1.000 tỉ đồng) B&B cho Ngân hàng ACB, kỳ hạn 10 năm. Tài sản đảm bảo là gần 1 triệu cổ phiếu VietinBank của những thành viên trong gia đình gồm vợ, em gái, em rể, em rể vợ, mẹ vợ, bố vợ. Rút nhanh 1.000 tỉ đồng từ ACB, ông trùm tiếp tục phân phát lại cho các thành viên trong gia đình đi thâu tóm cổ phiếu ngân hàng và cổ phần hàng loạt công ty khác.
Trong khi đó, Tập đoàn AFG ra đời đầu năm 2007 tại Hà Nội với 10 cổ đông gồm Công ty CP đầu tư Thời Đại do Trần Phú Hòa làm giám đốc; Công ty B&B của trùm Kiên; Nhựa Đại Hưng của Phạm Văn Mẹo; Công ty CP Khang Nga do Trần Hồng Ngữ làm giám đốc; Công ty Tùng Thảo của Nguyễn Thanh Vinh; Công ty SP của Phan Thanh Minh và các cá nhân là Trần Phú Mỹ, Phan Thanh Minh, Đinh Quang Duy, Nguyễn Lê Mai Thảo và cũng không được cấp phép kinh doanh tài chính. Nhưng đến thời điểm vụ án bị phát hiện, cơ quan điều tra xác định trùm Kiên đã chỉ đạo tập đoàn này sử dụng hơn 4.000 tỉ đồng kinh doanh tài chính trái phép, trong đó bao gồm 3.200 tỉ đồng vốn điều lệ, 400 tỉ thu được từ phi vụ phát hành trái phiếu bán cho Ngân hàng Phương Nam và 468 tỉ huy động. Cũng tại Hà Nội, Công ty ACBI (Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội) do trùm Kiên thành lập năm 2006 không được nhà nước cho phép kinh doanh tài chính, nhưng chỉ trong vòng chưa đầy một năm từ tháng 5.2007 đến tháng 4.2008, công ty này đã sử dụng hơn 1.400 tỉ đồng gây náo loạn thị trường tài chính khu vực phía bắc. Đặc biệt còn mua gom hàng trăm tỉ đồng cổ phiếu của 2 ngân hàng lớn là Techcombank và Eximbank.
Tương tự, Công ty ACI (Công ty CP đầu tư Á Châu) tại TP.HCM và Công ty ACI - HN (Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội) của ông trùm cũng bị cáo buộc kinh doanh tài chính trái phép tổng cộng gần 2.000 tỉ đồng trong vòng 3 năm từ 2008 đến 2011. Trong đó có hơn 1.400 tỉ đồng thu gom cổ phiếu hàng loạt các ngân hàng như VietinBank, Đại Á, KienLongbank, Eximbank, ACB và các công ty dệt may Phố Nối, đầu tư Nam Sao...
Vàng trái phép
Công ty Thiên Nam được trùm Kiên thành lập tại Hà Nội từ năm 1995. Cơ quan điều tra xác định đến thời điểm tháng 6.2000, khi đăng ký thay đổi lần thứ 7 cũng chỉ có các chức năng sản xuất hàng may mặc, xuất nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp nhẹ và kinh doanh bất động sản, hoàn toàn không có chức năng kinh doanh vàng. Nhưng dưới sự chỉ đạo của ông trùm, hoạt động kinh doanh vàng vẫn diễn ra rầm rộ. Đến thời điểm Ngân hàng Nhà nước “thổi còi”, công ty này thực hiện 49 giao dịch bằng 150.000 ounce để đóng tài khoản đã ủy thác và lỗ hơn 21 triệu USD (tương đương 400 tỉ đồng vào thời điểm đó). Ngoài ra, công ty này còn mua bán vàng vật chất trong nước trái phép với số lượng rất lớn, nhưng lúc bấy giờ các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa có động thái gì.
Trên thực tế, theo cơ quan điều tra, từ giữa năm 2008 đến tháng 6.2010, thường trực HĐQT Ngân hàng ACB cũng mở rộng cửa cho 6 công ty của trùm Kiên kinh doanh vàng trạng thái với nước ngoài và kinh doanh vàng thông qua tài khoản của ACB. Đến ngày 30.6.2010, khi Ngân hàng Nhà nước phát văn bản yêu cầu ACB đóng tài khoản kinh doanh vàng với 6 công ty này thì tổng số lỗ lên tới hơn 178 triệu USD (tương đương với hơn 3.400 tỉ đồng vào thời điểm tỷ giá 19.000 đồng), trong khi tài sản ký quỹ của 6 công ty chỉ còn hơn 1.300 tỉ đồng. Từ đây, thủ thuật “lắp đầy” được tiếp tục. ACB cho 6 công ty nhận nợ bắt buộc bằng hình thức ký hợp đồng vay vàng với số lượng tương ứng với khoản lỗ là 91.268 lượng và bổ sung tài sản đảm bảo. Thực hiện chỉ đạo theo hướng này, ACB chi nhánh Thăng Long đã ký hợp đồng “phân phát” số vàng cho từng công ty. Trong đó Công ty ACBI, Công ty ACI - HN và Tập đoàn AFG mỗi đơn vị vay 16.771 lượng; Công ty B&B vay 16.070 lượng, Công ty Thiên Nam vay 14.385 lượng và Công ty ACI vay 10.500 lượng. Việc này đã bị thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội phát hiện và kết luận “vi phạm điều kiện vay vốn, thẩm định cho vay, kiểm tra sau vay và thẩm định tài sản” từ trước khi vụ án được khởi tố.
Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó. Dù “ép vay”, với quyền lực ông trùm, sau khi ký hợp đồng ACB vẫn phải giải ngân cho 6 công ty trên bán hết vàng ký quỹ. Theo báo cáo của ACB với cơ quan điều tra, tính đến thời điểm 30.4.2013 tổng dư nợ 6 công ty và 5 cá nhân trong gia đình ông trùm tại ngân hàng này đã lên đến hơn 7.300 tỉ đồng, trong khi tổng giá trị tài sản đảm bảo được thẩm định hơn 6.400 tỉ đồng, âm 944 tỉ đồng. (còn tiếp)